Thực là một kinh nghiệm vô cùng xúc động khi tôi thấy lần đầu tiên một cái đầu nhỏ, tròn, tóc đen nhánh từ trong lòng một người đàn bà lọt ra, và nghe tiếng oe oe, vui gần như chịu không nổi, tôi trào lệ ra hàng giờ trước sự bí mật, kỳ diệu đó, một bí mật xảy ra hàng ngày ở khắp nơi, cả triệu lần, một phép mầu thông thường nhất mà đặc biệt nhất của nhân loại.
Người đàn bà đầu tiên tôi đỡ đẻ là một chị nhà quê nhỏ nhắn sanh con so, một thời gian lâm bồn, chị ta không nói một tiếng, không thốt một lời rên rỉ, và khi mọi việc xong rồi, chị toác miệng ra cười, coi dễ thương lạ lùng. Tôi bắt đầu hiểu được nỗi vui đặc biệt của các cô mụ, mà đa số vì đỡ đẻ cho người khác, cơ hồ mất cái nhu cầu có con, vì họ tự đồng hóa với sản phụ – tôi sau này cũng vậy – gắng sức rặn với họ, giữ gìn sức khỏe thay họ, toát mồ hôi với họ, giúp đỡ, kích động tử cung và các bắp thịt của họ cho tới lúc cuối, lúc giựt giựt, lúc thành công, cái đầu nhỏ xíu chui ra, cái thân thể nhỏ xíu, mềm mại, trơn tuột lọt ra với tiếng oe oe, có lẽ nỗi thích thú đó đủ rồi, nên nhiều cô mụ mới ở độc thân suốt đời.
Cô Marian chịu khó dạy riêng tôi để tôi mau thành nghề… Phòng đỡ đẻ nhỏ hẹp, không khí ngột ngạt, ẩm thấp và nóng như một nồi hơi; mùa hè, trong lúc đỡ đẻ, một sinh viên phải đứng ở bên để đập những con ruồi lách qua các kẽ cửa mà vô. Đồ đạc trong phòng, bàn đỡ đẻ, thau… đều là thủ công nghệ Thành Đô, các đồ giải phẫu do cô Marian mua hoặc do các hội truyền giáo tặng. Găng cao su luôn luôn là một vấn đề khó khăn, nhất là từ khi các đồ dự trữ tiếp tế bằng con đường Miến Điện trễ mấy tháng mới tới. Sau này, khi Thành Đô bị Nhật dội bom, tắt điện, các cô mụ phải làm việc trong bóng tối, cửa sổ che những tấm màn dày, đen để ánh sáng các ngọn đèn dầu nhỏ và ngọn đèn pin chiếu vào sản phụ khỏi lọt ra ngoài. Một cái hầm trú ẩn hẹp được đào trong sân, chung quanh bệnh viện, cho những người đàn bà chưa gần tới lúc sanh núp đỡ.
Trong thời gian đó, tôi sung sướng hơn trước nhiều, có thể quên cả anh Pao, quên các tội của tôi mà giao du với người khác được, nhưng đôi khi tôi cũng đau khổ, trầm uất trở lại vì Pao trở về hoặc viết cho tôi những bức thư dài vạch tất cả những điều bại hoại của tôi. Mặc dầu vậy, cuộc đời tôi lúc này đã có những hoạt động liên tục mà ảnh không biết… Anh có thói cái gì không liên quan trực tiếp tới anh thì anh không để ý tới, nên tôi có thể sống được hai cuộc đời. Khi anh ở gần tôi, khi chúng tôi dắt nhau đi dạo các đường phố Thành Đô, tôi sợ nhất là gặp một người ở Đại học hoặc ở bệnh viện chào tôi, nếu người đó là một y sĩ hoặc chồng một bệnh nhân thì cử chỉ xã giao nhã nhặn đó có thể làm cho Pao có cớ để đối xử với tôi tàn nhẫn vô cùng nữa. Pao cho phép tôi lại nhà hộ sanh vì nơi đó chỉ có đàn bà mà cô Manley là một nhà truyền giáo Mỹ, chính sách gây cảm tình với các nhà truyền giáo Mỹ (họ hướng dẫn dư luận Mỹ) được Tưởng Giới Thạch tán thành, chính ông ta đã cải giáo theo phái Giám lý…
Pao cũng không biết rằng trong khi tôi tập việc, mỗi tuần một hai lần tôi lại đại học dự các cuộc hội họp của Hội Thánh kinh trong các Nhà chung cất trên khu đất của Đại Học. Tôi rất ham trao đổi tư tưởng, sách vở. Những cuộc hội họp đó luôn luôn mở đầu bằng một bài giảng Tân Uớc và phân tích một vấn đề tôn giáo, nhưng cũng bàn về các vấn đề khác nữa. Các nhà truyền giáo có tài lái câu chuyện về các biến cố chính trị, và Nhà chung là nơi yên ổn nhất để bàn bạc, chỉ trích gián tiếp chế độ Tưởng Giới Thạch. Thời đó Hội truyền giáo Tin Lành có 268 bệnh viện, 75% tổng số giường bệnh dành cho các người Trung Hoa không phải là quân nhân, do đó, ảnh hưởng của họ rất lớn, và Tưởng mong lợi dụng được ảnh hưởng đó.
Sau cùng, nhờ bệnh viện mà tôi xin được đứa con gái nuôi Yungmei. Nếu tôi không đỡ đẻ ở đường Tiểu Thiên Trúc thì trong đời tôi, không có được tất cả cái hạnh phúc mà chỉ nội cái tên Yungmei đủ làm cho lòng tôi nở ra rồi.
Nhà hộ sanh gần một trường học có từ 25 tới 30 nữ sinh viên phụ khoa, 6 cô mụ có bằng cấp và 3 giáo sư: cô Marian Manley, cô Hsu và cô Wang. Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ra mở riêng nhà hộ sinh ở các thị trấn nhỏ, nhưng có vài cô ở lại giúp việc cho bệnh viện.
Suốt ngày suốt đêm, lúc nào cũng có một cô mụ và một hay hai sinh viên gác, có sản phụ nào mời lại nhà đỡ đẻ thì đi liền, hoặc đi bộ, hoặc ngồi xe “bù ệt” tùy đường gần hay xa.
