Mẹ tôi không tiên đoán được khi nào có động đất hay thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao. Bà chỉ thấy trước những tai họa sẽ ảnh hưởng đến gia đình mình. Và bà biết nguyên nhân của những tai họa đó. Nhưng bây giờ bà mới hối tiếc đã không làm gì để ngăn chặn chúng lại.
Thời tôi lớn lên ở San Francisco, nhìn căn hộ mới của gia đình tôi cheo leo trên sườn đồi dốc đứng, mẹ tôi nói bào thai trong bụng bà sẽ tuột ra chết mất, và quả đúng như vậy.
Khi một cửa hiệu bán ống nước và vật dụng nhà tắm khai trương đối diện với ngân hàng của chúng tôi, mẹ tôi bảo ngân hàng chẳng bao lâu nữa sẽ cạn kiệt hết tiền cho mà xem. Một tháng sau đó, một nhân viên ngân hàng bị bắt vì tội thụt két.
Và ngay sau khi cha tôi qua đời hồi năm rồi, mẹ tôi biết ông thế nào cũng sắp mất vì cây lài mà cha tôi tặng bà đã héo tàn, dù bà đã hết lòng vun tưới cho nó. Rễ nó đã mục rữa không còn thấm nỗi một giọt nước nào nữa. Bản tường trình khám nghiệm tử thi cha tôi mà sau này mẹ tôi mới nhận được cho thấy 40% động mạch trong người cha tôi đã bị tắc nghẽn trước khi ông mất vì một cơn đau tim hồi 74 tuổi. Cha tôi không phải người Hoa như mẹ tôi, ông người Mỹ gốc Anh và Ái nhĩ lan, mỗi bữa điểm tâm ngốn hết năm lát thịt heo muối và ba quả trứng ốp-la.
Tôi nhớ đến khả năng tiên tri của mẹ tôi vì bà sắp đến thăm mừng tân gia vợ chồng tôi ở Woodhouse. Không biết mẹ tôi sẽ thấy điềm gì đây.
Harold và tôi đã may mắn tìm được địa điểm này, nằm gần chóp cao của đại lộ số 9, chỉ lái xe 45 phút là đến căn hộ của mẹ tôi ở San Francisco chuyến trở về từ San Francisco với mẹ, tôi ngồi trong xe là một thử thách dài 60 phút. Sau khi xe leo lên con đường ngoằn ngoèo dẫn đến chóp cao của đại lộ, bà chạm nhẹ tay lên vai Harold dịu dàng nhắc: - Ái dà con ơi bánh xe rít lên kìa! Sau đó một lát, mẹ tôi nhận xét: Xe có nhiều chỗ mòn, rách quá!
Harold mỉm cười lái xe chậm lại, nhưng tôi thấy tay anh ghì chặt lấy tay lái chiếc xe Jaguar, khi liếc vào kính chiếu hậu thấy dãy xe hơi đàng sau mỗi lúc một dài thêm, nóng nảy vì bị cản đường. Bụng tôi hoan hỉ thấy anh bực dọc. Anh lúc nào cũng bám theo đuôi xe Buick của mấy bà già, nhấn còi, rú máy ầm ĩ như thể sắp cán lên họ nếu xe họ không bứt lên.
Thế nhưng đồng thời tôi lại giật mình sao lại nhỏ mọn cho rằng chồng mình đáng chịu cực hình đó. Tôi không ngăn nổi suy nghĩ đó. Tôi tức Harold phát điên lên vì anh thật quá đáng. Sáng nay, trước khi đến đón mẹ tôi anh nói:
- Em phải trả tiền công cho mấy người giết bọ chét đấy nhé. Con Mirugai là mèo của em, do đó bọ chét cũng là của em. Sòng phẳng mà!
Không có bạn bè nào của chúng tôi lại có thể tin rằng vợ chồng tôi lại đi cãi nhau vì một chuyện ngu xuẩn như chuyện bọ chét, nhưng cũng chẳng bao giờ có ai tin rằng những mâu thuẫn giữa chúng tôi lại sâu xa nhiều, nhiều hơn thế nữa, đến nỗi tôi không biết đâu là tận cùng.
Giờ đây mẹ tôi đã đến, bà sẽ lưu lại một tuần, hay cho đến khi thợ điện chỉnh đốn căn hộ ở San Francisco xong. Chúng tôi phải giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Nãy giờ mẹ tôi cứ hỏi đi hỏi lại sao chúng tôi phải tốn kém quá nhiều tiền để làm mới lại nhà kho và cái ao rộng bốn mẫu đất. Thực ra mẹ tôi không hỏi mà chỉ nói: Ái dà, tốn nhiều tiền quá, tốn quá, - khi chúng tôi đưa bà đi xem nhà đất.
Trong khi đi thăm nhà, mẹ tôi đã tìm ra những khiếm khuyết của nó. Bà nói nền nhà nghiêng nghiêng khiến bà cảm thấy như sắp tuột xuống. Bà cho rằng căn phòng nơi bà sẽ lưu lại - nguyên thủy là kho chứa rơm có mái nghiêng - có “hai phía lủng lẳng”. Mẹ tôi nhìn thấy nhện bò trên các góc cao, cả bọ chét nhảy tưng tưng trong không trung như dầu ăn nổ lốp đốp. Mẹ tôi biết rằng bên dưới những chi tiết xa xỉ, tốn kém, căn nhà này vẫn còn là một cái kho. Mẹ tôi thấy tất cả những cái đó. Và tôi bực mình vì mẹ tôi chỉ thấy toàn cái xấu. Nhưng khi tôi nhìn quanh, tôi biết tất cả nhận xét của mẹ tôi đều đúng. Và thế là điều đó khiến tôi tin mẹ tôi sẽ còn thấy những việc khác đang xảy ra giữa Harold và tôi, và cả việc sắp xảy ra cho vợ chồng tôi. Vì tôi nhớ đến một việc khác mà mẹ tôi đã tiên đoán hồi tôi lên tám.
