Phúc Lạc Hội Truyện Full

TỨ PHƯƠNG

Tôi đưa mẹ đến một nhà hàng Trung Hoa tôi thích nhất để ăn trưa, hy vọng làm bà vui vẻ, nhưng hóa ra lại là một thảm họa.

Khi hai mẹ con gặp nhau tại nhà hàng Tứ Phương, bà nhìn tôi lộ vẻ không vừa ý ngay và hỏi bằng tiếng Hoa:

- Ái dà! Tóc của con sao vậy?

- Mẹ hỏi “Sao vậy” là làm sao? Con mới cắt tóc mà - Lần này tiệm Rony làm cho tôi một kiểu hoàn toàn khác, một cái “mái” thẳng, bên phải dài, bên trái ngắn. Một kiểu tóc thời thượng.

- Trông cụt ngủn! Con phải đi đòi tiền lại.

Tôi thở dài: - Thôi chúng ta ăn trưa cho vui vẻ mẹ nhé!

Mẹ tôi quào quạo liếc nhìn thực đơn, làu bàu chê:

- Thực đơn này không có nhiều món ngon.

Rồi bà gõ nhẹ lên cánh tay người hầu bàn, lấy tay chùi lên đôi đũa, nhăn mũi:

- Anh định để tôi ăn với đôi đũa đầy mỡ này à?

Bà làm một màn tráng nước trà nóng khắp chiếc bát của bà lại còn khuyên các thực khách khác ngồi cạnh chúng tôi hãy làm như vậy. Bà dặn hầu bàn phải đem xúp thật nóng, và dĩ nhiên là theo đánh giá của cái lưỡi chuyên môn của mẹ thì món xúp mang lên còn chưa được ấm nữa là.

- Mẹ đừng có cáu như vậy. - Mẹ tôi không chịu trả hai đô-la tính thêm cho món trà hoa cúc gọi thay cho trà xanh thường. - Những ức chế không cần thiết sẽ có hại cho tim của mẹ.

- Tim mẹ chẳng có sao cả. - Bà vừa gắt, vừa hằn học nhìn người hầu bàn.

Mẹ tôi nói đúng. Dù bà đã gây nên cho bản thân mình - và cho người khác - bao nhiêu là nỗi căng thẳng, các bác sĩ đã tuyên bố rằng mẹ tôi, một bà già 69 tuổi có huyết áp của một thiếu niên 16 tuổi và sức mạnh của một con ngựa. Và quả đúng. Mẹ tôi là như vậy. Bà tuổi Ngọ, sinh năm 1918, số sinh ra có tính bướng bỉnh và thẳng thắn đến độ tàn nhẫn. Mẹ và tôi xung khắc với nhau vì tôi tuổi Mẹo, sinh năm 1951, mạng số qui định là nhạy cảm, có khuynh hướng dễ nổi nóng và phản ứng ngay khi bị chỉ trích.

Sau bữa trưa thảm hại đó, tôi từ bỏ ý định tìm dịp thuận tiện báo mẹ biết là tôi và Rich Schields sắp lấy nhau.

—★—

- Sao bồ lo lắng quá vậy? - Marlene Ferber, bạn tôi, hỏi qua điện thoại tối hôm nọ - Rich đâu phải là đồ bỏ. Trời đất, anh ta cũng là luật sư thuế khóa như bồ vậy. Bả chê cái gì nữa?

- Bồ không hiểu mẹ mình. Ai bả cũng chê hết.

- Vậy thì bỏ nhà trốn theo hắn đi.

- Mình đã từng bỏ nhà theo Mã Vinh rồi. - Mã Vinh là người chồng đầu tiên của tôi, mối tình thuở học sinh của tôi.

- Chà, hay nhỉ?

- Và khi mẹ mình phát hiện, bả ném giày vào mặt tụi mình. Mà đó chỉ là màn mở đầu thôi nhé!

—★—

Mẹ tôi chưa bao giờ gặp Rich. Nói cho đúng ra, mỗi lần thì nhắc đến tên anh - chẳng hạn tôi nói con và Rich vừa đi nghe hòa nhạc, con kể mẹ nghe Rich mới đưa bé Châu Sa đi chơi ở Viện bảo tàng về Thời Khai Phá với Rich vui lắm chưa nhỉ? - Trong khi đợi hóa đơn trả tiền ăn trưa ở nhà hàng Tứ Phương, tôi gợi chuyện. - Anh ấy…

Mẹ tôi ngắt lời:

- À, mẹ chưa báo con biết. Các bác sĩ hồi đó bảo cha con có lẽ cần giải phẫu. Còn bây giờ lại nói thôi. Họ bảo tất cả đều bình thường, chỉ có điều hơi bị bón quá.

Tôi chào thua.

Tôi trả tiền, một tờ 10 đô la và 3 tờ 1 đô. Mẹ tôi lấy mớ tiền đó lại, thay vào đó đếm đúng 13 xu lẻ bỏ lên khay, giải thích cương quyết: - Không buộc boa gì cả! Bà hất đầu ra sau, mỉm cười đắc thắng. Khi mẹ tôi vào phòng vệ sinh, tôi dúi cho người hầu bàn 5 đô. Anh ta gật đầu ra vẻ cảm thông lắm.

Trong lúc bà vắng mặt, tôi nghĩ ra một kế hoạch khác.

- Chonssle! - Khai muốn chết! - Mẹ tôi quay lại, lầu bầu. Bà ấn cho tôi một hộp giấy Kleenex nhỏ. Bà không tin giấy vệ sinh của người khác. - Con cần dùng không?

Tôi lắc. - Trước khi đưa mẹ về, mẹ ghé chơi chỗ con một chút nha. Con muốn chỉ mẹ xem cái này.

—★—

Hàng mấy tháng nay rồi mẹ không đến căn hộ của tôi. Hồi tôi mới lập gia đình, bà thường đột ngột đến chẳng báo trước gì cả, mãi đến khi tôi đề nghị mẹ nên gọi điện thoại cho hay trước. Từ đó bà không chịu ghé thăm tôi nữa, trừ phi tôi gởi thư mời trịnh trọng.

