- ‘‘Này người bạn. Tôi không bao giờ mua phong vũ biểu. Thôi đi đi, Hãy cho tôi được im lặng.”
Nhưng Coppola tiến đến giữa căn phòng, nói với chàng bằng một thứ giọng rồ rồ, cái miệng rộng của y méo lại để cố tạo nên một nụ cười kinh dị:
- Ông không mua phong vũ biểu? Nhưng tô..i tô…i cũng có “pán” những “kong mác”.
- Những con mắt? Ông bạn nói sao?
Nathanael ré lên như vậy, nhưng không còn hay biết gì nữa.
- Làm sao ông bạn có được những con mắt để mà bán?
Trong một chốc, Coppola cất đi những phong vũ biểu và lục lọi trong một cái bị lớn, hắn lấy ra những kính đeo mắt và để lên trên bàn. Đó là những cái kính, những cái kính để đeo lên mắt!
- Thưa ông “kong mác” “kong mác”
Vừa nói, y vừa lấy ra những cái kính ở bị, lấy ra quá nhiều đến nỗi trên mặt bàn đầy cả kính đeo mắt và đống kính kia, do một tia sáng mặt trời, chiếu tỏa ra một biển ánh sáng khối tam giác. Hàng nghìn con mắt hình như trực chỉ xói vào Nathanael những cái nhìn bừng cháy, nhưng chàng không thể ngoảnh mặt không nhìn vào mặt bàn; Coppola không ngừng sắp lên từng chồng kính đeo mắt và những cái nhìn của số kính kia, càng lúc càng vô số hằng hà, càng chiếu tỏa mãnh liệt tạo nên một đường tên đỏ như máy xuyên qua lồng ngực của Nathanael. Chàng cảm thấy một niềm sợ hãi ghê khiếp và nhảy vào người Coppola, giật lấy tay y, trong khi y đang thò vào bị để lấy ra thêm những cái kính đeo mắt, dù rằng mặt bàn đã đầy cả kính là kính. Nathanael ré lên:
- Hãy dừng lại! Dừng lại ngay, hỡi con người ghê tởm!
Coppola gỡ nhẹ bàn tay của Nathanael, vừa cười mũi, vừa nói:
- Thôi, thôi được, thứ hàng nầy không phải để ngài dùng. Nhưng đây, tôi có loại kính viễn vọng, loại kính viễn vọng tuyệt đẹp.
Trong nháy mắt, y cất hết kính đeo mắt vào lại bị, và từ một bị khác, y lấy ra một số khổng lồ kính viễn vọng đủ cỡ, đủ loại. Khi những kính đeo mắt đã biến mất vào bị vải, Nathanael trở lại bình tĩnh và khi nghĩ đến Clara, chàng có niềm tin rằng tất cả những xuất hiện vừa rồi xuất phát từ trí óc chàng. Giờ đây, Coppola đối với chàng, không còn là một nhà tà thuật hoặc là một bóng ma ghê tởm, y chỉ là một kẻ buôn bán kính lương thiện và những dụng cụ của y cũng không có tác động gì huyền hoặc cả; và để chữa lỗi lầm về thái độ đối với Coppola ban nãy, Nathanael quyết định mua một món hàng của người bán kính ấy. Chàng mua ngay một cái kính viễn vọng, loại bỏ túi thật đẹp, thật mỹ thuật và để thử dụng cụ, chàng đi gần lại khung cửa sổ. Từ trước đến nay, chàng chưa hề bao giờ sử dụng một loại kính tốt và xác thực. Ngẫu nhiên, Nathanael quay ống kính viễn vọng về phía căn phòng của G.S Spalanzani – Olympia vẫn ngồi như thường lệ trước bàn nhỏ, đôi bàn tay xấp lại. Lần đầu tiên Nathanael tìm ra được những nét tuyệt vời của gương mặt Olympia. Chỉ có đôi mắt nàng thì hình như chết hẳn và nhìn thẳng một cách khách thường. Nhưng càng nhìn nàng qua ống kính viễn vọng, Nathanael càng nhận ra được rằng đôi mắt nàng linh hoạt và chiếu lên những tia sáng ướt át, hình như cái điểm nhãn tuyến bỗng nhiên trở nên sáng rực và những cái nhìn của nàng mỗi lúc mỗi thêm linh động, mỗi lúc mỗi thêm rực rỡ, Nathanael đắm chìm trong sự chiêm ngưỡng nàng Olympia cao quý, chàng như bị trồng đứng bên khuông cửa sổ, bởi một sự quyến rũ lạ lùng. Có tiếng động gần đâu đây làm chàng tỉnh giấc mơ. Coppola kéo nhẹ áo chàng. Hắn nói:
- Ba duy-ca (ducat)
Nathanael hoàn toàn quên hẳn người bán kính. Chàng trả ngay số tiền theo giá hắn đòi. Coppola vừa cười lớn tiếng vừa nói:
- Kính này tốt phải không?