Lúc ấy mẹ tôi nhìn vào bát cơm của tôi và bảo tôi sẽ lấy một người chồng xấu.
—★—
- Ái dà, Lena,… sau bữa tối cách đây lâu lắm rồi, mẹ tôi đã bảo. - Mỗi hạt cơm thừa trong bát con là một nốt rỗ trên gương mặt người chồng con sau này của con.
Mẹ tôi đặt bát cơm của tôi xuống - Mẹ có biết một người đàn ông mặt rỗ. Hắn bủn xỉn, xấu xa lắm!
Tôi nghĩ đến một thằng bé hàng xóm bủn xỉn, mặt rỗ hoa, quả thực những lỗ đó có kích thước khoảng bằng hạt cơm. Nó chừng mười hai, tên là Arnold.
Mỗi khi tôi đến trường băng ngang qua cao ốc nó ở, nó thường bắn dây thun vào chân tôi, và có lần nó còn lấy xe đạp cán lên búp bê của tôi, chà nát ống quyển của búp bê. Tôi không muốn thằng bé độc ác đó trở thành chồng tương lai của tôi. Thế là tôi nhắc bát cơm nguội lạnh lên, và hết mấy hạt cơm thừa vào miệng, rồi mỉm cười với mẹ tôi, tin rằng người chồng sau này của tôi sẽ không phải là Arnold, mà là một người có gương mặt mịn màng như chiếc bát sứ sạch sẽ của tôi.
Nhưng mẹ tôi thở dài: - “Hôm qua, con có ăn hết cơm đâu” - Tôi nghĩ đến những miếng cơm bỏ mứa ngày hôm qua và những ngày trước đó. Trái tim non dại của đứa bé tám tuổi cứ mỗi phút lại thêm kinh hãi nghĩ đến khả năng ngày càng lớn dần là số mệnh đã đặt để thằng bé Arnold bần tiện thành chồng của tôi sau này. Và vì tật ăn uống hư đốn của tôi, bộ mặt hãi hùng xấu xí của nó cuối cùng sẽ giống như những miệng núi lửa trên mặt trăng.
Nhớ lại một chuyện thời thơ ấu như vậy thật lố bịch, nhưng đó quả thật là một kỷ niệm cứ hiện lên trong trí tôi, pha lẫn sự tởm lợm và ân hận. Sự căm ghét Arnold trong lòng tôi đã dâng lên đến độ cuối cũng tôi tìm ra cách để làm cho nó chết đi. Tôi dàn xếp để việc này nối tiếp việc kia. Đương nhiên tất cả chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng cho dù đúng hay không đúng thì tôi biết cái ý định vẫn có đó. Vì khi tôi muốn điều gì đó xảy ra, hay đừng xảy ra, tôi khởi sự để ý đến mọi sự kiện và sự việc có liên hệ với nhau, một cơ hội phải nắm lấy hoặc tránh đi.
Tôi tìm ra một cơ hội. Trong cùng tuần lễ xảy ra việc mẹ tôi bảo tôi về bát cơm và người chồng tương lai, tôi xem cuốn phim thật hết sức chấn động ở lớp giáo lý Chủ nhật. Giáo viên tắt bớt đèn để chúng tôi chỉ nhìn thấy bóng đen của nhau. Rồi cô nhìn bọn học trò chúng tôi, những đứa trẻ Mỹ gốc Hoa no đủ, đang loay hoay ngồi chật hết cả phòng.
- Cuốn phim này sẽ cho các em thấy tại sao các em phải đóng góp cho Chúa để thi hành các công việc của Chúa. Cô muốn các em nghĩ đến số tiền chỉ đáng vài xu bạc của các em, hoặc số quà bánh vặt vãnh mà các em ăn mỗi tuần, và thử so sánh chúng với những gì các em sắp xem đây. Và cô cũng muốn các em nghĩ xem ân phước thật sự trên đời là gì.
Rồi cô bật máy phát lên. Cuốn phim đưa lên hình ảnh các nhà truyền giáo ở Châu Phi và Ấn Độ. Những linh hồn thánh thiện này làm việc với những người chân bị sưng to như khúc cây, những người tay chân tê bại vặn vẹo như dây leo trong rừng. Nhưng kinh khủng nhất là những người mắc bệnh cùi. Mặt họ đầy những dấu vết thảm thương thật khó tưởng tượng nổi: mụn mủ lở loét, nứt nẻ, lồi thịt, những khe nứt toác ra như chân ốc bò quằn quại cắt lên mặt ruộng muối. Nếu như mẹ tôi có mặt trong phòng chiếu lúc đó, bà sẽ bảo tôi rằng những con người khốn khổ này là nạn nhân của những ông chồng hay bà vợ đã bỏ mứa cả đĩa thức ăn đầy.
Sau khi xem xong cuốn phim, tôi làm một hành động thật kinh khủng. Tôi thấy rõ việc mình phải làm để khỏi lấy thằng Arnold. Tôi để thừa nhiều hơn trước trong bát cơm. Và lối ăn uống hoang phí này không chỉ áp dụng cho các món ăn Tàu của chúng tôi. Tôi bỏ mứa luôn món bắp nấu, kem, bánh xăng-uýt trét bơ đậu phộng... Có lần tôi cắn một phong kẹo, thấy nó lồi lồi cục cục lổn nhổn những kem và sốt hạt đen đen bí hiểm, tôi bèn hy sinh quăng nó luôn.