Những căn chòi chúng tôi tới đỡ đẻ dơ dáy vô cùng. Thường thường gà lẩn quẩn ở dưới chân chúng tôi, có khi chúng tôi phải đuổi những con heo con ra nữa, lại phải đề phòng chuột vì chúng ngửi thấy máu là kéo nhau ra ngó chúng tôi làm việc. Một lần, đương săn sóc một sản phụ mình đẫm mồ hôi, nằm trên một cái nệm, tôi ngước mặt lên thấy một con chuột trên một cái kệ bên cạnh bàn thờ ông bà. Trong bóng mờ mờ chập chờn của ngọn đèn dầu hột cải thắp trong chiếc dĩa bằng sứ, cái mõm có lông của nó cử động và trong bóng tối nó có vẻ to lớn một cách quái dị…
Đôi khi chúng tôi đỡ đẻ trong những lều quán bằng ván hư nát, ghê tởm, không có giường nệm, không có quần áo, không có đèn, không có tiền để mua dầu hay một cái tim đèn nữa, sản phụ nằm trần truồng trên một tấm ván mục nát, kê trên mấy cục đá, ngay trên mặt đất bùn đỏ, cái gì cũng nhầy nhụa hôi thối, thực là trống rỗng hơn cả một hang thú nữa. Mùa đông ở Thành Đô không lạnh lắm, nhưng ẩm thấp, rất khó chịu đối với hạng người nghèo không thể chống cự nổi với sự ẩm thấp quanh năm đó. Và cái gì cũng có mùi bùn, mùi phân, mùi rác rưởi nhờn nhờn bốc hơi, lại thêm tối tăm nữa, nhiều khi trong lớp sương mù chúng tôi chẳng nhìn thấy cái gì cả, ngoài khuôn mặt xanh xao, mờ mờ, bụng và hai cái đùi. Chúng tôi đem theo một cây đèn pin và một cây đèn bão để rọi đường và chiếu sáng trong khi đỡ đẻ. Chúng tôi chở theo mấy chiếc thau để rửa tay, mấy chiếc nữa mà chúng tôi đổ cồn vào rồi đốt để khử độc, mang theo găng đã khử trùng, dụng cụ, áo bờ lu, khăn che mũi, miệng và hai xắc nặng đầy khăn bông. Ban đêm mà phải đi xa thì có một người đầy tớ trai ở bệnh viện đi theo.
Hầu hết các người chúng tôi đỡ đẻ đều nghèo, nhưng cũng có người giàu, hạng người này tuy sống trong những biệt thự trang hoàng đẹp đẽ, trướng sa tanh, giường chạm trổ, nhưng dơ dáy, hôi thối, khạc nhổ bừa bãi, chịu không nổi. Lại đó, có nước nấu sôi, có ánh sáng, khoảng khoát, khăn phủ chân, sản phụ có thức ăn mà chúng tôi có trà uống.
Trong giới sản phụ giàu có, tôi còn nhớ một bà là vợ lẻ thứ sáu hay thứ bảy của một quân phiệt họ Lieou (Lưu). Nhiều quân phiệt nho nhỏ ở Thành Đô có họ hàng với ba ông Lieou này: Lieou Hang, Lieou Wen-Houei, và Lieou Wen-Tsai, ông sau cùng khét tiếng tàn bạo ở miền Ta Yee, nơi ông có nhiều dinh thự mênh mông, cách Thành Đô khoảng 56 cây số, ông ta là địa chủ lớn nhất ở Thành Đô, khó tính nhất, độc ác nhất. Muốn hồi xuân, ông bú các thiếu phụ trẻ mới sinh, khiến bao nhiêu em bé đói sữa mà chết. Tôi đã thăm các dinh thự của ông ở Ta Yee, và hiện nay người ta còn thấy những phòng tra tấn, những đáy hầm đầy nước và chuột, những cũi mà người nào bị giam trong đó thì chỉ có thể đứng được thôi…
Mấy quân phiệt đó làm chúa tể Tứ Xuyên hai chục năm, tự cho là hậu duệ của Lưu Bị, nhân vật nổi danh thời Tam Quốc mà lãnh vực ở Tứ Xuyên, đứa trẻ nào ở Tứ Xuyên cũng biết.
Vậy cô vợ lẻ đặc biệt có mang, lại nhà hộ sinh để xin thăm dò cái thai. Những lần đó cô tới rất đúng kỳ hạn, ngồi lại nói chuyện với các cô mụ, và nhất là với cô Hsu, vị giáo sư lớn tuổi nhất, mặt tròn, thạo nghề, vui vẻ, khéo ngoại giao, được các sinh viên mến lắm.
“Xuân Ba”[1] (tên cô vợ lẽ của Lieou) có nét mặt rất đẹp nhưng thoa son lem luốc y như bọn đào hát vẽ mặt vậy, và trát một lớp phấn xuống tới tận cổ áo dài bằng lụa. Mớ tóc đen trơn bóng – phụ nữ Tứ Xuyên lấy vậy làm hãnh diện lắm – chải rất kỹ, bỏ tua xuống trán và kết thành một búi lớn ở sau gáy. Tay chân đều nhỏ nhắn, cô ta có vẻ tự tín nhưng không vênh váo vì làm vợ bé đương được sủng ái của một ông tướng. Ông chồng bận một chiếc áo cầu rộng lót da lông, đầu đội một chiếc mũ chụp bằng da lông, làm cho ông ta đổ mồ hôi nhễ nhại, ông dắt vợ tới và khi có mặt ông thì mọi người lăng xăng ân cần tiếp đãi, niềm nở mỉm cười, khúm núm và sợ sệt, vì cái bề ngoài tử tế của ông không che đậy được một bản tính thường gắt gỏng. Ông cho hay rằng ông quý cô vợ lẽ đó lắm và chúng tôi run sợ, nhỡ xảy ra chuyện gì không như ý thì khốn. Hôm nào, ông tướng không tới được thì có một cô vợ bé khác đi theo Xuân Ba. Được nuông chìu và tẩm bổ, an ủi, cô Xuân Ba bảo rằng chỉ muốn chúng tôi đỡ đẻ cho thôi, thực là một vinh dự lớn cho hết thảy chúng tôi, nhất là cho cô Hsu, vì chính cô sẽ lãnh nhiệm vụ đỡ đẻ.
Tới ngày cô Xuân Ba chuyển bụng, cô muốn sanh tại dinh thự của tướng Lieou, cô mụ giỏi nhất với hai cô phụ tá và cô Hsu lại chờ sẵn ở dinh thự, chờ ba ngày, được tiếp đón rất ân cần: phòng tốt, giường có khăn phủ chân bằng vải tuyết, một bầy gia nhân đề hầu hạ, và bàn đầy cao lương Mỹ vị – Ba ngày qua rồi mà vẫn chưa thấy gì, nhưng không ai dám ra về cả. Bỗng nhiên cô Xuân Ba chuyến bụng thật. Và đúng ngày hôm đó, vài giờ trước khi đứa bé ra đời, trong khi Xuân Ba rên rỉ, cắn răng chịu đau luôn mấy giờ đằng đẳng, thì ông tướng dắt về nhà một cô vợ bé mới.
Nằm trong phòng sanh, Xuân Ba nghe thấy ở phòng bên chỉ cách một tấm bình phong, những tiếng cười ngớ ngẩn và những tiếng kêu nho nhỏ thích thú của kẻ tình địch đang ái ân với ông tướng, và khi đứa bé sinh ra thì là một đứa con gái.
