Thật là một câu nói gở! Bởi vì ông cụ chưa kịp truyền cho anh Phác thì đã qua đời. Ông cụ bị rắn cạp nia cắn. Thứ rắn khoang trắng khoang đen ấy lợi hại vô cùng. Một ông bạn thợ săn cõng cụ từ trong rừng về nhà cứu chữa. Mới đi được nửa đường, ông cụ đã chết trên lưng người bạn, không kịp trối trăng với vợ con nửa lời.
Đến hội mùa xuân năm ấy, tình của tôi và anh Phác đã khăng khít lắm. Đã tính chuyện lấy nhau, nhưng rồi anh Phác đi theo cụ Đề và không trở về làng nữa, để cho duyên tình tôi dở dang...
Cả nhà tôi, đàn bà đều tên là Váy cả. Mẹ tôi là bà Đĩ Váy. Tôi là Váy chị, em tôi là Váy em. Tôi đi làm lẽ người ta. Vợ thứ ba nên dân làng gọi là bà ba Váy. Khi tôi đẻ đứa con gái, chồng tôi, ông lý Cỏn, đặt tên là Đào. Nhưng cả nhà vẫn gọi nó là Đĩ Váy Con.
Sau khi cha tôi mất, anh Phác bỏ làng ra đi, mẹ ốm, gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn cùng cực. Mẹ tôi nợ nhà ông lý Cỏn hai mươi thùng thóc song không có cách nào trả nợ được. Chẳng lẽ ba mẹ con ôm nhau chờ chết đói hay sao. Chỉ có mỗi một lối thoát. Bà mối bảo mẹ tôi: "Để cho con Váy chị đi làm lẽ cho ông Lý. Nhà người ta hiếm, quý người. Làm bà lý Ba, một bước nhảy lên nhất nhì trong xã, chẳng sướng hay sao. Cuối năm sinh được một thằng cu, người ta sẽ coi cô ấy như hòn vàng". Thế là tôi đành nhắm mắt đưa chân về nhà ông lý Cỏn. Lúc đó tôi mới mười bảy tuổi. Ông lý Cỏn đã ngoại ba mươi và đã có hai bà vợ. Cả hai bà đều chưa có con.
Bà Cả đã cứng tuổi nên hay ghen. Bà Hai nguyên là đào hát, ăn nói ngọt ngào lắm. Bà muốn kéo tôi về phe, nên thường đến chơi với tôi và kể cho nghe nhiều chuyện trong gia đình, kể cả những chuyện chăn gối phòng the. Bà Hai rất kình địch với bà Cả nên có bao nhiêu chuyện về bà Cả đều thổ lộ với tôi hết.
Bà Cả tên là Lụa, hơn ông lý Cỏn những bốn tuổi. "Nhan sắc có thể gọi là xấu, nhất là cái môi trên cứ cong tớn lên. Đã xấu thế, mà đàn bà chẳng ra đàn bà" - Bà Hai chê bai. Tôi hỏi: "Sao đàn bà lại chẳng ra đàn bà?". Bà Hai cười: "Thì lúc vợ chồng ân ái với nhau ấy. Thật là buồn cho người đàn ông, khi người đàn bà lúc ấy lại chỉ biết nằm thượt ra như cây gỗ. Rồi cái miệng lúc ấy lại chỉ biết kêu lên ú ú ớ ớ nữa chứ. Thật chán mớ đời! Thật nẫu cả ruột". - Bà Hai nói xong cứ ôm bụng cười. Tôi lại hỏi: "Chuyện ấy làm sao chị biết được". Bà trả lời: "Thì lão ấy kể lại với chị". Bà Hai ngồi im một lúc, mường tượng lại chuyện ngày xưa rồi kể:
"Cái hồi lão ấy mới cưới chị, bà Cả ghen lồng lộn. Nhất là dạo ấy lão không hề vào buồng mụ ta. Một hôm mụ đe: "Mình mà không động đến tôi nữa, tôi sẽ mách thầy cho". Ông Lý nhà chúng mình cũng sợ ông chánh Thi, tức ông bố vợ. Chị cũng doạ lão: "Ông mà cứ sang với mụ ấy luôn - liệu hồn! Tôi sẽ không cho ông vào buồng tôi nữa đâu". Lão ấy cuối cùng phải năn nỉ với mình, rồi chia lịch ra, ngày chẵn ở với chị, ngày lẻ ở với mụ ấy. Chị cũng làm cao mãi mới bằng lòng cho như vậy."
