Ngày 23/9/1940, Nhật Bản đem quân vô Đông Dương mà không bị chống cự vì người Pháp ở đó theo chính quyền Vichy, hợp tác với mật vụ Nhật. Rồi Mỹ bắt đầu lo ngại, không biết Nhật tính toán chuyện gì, họ đã được hưởng phần lớn nhất ở Trung Hoa rồi, còn muốn đòi thêm nữa chăng? Mà có thể đòi thêm được nữa không? Tháng 10, con đường Miến Điện được mở là và tháng chạp Anh cho Trung Hoa vay 10 triệu Anh bảng. Mỹ cũng kéo dài thêm thời hạn cho Trung Hoa 100 triệu Mỹ kim để chi tiêu vào mọi việc, một nửa là để bình giá tiền tệ mà chống nạn lạm phát. Chính quyền Mỹ bắt đầu cấm xuất cảng sắt và thép qua Nhật, nhưng vô hiệu: bọn con buôn Mỹ vẫn tiếp tục bán cho Nhật, mà thuê tàu nước khác chở, cho tới khi Trân Châu Cảng bị dội bom, tháng chạp năm I941 mới thôi.
Các phái đoàn quân sự ngoại quốc càng tới Trung Hoa, các nhân vật ngoại quốc càng ra vô Trung Hoa thì Trung Hoa càng thành một yếu tố quan trọng vụ xung đột quốc tế. Anh phái một tuỳ viên quân sự tới Trùng Khánh, tức tướng Denis, một người vui tính, râu mép uốn như cái móc, tính tình khả ái, có óc nhận xét và cặp mắt tinh, chính ông ta chuẩn bị cho một phái đoàn quân sự Trung Hoa đi thăm Đông Nam Á. Sau ông chết trong một tai nạn máy bay ở Assam năm 1942.
Người Mỹ cho một chiếc pháo hạm, chiếc Tutuila neo trên sông trước Nam Ngạn, nơi mà Tòa đại sứ Mỹ chiếm một ngôi nhà lớn bằng đá, vườn xây thành từng bực. Họ thường đãi tiệc ở dưới tàu Tutuila, và anh Pao là sĩ quan liên lạc với các phái đoàn ngoại quốc (lúc đó anh ở dưới quyền Tcheng Tsie ming) nên thường tới dự nhưng không lần nào dắt tôi theo cả. Trong phái đoàn Mỹ có một viên phụ tá tuỳ viên quân sự, đại tá David Barrett. David Barrett nói thạo tiếng Trung Hoa và hay chơi chữ bằng Hoa ngữ. Pao chế giễu ông ta vì ông ta mập mạp, một hôm ông ta tới phòng giấy thăm Pao, Pao mời ông ta xuống chiếc ghế đẩu nhỏ nhất, đùa như vậy thật là ngu xuẩn, bọn sĩ quan thích chí cười, họ ngầm có ác cảm với Mỹ, nhưng bề ngoài thì tỏ vẻ khúm núm. Sau này Barrett tới Diên An nói chuyện với Mao Trạch Đông và năm 1965 viết cho tôi một bức thư dài kể lại cuộc hội kiến đó với cảm tưởng của ông ta ra sao.
Như nhiều người Mỹ hồi đó, ông Barrett không có nhiệt tình với Tưởng Giới Thạch và ghét Tai Lee. Nhưng sau ông phải theo đường lối của chính phủ Mỹ, ủng hộ Tưởng và những biến cố xảy ra đã làm cho ông khổ tâm lắm. Ông không có đủ nghị lực chống chính sách diệt Cộng của Mỹ.
Một chính khách nữa lại thăm Trùng Khánh là Henry Wallace mà mới gặp lần đầu Tưởng Giới Thạch đã ghét rồi, Wallace đòi phải gởi ngay một nhóm quan sát viên Mỹ tới Trùng Khánh. Các sĩ quan Hoàng Phố mừng rằng Mỹ quan tâm tới Trưng Hoa, nhưng tìm mọi cách cản họ đi thăm mặt trận Diên An. Tưởng lợi dựng người Mỹ để thực hiện những mục tiêu sau này của ông, chỉ nhờ Mỹ giúp đỡ trong công cuộc chống Cộng thôi. Lúc đó ông ta đòi tất cả mọi sự viện trợ của Mỹ phải gởi tới Trùng Khánh, và mấy năm sau, muốn yêu sách Mỹ điều gì thì dùng lá bài chính của ông: dọa thương thuyết với Nhật.
Mùa đông năm nó, tôi tấn bộ về mặt xã giao. Vợ chồng tôi thường được mời dự tiệc. Đôi khi tôi cũng dự, nhưng lần nào cũng sợ thất lễ về ngôn ngữ, hành động khiến Pao bất bình thường. Do đó tôi gặp Archibald Clark-Kerr, đại sứ Anh, và Nelson Johnson, đại sứ Mỹ, vừa lúc đó ông này sắp rời Trùng Khánh, để Clark thay thế. Clark sáng trí và ăn nói bộc trực, mạnh bạo chê nạn chợ đen thực phẩm, sự nghèo khổ của dân chúng và thói tham nhũng của các công chức cao cấp, vì vậy bọn tả hữu của Tưởng Giới Thạch không ưa ông ta.
Cuối năm 1940 có nhiều cuộc “đàm phán” giữa Anh, Mỹ và Trung Hoa nhưng hầu hết không có kết quả. Tướng Chang Tchen, Giám đốc phòng ngoại vụ ở Bộ Tổng Tham mưu tổ chức một cuộc thăm Đông Nam Á cho phái đoàn quân sự Trung Hoa; ông là người hòa nhã, có khả năng, ai cũng nhận là khéo ngoại giao. Mọi người đều mong được ở trong phái đoàn để ra khỏi Trùng Khánh, và Pao là một trong những người được đề cử đầu tiên. Cuối tháng giêng 1941 phái đoàn gồm 14 người đi Mã Lai, Singapore, Miến Điện, Ấn Độ và cuối tháng 5 thì về. Người ta dắt họ đi coi đồn luỹ Singapore mà ngươi ta khoe là vô phương hạ được, nhưng gần đúng một năm sau tụi Nhật chỉ tấn công mấy ngày là chiếm được. Phái đoàn đi coi khắp Ấn Độ xem các kiến trúc quân sự và dạo các tiệm ở Delhi, rồi trở về với 48 xe cam nhông chở các hàng tơ lụa, Mỹ phẩm, giày dép (cho đàn ông và đàn bà), máy chụp hình, y phục đàn ông, đồng hồ, máy hát… Một sĩ quan nọ bận 4 chiếc áo, chiếc trong chiếc ngoài và đeo 16 chiếc đồng hồ ở hai cánh tay. Sở dĩ họ mua loạn lên như vậy là vì Mỹ đã cho mượn tiền để bình giá Hoa kim theo suất 20 đồng ăn một Mỹ kim, và cũng vì ở Trùng Khánh rất hiếm đồ ngoại quốc. Riêng Chang Tchen có 5 xe cam nhông đồ theo đường Miến Điện về Trùng Khánh. Pao có lẽ là người mua ít nhất trong nhóm, chỉ mang về có 7 vali đầy thôi!
Đi chuyến đó về anh gây với tôi vì tôi không ra phi cảng đón anh. Đáng lẽ tôi phải đi đón ảnh, nhưng thấy bao nhiêu hành động gian trá của Tưởng, tôi không chịu nổi, không thể coi là mọi sự hoàn hảo khi thâm tâm tôi bực tức, nghẹn ngào, phẫn uất mà không nói ra được.