Nathanael trả lời vui vẻ:
- Tốt, tốt. Thôi vĩnh việt người bạn quý. Thôi, đi đi đi đi.
Coppola ra khỏi phòng và không quên nhìn thẳng vào Nathanael bằng một cách nhìn lạ lùng. Chàng còn nghe hắn cười lớn, khi bước xuống thang lầu. Chàng tự nói “Có lẽ hắn riễu ta vì ta đã mua quá mắc cái kính viễn vọng này”
Trong lúc đó, một tiếng thở ra nghe như than vãn vang lên sau lưng chàng. Nathanael thở rất mệt nhọc, vì chàng cảm thấy sợ hãi đến tột độ. Chàng nghe ngóng trong một chốc. Cuối cùng chàng nói:
- Quả Clara đã có lý khi xem ta như một con người bị ám ảnh.
Nhưng ý nghĩ đã trả quá mắc cho Coppola đã gây nên cảm xúc sợ hãi, ý nghĩ ấy thật hết sức lạ lùng! Chàng ngồi vào bàn để viết tiếp bức thư cho Clara, nhưng thoáng chớp mắt qua cửa sổ, chàng lại biết chắc rằng Olympia vẫn còn ngồi đấy; và cũng trong khoảng khắc, chàng bị một sức mạnh vô hình buộc cầm lấy cái kính viễn vọng của Coppola và chỉ khi người bạn cùng lớp tên Sigismond đến kêu chàng đi đến lớp của G.S Spalanzani, chàng mới rời bỏ những cái nhìn quyến rũ của cô láng giềng xinh đẹp. Tấm màn của cánh cửa bằng gương đã hạ xuống một cách kỹ càng, chàng không còn thể nhìn thấy Olympia. Hai ngày tiếp sau đó, nàng cũng như muốn tránh đi khỏi những cái nhìn của chàng, mặc dù chàng không một phút nào rời khỏi khuông cửa sổ, mi mắt dính hẳn vào ống kính viễn vọng. Cho đến ngày thứ ba, tấm màn cửa vẫn phủ kín, Tuyệt vọng, bức xúc, chàng chạy ra khỏi thành phố. Khắp nơi, hình ảnh của Olympia bay bỗng trước mắt chàng trong không khí, hình ảnh nàng vượt lên trên các ngọn cây, bụi cỏ và nàng nhìn chàng bằng đôi mắt sáng ngời, từ dưới đáy của những dòng suối trong. Hình ảnh của Clara thì hoàn toàn bị xóa bỏ trong tâm hồn chàng; chàng chỉ còn nghĩ đến Olympia và chàng vừa than thở vừa ré lên: Hỡi vì sao sáng lạn của mối tình tôi, phải chăng em xuất hiện để mà biến mất ngay và để tôi lại trong một đêm tối dày đặc, âm u như thế này!
VI
Khi trở về lại phòng, Nathanael nhận thấy nhà G.S.Spalanzani rất rộn rịp. Tất cả cửa lớn đều mở toang. Người ta mang đến rất nhiều bàn ghế. Tất cả cửa sổ ở tầng lầu nhất đều chống lên. Những cô giúp việc chạy qua chạy lại rộn ràng, mỗi người cầm một chổi dài. Nào là thợ mộc, thợ thảm, nên những nhát búa làm vang cả nhà. Nathanael dừng lại ngoài đường, rất đỗi ngạc nhiên. Sigismond đi gần lại chàng, vừa cười vừa nói:
- Nầy, mày nghĩ sao về cái ông già Spalanzani này?