Tôi thật tan nát cả cõi lòng khi nghe bà Hai kể câu chuyện tranh chồng ấy.
Ở gia đình họ Vũ được ít lâu, chắp nhặt những điều nghe thấy, dần dần tôi mới rõ được mọi chuyện.
Thực ra, cụ chánh Thi gả con gái cho ông lý Cỏn cũng phải suy nghĩ đắn đo. Bởi vì đám cưới ấy chưa thực môn đăng hộ đối. Ông cụ Cảo, bố ông Cỏn, tuy giàu, nhưng chưa có chức tước trong làng. Cô Lụa, tức bà cả Cỏn sau này, lúc ấy đã ngoại hai mươi. Trai làng không ngó tới, vừa vì cô xấu, vừa vì không ai dám trèo cao. Cụ chánh Thi rất sốt ruột, lo con gái ế chồng. Ông Cỏn lúc ấy mới mười sáu tuổi, khá lanh lợi. Lại là con nhà giàu. Cụ chánh Thi ngắm nghía mãi, cuối cùng chấm Cỏn cho con gái mình. Cụ Chánh sai bà mối đến đánh tiếng cho họ Vũ Xuân. Bà mối nói rõ lợi hại:
- Cô Lụa nết na, lại là con nhà gia thế. Tuy không được chim sa cá lặn, nhưng cũng không thể gọi là xấu. Nếu cậu Cỏn sánh duyên với cô Lụa, thì gia đình ta sẽ có lợi nhiều. Thứ nhất là có vây có cánh. Giàu có mà thiếu vây cánh, thì mối lo lắng nguy hiểm luôn rình rập. Thứ nhì, khi cậu Cỏn đã làm rể cụ Chánh, thì lẽ đương nhiên cụ Chánh phải gây dựng cho con rể. Thứ ba, cô Lụa về làm dâu cũng có dấn có vốn chứ không phải về tay không. Cụ Chánh hứa sẽ cho cô Lụa một mẫu ruộng làm của hồi môn.
Ông cụ Cảo là người thực tế. Ông suy đi tính lại kỹ càng, rồi ép con trai phải lấy Lụa. Đêm đầu tiên động phòng, Cỏn không thích Lụa, nhưng vì tính tò mò của chàng trai mới lớn, cũng đã làm tròn nhiệm vụ của người chồng. Lụa, lần đầu tiên, va chạm với đàn ông, sợ dúm dó, nên cảm thấy đau. Cô ta doạ:
- Làm người ta đau thế. Ông về ông mách thầy cho."
Đến đêm thứ tư, thứ năm, Lụa bỗng lên cơn giật, miệng ú a ú ớ, Cỏn sợ quá vội thắp đèn lên xem sao thì bị Lụa kéo lại, thổi tắt phụt đèn, rồi cấu vào lưng Cỏn:
- Khỉ ơi là khỉ.
- Có làm sao không?
- Chẳng sao cả! Thôi nào, nữa đi.
Ấy, cái người đàn bà động một tí lại doạ mách thầy, thực ra là người đàn bà chí thú xây dựng cơ nghiệp nhà chồng. Chỉ phải cái tính hay ghen, hay cậy thế cha, nhưng thực ra là người đôn hậu, lại giỏi công việc nhà nông. Một tay bà chỉ huy sắp xếp công việc cho vài chục người làm, tất cả đều đâu ra đấy. Lại biết thưởng phạt công minh. Rõ là tay nội tướng tài giỏi. Rõ là người đàn bà quý báu trời đã ban cho nhà họ Vũ Xuân, để cho gia đình ấy ngày càng thêm giàu có thịnh vượng. Lý Cỏn, nhờ có bà, không phải lo việc nhà, mà chuyên tâm vào việc to tát, vào việc làm cho họ Vũ Xuân thêm sang thêm danh giá.
