Tụi Nhật bắt đầu dội bom từ năm 1939, qua những năm 1940 và 1941, chúng mỗi ngày một dội nhiều hơn. Khi sương mù mùa đông bắt đầu tan là phi cơ tới; từ đầu mùa hè nóng bỏng làm cho con người kiệt sức, cho tới gần cuối thu, bị dội bom là chuyện cơm bữa. Những hoạt động hàng ngày của chúng tôi do đó phải xếp đặt lại để tránh những giờ bị dội bom: chúng tôi dậy thật sớm: vì hơi nóng ban ngày bị hút vào trong núi đá, ban đêm mới tiết ra, cho nên đêm là một cảnh địa ngục, mồ hôi nhễ nhại, hễ mặt trời mọc là tỉnh dậy; mà buổi sáng cũng chẳng mát mẻ gì, chỉ là bắt đầu một ngày sống trong lò nữa thôi. Lấy mấy cành khô nhóm lửa, quạt quạt cho lửa mau cháy, nước cơm mau sôi, để vào khoảng chín giờ là ăn xong bữa sáng, trước khi bị dội bom. Vừa xong thì còi báo động đầu tiên vang lên. Ai nấy xuống hầm núp, mang theo ít vật tùy thân với cái ấm đun nước và cái lò bằng sắt (sau 1940 không kiếm đâu ra đồng sắt nữa, không có lò để thay) và ở dưới hầm cho tới hết ngày. Có khi bom rớt ngay bên cạnh, và chúng tôi nhận ra được tiếng véo véo đặc biệt của nó. Có khi nó rớt ở xa, tiếng nổ nghe nhỏ hơn. Phi cơ đôi khi bay tới dội năm, sáu đợt, có ngày hai chục đợt. Một lần, năm 1941, chúng hết lớp nay lớp khác, bay lại dội liên tiếp bảy ngày bảy đêm; rất nhiều người chết vì bị trúng bom; mà ngay kẻ núp trong hầm nhất là các em bé cũng chết vì nóng quá, vì kiệt sức vì bị bệnh chết.
Hầm đục trong núi; vì cả Trùng Khánh là một trái núi, đâu đâu cũng có những chỗ nhô ra, thụt vô, những hang hốc, cho nên dễ núp. Nhưng những hầm công cộng đào trong đất xốp hơn thì chỉ ít lâu là sụp đổ, nguy hiếm lắm. Những hầm đó không thông hơi, chỉ có mỗi một cửa vô ai núp trong sâu thì thiếu dưỡng khí, nếu dội bom lâu quá, họ vùng vẫy rồi ngất đi. Giữa hai cuộc dội bom, người ta được nghỉ ngơi một chút, mọi người chạy ra khỏi hầm, ngồi gần ở cửa, quạt quạt, hớp không khí nóng hỏng; nhưng như vậy cũng gần mệt như ngồi trong hầm, vì không có một bóng mát, và nếu có được một bụi cây nhỏ nào hơi có bóng một chút, thì các ông cảnh sát hoặc một gia đình công chức sang trọng đã được quyền chiếm mất rồi. Ánh nắng đập vào đá như búa đập trên đe, thời khắc trôi qua chậm chạp như chụp lên đầu chúng tôi những cái nón bằng chì nóng chảy; mồ hôi đổ, ngạt thở và khát; chỉ có mỗi một cái thùng gỗ lớn đặt ở cửa hầm để cho đàn ông tiêu tiêu. Không có gì cho phụ nữ cả. Con cơn nít thì cứ ngồi đại xuống núi bài tiết, cả một khoảng nồng nặc, hôi thối và ruồi thôi là ruồi!
Sau năm 1940, lại còn thêm cái nỗi không dám lấy mù-soa ra chùi mồ hôi trên mặt nữa, vì có tin đồn đã bắt được vài tên “gián điệp” dùng mù-soa trắng làm dấu hiệu cho phi cơ địch. Ai mà bị bắt làm dấu hiệu thì bị bắn bỏ tiền… Tôi đã mục kích một vụ không sao giảng được: tôi luôn luôn đợi tới phút chót mới đi, nên lần đó lại hầm hơi trễ, thấy ba người lính dẫn một người đàn ông tay bị trói, mặt bịt một tấm vải đen khoét lỗ ở mắt; phía sau là một cảnh sát bận thường phục, tay lơ là cầm một khẩu súng sáu họng chĩa xuống đất. Phạm nhân đó chắc là sẽ bị bắn một phát vào gáy trong một cái hầm nhỏ cửa tư nhân nào đó, và tôi không biết vì tội gì. Đó là một trong những cách bọn mật vụ dùng để diệt “cộng”. Thường thường, bọn đao phủ lột giày của kẻ bị hành hình mà đem đi, để khỏi bị “hồn ma theo dõi”.
Vậy khi ngồi ở cửa hầm, có muốn chùi mồ hôi chảy ròng ròng trên người thì phải dùng những chiếc khăn xám hoặc lam, chứ không được dùng khăn trắng. Tôi chỉ ngồi xuống một lúc là mồ hôi chảy ra, ướt cả mặt phiến đá.
