- Chẳng lẽ lên Tam Đảo, anh chỉ vẽ được cây này thôi sao?
- Thưa giáo sư, Tam Đảo có nhiều cảnh đẹp. Song riêng tôi, tôi thấy bàng hoàng rung động khi nhìn thấy cây này. Tôi chỉ vẽ được khi mình xúc động.
Giáo sư người Pháp nhìn bức ký họa. Quả thật người học trò này có tài. Bức ký họa rất sơ sài. Nhưng chỉ bằng vài nét bút, người học trò đã tạo hồn cho nó. Ông hỏi:
- Tại sao lại thế nhỉ?
Câu hỏi của giáo sư thật mung lung, khó trả lời. Đinh Công Tuấn ngâm nghĩ một lúc rồi nói:
- Tôi rất thích cây, nhất là cổ thụ. Xây một tòa lâu đài nhiều lắm mất vài chục năm. Còn cây cổ thụ khi đã trở thành cổ thụ phải mất vài trăm năm. Sự xây dựng tự nhiên ấy lẽ dĩ nhiên công phu vô cùng. Một cây đại thụ mang trên nó, trong nó bao nhiêu mầu thời gian. Hẳn nó phải kỳ diệu hơn nhiều. Nó lại là độc bản. Không một cây cổ thụ nào giống một cây cổ thụ nào. Một cây trẻ còn có thể từa tựa một cây khác. Còn cây cổ thụ ư? Thời gian dài lâu đã làm cho nó dần biểu hiện ra những nét vô cùng riêng biệt của nó. Mất một cây cổ thụ tức là ta mất một tòa lâu dài độc nhất vô nhị trên thế gian này.
Giáo sư nghe xong, thấy cảm tình với người học trò này, tuy nhiên ông không thể không báo cáo tỉ mỉ với ông hiệu trưởng về Đinh Công Tuấn. Ông hiệu trưởng không phải người khắt khe, song ông không thể nào quan niệm được một người học trò của trường ông mà lại phóng túng như thế. Người họa sĩ trước khi làm một nghệ sĩ phải là người khuôn khổ trong trường đã. Với quan niệm như thế, ông gọi Tuấn lên phòng hiệu trưởng và nẹt cho anh một trận. Sau đó, ông luôn để mắt đến Tuấn. Thậm chí, khi có khách đến thăm trường, lúc giới thiệu tranh của học trò với khách, ông hiệu trưởng luôn đứng che lấp tranh của Tuấn đi. Có lẽ ông cho rằng đề cao người học trò này quá sớm sẽ làm hại cho sự nghiệp của anh ta sau này.
Chuyện đó cũng làm Tuấn nghĩ ngợi đôi chút, tuy nhiên sự chán nản của Tuấn chủ yếu do anh cảm thấy gò bó ngột ngạt quá. Không cứ ở nhà trường mà ở nhà cũng vậy. Ông phủ Đinh Công Lễ là một nhà nho nghiêm khắc. Đối với đám thanh niên mới, ông luôn tỏ ra không hài lòng. Đối với con mình, Đinh Công Tuấn, ông cho là một kẻ lông bông. Ông không thể nào nghĩ nổi một người thanh niên có học lại lấy nghề vẽ làm sự nghiệp. Cầm, kỳ, thi, họa bốn thứ đó đều đáng trọng cả nhưng các cụ ta xưa chỉ coi đó là thứ nghệ của một bậc tài hoa. Biết để chơi. Biết để tiêu dao ở cõi đời này. Chứ đâu phải biết để đắm chìm cả cuộc đời mình vào chuyện ấy. Do vậy, khi nghe tin Tuấn, lúc hết năm thứ hai, xin nghỉ học bỏ trường Mỹ thuật, ông chỉ lắc đầu nhưng không lấy đó làm quan trọng. Chuyện đó chỉ làm ông buồn phiền thôi. Chuyện ông Đỗ Tiết bị tù, nay bị quản chế ở quê nhà là việc ông rất lo nghĩ. Rồi chuyện hai đứa cháu Chất và Phác, đứa bị chết, đứa lưu lạc phương trời xa cũng là việc rất buồn. Nay thêm thằng con lông bông, hỏi ông không lo lắng sao được.
Tuấn đang hờ hững bước, đầu óc nghĩ liên miên, chẳng để ý đến người xung quanh bỗng nghe có tiếng gọi:
- Tuấn ơi! Tuấn phải không?