Ông chánh Thi là người quyền thế nhất trong vùng. Ông lại thân thiết với quan phủ, quan huyện. Thấy Cỏn thông minh, lanh lẹn, ông liền khuyên con rể bán ruộng để chạy chọt chân lý trưởng. Rồi từ đó, ông truyền nghề hào lý chăn dân cho Cỏn.
Lý Cỏn vẫn thường khoe mình có hai sư phụ: Một là cụ chánh Thi, hai là cụ tú Cao. Cụ chánh Thi dạy Cỏn cách phi ngựa nước đại, còn cụ tú Cao luôn như bộ hàm thiếc để ghìm chân ngựa lại. Cụ Chánh dạy rằng làm quan phải biết lập uy. Cụ tú Cao lại dạy làm quan luôn phải biết run sợ, phải biết giữ lại chút ân đức dành cho con cháu. Nghe như có vẻ trái ngược nhau, song Cỏn khôn ngoan nên biết nghe lời cả hai người.
Lúc lý Cỏn mê mẩn cô đào Huệ, Lụa bảo thế nào ông cũng không nghe, cứ cưới về làm bà Hai. Lụa sang mách bố:
- Anh ấy không biết điều, cứ đòi vợ nọ con kia. Anh Lý được như ngày hôm nay, tất cả đều nhờ thầy. Thầy phải răn dạy anh ấy cho con."
Ông cụ Chánh ậm ừ nhưng không động tĩnh gì cả.
Lúc ông lý Cỏn cưới tôi về làm vợ Ba, thấy tôi trẻ quá, người lại phây phây mỡ màng, bà Cả càng ghen lồng ghen lộn. Tôi tưởng bà sẽ hành hung tôi, nhưng chuyện đó không xảy ra. Không hành hung, nhưng việc giữ chồng thì bà quản rất chặt. Không một đêm nào ông Lý được ngủ ở nhà tôi. Ông chỉ lén lút đến lúc chập tối, kéo tôi vào buồng, rồi nhập nhụa vội vội vàng vàng trong chốc lát sau đó lại ra đi. Có lẽ ông chê tôi lôi thôi, nghèo khổ, nhưng tuổi trẻ hơn hớn của tôi vẫn làm ông mê đắm. Vả lại, ông phải thú nhận, tôi là người đàn bà đằm thắm. Dù ông ở với tôi vội vàng, ngắn ngủi, không hiểu sao tôi vẫn đem lại cho ông những điều ngọt ngào mà hai người đàn bà kia không có. Tôi chẳng yêu thương mà lấy ông, nhưng sự hiền dịu, sự cam chịu của tôi dần đã cuốn hút ông, đến mức ông luôn hờn ghen (điều mà ông không có với hai người đàn bà kia). Sự ghen tuông ấy, đôi lúc, trở nên quái quỷ, khó hiểu. Những lúc ấy, ông hành hạ tôi bằng cách lấy tay véo vào bầu vú cho đến lúc chúng tím bầm lại mới thôi. Ông ta đâu có biết rằng sự ghen tuông hành hạ tôi như thế chỉ làm cho tôi càng ngày càng xa cách ông. Và càng xa cách, tôi càng luyến tiếc mối tình xưa, thời trẻ. Nhiều đêm, tôi vẫn chảy nước mắt và nhủ thầm:
- Anh Phác ơi! Bây giờ anh ở nơi chân trời góc biển nào? Người ơi! Sao mãi chẳng về?
Người đàn bà ghen tuông ấy giữ chồng có hiệu quả. Thời gian của bà ở với chồng là nhiều nhất, so với hai chúng tôi. Bà hai Huệ nói cứng thế thôi, chứ thực ra bà vẫn phải chịu lép vế so với bà Cả. Còn tôi thì chẳng cần phải nói làm gì. Tôi như một thứ của ăn vụng. Chồng tôi ăn vụng vào những giờ hiếm hoi mà ông bớt xén được của bà Cả. Nhưng điều kỳ diệu lại xảy ra với tôi trước tiên. Tám tháng sau tôi đã có đứa con đầu lòng: thằng Cò. Rồi liền tù tì năm một, tôi sinh thằng Tũn, thằng Tĩn, thằng Bòi, cái đĩ Váy Con. Tôi sinh con dễ dàng đến nỗi mọi người phải phát ghen. Mà đứa trẻ nào ra đời cũng xinh đẹp, cũng khỏe mạnh.
