Sòng Bạc

CHƯƠNG 14

— Con bé sẽ ở đây đến bao giờ, anh Franz?

Tôi vừa giải thích xong cho Sarah về tình trạng đặc biệt của Heidi. Đây là lần thứ hai, lần trước tôi đã phải làm một cuộc nói chuyện năm mươi lăm phút bằng điện thoại giữa Las Vegas, Nevada và Montego Bay Jamaique.

— Để đến đầu tháng giêng rồi xem sao.

— Tại sao lại đầu tháng giêng?

— Hay trong những ngày lễ cuối năm. Anna và tất cả mấy chị em Moser sẽ từ Áo tới Colorado. Và cả chúng ta nữa. Chính theo ý kiến của em mà anh mời họ. Và ở Colorado, còn có cả Gunther mà em đã biết.

— Em biết. Anh ấy đẹp trai, lại không cười gằn một cách đần độn khi em trượt tuyết trên hai mông đít. Khác với những người khác, mà em cũng biết. Nhưng, anh chưa trả lời vào câu hỏi của em.

— Anh biết! Anh chưa trả lời vào câu hỏi của em.

— Bây giờ, em có một câu hỏi khác.

Tôi biết Sarah đang sắp nói gì với tôi. Không phải là hỏi nữa, mà là nói. Cô ta nói với tôi thế này:

— Anh Franz, không phải là chuyện mới hôm qua đâu. Đối với trẻ em, thì anh bao giờ cũng trở nên hoàn toàn lẩm cẩm. Em còn nhớ cái lần ở Marrakech, cái người đàn bà Đức ấy đã báo cho cảnh sát là có một thằng điên loạn dâm bắt cóc mất bằng máy bay lên thẳng những đứa trẻ khủng khiếp của bà ta. Thằng điên loạn dâm ấy là anh, và anh đã nhồi nhét cho những đứa trẻ tội nghiệp ăn không biết bao nhiêu kẹo “rahat loukoum", đến nỗi sau cảnh sát, lính cứu hỏa, không quân, cảnh vệ, người ta còn phải triệu tập thêm cả một bác sĩ nội khoa nữa. Lẩm cẩm thật sự rồi.

Một lát.

— Nhưng bây giờ thì còn tệ hơn nữa.

Marc Andréa và Heidi đã nhập vào với một nhóm trẻ con khác, và chúng đang tổ chức một cuộc biểu tình chính trị. Có một mình, thì con trai tôi không bao giờ dám đến chơi với trẻ con khác, nhưng với Heidi, thì nó như nổ trời. Chưa bao giờ tôi thấy nó hạnh phúc như thế. Gần như tôi muốn ghen với nó.

— Anh Franz, anh có thể chọn lựa. Anh có thể chờ mười hay mười hai năm nữa rồi lấy nó làm vợ.

— Em thông minh đấy.

— Anh có thể, tất cả chúng ta có thể sang trú ngụ ở Áo, tại Sankt Joham trước mặt cái khách sạn mà Anna và anh chồng chưa cưới rám nắng đẹp trai của cô ta sắp mua, hay sắp xây, em cũng không biết nữa...

— Mua! Cái khách sạn ấy đã có rồi.

— Hoặc là, anh có thể nhận nó làm con nuôi.

Im lặng. Bỗng tự nhiên tôi cảm thấy mệt mỏi muốn chết được. Đã quá sức chịu đựng. Kể từ giữa tháng sáu, khi tôi đổ bộ xuống New York để báo cho Philip Vandenberg biết ý định của tôi muốn mua một cái sòng bạc, cho đến nay, tôi không ngừng chạy đôn, chạy đáo. Nhưng thôi hết rồi, hết trong một thời gian dài, có thể là rất dài nữa. Tôi có đằng trước mặt mình cả một giai đoạn dài yên tĩnh. Henry Chance và Caliban còn ở lại Vegas. Sự có mặt của họ ở Atlantic City lúc này chưa cần thiết. Họ sẽ đến xem qua cái khách sạn và những bản thiết kế tân trang của các kiến trúc sư, rồi họ lại trở về Nevada và ở đấy họ sẽ làm việc tuyển mộ nhân sự rất lớn, những người chuyên môn cao cần thiết cho chúng tôi vào mùa xuân sang năm. Đối với tôi, tóm lại là chỉ còn có trông nom công việc xây dựng. Đến tại chỗ, tôi muốn nói là đến Atlantic City mỗi tuần một lần, và có lẽ cũng không cần đến thế. Là quá đủ rồi. Tôi cười với Sarah. Tôi kéo cô ta lại với tôi:

— Anh đánh cuộc rằng em đã biết từ nay đến mùa xuân, chúng ta sẽ đi đến đâu để ở rồi.