Nhiều lần về nhà, không còn một giọt nước. Bom đã phá hủy các ống nước, và nhà máy điện nhỏ ở Trùng Khánh hai lần bị bom. Vả lại, già nửa dân Trùng Khánh phải thuê người xách nước từ những ống nước lớn hoặc từ dưới sông lên. Xuống, xuống, xuống sáu chục thước, rồi lên, lên, lên sáu chục thước để có được một thùng nước… thử nước vàng những bùn, nhựa sống của con sông Dương Tử đó, phải trả mỗi thùng từ 5 tới 10 đồng. Gặp hồi khó kiếm, tôi tập chỉ dùng mỗi ngày một thùng nước thôi cho mọi việc: uống, nấu, ăn, tắm giặt, lau nhà…
Năm 1940 và cho tới mùa hè năm 1941, khi bắt đầu dội bom, vợ chồng tôi thuê căn gác thứ nhất của một ngôi nhà trong vườn họ Tchang. Thực ra không phải là một khu vườn, mà chỉ là một đường dài và hẹp, có nhiều bực như một cái thang, đầy đá sỏi như một đường mòn trên núi, đưa từ con đương chính xuống sông. Nhà chỉ cất ở một bên, bên kia là một cái khe sâu. Bên kia bờ khe đó lại có một sườn núi nữa và một con đường nữa cũng như cái thang, hai bên là nhà. Đó là những căn nhà ở bên cạnh khu quân sự, và một bãi tập chắc là của bọn Sơ-mi-lam, xế cửa nhà tôi là một cầu tiêu công cộng, tiện cho chúng tôi trút các nước dơ. Phòng giấy của phái đoàn quân sư Xô Viết ở trên một mỏm núi khác có đường dốc đưa xuống sông; họ chỉ cách chúng tôi khoảng một cây số nên chúng tôi trông thấy rõ họ.
Hồi đó, vì Tưởng chỉ giả đò kháng Nhật, nên bề ngoài có vẻ thân thiện với Nga Sô hơn với Mỹ. Liên lạc ngoại giao đã được tái lập năm 1934, và một hiệp ước bất tương xâm được ký tháng 8 năm 1937: Nga tiếp tế quân nhu cho Tưởng bằng con đường dài 2.000 cây số mới làm xong năm 1938, nối Tây Bá Lợi Á với Tây An, đi ngang qua Urumchi và Lan Châu. Vì có con đường đó, Mỹ mới mở con đường Miến Điện sáu tháng sau. Sứ thần Nga, ông A. Paniushkin, khi tới Trùng Khánh không chịu ngồi kiệu để lên các bực thang đưa từ dưới sông lên con đường chính, cử chỉ dân chủ đó rất được lòng dân chúng Trùng Khánh. Nhân viên trong phái đoàn quân sự Nga sống riêng với nhau, không dùng vệ binh, còn nhóm liên lạc cộng sản Trung Hoa do Chu Ân Lai cầm đầu phải chịu nhiều câu thúc nghiêm ngặt. Họ bị giam lỏng trong một căn nhà nhỏ lúc nhúc những mật thám trá hình. Các trại tập trung giam đầy những kẻ bị buộc tội là có tư tưởng nguy hại chỉ vì bị bắt gặp đương đọc sách trong một tiệm sách, hoặc đương đi trên đường lại Diên An. Phái đoàn Nga ở Trùng Khánh không liên lạc với cộng sản Trung Hoa. Suốt chiến tranh, tất cả quân nhu, vũ khí Nga đều gởi cho Tưởng, và cho tới 1941, Nga Sô là nước cung cấp những thứ đó nhiều nhất cho Trung Hoa. Máy bay để ngăn các cuộc dội bom là của Nga do phi công tình nguyện Nga lái; các súng cao xạ phòng không cũng từ Nga chở qua.
Vào khoảng cuối năm 1940, sự lạm phát tới cái mức khó kiếm được thịt ở chợ Trùng Khánh, và nhiều ông chồng phải đem dao phay theo vợ tới chợ, tự chặt các miếng thịt bày ở bàn thịt đem về, vì không ai chịu đựng nối đuôi nhau theo thứ tự và mạnh ai nấy vồ lấy thức ăn, để trễ, thức ăn còn lại càng ít thì giá càng tăng.
Báo chí đăng các bài xã thuyết yêu cầu bình giá tiền tệ, kiểm soát giá cả và trừng trị những con buôn đầu cơ các nhu yếu phẩm; nhưng nền tài chính Quốc Dân đảng ở trong tình trạng hỗn độn kinh niên, mà Bộ tưởng Tài chánh cùng bà con họ hàng ông ta, do các hãng buôn độc quyền, mua chợ đen các đồ xa xỉ phẩm ở Hương Cảng, Thượng Hải về, thành thử ngay chính quyền cũng không áp dụng những luật lệ họ đã công bố.
Ngoài Bộ trưởng Tài chánh là Khổng Tường Hy ra, còn có tổ chức của Tai Lee và các Công ty độc quyền của hắn nữa; còn quân đội Quốc Dân đảng trực tiếp buôn bán với tụi Nhật nữa. Người ta vận động, hô hào sống khắc khổ, nhưng chẳng ai thèm theo cả, nhất là các ông lớn. Mùa hè năm đó, Mỹ giúp cho Trung Hoa 50 triệu Mỹ kim, nhưng không có kiểm soát về hối đoái. Khổng Tường Hy và bà vợ không muốn vậy. Chính họ và các công chức ở chung quanh họ lợi dụng sự tự do đó để mua ngoại tệ theo hối suất 20 đồng bạc Trung Hoa ăn một Mỹ Kim, thành thử Mỹ cho vay hoặc trợ cấp khoản nào thì lần lần chui vào túi các công chức hết, và mãi lực của hối suất chính thức sụt xuống chỉ còn bằng một phần mười hối suất năm 1937. Năm 1941 chỉ còn một phần năm chục năm 1937.