Tôi theo dõi mẹ tôi, quan sát: các phản ứng của bà trước những thay đổi trong căn hộ của tôi - Từ cái xó man khai mà tôi đã nương thân sau khi ly hôn, lúc tôi đắm mình trong mênh mông thời gian sống đời hỗn loạn - đến cái căn nhà bừa bãi hôm nay, một tổ ấm đầy tình yêu, sức sống. Sàn nhà rải rác đồ chơi của bé Châu Sa, những món bằng nhựa màu sắc tươi tắn mỗi nơi một thứ. Bộ chuông của Rich ở trong phòng khách, hai cốc uống rượu dơ trên bàn, những mảnh rời rạc của chiếc điện thoại Rich và bé Châu Sa đã tháo tung ra hôm nọ để xem tiếng nói phát từ đâu ra.

- Ở cuối đằng kia mẹ ạ. Chúng tôi đi suốt đến tận phòng ngủ sau. Giường chưa dọn, ngăn kéo tủ lòng thòng những vớ đàn ông và cà vạt. Mẹ tôi bước qua nào là giày để tập chạy, đồ chơi của Châu Sa, giày đen của Rich, rồi khăn quàng của tôi và một đống sơ-mi trắng mới lấy từ tiệm giặt ủi về.

Nét mặt mẹ lộ vẻ đau lòng không ngờ, nó khiến tôi nhớ lại hồi lâu lắm rồi mẹ đưa hai anh và tôi xuống một bệnh viện chích ngừa bại liệt. Khi kim chích vào tay anh tôi làm anh khóc thét lên, mẹ nhìn tôi, toàn gương mặt hiện rõ cơn đau đớn, động viên: - Mũi kế không đau đâu.

Còn bây giờ, sao mẹ lại không thấy là hai chúng tôi đang chung sống với nhau chứ, rằng quan hệ giữa chúng tôi đã đậm sâu và không thể dứt được dù mẹ không chịu bàn về chuyện đó? Mẹ phải nói gì đi chứ?

Tôi bước đến tủ, lấy ra chiếc áo lông chồn Rich tặng tôi dịp Giáng Sinh. Món quà xa xỉ nhất của tôi từ xưa đến nay.

Tôi khoác áo vào, ngượng ngập:

- Một món quà hơi rồ dại. Ở San Francisco hiếm khi nào lạnh đến mức cần mặc áo lông chồn. Nhưng có lẽ nó là một thứ thời thượng đàn ông bây giờ hay mua cho vợ hay người yêu.

Mẹ tôi yên lặng. Bà nhìn về phía chiếc tủ toang hoác của tôi, đầy ắp những dây giày, cà vạt, áo đầm, và veston của Rich. Bà lấy ngón tay vuốt bộ lông chồn, mãi mới nói:

- Thứ này không tốt lắm. Đồ xài rồi. Lông thì ngắn quá, không có sợi dài.

- Sao mẹ lại đi chê quà người ta cho chứ! - Tôi phản đối, thấy xót xa vô cùng. Anh ấy chân thành tặng con mà.

- Thế nên mẹ mới lo.

Ngắm chiếc áo trong gương, tôi không thể gạt đi ý chí, sức mạnh, khả năng phân biệt trắng đen của bà nữa. Chiếc áo trông tang thương, một sự sao chép cố nhái cho lãng mạn.

- Mẹ không nói thêm gì nữa à? - Tôi khẽ hỏi.

- Mẹ nên nói gì đây?

- Về căn hộ này? Về những thứ này? - Tôi ra dấu chỉ những dấu hiệu của Rich nằm đây đó.

Bà nhìn quanh phòng, nhìn ra hành lang, rồi mới nói:

- Con bận công việc. Con muốn sống bừa bãi. Mẹ còn có thể nói gì nữa?

Mẹ tôi biết cách chọc giận và nỗi đau và gây cho tôi còn buốt hơn những nỗi khổ khác. Vì việc bà làm bao giờ cũng đến như một cơn sốc, y hệt luồng điện giật, chôn vùi mãi mãi trong tâm trí tôi. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi cảm thấy cơn đau ấy.

—★—

Năm mười tuổi, dù còn bé, tôi biết mình có năng khiếu chơi cờ. Tôi chơi thật nhẹ nhàng, dễ dàng. Tôi có thể nhìn thấy những nước đi trên bàn cờ mà người khác không thấy. Tôi có thể dựng nên dàn phòng ngự bảo vệ mình mà đối thủ không hay biết. Năng khiếu đó khiến tôi vô cùng tự tin. Tôi biết chính xác từng nước cờ của đối thủ, biết khi nào họ xụ mặt xuống khi thấy chiến thuật tưởng như đơn giản và trẻ con của tôi lại hóa thành một lối chơi vũ bão và khốc liệt. Tôi thích chiến thắng.

Còn mẹ tôi lại thích khoe con mình, như khoe các giải thưởng bà hằng đánh bóng. Bà thường bàn cãi các ván cờ của tôi như thể bà đã nghĩ ra chiến thuật ấy.

- Tôi bảo con gái tôi dùng đôi mã để đè bẹp đối phương, - mẹ thuật cho một người bán hàng nghe. - Làm thế, nó thắng trận nhanh lắm. - Đương nhiên mẹ đã nói điều đó trước trận đấu - Cả hàng trăm điều vớ vẩn khác nữa chẳng ăn nhập gì đến chiến thắng của tôi cả.

Mẹ thường thổ lộ với các người bạn của gia đình:

- Muốn thắng cờ không cần phải thông minh lắm đâu. Chỉ là thủ thuật thôi. Ta ào tới từ tứ phương. Ðối thủ sẽ hoang mang, chẳng biết chạy đường nào.

Tôi ghét cái lối bà giành lấy mọi ưu điểm. Và một ngày nọ, trên đường Stockton, ngay giữa đám đông người, tôi đã hét lên với mẹ như vậy. Tôi bảo mẹ chẳng biết gì cả, vậy đừng có khoe khoang hợm hĩnh nữa. Mẹ câm miệng đi. Những câu đại loại như vậy.

Tối hôm đó và ngày hôm sau nữa mẹ không thèm nói chuyện với tôi. Bà hằn học gằn giọng nói với cha và hai anh tôi như thể tôi là người vô hình, như thể đang nói tới một con cá ươn bà đã quẳng đi nhưng vẫn còn váng vất mùi hôi thối.

Tôi biết chiến thuật này, cái lối len lén làm người ta nổi giận phản ứng lại rồi rơi vào bẫy. Thế nên tôi để mặc bà. Tôi chẳng nói gì, đợi bà đến tôi.