Tôi cho rằng có lẽ chẳng có việc gì xảy ra cho thằng Arnold, rồi nó sẽ không bị cùi, rồi sang Phi Châu chết đâu. Dầu sao, việc này, một cách nào đó, đã cân bằng các khả năng đen tối rằng nó có thể gặp tai họa.
Thực ra nó không chết ngay mà mãi đến khoảng năm năm sau, lúc đó tôi đã gầy nhom gầy nhách. Tôi kiêng ăn không phải vì Arnold, vì tôi đã quên nó từ lâu rồi mà vì để theo thời trang như mọi cô gái 13 tuổi khác, tập nhịn ăn và nhịn nhiều thứ khác cho đúng mốt dậy thì. Tôi đang ngồi ở bàn điểm tâm đợi mẹ tôi gói xong túi đồ ăn mang theo ăn trưa, lúc nào tôi cũng quẳng nó đi ngay khi đến ngã tư đường. Cha tôi một tay chấm miếng thịt heo muối vào lòng đỏ trứng, tay kia cầm tờ báo đọc.
- Trời ơi, nghe này... Thế là ông báo tin rằng Arnold Reisman, thằng bé hàng xóm ở khu nhà cũ của chúng tôi ở Oakland, đã chết vì biến chứng bệnh sởi. Nó vừa được nhận vào trường Cal State Hayward, dự định sẽ học lên bác sĩ chuyên ngành chân.
Cha tôi đọc tiếp:
- Thoạt tiên các bác sĩ rất hoang mang trước bệnh này, một bệnh theo thống kê rất hiếm và thường tấn công trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 20, nhiều tháng hay nhiều năm sau khi bệnh nhân nhiễm vi rút bệnh sởi. Mẹ cậu Arnold kể rằng cậu mắc bệnh sởi nhẹ khi lên 12 tuổi. Mãi đến năm nay, cậu đột nhiên bộc phát những rối bạn tâm sinh lý khác thường, sau đó rơi vào cơn hôn mê mất hẳn nhận thức lúc 17 tuổi.
- Con không biết thằng bé đó à? - Cha tôi hỏi. Tôi đứng lặng câm.
- Thật là tệ. - Mẹ tôi nhìn tôi nói. - Thật tệ kinh khủng.
Tôi nghĩ mẹ tôi có thể nhìn xuyên thấu con người tôi, hiểu được rằng chính tôi là người đã gây ra cái chết của thằng Arnold. Toàn thân tôi sững sờ kinh hãi.
Ðêm đó, một mình trong phòng riêng tôi tọng thức ăn vào đầy họng. Lén mở tủ lạnh lấy hai ký kem dâu, tôi nhồi hết thìa này đến thìa khác vào miệng. Vài giờ sau đó, tôi ngồi co ro trên bệ thềm thoát khỏi phía ngoài phòng ngủ nôn ọe vào chiếc hộp đựng kem cho bằng hết những gì đã nhét vào. Tôi còn nhớ đã tự hỏi không hiểu tại sao ăn một món ngon lại thấy kinh khủng quá, còn ói ra một thứ kinh khủng lại nhẹ nhõm biết bao.
—★—
Nghĩ mình có thể là người đã gây ra cái chết của thằng Arnold cũng không lố bịch lắm đâu. Có lẽ số phận đã đặt để nó làm chồng tôi. Cho đến hôm nay tôi vẫn tự hỏi tại sao cái thế giới hỗn mang này lại xuất hiện quá nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên, quá nhiều điều tương đồng và đối nghịch? Tại sao thằng Arnold chỉ bắn dây thun hành hạ có mỗi mình tôi? Tại sao nó mắc bệnh sởi vào cùng cái năm tôi bắt đầu căm ghét nó rõ rệt? Tại sao khi mẹ tôi nhìn vào bát cơm của tôi, tôi nghĩ đến thằng Arnold đầu tiên rồi đâm ra thù nó quá như vậy? Lòng căm thù chẳng phải chỉ là hậu quả của một tình yêu bị tổn thương đó sao?
Và cuối cùng dù tôi đã xua những suy nghĩ này đi, xem chúng như những ý tưởng ngu ngốc, sao tôi vẫn có cảm giác rằng, phần lớn trường hợp ta xứng đáng nhận cái gì ta có. Tôi không lấy thằng Arnold. Tôi lấy Harold.
Harold và tôi cùng làm cho hãng kiến trúc Livotny, chỉ khác Harold là hội viên còn tôi là cộng tác viên. Chúng tôi gặp nhau cách đây 8 năm, trước khi anh làm việc tại Livotny. Lúc ấy tôi 28 tuổi, phụ tá thảo dự án, còn anh 34.
Chúng tôi khi ấy cùng làm cho Phòng thiết kế và Phát triển Nhà hàng của Công ty Harned Kelley & Davis.
Chúng tôi gặp nhau trong bữa ăn trưa ở sở, bàn về các bản đồ án, và luôn luôn chia đôi số tiền phải trả, mặc dù tôi thường chỉ gọi có một đĩa rau trộn vì tôi rất dễ lên cân. Sau đó, khi chúng tôi lén hẹn nhau đi ăn tối, chúng tôi vẫn chia đôi hóa đơn nhà hàng.
Và chúng tôi cứ tiếp tục như thế, tất cả đều được chia đôi ngay ở khoảng giữa. Tôi khuyến khích việc ấy. Đôi khi tôi giành trả tiền hết, từ tiền ăn, tiền uống, đến tiền buộc boa. Tôi thực sự chẳng cảm thấy gì lấn cấn.
