Dường như tất cả những điều này đối với tôi đều đúng. Lời nói của mẹ quả là có sức mạnh như thế đấy.
Mẹ bảo nếu tôi nghe lời mẹ, thì sau này tôi sẽ nghiệm thấy bà đúng: những lời chân thật bao giờ cũng xuất phát từ trên cao tít, trên hẳn mọi điều khác. Còn nếu tôi không nghe lời mẹ, tai tôi sẽ dễ dàng chiều theo thiên hạ, họ nói những lời gió bay thổi đi từ đáy lòng họ, nơi họ nuôi dưỡng những khát vọng, nơi không thể có tôi.
Lời mẹ tôi nói quả thật xuất phát từ nơi cao tít. Tôi nhớ lúc nào tôi cũng nằm trên gối, ngước lên nhìn mặt mẹ.
Hồi đó ba chị em tôi cùng nằm trên một chiếc giường đôi. Gia Ninh, chị cả của tôi, mắc một bệnh dị ứng, khiến một bên lỗ mũi đêm đêm reo như chim hót, thế nên chúng tôi gọi chị là Mũi Reo. Chị Luyến là Chân Xấu, vì chị thường xòe các ngón chân ra theo hình vuốt mụ phù thủy. Còn tôi, là Mắt Nhát, vì tôi thường nhắm nghiền mắt để khỏi nhìn thấy bóng tối, hai chị Gia Ninh và Luyến bảo làm thế là ngu. Những ngày thơ ấu, tôi là đứa đi ngủ sau cùng. Tôi bám lấy chiếc giường, không chịu rời bỏ thế giới thực đi vào giấc mộng.
- Hai chị con đã đi gặp Lão Châu rồi kìa - Mẹ thường thầm thì bằng tiếng Hoa với tôi như vậy. - Theo mẹ, Lão Châu là thần gác cửa Giấc Mộng - Con đã sẵn sàng đi gặp Lão Châu chưa? - Ðêm nào cũng như đêm nấy, tôi lắc đầu, khóc: - Lão Châu đưa con đến chỗ xấu không hà.
Lão Châu đưa hai chị tôi vào giấc ngủ, họ chẳng bao giờ nhớ chuyện gì xảy ra đêm trước đó. Còn tôi thì Lão Châu thường mở rộng cửa, nhưng khi tôi cố bước vào thì lão liền đóng sập lại, định đập tôi bẹp dí như một con ruồi. Thế nên lúc nào tôi cũng bừng tỉnh dậy.
Rồi Lão Châu cuối cùng cũng mệt mỏi và không canh cửa nữa. Chiếc giường trĩu đầu xuống và chầm chậm nghiêng đi. Thế là tôi chúc đầu trôi tuột qua cửa Lão Châu, hạ xuống một căn nhà không một cánh cửa.
Tôi nhớ có một lần nằm mơ thấy mình rơi xuống một cái lỗ trên nền nhà Lão Châu, rồi lọt vào một khu vườn đêm. Lão Châu la lên: - Ai trong sân sau nhà ta đấy? - Tôi bỏ chạy. Đạp lên những cây có gân màu, băng qua những cánh đồng hoa mõm chó đổi màu như đèn giao thông, mãi đến lúc gặp một miếng đất rộng bát ngát với tít tắp những dãy khuôn cát hình vuông. Trong mỗi khuôn cát có một con búp bê mới. Mẹ tôi không có ở đó nhưng có thể nhận thấy hết ruột gan tôi, bảo Lão Châu, mẹ biết tôi sẽ lấy con búp bê nào. Thế là tôi quyết định chọn một con hoàn toàn khác biệt.
- Ngăn nó lại! Ngăn nó lại! - Mẹ tôi la lên. Tôi vùng chạy, Lão Châu đuổi theo, hét lên - Không nghe lời mẹ thì thế đấy! - Tôi tê dại, sợ quá, chẳng chạy đâu được nữa.