“Anh mất công mang bao nhiêu đồ về tặng em, mà em không thèm ra phi trường đón mừng anh nữa!”. Tôi không thể đón mừng anh được, không thể được vì đầu năm 1941 đó tôi ghê tởm thêm, chán ngán thêm về tình thế. Từ tháng giêng năm 1941 tôi đã bắt đầu hiểu rồi, thâm tâm tôi nổi loạn lên, băn khoăn, nhưng đã có một hướng nhất định không lùi bước nữa. Tháng đó Tưởng Giới Thạch ra lệnh tàn sát Đạo quân thứ tư cộng sản mới tạo lập. Cuộc tàn sát đó đánh dấu một khúc quẹo lớn trong đời tôi.
Ngoài căn cứ chính ở Diên An, cộng sản còn xây dựng nhiều căn cứ nữa ở vài tỉnh làm trung tâm cho các vùng phát triển sau này, gồm một số đảng viên bí mật rải rác trong các miền mà quyền hành cộng sản đã thắng. Cuộc trường chinh nổi danh – nhờ Mao Trạch Đông mà thành công – qua miền nào là gieo mầm cách mạng ở đó, cả trong miền các dân tộc thiếu số không phải là người Hán, như dân tộc Miêu, Tây Tạng, Lô Lô. Còn trong các căn cứ cũ, mặc dầu bị Tưởng Giới Thạch khủng bố, dùng chỉnh sách “tiêu thổ” đại qui mô mà các tiểu tổ bí mật vẫn duy trì được.
Chẳng hạn, năm 1964 lại thăm miền núi Chin Kanshan, nơi Mao Trạch Đông thành lập một căn cứ năm 1927, tôi còn thấy một nhóm người sống sót, trong số đó có một nông dân rất già đã chôn ở dưới gầm giường một khạp muối, và giữ được mấy chục năm, đội Hồng Quân trở lại; nhờ vậy cộng quân mới có muối ăn trong khi Tưởng phong tỏa. Ông lão đó đã đợi hai mươi hai năm với khạp muối ở dưới giường…
Ở Tứ Xuyên, một tỉnh phong kiến, khi Hồng quân đi ngang qua làng nào tuyên truyền thì đàn bà, con gái bị áp bức là những người đầu tiên nổi loạn, tổ chức thành đoàn dân quân, cướp nhà và lẩm các điền chủ.
Nhiều phụ nữ đó đi hàng dặm đường quyên thức ăn để tiếp tế đạo quân trường chinh. Và khi đạo quân lên đường thì họ tặng giày, chẳng phải chỉ tặng các đôi dép rơm để lội bùn, mà còn tặng cả những đôi giày quý bằng nỉ, đế bằng vải dán nhiều lớp và khâu rất đều, thêu tên người lính ở phía trong nữa. Họ hát:
Em dùng kim làm bút
Viết rõ ràng lên đây
Tên anh và ý nghĩ của em…
Và các người lính buộc những chiếc giày đó vào cổ, chứ không bao giờ đi… Sau đó là những cuộc trả thù, bọn điền chủ và quân phiệt giết vô số nông dân nam nữ. Ở miền quê bề ngoài rất yên tĩnh đó, nông dân cũng đợi ngày Hồng quân trở về; trong khi đó nhiều người tình nguyện hợp nhau thành nhóm hoạt động. Chính bọn này đã tạo lập nhiều căn cứ đỏ, hành động suốt thời chiến tranh Trung Nhật, phía sau lưng địch.
Trong dãy núi nổi danh Chin-Kan-Shan, các đảng viên bí mật vẫn hoạt động trong suốt mười năm từ 1927 đến 1937, mặc dầu bị tàn sát mấy lần. Năm 1937 khi cuộc kháng Nhật công nhiên bắt đầu, Mặt trận Thống nhất thành lập, thống chế Trần Nghị hiện nay làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Hoa, được phái lại miền đó để giảng giải cho các quân tình nguyện rải rác ở mỗi nơi lại, tổ chức thành một đội quân mới làm căn bản cho Đạo quân mới thứ tư (Tân tứ lộ quân).
Trần Nghị sanh ở Tứ Xuyên, đầu năm 1928 theo Mao Trạch Đông cùng một lúc với Chu Đức. Tháng mười 1934 khi phần lớn lực lượng cộng sản lên đường trường chinh, ông ta ở lại phía sau để bảo vệ cho Hồng quân rút đi và thành lập một căn cứ mật trong những cánh đồng thấp nhất trên lưu vực sông Dương Tử. Ông hoạt động ở đó tới năm 1936, phải chống với quân đội Tưởng Giới Thạch đông hơn nhiều…
Tưởng muốn rằng các du kích quân tổ chức lại thành đơn vị như vây phải sáp nhập vào quân đội Quốc Dân đảng.
Nhưng Mao Trạch Đông không chịu, tuy hợp tác nhưng vẫn tự trị, biết rằng mục đích tối hậu của Tưởng là diệt Hồng quân, đặt quân đội của ông dưới quyền của Tưởng tức là giao họ cho Tưởng thủ tiêu.
Đạo quân thứ tư đó qua tháng giêng năm 1938 được bổ túc, tổng hành đinh ở Nam Xương tỉnh Giang Tây. Như tất cả các đạo quân cộng sản khác, đạo quân đó vừa chiến đấu vừa học tập về chính trị, về ý thức hệ.
Không thiếu gì người tình nguyện gia nhập vì tin “Hồng quân trở lại”, thu hút các nông dân như “ngọn gió xuân”, họ đem các súng cũ bắn đá đã chôn giấu, đao, thương, đoản côn, muối, thức ăn lại tặng… Họ tập hợp lại rất đông và chẳng bao lâu quân số của Đạo quân thứ tư đó từ mười ba ngàn tăng lên ba chục ngàn rồi sáu chục ngàn.
Khu tam giác Nam Kinh – Wouhou – Kin-kiang, vùng hành quân Nhật không vô được và là một trong những miền phì nhiêu nhất ở hạ lưu sông Dương Tử thành sào huyệt của Đạo quân thứ tư. Sự thành công của họ ở ngay bên cạnh những thị trấn quan trọng khiến cho Tưởng Giới Thạch rất lo ngại, và Tưởng trách họ đã tự ý phát triển, củng cố mà không có lệnh của Hội đồng Quốc phòng, cúp viện trợ quân nhu và tiền bạc, lại cấm họ tổ chức quần chúng nông thôn, hợp tác hội đồng nông dân, thành lập các đội dân quân.
Không đầy một tháng sau khi tới chỗ hành quân, vào tháng tư năm 1938, các đội du kích của Đạo quân thứ tư đã hoạt động trở lại. Trong tám tháng, họ đánh 231 trận, thu được 1.539 súng trường, 32 súng liên thinh, 48 súng tiểu liên và 50.000 viên đạn. Ba ngàn địch bị giết hoặc bị thương, 200 cam nhông địch bị phá hủy. Giữa năm 1939 họ làm chủ tất cả vùng quê. Tụi Nhật chỉ đóng quân được ở các thị trấn mà chúng phải đắp thành lũy để phòng ngự, tất cả những con đường băng qua đồng quê đều hóa ra bất an đối với chúng.