Để tránh một cuộc khủng hoảng hành chánh, chính phủ trả lương công chức một phần bằng gạo: mỗi tháng 16 cattie [1] gạo cho một người đàn bà, 12 cattie cho mỗi trẻ em, còn đàn ông thì có thể tới 28 cattie, tùy địa vị cao thấp. Biện pháp đó làm cho công chức khỏi chết đói, nhưng thịt, trứng và cả hột đậu nành nữa lần lần biến mất trên mâm cơm. Người nào không phải là công chức thì phải mua chợ đen, còn khó khăn hơn nữa. Trong năm 1941, đồng bạc mất giá trung bình 10% mỗi tháng [2], không làm sao giữ “giá nhất định” cho các nhu yếu phẩm được.
Tôi rán mua thật ít. Tôi không có tài kiếm thức ăn và trả giá. Pao được ăn uống đầy đủ vì mỗi ngày ăn một bữa ở câu lạc bộ của sở, mà câu lạc bộ được hưởng đặc quyền ưu tiên. Tôi mướn một chỉ ở, một thôn nữ lực lượng, sai chị đi chợ. Chị mua con gà giò về nặng quá cỡ, vì người ta đã cho nó uống một bụng nước và nuốt cả cát, cả đá nữa; nhiều khi chị về tay không, cười cười, những món ngon nhất đều dồn về khu Nam ngạn (bờ phía Nam), bán trong các khách sạn, ở chợ thường xảy ra các cuộc ẩu đả chung quanh các quầy hàng. Những kẻ khéo xoay xở đem theo thúng rổ về vùng nhà quê mua rau, trứng, thịt thẳng của nông dân. Có người nuôi gà mái, vịt hoặc heo; thiếu chỗ thì họ lấy tre rào mái nhà, nuôi trên đó, người ta kể chuyện một công chức nọ nuôi dưới gầm giường một bầy heo nữa [3]… nhưng chỉ những kẻ được lãnh “gạo chính phủ” mới có dư để nuôi gà vịt, do đó người ta đùng đủ mánh khóe để được cung cấp thêm, hoặc hối lộ, hoặc khai gian số con, số bà con “phải nuôi”. Thời đó ở Trung Hoa không làm giấy khai sinh, có cách nào đâu mà kiểm soát?
Chủ căn nhà trong vườn họ Tchang là một bà rất hoạt động giỏi giang, tham lam. Mới đầu tôi đã ăn chung với bà ta, nhưng thấy tốn kém quá. Cái chị ở của tôi ăn mạnh quá, tới nỗi món ăn nấu xong đem lên, gần như không còn gì cả, vì tôi không có tài như bà chủ nhà, đứng kè kè bên cạnh người ở để coi chừng, rầy la cấm “nếm” thức ăn. Chị ở của bà ta làm việc quần quật suốt ngày, ăn cơm thừa canh cặn của chủ, cho nên không đỏ da thắm thịt, tròn trĩnh như chị ở của tôi. Nhưng rồi tới ngày chị ta tài tình quá, làm thịt một con gà tôi đã cực khổ biết bao mới mua được mà chỉ để lại cho chúng tôi cái cổ và cái phao câu, thì tôi đành phải chịu cho chị nghỉ việc.
Công việc nội trợ càng lúc khó khăn thì tôi lại càng không muốn làm một người nội trợ giỏi. Chung quanh tôi có những bà suốt đời làm những khổ dịch bất tuyệt trong nhà. Họ làm lụng tối tăm mặt mũi, quần áo lôi thôi, không thể nghĩ tới cái gì khác là giá gạo, giá củi, hoặc giá dầu, giá dấm; họ bắt ngươi ở, cu li, người xách nước làm tới kiệt sức; họ cầm một chùm chìa khóa, đi đi lại lại, coi sóc từng tí, tôi nói đó là nói những bà nội trợ quán xuyến nhất. Cái đó dù xấu hay tốt, có ích hay không, thì tôi cũng không chịu để anh Pao bắt tôi phải làm theo ý anh, vì như vậy tôi sẽ thành một kẻ nô lệ trong nhà mất. Vậy tôi quyết tâm không làm một người nội trợ giỏi – muốn ra sao thì ra. Tôi không chịu chui đầu vào bếp, thiên đường của đàn ông mà địa ngục của đàn bà đó.
Người ta cứ tha hồ khen những bà nấu được một món ăn ngon, tôi không màng tới. Tôi thấy con đường đó là con đường tự huỷ diệt tôi… Và Pao vốn thích ăn ngon, không thoả mãn về những món lâu lâu tôi nấu cho anh… cho nên đành phải cho tôi làm việc ở ngoài… và tôi đi dạy tiếng Anh cho nhân viên phái đoàn quân sự Nga ở Trùng Khánh. Nguyên do cũng hơi lạ.