Sáng hôm sau tới kể giấc mơ cho mẹ nghe, bà cười nói:
- Con đừng để ý đến Lão Châu, chỉ là một giấc mơ thôi. Con chỉ việc nghe lời mẹ.
Tôi khóc: - Nhưng Lão Châu cũng nghe lời mẹ mà.
—★—
Hơn 30 năm sau, mẹ vẫn còn cố bắt tôi nghe lời bà. Một tháng sau khi báo cho mẹ biết tôi sắp ly dị Ted, tôi gặp mẹ tại nhà thờ khi dự đám tang của China Mary, một bà lão tuyệt vời 92 tuổi, người đã đỡ đầu cho tất cả trẻ em bước qua cánh cửa của nhà thờ Báp-tít đầu tiên cho người Hoa.
- Con gầy quá, - mẹ nói giọng đau xót khi tôi ngồi xuống bên bà. - Con phải ăn thêm.
- Con khỏe mà, - Và để chứng minh, tôi mỉm cười. - Chẳng phải mẹ bảo quần áo con lúc nào cũng quá chật sao?
- Ăn thêm nữa đi. - Bà khăng khăng, rồi huých nhẹ, đưa tôi xem cuốn sách nhỏ “Nấu ăn kiểu Trung Hoa” do China Mary soạn, mà người ta bán giá 5 đô-la ở cửa nhà thờ để gây Quỹ Học Bổng Tỵ Nạn.
Tiếng đàn organ dừng lại, mục sư hắng giọng. Tôi nhận ra đó là anh Huynh, ngày xưa thường ăn cắp các thẻ dã cầu với anh Lục của tôi. Nhờ bà China Mary, anh Huynh sau đó vào trường dòng, còn anh Lục vào tù vì tội bán xe hơi ăn cắp.
- Tôi vẫn còn nghe vang lên giọng nói của bà. - Mục sư Huynh nói với những người dự đám tang. - Bà bảo Chúa đã tạo ra tôi toàn bằng những tinh túy, thật nhục nhã biết bao nếu tôi bị đốt cháy trong Hỏa ngục.
- Ðem thiêu rồi, - Mẹ tôi thì thầm, hất đầu chỉ về phía bàn thờ, nơi đặt một tấm hình đóng khuôn của China Mary. Tôi đưa ngón tay lên môi như khi quản thư viện yêu cầu im lặng, nhưng mẹ không hiểu ý:
- Chúng ta mua hoa kia kìa, - Mẹ chỉ một bó hoa vàng kết với hồng đỏ, 34 đô-la - Tất cả đều là hoa giả, nên có thể chưng suốt đời. Con có thể đưa mẹ tiền sau. Gia Ninh và Mã Thiều cũng góp vào một ít. Con có tiền không?
- Dạ có, Ted có gửi cho con một ngân phiếu.
Mục sư yêu cầu mọi người cúi đầu cầu nguyện, mẹ tôi cuối cùng mới chịu im, bà lấy giấy Kleenex chầm chậm mũi.
Và khi mọi người ngẩng đầu lên, tất cả hát bài thánh ca số 335, bài hát China Mary thích nhất: Người có thể thành thiên thần mỗi ngày trên trái đất này...
Nhưng mẹ tôi không hát. Bà ngó sững tôi:
- Tại sao nó lại gửi ngân phiếu cho con?
Tôi cắm cúi nhìn tập thánh ca, hát: - Gởi đến bao vạt nắng, tràn niềm vui khai sinh.
Thế là mẹ tự trả lời câu hỏi, giọng nặng nề:
- Nó đang tằng tịu với con nào rồi.
Tằng tịu? Ted ấy à? Tôi muốn bật cười - trước cách dùng từ của mẹ, mà cả cái ý đó nữa! Tính Ted lạnh lùng, lặng lẽ, nhẵn nhụi, dù đến đỉnh cao khoái lạc thì hơi thở vẫn không hề thay đổi mảy may. Tôi thấy hiện lên hình ảnh anh miệng lầu bầu, tay gãi nách, rồi nhảy tưng tưng trên nệm ré lên đòi chụp lấy ngực tôi.