Xuân Ba kiệt sức, nằm nghỉ dưới cái mền sa tanh thêu hình chim phụng và hoa mẫu đơn, chân và môi hơi run run, bọn nữ tì lấy những mền lụa khác đắp lên thân nàng, đổ thuốc vào miệng nàng, tiếng ngáy của ông tướng át cả những tiếng gù gù âu yếm mà các cô mụ luôn luôn phát ra như một nghi lễ, khi tắm rửa cho đứa nhỏ. Cô Wang khen: “Em bé này ngộ quá coi này, y hệt như mẹ vậy?” Cô Hsu “túc túc” vui vẻ chuyện trò, mọi người làm bộ không nghe thấy tiếng gì cả và Xuân Ba, mỉm cười cảm ơn họ, vẻ đàng hoàng lắm.
Một tháng sau, nàng trở lại bệnh viện khám lại sức khỏe, vẫn vui vẻ, diễm lệ và mảnh mai như trước, nhưng hai bên thái dương sau lớp da mỏng nổi lên những đường gân xanh, nhưng có chút ám khí lo lắng, và trong giọng nói lớn, có một âm thanh the thé. Ông tướng lần đó không đi theo nàng, và một năm sau, cô vợ bé tới sau sanh được một đứa con cũng do các cô mụ của chúng tôi đỡ đẻ trong dinh thự của ông tướng họ Lieou…
Lại có trường hợp một ông tướng khác, vợ lẽ mới sanh được hai giờ đã ép buộc nàng cho ông ân ái… người ta mời chúng tôi tới gấp, nhưng không kịp, cô ta chết trong khi băng huyết.
Hầu hết các sản phụ đều sanh tại nhà, và tuy đã có nhiều người mời các cô mụ chuyên môn “theo Tây y” nhưng hạng mụ vườn vẫn còn đông hơn và gây tai họa vô cùng. Họ dùng những cái móc, làm rách thịt cả mẹ lẫn con, không có một ý niệm gì về sự sạch sẽ, bàn tay cáu bẩn, như những móng vuốt, moi sâu vào để lôi cái thai ra. Phần lớn các người đàn bà có mang lại kiếm chúng tôi đều trẻ hoặc hơi trẻ, nhưng cũng có người lớn tuổi lại cho chúng tôi thăm dò cái thai, có người sanh tới thứ mười lăm hay mười sáu, lần nào cũng cho một tin mừng, họ không chịu dùng thuốc mê, sợ rằng khi mê man, hồn họ bị cướp mất.
Dù sanh ở bệnh viện hay ở nhà, họ ít rên la lắm và cả những lần đẻ khó và lâu, cũng có người hoàn toàn mẫn môi không thốt một tiếng. Những người la hét, gào thét thường là hạng vợ lẻ xinh đẹp của bọn phú gia, hoặc những đàn bà đã Âu hóa ở miền “xuôi” lên, nhưng người ta cho như vậy là sỗ sàng. Những người rất nghèo cũng lại bệnh viện rước chúng tôi. Thường thường là người chồng tới, đứng trước cổng, do dự không biết chúng tôi có chịu đi không. Nhưng chúng tôi cũng vẫn đi. Tôi còn nhớ một trường hợp: một thiếu phụ rất trẻ, rất nhỏ nhắn, cắn môi không thốt ra một tiếng trong lần đẻ con so bao giờ cũng đau đớn, dưới cái mái dựng vào bực tường bao vây thị trấn, trong một đêm tháng giêng, vừa lạnh lẽo, vừa mưa, mái chỉ là một tấm chiếu rách có hai thanh tre đỡ, chúng tôi giương một cây dù bằng giấy dầu để che thiếu phụ đó và chúng tôi trong khi đỡ đẻ. Mấy phiến đá của bức tường dùng làm gối, một tấm giẻ rách màu xám gió đánh phất phất sau lưng chúng tôi, cánh cửa đẩy, công việc sát trùng thực khó khăn, chỉ có bóng tối là che chở, che đậy thiếu phụ, trên tấm ván dùng làm giường, không có mền, không có chiếu, không có gối, không có một tí gì hết, ngọn đèn pin của chúng tôi chiếu le lói trong bóng tối.
Người chồng làm nghề kéo xe, giúp đỡ chúng tôi đưa thân ra che mưa cho chúng tôi, và khi vợ đau quá anh ta ghì chặt vợ trong cánh tay, thủ thỉ những lời âu yếm, khi đứa bé ra đời, không có miếng tả để quấn nó, chỉ có chiếc áo dài rách tươm mà người vợ dùng để che thân, chỉ có chiếc áo thun và chiếc quần cũng rách tả tơi của người chồng: người chồng bèn cởi tuột quần ra để quấn đứa bé, nhưng hôm sau anh cần có quần để đi kéo xe chứ! Họ sẽ làm sao đây? Chúng tôi để lại cho họ chiếc khăn bông để bọc đứa bé (khăn bông hồi đó quý lắm), khi đứa bé rụng rốn rồi thì họ đành phải đem bán nó đi, và có lẽ người mẹ sẽ xin làm vú trong một nhà nào đó. Cô mụ đỡ đẻ xong, moi trong túi áo được một ít tiền đưa cho sản phụ, nói nho nhỏ rằng để mua tzao tze thứ gạo lứt mà người ta thường đưa cho sản phụ ăn, tin rằng sẽ tránh được xuất huyết. Thiếu phụ cảm ơn, đặt đứa bé nép vào sát mình nàng, vẻ âu yếm làm cho chúng tôi đứt ruột, người chồng tiễn chúng tôi ra: anh ta còn trẻ, gầy nhom và rất bình tĩnh. Tim tôi bừng bừng lên, nhất định là hạng người đó sẽ thấy một ngày tốt đẹp hơn, một ngôi sao sẽ mọc ở phương Đông.
Một lần khác người ta rước chúng tôi đi xa, ở giữa đồng quê. Phải mất hai giờ mới tới, một phần đường đi bộ, một phần ngồi xe bù-ệt. Một trại ruộng, một gia đình nông dân có ruộng đất, một thiếu phụ nằm trong cái phòng lớn duy nhất, trên một cái giường có cột, chung quanh đông nghẹt, có tới ba chục người hay hơn nữa. Bên ngoài, láng giềng và trẻ con tọc mạch chen chúc nhau, gần như người nọ dính vào người kia, thọc ngón tay đâm thủng miếng giấy[2] dán trên các cửa sổ mắt cáo để nhìn vô. Thiếu phụ đã nằm đó cả tuần rồi, cuống nhau lòng thòng giữa hai đùi, đã khô đét lại, đầu cuống nhau còn dính đứa bé trơ xương nằm ở giữa hai bàn chân người mẹ. Mà gia đình nông dân đó vào hạng giàu có, trong số 5% những kẻ may mắn được làm chủ ruộng (một hay hai mẫu tây), mướn người làm công, có nhà cửa, giường nệm, đồ đạc…
Trong một tuần lễ mà chưa trục xuất hết ra, cô mụ làng, thiếu kinh nghiệm, rán nắn bụng sản phụ cho cái thai hạ xuống, rồi sau thọc tay vô. Trong khi chờ đợi người ta vẫn chưa cắt cuống nhau để giải thoát đứa bé, vì theo tục cổ ở Tứ Xuyên, chỉ khi nào cái nhau ra hết rồi mới được cắt cuống.
