Lưu Bang dẫn quân xuống phía nam, qua bến Bình Âm. Lúc vừa đến Lạc Dương, Hán Vương gặp một cụ già dáng vẻ lọm khọm đang từ từ bước lại phía ông ta. Khi đến trước ngựa, cụ già rập đầu bái lạy. Lưu Bang ngạc nhiên, vội vàng xuống ngựa hỏi danh tính. Cụ già này họ Đổng, mọi người gọi cụ là Đổng Công, là tam lão của vùng Tân Thành, năm nay 82 tuổi. Thời đó, tam lão đều do những người lớn tuổi có danh vọng ở trong vùng đảm nhận. Ở thôn quê, tam lão có địa vị chính trị cao nhất và có trách nhiệm giáo hóa phong tục của vùng đó.
Lưu Bang hỏi Đổng Công có điều gì muốn nói. Cụ già nói tỉ mỉ từng câu từng chữ: "Thần được biết cổ nhân từng nói: "Người có đức thì vượng, kẻ thất đức thì vong" và còn nói: "Vô cớ xuất quân, việc ắt bất thành". Thần muốn hỏi một câu, Đại vương xuất quân rốt cuộc là muốn thảo phạt người nào?".
Lưu Bang trả lời rằng: "Hạng Vũ vô đạo, cho nên ta đến thảo phạt ông ta”.
Đổng Công lại nói: "Muốn mọi người biết ai là quốc tặc, có đầy đủ lý do mới có thể chinh phục nó. Muốn nói Hạng Vũ là kẻ bất nhân, quy đến cùng, anh ta đại nghịch bất đạo, đầu tiên là lưu đày, sau đó sát hại Sở Hoài Vương do mọi người lập nên là việc làm không thể dung tha, cho nên nói Hạng Vũ là đại tặc của thiên hạ. Nhớ lúc đầu, Đại Vương và Hạng Vũ cùng lập Sở Hoài Vương làm đế, nay Sở Hoài Vương lại bị Hạng Vũ giết chết ở Giang Trung. Tuy rằng dân chúng ở hai bên bờ sông đã an táng di hài của ông ta nhưng cuối cùng vẫn bị chết oan khuất không thể nhắm mắt. Theo ý của thần, nếu Đại Vương quả thực muốn tiến quân về phía đông thảo phạt Hạng Vũ tại sao không phát tang cho ông ta? Chính nghĩa ở bên cạnh Đại Vương thì nhất định sẽ giành được thắng lợi, binh lính ba quân cũng mặc tang phục màu trắng. Sau đó Đại Vương đem chuyện này bố cáo khắp thiên hạ, làm cho người người đều biết Hoài Vương bị Hạng Vũ sát hại. Như vậy, Đại Vương đã có cớ để xuất binh, khắp nơi đều ngưỡng mộ nhân đức của Đại Vương. Việc này cũng giống như ba triều đại Hạ, Thương, Chu trong lịch sử đã từng làm.
Đổng Công nói xong, Lưu Bang rất vui mừng: "Hay lắm! Nếu không gặp được cụ thì ta làm sao có thể nghe thấy những lời như vậy?”.
Thế là Lưu Bang cử hành tang lễ cho Sở Hoài Vương khóc lóc thảm thiết. Tướng sĩ ba quân cũng mặc tang phục ba ngày, cùng để tang ông ta. Sau đó, Lưu Bang sai sứ thần các lộ công bố với cả nước bài hịch văn thảo phạt Hạng Vũ. Trong đó nói rằng:
"Thiên hạ đều ủng hộ Nghĩa Đế, mọi người cùng tôn ông ta là thần. Nay ông ta bị Hạng Vũ lưu đày đến Giang Nam và sát hại, thực là đại nghịch bất đạo. Đích thân ta phát tang cho Nghĩa Đế, toàn quân đều để tang. Và điều động tất cả binh lính ở Quan Trung, thu nạp dũng sĩ ở vùng Tam Hà, xuôi theo sông Trường Giang nguyện cùng các chư hầu đi thảo phạt nước Sở trừng trị kẻ giết hại Nghĩa Đế”.
Từ đó, cuộc chiến tranh Hán Sở chính thức bắt đầu.