Hồi tôi học ở Đại học Yen-Tching tại Bắc Kinh, từ 1933 đến 1935, tôi quen một thiếu nữ, mà ở đây tôi tạm gọi là Yuen-ling. Chị ta người Mãn Châu, cao lớn, trắng trẻo, rất đẹp, tóc dài và đen nhánh. Sớm mồ côi, chị được một gia đình Nga ở Kharbine nuôi, nên nói thạo tiếng Nga. Có lẽ vì vậy mà chị nổi tiếng là có tư tưởng tiến bộ. Chị hoạt động tích cực cho Hội sinh viên ở Yen-tching, dự các phong trào sinh viên chống Nhật Bản năm 1935 và 1936. Tôi gặp lại chị trong miền núi ở Nanyu tháng 10 năm 1938. Hôm đó chị đi dạo trong làng với một nhóm kỹ thuật gia Nga giúp việc Tưởng Giới Thạch! Thấy tôi, chị ngừng lại hỏi han tôi một cách rất thân mật. Chị bảo chị làm thông ngôn cho những người Nga theo chính phủ Quốc Dân đảng lại Nanyu, sau khi Vũ Hán thất thủ.
Chị cười cười, cho hay rằng được nghe nhiều người nói về đức siêng năng lau chùi căn phòng của tôi, nhưng chị không chê như vậy là kỳ cực, trái lại khen tôi thích sạch sẽ, ngăn nắp. Lần này tại Trùng Khánh, chúng tôi cũng gặp nhau ở ngoài đường… Tôi thấy chị, cúi chào thôi chứ không muốn bắt chuyện, vì tôi mắc cái tật đa nghi, tưởng rằng ai cũng chống tôi, cũng nói xấu tôi, anh Pao đã siêng năng gây cho tôi mặc cảm đó, vừa mới kể lại cho tôi hay rằng một sinh viên Trung Hoa ở Bỉ về (hồi ở Bruxelles, một buổi tối, anh này lại mượn tiền tôi rồi không trả) loan những tin xấu về tôi. Nhưng chị Yuenling đã ngừng lại nói chuyện với tôi, vẻ tươi cười, cởi mở, vừa lễ độ vừa tử tế thiệt tình, khiến tôi được an ủi, hả dạ, thật là quý hóa, ít khi lòng tôi dịu dàng như vậy, và lần đó tôi thơ thới về nhà, lòng không sợ sệt, chân như nhẹ bổng.
Chị Yuenling còn lại thăm tôi nữa chứ. Một hôm chị bảo nấu món mì ống, cùng ngồi ăn với tôi, chị tỏ ra dễ thương tử tế, thân tình quá, tôi cảm ơn chị vô cùng, chăm chú nghe chị kể chuyện, phục chị lắm, và khi chị ra về, tôi đứng ở bực cửa một hồi lâu, vẫy vẫy chị, hoặc tiễn đưa chị một khúc đường để được cái vui ở bên cạnh chị. Anh Pao không tỏ vẻ nghi kỵ gì cả, điều đó thật đáng lạ vì anh cũng biết chị Yuenling có tư tưởng tiến bộ, sống độc lập, tự mưu sinh lấy, đi chơi với ngươi ngoại quốc, làm thông ngôn cho họ, hơn nữa, còn bị nghi ngờ là thân Nga vì đã được dạy dỗ theo lối Nga…
Tôi cho rằng có lẽ tại Pao không biết trước kia chị đã dự vào phong trào sinh viên. Hay là anh đã đổi tính chăng? có thể lắm… Tôi rất sợ ảnh không cho tôi giao du với chị Yuenling, nên giấu, không cho anh hay.
Có một điều hồi đó tôi không biết là chị Yuenling mà tôi tưởng nhiệt thành khuynh tả, cũng làm việc cho Tai Lee nữa, một cách gián tiếp.
Mãi tới 26 năm sau, một bạn học cũ ở Yen-Tching mới cho tôi hay: Yuenling thực vào cái nhóm “ngụy tả”. Nhóm này là sản phẩm của cơ quan cải tạo tư tưởng do Tai Lee thành lập; ông ta dùng Tchang kua-t’ao [4], một người bỏ Cộng theo Tưởng, dùng phương pháp của Cộng đập lại Cộng… Chị Yuenling là một cán bộ rành nghề chăng? Hay cũng là một kẻ ngây thơ như tôi.
Tôi tỏ ý muốn làm việc, muốn giúp ích, và chị khuyên tôi dạy tiếng Anh cho các cố vấn Nga, vừa đở ở không, vừa có tiền chi dụng. Chính chị cũng làm thông ngôn cho Nga và được trả hậu lắm. Chị đem ý định đó nói với Pao, và anh bằng lòng liền, khiến cho tôi ngạc nhiên vô cùng. Không đầy nửa tháng sau, mỗi tuần tôi lại ngôi nhà của phái đoàn Nga ba buổi, mỗi buổi dạy hai giờ, và lãnh một số tiền thù lao không tưởng tượng nổi: trung bình bằng năm số lương của Pao. Bây giơ tôi khỏi phải làm hơn nữa. Tôi vừa cực kỳ phấn khởi, vừa kinh hoàng: tôi tìm hiểu một quan niệm về thế giới khác với quan niệm của Tương Giới Thạch, tôi thầm mong được biết thêm về Nga Sô. Những điều người ta nói với tôi về Staline có thật là đúng không?
