Lúc này, Cửu Giang Vương Anh Bố vừa được Hán Vương chiêu hàng, Hạng Vũ vì chuyện này giận đến nỗi dựng ngược cả tóc chuẩn bị đích thân dẫn quân đi đánh thành Huỳnh Dương. Mưu sĩ Phạm Tăng hiến kế: "Hán Vương cố thủ Huỳnh Dương, chẳng qua là dựa vào kho Ngao để lấy lương thực cho tiện lợi. Nay muốn đánh Huỳnh Dương, chỉ cần chặn đứng kho Ngao. Huỳnh Dương bị cắt đường tiếp tế thì chỉ trong nháy mắt có thể đánh bại".
Quả nhiên, sau khi đường tiếp tế lương thực vừa bị cắt đứt thành Huỳnh Dương lại bị quân Sở bao vây, tướng sĩ trong thành ngày đêm chiến đấu, sức cùng lực tận, thêm vào đó lương thực không được tiếp tế, giữ được thành buổi sớm, không chắc giữ được buổi tối, vì thế Lưu Bang vô cùng lo lắng. Trường Lương, Trần Bình vốn túc trí đa mưu là thế mà lúc này cũng không làm gì được. Đúng lúc đang lo lắng bỗng có một vị tướng bước vào trong trướng của trung quân, chỉ thấy anh ta lời lẽ khẳng khái, sẵn sàng tan xương nát thịt để báo đáp ân tri ngộ của Lưu Bang. Hán Vương nhìn kỹ thì ra là Kỉ Tín - một tướng của ông ta.
Đứng lên trước các tướng lĩnh hai bên, Kỉ Tín nói nhỏ: "Mấy tháng nay, Đại Vương giữ thành rất vất vả quân càng đánh càng ít, lương càng ăn càng hết, xem chừng khó giữ được lâu, tốt nhất là đi phá vòng vây. Hiện nay bốn phía đều có địch, không có khe hở nào có thể phá. Chi bằng để tôi ra ngoài thành trá hàng thay Đại Vương, nhân lúc chúng không phòng bị, Đại Vương thừa cơ phá vòng vây". Lưu Bang nghĩ đi nghĩ lại Kỉ Tín đi lần này lành ít dữ nhiều, rưng rưng nước mắt nói rằng: "Tướng quân trung thành như vậy, mong ông trời phụ hộ cho tướng quân". Kỉ Tín nói: "Thần chết cũng không uổng".
Sau đó, Lưu Bang cho triệu Trần Bình vào trướng, đem kế xin chết để trá hàng của Kỉ Tín nói cho anh ta. Trần Bình nghe xong lại hiến thêm một kế nữa cho Lưu Bang. Lưu Bang không ngớt mồm khen hay.
Cạnh đó, Hạng Vũ sau khi nhận được thư đầu hàng do sứ thần của Hán Vương mang đến thì rất vui mừng, vội hỏi sứ giả: "Chúa công nhà ngươi lúc nào ra hàng". Sứ giả trả lời rằng: "Đêm nay chúa công tôi sẽ ra hàng". Hạng Vũ lập tức hạ lệnh cho Chung Ly Muội các chiến tướng dưới quyền chỉ huy quân trấn thủ, đợi Lưu Bang xuất hiện liền ra tay.
Nhưng cho đến tận lúc hoàng hôn, trong thành Huỳnh Dương vẫn không hề có động tĩnh gì. Nửa đêm, cửa phía đông của thành bỗng nhiên mở ra và xuất hiện một tốp con gái mặc giáp trụ. Quân Sở đang sinh nghi, bỗng nghe thấy một giọng con gái nũng nịu cất lên: "Chị em chúng tôi ở trong thành không có ăn không có mặc, đành phải trấn đi nơi khác mưu sinh, xin các tướng quân rộng lòng thương, cho chúng tôi một con đường sống”. Quân Sở vẫn còn nghi ngờ về trang phục của họ. Nhưng họ lại nói: “Chúng tôi không có quần áo mặc, nên phải mặc khí giáp của quân Hán để chống lạnh, xin chớ lấy làm lạ".
Từ xưa đến nay, nam không đấu với nữ đã trở thành truyền thống của người Trung Quốc. Quân Sở thấy thế cũng không tiện can thiệp. Điều kỳ lạ là tốp con gái đó đi lại nườm nượp không hết. Tốp này đi lại đến tốp khác. Đám quân Sở đã lâu không ngửi thấy mùi đàn bà nên cứ đứng ngây ra ở đó. Chỉ thấy quân Sở vây lại xem càng ngày càng đông. Quân trấn thủ ở mấy cửa thành khác cũng đến đây để xem cảnh tượng náo nhiệt. Nhân cơ hội này, Lưu Bang dẫn Trần Bình, Trương Lương, Hạ Hầu Anh, Phàn Khoái trốn ra ngoài thành.
Đến khi trời sáng, đám con gái đã đi gần hết, từ trong thành một chiếc long xa đi ra, trong đó có một vị vương ngồi nghiêm chỉnh. Quân Sở lại xem đều cho rằng đó là Lưu Bang ra hàng, vội vàng báo với Hạng Vũ. Hạng Vũ đích thân xuất cung, nhưng trên xe không có người đi xuống. Hạng Vũ đến gần nhìn kỹ trang phục người trên xe mặc là của Hán Vương nhưng dung mạo lại không giống. Hạng Vũ nghiêm giọng hỏi: "Ngươi là ai mà dám mạo nhận Hán Vương? "Người trong xe trả lời: "Ta chính là Kỉ Tín, tướng của Hán." Hạng Vương biết mình đã trúng kế, thở phì phì tức giận ra lệnh đem cả người lẫn xe đốt hết thành tro.