Nhiều ngày yên lặng trôi qua. Tôi ngồi trong phòng, nhìn 64 ô vuông trên bàn cờ, cố tìm cách khác. Khi ấy tôi quyết định bỏ chơi cờ.

Đương nhiên, không phải tôi định bỏ chơi luôn. Tối đa chỉ vài ngày thôi. Thế là tôi đóng kịch. Thay vì tập chơi cờ trong phòng mỗi tối như thường lệ, tôi sục vào phòng khách ngồi xuống trước Tivi với hai anh tôi, họ trừng mắt nhìn đứa phá đám không mời mà đến này. Tôi dùng hai anh tôi để thực hiện ý đồ của mình, tôi bẻ ngón ta răng rắc chọc giận họ.

Hai anh hét lên: - Mẹ! Bảo nó ngưng đi. Bảo nó đi chỗ khác đi! Mẹ tôi chẳng nói tiếng nào. Tôi vẫn chưa lo. Tôi thấy mình phải đi một nước mạnh hơn. Tôi quyết định hy sinh cuộc thi đấu sắp tổ chức tuần tới. Tôi sẽ từ chối không tham dự, và mẹ tôi chắc chắn phải lên tiếng năn nỉ tôi vì các người bảo trợ và các Hội Mạnh Thường Quân sẽ gọi bà, yêu cầu, nạt nộ bà, cầu khẩn bà bảo tôi quay trở lại.

Thế nhưng cuộc thi đấu đến rồi lại đi. Mẹ không đến khóc lóc nói với tôi: - Sao con không đến chơi cờ nữa? - Còn lòng tôi thì thổn thức vì tôi được biết rằng thằng nhóc tôi đã hạ dễ dàng hai kỳ trước đã thắng giải.

Tôi nhận ra mẹ tôi có nhiều thủ đoạn hơn tôi biết. Nhưng tôi đã chán trò chơi của bà. Tôi muốn tập dượt đợi kỳ thi kế tiếp. Thế nên tôi quyết định giả vờ chịu thua mẹ và lên tiếng trước.

- Con sẵn sàng chơi cờ lại, - Tôi tưởng sau khi tuyên bố như thế, mẹ sẽ mỉm cười và hỏi tôi muốn ăn món gì đặc biệt không.

Nào ngờ bà nhăn mặt, nhìn sững vào mắt tôi, như thể tìm kiếm một sự thật.

- Tại sao mày lại đi nói với tao? - Mãi bà mới the thé nói. - Mày nghĩ nó dễ dàng quá mà. Hôm nay bỏ, ngày mai chơi. Việc gì theo mày cũng thế cả. Giỏi quá mà, dễ quá mà, nhanh quá mà.

- Con nói con sẽ chơi lại mà. - Tôi nhai nhải khóc.

- Không! - Mẹ hét lên làm tôi giật nảy cả người. - Không dễ dàng như thế nữa đâu.

Tôi run rẩy, hàng hoàng, không biết mẹ muốn nói gì. Tôi trở về phòng, đăm đăm nhìn bàn cờ 64 ô vuông, cố hình dung cách gỡ rối mớ bòng bong khủng khiếp này. Sau khi ngồi nhìn như thế nhiều giờ đồng hồ, tôi tin mình đã đổi trắng thành đen, đen thành trắng và mọi việc sẽ ổn thỏa.

Và đương nhiên là tôi thắng. Ðêm đó tôi sốt cao, mẹ ngồi bên giường tôi, mắng tôi sao đi học không mặc áo ấm.

Buổi sáng mẹ đút cháo gà cho tôi ăn. Buổi chiều mẹ ngồi trong phòng tôi, đan cho tôi một áo len màu hồng, vừa đan vừa kể rằng dì Tố Uyên có đan cho chị Dung một áo len hết sức xấu xí, bằng loại sợi hết sức tệ. Tôi vui mừng biết bao, mẹ đã trở lại trạng thái bình thường.

Thế nhưng sau khi lành bệnh, tôi khám phá ra rằng mẹ tôi đã thay đổi thật sự. Mẹ không còn loay hoay săn đón tôi khi tôi tập chơi cờ nữa. Mẹ không đánh bóng các cúp của tôi mỗi ngày nữa. Mẹ không cắt các mẫu báo có đăng tên tôi nữa. Như thể đã dựng nên một bức tường vô hình, còn tôi mỗi ngày len lén dò xem tường cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu.

Kỳ thi kế tiếp, dù tôi chơi tốt, cuối cùng điểm lại không đủ. Tôi thua. Tệ hơn nữa, mẹ tôi chẳng nói gì cả.

Dường như bà có vẻ hể hả, như thể bà đã phát minh ra chiến thuật này.

Tôi đâm hoảng. Mỗi ngày tôi ôn lại trong trí mình nhiều giờ xem tôi đã thua những gì. Không chỉ là kỳ thi đấu vừa rồi. Tôi xem xét từng nước đi, từng quân cờ từng ô vuông. Tôi không còn nhìn thấy vũ khí bí mật của mỗi quân cờ, không còn thấy phép lạ nằm trong mỗi giao điểm nữa. Tôi chỉ nhìn thấy khuyết điểm và sở đoản của tôi. Tựa như tôi đã mất bộ áo giáp thần. Và mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy điểm yếu để tấn công tôi.

Tôi tiếp tục chơi thêm vài tuần, vài tháng, vài năm nữa, nhưng không bao giờ có lại cảm giác vô cùng tự tin như xưa. Tôi lo sợ và tuyệt vọng lao vào cuộc chiến. Khi thắng, tôi nhẹ nhõm, khoan khoái. Khi thua, lòng tôi tràn ngập sợ hãi, rồi kinh hoàng nghĩ mình không còn là một thiên tài nữa, mình đã mất năng khiếu và trở thành một kẻ hết sức tầm thường.

Sau hai lần thua thằng bé tôi đã hạ dễ dàng vài năm trước đây, tôi bỏ chơi cờ vĩnh viễn. Không ai phản đối cả. Khi ấy tôi mười bốn.

—★—

- Thật tớ không hiểu nổi bồ, - Marlene nói, khi tôi gọi cho nó vào cái đêm, sau khi tôi đưa mẹ xem chiếc áo lông chồn, - Chịu đựng gì cũng được, nhưng phải chịu đựng mẹ ruột mình thì không nổi đâu.

- Lúc nào tớ cũng chịu nhịn, nhưng khi mẹ chì chiết...