- Con không nghĩ như vậy đâu.
- Sao không?
- Con nghĩ chúng ta không nên nói về Ted bây giờ, tại nơi đây.
- Tại sao con nói với bác sĩ tâm thần được mà không tâm sự với mẹ chứ? Người mẹ là người tốt nhất, là người hiểu ruột gan con cái. Giọng mẹ át cả các giọng hát. - Bác sĩ tâm thần chỉ làm cho con hulihudu, thấy toàn là heimongmong.
Về nhà, tôi suy nghĩ lời mẹ nói. Mà quả thực vậy. Dạo gần đây tôi cảm thấy hulihudu và mọi thứ chung quanh đều heimongmong cả. Ðây là những Hán Tự tôi chưa hề nghĩ sang tiếng Anh, chắc từ tương đương gần nghĩa với chúng nhất là “hoang mang” và “sương mù dày đặc”.
Nhưng thực ra những từ này hàm nghĩa nhiều hơn thế, không thể dịch chúng dễ dàng được, có lẽ vì chúng chỉ một thứ xúc cảm của riêng người Hoa, tựa như người ta chúc đầu trôi tuột qua cửa sổ Lão Châu, rồi cố tìm đường về. Nhưng sợ quá, chẳng mở mắt nổi nữa, thế là sụp xuống bò hai tay hai chân, mò mẫm trong bóng tối, tai cố lắng nghe tiếng nói chỉ đường.
Tôi đã tâm sự với nhiều người lắm rồi, với bạn bè tôi nữa, dường như với tất cả, trừ Ted. Tôi kể cho mỗi người một câu chuyện khác nhau. Thế nhưng mỗi câu chuyện đều thực cả, tôi chắc chắn như vậy, ít nhất là vào thời điểm tôi kể nó.
Tôi kể với cô bạn Vĩ Lý của tôi là mãi đến khi biết Ted sẽ làm tôi đau đớn vô cùng, tôi mới biết tôi yêu chàng biết bao. Tôi cảm thấy một nỗi đau, một nỗi đau thể xác theo nghĩa đen của nó, tựa như ai đó đã xé đôi cánh tay lìa khỏi thân thể, không chích thuốc tê, không khâu vá lại.
- Thế có khi nào bồ bị xé cánh tay có chích thuốc tê chưa? Trời đất. Mình chưa hề thấy bồ hoảng loạn như vậy. Bồ muốn biết ý kiến của mình thì đây này, không có hắn, bồ sẽ khá hơn. Bồ đau đớn là vì mất đến 10 năm bồ mới thấy được hắn là một thằng tráo trở. Nghe mình đi, mình biết cảm giác đó mà.
Tôi kể với cô bạn Lena là không có Ted tôi thấy khá hơn. Sau cơn choáng váng ban đầu, tôi thấy mình chẳng nhớ tiếc anh ta tí nào. Tôi chỉ nhớ cảm giác thời còn bên anh.
- Cảm giác đó là gì? - Lena há hốc mồm hỏi: - Thời đó bồ buồn rũ rượi. Hắn làm cho bồ nghĩ rằng so với hắn, bồ chẳng là cái thá gì hết. Nếu mình là bồ, mình sẽ kiếm một ông luật sư giỏi và kiện tới cùng, làm cho sòng phẳng hết.
Tôi kể với bác sĩ tâm thần rằng tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ trả thù. Tôi mơ mình gọi điện mời Ted đi ăn tối, đến một nơi thời thượng, chẳng hạn quán cà phê Majestic hay quán Rose Lie. Khi hắn đã nếm món thứ nhất và tỏ ra thư thái dễ chịu rồi, tôi sẽ nói: Không dễ dàng như thế đâu Ted ạ. Tôi lôi trong bóp ra một hình nhân mà Lena cho mượn, chĩa thẳng chiếc nĩa vào chỗ hiểm của hình nhân rồi nói lớn lên ngay trước mắt tất cả các thực khách sang trọng trong nhà hàng.