- Lena ạ, em thật là tuyệt vời. Harold ca ngợi tôi sau khi đã qua 6 tháng cùng nhau ăn tối, năm tháng ân ái sau bữa ăn, và một tuần lễ tỏ tình rụt rè khờ khạo. Chúng tôi đang nằm trên giường, giữa hai tấm chăn nệm màu tím cẩm mới tinh tôi vừa mua cho anh. Bộ chăn nệm cũ màu trắng của anh bị ố vàng thấy rõ quá, chẳng lãng mạn tí nào.
Anh rúc vào cổ tôi, thầm thì: Anh chưa hề gặp một người đàn bà nào khác như em…
Tôi nhớ lòng tôi đã nghẹn lên nỗi lo sợ khi nghe đến từ “người đàn bà” vì tôi có thể tưởng tượng ra hàng tá, hàng trăm ả ái mộ Harold, sẵn sàng bỏ tiền ra trả bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, để hưởng cái khoái lạc của hơi thở anh phả lên da thịt.
Rồi anh cắn lấy cổ tôi vội vàng nói:
- Chưa có ai mềm mại, ngọt lịm, đầy đặn và đáng yêu như em.
Lời yêu đương ấy khiến lòng tôi ngây ngất, đê mê, tôi, sao một con người tuyệt diệu như Harold lại nghĩ mình là tuyệt trần nhỉ?
Nay lòng tôi căm giận Harold nên khó mà nhớ nổi trước đây anh tuyệt diệu ở điểm nào. Tôi biết anh có các phẩm chất tốt đẹp, vì nếu không, tôi đâu có ngu dại chỉ yêu anh rồi lấy làm chồng. Tôi chỉ còn nhớ hồi ấy tôi thấy mình sao may mắn quá, rồi sau đó lại đâm ra lo tất cả những may mắn mình không đáng được hưởng đó một ngày kia sẽ vuột khỏi tầm tay. Dệt gấm thêu hoa cái ngày dọn về ở với anh, trong trí óc tôi cũng kéo theo những nỗi lo sợ sâu kín nhất: Anh sẽ chê tôi hôi, tôi tắm rửa kiểu kinh khủng, gu thưởng thức âm nhạc và truyền hình của tôi thật tồi tệ đáng sợ. Tôi e ngại một ngày kia Harold sẽ đặt mua tròng kính mới và rồi, sáng nọ, anh sẽ đeo kính vào nhìn tôi từ đầu đến chân, từ chân lên đầu và thốt lên:
- Ôi, trời ạ, cô đâu phải là người như tôi nghĩ, phải không?
Cảm giác sợ hãi rằng một ngày nào đó tôi sẽ bị vạch mặt như một loại đàn bà giả trá cứ mãi ám ảnh tôi. Nhưng mới đây, Hồng, một người bạn tôi đang chữa trị bằng phân tâm học vì cuộc hôn nhân đã tan vỡ, bảo rằng những suy nghĩ như vậy rất phổ biến trong các phụ nữ như chúng tôi.
- Thoạt đầu mình nghĩ nguyên do là vì mình được nuôi nấng dạy dỗ theo truyền thống khiêm tốn của người Hoa, hay có lẽ vì là người Hoa, nên ta có bổn phận phải chấp nhận mọi thứ, hãy để xem con tạo xoay vần ra sao chứ không được nổi sóng ba đào. Nhưng bác sĩ phân tâm học của mình nói, tại sao bà lại đổ lỗi cho nền Văn hóa Trung Hoa, cho tâm lý thiểu số chứ? Mình nhớ có đọc một bài báo về sự tăng trưởng của trẻ em, chúng ta mong con phát triển đến mức tốt nhất, đến khi được như vậy lại thắc mắc lẽ ra nên cầu mong một mức hơn thế nữa, vì sau một độ tuổi nào đó, sự tăng trưởng sẽ chựng lại.
Sau khi nói chuyện với Hồng tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Đương nhiên Harold với tôi đều bình đẳng như nhau trên mọi phương diện. Mặc dù da anh sáng và quyến rũ theo kiểu trí thức, theo tiêu chuẩn cổ điển, anh hoàn toàn không điển trai lắm. Còn tôi, tuy không phải hương trời sắc nước, nhưng nhiều bà nhiều cô trong lớp aerobic đã khen tôi có một nét đẹp “ngoại quốc” đặc biệt, và họ ganh tị vì vú tôi không chảy xệ, chẳng là ngực nhỏ đang được chuộng mà. Thêm nữa, một thân chủ đã thán phục nhựa sống và sinh lực tràn trề không ngờ của tôi.
Thế nên tôi nghĩ mình xứng đáng có một người yêu như Harold, tôi nói điều này theo hướng tích cực chứ không phải tin vào nghiệp số. Chúng tôi bình đẳng. Tôi cũng thông minh lắm chứ! Tôi có lương tri, và hết sức giàu linh cảm. Chính tôi là người bảo cho Harold biết rằng anh là người có đủ tài để thiết lập một hãng cho riêng mình.
Thời chúng tôi đang làm việc cho Harned Kelley & Davis, tôi bảo Harold:
- Anh chính là gà đẻ trứng vàng cho công ty này. Nếu bây giờ anh khởi sự kinh doanh riêng, anh sẽ kéo theo được hơn phân nửa số thân chủ của các nhà hàng.
Anh ta bật cười:
- Phân nửa? Chà, nghe mê quá!
Tôi cùng cười, la lên: - Còn hơn phân nửa kia! Anh có tài như thế mà. Anh là người giỏi nhất trong ngành thiết kế và phát triển nhà hàng. Anh biết, em biết, và nhiều nhà phát triển khác biết điều đó mà.