- Sao bồ không nói bà đừng hành hạ bồ nữa. Nói bả đừng phá hỏng cuộc đời của bồ. Nói bả im họng đi.

- Giỡn - Tôi suýt bật cười. - Bồ muốn tớ nói mẹ mình câm họng à?

- Sao lại không?

- Chà mình không biết việc này có được luật pháp qui định không nhưng chưa hề có người nào dám bảo một bà mẹ Trung Hoa câm họng cả. Làm thế có thể bị buộc tội tòng phạm với tự sát.

Tôi lo sợ cho Rich hơn là sợ mẹ tôi. Tôi biết mẹ tôi làm gì, sẽ tấn công chàng, sẽ chỉ trích chàng ra sao. Thoạt tiên bà sẽ im lặng. Rồi bà sẽ lên tiếng nhận xét về một việc nho nhỏ nào đó mà bà đã để ý, rồi một nhận xét khác, một nhận xét khác nữa, mỗi nhận xét bay tới như một hạt cát, hạt từ hướng này, hạt từ phía sau, càng lúc càng nhiều cho đến khi chúng bào mòn con người chàng, tính cách chàng. Cho dù tôi biết chiến thuật và cách tấn công dấm dúi của mẹ đi nữa, tôi e rằng một hạt cát sự thật vô hình nào đó sẽ bay vào mắt tôi, làm nhòe đi những gì tôi đã thấy và biến chàng từ một con người thần thánh thành một kẻ rất trần tục.

Việc đó đã xảy ra cho cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với Mã Vĩnh Trinh. Tôi đã bỏ nhà trốn theo hắn vào năm tôi 18, còn hắn 19. Khi tôi yêu Mã Vĩnh Trinh, hắn gần như hoàn toàn. Hắn tốt nghiệp hạng ba trong lớp ở trường Lowell và nhận được học bổng toàn phần vào trường Stanford. Hắn chơi tennis, bắp vế căng cứng, ngực có 146 sợi lông đen thẳng. Hắn làm mọi người cười, còn tiếng cười của hắn thì ấm, vang và đầy nhục cảm nam tính. Hắn rất tự hào về những thủ thuật yêu đương, chỉ cần hắn thầm thì: “- Chiều thứ tư em nhé.” là tôi đã run rẩy cả người.

Ðến thời điểm mẹ tôi đã nói hết những điều muốn nói về hắn thì tôi chợt thấy bộ óc của hắn đã bị sự chây lười làm co rúm lại và chỉ còn có thể nghĩ ra những cớ thoái thác. Hắn chạy theo những quả golf, những trái banh tennis để trốn trách nhiệm gia đình. Mắt hắn đảo lên đảo xuống cặp đùi mấy đứa con gái, nên đâu còn biết thẳng đường về nhà nữa. Hắn thích nhạo báng thiên hạ để làm nhục họ. Hắn hợm hĩnh phô trương đã buộc-boa 10 đô-la cho người lạ nhưng lại bủn xỉn khi biếu xén cho gia đình. Hắn cho rằng đánh bóng chiếc xe thể thao màu đỏ suốt cả buổi chiều còn quan trọng hơn việc đánh chiếc xe đó đưa vợ đi chơi.

Xúc cảm của tôi đối với Mã Vĩnh Trinh chưa bao giờ tới mức độ căm ghét. Nhưng không, theo một cách nào đó nó còn tệ hơn thế. Nó đi từ thất vọng đến khinh bỉ, đến lãnh đạm. Mãi đến khi chúng tôi đã ly thân, vào những đêm cô đơn, khi bé Châu Sa đã thiếp ngủ, tôi mới tự hỏi phải chăng mẹ tôi đã đầu độc cuộc hôn nhân của mình?

Tạ ơn Thượng Ðế, chất độc của bà đã không ảnh hưởng đến con gái Châu Sa của tôi. Ấy vậy mà tôi suýt đã phá thai. Khi biết mình có bầu, tôi tức điên lên. Tôi xem nó như “mối thù ngày càng lớn dần”, bèn lôi Mã Vĩnh Trinh xuống bệnh viện để hắn cùng chịu đau khổ. Chúng tôi đã đến nhầm bệnh viện. Người ta bắt chúng tôi xem một cuốn phim, một loại phim tẩy não cho trong sạch, thật kinh khủng. Tôi thấy những sinh thể nhỏ xíu, những thai nhi mới bảy tuần mà họ đã gọi là em bé, với những ngón tay bé tí xíu. Cuốn phim bảo rằng các ngón tay trong mờ của em bé có thể cử động được, rằng chúng tôi nên tưởng tượng các ngón tay nó đang bám lấy cuộc sống, đang bấu víu, giữ chặt một cơ hội. Đó là phép lạ của mầm sống. Tạ ơn Thượng Ðế, họ đã chiếu về những ngón tay tí hon. Vì Châu Sa quả thật là một phép lạ. Bé hoàn thiện, hoàn mỹ. Mọi thứ trên con người bé đều độc đáo, đặc biệt cách bé nắm tay vào, xòe tay ra. Ngay từ giây phút bé giật nắm tay ra khỏi miệng, òa khóc, tôi biết tình cảm tôi dành cho bé là không ai có thể xâm phạm được.

Nhưng tôi lo lắng cho Rich. Vì tôi biết tình cảm tôi dành cho chàng có thể bị những sự mê tín, những lời nhận xét thoáng qua và bóng gió của mẹ tôi đốn ngã. Và tôi sợ tôi sẽ mất chàng. Vì Rich Shields quí yêu tôi y hệt như tôi yêu quí bé Châu Sa. Tình yêu của chàng mạnh mẽ, rành mạch. Không gì thay đổi. Chàng không trông đợi gì ở tôi, chỉ có sự hiện hữu của tôi là quá đủ. Ðồng thời, chàng bảo chàng đã thay đổi - tốt hơn - vì tôi. Chàng lãng mạn đến độ bối rối, chàng bảo trước khi gặp tôi chẳng bao giờ như thế cả. Sự thú nhận này khiến những cử chỉ lãng mạn của chàng càng thêm cao quí.

