− Tôi không có nhiều thời gian, ông muốn nói gì, hãy nói nhanh cho.
Ông Hiệp thở dài:
− Em tiếc từng giây với tôi sao? Chúng ta xa nhau quá lâu, tôi tha thiết được ngồi với em mãi mãi.
Bà Nguyệt nhếch môi:
− Tôi đã quá già để động lòng trước những lời đường mật của ông. Xin ông hãy vào đề cho.
Ông Hiệp gục mái đầu lấm tấm bạc vào tay như ngăn xúc động, một lát sau, ông mới lên tiếng:
− Lời đầu tiên tôi xin em tha tội. Cái tội để mẹ con em khổ sở, cực nhọc bao nhiêu năm nay.
Bà Nguyệt thản nhiên:
− Với tôi, ông đã là người thiên cổ. Chết là hết tội rồi.
Ông Hiệp khổ sở:
− Em đừng cay đắng được không? Tôi vẫn còn sống và đã tìm em khắp nơi. Sau đó, tôi nghe nói em và thằng Thiện đã sang Mỹ. Không ngờ đó không phải sự thật. Ngược lại, chính em lại bảo với con, tôi đã mất tích khi vượt biên. Nhưng em có biết đâu, bao nhiêu năm dằng dặc, tôi không đi thêm bước nữa là vì hy vọng sẽ gặp lại em.
− Chuyện đó không liên quan đến tôi.
Ông Hiệp im lặng trong nhẫn nại. Uống một ngụm nước ngọt, ông ngập ngừng mãi mới nói tiếp:
− Em không thích chuyện đã qua thì thôi vậy. Chúng ta già cả rồi, chỉ còn bọn trẻ là đáng phải nghĩ tới. Tôi không ngờ ngoài Thiện ra, em còn có Ca Dao. Tôi thật khốn nạn khi bỏ mặc mẹ con em bao lâu nay. Giờ gặp lại, tôi muốn được nhận con, được lo cho chúng.
Bà Nguyệt cười khan:
− Dễ dàng vậy à? Tiếc rằng ông không có được quyền đó.
Ông Hiệp rắn giọng:
− Tại sao, khi tôi là cha của chúng?
Bà Nguyệt long mắt lên:
− Cha chúng đã chết lâu rồi. Ông đừng hòng khuấy động cuộc sống của mẹ con tôi. Bằng không, tôi sẽ liều mạng với ông.
Mắt rơm rớm, bà Nguyệt nói tiếp:
− Lâu nay, các con quen nhìn tôi như nhìn một tấm gương không vẩn đục. Trong mắt chúng tôi là một bà vợ thủy chung với người chồng đã chết. Tôi không muốn bỗng chốc những hình ảnh đẹp ấy vỡ đi, để chúng phải đối diện với sự thật.
Môi nhếch lên, bà Nguyệt mỉa mai:
− Ba chúng, người ngày ngày được nhang khói bỗng hiện hình là một gã đàn ông đểu giả, lọc lừa ham giàu sang, danh vọng. Còn mẹ chúng hóa ra chỉ là một phụ nữ nhẹ dạ, từng bị đời nguyền rủa tội quyến rũ chồng người, tội phá nát gia can người khác. Và nặng nhất là tội vô tình gây ra cái chết của vợ ông.
Hít vào một hơi, bà Nguyệt bảo:
− Tôi không muốn cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn. Hơn nữa, chắc gì các con chịu nhận ông. Nhất là Ca Dao, nó sẽ nghĩ sao khi chính ông đã cố tình chia rẽ nó với Sơn rồi lại vun đắp cậu ta cho Đan Thanh? Trong tim ông không hề có nó, làm sao nó chấp nhận ông?
Ông Hiệp lấy khăn lau mồ hôi trán. Những lời bà Nguyệt nói đều có lý, nhưng không thuyết phục được ông.
Từ hôm gặp lại bà đến nay, không đêm nào ông ngủ được. Nỗi mừng cộng với sự ân cần làm ông ứa nước mắt vui sướng lẫn lo âu. Ông biết không dễ gì bà tha thứ cho ông, nhưng thề có trời ông không hề ruồng bỏ, tại bà đã lẳng lặng bỏ đi với đứa con thơ trên tay và giọt máu vừa tượng hình trong bụng.