Và, điều lạ lùng cũng xảy ra với hai người đàn bà kia. Khi tôi sinh đứa thứ nhất thì cả hai bà đều mang bầu. Ỷ thế bà Cả có mang, lý Cỏn lấy cớ vợ cần yên tĩnh nên chểnh mảng việc gối chăn. Đã thế, lại có bận dám bỏ bà Cả ở đêm một mình, chui sang nhà tôi ăn vụng cả đêm. Bà cả Cỏn tru tréo lên và lại về mách ông chánh Thi. Cô Lụa kiên quyết bắt cha lần này phải xử tội lý Cỏn cho đến nơi đến chốn.
Cụ Chánh gọi lý Cỏn đến. Cỏn cứ lần khân mãi, cuối cùng cũng phải sang nhà bố vợ. Thấy dáng vẻ con rể có phần lúng túng, ông cụ cười, sai gia nhân dọn rượu ra, rồi vuốt râu, cười khà khà:
- Anh Lý, thầy khen anh đấy. Chén rượu này thầy mừng anh.
Tưởng ông nhạc nói mát trước khi nổi giận sấm sét, lý Cỏn cứ tăn tiu, xoay xoay chén rượu trên tay. Cụ Chánh vỗ vai con rể:
- Làm trai phải nhiều vợ mới đáng tài trai. Như thầy đây, mới chỉ có ba bà, thầy vẫn chưa thỏa chí. Còn anh, mới ngoại ba mươi, trong nhà đã có ba bà. Mà cùng một lúc ba bà đều mang thai. Thật đáng mặt đàn ông. Con gái thầy, có lúc mè nheo một tí cũng chả sao. Cũng là chuyện thường tình. Chỉ có điều thầy dặn, phải khu xử cho khéo, phải chia đều công bằng... Hơi mệt đấy... nhưng sẽ trong ấm ngoài êm.
Đấy, cái cảnh lấy chồng chung là như vậy đó. Thật buồn phiền, thật thảm hại. Ba người đàn bà tranh nhau ân sủng của một người đàn ông. Đáng lẽ ra, số phận của tôi đâu có đáng chịu như vậy. Tôi đã có con, và có nhiều con với ông Lý, nhưng trong tôi vẫn luôn có một khao khát, trong tôi vẫn luôn có một tình cảm không thỏa mãn, mối tình xa xưa từ thời con gái vẫn để lại trong tôi một dư vị ngọt ngào khôn nguôi... Đừng tưởng thời gian đã xoá nhòa nó hẳn... Không, nó vẫn còn đấy... Nó vẫn như ở trước mắt tôi... Điều sâu kín mà tôi không thể thốt nên lời... Đừng tưởng một người đàn bà nghèo khổ, dốt nát, quê mùa như tôi chẳng có tình cảm gì... Tôi như cánh đồng hạn lâu ngày.... Nó chỉ chờ một cơn mưa. Nó chờ đợi một trận mưa dầm dề, mà nó đã tuyệt vọng, tưởng chừng như sẽ chẳng bao giờ thấy. Tâm trạng của tôi lúc gặp anh Phác trở về là như vậy đó. Tôi thảng thốt ở bên mỏ nấm, ở bên bờ con suối. Tôi chẳng hề e thẹn trong hang đá khi đứng trước mặt anh, thổ lộ với anh những lời trách móc, nhưng thực chất là những khát khao mà năm tháng đã dồn nén, tích tụ trong tôi. Tôi run lên trong đôi cánh tay rắn chắc của anh. Người đàn bà thuần thục trong tôi như đã quên mất cái run rẩy khi ôm lấy người đàn ông, thì lạ chưa, cái run rẩy nóng bỏng ấy lại xuất hiện trở lại, bởi vì tôi cảm thấy đây mới là người đàn ông thực của riêng mình. Lạ chưa, tôi đã khóc trong cuộc ân ái ấy. Và tôi như kẻ điên rồ lao vào mối tình xưa, lao vào cuộc ngoại tình không lối thoát. Những cuộc ái ân vụng trộm bên con suối, bên cái mỏ nấm mà tôi nghĩ chỉ có cha tôi ngày xưa biết, và ngày nay chỉ có tôi và Trịnh Huyền biết đã diễn ra liên tục. Tôi như chẳng biết sợ là gì, tìm mọi cách nói dối để đến với Trịnh Huyền. Cuộc tình vụng trộm đầy hiểm nguy. Có thể nó sẽ gây tai họa cho tôi. Và nó càng nguy hiểm hơn, vì Trịnh Huyền là người giả mạo, người trốn chạy trên quê hương mình. Anh có thể mất mạng như chơi vì lý Cỏn là người cầm quyền, vì anh và ông ta là hai kẻ tình địch.