Cũng chính đêm đó anh ta quyết định “lao vào”, như cách nói của anh ta, một cách nói tôi rất ghét từ khi ngân hàng ngày xưa tôi làm việc áp dụng nó để tuyên truyền nhân viên tham gia cuộc thi đua tăng năng suất làm việc.
Tôi bảo Harold: - Harold, em cũng muốn giúp anh lao vào nữa. Em muốn nói là anh sẽ cần tiền để khởi sự công việc kinh doanh này.
Anh ta không chịu lấy một xu nào của tôi, dù là giúp đỡ cho vay, đầu tư, hay mua cổ phần đi nữa. Anh bảo anh rất quí quan hệ giữa chúng tôi nên không thể đầu độc nó bằng tiền bạc. Anh giải thích:
- Anh cũng như em đều không muốn nhận của bố thí. Ngày nào chúng ta giữ riêng phần tiền bạc của mỗi người, ngày đó chúng ta biết chắc mình vẫn còn yêu nhau.
Tôi muốn phản đối, muốn nói: - Không! Em quả thực không ủng hộ quan niệm về tiền bạc như vậy, không ủng hộ cách chúng ta xử lý tiền bạc như bấy lâu nay. Em thực sự muốn cho không. Em muốn... Nhưng tôi không biết nên mở đầu ra sao. Tôi muốn hỏi anh người nào, người phụ nữ nào, đã làm tổn thương anh đến nỗi anh quá sợ hãi đón nhận tình yêu với tất cả hình thức tuyệt vời của nó như vậy. Thế rồi anh bảo tôi điều tôi mong mỏi biết bao lâu nay:
- Thực ra em có thể giúp anh bằng cách dọn về ở chung. Ý anh muốn nói là như thế anh có thể sử dụng món tiền thuê nhà 500 đô em trả cho anh…
- Tuyệt quá! - Tôi đáp ngay, biết anh bối rối khi phải yêu cầu tôi điều đó. Tôi sung sướng tê người đến nỗi chẳng màng rằng tiền thuê phòng của tôi thật ra chỉ có 435 đô. Hơn nữa chỗ ở của Harold đẹp hơn nhiều, đó là một căn hộ có hai phòng ngủ, nhìn ra vịnh một vòng cung rộng đến 240 độ. Dù tôi có ở chung với bất kỳ ai đi chăng nữa thì số tiền phải bù thêm vào đó cũng xứng đáng.
Thế là trong vòng một năm, Harold và tôi bỏ công ty Harned Kelly & Davis, anh thành lập hãng Livotny, còn tôi làm việc ở đó, phụ trách phối hợp các đồ án. Anh không lôi kéo được phân nửa số thân chủ nhà hàng của công ty Harned Kelly & Davis, ngược lại, công ty này đe dọa kiện anh ra tòa nếu anh giành của họ, dù chỉ một thân chủ trong năm tới. Buổi tối, khi anh xuống tinh thần, tôi lại phải vỗ về, động viên, khuyên anh nên thiết kế những mẫu nhà hàng theo chủ đề tiên phong để khẳng định phong cách riêng của mình so với các công ty khác.
- Bây giờ ai mà cần những quán rượu, quán ăn lát đồng, lát gỗ sồi nữa chứ? Cái thành phố này đã chán ngấy những kiểu nhà hàng cứ rập theo đúng một khuôn mẫu. Anh có thể tìm một góc riêng, mỗi lần sáng tạo một cái mới. Hãy thu hút những nhà đầu tư Hồng Kông sẵn sàng bỏ tiền ra mua lấy đường nét chân phương của người Mỹ.
Anh âu yếm mỉm cười với tôi, như muốn nói: - Khi em ngây thơ như vậy trông sao đáng yêu quá - Thương biết bao cách anh nhìn tôi như thế!
Tôi xúc động lắp bắp: - Anh... Anh... có thể thiết kế những quán ăn theo chủ đề mới... Như... Nhà đông quê chẳng hạn! Các món ăn nấu nướng cẩn thận, các cô phục vụ chu đáo, hiếu khách như ở nhà vậy... Hay anh có thể chế một thực đơn tiểu thuyết... Các món ăn lấy từ ý tứ trong các tác phẩm... Và…
Harold rất chú ý lắng nghe. Anh dùng những gợi ý của tôi và áp dụng chúng một cách thông minh, có phương pháp. Anh đã làm chúng vận hành. Nhưng tôi vẫn nhớ đó là ý của tôi.
Hiện giờ Livotny là một hãng đang phát triển với 12 nhân viên làm việc suốt ngày, chuyên về thiết kế nhà hàng theo chủ đề. Harold là kiến trúc sư trưởng, nhà thiết kế chính, thực hiện bản họa đồ cuối cùng để bán cho thân chủ. Tôi làm việc dưới quyền một nhà thiết kế nội thất vì Harold giải thích rằng nếu anh đề bạt tôi vì tôi là vợ anh - chúng tôi lấy nhau đã năm năm, hai năm sau khi anh thành lập hãng Livotny - thì các nhân viên khác sẽ cho như vậy là không công bằng. Và mặc dù tôi làm việc rất tốt, tôi chưa hề được đào tạo nghiệp vụ trong lãnh vực này. Thời kỳ học chuyên ngành về các công trình nghiên cứu Á - Mỹ châu, tôi chỉ theo học có một khóa về thiết kế dàn dựng sân khấu cho vở “Hồng điệp phu nhân” ở trường đại học.
Tại hãng Livony, tôi tìm tòi các yếu tố cho chủ đề, và đã có những sáng kiến độc đáo được giải thưởng. Tôi yêu công việc của mình, nhưng khi suy nghĩ sâu xa về tiền lương nhận được, về bao công sức nhọc nhằn, sao Harold lại sòng phẳng với tất cả mọi người, ngoại trừ tôi, tôi thấy buồn.