Tôi dạy cho ba người đàn ông và một người đàn bà: họ đều dễ thương, vui vẻ, tốt bụng và giản dị. Một người đàn ông gốc Tây Bá Lợi Á, to lớn, vui vẻ, kể chuyện luôn miệng. Ông ta kể rằng mùa đông đem theo một cái gây trèo núi [5], lại hồ Baikal, đục một lỗ trong lớp băng để múc nước lên tắm. Ông ta gồng bắp thịt lên bảo: “Tôi là một con gấu Tây Bá Lợi Á”, rồi cười hể hả, khoái lắm, rõ ràng là khoái vì sức khỏe dồi dào. Hai người đàn ông kia nhỏ con hơn, ít cười hơn, ít bắp thịt hơn. Một người nước da bánh mật, cặp mắt rầu rầu, thành tín, thâm trầm, hăng hái kể hằng giờ cho tôi nghe tội của những kẻ mới bị xử tử mấy năm trước ở Nga vì muốn ám hại Staline [6]: họ bỏ thuốc độc vào thức ăn, bôi thuốc độc lên tường giữa lớp giấy và lớp thạch cao; họ âm hiểm do thám cho Đức. Năm 1941, tôi gặp lại ông ta còn hăng hái hơn trước, kể tội một bọn đã bỏ thạch tín và các chất độc khác trong sơn để sơn tường cố tình giết nhiều người.
Người thứ ba là một thanh niên mắt xanh lơ, tóc quăn, rất khéo tay, cha làm đồ gỗ; mới đầu ông ta học chậm lắm, sau tiến mau hơn cả anh chàng khổng lồ Tây Bá Lợi Á chỉ ham cười và kể những chuyện lạ. Nữ sinh viên duy nhất của tôi có nhan sẳc, mắt xanh lá cây, tóc quăn màu đồng. Cô đưa cho tôi coi những tấm hình cô bận quân phục hàng tướng lãnh, và dĩ nhiên cô học giỏi hơn cả: lanh lẹ lắm và khi nói tới Staline là rưng rưng nước mắt tỏ vẻ vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ: “Vị Thủ lãnh vĩ đại rất được yêu quý của chúng tôi”. Cả bốn người đều dồi dào sinh lực, đều cười luôn miệng, ép tôi uống trà, ăn một thứ anh đào rất ngon. Những giờ dạy học đó an ủi tôi nhiều và tôi rất buồn khi họ thôi học. Tôi để dành được hai ngàn đồng, một ngàn đồng để giúp cô Hsu mua một miếng đất cất nhà, còn ngàn đồng kia tôi dùng để mua một em gái nhỏ làm con nuôi.
Mặc dầu rất thành công trên hoạn lộ mà anh Pao vẫn gắt gỏng. Trái với những dự đoán bi quan của anh, anh đã lẹ làng leo được những bực đưa anh lên một chức vụ vững vàng trong cơ quan “Tuân lệnh và Phục vụ” mà anh đã được vô từ mùa hè năm 1940.
Trong thời gian đó, anh không cần phải làm hai ba nghề như nhiều người khác mới đủ ăn: nhờ tôi dạy học cho người Nga, mà tình hình tài chánh trong nhà được cải thiện rất nhiều. Thời đó hành chánh bê bối tới nỗi một công chức khéo giao thiệp, có người che chở thì có thể cùng một lúc lãnh ba nhiệm vụ trong ba sở khác nhau, mỗi ngày chỉ cần lại mỗi nơi mươi phút, thì giờ còn lại lo buôn bán chợ đen, có lợi hơn. Người ta kể chuyện một sĩ quan có bảy chức vụ, mướn bảy người bà con làm công việc cho, mỗi người có một con đấu mang chữ ký của ông ta.
Pao không cần phải buôn chợ đen hoặc làm những việc phụ. Anh không mắc nợ, chúng tôi sống ung dung. Vậy mà anh vẫn tiếp tục đối xử tàn nhẫn với tôi, không tuần nào là không kiếm chuyện, vừa đủ để đánh đập tôi cho nguôi cơn giận của anh. Một buổi tối tôi gặp một chị bạn làm phụ tá xã hội ở Hội Thanh nữ Ky tô giáo, tôi đưa chị về tận nhà chị. Hôm đó tôi về nhà hơi trễ, Pao đã về trước, đi ngủ rồi. Không để cho tôi giảng giải, từ trên giường anh nhảy xuống, đánh đập tôi, mở cửa phòng xô tôi xuống chân cầu thang. Thang bằng gỗ, không dốc ngược, tôi không bị gãy một chiếc xương nào cả, nhưng khi rơi xuống, tôi làm gãy một chiếc tay vịn. Sáng hôm sau tôi thức dậy như mọi ngày, sửa soạn đi dạy học cho mấy người Nga, anh Pao ân hận lắm, tỏ vẻ rất dễ thương với tôi (nhưng vài ngày sau lại chứng nào tật ấy). Để hòa giải, tối đó anh dắt tôi lại một tửu lầu nổi tiếng, rồi đi coi tướng số.
Ở Trùng Khánh, trong thời chiến tranh, người ta thường lại nhà coi tướng K’an Hsiang hoặc nhà một người coi bát tự [7] để đoán hậu vận. Có nhà chuyên làm tiêu các nốt ruồi để trừ họa; lại có nhà chuyên rờ xương sọ hoặc nắm bàn tay của ta mà có thể khuyên ta hành động cách nào giảo quyệt nhất để được thăng chức. Người ta tin những chuyện tướng số đó lắm và các ông lớn đều đi coi tướng số, không kể các bà nội trợ, các thư ký, chủ ngân hàng, trùm điếm, các nhà đại lý, các tướng lãnh, Hồ Tôn Nam, Tai Lee, cả Tưởng Giới Thạch nữa.