- Ted, anh là một thằng lưu manh, một thằng liệt dương và tôi sẽ làm cho anh như thế đời đời: Phập!
Nói ra được điều đó, tôi thấy mình đã vọt đến tột đỉnh trong bước ngoặt vĩ đại của đời mình. Mới sau hai tuần điều trị tâm thần tôi đã thành một con người mới, khác hẳn. Thế nhưng ông bác sĩ của tôi lại chống cằm, mắt lim dim, lộ vẻ buồn chán:
- Dường như bà đã trải qua những xúc cảm mãnh liệt. Tôi nghĩ tuần tới chúng ta nên suy nghĩ thêm về chúng.
Nhưng tôi còn biết suy nghĩ gì thêm đây. Mấy tuần lễ tiếp theo đó, tôi lên danh sách chi tiết đời tôi, tôi đi từ phòng này sang phòng khác, cố nhớ lại lịch sử cùng tất cả mọi vật trong nhà: Những thứ tôi sưu tầm trước khi gặp Ted, những thứ hai vợ chồng cùng nhau mua sắm ngay sau khi lấy nhau (đa số đồ đạc lớn), những thứ người ta cho, những thứ Ted chọn và những thứ tôi nhặt nhạnh vì bỏ thì thương: các chân đèn cọc cạch, một tấm trải giường lủng lỗ, những chiếc lọ hình dáng kỳ quái, trước đây đựng dầu, nước hoa hay đồ gia vị.
Tôi định soạn tủ sách thì nhận được thư của Ted, một mẩu nhắn tin thì đúng hơn, viết vội vàng bằng bút bi trên toa thuốc: - Ký bốn bản ở chỗ đánh dấu X, - rồi đến dòng chủ bằng bút mực xanh: - Ngân phiếu đính kèm để trang trải cho em đến khi ổn định đời sống.
Mẫu nhắn tin được đính với các giấy tờ li dị của chúng tôi, kèm theo một ngân phiếu 10 ngàn đô la, ký bằng cùng màu mực xanh viết trong mẫu thư. Thay vì biết ơn, tôi lại cảm thấy bị xúc phạm.
Tại sao anh lại gởi ngân phiếu cùng với các giấy tờ? Tại sao lại viết hai cây bút khác nhau? Có phải suy nghĩ lại rồi anh ta mới viết ngân phiếu? Anh phải ngồi trong văn phòng bao lâu để quyết định số tiền bao nhiêu là đủ? Và, sao anh lại chọn cây bút ấy để ký chứ?
Tôi vẫn còn nhớ nét mặt anh năm ngoái khi anh cẩn thận mở tấm giấy gói quà màu vàng, vẻ ngạc nhiên trong mắt anh khi xem xét từng góc cạnh của cây bút dưới ánh sáng của cây thông Noel. Anh hôn trán tôi: - Anh sẽ chỉ dùng nó để ký những giấy tờ quan trọng. - Anh đã hứa với tôi như thế.
Nhớ lại kỷ niệm cũ, tay cầm tấm ngân phiếu, tôi chỉ còn biết ngồi phịch xuống cạnh giường, thấy đỉnh đầu mình nặng trĩu. Tôi ngó sững những chỗ đánh dấu X trên hồ sơ ly hôn, dòng chữ trên toa thuốc, hai màu mực, ngày ghi ngân phiếu, và câu anh cẩn thận ghi lại - Mười ngàn đô thôi và không thêm một xu nào.
Tôi lặng người, cố lắng nghe lòng mình để quyết định. Thế rồi tôi nhận ra mình chẳng biết chọn lựa gì. Thế là tôi cất giấy tờ và tấm ngân phiếu vào một ngăn kéo, nơi tôi giữ những phiếu mua hàng tôi không bao giờ quăng đi mà cũng chẳng bao giờ sử dụng.
Có một lần mẹ giải thích tại sao lúc nào tôi cũng hoang mang lơ mơ như thế. Mẹ bảo mạng tôi thiếu mộc, thế nên tôi nghe theo nhiều người quá. Mẹ biết điều này vì có lần mẹ gần như cũng y hệt vậy.