Cô ta liếc nhìn tôi bằng cặp mắt xanh mọi khi, lắc đầu và đáp lại nụ cười của tôi. Cô khoác tay tôi, và chúng tôi cùng đi như một cặp vợ chồng già mà con cái đang chơi trong một công viên vào một buổi sáng mùa thu dịu hiền, thơ mộng ở New York, trong cái rực rỡ của cây cối vùng Nouvelle Angleterre. Cô nói:

— Long Island, anh ạ.

Một con tính nhanh, gần như là tự nhiên: Từ đó đến Manhattan, tôi chỉ mất nhiều lắm là bốn mươi nhăm phút. Long Island được lắm.

— Em đã tìm được một cái gì ở đấy chưa?

Cô ta đã đi xem cả nhà nữa rồi, trong khi tôi còn bận ngắm những người đẹp ở Vegas. Đó là một căn nhà kín một phần lớn, không quá mười hay mười lăm buồng, kiểu nông thôn ở Anh, có cây dây leo thường xuân phủ, có hành lang, vườn rộng và bãi cỏ trải dài xuống một cái hồ nhỏ có bến thuyền bằng ván. Có cả nhà để một chiếc tàu con.

— Và anh thử đoán xem chúng ta sẽ có ai làm hàng xóm nào?

Tôi nói lên một cái tên cầu âu nào đó, cái tên đầu tiên đến trong óc tôi:

— John Lennon và bà Nhật Bản của anh ta.

— Cái anh này! Bởi vì đúng là họ thật.

Và thế là được xả hơi. Bởi vì chúng tôi đến ở Long Island thật, cùng với hai đứa trẻ, hợp với nhau còn hơn là chị em ruột thịt. Chúng đã thiết lập được quan hệ ngoại giao với cậu con trai rất trẻ của ông hàng xóm, cựu Beatle của chúng tôi, nhưng ông con trai Lennon Junior này mới nhiều lắm là lên ba, nên sự trao đổi quốc tế này mới ở giai đoạn viếng thăm theo nghi lễ thôi. Vả lại Heidi còn phải đi học, theo ý kiến của Sarah. Và khi Sarah đã chắc chắn là mình đúng về một cái gì đó thì tranh cãi với cô ấy cũng cầm bằng như thuyết phục sông Nile là phải chảy ngược dòng lên đầu nguồn. Vì vậy cô ta đăng ký cho cô bé Tyrol của chúng tôi vào một trường học ở gần đó, không thèm đếm xỉa gì đến đề nghị của tôi là thuê một gia sư về nhà dạy, vì cơ bản là cô ta không thích cái kiểu ấy.

— Thế rồi mỗi buổi sáng ai sẽ đưa nó đến cái trường thổ tả ấy?

— Anh chứ ai nữa, ông nội - Cô ta nói - Đừng tìm kiếm gì nữa, em đã thấy rồi.

Và nhìn tôi với một vẻ vui thích mỉa mai châm chọc:

— Ai muốn có một cuộc sống gia đình bình thường nào? Anh muốn phải không? Thế thì anh đã có đấy.

Vả lại, cô ta nói đúng. Về phía cô, cô cũng đã cố gắng lắm, và từ khi tôi biết cô đến nay, đây là lần đầu tiên cô chấp nhận việc đặt những lo lắng về nghiệp vụ của cô - Nghĩa là quản lý các khách sạn - Xuống hàng thứ hai. Cô đã nghỉ sáu tháng theo chế độ đi nghiên cứu. Với Heidi, giữa phụ nữ với nhau, và trong một thời gian cực kỳ ngắn, cô đã xây dựng được một sự đồng tình thực sự, và thường thường là trên lưng tôi. Con bé Tyrol đã chinh phục được cô ta, và ngược lại cũng có. Còn tôi thì là một thứ bung xung. Tuyệt vời!