Đạo quân đó trải ra trên khu rộng, một phần ở phía Bắc, một phần ở phía Nam sông Dương Tử, mùa hè năm 1939 đã chạm súng với quân Quốc Dân đảng. Năm 1940, Cộng sản và Quốc Dân đảng xích mích nhau nghiêm trọng. Theo lệnh của Tai Lee, 80.000 người trong các hội kín Tam tài ở Thượng Hải len lỏi vào khu vực của Đạo quân thứ tư. Tháng 10 năm 1940, tướng Tang En Po đại tấn công Đạo quân thứ tư, đem 200.000 quân tiến đánh quân của Trần Nghị ở phía Bắc sông Dương Tử.
Nhưng đến tháng giêng năm 1941, biến cố mà người ta gọi là “Vụ Đạo quân thứ tư” mới xảy ra. Từ ngày mùng 7 đến ngày 13 tháng giêng, Đạo quân thứ tư được lệnh của Tưởng Giới Thạch qua sông Dương Tử, tập hợp lại ở vài trăm dặm phía Bắc, để kết hợp với Đệ Bát lộ quân (của Cộng sản). Khi vài đơn vị thi hành lệnh đó thì 12.000 người kể cả nhân viên y tế bị phục kích: 8.000 người bị giết, trong số đó có một số lớn nhân viên y tế.
Sáu vạn quân Quốc Dân đảng đã phạm tội tàn sát (vì chính là một vụ tàn sát). Quốc Dân đảng bảo Đạo quân thứ tư đã tấn công Tổng hành dinh của họ, bảo đó là một vụ “bất tuân thượng lệnh, cho nên Quốc Dân đảng phải dẹp để tái lập kỷ luật trong quân đội”. Diên An phản đối chuyện dựng đứng lên đó và Mao Trạch Đông cử Trần Nghị làm quyền tư lệnh Đạo quân thứ tư.
Vụ tàn sát đó làm xúc động một số lớn nhà ái quốc Trung Hoa, họ bỗng hiểu rằng Tưởng không hề thay đổi, vẫn là con người năm 1927, hễ có cơ hội là ông ta gây một cuộc nội chiến nữa. Sự thực, năm 1943 ông ta đã muốn tấn công Diên An, nhưng không được các quân phiệt Tứ Xuyên và Vân Nam ủng hộ, nên phải tạm bỏ dự định đó cho tới khi ông thuyết phục Mỹ giúp ông diệt Cộng, năm 1945.
Hay tin Đạo quân thứ tư bị Tưởng phản bội, nỗi bất bình của dân Trùng Khánh và toàn thể dân Trung Hoa nổi lên như thác đổ. Chính các thông tín viên ngoại quốc cũng rất thảng thốt. Archibald Kerr vốn thành thực, bảo thẳng Pao: “Thật là một chuyện ghê tởm”. Còn tôi, tôi xúc động quá, không thể nén lòng được, la lớn với Pao: “Khả ố, khả ố”. Tôi giận muốn nghẹt thở, lang thang, lên lên, xuống xuống những con đường có bực thang ở Trùng Khánh. Tôi bỗng nhận định được rõ ràng, quá rõ ràng rằng phải diệt Tưởng Giới Thạch mới được! Từ hôm đó, trong thâm tâm, tôi tin chắc – tin bằng tâm linh chứ không phải bằng lý trí – rằng Tưởng thế nào cũng phải ra đi, và ở Trung Hoa sẽ có một thay đổi lớn lao, sự thay đổi mà mọi người ao ước nhiệt liệt…
Không phải chỉ một mình tôi cho là khả ố! Nhiều người khác nữa sợ, không dám nói ra, nhưng trong lòng cũng âm ỉ một nỗi bất bình làm tiêu tan chút hy vọng mong manh của họ ở Tưởng Giới Thạch. Tôi nhìn thẳng vào mặt Pao: “Đó, cái đức của anh đấy… Giết đồng bào… trong khi chiến tranh vẫn tiếp tục…” Suốt ba ngày, Pao có vẻ tiu nghỉu, mắt lấm lét, không dám nhìn thẳng tôi, anh ngập ngừng đáp: “Không phải vậy”. Nhưng rồi ít bữa sau anh bình tĩnh trở lại. “Bên mình đã có biết bao nhiêu người bị cộng sản giết? Trường hợp đó là trường hợp bất phục tòng… Đạo quân thứ tư không tuân lệnh Hội đồng Quân sự… vị Thủ lãnh đã bảo… ngay tụi Cộng sản cũng nhận vậy…” Nhưng giọng nói và thái độ anh chưa được tự tin, anh không vênh váo như trước, mặc dầu đã lấy lại được cái vẻ thành thực bị xúc phạm để tự che chở mình mỗi khi bị bắt qua tang là nói láo.
Vài hôm sau, một buổi tối, dạo phố tôi gặp chị Koung Peng.
Chị Koung Peng cũng như chị Yuenling, trước học ở đại học Yen-Tching với tôi, nhưng hồi đó tôi không làm quen với chị. Chị đã đóng một vai trò rất quan trọng trong phong trào sinh viên tháng chạp năm 1935 và 1936, rồi vô Diên An. Tôi đã gặp chị một lần ở Trùng Khánh, đi với một chị bạn học khác của chúng tôi, và lần đó không hiểu tại sao tôi có cảm tưởng rằng chị là thư ký Hội Thanh nữ Ky Tô giáo, có lẽ tại chị bạn cùng đi với chị làm việc cho hội đó. Sự thực chị Koung Peng làm thư ký cho Chu Ân Lai, lúc đó làm đại diện ở Trùng Khánh cho Ủy ban liên lạc trong Mặt trận thống nhất. Chu Ân Lai gần như bị giam lỏng, ông ta cùng với vợ, hai thư ký, ba người phụ tá ở từng giữa trong một ngôi nhà nhỏ tại một đường phố hẹp, tầng trên và tầng dưới đầy những nhân viên mật vụ Tai Lee.
Tối đó đi thăm bà con ở ngân hàng Meifeng về, tôi gặp chị Koung Peng ở đầu kia đi ngược lại, cả hai chúng tôi đều đứng lại. Từ hồi nào tới giờ chị vẫn là người ít nói, bình tĩnh, rất thông minh, thâm trầm, tinh thần quân bình, toả ra một vẻ đẹp quyến rũ lạ lùng, không ai bằng; vậy mà hồi đó (mà ngày nay cũng vậy), chị không nhận thấy cái duyên của chị, sức hấp dẫn của vẻ đẹp và trí thông minh sâu sắc của chị. Nhiều khi nhìn chị tôi rưng rưng nước mắt, tôi bảo chị tôi ghê tởm hết thảy, ghê tởm vụ Đạo quân thứ tư đó, ghê tởm Pao, thấy cái gì cũng ghê tởm, mà không biết phải làm gì, lời nói của tôi từ thâm tâm phát ra, hỗn độn, không suy nghĩ gì cả.
Chị Koung Peng đứng nghe mà không thốt một lời, nhưng tôi có cảm giác lạ lùng rằng có một cái gì ở chị an ủi tôi. Tôi về nhà và khi Pao hỏi tôi tại sao về trễ, tôi đáp rằng vì lại thăm bà con ở ngân hàng. Và có lẽ một chút sức mạnh tinh thần của chị Peng đã truyền qua tôi, nên Pao nằm yên, làm thinh, không vùng dậy đập tôi.