Nhưng chính phản ứng tình dục của chàng mới làm tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ chàng thuộc tuýp đàn ông lặng lẽ, nhẹ nhàng và vụng về, loại người rụt rè hỏi: “Anh có làm đau em không?”, khi thấy tôi chẳng hề xúc cảm. Nhưng chàng quá hòa hợp với mọi động tác của tôi đến nỗi tôi chắc chàng đã đọc được ý nghĩ của mình. Chàng chẳng giấu giếm điều gì, và nếu chàng phát giác ra tôi có điều chi giữ kín, chàng sẽ nâng niu nó như châu ngọc. Chàng nhìn thấy tất cả những gì riêng tư của tôi - không chỉ là chỗ kín - mà cả những mặt xấu, tính hà tiện, nhỏ mọn, mặc cảm tự ti - tất cả những thứ tôi hằng che dấu. Thế nên với chàng, tôi hoàn toàn trần trụi, và khi tôi cảm thấy yếu đuối nhất, - khi một lời lầm lẫn có thể xui tôi bay ra cửa mãi mãi - chàng luôn luôn biết nói lời đúng đắn nhất, vào đúng lúc nhất. Chàng siết chặt đôi tay tôi, nhìn thẳng vào mắt và bảo tại sao chàng yêu tôi, bằng một câu gì rất lạ.

Tôi chưa hề biết một tình yêu tinh khiết đến vậy, nên tôi sợ mẹ tôi sẽ làm ô uế nó. Tôi cố gìn giữ mọi kỷ niệm âu yếm về Rich trong tâm khảm tôi, và sẽ hồi tưởng chúng khi cần thiết.

—★—

Đắn đo suy nghĩ một hồi, tôi tìm ra một kế hoạch độc đáo để Rich gặp mẹ tôi và thu phục bà. Tôi dàn xếp để mẹ tôi muốn nấu một bữa ăn đặc biệt đãi chàng: Tôi nhờ dì Tố Uyên giúp đỡ. Dì Uyên là bạn mẹ tôi từ lâu lắm. Hai người rất thân với nhau, có nghĩa là hai bà không ngừng hành hạ nhau với những bí mật và điều khoe mẽ. Thế là tôi cung cấp cho dì Uyên một bí mật để bà khoe khoang.

Một chủ nhật nọ, sau khi đi bộ suốt North Beach, tôi đề nghị Rich bất ngờ ghé thăm dì Uyên và dượng Quang Ninh. Dì dượng sống trên đường LeavenWorth, chỉ cách căn hộ của mẹ tôi vài dãy phố về hướng tây. Lúc đó chiều đã muộn, chúng tôi đến đúng lúc dì Uyên sửa soạn bữa tối. Dì ép:

- Ở lại đây! Ở lại đây!

- Thôi dì ơi! Tụi con chỉ tạt ngang qua mà.

- Dì nấu đủ ăn cho hai người mà. Thấy không? Một bát xúp và bốn món nữa. Con không ăn chỉ có nước đổ đi, phí lắm!

Làm sao từ chối được? Ba ngày sau, dì Tố Uyên nhận được thư cám ơn của tôi và Rich. Tôi viết: - Anh Rich bảo anh chưa hề được ăn món Trung Hoa nào ngon đến thế.

Ngày hôm sau, mẹ tôi gọi điện thoại mời tôi đến dự bữa tối mừng Sinh nhật muộn của cha tôi. Anh Vĩnh Sơn sẽ đưa cô bạn gái Lý Gia Liên đến. Tôi cũng có thể đưa đến một người bạn.

—★—

Tôi biết mẹ tôi sẽ làm như vậy, vì nấu ăn là cách mẹ tôi thể hiện tình yêu, sự tự hào và quyền lực của bà, là bằng chứng cho thấy bà biết nhiều hơn dì Uyên. Tôi dặn Rich:

- Ăn xong nhớ khen mẹ, anh chưa hề thấy ai nấu ăn ngon như mẹ, và mẹ nấu ngon hơn dì Uyên rất nhiều. Tin em đi.

Bữa tối hôm đó, tôi ngồi trong bếp xem mẹ nấu nướng, đợi dịp thuận tiện bảo cho mẹ biết kế hoạch hôn nhân của chúng tôi, rằng chúng tôi đã quyết định lấy nhau, tháng Bảy tới, nghĩa là khoảng bảy tháng nữa. Bà đang xắt cà tím thành từng miếng chữ V, vừa xắt vừa nói về dì tố Uyên:

- Dì ấy chỉ nấu được khi nhìn vào công thức mà thôi. Bí quyết của mẹ nằm trong ngón tay này. Chỉ cần dùng mũi là biết phải cho thêm những gia liệu gì vào.

Bà xắt cà thoăn thoắt dường như chẳng để ý gì đến lưỡi dao bén ngọt làm tôi lo bà sẽ thái cả đầu ngón tay vào làm gia liệu cho món thịt heo chặt nhỏ nấu cà ướp đỏ. Tôi tưởng đầu tiên mẹ sẽ nói gì về Rich. Tôi nhìn thấy nét mặt bà khi mở cửa, nụ cười gượng ép khi bà săm soi chàng từ đầu tới chân, đánh giá chàng so với điều dì Tố Uyên đã nhận xét. Tôi cố tiên đoán xem mẹ sẽ phê bình chàng thế nào.

Rich không phải người Hoa, lại nhỏ hơn tôi vài tuổi. Ðiều xui xẻo nữa là với mái tóc quăn hung hung đỏ, làn da mịn màng xanh xanh, và đám tàn nhang cam cam trên mũi, trông chàng càng trẻ hơn nữa. Chàng hơi thấp người, chắc nịch. Trong bộ áo màu đậm, chàng trông trang nhã, nhưng lại mờ nhạt, chóng quên, như một cậu cháu nào đó trong đám tang. Thế nên trong năm đầu tiên cùng làm việc với nhau ở hãng, tôi có để ý gì đến chàng đâu. Nhưng mẹ tôi thì để ý tất cả.

- Thế mẹ thấy Rich thế nào? - Mãi thì tôi mới dám hỏi, nín thở chờ đợi.

Mẹ ném cà vào chảo dầu sôi một cái xèo giận dữ - mặt cậu ta nhiều đốm quá!

Tôi cảm thấy lưng mình nổi gai - Tàn nhang mà, hên lắm đó mẹ. - Tôi sôi nổi nói, cố át tiếng lèo xèo trong bếp.

- Thế à? - Mẹ ngây thơ hỏi.

- Vâng ạ, càng nhiều đốm càng hên đấy. Ai cũng biết thế mà.