Rõ ràng là thiếu phụ đó hấp hối: nước da xanh như tàu lá, không nói được, không nuốt được nữa, bệnh phá thương phong đang hoành hành ở Tứ Xuyên, bệnh này xảy ra bất thường, nhiều trẻ mới sanh ra, chết vì người ta cắt cuống nhau bằng những chiếc kéo, những con dao dơ bẩn, lại có tục lấy rơm trộn với bùn đắp vào rốn của thai nhi nữa.
Người ta đỡ cho thiếu phụ ngồi, cứng như khúc cây, lưng dựa vào một đống mền cuốn tròn lại như chiếc gối dài, người ta rắc từng nắm hột gạo lên giường, lên áo quần của thiếu phụ để cúng các tà ma đã ngăn không cho cái nhau thoát ra, ở phía ngoài cửa treo những lá cờ nhỏ và những gùi rơm đã gỡ mối, tượng trưng bằng cái “then” ở trong bụng đã rút rồi, bụng và chân thiếu phụ đều vẽ bùa, lông gà bay khắp nơi, có lẽ người ta đã giết gà để cúng tà. Trong phòng, người ta xô đẩy nhau, chen lấn nhìn qua vai chúng tôi, và khi chúng tôi cởi cái túi chứa dựng cụ ra, họ đòi rờ coi, chúng tôi phải xô họ, đuổi họ ra: dĩ nhiên không ai ra cả, và người ở phía ngoài còn đục tấm giấy che cửa sổ nhiều hơn nữa, hết cặp mắt này tới cặp mắt khác ngó vào xem các bà bác sĩ làm gì, đem theo những cái gì. Cô Ma, cô mụ có nhiệm vụ đỡ đẻ, tâm thần rối loạn, khám bệnh cho sản phụ rồi, cau mày suy nghĩ một hồi lâu, vì tình trạng rõ ràng là bi thảm.
Cô Ma trạc tứ tuần, đời sống rất long đong. Hồi cô còn nhỏ xíu, cha mẹ cô đói quá phải đem bán cô, vì bệnh đậu mùa, mặt cô rỗ như tổ ong, xạm đi, xấu, bẩn, người ta bó chân cô, bây giờ đã cởi rồi, coi như những bàn chân cụt, vậy mà cô khập khiễng đi được cả mấy cây số mà không mệt. Hồi cô làm nô tì, cô đã trốn hai lần vì bị bà chủ nhà đánh bằng những thanh tre, chẻ dọc, hiện còn vết trên lưng và bắp chân. Người ta ép cô làm vợ bé một lái buôn nhỏ không đủ tiền mua một người thiếp đẹp hơn, người đó góa vợ, già, chỉ có con gái, và mong có một mụn con trai. Cô Ma vùng vẫy dữ tợn, phải mất một tuần lễ, người chồng mới ép cô được. Hai năm sau cô vẫn chưa có mang, người chồng tính đuổi cô đi hoặc đem bán cho một nhà chứa điếm. Thế là cô lại trốn một lần nữa. Lúc đó phong trào Ngũ Tứ vận động [3] đương bồng bột ở trong nước, phụ nữ cắt ngắn tóc, trốn khỏi nhà để đi học và thà tự tử chứ không chịu bị ép duyên, họ la lớn: “Đả đảo đạo Khổng và sự áp chế phụ nữ!” Cô Ma cũng bị trào lưu Đại cách mạng lôi cuốn từ năm 1919 đến năm 1927. Rồi tới những cuộc tàn sát của Tưởng Giới Thạch năm 1927, khắp tỉnh Tứ Xuyên đâu đâu cũng có những cuộc khủng bố.
Nông dân nổi loạn gây một cuộc cách mạng điền địa đại quy mô, đánh đuổi chủ điền, chia nhau ruộng đất. Cô Ma suýt chết đói, bị ở cho người ta, lại bỏ trốn, sau cùng may gặp một bà chủ tốt bụng, già, gần như đui không đi được vì nửa mình tê liệt. Cô Ma khỏe mạnh, cõng bà ta, săn sóc bà, không ngại một công việc gì cả, công việc đổ phân. Bà ta mướn một cô giáo dạy cho cô Ma tập đọc, và vì thiếu tiền ăn học, mãi 10 năm sau cô mới thành cô mụ. Cô ghét bọn đàn ông và hôn nhân, chỉ muốn sống độc thân, vì đã gặp nhiều nông nỗi làm cho cô tởm tính dục. Buổi chiều đó, đứng ở đầu giường người đàn bà hấp hối, cô rút chiếc găng cao su ra, lẩm bẩm: “Thối rồi”, cơ thể thối ở trong rồi. Chiếc găng dính đầu một chất nhớp đen.
Cô Ma nhìn chiếc găng rồi bảo tôi thu xếp dụng cụ. Cô hỏi ai là người chịu trách nhiệm trong gia đình, chồng sản phụ đâu? Đám người bà con dính chùm với nhau di động, lắc lư, nhấp nhô như làn sóng, sau cùng một bà già và một thanh niên bước ra: mẹ chồng và chồng của sản phụ. Cô Ma bảo họ: “có thể mua quan tài đi, vô phương cứu được”. Bà già muốn mời chúng tôi uống trà, chúng tôi từ chối. Cô Ma bất bình lắm, rảo cẳng bước ra, quên cả phép lịch sự.
Xe bù-ệt đợi chúng tôi ở ngoài. Chúng tôi leo lên. Cút kít, lọc cọc, xe chở chúng tôi trên những con đường hẹp ở giữa cánh đồng trồng lúa xanh như ngọc thạch hoặc trồng đậu hoa vàng, rực rỡ, ánh mặt trời lấp lánh dìu dịu, và không khí êm như lụa, nhẹ nhàng vuốt ve chúng tôi, cảnh vật thật đẹp. Nhưng cô Ma càu nhàu suốt dọc đường, giọng lớn và vang, cô nguyền rủa bọn người trong gia đình nông dân đó đã rước chúng tôi trễ quá, nguyền rủa thân phận phụ nữ, nguyền rủa bọn đàn ông làm cho đàn bà đau khổ như vậy… cô trút hết bao nhiêu nỗi cay đắng cô đã chịu, trong khi bọn phu hì hà hì hục, toát mồ hôi đẩy xe cho chúng tôi dưới ánh chiều tuyệt đẹp đó.