- Con gái cũng như một cây non. Con phải mọc thật cao và lắng nghe người mẹ đứng sát bên con. Ðó là cách duy nhất để vươn lên, thẳng thắn mạnh mẽ. Nhưng nếu con nghiêng ngả nghe những người khác, con sẽ trở nên cong queo yếu đuối. Phong ba vừa thổi qua là con sẽ đổ xuống mặt đất. Thế rồi con sẽ như một cọng cỏ, mọc hoang khắp nơi, chạy cùng trên mặt đất cho đến ngày có người nhổ bật lên, quăng đi.
Nhưng khi mẹ nói thì đã quá muộn. Tôi đã bắt đầu nghiêng ngả. Tôi đi học, cô giáo tôi là Berry bắt chúng tôi xếp hàng rồi dặn tất cả đi đều bước, hết ra lại vào phòng, miệng cô la lớn: “- Nam sinh, nữ sinh, theo tôi! - hết lên lại xuống hành lang. Còn nếu không nghe, cô sẽ bắt khom người đánh vào mông 10 roi.”
Tôi vẫn lắng nghe mẹ, nhưng tôi cũng học cách để các lời nói của mẹ bay qua tôi. Ðôi khi tôi nhét đầy đầu những suy nghĩ của các người khác - hết thảy bằng tiếng Anh - để nếu mẹ có nhìn biết ruột gan tôi, bà sẽ bị hoang mang chẳng hiểu gì.
Qua năm tháng tôi đã biết cách chọn lọc ý kiến. Người Hoa có ý kiến Hoa. Người Mỹ có ý kiến Mỹ. Và hầu như trong mọi trường hợp, phía Mỹ tốt hơn nhiều.
Chỉ sau này tôi mới khám phá ra rằng phía Mỹ có một lỗi lầm nghiêm trọng. Có quá nhiều sự lựa chọn, nên rất dễ hoang mang rồi chọn nhầm. Tôi cảm thấy hoàn cảnh của tôi với Ted cũng thế. Có quá nhiều điều để suy nghĩ, quá nhiều thứ để quyết định. Mỗi quyết định sẽ là bước chuyển sang một hướng khác.
Tấm ngân phiếu chẳng hạn. Tôi tự hỏi phải chăng Ted đang cố gài bẫy tôi để buộc tôi thú nhận rằng tôi sẽ đầu hàng và sẽ không chống trả việc ly hôn. Và nếu tôi lấy tiền, sau này có lẽ anh sẽ nói số tiền đó trả cho toàn bộ việc ổn định đời sống. Rồi tôi đâm ra hơi ủy mị một chút và thoáng tưởng tượng rằng anh đã gởi cho tôi 10 ngàn đô la vì anh yêu tôi chân thành và bằng lối thể hiện của riêng mình, anh bộc lộ rằng tôi có ý nghĩa biết bao đối với anh.
Mãi đến khi tôi nhận thức rằng 10 ngàn đô chẳng thấm tháp gì đối với anh và tôi chẳng có ý nghĩa gì cả.
Tôi nghĩ, thôi thì hãy chấm dứt sự tra tấn này và ký giấy ly hôn quách cho rồi. Sắp lấy giấy tờ từ ngăn kéo ra, tôi chợt nhớ đến ngôi nhà.
Mình yêu ngôi nhà này. Cánh cửa to lớn bằng gỗ sồi mở ra căn phòng đầy những của sổ kính lốm đốm. Ban mai, trong phòng điểm tâm quang cảnh phía nam thành phố nhìn từ tiền sảnh. Khu vườn hoa cảnh Ted đã trồng. Anh thường làm vườn mỗi cuối tuần. Anh quì bên luống cao su xanh rờn, đăm đăm xem xét từng chiếc lá tựa như đang tỉa tót móng tay. Anh trồng từng loại cây vào mỗi luống riêng biệt... Uất kim hương không thể trồng chung với vạn niên thanh. Nhánh cây lô hội mà Lena cho tôi chẳng ghép được vào luống nào cả vì chúng tôi không có một giống nào cùng loại.