Tuấn lúc ấy mới sực tỉnh và nhận ra người gọi mình là Vũ Xuân Huy. Tuấn niềm nở hỏi dồn dập:
-Toa về đã lâu chưa? Sao chẳng đến nhà mình? Moa tưởng toa còn lâu mới về?
Tuấn và Huy là đôi bạn. Ở quê hai gia đình họ Đinh và họ Vũ vốn chẳng thân thiện với nhau, nhưng đôi bạn thì ngược lại với gia đình, hồi nhỏ hai người đã ở Hà Nội, đi học cùng trường thân thiết với nhau chẳng khác gì một đôi tình nhân. Khi lớn lên, chí hướng họ khác nhau, Tuấn học Mỹ thuật; còn Huy, gia đình định cho học tú tài xong sẽ bắt theo trường Luật. Ý gia đình ông ký Nhàn định hướng con theo con đường làm quan. Ông Vũ Xuân Nhàn, tuy ở Hà Nội, vẫn mang nặng máu họ Vũ trong lòng. Chẳng là, họ Vũ Xuân đã nhiều đời nay không có người đỗ đạt to ra làm quan. Danh giá nhất là cụ tú Cao, anh ông Nhàn, cũng chỉ có chân tú tài. Còn họ Đinh Công, chưa kể các cụ tổ ngày xưa đã có người đỗ tiến sĩ, mà nói thời nay, cũng có ông cụ Lễ, bố Tuấn, đỗ cử nhân làm ông Huyện. Do vậy, ông ký Nhàn thấy hai đứa trẻ thân nhau mặc dù chẳng ưa gì họ Đinh, vẫn lờ đi cho hai trẻ thân nhau. Ông nghĩ rằng hai đứa là đại biểu cho hai họ, cứ để cho chúng ganh đua nhau. Để rồi xem mèo nào thắng mỉu nào. Đến khi Tuấn theo học trường Mỹ thuật, còn Huy đậu tú tài phần thứ nhất, ông reo lên trong lòng đắc thắng: "Như vậy thằng Tuấn đi làm thợ vẽ. Thợ vẽ sánh sao nổi con ông, thằng Huy sẽ là sinh viên trường Luật. Sau khi đỗ cử nhân Luật, con đường ra làm quan của nó sẽ mở toang".
Trong khi ông ký Nhàn mơ mộng xây dựng tương lai cho con mình, mơ ước sự phồn vinh của dòng họ Vũ Xuân, thì Huy lại đi theo một con đường khác mà chẳng ai hay. Năm 1925 tháng 11, người Pháp đem cụ Phan Bội Châu ra xử ở Hội đồng đề hình Hà Nội, cụ bị kết án tử hình. Hà Nội dấy lên sục sôi phong trào đòi nhà cầm quyền Pháp phải bãi bỏ bản án đó. Huy được thức tỉnh trong phong trào phản đối đế quốc đó.
Năm 1926, nhà yêu nước Phan Chu Trinh qua đời ở Sài Gòn. Cả nước lại dấy lên phong trào để tang cụ Phan. Trong trường Bưởi, học sinh đòi hiệu trưởng cho phép tổ chức lễ tang, chính quyền Pháp không nghe. Lập tức nổ ra những cuộc diễn thuyết. Huy lại là người hăng hái trong công việc này. Anh đứng giữa đám đông say sưa nói với đám học trò bằng cái giọng đầm ấm mà sôi động, dưới một tấm biểu ngữ bất ngờ được chăng lên:
Truy điệu Tây Hồ nhật
Hoán tỉnh quốc dân hồn.