Lại có một người đàn bà nhà quê, từ xa, rất xa tới, từ Tsing hsien, cách bệnh viện sáu chục cây số hay hơn nữa, thím ta tới để sanh đứa con thứ mười, các đứa trước đều là gái, thấy một người hàng xóm sanh ở bệnh viện chúng tôi được một đứa con trai, thím tưởng rằng muốn có con trai thì cứ lại nhà hộ sinh của chúng tôi. Và thím ngồi xe kéo từ làng lại đây, chắc tốn tiền lắm. Nằm trên bàn đẻ, thím kể cho cô Hsu nghe về những đứa con gái của thím: đứa đầu lòng sống, đứa thứ ba cũng vậy, nhưng đứa thứ nhì thì vừa mới lọt lòng ra, bị chồng thím bóp cổ chết, đứa thứ năm và đứa thứ sáu cũng chịu số phận đó, đứa thứ bảy sanh nhằm một năm đói kém, bụng thím lép kẹp, và chồng thím lấy chiếc rìu đập bể đầu đứa bé, tới đứa thứ tám, người chồng giận quá, cầm nó quật mạnh vào tường cho chết, đứa thứ chín được một tuổi, và đã đem cho người hàng xóm, và bây giờ đây lại có mang nữa… miễn là được một đứa con trai.
Trong khi thím chuyển bụng, cô Hsu cầm ông thính chẩn nghe bụng của thím, hỏi:
-Thế còn đứa thứ tư?
Thím kể lại mấy lần nữa rành rọt như lần đầu và lần nào cũng quên đứa thứ tư. Cơn đau tăng lên (sức thím đã kiệt rồi, các bắp thịt ở bụng đã giãn ra rồi, gần như có thể trông thấy tử cung ở dưới lớp da, chúng tôi phải đề phòng băng huyết, sản phụ nào đã sanh đẻ nhiều thường dễ bị băng huyết), thím ta vừa khóc vừa kể cái chết của đứa thứ tư. Thấy lại sanh con gái nữa, lần đó thím sợ quá, đem nhận nó vào cái lu để tắm rửa, cho nó chết ngộp. Hết thảy chúng tôi đều hy vọng, hy vọng. Các cô mụ đều biết rõ truyện người đàn bà đó rồi, các bệnh nhân khác cũng vậy, trong khi thím ta rặn đẻ, có vài người ngồi trên giường của họ cũng cùng rặn với thím, tâm hồn hướng cả về thím, chờ đợi một phép màu, hy vọng, chờ đợi thím sanh một đứa con trai để cho bệnh viện này nổi danh là một nơi thiêng liêng, kỳ diệu. Nhưng làm gì có phép màu: đứa thứ mười cũng lại là con gái nữa.
Cô Hsu nói với sản phụ nằm im, mắt lạnh lùng ngó lên trên trần nhà: “Em nhỏ xinh quá, thím nhìn nó này. Nhìn nó đi, nó ngộ quá”.
“Con gái, lại còn gái nữa”. Có lẽ tại thím ta đưa ít tiền quá chăng? Thím cởi hầu bao mà thím đã kéo lên ngực để bụng được thong thả trong khi rặn đẻ, thím chìa ra một tấm giấy hai chục, bảo: “Cháu chỉ có bấy nhiêu, bà cầm lấy hết đi cho cháu đứa con trai”.
Cô Hsu bảo:
- Gái cũng như trai chứ khác gì.
Suốt mấy hôm sau, hết thảy chúng tôi đều giảng đi giảng lại cho thím hiểu rằng làm đàn bà mới đáng quý, thời buổi này đàn bà có thể làm mọi nghề được, làm bác sĩ hay làm cô mụ, mà đứa bé lại ngộ nữa. Năm ngày sau thím ta về nhà, muốn để lại đứa hài nhi cho chúng tôi, nhưng chúng tôi nhận sao được. Cô Hsu quấn chặt đứa bé theo tục ở Tứ Xuyên rồi đặt nó vào tay thím bảo: “Rán săn sóc nó, sau này sẽ được nhờ đấy”. Rồi cô tiễn thím ra tới cửa, rán thuyết phục thím, trong khi người lao công chạy đi kiếm xe kéo. Nhiều phu xe kéo và phu xe bù-ệt không chịu chở một sản phụ mới sanh được một tuần hay mười ngày, chỉ chở nếu đứa bé đã đầy tháng, vì họ tin rằng lúc đó tà ma không còn theo người mẹ nữa. Thấy người phu xe nhấc càng xe lên, không chịu chở một người mẹ bồng một hài nhi tám ngày, cô Hsu nổi giận, la: “Anh ở đâu mà ra? Không ở trong bụng đàn bà mà ra ư? Anh không có mẹ ư?” trong khi người phu xe bỏ chạy. Nhưng ở đường Tiểu Thiên Trúc, nhiều người phu xe quen chở các người đàn bà có thai hoặc mới sanh, thấy bọn đó từ chối, họ cười. Vậy hôm đó kiếm được một người phu xe cho thím ấy, người phu này tươi cười, vui tính, cũng rán khuyên thím giữ đứa bé: “Thời buổi này khác rồi, gái cũng như trai, thím coi các bà bác sĩ đấy!”. Sau này, người gác cổng kể chuyện lại rằng, trên đường về làng, thím ấy bảo sợ bồng về cho chồng một đứa con gái nữa quá, thím sẽ kiếm một cái hố nào tiện, liệng đứa bé xuống, không biết thím có làm vậy thực không vì người gác cổng và người phu xe đều không muốn nói ra. Có vài cô mụ nghĩ rằng giá chúng tôi nhận đứa bé thì phải hơn, sau này thế nào chẳng kiếm được người xin nó làm con…
Không một người đàn bà nào dù địa vị cao tới đâu mà thoát khỏi cái thân phận sa đọa kết chặt với bản thể họ đó. Và Pao nện sâu bài học đó vào cái đầu óc tôi: “Tự bản thân, phụ nữ không phải là một cá nhân… Không có giá trị gì cả… không có địa vị trong xã hội, nếu có thì nhờ cha, nhờ chồng hay nhờ con trai thôi…” Pao bảo nam tôn, nữ ti, đó là “luật bất di bất dịch của hóa công”. “Đàn bà không có tài thì mới có đức”. Trên cao là trời, dưới thấp là đất, ở giữa là người đàn ông và người đàn bà phải phục tùng đàn ông? Chính chữ nữ (đàn bà) cũng diễn cái ý phục tùng đó: nét ngang là gánh nặng hai cái vú, hông nở, chân cong vòng chéo nhau, không hoàn toàn là loài bốn chân, nhưng gần gần như vậy…
Cả trong giới mệnh danh là trí thức thượng lưu, tôi cũng thấy con quái vật cổ tục tàn nhẫn thả vòi ra ghì chặt lấy phụ nữ, y như những móc sắt của các cô mụ vườn, chụp lấy, xé nát bụng của các bà mẹ… khiến cho người ta muốn kêu lên: trời hỡi! Tôi bị nguyền rủa ra sao, bị hình phạt gì đây mà phải sinh làm kiếp đàn bà như vậy?