Vở kịch "giương đông kích tây do Kỉ Tín, Trần Bình hợp diễn đã đảm bảo cho bộ chỉ huy của Lưu Bang và chủ lực của quân Hán an toàn rời khỏi Huỳnh Dương, rất tuyệt vời, tuy nhiên cũng phải trả giá bằng sự hy sinh. Kế "Giương đông kích tây" này cũng có thể đạt được thành công ngoài dự đoán trong thương trường hiện đại. Bao Ngọc Cương, vua thuyền của Hồng Kông, dùng trí đoạt "Cửu Long Thương" là một ví dụ tiêu biểu.
Năm 1977, Lý Hy Thành, một người buôn bán bất động sản ở Hồng Kông, biết được một tin tình báo quan trọng: Giám đốc công ty 100% vốn của Anh lớn nhất Hồng Kông Jakery tuy nói là cổ đông lớn nhất của công ty trách nhiệm hữu hạn Cửu Long Thương nhưng thực tế chỉ có không đến 20% cổ phần. Lý Hy Thành để ý rằng Tiêm Sắc Thủy đã trở thành khu thương mại phồn vinh mà giá cổ phiếu của Cửu Long Thương ở sát cạnh nó lại thấp đến tội nghiệp. Theo lý mà nói, nơi đây phải sớm trở thành "tấc đất tấc vàng” rồi. Ai nhân lúc giá thấp ngầm mua 20% cổ phiếu, người đó sẽ có thể cạnh tranh với Jakery.
Năm sau, Lý Hi Thành với danh nghĩa là cổ đông dần dần mua gần hết 20% cổ phần Cửu Long Thương. Nhưng anh ta cảm thấy mình vẫn không phải là đối thủ cạnh tranh của Jakery, bởi vì anh ta dù sao cũng chỉ là người mới giàu. Thế là anh ta tìm đến Bao Ngọc Cương hy vọng Bao Ngọc Cương bằng của cải hùng hậu có thể làm được việc này. Bao Ngọc Cương rất tán thành chuyện này. Anh ta mua hết toàn bộ 20% cổ phần của Cửu Long Thương. Để báo đáp, Bao Ngọc Cương nhận mua cổ phiếu trị giá 9000 vạn bảng Anh của Hoàng Phố từ ngân hàng đến Hối Phong và cho Lý Hi Thành. Hai người đều rất vui mừng vỗ tay tán thưởng chủ kiến.
Jakery biết được Bao Ngọc Cương tiếp nhận cổ phần Cửu Long Thương, lúc đầu còn chế giễu anh ta mua mù quáng, sau này sẽ hối hận. Không ngờ thế đứng của những cổ phiếu này rất vững vàng, không sụt đi mà còn tăng lên. Đến lúc Bao Ngọc Cương đã chiếm được 30% cổ phần Cửu Long Thương, Jakery không cười được nữa. Lúc cổ phiếu lên giá đến 50 đô la Hồng Kông một cổ phiếu thì Jakery thật sự lo lắng, chuẩn bị thu hồi cổ phiếu của Cửu Long Thương với giá cao.
Nhưng Bao Ngọc Cương lại giương đông kích tây. Ông ta đột nhiên bán toàn bộ cổ phần ở Cửu Long Thương cho công ty trách nhiệm hữu hạn quốc tế Long Phong. Giá mỗi cổ phiếu là 55 đô la Hồng Kông. Sau đó, anh ta đến Anh "làm việc". Ngoài mặt, Bao Ngọc Cương đã rút lui nhưng trên thực tế đây là vở kịch do anh ta đạo diễn. Jakery không biết là kế, lập tức hành động dồn dập, đăng quảng cáo trên các báo thu hồi cổ phiếu của Cửu Long Thương.
Bao Ngọc Cương ngầm bố trí lực lượng bán đi rất nhiều cổ phiếu của các công ty khác, gom được một khoản tiền lớn, đợi Jakery phơi bày thực lực, liền trở về Hồng Kông chuẩn bị phản kích. Số cổ phiếu bán cho công ty Long Phong lúc đầu vẫn còn nguyên vì công ty Long Phong là một chi nhánh của công ty Hoàn Cầu Bao Thị. Bấy giờ anh ta lại thu mua cổ phiếu trị giá 2000 vạn của công ty Cửu Long Thương với giá 105 đô la Hồng Kông một cổ phiếu. Những người chơi cổ phiếu đều biết, giá cổ phiếu của công ty Cửu Long Thương lúc này là cao nhất. Nếu không bán thì còn đợi đến khi nào? Thế là toàn bộ cổ phần của công ty Cửu Long Thương ở trong tay các cổ đông đều rơi vào tay của Bao Ngọc Cương.
Đến lúc này, Bao Ngọc Cương hoàn toàn khống chế việc thu mua công ty Cửu Long Thương. Mấy hôm sau Bao Ngọc Cương chủ trì cuộc họp hội đồng quản trị lần thứ nhất của công ty Cửu Long Thương mới. Công ty Cửu Long Thương, một kho vàng lớn, đã bị một người Trung Quốc giành được với giá rẻ từ trong tay một người Anh. Cho dù xét từ góc độ kinh tế hay chính trị, nó đều có ảnh hưởng rất to lớn. Cuộc chiến giữa các cổ đông nổi tiếng thế giới trong lịch sử đầu tư của Hồng Kông này cuối cùng đã kết thúc bằng việc Bao Ngọc Cương giương đông kích tây đánh bại nhà tư bản người Anh Jakery.