Nathanael trả lời rằng không có ý nghĩ nào cả về Giáo sư, bởi lẽ chàng không biết gì về đời tư của Giáo sư. Nhưng chàng cũng không thể không khỏi ngạc nhiên về tiếng ồn và sự náo động hôm nay tại nhà ông ta, căn nhà thường thường rất yên tĩnh và rất quạnh hiu. Sigismond cho chàng hay rằng Spalanzani có lẽ sẽ tổ chức một bữa tiệc lớn, có hòa nhạc và khiêu vũ. Phân nửa sinh viên Trường Đại học được mời đến dự. Người ta còn loan tin rằng lần đầu tiên Spalanzani sẽ cho ra mắt ái nữ của ông là cô Olympia mà từ lâu nay ông đã giấu kín và nâng niu như trứng bỏng. Nathanael tìm thấy tại phòng chàng một cái thiếp mời. Rất đúng giờ, chàng đến nhà Giáo sư – quả tim xao xuyến. Lúc chàng đến, xe cộ của khách cũng đã đậu chật ních đường. Phòng tiếp khách tại nhà Giáo sư sáng rực những ánh đèn, buổi tiệc rất đông khách và linh đình. Olympia xuất hiện trong một sự trang phục hết sức sang trọng và rất hợp thời. Người ta không thể không chiêm ngưỡng những đường cong và những nét tuyệt vời của nàng. Đôi vai tròn trĩnh, cái lưng thon thon có được một vẻ thùy mị, dịu dàng đến ghê sợ nhưng người ta chú ý đến một sự gì như cứng cáp, thước tấc trong dáng đi của nàng, dáng đi hình như còn phạm nhiều khuyết điểm. Người ta cho rằng nàng thiếu vẻ tự nhiên do sự thẹn thuồng e lệ trước sự hiện diện của quá đông người lạ mặt. Cuộc hòa tấu nhạc bắt đầu, Olympia đánh dương cầm với một sự lanh lẹ không ai bì nỗi và nàng hát lên một âm điệu hùng tráng bằng một âm thanh rõ ràng và trong vắt, giống như âm thanh của một cái chuông bằng thủy tinh. Nathanael đắm chìm trong một sự thỏa mãn sâu xa; chàng ngồi ở dãy ghế cuối và ánh sáng của những ngọn nến không cho chàng nhận rõ những nét của Olympia. Biết được không ai nhìn thấy mình, chàng liền rút cái kính viễn vọng của Coppola và bắt đầu ngắm nàng ca sĩ. Trời ơi! Hồn chàng như mê loạn! Chàng nhận thấy rằng những cái nhìn đầy ước muốn của nàng Olympia kiều diễm đang tìm cái nhìn của đôi mắt chàng và sự diễn tả tình tứ trong bài hát, chính là nàng chỉ muốn cho mình chàng nghe thôi. Âm thanh ngân dài của nàng lọt vào thính giác của Nathanael giống như sự rung động tuyệt vời của tình yêu thỏa mãn và cuối cùng, khi bài hát chấm dứt bằng những âm thanh láy dài, âm thanh vang lên trong phòng và gây nên dư âm một cách êm đềm, chàng không còn thể tự trấn tĩnh trong niềm cảm xúc bàng hoàng, chàng ré to “Olympia! Olympia!” Tất cả mọi người đều ngoảnh mặt nhìn Nathanael. Những sinh viên ngồi gần đấy cười rộ ồn ào. Người đánh “orgue” nhà thờ tỏ vẻ lãnh đạm và ra dấu cho chàng phải bình tĩnh. Cuộc hòa tấu nhạc chấm dứt. Khiêu vũ bắt đầu.
Ôm nàng vào đôi tay, khiêu vũ với nàng! Đó là tất cả ước vọng của Nathanael, tất cả sự cố gắng của chàng; nhưng làm sao đến được cái mức độ can đảm ấy? Mời nàng khiêu vũ, mời một nữ chúa của bữa tiệc? Chàng nghĩ như vậy nhưng cũng không hiểu tại sao sự việc lại xảy ra như sau: lúc khiêu vũ bắt đầu là chàng đã đứng gần kề sát Olympia. Lúc ấy, nàng cũng chưa được mời khiêu vũ. Sau khi mấp máy đôi tiếng trong miệng, bàn tay của chàng đã nâng lên bàn tay của nàng. Bàn tay của Olympia lạnh buốt và từ phút chạm tay nhau, chàng cũng cảm thấy truyền qua cơ thể mình một sự lạnh buốt của một xác người chết. Chàng nhìn Olympia. Đôi mắt nàng nói lên tất cả ái tình và dục vọng và tức khắc, chàng nhận thấy huyết quản của bàn tay chết kia đập mạnh, một giòng máu nóng hổi chạy qua những đường gân lạnh lẽo kia. Nathanael run rẩy, tim chàng bừng cháy ái ân: chàng vòng tay ôm lưng nàng Olympia mỹ miều và cùng nàng lướt qua đám người đang quay cuồng theo một điệu luân vũ. Đến giây phút này, chàng vẫn tự cho mình là “kép nhảy” sở trường biết để ý đến giàn nhạc đang hòa tấu; nhưng sự đều đặn nhịp nhàng của bước chân Olympia luôn luôn làm chàng trật nhịp đàn và chàng lại gán khuyết điểm kia cho sự phân định sai lệch của thính giác mình. Dù sao, chàng cũng không còn muốn khiêu vũ với bất kỳ một người đàn bà nào khác, chàng còn có thể bóp cổ bất cứ ai muốn đến gần Olympia để mời nàng khiêu vũ. Sự vệc này có xảy ra hai lần, nhưng cũng không hiểu tại sao và thật hết sức ngạc nhiên đối với Nathanael, chàng vẫn đã có thể khiêu vũ với nàng suốt cả bữa tiệc.