Thật ra chúng tôi bình đẳng với nhau trừ một điểm là Harold thu nhập gấp bảy lần tôi. Anh cũng biết điều đó, vì hàng tháng anh ký ngân phiếu trả lương cho tôi, rồi tôi gửi nó vào trương mục riêng của mình.
Tuy nhiên sau đó, việc bình đẳng này khiến tôi lo lắng. Nó vẫn nằm im trong tâm trí tôi, chỉ có điều là tôi không nhận ra. Tôi cảm thấy hơi bất an về một điều gì đó. Thế rồi cách đây một tuần, điều đó trở nên rõ ràng. Tôi đang thu dọn bát đĩa, còn Harold thì đang nổ máy xe hơi để hai vợ chồng đi làm. Tôi nhìn thấy tờ báo mở rộng trên bàn bếp, trên đầu trang là cặp kính của Harold, bình cà phê anh thích nhất, tay cầm bị sứt, lệch về một phía. Vì một nguyên cớ nào đó, khi nhìn thấy những dấu hiệu nho nhỏ trong gia đình biểu hiện sự thân mật và nếp sống hàng ngày của chúng tôi, lòng tôi bỗng bàng hoàng ngây ngất. Như thể tôi đang nhìn Harold trong lần đầu tiên ân ái, cái cảm giác hiến dâng trọn vẹn cho anh mà chẳng cần mình được đáp lại những gì.
Khi tôi bước vào xe, tôi vẫn còn bừng bừng cảm xúc đó. Tôi chạm tay anh nói: - Harold, em yêu anh.
Anh nhìn kính chiếu hậu, de xe ra, đáp: - Anh cũng yêu em. Em đã khóa cửa xe chưa? Và như thế, tôi bỗng nghĩ chưa đủ.
—★—
Harold xóc chìa khóa xe: - Anh xuống đồi mua thức ăn tối đây. Thịt bít-tếch, được chứ? Em muốn món gì đặc biệt không?
- Mình hết gạo rồi - Tôi kín đáo gật đầu về phía mẹ tôi đang ngồi quay lưng lại. Bà đang nhìn qua cửa sổ nhà bếp, ngắm dàn hoa giấy. Harold bước ra cửa, tôi nghe tiếng xe rùng rùng và tiếng bánh xe nghiến lên sỏi.
Còn lại hai mẹ con tôi trong nhà. Tôi đi tưới cây. Mẹ tôi nhón gót, nhướng cổ nhìn danh sách dán trên cánh cửa tủ lạnh. Danh sách này chia thành hai cột, đề tên “Lena” và “Harold”, bên dưới là những thứ chúng tôi đã mua và giá tiền.
Lena
Cà, rau, bánh mì, dầu bia: $19,63
Marin (lau nhà, buộc boa): $65
Thực phẩm (Xem danh sách mua hàng) $55,15
Cây kiễng dã yên và đất trồng: $14,11
Rửa hình: $13,83
|
Harold
Vật dụng garage: $25,35
Vật dụng nhà tắm: $54,1
Trang bị xe hơi: $6,57
Đồ diện: $19,99
Sỏi trải đường: $19,99
Xăng: $35
Chiếu bóng và ăn tối: $65
Kem: $4,50
|
Theo như sự chi tiêu tuần này, Harold đã trả hơn tôi 100 đôla, như thế trương mục của tôi nợ anh khoảng 50 đô.
- Giấy này ghi cái gì đây? - Mẹ tôi hỏi bằng tiếng Hoa.
- Ồ không có gì đâu. Chỉ là những thứ vợ chồng con trả chung vậy mà. - Tôi cố nói vẻ hờ hững.
Mẹ nhìn tôi, cau mày, không nói gì cả. Bà đọc danh sách lại một lần nữa, lần này cẩn thận hơn, vừa đọc vừa lần ngón tay theo từng chữ một.
Tôi bối rối, biết mẹ sắp nhìn thấy điều gì. May là mẹ không nhìn thấy phân nửa kia của nó, những cuộc bàn cãi. Sau không biết bao nhiêu lần tranh luận, Harold và tôi mới đi đến thỏa thuận không ghi những vật dụng cá nhân như “mascara”, “kem cạo râu”, “thuốc xịt tóc”, hay “dao cạo Biz”, “độn tóc giả”, “bột xoa chân thể dục”…
Hồi làm lễ cưới ở Tòa thị sảnh thành phố, Harold giành trả tiền. Tôi nhờ bạn tới chụp hình, chúng tôi đãi tiệc tại nhà và mọi người đem champagne đến. Khi mua nhà mới, chúng tôi thỏa thuận rằng, căn cứ theo thu nhập của từng người, tôi sẽ chỉ trả 1 phần trăm tiền thế chấp, và sẽ sở hữu l phần trăm tương ứng trong số tài sản chung, điều thỏa thuận này đã thành văn bản trước khi chúng tôi lấy nhau. Vì Harold trả tiền nhiều hơn, anh được quyền quyết định về cấu trúc của căn nhà. Nó bóng bẩy, thoáng, ít đồ đạc và mềm mại, như cách anh gọi, không có gì ngăn cản những đường nét, nghĩa là không có một tí gì theo kiểu cấu trúc hỗn độn, bừa bộn của tôi. Còn về những kỳ nghỉ, khi chúng tôi cùng chọn một nơi nào đó thì mỗi người trả 50% chi phí. Còn những lần khác thì Harold trả, ngầm hiểu đó là quà mừng sinh nhật, hay Giáng sinh, hay kỷ niệm lễ thành hôn.