Tôi nhìn ra cửa sổ thấy những bông huệ héo nâu ngã xuống, cúc gãy gục, còn rau diếp thì xác xơ. Cỏ mọc tràn trên các lối đi giữa các luống cây. Cả khu vườn hoang tàn sau nhiều tháng bị bỏ quên.
Khu vườn bỏ hoang gợi tôi nhớ đến câu tôi đã đọc trong một chiếc bánh bói: Khi người chồng thôi không chú ý đến khu vườn nữa, anh ta đang nghĩ đến chuyện bứng rễ. Bao lâu rồi Ted không tỉa hoa hương thảo? Bao nhiêu rồi anh không tưới nước các luống hoa?
Tôi rảo bước đến nhà kho trong vườn đi tìm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, tựa như số thuốc còn lại trong lọ, ngày thuốc hết hạn sử đụng, hay bất kỳ điều chi đó sẽ chỉ cho tôi biết việc gì đã xảy đến cho đời tôi. Thế rồi tôi đặt lọ thuốc xuống. Tôi linh cảm như có ai đó đang quan sát và cười nhạo tôi.
Tôi quay vào nhà, lần này để gọi một luật sư, nhưng khi dợm quay số, tôi thấy hoang mang. Tôi đặt ống nghe xuống. Mình có thể nói gì đây? Tôi muốn gì từ cuộc ly hôn? Khi mà chẳng bao giờ tôi nhận thấy mình mong đợi gì từ cuộc hôn nhân?
Sáng hôm sau, tôi vẫn còn suy nghĩ về cuộc hôn nhân của mình: mười năm sống trong cái bóng của Ted. Tôi nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, không quyết định nổi điều gì, dù nhỏ nhặt nhất.
Tôi nằm lì trên giường ba ngày, chỉ thức dậy để làm vệ sinh hay đun một hộp mì gà. Còn phần lớn là ngủ li bì. Tôi uống thuốc ngủ Ted bỏ đằng sau tủ thuốc. Và lần đầu tiên, tôi ngủ không mộng mị. Tôi chỉ nhớ duy nhất một cảm giác là êm ả rơi vào một khoảng tối mà chẳng nhận thức đâu là không gian, phương hướng. Tôi là người duy nhất trong đêm đen đó. Mỗi lần tỉnh giấc, tôi uống thêm một viên khác và quay lại chốn đó.
Ðến ngày thứ tư, tôi mơ thấy một cơn ác mộng. Trong bóng đêm tôi không nhìn thấy Lão Châu, nhưng lão bảo sẽ tìm thấy tôi và khi bắt được, sẽ nghiền nát tôi xuống đất. Lão lắc một cái chuông, chuông càng rung lớn thì lão càng sắp bắt được tôi. Tôi nín thở cố không thét lên, nhưng chuông mỗi lúc một rền vang đến khi tôi vùng tỉnh dậy.
Hóa ra là chuông điện thoại reo. Chắc nó đã reo liên tục cả giờ đồng hồ. Tôi nhấc ống nghe.
- À! giờ này con đã dậy rồi, mẹ sẽ đem mấy món ăn mẹ để phần cho con. Mẹ nói như có thể nhìn thấy tôi. Nhưng căn phòng tối om màn cửa đã kéo chặt.
- Mẹ à, con không thể... Con không thể... Con không thể gặp mẹ bây giờ đâu. Con bận.
- Bận đến nỗi không thể gặp mẹ à?
- Con có hẹn... với bác sĩ tâm thần.
Mẹ yên lặng một lúc, mãi mới cất giọng đau xót: - Tại sao con không thể tự bộc lộ? Sao con không nói thẳng với chồng con?
Tôi thấy kiệt sức: - Mẹ ơi, con xin mẹ! Xin đừng bảo con cố cứu vớt cuộc hôn nhân này nữa. Như thế này đã khổ lắm rồi.