Nghĩa của câu đó là: "Ngày truy điệu cụ Phan Tây Hồ, làm thay đổi thức tỉnh lòng yêu nước của quốc dân". Sau buổi đó, bọn mật vụ ráo riết săn đuổi những học sinh nặng lòng yêu nước. Một số học sinh bị đuổi khỏi trường học, trong đó có Vũ Xuân Huy. Huy liền bỏ nhà đến ở cùng Tuấn. Ông ký Nhàn nghe được tin, lồng lộn như người hóa điên. Thế là thằng con rồ dại đã phá tan tành mộng đẹp của ông. Ông không thể ngờ Huy lại là kẻ phá gia chi tử. Ông sai người tìm đến nơi ở của Tuấn, Huy, nhưng hai người đã dọn đến ở một xóm nghèo ngoại ô. Cái xóm Cửa Cống đêm ngày bốc mùi hôi thối đã giúp Huy những ngày khó khăn. Tuấn, người bạn từ thời ấu thơ đã nhường cơm sẻ áo nuôi anh. Phải mất ba tháng, Huy mới được anh Dương, một người hoạt động cách mạng tìm cho việc làm. Huy đi dạy tiếng Pháp cho con một ông chủ hiệu Hoa kiều, công mỗi ngày hai hào. Anh Dương tổ chức một lớp học ở xóm Cửa Cống. Học trò là những công nhân lam lũ ở Nhà máy Rượu, Nhà Đèn, Nhà máy Diêm. Trình độ học viên đủ loại. Có loại chưa biết chữ, có loại đang tập ghép vần, có loại mới biết cộng trừ chưa biết nhân chia. Lẽ dĩ nhiên, Huy dạy không lấy tiền. Anh Dương tổ chức lớp học này cốt để thử thách Huy, để dạy anh cách tiếp xúc với người lao động. Tuấn thấy công việc cũng vui nên thỉnh thoảng lại dạy thay Huy. Anh ra bài làm cho học sinh. Và khi họ mải miết làm toán hay tập viết, Tuấn lại tranh thủ lấy bút ra ký họa những con người cùng xóm với anh.
Đến năm 1927, một hôm Huy hỏi:
- Tuấn, toa có muốn đi một chuyến lên Lạng Sơn với moa không?
Lẽ dĩ nhiên, nói đến đi Tuấn thích ngay. Anh vốn mê lãng du. Anh thích nhìn núi cao, sông dài. Anh ưa sống với thiên nhiên, cây cỏ. Vừa qua, anh bán được bức tranh lụa; có tiền trong túi rồi, anh muốn thay đổi không khí, đi ký họa tài liệu. Huy rất lạ, bắt Tuấn trong chuyến đi này phải cải trang. Anh bảo:
- Chúng mình đi chơi kiểu người nghèo. Phải ăn mặc như người lam lũ, thế mới hiểu được nhiều chuyện, nhiều cảnh; những chuyện mà nếu ta ăn mặc sang trọng sẽ chẳng ai cho ta biết.
Huy ăn mặc như chàng bồi bếp: áo vét tông sờn cổ, quần ka ki đã cũ. Còn Tuấn bận bộ đồ thợ màu xanh đã bạc phếch, đầu đội mũ cát két. Họ hòa vào đám người buôn bán lên chiếc xe ô tô chật cứng. Họ đến một ga xép, vào một ngôi chùa quen, đợi đến tối lên tàu đi Lạng Sơn. Cái ga xép lèo tèo, đèn dầu tù mù đỏ quạch. Trời tháng chạp mưa rét, những bóng người xo ro đi trên sân ga. Con tàu hồng hộc hú còi. Tất cả quang cảnh ấy Tuấn thấy ngồ ngộ, đem lại cho anh nhiều cảm hứng. Lên tàu, ngồi vé hạng ba, Tuấn giở sổ tay và dưới ánh đèn tù mù lắc lư, anh phác mấy nét cốt cho khỏi quên những xúc cảm, còn quang cảnh đêm nay anh nhớ in trong óc, ngày mai anh sẽ đẻ ra chúng trên giấy. Ngồi cạnh, Huy đợi cho Tuấn hí hoáy xong mấy nét, mới nói cho Tuấn biết mục đích thực của chuyến đi.
- Cậu chắc cũng mang máng biết công việc của tớ rồi chứ. Thực ra... tớ... hoạt động cách mạng. Và tớ hiểu cậu... Cậu là người rất tốt... cậu yêu nước... Và nói cho đúng... cậu cũng đã hoạt động cách mạng rồi đó.
Tuấn tròn mắt:
- Mình đã... cách mạng rồi ư? Mình có làm gì đâu?
- Thì cậu che giấu cho tớ... Cậu dạy học cho thợ thuyền.... Có lúc cậu đã đọc... những tờ truyền đơn...
Tuấn cười:
- Chỉ đơn giản thế thôi ư... Thế mà cũng là làm cách mạng rồi ư?
- Đúng... Rất đơn giản... nhưng cũng vô cùng khó khăn... nguy hiểm. - Đến lúc này giọng Huy chìm xuống. Mặc dầu trong toa tàu lúc đó vắng tanh, anh cũng nói rất nhỏ. - Thực ra, chuyến này chúng ta không phải đi Lạng Sơn mà sang Tầu...