Một lần nữa, trước cái cảnh đau khổ bi thảm, bất tuyệt của phụ nữ đỏ, nỗi đau khổ của tôi giảm đi, không con đáng kể gì cả, khi tôi tin được rằng tôi có thể giúp ích trong cái bệnh viện đường Tiểu Thiên Trúc này, có thể làm cái gì để trị lành, an ủi làm dịu bớt nỗi đau của người khác, va chưa biết chừng một ngày kia có thể thay đổi, cải thiện cơ tình trạng đó nữa. Muốn vậy, tôi thấy chỉ có cách là học thành y sĩ như tôi vẫn ước ao từ hồi mười hai tuổi.
Nhiều cô mụ trong bệnh viện không muốn có chồng vì thấy cảnh bi thảm ở chung quanh. Vài cô đã phải chiến đầu lâu năm, để học nghề cô mụ. Nhưng họ không phải là những gái già chua chát, mà là một nhóm phụ nữ chín chấn, độc lập đã lựa một lối sống và quyết giữ vững một lý tưởng. Vài cô lựa người chồng hợp ý mà mình yêu, và thái độ đó cũng đã là một sự canh tân rồi.
Nhờ cô mà tôi gặp được vài nhà truyền giáo Mỹ và Gia Nã Đại. Mấy nhà đó nay đã rời hẳn Trung Hoa từ lâu rồi, có người viết sách kể đời sống của họ trước kia ở Trung Hoa, và từ khi có cách mạng, đời họ thay đổi ra sao, ít nhất là có một nhà đã giúp đỡ nhiều cho các sinh viên có tư tưởng tiến bộ bị mật vụ của Tai Lee săn bắt, có nhiều nhà tin tưởng ở Tưởng Giới Thạch, ghét và sợ các hoạt động chính trì vì tình cảnh của một cổ hai tròng của họ ở Trung Hoa.
Đại học Thành Đô gồm tất cả sáu đại học mà năm học tị nạn từ miền khác tới, mật vụ lúc nhúc, dò thám các giáo sư, giảng sư và sinh viên. Trừ vài vị rất hiếm, còn thì các nhà truyền giáo cảm thấy bị áp lực, sợ lôi thôi không theo phe nào cả.
Tôi gặp một cập vợ chồng Anh, ông bà Parfitt. Bà tên là Jessie, to lớn và đẹp được huy chương vàng của Trường đại học Londres, tôi ước ao được như bà: làm bác sĩ giỏi giang, tự tín. Ông chồng chủ trương hòa bình, rất thành thực và ghét chiến tranh, mà thảo luận hàng giờ về sự bất bao động, tôi nhớ rõ bà vợ vì tháng 5 năm 1940, khi cái “chiến tranh kỳ cục” đó đã ầm ĩ ở Châu Âu từ tháng 9 năm 1939, sau cùng phát ra tai hại, đạo quân của Hitler tủa vào Pháp, thì một buổi tối nọ chính bà vào phòng tôi ở nhà hộ sinh bảo: Pháp đã đầu hàng rồi, quân đội Anh bị bao vây ở Dunkerque thế là hết…”. Ông bà Parfitt bắt được những tin đó trong máy thu thanh, cho rằng cái thế giới của họ đã tới hồi mạt vận. Tôi thì tôi cho rằng đó chỉ là một biến cố phụ xảy ra ở xa, trong một chiến tranh, thực sự đã bắt đầu ở Trung Hoa từ mấy năm trước… Tôi hỏi: “Như vậy rồi sẽ ra sao?” – Jessie đáp: “Tôi không biết. Anh bây giờ cô độc”. Bà ấy thực hoảng sợ, tôi chưa bao giờ thấy bà bối rối, đau khổ như vậy, tôi chỉ có thể an ủi: “Tôi cho rằng đã đến nỗi tuyệt vọng đâu”. Bà bảo: “Chúng tôi không thể để cho Hitler vô nước Anh được. Không thể được”. Tôi nghĩ bụng: “Coi Trung Hoa đó. Nhật đã chiếm được một miếng lớn rồi đấy, đem bao nhiêu quân lại đóng đấy, Trung Hoa cô độc từ lâu rồi, vậy mà vẫn tiếp tục, tiếp tục…”.
Cái thế giới truyền giáo đó luôn luôn nửa quen nửa lạ đối với tôi cũng như ở đai học Yen-tching[4] họ cũng giao thiệp với các hạn đồng sự Trung Hoa của họ, nhưng mức sống cũng cách biệt nhau quá xa, nhất là vào thời này, thành thử mọi thí nghiệm thành lập một cộng đồng trí thức hợp nhất, bình đẳng, chỉ là để che mắt thiên hạ. Bọn trí thức phương Tây giàu có hơn nhiều, lương bổng cao hơn nhiều, ở những ngôi nhà gạch đẹp đẽ, có kẻ hầu người hạ, còn bọn trí thức Trung Hoa cùng một chức vị với họ, dù tài giỏi hơn, cũng không có được mức sống đó. Do đó Đại học chia làm hai lớp người, mà lớp người Trung Hoa chiến tranh càng kéo dài, sự lạm phát càng tăng, thì lương càng không đủ sống, tới cái nông nổi họ không mua nổi những vật cần thiết bực nhất nữa. Các nhà truyền giáo phương Tây trái lại, lãnh lương bằng ngoại tệ, tình cảnh không có gì thay đổi, trong khi các bạn Trung Hoa của họ bắt đầu chết đói.
Ở nhà hộ sinh, năm 1940 không ai được ăn thịt nữa, gà vịt và trứng cũng thiếu. Các cô mụ phải ăn thứ gạo đen, thứ đậu Y Pha Nho để cả vỏ, không ngon, các món ngâm dấm: nếu lại nhà một vị truyền giáo Mỹ, thì sẽ thấy đủ thịt, bơ, gà, bánh kẹo. Tình thế như vậy cho nên không một người Trung Hoa nào dám mời một người Âu ăn cơm, người Âu có thể mời người Trung Hoa được nhưng hiếm lắm, vì các nhà truyền giáo thấy thức ăn mỗi ngày một khó khăn, nên có được thức gì, được hưởng những quyền nào, nhận được bưu kiện nào ở ngoại quốc, là họ giữ lấy cho chặt, không chịu rời ra. Đầu 1940, tình trạng thiếu ăn đã gây nhiều tai hại trong giới sinh viên. Có hai hạng sinh viên: hạng có thức ăn và hạng phải ăn cơm nhạt và vét các dĩa thức ăn của bạn trên. Bệnh lao phát triển dữ dội. Vài năm sau có nhiều sinh viên, giảng sư và giáo sư chết đói.