Mẹ phản đối: - Mẹ đâu có bảo con cứu vớt nó. Mẹ chỉ bảo con hãy nói thẳng.
Tôi cúp máy. Chuông lại reo. Lần này là có thư ký của bác sĩ tâm thần. Tôi đã bỏ cái hẹn sáng nay, cả cái hẹn hai hôm trước nữa. - Bà có muốn hẹn lại không? - Tôi bảo sẽ xem thời khóa biểu và hẹn lại sau. Năm phút sau, chuông reo. Ted gọi.
- Cô ở đâu mấy hôm nay?
Người tôi bắt đầu run rẩy: - Ði vắng.
- Tôi cố gọi cô suốt ba hôm nay. Thậm chí tôi còn nhờ công ty điện thoại kiểm soát đường dây.
Tôi biết anh đã làm như vậy, chẳng phải vì quan tâm chi đến tôi, mà chỉ vì khi muốn đạt được điều gì đó, anh đâm ra bực dọc, cáu gắt với những người bắt anh đợi.
- Cô biết. - Ðã hai tuần rồi đấy. - giọng anh lộ rõ vẻ giận dữ.
- Hai tuần rồi à?
- Cô chưa chuyển tiền tấm ngân phiếu ấy và cũng chưa giao lại giấy tờ. Hồng, tôi muốn xử sự đàng hoàng. Cô biết là tôi có thể bảo người ta lo liệu giấy tờ một cách chính thức mà.
- Anh có thể làm thế à?
Không để lỡ một giây, anh tuôn ra điều anh muốn thật sự, một điều đáng khinh bỉ hơn tất cả mọi thứ khủng khiếp tôi đã nghĩ.
Anh muốn tôi ký giấy ly hôn và gửi nó trở lại. Anh muốn lấy căn nhà. Anh muốn mọi sự chấm dứt càng sớm càng tốt, vì anh muốn tục huyền với người khác.
Không kiềm chế được, tôi há hốc mồm hỏi: - Anh muốn nói là anh đang tằng tịu với một con khác à? - Nhục nhã quá, tôi suýt khóc.
Nhiều tháng nay, suốt thời gian dài chìm trong lãng quên, lần đầu tiên mọi việc đứng khựng lại. Mọi câu hỏi đã biến mất. Không còn sự chọn lựa nào nữa. Tôi thấy trống rỗng - thấy mình tự do, man dại. Cao tít trên đỉnh đầu, tôi nghe tiếng ai đó cười phá lên.
- Chuyện gì mà cô vui dữ vậy? - Ted gắt.
- Xin lỗi, chỉ là... Tôi cố hết sức kìm cơn cười lại, nhưng hơi ùa lên mũi làm tôi sặc lại khiến tôi càng cười nhiều hơn, và sự im lặng của Ted càng làm tôi cười sặc sụa.
Cố lắng giọng lại nhưng tôi vẫn thở dốc: - Nghe này, Ted, xin lỗi... Tôi nghĩ, tốt nhất sau khi đi làm về anh sang đây. - Không hiểu sao tôi lại nói vậy, nhưng tôi cảm thấy mình đúng.
- Chẳng có gì để nói nữa Hồng à.
- Tôi biết! - Giọng tôi bình tĩnh đến độ tôi ngạc nhiên, - Tôi chỉ muốn cho anh xem cái này. Đừng lo, anh sẽ nhận được giấy mà.
Tôi không có kế hoạch gì. Tôi không biết mình sẽ nói gì. Tôi chỉ muốn Ted gặp tôi một lần nữa, trước khi ly hôn.
—★—
Tôi dẫn anh ra coi khu vườn. Khi anh đến, sương chiều đã kéo về. Tờ giấy ly hôn nằm trong túi áo gió của tôi. Trong chiếc áo khoác thể thao, Ted run rẩy quan sát khu vườn bị tàn phá.