Ông Hiệp chép miệng:
− Nếu ngày xưa em đừng âm thầm bỏ đi, chúng ta và con đã không đau khổ.
Bà Nguyệt cười nhạt:
− Ông trách ngược lại tôi à? Thật là trơ trẽn.
Ông Hiệp nhỏ nhẹ:
− Tôi đâu dám trách em. Tôi trách trời không cho chúng ta sum họp, dù đã từng có cơ hội.
Hai người chợt rơi vào im lặng. Bà Nguyệt dứt khoát:
− Tóm lại, tôi yêu cầu ông hãy lánh xa bọn trẻ.
Ông Hiệp lắc đầu:
− Tôi không thể tuân theo yêu cầu ích kỷ của em. Bằng bất cứ giá nào, tôi cũng nhận lại con và lo cho chúng sung sướng, đầy đủ với những gì tôi đang có.
Bà Nguyệt hất mặt lên:
− Con tôi không cần những thứ đó đâu.
Ông Hiệp xoa cằm:
− Sao em tự tin thế? Tự tin một cách nhẫn tâm, mù quáng.
Nhìn bà Nguyệt, ông nói một hơi:
− Em không đau lòng khi Ca Dao dù chân bó bột cũng ngồi suốt ngày ngoài quầy sao? Em không xót xa khi thằng Thiện phải vừa đi bỏ báo, vừa đi học sao? Hừ! Hãy dẹp cái sĩ diện hão ấy đi. Dầu thế nào, tôi cũng là một thằng đàn ông đểu, dầu thế nào em cũng là một phụ nữ nhẹ dạ, phá hạnh phúc gia đình người khác, và dầu sao chăng nữa, bọn trẻ cũng là máu thịt của chúng ta. Lương tâm cha mẹ, không thể để cho con mình khổ mãi.
Ngồi thừ ra trên ghế, bà Nguyệt bắt đầu hoang mang vì những lời ông Hiệp.
Tình phụ tử vốn thiêng liêng, bà không thể chia cắt được. Máu chảy về tim, lá rụng về cội. Đó là quy luật của muôn đời mà.
Ngày xưa, vợ ông Hiệp không đánh ghen kiểu tầm thường, mà bà ta đã đưa ra điều kiện.Một để con cho bà ta nuôi rồi cao chạy xa bay với mười cây vàng. Hai theo bà ta về sống chung trong vai trò kẻ hầu trong nhà để được gần con. Bà Nguyệt đã chọn giải pháp của riêng mình. Bà đã bỏ đi vì biết nếu ở lại nếu tiếp tục dây dưa với ông Hiệp, bà sẽ không yên thân. Bà thu xếp và rời nhà trọ từng là tổ chim câu nhanh đến mức không hề biết tình địch của mình đã gặp tai nạn trên đường về.
Suy cho cùng, bà đã gián tiếp hại chết mẹ của Đan Thanh. Trộm nghĩ, nếu hôm đó quả báo, con bé làm chết Ca Dao thì sao?
Tim bà Nguyệt đập thon thót, bà ấp úng:
− Oan nghiệt tiếp nối oan nghiệt, Đan Thanh không dễ dàng để ông nhận lại bọn trẻ đâu. Vì hận mẹ nó, vì ghen của bản thân, nó sẽ hại con tôi.
Ông Hiệp thoáng sững sờ vì những lời của bà Nguyệt. Những lời ấy như những nhát roi giáng xuống ngực ông, khiến ông phải rùng mình.
Đúng là Đan Thanh dám làm như thế lắm. Nó là đứa ngang ngạnh coi trời bằng vung. Nó ích kỷ, nhỏ mọn, nó...
Ông Hiệp ngồi rũ ra trên ghế. Đúng là oan nghiệt. Nhưng chúng nó đều là máu thịt của ông, đâu thể để đứa thì quá dư thừa sung sướng, đứa lại khó khăn, túng thiếu được.