Căn nhà không bao giờ vắng người, một phần do lỗi của Sarah: Cô ta có cái tài tổ chức đời sống xã hội rất hữu hiệu của người Anglais - Saxon. Có những ngày chủ nhật hay ngày nghỉ học, cả đến buồng làm việc của tôi cũng không tránh khỏi biến thành chi nhánh của một trường mẫu giáo. Trong những trường hợp ấy tôi phải bơi xuồng ra giữa hồ để trốn. Ở đó may ra thì không có người đến đòi tôi chữa một cái đồ chơi, cắt một cái bánh ngọt, hay tệ hại nhất là hát một bài nào đó.

Có lẽ vào khoảng cuối tháng mười, khi Marc Lavater đến nghỉ cuối tuần, anh cũng đã phải cùng bơi xuồng với tôi ra giữa hồ.

Anh nói:

— Về vấn đề của Karl Gustave Baumer đấy! Trời đất, ở đâu ra hàng triệu đứa trẻ con trong nhà cậu thế này? Cậu định làm kinh doanh chăn nuôi trẻ con hay sao đây?

— Bồ của Heidi đấy mà. Nó mời cả lớp đến ăn bánh, rồi lại có cả những bồ của bồ nó nữa.

— Anh Marc này?

— Cái gì?

— Xin anh đừng hỏi tôi về vấn đề có giữ Heidi lại với chúng tôi không và trong bao nhiêu lâu nữa.

Anh cười đồng ý.

— Nhưng anh có thể nói với tôi về ông cậu Karl Gustave, hay gọi theo tên mật mã K.G.

— K.G. đến nước Mỹ vào mùa thu năm 1941. Lúc đó anh ta mới có 23 tuổi, gần 24. Cũng phải dẫm chân tại chỗ một thời gian rồi mới lọt qua được Sở Di Cư của Mỹ. Theo anh ta, thì sở dĩ phải rời bỏ nước Áo là do sự bất hòa với một cái tên Adolf Hitler nào đó từ năm 38 đến 41...

Hai tháng sau khi anh ta vào nước Mỹ, thì cái nước Mỹ này cũng bước vào chiến tranh. K.G. đầu quân đi Thái Bình Dương.

— Và từ đó trở về, ngực đeo đầy mề đay?

— Khi trở về cậu ta có đầy đủ quyền lợi: Có quốc tịch Mỹ, mua lại một cái quán bán dồi nóng bằng số tiền phụ cấp giải ngũ. Đọc chưa thông viết chưa thạo, nhưng bán dồi nóng thì hết xẩy. Mua được một cửa hiệu đầu tiên ở Bronx, rồi một cái thứ hai ở Manhattan. Năm 53, mua một quán bia đầu tiên. Không phải cái loại xa xỉ phẩm đâu: Một loại quán mà khách hàng có thể vừa uống bia, vừa ngốn một vài thứ đặc sản Áo và Đức.

— Và anh ta làm giàu.

— Cũng không hẳn thế. Khách hàng lúc đó chỉ gồm những người làm công cỡ nhỏ.

— Đại loại các tài xế xe taxi chẳng hạn. Không phải bọn bụi đời, nhưng cũng không xa thế lắm, trong một số trường hợp K.G. sẵn sàng cho họ ăn chịu, khi họ không có tiền để trả. Phần đông cũng là những dân di cư mới đến như cậu ta. Có thể nói cả Âu Châu đến cái quán đó, nói tiếng Anh còn chưa sõi nữa kia. Baumer ngự trị trên cái thế giới ấy. Cậu ta là một người tốt bụng, bị móc túi luôn nhưng cũng cóc cần. Tuy vậy vẫn tích trữ được khá nhiều dolars, có lẽ bởi vì cậu ta gần như không tiêu pha một đồng nào cho chính mình cả. Bất động sản duy nhất của cậu ta ngoài cái quán bia ấy, là một căn nhà một phòng ở Greenwich Village. Và cậu ta đã ở đấy cho đến cuối cùng.