Chẳng có điều gì ở đời giữ được kín mãi. Có thể có những con mắt đã để ý đến chuyện tôi hay vào khu rừng ấy. Trịnh Huyền đã linh cảm thấy điều đó. Tôi cũng vậy, nhưng tôi không thể cưỡng lại nỗi đam mê đi tìm người đàn ông thực sự của riêng mình. Mối tình đầu đời, nay biến thành mối tình muộn, mối tình ấy càng trở nên cuốn hút hơn khi tôi có thể so sánh hai sự va chạm ân ái giữa tôi với Trịnh Huyền và với chồng tôi. Đối với ông lý Cỏn, tôi càng lúc càng thờ ơ, còn ông càng lúc càng thô bạo. Hình như, trong lúc ái ân ông muốn đánh dấu, muốn chứng tỏ tôi là mảnh đất của riêng ông. Và còn điều này nữa, hình như trong lúc giao hoà đã có sự nghi ngờ. Ông như con cáo đã đánh hơi thấy điều lạ khi đứng trước hang ổ của mình.
Cũng may, sự nguy hiểm qua đi, khi đại họa xảy ra với làng Đình. Sở dĩ tôi phải kể lể nhiều về chị Lụa, tức bà cả Cỏn, bởi vì chị gặp nhiều bất hạnh. Cũng là phận gái với nhau cả, nên tôi thương xót cho số phận chị. Chị hay ghen, thậm chí có lúc quá quắt, nhưng đó là cảnh chồng chung, trách chị làm sao được. Nỗi bất hạnh của chị cũng là khởi đầu cho sự bất hạnh to lớn của Cổ Đình. Có thể nói đó là một đại nạn.
Lại nói khi tôi về nhà ông lý Cỏn. Được gần một năm, tôi sinh cháu đầu lòng, đó là Xuân mà tôi vẫn gọi là thằng Cò. Mấy tháng sau khi tôi sinh con, thì chị cả Cỏn sinh cháu Long, chị hai Cỏn sinh cháu Tùng. Khi tôi mới về nhà họ Vũ, người ta nhìn tôi bằng con mắt rẻ rúng lắm. Bởi vì tôi nghèo, tôi chỉ là một nàng hầu, tôi chỉ là đứa con gái bị gán nợ, giá trị của tôi chỉ bằng hai mươi thúng thóc. Họ cho rằng tôi may mắn lắm nên một bước đã nghiễm nhiên thành bà Lý. Tuy nhiên, sau khi tôi sinh được con trai, rồi tiếp theo đó, chị Cả và chị Hai cũng sinh được luôn hai cháu trai, thì mọi người lại nhìn tôi bằng con mắt khác hẳn đi. Ông thầy tướng số bảo họ Vũ Xuân có quý nhân đến nhà phù trợ nên chỉ có một năm đã sinh được ba quý tử. Ông thầy bảo tôi đã đem lại sự hanh thông cho ông Lý. Tôi như một ngôi sao lành đến để khai thông cho một dòng sông bị tắc nghẽn. Nếu nói về đường con cái thì quả có sự khai thông thật. Mấy năm sau đó, tôi đẻ liền cho ông Lý thêm ba đứa con trai. Mà lại đẻ bằng những cuộc ân ái vội vàng cứ như vụng trộm, kể ra cũng tài thật. Đúng tôi là người đàn bà mắn con và nhờ những đứa con trai ấy, số phận tôi cũng bớt bị khinh rẻ.