Mẹ suy nghĩ một lát rồi nói bằng tiếng Hoa:

- Có lẽ đúng đấy. Hồi con còn nhỏ, con bị đậu mùa, nổi bao nhiêu là mụn nên phải ở nhà 10 ngày. Con cho đó là hên lắm à?

Tôi không thể cứu Rich trong nhà bếp. Càng không thể cứu chàng tại bàn ăn.

Chàng mang đến một chai vang trắng, không biết cha mẹ tôi không thích thứ đó. Thậm chí hai người còn không mua ly uống rượu vang nữa là. Chàng lại càng sai lầm khi uống đến hai cốc đầy tràn, trong khi mọi người khác chỉ nhấm nháp tí xíu “để nếm thử”. Tôi đưa cho Rich chiếc nĩa, nhưng chàng cứ nằng nặc đòi dùng đôi đũa ngà trơn tuột. Chàng cầm nó lóng ngóng như cặp giò đà điểu bị sụm gối, gắp một miếng cà chấm sốt to tướng. Nửa đường từ đĩa đến cái miệng há hốc của chàng, miếng cà rơi xuống chiếc áo sơ-mi trắng mới cứng, rồi rơi vào bẹn chàng. Châu Sa cười ré lên, mấy phút sau mới bảo nó ngưng được.

Chàng múc cho mình cả đống tôm nấu đậu trắng, không biết là chỉ nên lịch sự lấy từng muỗng một thôi, cho đến khi mọi người đều đã dùng một ít.

Chàng nghĩ từ chối khi được tiếp lần thứ hai là lịch sự, trong khi đáng lẽ phải theo gương cha tôi, ông làm một màn rất hay bằng cách gắp miếng thứ hai, miếng thứ ba, có khi miếng thứ tư nữa, lần nào cũng khen món này ngon quá, món kia ngon quá, không ăn thêm không được, rồi than no quá, chắc sắp bể bụng mất! Nhưng tệ nhất là khi Rich vô tình phê bình cách nấu ăn của mẹ tôi. Theo tập quán của một bà bếp người Hoa, mẹ tôi lúc nào cũng chê thậm tệ cách nấu ăn của mình. Tối hôm đó, bà giả vờ nhắm vào món thịt heo luộc ăn với dưa cải bà nổi tiếng nấu khéo và lúc nào cũng tự hào.

- Ái dà, món này nhạt nhẽo quá, không có hương vị gì cả, - bà nếm thử một miếng, càu nhàu - ăn không nổi!

Gia đình vốn biết ý sẽ gắp một ít và tuyên bố lần này mẹ nấu ngon tuyệt. Nhưng chúng tôi chưa kịp làm gì cả thì Rich đã nói:

- Bác biết không, chỉ cần một ít nước tương vào là ngon thôi.

Thế là chàng tưới ngay cả suối nước tương đen ngòm lên đĩa, ngay trước đôi mắt kinh hoàng của mẹ tôi.

Mặc dù tôi hy vọng rằng trong suốt bữa ăn, mẹ tôi, một cách nào đó, sẽ nhận thấy sự tử tế, óc khôi hài và cái duyên tươi trẻ của Rich, tôi biết trong đôi mắt mẹ, chàng đã thất bại thảm hại.

Rich rõ ràng đánh giá kết quả bữa tiệc ngược hẳn lại. Ðêm đó, khi trở về nhà, sau khi đặt Châu Sa vào giường ngủ, chàng khiêm tốn nói. - Theo anh, mình đã đạt điểm A, phải không nào? - Chàng trông như một chó trung thành, hổn hển chờ được vuốt ve, ôm ấp.

- Ừm, - Tôi mặc một chiếc áo ngủ cũ, ám chỉ rằng tôi không thích yêu đương lắm. Tôi vẫn còn run rẩy nhớ lại cảnh Rich bắt chặt tay cha mẹ tôi với vẻ thân thiện dễ dãi như khi cư xử với những thân chủ mới còn lúng túng.

Chàng nói:

- Linh Đa, Tiên. Tôi nghĩ sẽ gặp hai bác nay mai.

Cha mẹ tôi tên là Dương Tiên và Dương Linh Ða, trừ vài bác, bạn bè thân với gia đình, chưa ai dám gọi tên tục của cha mẹ tôi ra cả.

- Thế khi em nói chuyện với mẹ, mẹ bảo sao? - Tôi biết chàng muốn nhắc đến việc chúng tôi sắp lấy nhau. Ban nãy, tôi đã bảo Rich tôi sẽ báo cho mẹ biết trước để bà thưa lại cha tôi hay.

- Em không có cơ hội nào cả. - Mà thực đúng như vậy. Làm sao tôi có thể báo mẹ biết tôi sắp lấy chồng, khi mà có dịp nào hai mẹ con ở riêng với nhau, bà lại nhận xét Rich thích uống rượu vang đắt tiền quá, anh ta trông xanh xao bệnh hoạn quá, hay bé Châu Sa sao thấy buồn bã quá.

Rich mỉm cười: - Còn bao lâu nữa mới nói, thưa cha, thưa mẹ, con sắp lập gia đình?

- Anh không hiểu. Anh không hiểu mẹ em.

Rich lắc đầu: - Phải! Ðúng đấy. Mẹ em nói tiếng Anh tệ quá.

Đêm đó, sau bữa tối ở nhà cha mẹ tôi, tôi nằm trên giường căng thẳng suy nghĩ. Tôi buồn vì thất bại vừa rồi, càng buồn hơn vì Rich dường như chẳng nhận thấy gì cả. Trông chàng thật tội nghiệp! Một lần nữa mẹ tôi lại cho tôi thấy đen khi mà tôi chỉ nhìn toàn trắng. Trong tay mẹ, tôi luôn luôn chỉ là một con tốt. Chỉ có thể chạy trốn. Bà là quân hoàng hậu có thể di chuyển trên mọi hướng, bà truy đuổi không buông tha, lúc nào cũng tìm ra những điểm yếu của tôi.

Tôi thức dậy trễ, răng nghiến chặt, thần kinh căng thẳng. Rich đã dậy trước, tắm rửa và đọc báo Chủ nhật. - Chào búp bê buổi sáng, - chàng vừa nói vừa ồm oàm nhai bắp rang. Tôi mặc quần áo tập chạy bộ vào, nhào ra cửa, leo lên xe, lái thẳng đến căn hộ của cha mẹ tôi.