— Không trở về Áo à?

— Lúc đó thì chưa. Người ta không biết tại sao cuối cùng cậu ta lại biết rằng có một người chị ruột còn sống và lấy một người tên là Moser. Lúc đó là vào năm 56. Baumer về Áo một lần đầu tiên.

— Heidi chưa đẻ.

— Nhưng Anna thì rồi, cô bé mới lên một. Chính trong chuyến đi này, Baumer đã mua cánh rừng và cái trại, mà anh ta tặng cho, hay nói đúng hơn là tặng số tiền khai thác được cho người chị và người anh rể. Và khi cái xưởng cưa xẻ không còn làm ra được một tý tiền nào nữa thì Baumer kín đáo thay thế vào đó. Tôi đã nói: Đây là một gã tốt bụng mà.

Trong khi Marc nói, tôi phải bơi xuồng cho khỏi bị lạnh buốt.

— Baumer trở về Mỹ. Từ 56 đến 72, công việc làm ăn của anh ta vẫn phát đạt một cách khiêm tốn. Đến mức anh ta bỗng có một ý nghĩ hơi điên rồ: Tậu một cái khách sạn. Không phải để đầu tư vốn hay làm giàu. Mà chỉ để vui chơi với bồ bịch thôi. Có lẽ cũng còn vì cậu ta từ thuở nào đến giờ vẫn mơ ước có được một cái khách sạn của riêng mình. Như thế để sau khi cho bạn hữu ăn uống thì có thể cho họ cả chỗ trú ngụ nữa. Một người lãng mạn dưới cái bề ngoài của một anh bán xúc xích. Cái kiểu nhớ nhung những đêm vui chơi múa hát ở Vienne ấy mà, cậu biết đấy. Trong số những bạn già của Baumer, có người đã được biết Atlantic City vào cái thời huy hoàng của nó. Có lẽ những người này đã nói chuyện với K.G, nên lão chỉ muốn mua ở City chứ không ở đâu khác nữa.

Tôi vẫn tiếp tục chèo xuồng, hai chân giá buốt. Những chuyện trôi nổi của Karl Gustave không có gì làm tôi say mê lắm. Tôi giơ một ngón tay trỏ lên:

— Có thể ngắt lời anh được không?

— Ngắt đi.

— Cái tay viết thư cho Anna Moser ấy...

— Lão Walcher.

— Đúng, Walcher. Lão ta đi vào câu chuyện này vào lúc nào?

— Từ đầu. Khi Baumer mua cái tiệm xúc xích đầu tiên, hắn đã vay tiền ở một ngân hàng gần đấy tại Bronx. Và chính Walcher ngồi ở quầy của ngân hàng. Hai người quen biết nhau ít nhất cũng là từ 1945, cả hai đều quê ở cùng một vùng của Tyrol, nhưng Walcher hơi già hơn một chút và đã di cư sang Mỹ từ năm 1933...

— Cái năm tốt lành.

— Walcher sẽ giữ vai trò làm kế toán cho Baumer. Và khi tay này có trong đầu cái ý định tậu một khách sạn, thì tự nhiên là đến tìm Walcher, lúc đó đã thăng chức ở ngân hàng, để hỏi vay bốn trăm ngàn dolars. Khách sạn ở Atlantic City được đặt giá là năm trăm ngàn.

John Lennon đang chơi ở trên bãi cỏ với con trai của anh ta, anh ta vẫy tay làm hiệu cho tôi. Tôi giơ một mái chèo lên. Marc vẫn tiếp tục lải nhải.

— Walcher giải thích cho Karl Gustave là anh ta “tob cái con tườu” gì đó...

— Tobsuchtig: Nghĩa là điên.