Riêng chị cả Cỏn, nghe ông thầy tướng nói như vậy, chị bớt cay nghiệt hơn, tức là chị nới lỏng dây trói với ông lý Cỏn. Tuy chị không thả lỏng cho ông Lý ở thâu đêm với tôi, nhưng ít ra chị cũng không đay nghiến lắm, khi ông Lý chập tối đến nhà tôi có về muộn hơn một chút. Tôi biết ao ước thầm kín của chị cả Cỏn. Chị muốn có một bầy con trai, càng đông càng tốt, ít ra chị muốn có đủ bộ bốn con Long, Ly, Quy, Phụng. Người đàn bà giàu có lại đông con trai, là đại phúc, vừa giàu của lại giàu con. Do vậy, chị phải giữ rịt ông Lý ở với chị. Chị hai Cỏn, sau khi sinh thằng Tùng, liền bị bệnh. Ông lang bảo chị không sinh nở được nữa. Như vậy, đã bớt một đối thủ. Bây giờ đối thủ là tôi. Chị cả Cỏn muốn chạy đua với tôi. Sau lần sinh thứ nhất của tôi, chị Cả đã tìm mọi cách không cho chồng sang với tôi dù là chập tối một lát. Chị bảo bao giờ chị có mang lần thứ hai, chị mới thả cho ông đi. Ông lý Cỏn liền giở thủ đoạn lén lút. Ông biết sáng nào bà Cả cũng đi thăm đồng. Khoảng thời gian này hơn một tiếng. Đúng lúc ấy ông lẻn sang chỗ tôi, kéo tôi vào buồng, tốc váy lên, và loáng một cái ông đã làm xong bổn phận con đực một cách thòm thèm. Đấy là cái đận tôi có mang thằng Tũn. Sau khi cái bụng tôi đã mây mẩy lùm lùm, bà cả Cỏn về tra hỏi chồng.
- Tại sao bụng cô Ba lại to lên như thế?
- Tôi chẳng biết.
- Hay là nó chơi ngang.
Lúc này lý Cỏn mới cười xoà với vợ:
- Đừng nói thế mà phải tội. Con tôi đấy. Một hôm bà đi đồng vắng, tôi sang nó, chỉ chạm vào thôi. Ai ngờ cô Ba mắn thế. Bà nó đừng xị mặt ra thế. Cũng là điều mừng, là cái phúc nhà ta chứ sao.
Bận ấy, tôi lại đẻ con trai, và ít tháng sau bà Cả cũng mang thai, nhưng lại sinh con gái: đó là cái Thắm. Sau khi đẻ Thắm, bà Cả tự dưng ngừng sinh nở. Trời chẳng chiều lòng bà. Mấy năm liền bà cứ trơ ra. Bà lên đền Mẫu, dâng lễ vật rất hậu, xin con cầu tự. Bà Tổ cô đứng ra làm lễ. Bà Tổ cô là người rất sùng bái. Tuy nhiên, chẳng bao giờ người ta thấy bà hầu bóng. Người họ Vũ Xuân đồn với nhau rằng bà Tổ cô hầu bóng rất oai phong lẫm liệt, song từ khi ông phủ Khiêm mất, bà không hầu nữa mà chỉ làm chủ điện ở đền Mẫu thôi.
Lúc ấy bà Tổ cô đã già rồi. Khi bà cả Cỏn thưa với cụ về việc cầu tự, cụ bảo sẽ phá lệ vì con cháu để ăn mày cửa thánh, cụ sẽ đích thân bắc ghế hầu thánh. Có lẽ đây là lần đặc biệt, lần cuối cùng cụ đặt tấm lụa hồng phủ diện lên đầu. Cụ bảo cụ vẫn hầu những giá xưa. Thoạt đầu pháp sư (cung văn) dâng văn thỉnh Mẫu:
Bóng trăng loa
Mẫu đơn nhất đoá
Gió lay mành
Nhang xạ thoảng hương đưa...