Nhiều năm sau chị Peng thú với tôi rằng tối đó, sau khi kể chuyện với Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai, chị đã tính rủ tôi theo phe chị, nhưng ngại tôi có thể đã đóng trò, làm thân để dò la, nghĩa là tôi có thể như chị Yuenling ở trong phái “ngụy tả”. Họ bắt buộc phải rất thận trọng…
Nếu hồi đó người ta dụ tôi qua mặt trận bên kia, rủ tôi đi Diên An thì tôi có đi không? Tinh thần tôi lúc đó chẳng bị trói buộc, bị những hành động tàn nhẫn của Pao làm cho bối rối ư? Chính tôi, tôi chẳng quá rụt rè, thất vọng, không thể quyết định được ư?
Tôi không biết nếu chị Peng đã dụ tôi thì đời tôi có hoàn toàn thay đổi không?… Mãi đến năm 1956, chị mới cho tôi hay. Mười lăm năm, dài quá… dài quá!…
Cuộc tàn sát Đạo quân thứ tư hồi tháng giêng năm 1941, là điểm cao nhất trong một loạt tấn công kiểu đó, mà các nhật báo Trùng Khánh tuyệt nhiên không nói tới. Ngay từ tháng 7 năm 1940, Mao Trạch Đông đã hô hào đoàn kết tới cùng, mặc dầu bị quân Tưởng Giới Thạch tấn công, bị “sơ-mi-lam” ám hại, cũng vẫn giữ Mặt trận Thống nhất. Trước hết phải kháng Nhật cho tới hết chiến tranh đã, nhưng như vậy không có nghĩa là phải đầu hàng Quốc Dân đảng. Tháng chạp năm 1940, Mao viết: “Ngày nay, trong cái cao trào diệt Cộng, đường lối chúng ta theo là quan trọng nhất… không khi nào Đảng thay đổi chính sách Mặt trận Thống nhất trong suốt chiến tranh kháng Nhật…” Và Pao đã đưa cho tôi coi một bản làm sai lạc ý nghĩa của lời tuyên bố đó, để chứng minh rằng Cộng sản đã chịu nhận tội.
Tháng 3 năm 1941, khi dân chúng đã bớt xúc động, bất bình về vụ tàn sát tháng giêng rồi, Tưởng Giới Thạch đọc một diễn văn chống cộng, và Hội đồng Chính trị của Nhân dân biểu quyết một ý chí chống cộng, tố cáo đảng Cộng sản không có “tinh thần đoàn kết”. Ở phía cực hữu, nổi lên những thỉnh nguyện đòi trục xuất các “đảng ngoại quốc”. Và công chức Quốc Dân đảng có tà tâm mừng rằng các nghị viên trong Hội đồng Chính trị có thái độ hèn nhát (bọn nghị viên đó hầu hết do chính quyền Quốc Dân đảng chỉ định, trừ một người đại diện cho Cộng sản). “Chỉ cần đẩy nhẹ là bọn đó nhào”. Họ kể chuyện những nghị viên đã bị “đẩy nhẹ”; khi Tưởng hỏi: “Rồi bây giờ quyết định ra sao đây? Dĩ nhiên là các ông đồng ý chứ?”, các ông nghị đó run lên bần bật, đáp: dạ, đồng ý ạ. Toang Pi-wou, đại diện Cộng sản, bỏ ra về.
Ngày mùng 6 tháng ba, đảng Cộng sản đánh điện tẩy chay không dự phiên họp Hội đồng Chính trị của Nhân dân nếu không thay đổi vài thể thức và nếu không có những biện pháp “tạm giải quyết” vụ tàn sát Đạo quân thứ tư. Ngày 18 tháng ba, Mao ra chỉ thị cho đảng, phân tích vụ tàn sát đó, cho rằng “nội chiến” đã phát trở lại rồi; nhưng mặc dầu bị khiêu khích mạnh mẽ như vậy, cộng sản vẫn theo chính sách nhường nhịn, hòa giải vì sự kháng Nhật vẫn là quan trọng hơn cả, còn nội chiến chỉ là phụ.
Tháng tư năm 1941, tờ báo Nhật Times and Avertier đăng kế hoạch “hòa bình thế giới” của chính phủ Nhật. Trên Thái Bình Dương, Nhật đòi các căn cứ hải quân của Anh, Mỹ phải giải giới hết, mà ảnh hưởng của Mỹ không được vượt quá đảo Hạ Uy Di.
Đồng thời Nhật ký một hiệp ước bất tương xâm với Nga Sô, như vậy Nhật khỏi bị tấn công ở phía Nga, và có thể lập kế hoạch xâm lăng Đông Nam Á.
Ngày mùng 6 tháng 4 năm 1941, Đức chiếm Nam Tư, ngày 27 tháng tư, Hi Lạp đầu hàng Hitler. Cũng năm đó hồi cuối tháng giêng, phái đoàn quân sự Trung Hoa (trong đó có Pao) đi thăm Đông Nam Á. Tháng tư, phái đoàn tới Delhi, các nhà quân sự Anh cao cấp nhất tuyên bố với phái đoàn rằng đã chuẩn bị các kế hoạch để đối phó với mọi biến cố có thể xảy ra, và Hương Cảng với Singapour là những căn cứ không sao chiếm được…
Riêng tôi, tôi cho rằng biến cố quan trọng nhất ở Trùng Khánh, mùa xuân năm 1941, là diễn văn của Chu Ân Lai. Nơi hội họp là một cái hầm nhỏ giữa hai ngọn đời hai bên đã đào hầm để tránh bom Nhật. Hai giờ trước khi Chu tới, một đám đông đã nhóm họp rồi, có người leo lên cột tre, hoặc khiêng bàn ghế từ nhà tới để đứng lên mà nhìn Chu Ân Lai cho rõ.
Lần đó là lần đầu tiên tôi thấy Chu, một người mảnh khảnh, mặt mỏng, tóc rậm, đen, rất bình tĩnh, rất phong nhã, cử chỉ mềm mại. Có lẽ trong số tất cả các chính khách hiện còn sống trên thế giới, ông là người thông minh nhất, hy sinh nhiều nhất, quên hẳn mình đi, mà lại tế nhị, kiên nhẫn, minh mẫn không kém ai. Nhìn ông, là có một cảm giác gần như giật mình, vì đức tự tin, tự chủ và trí thông minh của ông. Trong mấy năm sau này tôi thấy trí tuệ ông vào bậc nhất thế giới, cùng một lúc có thể nghĩ tới nhiều vấn đề khác nhau; có thể diễn kết quả trong mấy giờ suy tư bằng vài câu ngắn rất cô động. Khi ông đứng lên bàn để cho mọi người trông thấy, ông bình tĩnh đưa mắt ngó từng nét mặt một và chúng tôi lặng lẽ đợi ông nói. Ông nói (gần bốn giờ và chúng tôi nghe ông trọn bốn giờ mà không thấy mệt). Ông có thể nói hoài được. Không diễn văn nào đi thẳng vào vấn đề, giản dị, bỏ hết những văn hoa như diễn văn của ông; một diễn văn căn bản, đã tốn công suy tư, không một lời nào thừa.
Chu Ân Lai giảng thái độ của đảng Cộng sản đối với những cuộc tấn công của Quốc Dân đảng, trình bày minh bạch rằng cuộc kháng Nhật mới là chính, ngoài ra đều phụ hết. Nhưng đảng sẽ không chịu đầu hàng “những kẻ có xu hướng đầu hàng địch, và chẳng kể gì tới những quyền lợi chân chính của dân tộc”… Khi ông nói xong, tôi muốn lại nói chuyện với ông lắm, nhưng tôi nhút nhát quá và đám đông cuốn tôi đi, tôi không lại gần ông được. Trong đám đông tôi thấy Pao Houa, em họ của anh Pao đứng cách tôi vài bước. Tôi ngó chú ấy, chú ấy ngó tôi, nhưng chúng tôi làm thinh. Trên đường về, tôi cảm thấy mình đi trên mây, không còn sợ gì cả, tôi bừng tĩnh, thấy hợp lý rồi. Chị Yueng-ling lại thăm tôi, tôi bảo thích diễn văn của Chu Ân Lai lắm, chị đồng ý, thế là tôi càng tin chị hơn trước nữa.