—... Nhưng cuối cùng vẫn cho vay tiền. K.G mừng lắm. Hội hè liên miên trong cái đồ chơi mới ấy của anh ta với những bồ bịch mà anh ta chở đến City trên những chiếc xe ca cũ kỹ. Anh ta mất tiền vào đó, nhưng thăng bằng được ít nhiều thu chi bằng tiền lãi của các quán bia. Anh ta góa vợ, không có con, và rõ ràng là đã mất hết liên hệ với gia đình ở Áo. Nhưng khi được tin - tôi không biết do đâu - là anh có bốn đứa cháu gái mồ côi, thì anh ta đấm ngực và vội vã làm chuyến thứ hai chạy sang Áo.

— Cái chuyến đi mà Anna đã nói chuyện với chúng ta ấy phải không?

— Đó là chuyến duy nhất mà cô ta nhớ được, vào năm 1956 thì cô ta còn bé quá. Khi Baumer trở về theo Walcher thì...

— Anh có gặp cái tay ấy không, cái cha Walcher ấy?

— Có. Hắn cho tôi một cảm giác không sầu lắm. Khoảng sáu mươi chẵn, kín đáo, không có bề thế gì lắm. Điển hình của một công chức kiểu mẫu. Chắc chắn là hắn rất yêu mến Baumer.

Tôi bắt đầu thấy ớn sống lưng về cái việc cứ chèo mãi thế này. Nhất là cứ quay vòng tròn trong hồ.

— Ở Áo trở về, Baumer cảm thấy rất ân hận. Anh ta muốn làm hàng đống việc cho mấy cô cháu gái, nhưng hoàn cảnh không được tốt lắm: Anh ta mất khá bộn tiền vào cái khách sạn. Cái đội quân nửa bụi đời mà anh ta mời đến, bây giờ ở lỳ ở đó, và xua đuổi những khách hàng thực sự có trả tiền. Và nhất là sau đó, Karl Gustave đã gặp được ái tình...

— Thế nào? Thế nào? Cậu có thể nhắc lại một tý?

— Ái tình. Lúc đó là vào năm 1974, nghĩa là lão đã năm mươi sáu tuổi. Con quỷ hồi xuân giáng xuống.

— Brun!

— Đúng thế! Brun! Người đẹp trẻ hơn ba mươi tuổi. Đó là một trong những cô hầu bàn cũ trong tiệm bia. K.G bị tiếng sét ái tình: Và anh mua cho em một cái măng tô em yêu, và đây, một cái vòng cổ, và hay là chúng ta đi nghỉ mát ở vùng nhiệt đới đó? Rồi đi thật. Walcher phải thuê một thám tử đi theo gót họ và chính đích thân anh ta cũng phải đi đến Nassan là nơi Baumer đang du dương để cố lôi kéo anh ta về với lý trí, nhưng vô hiệu. Karl Gustave vui chơi thích thú quá, không nghĩ đến chuyện về và những số tiền phải trả góp cho ngân hàng. Đây cậu xem này!

Marc đưa cho tôi một bức ảnh, cái kiểu chụp bằng flash trong các hộp đêm! Người ta thấy một lão già sáu mươi, mặt mũi đỏ gay như mặt trời mọc, mồm cười toe toét, đầu đội một cái mũ giấy làm hề, tay bám vào một mụ tóc vàng, trông cũng ỏng ẻng thôi, nhưng mà có da có thịt.

— Cái ảnh này chụp ở đâu và vào lúc nào?

— Acapulco, bên Mexique. Vào ngày 4 tháng giêng 1975. Ở một cái hộp đêm nổi tiếng, La Perla. Bốn ngày sau thì Karl Gustave chết. Nhồi máu cơ tim.

— Bị ám sát?

Marc lắc đầu:

— Không, Franz. Mình đã phái một người đến tại chỗ, cái chết rõ ràng là do nhồi máu cơ tim. Chứng cớ là báo cáo của một bác sĩ ở địa phương, và cả những nhận xét của một bác sĩ Mỹ đang nghỉ trong cùng một khách sạn với Baumer. Thêm nữa, Walcher đã yêu cầu mổ tử thi.

— Trời đất! Tại sao vậy.

— Walcher đã yêu cầu sau đó, khi bọn Caltani, hay đúng hơn Olliphan, đã thò mặt ra muốn mua lại cái khách sạn của Baumer. Walcher không phải là một thằng ngu hoàn toàn, nên thấy Baumer chết như thế, rồi Olliphan muốn mua khách sạn, hắn đã có nghi ngờ. Nhưng kết quả mổ tử thi cũng xác minh là nhồi máu cơ tim.