Các nhà tướng số đăng quảng cáo trên báo bên cạnh các lương y. Vài nhà nổi tiếng tới nỗi chỉ hạng quyền quý mới được họ tiếp, và họ sống xa hoa ở Nam Ngạn, ngay trong khu các thân chủ sang trọng của họ, khỏi lo bị dội bom. Tưởng Giới Thạch có một thầy tướng làm cố vấn; mỗi lần có điều gì lo lắng, hoặc sau khi bạt tai bộ hạ, đập bể đĩa chén, ra lệnh xử tử ai, thì ông ta rán nén lòng, nhắm mắt, tụng vài câu cho dịu tâm thần, hoặc cho quay đĩa hát ông thích nhất: dĩa Ave Maria của Gounad, sau đó ông bảo thầy tướng tin cẩn của ông xét thần khí của ông ra sao.
Người ta kể nhiều chuyện khôi hài về Hà Ứng Khâm, thầy tướng nắn xương của ông ta, nắn hoài mà không thấy một cái xương nào trong bàn tay mũm mĩm của ông ta cả. Nhưng không ai dám chế nhạo Tai Lee và thầy coi số của Tai. Tai tin chắc rằng tâm hồn con người hiện cả trên nét mặt và nét bút, và ai đoán gì xấu cho hắn thì hắn không chịu. Như các giám khảo trong các kỳ thi thời còn chế độ quân chủ, Tai Lee thích những người viết chữ tốt và ai viết thư cho hắn mà chịu tập luyện, nắn nót cho chữ thật đẹp thì có thể được hắn cho thăng chức.
Thế là anh Pao cũng lấy cái thói cuồng tín ngây thơ đó, đâm ra mê đi coi bói, coi tướng, coi số, sửa nốt ruồi cho ảnh và cả cho tôi.
Những thầy sửa nốt ruồi này có vẻ dễ thương, bận chiếc áo dài, đi chậm chậm trong các đường phố, tay cầm một cây cờ vẽ một khuôn mặt đầy nốt ruồi. Mỗi nốt mang một nhãn ghi tên của nó, ảnh hưởng của nó ra sao tới đời sống, vận mạng, tình cảm, tiền tài, hết thảy gom lại thành một cuốn sổ thầy ta đem theo. Nốt ruồi trên má quan trọng nhất, hoặc rất cát, hoặc rất hung, nốt ruồi ở cổ đáng sợ lắm, có thể bị treo cổ, chặt đầu v.v… Nốt ruồi ở trán và cằm thường là tốt. Và một nốt ruồi ở phía trái cầm dưới (trường hợp người có hai cằm), là một dấu hiệu đại phú, đại quý. Mặt bên đây lá cờ vẽ mặt đàn ông, mặt bên kia vẽ mặt đàn bà, cũng có đủ các nốt ruồi. Anh Pao đi coi đủ các thầy nắn xương, coi bát tự, coi tướng, coi chữ, riêng về tôi, anh thường dắt tôi lại những thầy sửa nốt ruồi.
Những thầy này còn mang theo một cái hộp bằng gỗ quàng vào vai, chứa những dụng cụ cần thiết để đánh cho tan các nốt ruồi, một tấm gương, một ve át xít, vài cây kim nhọn. Hôm đó, sau một cuộc dội bom, chúng tôi đương thơ thẩn lại nhưng bục trong ở vườn họ Tchang, thì một người sửa nốt ruồi lại gần chúng tôi, dùng những tiếng văn hoa của Tứ Xuyên, khen lấy khen để tướng mạo anh hùng và phú quý của Pao. Chúng tôi ngừng lại và Pao hỏi người đó có biết đoán hậu vận không. “Biết chứ, tôi còn có tài trừ các nốt ruồi hung mà sửa được vận mạng nữa”. Nhưng thầy ta bảo rằng diện mạo của Pao không có gì phải sửa, phú quý phi thường rồi, sẽ được quyền cao chức trọng. Rồi thầy ta quay lại nhìn tôi, khen tôi là “tướng đẹp có nhiều con trai, sung sướng hoàn toàn chỉ tiếc một điều là có một nốt ruồi ở dưới mí mắt dưới bên trái, nên phải khóc nhiều, đa sầu đa thảm”.
Tôi chưa bao giờ nhận thấy có một nốt ruồi ở chỗ đó, nhưng anh Pao thấy quả thực là tôi khóc nhiều quá, nhờ thầy tướng coi kỹ, và thầy ta toét miệng ra cười tán thành: bảo rằng nốt ruồi của tôi làm hại lây thời vận tương lai của Pao được. Thế là chúng tôi mất toi một đồng.
Và Pao quyết tâm trừ cái trở ngại đó trên hoạn lộ của anh… Chúng tôi trả giá, nhờ coi đại khái cho toàn thể diện mạo, tính tình tôi, rồi coi kỹ các vết trên mặt tôi, sau cùng trừ bỏ cho hai vết nguy hại nhất: vết ở dưới mắt, như giọt lệ sầu não, và một vết ở trên má mà tôi bảo chỉ là một vết tàn nhang, nhưng thầy tướng cứ gọi là một nốt ruồi, có cái tướng hay cải mẹ chồng; còn tật nào bực mình, khả ố bằng tật đó nữa?
Nhà chuyên môn coi nốt ruồi bèn mở hợp ra, lấy một ve át xít, một sợi dây chì rất nhỏ có một cục ở đầu, nhúng vào át xít, chấm chấm nhẹ lên hai vết đó. “Nó sẽ trắng ra, cứng lại rồi rụng. Nhất là đừng cạy ra. Mười ngày nữa, vận của bà sẽ thay đổi”.
