Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 20

Ai cũng biết, mưu sĩ dưới thời Lưu Bang Hán Vương rất nhiều, Tây Sở Bá Vương chỉ có thể làm cô gia quả nhân. Nhưng thật không ngờ, không ít nhân tài dưới quyền Lưu Bang lại là thuộc hạ của Hạng Vũ trước đây. Đại tướng Hàn Tín, mưu sĩ Trần Bình là hai người trong số đó. Trần Bình chẳng qua chỉ là đô úy trong quân Sở nhưng sau khi đầu hàng quân Hán lại được đề bạt làm Tham Thặng kiêm Chưởng hộ quân.

Trần Bình tài trí hơn người, thường có những kế sách khiến mọi người kinh ngạc. Các tướng của Hán và bạn bè của anh ta đều không biết rằng lúc Trần Bình được tiến cử ra mắt Lưu Bang, anh ta đã hiến cho Hán Vương một diệu kế: "Nhân lúc Hạng Vũ phạt Tề, không lo đề phòng phía sau, ta tập kích doanh trại của chúng, đánh xuống Bành Thành, chặt đứt đường rút của Hạng Vũ”. Lưu Bang rất vui mừng, liền thăng chức cho Trần Bình.

Nhiều tướng lĩnh dưới quyền Lưu Bang rất bất bình về chuyện Trần Bình không có công trạng gì mà lại được trọng dụng. Họ cử Châu Bột, Quán Anh ra kiến nghị với Lưu Bang: "Đại Vương chớ xem Trần Bình đạo mạo trang nghiêm, e rằng là gối thêu hoa mà ruột cỏ, không có bản lĩnh gì. Nghe nói hồi còn ở nhà anh ta từng làm chuyện loạn luân, trộm cắp, sau khi gia nhập quân Hán lại nhiều lần nhận hối lộ của các tướng lĩnh". Lưu Bang nghe xong liền đi tìm Trần Bình vặn hỏi.

Trần Bình thẳng thắn trả lời: "Thần bỏ Sở quy Hán, trên đường chịu không biết bao nhiêu là vất vả, trong người không có một xu, sống thanh bần khổ sở nên đành phải nhận tiền của mọi người. Thần cho rằng chuyện này không quan trọng mà quan trọng là nếu Đại Vương cám thấy lời thần nói có thể dùng thì không cần phải để ý đến những chuyện này. Còn nếu không dùng được những lời thần nói thì tiền vàng vẫn còn đây tất cả đều có thể sung công quỹ." Về chuyện trộm cắp càng không cần nói nhiều. Lưu Bang đương nhiên là trọng cái tài của anh ta, còn những chuyện đồn đại nhảm nhí thì có quan hệ gì đến tài cán của anh ta? Thế là Lưu Bang không những không thu hồi tiền bạc mà còn hậu thưởng cho Trần Bình. Từ các quan cho đến trung úy hộ quân, tất cả lúc này mới không nói gì nữa. Tất nhiên, Trần Bình cũng không phụ sự ủy thác và kỳ vọng của Lưu Bang đối với anh ta, sau này đã hiến cho Hán Vương nhiều mưu kế quan trọng và có những cống hiến vô cùng to lớn.

Tìm kiếm nhân tài trong thương trường hiện đại có nhiều điểm tương đồng với "trọng dụng người tài" trong chiến tranh thời xưa. Tìm kiếm nhân tài đương nhiên là phải tìm những nhân vật kiệt xuất có thể cống hiến cho công ty. Xét từ ý nghĩa nào đó thì thương trường ngày nay là cuộc chiến về mưu trí và vì thế cũng là cuộc chiến về nhân tài. Có thể tìm được những nhân tài kiệt xuất hay không, điều này rất quan trọng. Nó quyết định sự thắng bại của doanh nghiệp trong cạnh tranh. Năm đó, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty bách hóa Đông Cấp Khánh Thái của Nhật Bản, ông Khánh Thái Cương vừa qua đời, công ty làm ăn không tốt, lỗ vốn gần 2 tỉ yên, dường như đang đứng trên bờ vực phá sản. Vị chủ tịch hội đồng quản trị mới, ông Wazase ra sức cứu vãn tình hình, tìm cách kéo Sơn Bản Tông Nhị, thành viên hội đồng thường vụ của công ty Y Thế Đan về công ty mình. Liều chết cho người hiểu mình, Sơn Bản Tông Nhị để báo đáp ân tri ngộ của Ngũ Đảo Thăng đã làm việc không ngừng. Vì vất vả quá độ, bốn năm sau ông qua đời.

Tiếp theo Ngũ Đảo Thăng lại mời Điền Trung Chính Hựu vốn được mệnh danh là quỷ tướng quân nhờ vào ảnh hưởng to lớn của ngành bách hóa.

Hai hành động này đã làm chấn động giới doanh nghiệp Nhật Bản. Bởi vì trong ngành bách hóa của nước này, Sơn Bản, Điền Trung được mệnh danh là "Đông Sơn Bản, Tây Điền Trung”, Ngũ Đảo Thăng có thể kéo hai người này về làm việc cho mình quả thực không dễ dàng.

Tháng 4 năm 1978, Ngũ Đảo Thăng kiên quyết rời khỏi ghế chủ tịch hội đồng quản trị công ty bách hóa Westzi để làm chủ tịch ban giám đốc và giao cho Điền Trung Chính Hựu đảm nhiệm chức chủ tịch hội đồng quản trị. Điền Trung trước đây từng làm tổng giám đốc công ty, nay lại đảm nhận chức chủ tịch hội đồng quản trị, có thể thấy sự coi trọng của Ngũ Đảo Thăng đối với ông ta như thế nào.

Trong thương trường thế giới ngày nay, một mặt phải tìm cách lôi kéo nhân tài, mặt khác cần chú trọng giữ gìn họ, ổn định nhân tài, đề phòng người khác đến mua chuộc.

Tháng 3 năm 1992, thành phố Chu Hải, Trung Quốc cho đăng một tin làm kinh ngạc mọi người: Thị trưởng thành phố Chu Hải trịnh trọng tuyên bố trao thưởng cho 27 nhân viên có thành tích trong lĩnh vực khoa học. Theo quy định của thành phố số tiền thưởng sẽ là 4% lợi nhuận đã trừ thuế trong tổng số doanh thu bán các sản phẩm khoa học kỹ thuật do người nhận giải phát minh trong năm đó. Như vậy, 27 người này đều được trọng thưởng. Trong đó giải thưởng nhiều nhất gồm một 110 ngàn tệ, một chiếc xe hơi, một căn hộ khép kín có bốn buồng và hai phòng.

Tin tức truyền đi, cả nước xôn xao. Một tờ báo lớn ở Bắc Kinh nói: "Đây là một cảnh tượng náo nhiệt nhất của các phần tử trí thức Trung Quốc". Thâm Quyến thấy thế cũng không chịu thua kém đề ra chính sách trọng thưởng cho công dân có công 6% lợi nhuận đã trừ thuế. Các tỉnh như Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Liêu Ninh Sơn Đông, Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam cũng liên tiếp đề ra chính sách trọng thưởng hoặc các hoạt động tương ứng. Đối với Trung Quốc mở cửa nói riêng, đây là lần đầu tiên những hành động đãi ngộ nhân tài của các doanh nghiệp Trung Quốc đã khiến mọi người tập trung chú ý kể từ sau khi nước này tin tưởng gia nhập thông lệ quốc tế.