Sau khi Pháp đại bại tháng 5 năm 1940, trong giới quân nhân Trung Hoa, người ta đâm ra khinh bỉ Anh và Pháp, cho rằng họ chịu nhục nhã như vậy là đáng kiếp. Cái vẻ vênh váo, ngạo nghễ của họ ở Á, ở Trung Hoa trước kia, bây giờ còn đâu nữa? Hà Ứng Khâm, Bộ trưởng quốc phòng tin chắc rằng Đức sẽ thắng, “mà tụi Anh, tụi Pháp thì hết thời rồi”. Người Anh không còn có thể khinh khỉnh ngó Trung Hoa, chê cảnh hỗn độn, rối beng, những cuộc rút lui, bại tẩu của Trung Hoa nữa. Pháp năm 1940 con tệ hơn vậy nhiều, mà bọn Anh bại tẩu, lết lại sau, nằm ngổn ngang trên bờ biển Dunkerque như rác rưởi sóng đánh dạt vào bờ, thì cũng chẳng hơn gì. Dĩ nhiên, chúng tôi không thương hại chút nào bọn người trước kia làm nhục chúng tôi, bây giờ phải chịu nhục lại đó, trái lại ngay cả những người có nhiều cảm tình với Anh, Pháp, bây giờ cũng thấy thỏa mãn nữa. Nhưng đối với đa số các nhà truyền giáo, chỉ chiến tranh ở Châu Âu mới quan trọng, họ quan tâm tới nó hơn là tới những biến cố ở Trung Hoa.
Sau bữa tối, họ bàn bạc với nhau về lời gọi lính của Churchill và khi tôi nói với một người trong bọn họ rằng những biến cố ở Trung Hoa mới quan trọng thì người đó đáp: không, trong lai thế giới là tùy mặt trận Âu Châu.
Ngày 17 tháng 6 năm 1940, có tin rằng con đường Miến Điện bị cấm lưu thông: Như vậy là chính phủ Anh trực tiếp khuyến khích Nhật.
Ở Trung Hoa nhiều người bất bình. Churchill có vẻ có đủ tư cách hơn hết để nêu gương chiến đấu, bất khuất mà lại làm bộ không biết tới cuộc kháng Nhật của Trung Hoa, không cho dùng con đường Miến Điện để chở vũ khí cho Trung Hoa. Thái độ đó thật là bất nhân, nhơ nhuốc, ba tháng hè năm đó, con đường bị chặn, làm cho uy tín của Anh ở Âu Châu giảm đi: Hành động như vậy, họ mong tách Nhật ra khỏi Đức Quốc Xã, rồi họ thỏa hiệp với Nhật để chia nhau thị trường Trung Hoa mà Nhật sẽ không đem quân chiếm Đông Nam Á, nhưng hậu quả chỉ làm cho chương trình xâm lăng của Nhật hóa rõ rệt hơn. Churchill có một chính sách hay ở Châu Âu nhưng hành động rất vụng về ở Châu Á. Ông ta cho rằng Trung Hoa chỉ hỗn độn gồm bọn quân phiệt va bọn ăn mày, chê Gandhi là một “pha kia” ở trần, và muốn cai trị Ấn Độ thì có thề dùng hoài chính sách đàn áp tàn nhẫn được. Ông tượng trưng lòng cương quyết chống kẻ thù vô cùng mạnh hơn để bảo vệ nền độc lập của Anh, nhưng ông lại không hiểu rằng người Á và người Phi cũng muốn bảo vệ độc lập của họ.
Khi con đường Miến Điện bị đóng rồi, các nhà truyền giáo nghĩ rằng Trung Hoa phải “thương thuyết” với Nhật. Trung Hoa cần đào tạo nhưng nhà chuyên môn có tài: bác sĩ, giáo sư, kỹ sư, chính sách dài hạn đó rốt cuộc lại có hiệu quả hơn là “quấy rối về chính trị”, vậy thì nên học hơn là làm chính trị… các đại học bề ngoài bình tĩnh mà sự thực là nhiều người rất bất mãn. Đồng thời, sự xung đột giữa quân đội cộng sản và quân đội Quốc Dân đảng tăng lên, càng ngày càng xảy ra nhiều cuộc bắt bớ các nhà trí thức thiên tả để giam trong các trại “cải tạo tư tưởng”.
Người ta cấm dạy hoặc thảo luận về tình trạng kinh tế nông thôn, về ý nghĩa của chế độ phát xít, đặc biệt là về những việc xảy ra ở mặt trận cộng tại Diên An. Cũng cấm nói về sự lạm phát. Nhưng trong các cuộc hội họp hàng tuần của nhóm Nghiên cứu Thánh Kinh, chúng tôi cũng bàn tới những vấn đề cấm kị đó, như vậy đã là phản quốc rồi. Giản dị lắm: chúng tôi bắt đầu lựa một tiết nào đó trong Thánh Kinh rồi từ đó bàn rộng ra. Trong đám thính giả luôn luôn có sinh viên và vài giáo sư. Nhà truyền giáo chủ tọa buổi họp luôn luôn mở đầu và kết thúc bằng vài nhận xét tổng quát nho nhỏ, hàm cái ý nghĩa chỉ trích chứ không nhắm mắt chấp nhận, những cuộc hội họp như vậy nếu có kẻ báo cáo với nhà cam quyền thì có thể rất nguy hại cho các nhà truyền giáo và các giáo sư, sinh viên đó.
Một hôm, trong buổi họp, chúng tôi làm quen với Jack Belden, thông tín viên của một nhật báo Mỹ. Ông ta đã đi thăm những miền giải phóng ở khu cộng sản và sau này viết một cuốn rất hay: Trung Hoa làm chấn động thế giới. Ông ta đã có thời làm lính thủy, làm thợ, tới Trung Hoa năm 1933, ở lại chín năm. Ông tới kể cho chúng tôi nghe về Diên An, về Đệ Bát lộ quân, về cuộc kháng Nhật của đạo quân đó. Các người ngoại quốc được hưởng đặc quyền tài phán, không bị xử theo luật Trung Hoa, nên Jack Belden không bị quấy nhiễu, nhưng nếu có kẻ phản thì mấy người Trung Hoa có mặt trong buổi họp đó tất bị nguy tới tính mạng. Một hôm khác tôi gặp David Crooke hiện nay dạy ở Bắc Kinh, hồi đó lại diễn thuyết ở Thành Đô. David dự các cuộc thảo luận của chúng tôi và óc sáng suốt, những nghị luận được cân nhắc kỹ lưỡng của ông gây cho chúng tôi một ấn tượng sâu sắc. Ông là một trong người cổ xúy các nhóm nghiên cứu đó.