- Sang Tầu?... Tuấn ngạc nhiên nhắc lại. - Sang Tầu làm gì?
- Chúng ta... sang Tầu để học làm cách mạng.
Đến chỗ này, Tuấn từ ngạc nhiên đã thành sửng sốt. Anh không ngờ cuộc phiêu lưu của mình lại trở nên kỳ lạ đến thế. Anh câm lặng không biết nói thế nào. Giọng của Huy vẫn thì thào vào tai:
- Chúng mình là bạn thân từ bé... Mình muốn chúng mình sẽ đồng hành với nhau suốt đời... Mình tin ở cậu nên mình đã báo cáo với trên... Mình đã giác ngộ được cậu... Và trên đã đồng ý cho chúng ta đi dự một khóa huấn luyện. - Chính vì vậy, chúng ta phải ăn mặc giả trang thế này... Mình tin ở cậu... nếu giả sử cậu không đồng ý... ngày mai cậu có thể lên tàu quay trở về cũng được...
Tuấn cười rất hồn nhiên. Anh rất thích sự bất ngờ. Anh rất thích sự phiêu lưu kỳ lạ. Đối với cuộc đời, anh như kẻ lãng du, gặp đoạn đường mới mẻ anh cứ vui chân mà bước. Vì vậy, anh gật đầu:
- Ừ thì sang Tầu... mình cùng đi với cậu.
Đến một ga xép khác mà Tuấn cũng quên mất tên, lúc đó đã rất khuya, họ đợi cho hành khách xuống hết rồi chờ cho tầu sắp chuyển bánh mới lẻn xuống. Ra khỏi ga, trời tối mù mịt, Huy dẫn Tuấn theo một con đường mòn đi tới một quả núi như một lão khổng lồ ngồi lù lù trong đêm. Huy nhìn thấy một cây to nằm bơ vơ bên đường, anh bảo: "Đây rồi, đã gần tới điểm hẹn". Điểm hẹn là một ngôi nhà lá nằm dưới chân núi. Anh bảo Tuấn đứng yên, chờ anh quan sát kỹ. Thấy ngọn đèn trong ngôi nhà che giấy màu đỏ, Huy bảo đó là tín hiệu không an toàn. Hai người bấm nhau cứ đi theo con đường mòn dẫn vào nơi non xanh nước biếc. Quay lưng lại, nhìn lên con đường nhựa còn trông thấy những tên lính Pháp cưỡi xe đạp đi tuần đêm. Chúng quét đèn pin loang loáng. Huy dẫn Tuấn lẻn xuống suối, xuống khe, lẩn vào những bụi rậm. Đi một quãng xa nhìn lại vẫn thấy ngọn đèn che màu đỏ. Đêm hôm ấy động và gà rừng đã eo óc gáy. Huy bảo Tuấn phải chờ đến đêm hôm sau. Trời rét căm căm lặn lội suốt đêm, lại mất ngủ, mệt đến bơ phờ, Tuấn thấy đôi chân tê dại; đến sáng anh lên cơn sốt. May mắn gặp cái lều canh nương và một ông già Thổ. Đêm hôm sau, Tuấn vẫn sốt; Huy đi khỏi lều hàng tiếng, lúc quay trở lại báo rằng đã có tín hiệu đèn xanh. Huy phân vân. Bỏ chuyến đi này anh tiếc vô cùng, song để Tuấn quay về một mình anh lại thấy không đành lòng. Tuấn hiền từ nói: - Cái số mình nó thế. Trời không cho mình cùng đi làm cách mạng với cậu. - Đến đây Tuấn cười. - Lúc cậu đi thăm dò tình hình, ở nhà một mình, tớ nghĩ miên man và thấy rằng cái tạng mình là tạng lông bông. Mình không có cái chí mạnh mẽ như cậu. Tạng của cậu mới là tạng của nhà cách mạng. - Thôi, chúc mã đáo thành công.