Sau lần đó, tôi còn đi nhiều thầy tướng khác nữa, họ tìm ra được nhiều nốt ruồi khác; hai ở trên cổ, bốn ở trên má, trán, thái dương, cầm, thế là tôi tránh được cái họa bị treo cổ, bị chết đuối, xung khắc với cha mẹ chồng, và chỉ sanh con gái. Nhưng tới mùa hè thì các nốt ruồi của tôi lần lần tái hiện, toàn là tàn nhang cả.
Nhưng một trong những tướng xấu nhất của tôi không cách nào sửa được là vành tai tôi nhỏ quá. Vành tai cũng quan trọng tới vận mạng lắm. Từ lâu anh Pao vẫn bất bình về vành tai của tôi nhỏ xíu, không dịu dàng ló ra, không quăng lại, không thùng xuống, dài và dày; ai cũng biết vành tai dài, dày, có thịt, thường khỏe mạnh về tinh thần và thể chất, phong lưu; còn vành tai nhỏ như tôi thì đời sẽ ngắn ngủi, khổ não, cay đắng, rầu rĩ. Các nhà tiên tri đều chê vành tai tôi nhỏ quá, và Pao muốn tỏ mình học rộng bảo vị anh quân đời Tam Quốc, Lưu Bị, trái tai dài tới chạm vai.
Nhờ đi coi tướng số như vậy, chúng tôi qua được những thời gian giữa các cuộc dội bom, mà tâm hồn được tương đối bình tĩnh. Pao không muốn thấy tôi cầm cuốn sách, cho nên những khi ở gần anh; tôi không được đọc sách. Tôi đã bực; nghe những lời nói bậy của bọn thầy tướng nốt ruồi và nghe Pao nói về chính anh, còn thích hơn nhiều là nghe anh vạch những tội lỗi của tôi, thuyết về đạo đức với tôi.
Lại còn cái nạn bãi tập ở bên kia đường nữa, không sao tránh được. Buổi sáng nào cũng vậy, mùa đông khí trời còn tối và đầy sương mù lạnh lẽo, hoặc mùa hè, khi mặt trời tàn khốc xuất hiện như một tia lửa, khi chúng tôi còn hổn hển, sau một đêm nóng chịu không nổi, khi núi đá tiết ra những hơi nóng đã hút được, khi những chiếc chiếu trải trên đất ướt nhẹp mồ hôi của chúng tôi, rờ tới thấy nóng như lửa thì tiếng kèn vang lên, lệnh phát ra như những nhát dao chém trong không khí và trên bãi tập tiếng gươm kêu lẻng kẻng, tiếng chân lết đi hoặc dậm dậm báo rằng người ta tập binh buổi sáng, buổi chiều cũng vậy nữa.
Nhưng nhiều khi, rất nhiều khi chúng tôi nghe thấy khác nhau tiếng ồn ào, tiếng la hét. Những tiếng la hét chịu không nổi. Rồi tới những tiếng đánh đập: bịch bịch. Chỉ một lần thôi, tôi được thấy cảnh tượng xảy ra: một người ở trần lưng tét ra đầy máu, vịn vào hai người khác bước đi, rồi tôi nghe thấy những tiếng kêu khóc. Một lần khác vào buổi tối có tiếng chạy và tiếng la: “Đào binh, đào binh”, ánh đèn roi quét qua qua lại trong bóng tối, tiếng người hổn hển chạy. Hết thảy mọi ngươi, từ bà chủ nhà tới các người ở, các người láng giềng của tôi và tôi nữa đều lặng lẽ đi qua như không trông thấy gì, không nghe thấy gì cả…
Anh Pao theo “con đường võ bị” dùng Hồ Tôn Nam làm trung gian để đạt được một chức vụ tốt dưới quyền Tai Lee. Ở Thành Đô, ở Trùng Khánh anh bỏ ra nhiều thì giờ để đi thăm những người có thể nói giúp anh với hai vị lương đống, quyền thế bậc nhất của chế độ Tưởng Giới Thạch đó. Về nhà anh hí hoáy cả tuần viết một bức thư cho Tai Lee, năn nỉ Tai hạ cố tới anh để cất nhắc anh lên gần ông ta và hứa sẽ tận trung với ông nếu được ông đoái hoài tới. Anh viết đi viết lại biết bao bản nháp bức thư đó cho nét chữ thật đẹp gây được thiện cảm của Tai.