Lại có thêm Rutle Weiss, một người can đảm vào bậc nhất. Bà là người Áo, cưới một người Trung Hoa hơi nhỏ tuổi hơn và sanh được hai đứa con trai. Vài năm sau, chính chồng bà, chứ không phải bà, qua sống bên Mỹ. Mặc dầu từ trước chồng bà vẫn có vẻ “tiến bộ” hơn, và bà ở lại một mình nuôi hai đứa con trong nhưng năm khó khăn nhất khi chế độ Tưởng Giới Thạch sụp đổ. Thời giải phóng, bà ở lại Trung Hoa, bảo con bà là người Trung Hoa thì phải sống ở Trung Hoa. Mới đầu bà sống rất vất vả, trải qua không biết bao nỗi gian truân mà lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ.
Nên kể thêm cô Liao Honging, một thiếu nữ Trung Hoa, giáo sư hóa học. Cô rất liêm khiết, nên bị nhiều quan lại giả đạo đức cho là chướng. Cô đã qua học bên Anh vài năm rồi trở về dạy học ở Thành Đô, chơi thân với cô mụ Hoan Seyouan, bạn của tôi.
Tôi thích những cuộc hội họp đó, mặc dầu thời đó tôi không đồng ý với David Crooke, hồi đó tôi còn tin nhiều cái vô lý, Pao đã nhồi cho tôi vì chúng tôi đều bị tẩy não, mà tôi lại do dự, ngây thơ, dễ tin người lắm. Những cuộc hội họp đó cho tôi được nghỉ ngơi, giúp tôi thêm sức chống lại những tư tưởng của Pao, nhưng mãi sau này mới ảnh hưởng đậm tới tâm hồn tôi.
* * *
Tôi đi dạo các đường phố ở Thành Đô: phố hàng Bạc, hàng Đào, hàng Thiếc, hàng Sách… với Liao Honging, Hoan Seyouan, và cô mụ Wang, Trưởng phòng hộ sinh. Chúng tôi ăn món mì lamien trong một cái quán đường Tiểu Thiên Trúc. Chúng tôi làm các món dưa ngâm dấm. Các bạn tôi chỉ cho tôi các câu đố Tứ Xuyên luôn luôn ngộ nghĩnh, hóm hỉnh. Chẳng hạn một người “bịt tai lại để ăn cắp chuông” là một người không biết tật của mình mà chỉ nói về minh, “một ông Phật bằng đất mà qua sông” trỏ một người không có khả năng làm một công việc, mà cứ làm rồi bị tổn hại.
Những ngày nghỉ tôi về thăm chú Ba ở ngõ Chợ Cừu, chú rất thích nói chuyện và tôi dắt theo những bạn thích nghe chuyện, để chú có dịp kể chuyện. Thấy tôi ưa các câu tục ngữ Tứ Xuyên, chú mừng lắm, bảo: “Những người ở miền xuôi” không nói như chúng mình. Bảo một người nào đó “có cái mỏ con két”, là có ý chê người đó chỉ nói luôn miệng mà không làm, câu đó là thành ngữ ở Thành Đô, vì trước nhiều cửa tiệm ở Thành Đô có những con két đong đưa trên nhưng cái vòng lớn. “Bài luận của ông như những chiếc vớ của một người nội trợ biếng nhác”, có nghĩa là văn viết lộn xộn, rườm rà, tật chung của nhiều nhà văn Tứ Xuyên.
Khi chúng tôi lại đỡ đẻ cho các phụ sản tại nhà họ, các trẻ em thường bao vây chúng tôi, và trong khi chờ đợi (làm cái nghề đỡ đẻ, phải đợi hàng giờ rồi vội vàng tíu tít lên trong vài phút), một trong những trò tiêu khiển cô Wang thích nhất là hát những câu đố với những em lớn tuổi nhất.
Tôi tiếc không ghi lại nhưng câu chuyện đó và những bài hát ru con, bài hát trẻ em, toàn là những điệu cổ mà các ba mẹ Tứ Xuyên thuộc rất nhiều. Bây giờ tôi không nhớ nổi, nhưng mỗi khi về Thành Đô, mặc dầu xe cộ ồn ào, lắng tai nghe, tôi vẫn nhận ra được điệu hát quen thuộc của một bà mẹ ru con từ trong một cái chòi cách bằng phên trét bùn phát ra, và những câu hát đố của các trẻ em chơi ở ngoài đường.
Lại còn những tuồng hát ở Tứ Xuyên nữa chói tai hơn, nhưng uyển chuyển hơn các tuồng hát Bắc Kinh, cử động không cố ý, cứng ngắc và các vai nữ linh hoạt hơn, Teng Wanhou, cô em họ tôi, mê tuồng và thỉnh thoảng dắt tôi đi coi những tuồng diễn xuất năm giờ. Coi hát ra, chúng tôi thơ thẩn ngoài phố, vào một quán để ăn món maotutze, món thịt hầm đặc biệt của Tứ Xuyên, nấu bằng gan, diều và thịt gà băm vụn, thêm rất nhiều hương liệu, trong khi Teng Wanhou và các bạn của cô không ngớt phê bình với nhau những đoạn hay nhất trong tuồng.
Năm 1964 tôi được thấy tuồng Tứ Xuyên đã tiến hóa. Người ta đã bỏ những đề tài cũ: những thư sinh nghèo cưới được những công chúa giàu, mà diễn những đề tài mới, nhưng điệu hát và điệu bộ thì không thay đổi, những chỗ khôi hài cũng vậy, chính nhờ nhưng chỗ khôi hài đó mà tuồng có giá trị lâu bền. Và bây giờ tôi đợi có một tuồng hay lấy giai đoạn Trường hành qua Tứ Xuyên, làm đề tài, cuộc Trường hành đó đã thay đổi cuộc đời của biết bao người.
Chú thích:
[1] Vague de printemps: Sóng mùa xuân.
[2] Thay cửa kính.
[3] Ngày mùng 4 tháng 5 năm 1919, sinh viên, các nhà trí thức ở Bắc Kinh biểu tình phản kháng phái đoàn Trung Hoa ở hội nghị Versailles đã bị Nhật và các cường quốc Châu Âu ăn hiếp, bắt phải để cho Nhật thay Đức làm chủ miền Sơn Đông. Phong trào lan ra tới mọi giới trong nước, một mặt đả đảo Nhật, Anh, Pháp, một mặt đòi duy tân.
[4] Ở Bắc Kinh.