— Thế cái mụ kia có được để lại gia tài gì không?

— Không.

— Mụ ấy bây giờ còn không?

— Tôi mới gặp mụ ta cách đây ba ngày: Làm người bán hàng trong một cửa hàng lớn.

— Tại sao Walcher để chậm trễ đến thế rồi mới báo tin cho chị em Moser biết về cái chết của ông cậu họ.

— Trả lời, một cách ngốc nghếch thôi: Vì hắn không nghĩ đến làm cái việc đó. Hắn không chính thức là người thực hiện di chúc của Baumer. Thật ra, trước hết hắn là người đã đứng ra bảo lãnh cho Baumer vay bốn trăm ngàn ở ngân hàng nơi hắn làm việc, và khi Baumer bắt đầu làm một thằng khùng thì hắn bị lâm vào một hoàn cảnh không tốt đẹp gì lắm. Thêm nữa, chính hắn cũng có bỏ tiền túi ra cho lão K.G vay hai mươi lăm ngàn nữa. Tôi đã kiểm tra tất cả những giấy tờ của hắn: Nói chung, có thể thấy rằng hắn đã làm hết sức mình để thu xếp câu chuyện.

“Còn em, thì em thấy có cái gì không bình thường đã xảy đến cho cậu Karl Gustave...” Những câu nói này của Anna lại trở lại trong đầu tôi.

— Marc, anh không thấy có gì khả nghi chứ? Không thấy một chút xíu nào chứ?

— Không thấy một chút xíu nào.

— Walcher có quen biết Olliphan không?

— Chỉ mới biết vào năm 1975, khi Olliphan đến tìm hắn để nói rằng những thân chủ của anh ta, nhưng Walcher hiểu ngay những thân chủ ấy là bọn Caltani, chú ý đến cái khách sạn của Baumer. Đó là một giải pháp rất được việc cho Walcher: Hắn đang bị lao đao với ban giám đốc của ngân hàng đấm trên lưng hắn, thúc giục hắn phải thanh toán cái hồ sơ cho vay.

— Cái việc bán cho Olliphan, hay bọn Caltani, là vào lúc nào?

— Tháng 7 năm 1975.

— Bán bao nhiêu?

— Khoan, không phải đơn giản thế đâu. Bọn Caltani đã mua tất cả những gì thuộc về Baumer: Khách sạn, tiệm bia, căn nhà một phòng, mảnh rừng và cái trại ở Áo. Chúng mua lại hết. Mới nhìn, thì tưởng không phải chúng nó lợi trong việc mua này.

— Anh nói rằng, những quán bia chạy tốt kia mà?

— Chạy tốt trước tháng chín 1974. Nhưng để lấy tiền đi du hí ở Mexique, Baumer đã rút ở đây ra tất cả cái gì có thể rút được. Chẳng những lão ta đã ngừng trả tiền góp cho ngân hàng, mà lại còn trút hết tiền trong két ở các nơi và cầm cố hết các cơ sở. Bọn Caltani đã mua được cả khách sạn, quán bia, bằng cách trả hết các khoản nợ cho ngân hàng và cho các chủ nợ khác, trả cả lãi và tiền phạt chậm trễ.

— Marc, chúng đã trả tất cả là bao nhiêu?

— Trong khoảng tám trăm ngàn dolars.

Và tôi, tôi đã mua lại cái khách sạn thối ruỗng ấy với hai mươi lăm triệu dolars.

— Mẹ kiếp, Marc, anh thấy không: Nếu cái lão Walcher chờ tám hay mười tháng nữa hãy bán, thì có phải cái khách sạn ấy giá đã lên gấp mười không.

— Lão không thể chờ được, Franz. Lão bị ngay cái ngân hàng của lão thúc vào lưng, rồi còn mấy cái tiệm bia thì đều đã cầm cố hết, hàng đống người đến thúc ép, la hét như một đàn chó sói. Và bây giờ thì chúng ta cũng mới biết là cờ bạc được cho phép mở, chứ vào tháng bảy năm 75, thì làm sao Walcher biết được.