Nhiều sĩ quan trẻ khác, bạn của Pao lại nhà chúng tôi luyện một nét bút mạnh dạn và so sánh nét bút của họ với nét bút của Pao hoặc khuyên Pao những lời xác đáng khi Pao đưa họ coi vài mẫu chữ. Họ thảo luận hăng say làm sao về một nét sổ, nét mát! Họ bỏ ra biết bao nhiêu giờ dài đăng đẳng, buồn chán, để kháo nhau một cách tỉ mỉ về ông này bà nọ và bàn về những thuật “thành công”. Muốn thành công thì phải làm gì? Đừng làm gì? Tuyệt nhiên không bao giờ họ thảo luận về những vấn đề do chiến tranh gây ra, hoặc về mặt trận. Không bao giờ họ thốt ra một lời phán đoán có vẻ hơi hợp lý về tình hình tài chánh. Họ chỉ có mỗi một tham vọng là thăng quan tiến chức, và muốn thăng quan tiến chức thì phải làm sao cho cái vị chúa tể mưu mô xảo quyệt mà lại nhẹ dạ dễ tin là Tưởng Giới Thạch và Tai Lee có một ấn tượng tốt về họ, vì những tư ý, yêu ghét bất thường của hai ông còn quan trọng hơn cả luật pháp. Và nếu có một cái gì chắc chắn làm hại cho con đường công danh của họ thì cái đó chính là một nét chữ bất thường, để lộ một xu hướng bất kính, phản chủ một cách nhu nhược, một cái “khí” bất chính… Pao gắng sức oai nghiêm đưa bút bi lên gạch những nét có thể gây lòng tín nhiệm của thầy tướng tín cẩn của Tai Lee mà được Tai “cất nhắc” lên. Tôi thấy những tờ tập viết đó trong giỏ giấy.
Rốt cuộc là một hôm các sĩ quan khác bỗng nhiên lại khen Pao, anh mừng lắm ký tên Tang Pao Houang, Tang Pao Houang đặc trang này trang khác, hăng say vì thành công vênh vênh váo váo, anh bắt đầu công cuộc “trừ gian”, đã kích những “tư tưởng đồi trụy” đề cao “đạo đức” hơn bao giờ hết. Bằng một giọng doạ dẫm, anh bảo rằng anh muốn làm cái gì là có thể làm được cái đó. “Này, em đừng tưởng trốn thoát được, chỉ không đầy một giờ là sẽ bị bắt về”… Thấy anh bị tham vọng dày vò như vậy, tự ngắm mình trong gương, làm điệu làm bộ, đi đâu thì ăn bận bảnh bao, giày đánh thật bóng, vung vẩy “can” một cách hợm hĩnh, gặp bạn bè thì chào “nghĩa huynh”, viết những bức thư có vẻ quan trọng, thấy vậy ai cũng đoán hoạn lộ của anh đương lên và các “nghĩa huynh” của anh lại thăm chúng tôi đã bắt đầu có giọng khúm núm, bợ đỡ rồi.
Một biến cố nhỏ xảy ra trong hồi Nhật thả bom mùa hè năm đó làm tăng cái vẻ thành công, tự tín của Pao nữa. Một công chức nào đó đã có ý chế nhạo Pao và (theo lời anh) đã ám chỉ tôi và gốc lai của tôi để làm nhục anh. Hôm sau chính công chức đó đi cầu tiêu (ông ta đau bụng, hầu hết người nào ở Trùng Khánh sớm muộn gì cũng bị bệnh này), và không kịp về hầm núp khi tụi Nhật tới thả bom. Một trái bom rớt đúng chỗ ông ta ngồi chồm hổm. Sau người ta chỉ tìm thấy hai cẳng ông mắc trên bụi cây nhỏ mà ông núp ở phía sau…
Pao tin chắc rằng trời đã nổi giận, trừng phạt con người đó vì đã nói bậy nói bạ về anh và như vậy là hiển nhiên trời đã nhủ lòng thương anh (Pao), điều đó làm cho anh sửng sốt một cách huyền bí. Suốt mấy ngày, bạn bè của người chết lại nịnh bợ anh, tuy thương khóc nhưng cũng tránh những lỗi lầm của người quá cố. Pao bảo tôi: “Em thấy không trời đã phạt những kẻ tính làm hại anh”. Có một ông trời nào mà lại quan tâm đến những chuyện vặt ấy không? Nhưng những điều đó, những dấu hiệu huyền ảo đó, Pao cho là rất quan trọng và từ đó không có gì ngăn anh được nữa, anh không “thuyết” về cái chết của chiến sĩ vô danh xung phong hi sinh cho Tổ quốc ở tiền tuyến nữa, mà lại nói rất nhiều về cách vận linh khí để diệt Cộng và cách làm sao “thành một thủ lãnh”. Một hôm anh lo lẳng ngắm cái trán anh, rồi hỏi tôi có thấy “hào quang” ở trán anh tỏa ra không. Chắc là một thầy tướng nào đó đã thấy hào quang đó rồi. Tôi phì cười lớn tới nổi quặng đau ở bao tử, vội vàng chạy lại cầu tiêu công cộng liền (cái khạp dùng làm cầu tiêu trong nhà tôi luôn luôn đầy ăm ắp vì chị ở làm biếng không chịu đổ)…
Chú thích:
[1] Cattie: khoảng trên 500 gam; có lẽ là một cân Trung Hoa.
[2] Việt Nam hồi này (1973) cũng gần như vậy.
[3] Thời này (1978-1980) ở Việt Nam cũng tương tự.
[4] Một người năm 1927 chống Tưởng Giới Thạch, theo Mao Trạch Đông, sau chống đường lối của Mao bỏ trốn lại Vũ Hán năm 1938 hoạt động cho Tưởng, đào tạo cán bộ dùng phương pháp của Cộng để diệt Cộng, vì vậy gọi là “ngụy tả”.
[5] Piolet: đầu gậy có một lưỡi cuốc nhỏ.
[6] Tức vụ thanh trừng kinh khủng năm 1935.
[7] Cũng gọi là tứ bình, dùng hai chữ can chi như Tân Hợi, Giáp Dần, hai chữ của năm, hai chữ của tháng, hai chữ của ngày, hai chữ của giờ cộng lả tám chữ để đoán vận mạng.