Nếu Nathanael đã có thể nhìn thấy được những gì ngoài Olympia thì chàng đã không thế tránh được nhiều cuộc cãi vả tai hại bởi vì xung quanh chàng, có những tiếng thì thầm chế riễu, có những tiếng cười khúc khích thoát ra từ đám thanh niên sinh viên. Họ cũng nhìn chăm chú, tò mò vào nàng Olympia xinh đẹp mà người ta cũng không hiểu được lý do vì sao. Khiêu vũ và rượu làm cho con người Nathanael nóng lên. Chàng mất hẳn sự thẹn thùng, e lệ vốn là bản chất của chàng. Chàng ngồi kế sát Olympia, cầm tay nàng, chàng tỏ tình cũng nàng bằng những lời nồng nhiệt, những tràn tâm sự mà không một ai có thể hiểu nổi, cho đến cả Olympia và ngay cả chàng cũng không hiểu được. Tuy vậy, nàng trực chỉ nhìn chàng trong đôi mắt và thở ra một cách nặng nề. Nàng than vãn cùng chàng: A!A!A!
- Ôi người đàn bà thanh cao làm sao! Ôi giai nhân thần diệu của tôi! Ánh sáng tình yêu kia chỉ xuất hiện trong một thế giới khác! Hồn ta xin được soi vào tâm hồn đáng kính và sâu sắc kia.”
Nathanael nói lên như vậy nhưng Olympia cũng chỉ biết thở ra và trả lời chàng: A!A!
Giáo sư Spalanzani đi qua đi lại nhiều lần trước mặt hai kẻ tình nhân và khi nhìn thấy hai người ngồi sát nhau. Giáo sư mỉm cười một cách thỏa mãn và cũng hết sức lạ lùng. Nathanael như lạc vào thế giới mộng ảo, và đột nhiên, chàng nhận thấy hình như gian phòng của Giáo sư trở thành ít rực rỡ hơn; chàng nhìn xung quanh và hơi hốt hoảng khi nhận thấy hai ngọn nến cuối cùng như muốn tắt đi. Đã lâu rồi, âm nhạc và khiêu vũ đã dừng bặt.
- Chia ly! Chia ly! Nathanael ré lên một cách đau đớn và tuyệt vọng. Chàng đứng lên để hôn bàn tay của Olympia, nhưng nàng nghiêng mình vào chàng và đôi môi lạnh buốt của nàng đặt lên đôi môi nóng hổi của chàng. Câu truyện cổ tích “Vị hôn thê chết cứng” hiện ra đột ngột trong tâm trí chàng. Nathanael cảm xúc một niềm sợ hãi xâm chiếm lấy mình, giống như lúc chàng rờ đụng vào bàn tay lạnh của Olympia nhưng nàng vẫn giữ chàng sát tim mình và qua những cái hôn, đôi môi nàng nóng lên bằng chất nóng của cuộc sống. Giáo sư Spalazani chầm chậm đi ngang qua gian phòng trống trải; bước chân của ông vang lên trên miếng thảm lót cửa và gương mặt ông, đầy cả bóng đen chập chờn, gây nên cảm tưởng về một sự xuất hiện ma quái. Yêu tôi không? – Yêu tôi không Olympia? – Chỉ nói lên một lời thôi! – Yêu tôi không? – Nathanael thì thầm như vậy nhưng Olympia chỉ biết thở ra và khi đứng dậy, nàng nói A! A! – Nathanael nói:
- Hỡi vị nữ thần! Cái nhìn của nàng là một ánh pha soi sáng hồn tôi mãi mãi. A! A! Olympia vừa xa chàng vừa mấp máy như vậy, Nathanael đi theo nàng; cả hai đứng trước mặt giáo sư Spanlazani. G.S. Spalazani vừa nói vừa mỉm cười:
- Ông bạn đã đàm luận một cách say sưa với con gái tôi. Này ông Nathanael thân mến, nếu ông bạn cảm thấy thích được nói chuyện với đứa em nhút nhát ấy, những cuộc viếng thăm của ông tại đây đối với tôi rất thú vị.
Nathanael xin cáo lui, giã từ ra về mang theo cả một bầu trời nhớ nhung trong quả tim chàng.