Đôi bạn chia tay nhau đêm ấy. Hôm sau, Tuấn dứt cơn sốt. Anh theo ông già Thổ về bản. Thấy cảnh núi rừng đẹp quá, Tuấn liền nán lại thêm mấy ngày để vẽ. Viên Tây đồn đi tuần thấy anh vẽ, liền đưa anh về đồn gần đấy xét hỏi. Thấy mặt người Tây râu xồm nhiều nét đặc biệt, Tuấn ngồi trong đồn ký họa luôn một bức chân dung. Lão Tây đồn râu xồm xem bức họa khoái chí, kêu lên "Très bien" (rất tốt). Rồi hắn mang rượu ra mời Tuấn. Tuấn uống rượu tây lu bù và quyết định ở lại thêm một ngày nữa để vẽ phong cảnh núi rừng. Đúng một tuần sau, nhà cách mạng hụt mới quay trở về gia đình ở Từ Sơn.
Ông phủ Lễ lúc ấy đã về trí sĩ. Tuấn vui vẻ kể cho cả nhà nghe chuyện mình cải trang làm người lao động lên Lạng Sơn đi ký họa. Lẽ dĩ nhiên, anh giấu biệt chuyện mình định đi làm cách mạng. Một cô em rất tinh ý hỏi:
- Có điều em không rõ, anh đi vẽ là chuyện thường tình, hà cớ gì lại phải giả trang ăn mặc quần áo xanh lem luốc, lại đội chiếc mũ cát két...
Tuấn cố hết sức biện bạch:
- Anh lấy một ví dụ rất đơn giản như sau. Em đang cầm một bông hoa hồng. Nếu em yêu hoa, mở lòng mình ra với hoa, thì tự khắc bông hoa cũng sẽ mở lòng của nó ra để cho em nhận thấy sự tinh vi, mượt mà, mong manh của những cánh hoa; rồi cả mùi hương ngập ngừng, e ấp, rất tinh tế của nó. Nói khác đi, hoa và người nhập với nhau làm một. Còn ngược lại, nếu em khép kín lòng mình, thì hoa cũng tự đóng kín linh hồn của nó. Em sẽ nhìn bông hoa như một vật chiếm hữu. Sẽ không bao giờ nhận ra được sự tinh tế của bông hoa. Sẽ không bao giờ có nghệ thuật. Người với người cũng thế mà thôi. Phải mở lòng mình ra, hòa vào người chung quanh mới thấy cái thần của cuộc đời. Vậy nếu anh như một công tử đi đến cuộc đời, liệu anh có hòa vào với cuộc đời được không? Liệu những người bình dân có mở lòng mình ra với anh không? Và chính sự mở lòng ra ấy mới là chất liệu của nghệ thuật. Đấy, lý do anh phải cải trang là như thế đấy.
Nói với cô em một thôi dài như vậy, Tuấn không ngờ rằng, trong lúc ngẫu hứng biện luận hay có thể nói ngụy luận, anh đã tìm ra được một lý luận cho nghệ thuật của mình. Cô em ngây thơ thì ngạc nhiên, tròn mắt trước những lời lẽ khó hiểu, như điên điên rồ rồ của anh. Còn ông anh thì sáng mắt lên, vui mừng một cách bất ngờ. Có lẽ nào những tháng sống ở xóm nghèo Cửa Cống, rồi chuyến phiêu lưu bất ngờ và kỳ lạ kia đã giúp anh tìm ra được lý lẽ ấy. Hay là sự bức bối, ngán ngẩm trong bao tháng qua chính là lúc anh tự đối thoại với mình để đi đến những lý lẽ ấy. Liệu những suy nghĩ ấy có phần nào là do ảnh hưởng của Huy đối với anh không? Có thể sự rời bỏ trường học cũng là biểu hiện của những suy nghĩ ấy mà anh không nhận ra chăng?
Tuấn còn đang khoan khoái với những suy tư của mình, ông phủ Lễ gọi anh lên nhà khách. Ngồi chỉnh tề trên tràng kỷ, ông cử nhân già nói với con trai:
- Vì anh đã lớn rồi, ít lâu nay thầy không nói gì với anh. Tuy nhiên, thầy tiếc là đã để anh tự do quá đỗi. Đừng tưởng thầy không biết những việc anh làm. Anh tự do trong việc giao du. Anh tự do trong việc học hành. Rồi anh lại tự do bỏ trường học để đi theo những cuộc phiêu du không rõ ràng... Thầy biết anh không trác táng chơi bời. Song thầy rất lo... rất lo cho anh...
- Thưa thầy, chắc thầy lo vì con không vào trường luật, trường y...