— Nếu bọn Caltani cho lão biết.

— Tại sao bọn chúng lại cho lão biết! Nếu chúng biết được cái tin ấy thì chúng dại gì mà đem la làng lên.

“Và em, thì em nói rằng có cái gì không bình thường đó...” Nhất định, tôi muốn biết cho rõ về chuyện này.

— Marc, tôi muốn yêu cầu Người Anglais đi một vòng xem sao?

— Và làm lại tất cả cuộc điều tra mà tôi vừa mới làm xong à?

— Anh đừng mếch lòng.

— Thế chưa đủ để mếch lòng à?

— Marc, mẹ kiếp! Tôi đã bỏ ra năm mươi cục gạch vào cái Con Voi thổ tả này rồi!

Im lặng. Marc cúi đầu, mặt khó đăm đăm. Anh lại ngẩng đầu lên.

— Đồng ý. Cậu có lý.

Anh ta còn cố cười được nữa, và chỉ ngón tay trỏ ra phía trước:

— Thằng con trai cậu có vẻ đang vui thích thật sự.

Tôi nhìn theo ngón tay của Marc và phát hiện ra Marc Andréa đang dẫn đầu Trung Đoàn 7 Kỵ Mã. Trước đây, mặc dù có Sarah và thỉnh thoảng hơn, cả tôi nữa đã hết sức cố gắng, nhưng nó vẫn là một đứa trẻ cô độc. Sự xâm nhập của Heidi vào cuộc đời của nó, vào cuộc đời của chúng tôi, đã thay đổi nó hoàn toàn.

— Marc, tôi không muốn dính dáng một tí gì với bọn Caltani.

— Việc mua bán giữa cậu và bọn chúng là hợp pháp. Cậu không bắt buộc phải mời chúng đến ăn tối.

— Nhưng chúng lại xây dựng sòng bạc ở bên cạnh cái của tôi.

— Có hàng đống người xây dựng sòng bạc ở bên cạnh cái của cậu. Vả lại, chính cậu muốn có một sòng bạc kia mà.

***

Chiều tối hôm ấy, thì tôi liên lạc được với Người Anglais đang ở trong tòa lâu đài do tổ tiên của anh để lại. Đấy là lần thứ hai trong vòng ba tháng, tôi phải nhờ đến công việc của anh, giá đắt lòi mắt ra, nhưng hiệu quả, thì theo chỗ tôi biết, không nơi nào bằng được.

— Ernest Walcher, ghi nhận rồi - Anh nói.

— Tôi muốn biết tất cả về người này. Những sự di chuyển của anh ta từ hai năm nay. Muốn biết anh ta có lương thiện không, từ trước tới nay vẫn lương thiện, hay mới trở thành lương thiện, và có hy vọng giữ được sự lương thiện ấy không? Sự liên hệ của anh ta với James Montague Olliphan và gia đình Caltani thế nào?

— Nghĩa là tất cả?

— Tất cả. Nhất là xem hắn có cất giấu tiền ở đâu đó không?

— Anh cũng biết rõ rằng điều này là gần như không thể được rồi với sự bí mật của ngân hàng.

— Anh làm sao cho tốt thì làm. Chưa phải tất cả. Tôi muốn biết làm thế nào, bao giờ và tại sao, Karl Gustave Baumer tự dưng lại trở thành thằng khùng, chẳng hạn như không đóng những tiền góp cho ngân hàng để trả góp nợ vay mua cái khách sạn ở Atlantic City. Tôi muốn biết hoàn cảnh tài chính chính xác của anh ta trong năm trước khi anh chết và sau khi chết. Ngoài những điều khẳng định của Walcher.

— Còn gì nữa không?

— Còn. Cái mụ đàn bà ở với Baumer tại Acapulco bốn ngày trước khi hắn chết.

— Lý lịch toàn bộ. Và xem mụ ta có tiền tiết kiệm để ở đâu không. Và xem có kẻ nào đã đẩy mụ vào vòng tay của Baumer?

Một trong những ưu điểm của Người Anglais là anh ta hiểu rất nhanh.