Marlene nói dúng. Tôi phải bảo thẳng mẹ tôi - rằng tôi biết ý đồ của bà nhằm làm tôi khổ sở. Lúc đến nơi cơn giận của tôi mạnh đến độ đủ xua đi hàng ngàn đao kiếm. Cha tôi mở cửa, ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. - Mẹ con đâu? - Tôi hỏi, cố giữ hơi thở đều. Ông ra hiệu chỉ về phía phòng khách sau lưng. Mẹ đang ngủ ngon lành trên ghế xa-lông, đầu gối trên một tấm khăn thêu trắng. Miệng mẹ trễ xuống và mọi nếp nhăn trên mặt đã biến mất. Với gương mặt mịn màng, trông mẹ như một thiếu nữ mảnh mai, ngây thơ, yếu đuối. Một cánh tuy mẹ buông rũ xuống thành ghế. Lồng ngực thật êm. Mọi sức mạnh đã tan biến. Mẹ không còn vũ khí, không còn quỉ thần xung quanh nữa, trông mẹ bất lực, bại trận.

Tôi chợt kinh hoàng sợ mẹ đã chết rồi. Mẹ đã thăng hoa khi tôi nuôi dưỡng những ý tưởng kinh khủng về mẹ. Tôi đã ước mẹ ra khỏi đời tôi. Và mẹ đã thuận lòng cho hồn lìa khỏi xác để thoát khỏi nỗi căm hờn cay độc của tôi.

- Mẹ! - Tôi gọi thảng thốt. - Mẹ ơi! - Tôi rên rỉ, bật khóc.

Mắt mẹ từ từ hé mở. Bà nhấp nháy. Đôi tay trở lại sức sống. - Gì vậy? Mây Mây - À? - Con đấy à?

Tôi lặng câm. Bao nhiêu năm rồi mẹ không còn gọi tôi bằng cái tên Mây Mây hồi bé nữa. Bà ngồi dậy, những nếp nhăn trở lại trên gương mặt, chỉ có điều trông chúng như những thoáng lo âu mềm dịu đỡ hằn sâu hơn.

- Sao con ở đây? Sao con khóc? Chuyện gì xảy ra à?

Biết nói gì bây giờ. Dường như chỉ trong vòng vài giây, tôi đã rơi từ trạng thái này sang trạng thái khác: giận dữ rồi kinh ngạc, rồi sợ hãi. Giờ đây tôi thấy người bủn rủn, yếu đuối chi lạ, tựa như ai đó đã bứt đứt tôi ra và dòng điện luân lưu trong tôi đã ngừng hẳn. Tôi thều thào:

- Không có việc gì cả. Con không biết sao con ở đây... Con muốn nói chuyện với mẹ... Con muốn thưa với mẹ... Con và Rich sắp lấy nhau.

- Jrdanle - Mẹ biết rồi - Bà nói như thể hỏi, sao tôi lại nhắc lại việc ấy.

- Mẹ biết rồi à?

- Đương nhiên. Cho dù con không nói với mẹ.

Sự việc còn tệ hơn tôi nghĩ. Mẹ đã biết tất cả, ngay từ lúc mẹ phê bình chiếc áo lông chồn, hay khi chê bộ mặt tàn nhang và thói uống rượu của chàng. Mẹ không ưa chàng. Tôi run rẩy:

- Con biết mẹ ghét anh ấy. Mẹ nghĩ anh ấy không xứng đáng, nhưng con...

- Ghét? Sao con lại nghĩ mẹ ghét chồng tương lai của con?

- Mẹ không bao giờ muốn nói về anh ấy cả. Hôm nọ con định nói với mẹ về anh ấy và bé Châu Sa ở Viện Bảo tàng thì mẹ... đổi đề tài... quay sang nói về cuộc giải phẫu của cha và rồi...

- Thế cái gì quan trọng hơn, nói chuyện vui chơi hay hỏi thăm người bệnh?

Lần nay tôi không để mẹ thoát đâu. - Và rồi khi gặp anh ấy, mẹ chê anh ta mặt có đốm.

Mẹ hoang mang nhìn tôi: - Không đúng thế à?

- Ðúng, nhưng mẹ nói như thế là nhỏ mọn, để con đau đớn, để...

- Ái chà, sao con lại nghĩ những điều xấu về mẹ như thế chứ? - Mặt bà già sọm, buồn rầu. - Vậy ra con nghĩ về mẹ tồi tệ như thế à? Con cho rằng mẹ có ý xấu sao? Nhưng chính con mới là người có ý xấu. Chao ôi! Cô ta nghĩ tôi xấu xa như thế đấy! - Mẹ ngồi thẳng lưng kiêu hãnh trên ghế, miệng mím chặt, đôi tay siết vào nhau, mắt long lanh ngấn lệ giận dữ.

Ôi sức mạnh của mẹ! Sự yếu đuối của mẹ! Cả hai đã hợp lại xé tan tôi ra. Tim tôi bay bổng phương này, óc cuốn đi phương khác. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh mẹ, hai mẹ con cũng sững sờ bàng hoàng.

Tôi thấy như mình vừa bại trận, một trận chiến tôi không biết mình đã tham dự. Tôi thấy rã rời, mãi mới nói:

- Con về đây. Con thấy không khỏe.

- Con ốm à? - Mẹ đặt tay lên trán tôi, thầm thì hỏi.

- Không - Con muốn ra về - Con... Con cũng không biết trong người con ra sao nữa.

- Thế thì để mẹ báo cho con biết - Tôi ngó sững bà. Bà giảng giải bằng tiếng Hoa: - Phân nửa con người con là từ bên bố. Tự nhiên thôi. Bên nội con là dòng họ Trung, người Quảng Ðông. Tốt, trung thực. Dù đôi khi có cục cằn, keo kiệt. Con thấy ba con đó, nếu mẹ không nhắc nhở thì ông ấy sẽ thế nào.

Tôi tự hỏi, sao mẹ lại nói điều ấy làm gì? Nó có ăn nhập gì đâu? Nhưng mẹ cứ tiếp tục, bà khoát tay toét miệng cười:

- Còn phần nửa kia trong con người con là từ mẹ, từ bên ngoại, dòng họ Tôn ở Thái Nguyên. Bà viết tên dòng họ lên mặt lưng một phong bì, quên rằng tôi không đọc được Hán tự.

- Dòng họ của mẹ gồm những người rất thông minh, rất mạnh mẽ, mưu trí và nổi tiếng là luôn luôn chiến thắng. Con biết Tôn Dật Tiên chứ hả?