Vợ chồng tôi còn tranh cãi, tranh luận với nhau về những thứ rất tệ hại như thuốc ngừa thai của tôi, hay những bữa tiệc tối ở nhà đãi những khách hàng của anh hay bạn thời Đại học của tôi, những tạp chí nấu ăn do tôi đặt mua nhưng anh cũng đọc vì buồn chán chứ không phải vì thích.
Vợ chồng tôi lại còn cãi nhau về Migura - không phải con mèo của cả hai chúng tôi hay con mèo của riêng tôi, mà đó là con mèo anh làm quà sinh nhật cho tôi năm rồi.
- Thứ này con có dùng chung đâu! - Mẹ tôi ngạc nhiên thốt lên. Tôi giật mình tưởng mẹ đã đọc được ý nghĩ trong đầu tôi về con mèo Migura. Nhưng mẹ đang chỉ vào mục “kem” trong danh sách của Harold. Hẳn mẹ tôi còn nhớ sự kiện bên bệ thềm thoát khói thời thơ ấu của tôi, hôm ấy, bà đã thấy tôi ngồi bên cạnh hộp kem đầy chất nôn ọe, người run rẩy mệt lả. Sau đó, tôi không bao giờ chịu ăn một miếng kem nào nữa. Một lần nữa tôi giật mình nhận ra rằng Harold chẳng bao giờ để ý rằng tôi không đụng đến miếng kem nào anh mua về nhà mỗi tối thứ sáu.
- Tại sao con làm như thế?
Giọng mẹ tôi đau đớn, tựa như tôi đưa ra tấm danh sách để làm tổn thương bà. Tôi nhớ đến những lời Harold và tôi đã nói với nhau trước đây: - Như thế chúng ta có thể loại bỏ sự ỷ lại giả tạo... trở nên bình đẳng... tình yêu không có ý ép buộc... Tôi định dùng chúng để giải thích cho mẹ, nhưng mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được những từ này đâu.
Thế nên tôi đành phải nói: - Con cũng không biết nữa. Trước khi lấy nhau, chúng con đã làm vậy rồi. Và vì một lý do nào đó vẫn theo như thế.
—★—
Khi Harold mua sắm xong trở về, anh nhìn bếp than. Tôi mở gói thực phẩm, nhúng bít tếch vào sốt, nấu cơm và dọn bàn ăn. Mẹ tôi ngồi trên ghế đẩu tại quầy đá granit, uống cà phê tôi vừa rót. Cứ một vài phút, bà lại lấy một mảnh vải dấu trong tay áo ra lau đáy ly cà phê.
Trong bữa ăn, Harold nói về các kế hoạnh cho cấu trúc của ngôi nhà: trổ các cửa sổ ở mái nhà, làm rộng tầng trên, trồng các khóm hoa uất kim hương và nghệ tây, đốn cây gỗ sồi độc, dựng thêm một gian bên nữa, xây một nhà tắm gạch men kiểu Nhật. Sau đó, anh dẹp bàn và xếp đĩa dơ vào máy rửa.
- Ai sẵn sàng ăn tráng miệng nào? - Anh mở tủ lạnh, hỏi.
- Em no rồi.
- Lena không thể ăn kem được. - Mẹ tôi nói.
- Dường như là thế. Lúc nào vợ con cũng kiêng ăn.
- Không phải, nó không bao giờ ăn kem cả. Nó không thích món đó.
Harold mỉm cười, nhìn tôi ngơ ngác, đợi tôi dịch câu mẹ tôi vừa nói.
Tôi nói giọng đều đều; - Ðúng thế! Em ghét kem suốt đời.
Harold nhìn tôi như thể cả tôi nữa cũng đang nói tiếng Hoa và tiếng Hoa không hiểu. - Anh nghĩ em đang cố xuống cân... Thôi được.
- Bây giờ nó gầy đến nỗi anh không nhìn thấy nó nữa. Mẹ tôi nói - Nó đã biến mất như một bóng ma.
- Ðúng thế! Chúa ơi, hay thật, - Harold phá lên cười, khoan khoái nghĩ mẹ tôi đang tế nhị cố cứu anh.
Sau bữa ăn, tôi lấy khăn sạch đặt lên giường cho mẹ.
Mẹ tôi ngồi trên giường. Căn phòng mang đường nét của trường phái đơn giản đến mức tối đa của Harold: hai chiếc giường trải drap trắng, chăn cũng trắng, nền nhà bằng gỗ đánh bóng, một chiếc ghế bằng gỗ sồi tẩy trắng, và bốn bức tường xám nghiêng nghiêng trơ trụi.
Vật trang trí duy nhất là một chiếc bàn kỳ quặc sát bên giường, mặt bàn là một phiến đá cẩm thạch cắt không đều, bốn chân bàn làm bằng sơn mài màu đen mảnh khảnh bắt chéo nhau. Mẹ tôi vừa đặt xách tay của bà lên bàn là chiếc lọ màu đen hình ống lắc lư và những cành hoa ly giao trong lọ run bần bật.
- Mẹ cẩn thận, bàn không chắc chắn lắm!
Chiếc bàn này là một mẫu thiết kế vụng về do Harold thực hiện hồi còn sinh viên. Không hiểu sao lúc nào anh cũng tự hào về nó. Ðường nét của nó thô kệch. Nó chẳng mang vẻ gì của trường phái “mềm mại” mà hiện nay Harold xem là rất quan trọng.
- Bàn này để làm gì? - Mẹ tôi hỏi, tay lắc lắc chiếc bàn. - Nếu con đặt một thứ gì khác lên, tất cả sẽ sập xuống. Chunwang chihan, môi hở răng lạnh mà.