- Điều thẩy lo là các anh hô hào tân tiến... Song thực ra tuổi trẻ các anh đã mất hướng đi. Điều buồn... chúng tôi đã già rồi... Mà chúng tôi không vạch ra được... hướng đi. Thật ra... hướng đi sau này thế nào... chúng tôi cũng chịu... không biết... Nhưng các anh phải bình tĩnh chứ... Đừng tưởng những điều ngày xưa... của cổ nhân... là không còn giá trị...
Qua những câu nói ngắt quãng của ông già, Tuấn hiểu cha mình biết khá nhiều điều song ông không tiện nói ra. Có thể ông già đã biết lờ mờ anh đi với ai, và ý định lên Lạng Sơn làm gì. - Hình như ông già bối rối và lo lắng thì phải. Lúc được gọi lên nhà khách, Tuấn đã nảy ra trong óc những ý muốn đối địch với cha mình. Anh cứ tưởng ông Phủ sẽ khuyên anh những điều vô bổ mà anh cho là lạc hậu như học hành chỉn chu để ra làm quan hoặc ít nhất để tạo được địa vị xã hội. Thì ra, còn có chỗ anh chưa hiểu cha mình. Ông già có cái nhìn rộng rãi, bao quát hơn nhiều. Anh thấy thương ông, khi ông không mắng anh, mà lại nói với anh bằng cái giọng tâm sự:
- Chú Tiết của con... đã không hiểu cha... Mà ngay cả con cũng không hiểu cha.
Tuấn thương ông Phủ nhưng cũng chỉ nói được với ông bằng những lời nói chung chung, về những điều mà có lẽ anh cũng chẳng hiểu được bao nhiêu?
- Con nghĩ... thời nay đã... rất khác thời xưa... Con xin cha tha thứ... con nghĩ rằng... thời của những người xưa như cha và chú đã xong rồi... Bây giờ những người... như chúng con phải gánh vác. Đúng là họ chưa thấy đường đi Nhưng rồi người ta sẽ tìm thấy nó... Chắc là sẽ có những lúc lạc bước... nhưng chẳng sao... Lạc rồi thì lùi lại. Lùi lại rồi sẽ tìm ra... Chỉ còn cách thế thôi chứ còn cách nào nữa hở cha... Con chỉ biết chắc rằng đường ấy sẽ rất khác con đường đã đi quen...
Hôm nay, sau gần nửa năm, Tuấn và Huy mới lại gặp nhau. Những kỷ niệm và những rắc rối trong chuyến phiêu lưu lạ kỳ ấy như vẫn còn tươi rói trong lòng Tuấn. Anh nhắc lại câu hỏi với Huy:
- Cậu về bao giờ thế? Sao chẳng đến mình?
- Thì tớ đã đến xóm Cửa Cống rồi, nhưng cậu có còn ở đấy đâu nữa.
- Ừ nhỉ! Mình đang thuê nhà ở Ngọc Hà.
- Chỗ ở có kín đáo không?
Tuấn gật đầu, kéo bạn về nơi ở. Bây giờ Huy lại đóng vai một ông giáo trường tư. Áo the đen. Quần trắng. Giày Tây. Đầu đội mũ cát trắng. Tay ôm cái cặp cũ. Trông anh nền nã, đạo mạo. Khác hẳn với vai bồi bếp xưa kia. Khi đã ở hẳn trong gian nhà lá, Huy nghiêm trang nói nhỏ cùng bạn:
- Mình ở bên ấy về đã hai tháng nay. Mình về, đến ngay xóm Cửa Cống. Anh chị em ở đấy nói cậu đã dọn đi. Nhưng cũng là điều may, bởi vì ở lại cậu sẽ bị lôi thôi với bọn cớm. Anh Dương đã bị bắt mấy hôm rồi. Có cậu, mình lại có nơi trú ẩn.
Tuấn cười:
- Cậu cứ yên trí ở đây. Chung quanh toàn gia đình trồng hoa. Họ đều tốt bụng cả.
- Cũng không ổn được lâu. Bọn mật vụ đang xới lộn Hà Nội lên. Có lẽ mình phải lánh xa Hà Nội vài tháng. Đợi cho yên mới quay trở về.
- Hay là lên Từ Sơn ở nhà thầy mình.
- Không được. Ở đó cũng động.
- Hay là chúng mình về quê. Ừ, lâu lắm rồi mình chẳng về quê. Vả lại, ở đấy, họ hàng nhà cậu có thế lực. Nếu có chuyện gì có thể vào rừng, lên Hòa Bình, vào Thanh Hóa. Nơi ấy tiện đường mà lại chắc chắn.