Tôi gật đầu.

- Ông ta thuộc dòng họ Tôn. Nhưng gia đình ông ta đã chuyển về phương Nam cách đây nhiều thế kỷ, do đó không còn hoàn toàn giống người họ Tôn nữa. Gia đình mẹ luôn ở Thái Nguyên. Còn trước cả Tôn Vi. Con có biết Tôn Vi không?

Tôi lắc đầu. Chẳng biết câu chuyện sẽ đi đến đâu, nhưng tôi thấy lòng dịu lại. Dường như đây là lần đầu tiên hai mẹ con chuyện trò gần như tự nhiên với nhau.

- Ông ta chiến đấu với Thành Cát Tư Hãn. Khi giặc Mông bắn vào lính của Tôn Vi - thì hấp! - tên của chúng văng khỏi khiên như mưa rơi trên đá vậy. Tôn Vi đã làm ra một loại giáp sắt kiên cố đến nỗi Thành Cát Tư Hãn tưởng là phép mầu!

- Thế ắt hẳn Thành Cát Tư Hãn đã chế được những mũi tên thần, vì cuối cùng ông ta đã chinh phục được Trung Hoa mà.

Mẹ tôi làm như thể không nghe tôi nói. - Ðúng là chúng ta luôn luôn biết cách chiến thắng. Thế bây giờ con đã biết trong con người của con có gì, gần như toàn tinh hoa của Thái Nguyên cả.

- Con nghĩ chúng ta chỉ chiến thắng trên thị trường đồ chơi và điện tử.

- Sao con biết? - Mẹ náo nức hỏi.

- Mẹ nhìn mọi thứ đấy. Cái gì cũng made in Taiwan.

- Không! - Mẹ hét lên - Mẹ không phải dân Đài Loan!

Thế đấy, mối dây liên hệ mỏng manh chúng tôi vừa xác lập được đã đứt tung.

- Mẹ sinh ở Trung Hoa, ở Taiyuan tức là Thái Nguyên. Taiwan không phải là Trung Hoa.

- Ủa, con chỉ nghĩ mẹ nói đến “Đài Loan”, vì âm giống hệt như vậy. - Tôi cãi, bực mình vì bà nổi giận trước một cái lỗi vô tình như vậy.

- Âm hoàn toàn khác hẳn! Nước hoàn toàn khác hẳn! - Mẹ gắt lên. Dân ở đó chỉ mơ đất đó là Trung Hoa, vì nếu là người Hoa thì không ai lại không nghĩ đến Trung Hoa.

Hai mẹ con im lặng. Chiếu bí. Rồi mắt mẹ sáng lên:

- Nghe này. Con có thể gọi tên Thái Nguyên là Bình. Dân thành phố đó đều quen gọi như thế. Thế dễ chọn hơn. Bà viết tên thành phố, tôi gật đầu, tựa như nó đã làm sáng tỏ mọi việc. Bà giải thích thêm bằng tiếng Anh:

- Cũng giống như ở đây thôi. Người ta gọi San Francisco là Frisco ấy mà.

- Chả có ai gọi San Francisco thế đâu. - Tôi bật cười. - Ai mà gọi thế, chẳng hiểu gì cả.

- Giờ con đã hiểu ý mẹ nói, - mẹ tôi đắc thắng tuyên bố.

Tôi mỉm cười. Và quả thực cuối cùng tôi đã hiểu ra. Không phải điều mẹ vừa nói, mà là một sự thực từ xưa đến nay.

Tôi hiểu mục tiêu tôi hằng đấu tranh: Ðó là tôi, một đứa trẻ hoảng sợ, cách đây lâu lắm đã trốn nhà chạy đến một nơi tôi tưởng sẽ an toàn hơn. Thế rồi ẩn nấp tại nơi đó, đằng sau những vật cản vô hình, tôi đã biết những gì ở phía mẹ: Những đòn tấn công bọc hông, những món vũ khí bí mật, những khả năng huyền bí tìm thấy những điểm yếu nhất của tôi. Nhưng trong phút giây ngắn ngủi nhìn qua những vật cản, cuối cùng tôi chỉ thấy ở đó một hình ảnh chân thực: người mẹ già, khăn quàng là áo giáp, kim đan là kiếm, tính khí hóa ra hơi chua chát khi kiên nhẫn đợi con gái mời vào.

Rich và tôi đã quyết định hoãn đám cưới lại. Mẹ bảo giờ đi Trung Hoa hưởng tuần trăng mật thời tiết không tốt lắm. Bà biết rõ vì cha mẹ tôi vừa đi chơi Bắc Kinh và Thái Nguyên về.

- Mùa hè nóng kinh khủng. Con chỉ tổ mọc thêm nhiều đốm và nổi đỏ cả mặt lên! - Mẹ tôi bảo Rich, chàng nhăn răng cười, quay ngón tay cái chỉ mẹ tôi, nói: - Em có thể tin miệng mẹ nói không? Bây giờ anh biết chiến thuật khéo léo và ngọt ngào phát xuất từ đâu ra rồi.

- Các con phải đi vào tháng 10, đó là lúc thời tiết đẹp nhất. Không nóng quá, không lạnh quá. Ðến lúc đó mẹ cũng định về nước nữa. Mẹ ra lệnh. Ðoạn bà vội vã nói thêm: - Đương nhiên là không cùng đi với các con đâu.

Tôi cười bối rối, còn Rich nói đùa:

- Thế cũng hay mẹ ạ. Mẹ sẽ dịch tất cả các thực đơn cho chúng con nghe, bảo đảm khỏi lầm lẫn phải ăn thịt rắn hay thịt chó. - Suýt nữa là tôi đá Rich.

- Không, mẹ không muốn thế đâu.

Tôi biết bụng mẹ thực sự muốn gì. Bà thích đi Trung Hoa với chúng tôi. Nhưng tôi không thích. Nghe bà ca cẩm về đũa dơ, canh nguội mỗi ngày ba lần, suốt ba tuần lễ - Ối, đó sẽ là một thảm họa.

Thế nhưng một phần nào trong con người tôi lại nghĩ ý đó hợp lý đấy chứ. Ba chúng tôi, bỏ lại đằng sau những khác biệt, cùng bước lên máy bay, ngồi bên nhau, cất cánh từ phuơng Tây bay về phương Ðông.