Tôi để mẹ ở lại trong phòng, đi xuống tầng dưới. Harold đang mở cửa sổ cho hương đêm len vào như thói quen mỗi tối.
- Em lạnh.
- Gì đó?
- Anh làm ơn đóng của sổ được không?
Anh nhìn tôi, thở dài và mỉm cười, đóng sập cửa sổ rồi ngồi bắt chéo chân trên nền nhà, mở tung một tờ tạp chí ra xem. Tôi ngồi trên ghế xa lông, lòng giận sôi lên, không hiểu vì sao. Không phải vì Harold đã làm điều gì sai trái. Harold chỉ là Harold.
Ngay cả trước khi hành động, tôi biết tôi sắp gây ra một cuộc chiến nghiêm trọng hơn khả năng kiểm soát của mình. Dù vậy tôi vẫn cứ hành động. Tôi đi đến tủ lạnh, xóa dòng chữ “kem” trên phần danh sách của Harold.
- Em làm gì vậy?
- Tôi nghĩ anh không được lấy tiền của tôi để mua kem cho riêng anh nữa.
Anh nhún vai, thích thú.
- Được thôi!
- Mẹ kiếp! Sao anh lại phải sòng phẳng đến thế kia chứ! - Tôi hét lên.
Harold buông tờ tạp chí, há hốc mồm thảng thốt:
- Thế này là thế nào? Nói thẳng ra việc gì không ổn nào?
- Tôi không biết... tôi không biết. Mọi việc… cách chúng ta tính toán tất cả chi phí. Những thứ chúng ta chung với nhau. Những thứ không chung. Tôi chán ngấy những thứ đó lắm rồi, nào cộng nào trừ cho đều nhau. Tôi ớn đến tận cổ rồi.
- Chính cô muốn con mèo mà.
- Anh nói cái gì?
- Thôi được, nếu cô nghĩ tôi không sòng phẳng về chuyện tiền nong cho mấy người giết bọ chét thì cả hai chúng ta sẽ cùng trả.
- Không phải chuyện đó!
- Thế thì cô làm ơn nói đi, cô muốn gì?
Tôi bật khóc và tôi biết Harold ghét nước mắt lắm. Nước mắt lúc nào cũng khiến anh bực dọc, giận dữ vì cho đó là một cách làm áp lực. Nhưng tôi không cầm được nước mắt vì giờ đây, tôi nhận thức được rằng mình cũng chẳng biết mình muốn gì trong cuộc tranh cãi này. Tôi muốn xin Harold chu cấp cho tôi chăng? Hay muốn xin trả ít hơn phân nửa. Tôi có thực sự nghĩ nên chấm dứt việc tính toán toàn bộ mọi thứ. Rồi Harold kết cục sẽ trả nhiều hơn. Và khi ấy tôi sẽ cảm thấy tồi tệ hơn, kém bình đẳng đi? Hay có lẽ lúc đầu chúng tôi không nên lấy nhau. Có lẽ Harold là người chồng tồi tệ. Có lẽ tôi đã biến anh thành như vậy.
Không có điều gì có vẻ đúng cả. Tất cả đều phi lý. Tôi không thể công nhận điều gì và thấy mình hoàn toàn tuyệt vọng.
- Tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi sự việc. Tôi cất tiếng khi đã điều khiển được giọng nói, chỉ có điều phần tiếp theo nghe như rên rỉ. - Chúng ta cần suy nghĩ xem cuộc hôn nhân của chúng ta thực sự dựa trên nền tảng nào... Không phải trên mảnh giấy quyết toán này, xem ai nợ ai cái gì.
- Nhảm nhí, - Harold nói, thở dài rồi ngả người ra sau, tựa như đang suy nghĩ. Cuối cùng anh nói, giọng như bị tổn thương. - Tôi biết cuộc hôn nhân của chúng ta dựa trên nhiều điều hơn là một mảnh giấy quyết toán. Nhiều hơn rất nhiều. Còn nếu cô không biết thì tôi nghĩ cô nên suy nghĩ xem cô muốn thứ gì khác, trước khi cô thay đổi sự việc. Bây giờ tôi chẳng biết suy nghĩ gì.
Tôi đang nói gì vậy? Anh đang nói gì vậy? Chúng tôi ngồi yên lặng, không ai hé môi. Không khí ngột ngạt. Tôi nhìn ra cửa sổ và xa xa là thung lũng bên dưới chúng tôi, lấm tấm hàng ngàn ngọn đèn lung linh trong sương mù mùa hè. Rồi tôi nghe có tiếng gương vỡ trên lầu, và tiếng ghế kéo lê trên sàn gỗ.
Harold dợm đứng dậy, nhưng tôi nói: - Ðừng, để tôi lên xem.
—★—
Cửa mở, nhưng phòng tối đen, nên tôi gọi lớn:
- Chuyện gì đó mẹ?
Tôi thấy ngay: chiếc bàn đá cẩm thạch đã sập xuống trên bốn chiếc chân đen lỏng khỏng. Lọ hoa màu đen bắn sang một bên, thân lọ hình ống mịn màng vỡ đôi, những cành hoa ly giao tung tóe trong vũng nước.
Rồi tôi thấy mẹ ngồi bên chiếc của sổ mở rộng, bóng bà in đen thấm trên nền trời đêm. Mẹ tôi xoay người lại nhưng tôi không nhìn thấy mặt.
- Nó sụp xuống, - Mẹ tôi chỉ nói thế, không xin lỗi.
- Không sao đâu. - Tôi nhặt những mảnh vỡ lên. Con biết nó sẽ sụp mà.
- Thế sao con không ngăn lại?
Sao mà câu hỏi đơn giản quá.