Năm đó, suốt bốn tháng Pao đi theo phái đoàn, tôi về Thành Đô, và trở lại Trùng Khánh đúng lúc anh về. Phi cơ Nhật lại tới dội bom và sức nóng ghê gớm mùa hè lại hành hạ chúng tôi. Lần này chúng tôi đem gởi ít đồ lại ngân hàng Meifing cho chắc chắn, cho nên hầu hết các đồ vật Pao mua ở ngoại quốc về không bị hư hại khi căn nhà chúng tôi thuê ở vườn họ Tchang bị dội bom tan tành tháng 8 năm đó. Toàn là những đồ lặt vặt, kỳ cục, không giá trị gì cả, nhưng ở Trùng Khánh thời đó, người ta cho là xa xỉ không tưởng tượng được. Hộp cẩn ngà và gỗ trầm, voi bằng gỗ mun, lụa, nhung, ra (drap) trắng, năm đôi giày cao gót mà không bao giờ tôi đi được, hai cái soong, thuốc bôi móng tay, đèn bằng đá hoa trắng, xà cừ, vân vân… Tôi rầu rĩ, mỉa mai. Vờ vĩnh làm gì kia chứ! Tôi nói thẳng với anh rằng không tin ở “phái đoàn”. “Phái đoàn” đi vì nhiệm vụ gì? Tôi phân phát gần hết những hàng anh mua cho tôi, chỉ giữ lại một xấp lụa màu nâu thêu bông hồng và một khúc nhung đen để may áo bận được tám năm, tới năm 1949.
Tháng sáu, năm 1941, vợ chồng tôi về Thành Đô với chú Ba, để tránh nắng và tránh bom, vì anh Pao được phép nghỉ sau cuộc công du mệt nhọc ở vùng Đông Nam Á. Ngày 22 tháng sáu, trong khi tôi lại thăm cô Marian Manley ở bệnh viện, thì ngoài đường có tiếng ồn ào, cười la của các em bán báo; tôi chỉ lờ mờ nhận thấy đường phố náo nhiệt hơn; về tới nhà chú Ba, tôi mới thấy một số báo đăng tin Hitler đã đem quân đánh Nga Sô.
Mấy ngày sau, báo in những bản đồ tiến quân của Đức trong chiến tranh “chớp nhoáng” đó. Anh Pao hoan hỷ lắm, các bạn anh cũng vậy; Hà Ứng Khâm tin chắc rằng Hitler sẽ thắng. Buổi tối, chú Ba vừa cầm chiếc quạt bằng lá cọ quạt ngực, vừa nói chuyện với Pao ở ngoài sân. Pao thuyết một hồi về “dân tộc hùng cường” tức dân tộc Nhật Nhĩ Man; anh giảng rằng một chủng tộc không lai thì mới giữ được sinh lực mạnh mẽ; anh lại giảng tại sao Nga yếu. Chú Ba gật gật đầu, hỏi lại diện tích và dân số Nga là bao nhiêu; tôi coi vẻ chú không tin lắm.
Pao sung sướng theo dõi tin tức chiến tranh vì quả thực quân Đức tiến rất mau, còn tôi càng thấy quân Đức thắng trận tôi càng buồn; sau cùng Pao hoan hỷ trở lại tổng hành dinh của Hồ Tôn Nam ở Tây An. Tôi trở về bệnh viện đường Tiểu Thiên Trúc, làm việc trong vài tuần lễ ngắn ngủi.
Đời sống ở Đại học càng thêm khó khăn. Vật giá tăng hoài, nạn lạm phát làm cho nhiều sinh viên khốn khổ. Họ đau ruột vì phải ăn thứ gạo không giã, mùi nặng và hôi, trộn với thứ đậu lớn bột cứng, và với ớt. Gạo trắng thành món xa xỉ chỉ thấy trong mâm cơm các nhà giàu và các khách sạn sang. Tuy Thành Đô không thiếu thức ăn như Trùng Khánh, người ta cũng trộn đá vào gạo cho thêm cân. Có hai thứ quả cân, thứ lớn và thứ nhỏ, thứ nhỏ chỉ bằng nửa thứ lớn, thành thử một cân gạo có thể nặng 600 gam hay 300 gam. Vì chính phủ định giá gạo nên con buôn phải làm vậy, dĩ nhiên là chính sách định giá thất bại.
Năm đó không trúng mùa, mà nợ nần phải trả bằng lúa, ngay chính phủ cũng thu thuế bằng lúa, bảo là để giữ trong lẫm của nhà nước, nhưng sự thực là vô lẫm của một bọn lũng đoạn thị trường, mà trong bọn đó có nhiều công chức.
Quân đội và vài cơ quan như cơ quan của Pao lãnh lương bằng gạo. Một bao gạo giá chợ đen bằng ba tháng lương của ảnh.
Không kiếm đâu được muối và xà bông; cô mụ Wang có tài xoay xở, làm cái gì cũng giỏi, chỉ cho tôi cách dùng một thứ lá cây vò ra có bọt như xà bong để gội đầu. Người ta đốt một thứ nhánh cây xanh thành tro để dùng thay muối…
Một buổi tối, ở Viện Đại học nhốn nháo lên, tướng Phùng Ngọc Tường, một quân phiệt anh dũng ở phương Bắc nổi danh vì là người đầu tiên kháng Nhật năm 1932, tối đó lại diễn thuyết cho sinh viên nghe trên sân thể thao. Mọi người đều muốn lại nghe; tôi cùng với các chị Hoan Seôouan, Shen Wang và các cô mụ khác, mặc dầu đi từ sớm mà tơi nơi cũng đã đông nghẹt rồi. Sân tối, chỉ có vài ngọn đèn bão, Phùng Ngọc Tường to lớn, mặt chữ điền, bận một bộ quân phục giản dị bằng vải, giọng phương Bắc nghe rất hay, nói về cái nạn phát xít đương tấn công các dân tộc dân chủ trên thế giới; ông tiên đoán rằng Trung Hoa sẽ thắng Nhật và Nga sẽ thắng Hitler. Chúng tôi vỗ tay rầm rộ và các sinh viên rất phấn khởi vì chúng tôi đều mong Nga thắng. Một lát sau, vị giám mục Kitô giáo Yupin cũng đọc diễn văn. Ông rất hoạt động và quyên tiền ở Mỹ để giúp các hội truyền giáo ở Trung Hoa. Ông cũng ở Hoa Bắc xuống, cho nên người ta nghe ông lắm, ông rất giảo hoạt, quỉ quái, rất tự tín và có tài hùng biện. Ông bảo rằng Đức và Nga sẽ tự diệt lẫn nhau, vì cũng theo chính thể độc đảng.
Chúng tôi trở về nhà hộ sinh, nhắc chuyện Napoléon đại bại vì mùa đông ở Nga, nhưng có người cải lại rằng chuyện đó cũ quá rồi, mà Đức bây giờ rất mạnh, chúng tôi nóng lòng đợi mùa đông đến xem sao.