Bà Nguyệt rên rỉ:
− Tôi van ông, hãy để mẹ con tôi yên.
Ông Hiệp thở dài nhìn bà Nguyệt đang rưng rưng nước mắt. Mặc cảm của người mang tiếng phá hạnh phúc gia đình kẻ khác, rồi gián tiếp gây ra cái chết của tình địch đã khiến bà luôn rơi vào bi quan, yếm thế. Bà quên rằng cục diện bây giờ đã khác. Vợ ông đã chết, ông và bà có quyền đến với nhau đường đường chính chính. Tại sao bà không chịu hiểu rằng suốt bao nhiêu năm qua, ông cũng chẳng hề sung sướng dầu chịu sống trong nhung lụa?
Giọng khàn đục, ông gào lên:
− Em nỡ nhẫn tâm đến thế à? Em nỡ dập tắt niềm hy vọng cuối đời của tôi là mong được có em và con sao? Em ngỡ rằng khoảng đường tôi đã qua vui sướng lắm sao? Em nghĩ rằng chỉ có mình em đau khổ thôi ư? Em nghĩ rằng nếu tôi rút lui mẹ con em sẽ được yên ổn à? Không. Sẽ không có chuyện đó đâu. Đừng dối lòng nữa Nguyệt. Chúng ta phải ngồi với nhau để tính toán cho tương lai, tính thật kỹ, thật cân nhắc. Tôi phải có em và con ở cuối đời.
Bà Nguyệt đầm đìa nước mắt. Cuối cùng ông Hiệp cũng phá vỡ lớp vỏ bọc tưởng như rất cứng của bà.
Hai người im lặng ngồi bên nhau thật lâu. Tiếng nói tự đáy lòng chợt bật lên như những cung đàn muộn, nhưng lắng sâu.
Bà Nguyệt trầm ngâm kể về cuộc sống không chồng, một nách hai con thơ của mình. Những giọt nước mắt đàn ông xót xa rơi xuống. Ông Hiệp khóc cho người đàn bà mình yêu, khóc cho bản thân mình, để cuối cùng hai người hiểu ra một điều họ vẫn còn nghĩ đến nhau qua nhiều.
Ông Hiệp đưa bà Nguyệt về. Cả hai ông hứa hẹn gì, nhưng họ biết sẽ còn rất nhiều buổi như thế này chờ đợi họ.
Thiện ra mở cửa, anh ngạc nhiên đến há hốc mồm khi thấy người đưa mẹ mình về vào lúc mười một giờ đêm là ông Hiệp.
Chẳng thèm gật đầu chào, anh hỏi to như để ông Hiệp nghe.
− Mẹ đi đâu làm tụi con lo muốn chết. Chắc không phải đi giải quyết chuyện của Ca Dao đâu hả mẹ?
Ông Hiệp ngần ngừ một chút rồi quay gót. Thiện cáu kỉnh ngó theo:
− Ông ấy muốn gì ở chúng ta vậy? Nếu là sự giúp đỡ sự bố thí con không cần đâu.
Bà Nguyệt nhẫn nại làm thinh. Sự im lặng này khiến Thiện khó chịu, anh lại chất vấn:
− Sao mẹ đi với ông ta khuya thế? Mẹ đừng nói là để hỏi về cái chết của ba con nha.
Bà Nguyệt có vẻ bình thản:
− Mẹ không hỏi gì về chuyện đó hết.
− Vậy mẹ và ổng nói chuyện gì?
− Chuyện về các con.
Thiện cười nhạt:
− Ông Hiệp lại đề nghị giúp đỡ tụi con à? Hừ! Chả ai cần hạng đạo đức giả ấy giúp đâu.
Bà Nguyệt tỏ vẻ không hài lòng:
− Sao con lại nặng lời như vậy? Dầu sao ông Hiệp cũng đáng là cha chú, lại chưa bao giờ làm gì quấy với con.