Cuộc hầu bóng ấy không đông người - ý cụ muốn vậy. Chỉ có con cháu trong nhà và một số con nhang đệ tử thân thiết. Không đông nhưng mà thành kính, trang nghiêm. Câu hát tiếng đàn của pháp sư dắt tâm hồn con người dần vượt thoát khỏi miền cõi tục, để nhập vào cõi thiên hương. Giá Mẫu diễn ra nhanh, nhưng cũng đủ để con người dọn mình nghiêm trang bước vào cõi tâm linh hư ảo.
Xe loan thánh Mẫu đã trở về cung trời rồi, người cung văn chuẩn bị chuyển giọng sang bài văn cô Chín đền Sòng, cô Mùi đã dặn ông như vậy. Cũng phải thôi, bởi vì cô Chín thiêng lắm, cô lại rất hào phóng ban tài phát lộc, cô sẵn sàng ban cả những niềm vui trần thế to lớn, ví dụ như ban cho một đứa trẻ. Mà cuộc hầu bóng này chẳng là cuộc hầu bóng cầu tự cho bà cả Cỏn hay sao.
Tuy nhiên, ông cung văn hoàn toàn ngạc nhiên khi chiếc khăn phủ diện được tung ra. Những ngón tay của cụ Tổ cô giơ lên lại ra hiệu cho pháp sư hát văn giá quan Hoàng Mười. Cũng được thôi! Hôm nay hầu chẳng nhiều. Giọng người cung văn còn khỏe, tràn trề khí lực.
Ông này hát điệu dọc lại rất hay. Giọng ông sang sảng làm cụ Tổ cô hài lòng, mặt tươi hơn hớn.
Đức Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An
Ở huyện Thiên Bản, làm quan đất Phủ Giày.
Ông pháp sư đâu có biết cuộc lên đồng này là cuộc bắc ghế hầu thánh cuối cùng của cụ Tổ cô. Nó vừa là cuộc cầu tự cho con cháu, lại vừa là sự hồi tưởng. Cụ Tổ cô muốn nhớ lại những chuyện xưa về người chồng về một vị quan trung hiếu tiết liệt. Đã gần năm mươi năm rồi, người đàn ông tri kỷ đã ra đi. Cũng chính vì ông mà bà Tổ cô đã hy sinh, đã chịu lỡ làng cả một kiếp người.
Lưỡi gươm thiêng cứu nước phù đời
Đánh đông, dẹp bắc việc ngoài chốn binh nhung.
Ông phủ Khiêm, người chồng thứ nhất của cụ Tổ cô chẳng là người như thế hay sao? Để tỏ lòng trung liệt, ông đã tự rạch bụng phơi tấm lòng son ra giữa thanh thiên bạch nhật, làm tấm gương cho người đời soi chung.
Cụ Tổ cô cũng tri ân vô cùng với tấm lòng trọng nghĩa của người chồng thứ hai. Cụ Trưởng lấy cụ bà, chủ yếu vì muốn cứu bà, cứu lấy giọt máu cuối cùng của dòng họ Phùng xứ Nam. Ông lão là người theo đạo Gia-tô kể đã mấy đời. Con người đạo gốc ấy dám vi phạm cả lệ đạo vì cái ơn cứu tử ngày xưa. Bà cụ vẫn còn nhớ, có những năm về quê nội, ông cụ đã lén làm ngơ cho bà về Phủ Giầy, để cho bà lễ bái theo tục lệ đạo Mẫu mà bà, dù đã cải đạo, vẫn còn sùng tín.
Cuộc hành lễ này có nhiều ý nghĩa như thế đấy, tuy nhiên cụ không hề quên công việc cho con cho cháu. Lúc phát lộc, cụ rút trong người ra một chiếc khăn thêu, rồi dùng nó bọc một quả cam trao cho chị cả Cỏn:
- Quả cam con ăn, cái khăn con luôn để trong người. Mẫu sẽ thương con, con sẽ cầu được ước thấy.”
Chị cả Cỏn cầm lấy gói lộc, cung kính giơ thật cao trên đầu, rồi cúi rạp xuống để trán sát mặt đất, chị cảm thấy như lòng mình rúng động.