Trong khi chờ đợi, các báo tiếp tục tả các chiến thắng tưởng tượng ngoài “mặt trận”, họ muốn nói mặt trận của Tưởng Giới Thạch đấy, nhưng không bao giờ đăng bản đồ cả. Mọi người chế nhạo các chiến thắng đó, kể cả Pao. Sự thực, tháng 5 năm 1941, Nhật tung ra 50.000 quân tấn công miền Hoàng Hà, tại đó có 250.000 quân Quốc Dân đảng; Hồng quân chiến đấu để ủng hộ quân Quốc Dân đảng, nhưng sau ba tuần lễ Tưởng ra lệnh rút quân, để cho Nhật chiếm đất và bỏ mặc Hồng quân… chính sách của ông ta vẫn như cũ; làm tiêu hao lực lượng của Cộng sản.
Mùa hè năm 1941 đó, chính phủ Tưởng Giới Thạch báo cáo rằng Trong Hoa “rốt cuộc” đã được thừa nhận là một cường quốc ngang hàng với cường quốc khác. Mỹ và Anh đã tuyên bố hứa từ bỏ những đặc quyền tài phán của họ từ năm 1842: Đã một thế kỷ rồi; không một người Âu hoặc người Mỹ nào ở Trung Hoa mà bị Toà án Trung Hoa xét xử. Họ có thể vô Trung Hoa mà không cần giấy thông hành, có thể ở Trung Hoa bao lâu tùy ý, có thể ăn cắp, ăn cướp, giết người, lái xe cán chết người, chở các chất ma túy và súng ống vô mà không bị Tòa án Trung Hoa truy tố. Chẳng những thường dân, quân đội, con buôn, ngay các nhà truyền giáo của họ cũng được cái đặc quyền vĩnh cửu bóc lột dân Trung Hoa.
Bây giờ chính phủ Quốc Dân đảng tuyên bố rằng các cường quốc phương Tây “tự ý” bỏ các “đặc quyền”. Chiến tranh đã quốc tế hóa và nhờ vậy Trung Hoa có một vai trò quốc tế; Tưởng nóng lòng đóng vai trò một chính khách quốc tế lắm. Sự thật, Âu Mỹ hứa từ bỏ các đặc quyền như vậy là để giữ Trung Hoa ở trong “phe” đồng minh; vì năm 1941, Tưởng càng ngày càng công khai đòi đồng mình phải giúp thêm tiền, nếu không thì ông điều đình riêng với Nhật. Bây giờ ông đòi phải giúp ông 500 triệu Mỹ kim. Và ông lựa đúng lúc vì ở Mỹ người ta càng ngày càng lo lắng, không hiểu Nhật còn tính những chuyện gì nữa…
Suốt mùa hè năm 1941, Hồng quân tấn công Nhật ở khắp các mặt trận Hoa Bắc, còn Tưởng thì án binh bất động. Cho tới ngày 24 tháng 11, nghĩa là hai tuần trước vụ Trân Châu Cảng, sứ giả Nhật Kurusu còn dụ dỗ cho Roosevelt tin rằng Nhật và Mỹ có thể thương thuyết với nhau. Nhưng cả hai phía đều chuẩn bị chiến tranh. Từ tháng 9, Nhật đã chuẩn bị xong kế hoạch tấn công hạm đội Mỹ bỏ neo ở Trân Châu Cảng từ tháng 5 năm 1941, Mỹ tính dùng hạm đội đó để tấn công Nhật hoặc che chở thuộc địa Phi Luật Tân.
Ở Châu Âu, Mỹ đã thừa nhận Pétain và chính phủ Vichy; họ luôn luôn tỏ vẻ lạnh nhạt với tướng De Gaulle và các người Pháp tự do, vì Roosevelt có ý chia cắt vĩnh viễn nước Pháp làm hai… Chính sách úp mở đó của Roosevelt cũng áp dụng ở Đông Dương nữa; Roosevelt nói thẳng với Stilwell rằng Đông Dương sẽ là một “xứ ủy trị”, bề ngoài là đặt dưới quyền kiểm soát quốc tế mà sự thực là đặt dưới ách của Mỹ. Nhưng năm 1941, Nhật đã có cơ sơ vững vàng ở Đông Dương rồi, tại những căn cứ chính phủ Pétain nhường cho họ.
Cuối hè 1941, một phần lớn Trùng Khánh đã bị bom san phẳng, kể cả căn nhà chúng tôi thuê trong vườn Tchang, bị tan phá cuối tháng tám. Bới trong đám gạch vụn chúng tôi tìm được nửa ve Cognac (đem ở Ấn Độ về) và chiếc giường gãy. Chú Ba lại cho vợ chồng tôi ở nhờ, lần nầy tại Ta Er Woh, căn nhà của ngân hàng Meifeng, ở ngoài thị trấn Trùng Khánh. Ở đây có nhiều đồi rậm rạp, trên mặt có một lớp đất dầy, vì đã nằm vô phía trong đồng rồi; trên sườn đồi có vài biệt thự của nhà giàu, họ có thể ngủ yên, xa chỗ bị dội bom.
Phía bên kia thung lũng hẹp đó, có một sườn đồi rậm rạp nữa, lưng chừng là ngôi biệt thự đồ sộ của tướng Chang Tchen, trưởng phái đoàn đi thăm Đông Nam Á, sau này làm đại sứ ở Mỹ.
Lại có một dinh thự nguy nga đầy nô tỳ, ống nhổ và chậu lan, mà một ông quân phiệt Tứ Xuyên cất cho bốn bà vợ ở. Con số bốn đó đã tính trước đấy: nếu là ba hay năm thì khó mà tiêu khiển bằng mạt chược với nhau được. Bốn bà suốt ngày đánh mạt chược, ngày nào như ngày nấy; họ có vẻ như không bao giờ tắm rửa, quần áo nhàu nát, đầu tóc bù xù như mới ngủ dậy; họ ngồi vào bàn mạt chược cho tới khi trở vô phòng ngủ mà tay vẫn cầm quân bài bằng ngà hay bằng tre.
Ở đó chưa đầy hai tuần thì Pao và tôi đều bị sốt rét cơn. Pao bị trước. Cứ ba ngày lên một cơn, rồi tới phiên tôi bị cảm nặng mửa, sốt. Bệnh sốt rét của tôi là hình thức hiểm độc nhất do con đường Miến Điện mà truyền vào Trung Hoa. Có người chết rất mau, trong mười hai giờ, có người chết ngay trong một tuần lễ hoặc hơn! Mới đầu tôi cũng tưởng là bị sốt rét ba ngày một cữ, và tôi uống những viên ký ninh sở y tế phát cho anh Pao. Thứ ký ninh đó là thứ thật chứ không phải thứ giả bán cho người thường trong các tiệm thuốc.