- Thật là đổ nát! - tôi nghe anh lầm bầm, cố giũ ống quần ra khỏi dây mâm xôi bò len lỏi trên lối đi. Tôi biết anh đang tính toán xem mất bao nhiêu thời gian để khôi phục lại khu vườn.
- Tôi thích nó như vậy, - Tôi vỗ vỗ chởm lá cà rốt to thù lù, những thân củ vàng cam đang đạp chòi lên mặt đất như sắp đòi ra đời. Tôi nhìn thấy cỏ dại mọc lan khắp sân trong, vài đám đã men đến sát bên nhà, thậm chí nhiều bụi đã nương náu dưới những tấm ván lợp lẻ và đang trên đường bò lên mái nhà. Khi chúng đã bám rễ được trên nền nhà thì không còn cách nào để nhổ được nữa, cuối cùng chỉ còn nước đập đổ toàn căn nhà.
Ted nhặt những trái mận rớt trên đất ném qua hàng rào vườn hàng xóm. Cuối cùng mới hỏi: - Giấy tờ đâu rồi?
Tôi đưa cho anh. Anh nhét chúng vào túi trong áo khoác. Anh đối diện tôi và tôi nhìn thấy đôi mắt ngày xưa tôi đã lầm tưởng là tử tế và che chở. Anh nói: - Cô không phải dọn đi ngay đâu. Tôi biết cô cần tối thiểu một tháng để tìm chỗ ở.
- Tôi đã tìm được rồi. - Tôi đáp nhanh, vì ngay khi ấy, tôi biết mình sẽ sống ở đâu. Anh nhướng mày ngạc nhiên và mỉm cười, - một thoáng thôi - cho đến khi tôi nói:
- Ở đây này! - Cái gì? - Anh vẫn nhướng mày, nhưng bây giờ không còn mỉm cười nữa.
- Tôi bảo tôi sẽ ở đây. - Tôi lập lại lời tuyên bố.
- Ai nói thế? - Anh khoanh tay trước ngực, mắt nheo lại, dò xét gương mặt tôi, tựa như anh biết nó sẽ nứt ra bất cứ lúc nào. Cái nhìn đó ngày xưa thường làm tôi kinh hãi đến độ nói lắp ba lắp bắp không thành lời.
Còn bây giờ tôi tỉnh như không, hết sợ, hết giận. - Tôi nói tôi sẽ ở đây. Cả luật sư của tôi cũng sẽ nói thế, khi chúng tôi trình giấy tờ cho anh.
Ted rút tờ giấy ly hôn ra, nhìn trừng trừng. Những chỗ anh đánh dấu X vẫn còn đó, khoảng trống vẫn trống.
- Cô định làm cái quái gì vậy? Nói rõ là cái gì vậy?
Và... câu trả lời, quan trọng hơn mọi thứ gì khác, chạy suốt thân thể tôi trào ra khỏi miệng:
- Anh không thể nghiễm nhiên bứt tôi ra khỏi đời anh, rồi quẳng tôi đi được đâu.
Tôi thấy điều tôi muốn: đôi mắt anh hoang mang rồi sợ hãi Anh đã hulihudu. Lời nói của tôi có sức mạnh như thế đó.
—★—
Ðêm đó tôi nằm mơ thấy mình lang thang suốt khu vườn. Lùm cây bụi cỏ mờ mờ sương khói. Tôi nhận ra Lão Châu và mẹ hiện ở đằng xa ra, tay chân cuống quít xoay xoay trong sương, khom người trên một luống hoa.
- Cô ta kia - Mẹ tôi la lên. Lão Châu mỉm cười vẫy tay gọi. Tôi tiến đến mẹ thấy bà đang loay hoay với cái gì đó, tựa như đang chăm sóc một đứa trẻ.
- Nhìn này, - Bà rạng rỡ nói. - Mẹ vừa trồng sáng nay, một số cho con, một số cho mẹ.
Và bên dưới sương mù dày đặc heimongmong, là cơ man cỏ dại bò khắp mặt đất, chạy hoang dã bốn phương.