Đổng Công đề nghị Lưu Bang để tang Nghĩa Đế mục đích là lấy cớ xuất quân, giành thế chủ động về chính trị, từ đó bước đầu áp đảo đối phương về khí thế. Đây là một kế sách rất cao. Trong thương trường hiện đại, nắm được điểm yếu của đối phương, lấy đó làm cớ tấn công, khiến cho đối phương rơi vào tình thế khó khăn bị động. Đây cũng là một biện pháp rất thường thấy.
Đài Loan có một học giả văn nhân rất nổi tiếng tên là Lý Ngao. Những người biết đến học vấn uyên thâm của anh ta có rất nhiều nhưng lại rất ít người biết rằng anh ta thường xuyên lăn lộn trên thương trường. Thực ra, Lý Ngao tham gia thị trường cổ phiếu, theo đuổi ngành đầu tư không chỉ đã nhiều năm mà các biện pháp thao tác của anh ta cũng đạt đến trình độ lão luyện.
Năm 1979, Lý Ngao mua cổ phiếu của công ty Trung Tượng trị giá 20 vạn tệ Đài Loan. Hôm đó, anh ta lấy tư cách là cổ đông thu lại các thông báo họp hội nghị cổ đông. Bằng trực giác nhạy bén của mình, Lý Ngao cảm thấy bản thông báo này không đúng qui tắc, thế là nhân cơ hội này tiến hành cuộc điều tra. Qua điều tra, anh ta biết được báo cáo tài vụ của công ty trung tượng có chỗ không rõ ràng. Lý Ngao nắm lấy điểm yếu này dần dần tấn công từng bước.
Đầu tiên, anh ta viết một bức thư gửi cho ông Cô Chấn Phủ, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Trung Tượng và ông Trương Minh Vũ, người giám sát thường trú của công ty này, chỉ trích họ không theo thông lệ đưa ra thông báo họp hội nghị cổ đông sớm trước một tháng và việc dời địa điểm công ty cũng thông báo cho cổ đông không theo thông lệ mà chỉ là một bản tin đăng báo bình thường. Tất cả đều vi phạm điều lệ của công ty. Lý Ngao yêu cầu phải được phúc đáp về những vấn đề này. Nhưng Cô Chấn Phủ và Trương Minh Vũ vẫn mặc kệ.
Mấy hôm sau, Lý Ngao lại gửi thư cho Trương Minh Vũ, yêu cầu phải điều tra rõ ràng việc Cô Chấn Phủ vi phạm điều lệ của công ty và việc kinh doanh mờ ám. Lần này, họ không thể trốn tránh được nữa, đành phải viết thư hồi âm.
Sau khi giành được thắng lợi bước đầu, Lý Ngao tranh thủ nêu ra 16 điểm nghi vấn gửi thư đến toàn thể hội đồng quản trị công ty Trung Tượng yêu cầu giải thích và muốn Cô Chấn Phủ tạ lỗi, bồi thường những tổn thất của cổ đông, đồng thời tung tin nếu không có biện pháp thực thi, anh ta sẽ giải quyết theo pháp luật.
Thế tấn công của Lý Ngao mạnh như vũ bão, bởi vì công ty Trung Tượng quả thực có điểm yếu đang nằm trong tay anh ta. Cô Chấn Phủ cảm thấy khó có thể ngăn nổi chuyện này, đành phải giơ cờ nghị hòa với Lý Ngao. ông ta đồng ý mua lại cổ phiếu trị giá 20 vạn tệ Đài Loan của công ty Trung Tượng nằm trong tay Lý Ngao với giá 200 vạn tệ và yêu cầu anh ta từ bỏ tư cách cổ đông công ty Trung Tượng.
Không ngờ, Cô Chấn Phủ nhà đại hào phú trong giới thương mại Đài Loan, ủy viên thường vụ Quốc dân đáng đã chịu thất bại trong vụ làm ăn ngấm ngầm với văn nhân Lý Ngao. Sau này, Lý Ngao càng ngày càng tinh thông những chuyện như vậy trở thành tay thiện nghệ chuyên "sửa chữa" các ông chủ lớn trong giới thương mại Đài Loan.
Nắm được điểm yếu, có cớ xuất quân, đánh đuổi đến cùng, quét sạch kẻ địch. Thành công của Lý Ngao chẳng phải cũng chứng minh tính đúng đắn của đạo lý này sao?