Thiện vẫn hằn học:
− Chỉ cần nghe kể về cuộc đời, rồi nhìn cách ông ta dùng tiền tài, danh lợi cưới chồng cho con gái thì đủ biết bản chất của ông ta rồi, cần gì đợi ổng sái quấy với con. Thú thật, con thà mồ côi cha, chớ lỡ có cha như ổng nhục lắm.
Nhìn gương mặt biến sắc của bà Nguyệt, Thiện nói tiếp:
− Bởi vậy con không thích mẹ giao du với ổng, dầu chỉ đơn thuần vì phép lịch sự.
Tim nhói lên vì đau, nhưng bà Nguyệt vẫn cố giữ vẻ tự nhiên:
− Ai cũng có hoàn cảnh riêng, con chưa biết nhiều về người khác thì không nên vội vàng đánh giá.
Thiện vẫn chủ quan:
− Con tìm hiểu và nghe cũng kha khá về ổng, nên con đánh giá không sai đâu.
Bà Nguyệt chùi mồ hôi rịn ra trên trán. Đúng là nghiệp chướng. Con căm ghét, khinh rẻ cha ruột chỉ vì cách sống tầm thường xem nặng vật chất của ông ấy.
Bà mừng vì con mình sống có lý tưởng rồi bà lại buồn tủi khi ngày xưa đã yếu đuối, mù quáng yêu một người tham bả vinh hoa.
Hồi sinh viên, bà đã quen ông Hiệp trong nhà sách Khai Trí. Hai người yêu nhau chưa bao lâu thì ông ta nói lời chia tay với lý do chữ hiếu phải vâng lời mẹ cha cưới vợ.
Lúc đó, bà Nguyệt tưởng mình không sống nổi. Bị thất tình nên việc học cũng dở dang, bà đành xin làm một chân thủ thư ở một thư viện nhỏ. Cuộc sống buồn tẻ ngày tám tiếng đối diện với sách vở và những bức tường khiến bà trở nên nhút nhát hơn với đàn ông. Với họ, cánh cửa mở vào tim bà đã đóng kín.
Sau bảy tám năm dài bặt tin, một ngày đẹp trời kia bà gặp lại mối tình đầu của mình.
Vẫn đôi mắt sáng trên gương mặt linh động thông minh, vẫn cái miệng rộng quyến rũ, ông Hiệp đã chững chạc hơn nhiều so với thời sinh viên lôm côm trước kia. Chính vẻ chững chạc đầy tự tin của một người thành đạt lần nữa đã đốn ngã bà.
Ông ta than thở không hạnh phúc với người vợ chênh lệch về mọi mặt. Ông ta quỳ xuống chân bà xin được yêu. Rồi việc gì tới phải tới, bà bất chấp gia đình sống vụng trộm với người mình yêu với lời hứa hẹn sẽ li dị vợ của ông ta. Rồi thằng nhóc Thiện ra đời, ông Hiệp mừng khôn xiết vì đã có con trai nối dõi.
Nắm được yếu điểm của vợ ông Hiệp là không khả năng sanh tiếp đứa con thứ hai bà Nguyệt nuôi hy vọng ông sẽ nhanh chóng ly dị vợ để về với mình. Nhưng bà càng đợi ông càng khất. Đến một ngày kia bà chợt hiểu ra, sẽ không đời nào ông Hiệp bỏ bà vợ giàu có để cưới bà, một người nghèo khổ.
Nếu yêu ông, suốt đời bà sẽ làm bé... và bà đã cam phận cho tới khi vợ ông xuất hiện.
Rùng mình, bà Nguyệt cố xua đi hình bóng của quá khứ, vì bây giờ bà có quyền nhìn về tương lai, một tương lai không bị ám ảnh bởi búa rìu dư luận như ngày xưa bà luôn ẩn tránh.
Ngước nhìn vẻ mặt đăm chiêu của Thiện. Bà Nguyệt khẽ nuốt tiếng thở dài.
Khó nhất là làm sao để các con bà chấp nhận, thương yêu và kính trọng cha ruột chúng. Muốn được như thế, bà cần phải có thời gian. Khác với ngày xưa, bà tin ngày nay thời gian sẽ ủng hộ bà.