Nhưng thuốc vô hiệu và không đầy ba ngày sau khi lên cơn lần thứ nhất, tôi gần như không ngồi dậy được nữa, chỉ mửa và run, run và mửa. Pao phải trực ở trụ sở “Tuân lệnh và Phục vụ”, tôi ở nhà một mình với Yao Niang, người vợ lẽ của chú Ba; sốt rét cơn đối với chị là chuyện thường. May thay bà vợ tướng Chang Tchen lại thăm tôi, không hiểu vì lẽ gì. Bà to lớn đẫy đà, cương quyết, hoạt động, mắt sắc. Tôi loạng choạng bước ra phòng khách tiếp bà, mệt quá, không nói được. Bà hành động liền, phái tới một lương y, học ở Đức về, và chỉ trị riêng cho những công chức cao cấp và cả tướng Chang. Bác sĩ coi mạch xong, bảo tôi bị một thứ sốt rét hiểm độc, chích cho tôi hai mũi atébrine, mỗi mũi năm chục đồng. Ba ngày sau tôi bớt nhiều, nhờ một chị ở dìu dắt, tôi qua bên kia thung lũng leo lên tới nhà bà Chang để cảm ơn bà. Nhưng tôi thấy bà Chang khác, không phải là lanh lẹn dễ thương như hôm trước đã qua thăm tôi và cứu sống tôi mà một bà gầy ốm, mặt nhợt nhạt như sáp ong… bà này là bà hai. Tôi ngượng quá, nói vài câu xã giao nhã nhặn rồi ra về.
Tháng chín năm nó, một thảm kịch xảy ra, khoảng mười ba ngàn người bị chết ngạt trong một hầm núp công cộng ở Trùng Khánh (có tin đồn là hai chục ngàn người lận). Tôi đã nói những hầm đó thực tồi tàn. Vụ khủng khiếp đó xảy ra một buổi chiều thứ bảy trong một lần dội bom cuối mùa của Nhật. Không trông thấy phi cơ, nhưng suốt mấy giờ mà vẫn không nghe còi hụ hết báo động; các người lính gác vũ trang nhốt thiên hạ đường hầm rồi bỏ đó, lại khu Nam Ngạn đánh mạt chược hoặc coi chiếu bóng… Thật điên khùng mới nhốt thiên hạ lại như vậy: họ viện lẽ để giữ “trật tự”, không cho thiên hạ lộn xộn ra vô cửa hầm, hết người này tới người khác để hít không khí. Đáng lẽ phải cải thiện cách thông hơi thì người ta rào cửa hầm bằng chấn song sắt và trong suốt lúc báo động, người ta khóa cửa hầm lại. Những người bị nhốt lúc lắc hàng rào sắt nhưng không mở ra được mà cũng chẳng thấy ai lại. Bọn lính gác vắng mặt suốt mười giờ.
Phải hơn một tuần mới lôi hết thây ma trong hầm ra. Có những đường phố dân cư thưa thớt hẳn đi, có những gia đình chết không còn một người. Suốt một tuần lễ, trong không khí mát mẻ ban đêm, xe cam nhông đi đi về về chở thây ma đi, mà một bọn người đeo mặt nạ lấy kẻng xúc những thây đã rữa nát.
Mùa thu năm 1941, có thể rằng chúng tôi khẳng định sẽ bị Tai Lee mời dự tiệc, một “danh dự tối cao” đấy. Pao không những ở trong bè đảng ông ta mà còn được ông ta mến nữa; nét chữ và nét mặt của ảnh đã gây được ấn tượng tốt, anh đã leo lên rất mau, khiến nhiều người đã bắt đầu gọi anh là “thành trì trẻ trung”. Pao lại càng ham coi tướng số hơn bao giờ hết. Các phái đoàn quân sự và ngoại giao đều do tổ chức của Tai Lee chỉ định, vậy thì thế nào ông ta cũng sẽ phái Pao làm tuỳ viên quân sự ở Anh hoặc ở Mỹ. Và quả nhiên chúng tôi được mời lại ăn cơm ở nhà Tai Lee.
Tôi nói:
- Em không muốn đi. Người ta đồn rầm lên về những việc ông ta làm. Em không ưa ông ta.
Anh Pao nói ngọt, dỗ dành tôi, tới cái mức mua hoa tặng tôi nữa, và bảo tôi:
- Em phải đi chứ. Thiên hạ đồn bậy. Còn lạ gì chuyện đó, chính trị nào mà chẳng xấu xa, phải, các chính khách bắt buộc phải làm những điều bỉ ổi. Ngay cộng sản cũng phải nhận rằng Đạo quân thứ tư đã có lỗi kia mà, đã chịu cho Tưởng rầy la. “Em tin anh đi, đừng tưởng rằng phía bên kia luôn luôn tốt đâu”.
Ảnh nói vậy vì một thầy tướng số nào đó coi tấm hình của tôi, đã bảo anh rằng, tôi thuộc vào hạng người luôn luôn tin rằng “hoa nở bên kia tường mới thơm hơn ở bên đây”, như vậy ngầm chê tôi là hạng bất chính vô luân. Pao áp dụng câu đó khi đoán rằng tôi bắt đầu có tinh thần chống đối về chính trị. Chu Ân Lai đã diễn thuyết ở Trùng Khánh phải không? Bọn Cộng sản đã làm bao nhiêu điều bậy, mà chính phủ còn cho phép hắn diễn thuyết, như vậy chẳng phải là rất khoan dung ư? Pao có thể tỏ ra nghiêm trang, kiên nhẫn, biết điều, rất giỏi thuyết phục: “Em chẳng hiểu chút gì về chính trị cả, tại sao em lại không chịu lại thăm Tai Lee? Chưa hề gặp người ta lần nào, sao đã vội phán đoán?”. Rồi anh nổi quạu, bảo sẽ bắn bỏ tôi nếu tôi không chịu cùng đi với anh. Anh rút súng sáu ra, đập mạnh trên bàn. Rồi anh dọa gia đình tôi nữa: “Này, coi chừng đấy, nếu không có anh thì chú Ba của em bây giờ ở đâu? Anh có thể sai bắt chú ấy, cho nằm khám lần nữa…”
Anh nói vậy vì chú Ba mới bị bọn Tai Lee bắt cóc, ít lâu sau khi Pao đi Ấn Độ về và bị nhốt khám về tội đánh mạc chược. Đó chỉ là một cái cớ, chứ thực sự là họ muốn dọa dẫm một số thân hào thuộc hạng tư bản Tứ Xuyên như chú Ba và các bạn của chú; họ vịn vào cái tội chú bất tuân lệnh “động viên tinh thần” (cấm tứ đổ tường); lệnh đó có ý gây áp lực để bọn Sơ-mi-lam được độc quyền mua bán các sản phẩm trong tỉnh.
Không ai để ý tới lệnh đó cả. Không hồi nào mà Trùng Khánh lại nhiều điếm như hồi đó: do nạn lạm phát, có những gia đình rất đàng hoàng bắt buộc phải cho các con gái không nuôi nổi ra đứng vỉa hè. Năm 1941, các phái đoàn quân sự ngoại quốc tới nhiều hơn, chính phủ Tưởng Giới Thạch lại loan tin rằng các nước Châu Âu sửa soạn bỏ cả chiến lược ở Châu Âu trước rồi ở Trung Hoa sau (để Mỹ thay thế) do đó một số quan trọng phi công và lính thủy Mỹ sắp tới Trùng Khánh. Bọn gái điếm chuẩn bị trước, có ả nhuộm tóc thành màu vàng coi thấy tởm. Thị trấn Côn Minh ở Vân Nam được lựa làm một căn cứ không quân cho Mỹ, người ta xây cất nhà cửa cho phi công Mỹ, dùng máy bay chở thùng tắm và cầu tiêu máy. Dĩ nhiên bọn điểm kéo nhau lại Côn Minh để tiếp lính Mỹ…
Lệnh động viên tinh thần đó chỉ nhắm vào những người sinh trưởng ở Tứ Xuyên. Họ phải đóng kín mít các cửa lại, chơi mạt chược trên những bàn phủ nỉ xanh để giảm tiếng lạch cạch đi. Trong khi đó ở trên các vỉa hè, bọn gái điếm tự xưng là nữ sinh viên, cắp sách vở nhởn nhơ qua lại, được nhân viên các phòng giấy quân sự của Tưởng trêu chọc, mời vô dự các cuộc “đàm đạo buổi tối”.
Một buổi tối nọ, chú Ba bị bắt đương đánh mạt chược, anh Hai lại ngân hàng cho chúng tôi hay. Pao lại ty công an và tức thì người ta thả chú Ba và các bạn của chú ra, nói rằng bắt lầm. Dĩ nhiên Pao khoái lắm, vì có dịp tỏ được uy quyền; và bây giờ anh nhắc lại công anh cứu chú Ba.
- Em không cần phải nói với Tai Lee một lời nào cả, nhưng anh thề với em, ông ta là người đàng hoàng lắm.
Tôi bận chiếc áo nhung đen để đi dự buổi tiệc đó với Pao. Tôi nghĩ bụng: “Có biết bao kẻ bất lương được tự do, và chúng tôi vẫn ăn uống với họ, nói cười với họ… Bất quá chỉ là thêm một thằng nữa”.
Một chiếc xe hơi đen dài có mui lại đón chúng tôi, thứ xe hễ trông thấy là người ta nghĩ ngay tới các cơ quan mật vụ. Một vệ binh bận áo choàng và nón nỉ xá dài chúng tôi. Hồi đó đàn ông có cái mốt bắt chước Tưởng Giới Thạch, bận những chiếc áo choàng dài tới đầu gối. Chú vệ binh đó có nét mặt nghiêm khắc, hai bàn tay xanh xao, hơi mềm, lòi ra khỏi chiếc áo choàng. Pao đi công du đem về vài đĩa hát, có hai đã hát bài Ave Maria của Gounod và một máy hát. Anh cho chạy dĩa Ave Maria hàng giờ để tỏ lòng tôn sùng Tưởng Giới Thạch. Lần này anh đem một dĩa Ave Maria tặng Tai Lee.
Xe đưa chúng tôi ra khỏi Fou T’ou Kouan, tới một trong những dinh thự của Tai Lee, trên một bờ dốc, có hầm núp bọc sắt tránh bom. Chúng tôi được những thanh niên vẻ mặt nghiêm khắc, bận đồng phục đen, đeo găng trắng dắt vô, qua hai ba lớp cửa, xuống một cầu thang thì thấy Tai Lee. Tôi cứ tưởng rằng phòng đó ở dưới hầm, không ngờ là ở mặt đất vì chúng tôi đã đi xuống chứ không đi lên. Nhưng ở Trùng Khánh có nhiều nhà cất cheo leo trên những sườn núi dựng đứng, thành thử dinh thự lớn của Tai Lee đã cất ở mặt đất và đưa xuống một bực khác, cũng vẫn ở ngang mặt đất. Dù sao thì kiến trúc bắt chúng tôi đi xuống đó làm cho cuộc hội kiến thêm vẻ long trọng; dẫu Diêm Vương cũng không dàn cảnh khéo hơn; màn lụa, đèn đỏ, một sự yên lặng rùng rợn… Hình dáng của Tai Lee cũng hợp với cảnh trang trí: nhỏ con, gầy, bận toàn đồ đen, lông mày rất rậm, nước da sạm tới nỗi có thể lầm một ngươi Ả Rập. Má và cằm đen, mặt nặng và sắc, và bộ đồng phục đen gây cho tôi ấn tượng rằng ông ta đóng trò, nhưng khi ông ta bước đi thì ta thấy con người đó nguy hiểm như một con rắn hổ cuốn tròn lại.
Ông ta bắt tay chúng tôi, mời chúng tôi ngồi, chúng tôi nhấp trà. Mới đầu chỉ là dọ chuyện hỏi thăm nhau; Pao cố có những cử chỉ ngôn ngữ của một thanh niên con nhà gia giáo. Anh kể cho Tai Lee hay rằng tôi mới qua một bệnh nặng (sốt rét cơn). Tai Lee bỗng nhiên hỏi chúng tôi có mấy con, Pao đáp: Một đứa con gái ở Thành Đô. Phải, anh đã bịa ra rằng tôi có một đứa con, như vậy tiện; anh có cớ để giảng giải rằng tôi không có mặt ở Trùng Khánh mỗi khi anh không muốn cho tôi trườn mặt ra trước công chúng hoặc những khi tôi về chơi Thành Đô. Còn một lý do khác nữa, nhưng sau này tôi mới hiểu.
Tai Lee hỏi tôi học ở đâu, Pao đáp: “Ở Anh”. Tai Lee gật đầu, cơ hồ câu đó làm cho ông ta hết nghi ngờ. Rồi Pao nói về tình hình ở Anh và ở Đông Nam Á, ở Ấn Độ, bảo Anh không đủ sức chiến đấu, tiêu rồi, và rán dụ Mỹ giúp mình, Tai Lee bảo Anh đương phá sản, thanh toán tài sản trên khắp thế giới, nhưng được Mỹ cho vay và cho mượn, còn Trung Hoa không được vậy, điều đó đúng. Ông ta không ưa ngoại trưởng Quo T’aishi thân Anh, lúc đó hai người cứu thị nhau, có một âm mưu đề lật đổ Quo T’aishi. Tai Lee ghét người Anh, vì có hồi ông ta ở Hương Cảng, bị Anh nhốt khám hai ngày rồi được thả với ít lời xin lỗi. Pao thốt ra toàn những lời hoa mỹ, dịu dàng, khéo nịnh nọt, anh làm ra cái vẻ rất “chân thành”, không một lời nào hớ. Anh chăm chú nghe Tai Lee nói.
Tới bữa ăn, món ăn rất ngon có những hải vị ở các nơi cách biển trên ngàn cây số này. Đôi đũa của Tai Lee bay tới tấp, gắp cho tôi những món ăn ngon. Pao và ông ta cùng đứng dậy nâng ly chúc thọ nhau, thỉnh thoảng Tai Lee hỏi những câu ngắn cho câu chuyện tiếp tục. Trong một lúc cuồng nhiệt, tôi tự hỏi giá thình lình tôi làm bộ nổi cơn điên tát vào mặt Tai Lee rồi lăn trên sàn thì sẽ xảy ra sao. Nhưng chỉ nghĩ tới cái nỗi bàn tay tôi đụng vào cái má đó tôi cũng đã thấy tởm. Sau một tấm màn lụa vén lên, tôi thấy ở phòng bên, những bình gỗ sơn, những chụp đèn màu hồng có tua, và hai tên vệ binh bận đồng phục đen đương coi chừng các giai nhân bưng thức ăn lên lên xuống xuống. Tai Lee hỏi tôi có thuốc trị chứng đau họng của ông ta không, vì Pao đã bảo: “Nhà tôi là bác sĩ”. Rồi thình lình ông nói về tướng số, bói toán, Tai Lee giảng một điều rất bí mật và tế nhị về ông thầy bói mù rờ xương đầu mà đoán vận mạng. Hết bữa chúng tôi uống một tách café rồi cáo từ vì theo phép lịch sự Trung Hoa, ăn xong rồi không nên ngồi lại lâu. Cũng chiếc xe hơi lúc nãy đưa chúng tôi về. Hôm sau Pao khen tôi là lễ độ, đàng hoàng: “Em không nói nhiều quá”. Tôi có một lời nào đâu.