ột lần nữa tôi đi qua dưới cửa sổ. Kính cửa vẫn đầy bụi và trắng ra bởi hai tấm ri-đô ở phía sau. Yvon de Gale mà mở ra, tôi sẽ chẳng có gì để nói với nàng, bởi nàng đã lấy chồng… Làm gì bây giờ? Sống ra ao đây?
Thứ bảy, 13 tháng hai. Tôi đã gặp trên bờ sông cô gái đã chỉ dẫn cho tôi hồi tháng sáu, và hiện cũng chờ đợi như tôi trước ngôi nhà đóng chặt… Tôi đã nói chuyện với cô. Khi cô bước, tôi nhìn từ phía bên những nhược điểm nho nhỏ của khuôn mặt: một nếp nhăn lờ mờ ở khóe miệng, má hơi hóp, phấn thoa hơi nhiều ở hai cánh mũi. Cô đột ngột quay lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, có lẽ bởi nhìn thẳng cô đẹp hơn nhìn nghiêng, có nói gọn lỏn:
- Anh khiến tôi vui lắm. Anh gợi tôi nhớ lại một chàng trai trước đây tán tỉnh tôi ở Buôcgiơ. Thậm chí chàng đã hứa hôn với tôi…
Tuy nhiên, khi đêm tối hẳn, trên hè phố vắng vẻ và ẩm ướt lấp loáng ánh đèn hơi, cô đột ngột sáp đến bên tôi, đòi tôi đưa chị em cô đi xem hát tối nay. Lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng cô mang đồ tang, với một cái mũ bà già quá cũ kỹ so với khuôn mặt trẻ măng của cô, một cái ô cán quá dài, trông như một cây gậy. Vì quá sát cô, khi nâng tay lên, tôi để móng tay cào phải cái băng tang trên ngực. Tôi tỏ ý khó có thể chấp nhận yêu cầu của cô. Cô giận, toan bỏ đi ngay. Bây giờ, chính tôi giữ cô lại và van lạy. Vừa hay, một công nhân đi qua trong bóng tối, buông nhỏ một câu đùa:
- Chớ nghe em ạ, nó hại em đấy!
Hai chúng tôi sững ra.
Ở nhà hát – Hai cô gái, bạn tôi tên là Valăngtin Bôlôngđô và chị cô, đã đếnvới những tấm khăn quàng xoàng xĩnh.
Valăngtin ngồi trước tôi. Chốc chốc, cô lại quay xuống, vẻ lo lắng, như tự hỏi tôi muốn gì ở cô. Phần tôi, ở bên cô, tôi cảm thấy gần như hạnh phúc. Lần nào tôi cũng đáp lại cô bằng nụ cười.
Các bà các cô ở khắp xung quanh để hở cổ quá rộng. Chúng tôi lấy đó pha trò với nhau. Thoạt đầu, cô tủm tỉm cười, sau đó cô bảo:
- Tôi không nên cười. Chính tôi cũng để hở cổ nhiều quá.
Cô choàng kín vai bằng tấm khăn quàng. Thực tế, dưới tấm đăng ten hình vuông, người ta nhìn thấy, qua cửa chỉ hấp tấp của cô, rằng cô đã đẩy cái cổ sơ-mi giản dị rất đứng trễ xuống.
Ở cô, tôi thấy có nét gì ngây thơ và tội nghiệp. Trong mắt cô bé, có vẻ gì đau đớn va liều lĩnh lôi cuốn tôi. Bên cố, người duy nhất trên đời có thể nói cho tôi biết về những người ở lâu đài, tôi không ngớt nghĩ đến cuộc phiêu lưu kỳ lạ của tôi thưở ấy. Tôi muốn hỏi cô một lần nữa về cái khách sạn nhỏ trên đại lộ. Nhưng đến lượt mình, cô đưa ra những câu hỏi đến bực mình mà tôi không biết đáp ra sao. Tôi cảm thấy rằng từ nay cả hai chúng tôi đều câm lặng trước việc này. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng tôi sẽ gặp lại cô. Ích gì? Và tại sao nhỉ?... Bây giờ, tôi bắt buộc phải lần theo dấu vết bất cứ ai, bất cứ cái gì mang trong mình chút mùi khó chịu xa xôi nhất, mông lung nhất về cuộc phiêu lưu lở dở của tôi…
Nửa đêm, một mình trên phố vắng, tôi tự hỏi rằng câu chuyện mới mẻ và kỳ cục này muốn đòi gì ở tôi? Tôi đi dọc theo những căn nhà giống như những hôp các-tông sắp lên nhau, trong đó có cả một lớp người đang ngủ. Và tôi chợt nhớ đến một quyết định của mình tháng trước: tôi nhất quyết đến đó vào đêm khuya, khoảng một giờ sáng, đi quanh khách sạn, mở cửa vườn, và nghe một chỉ dẫn nào đấy cho phép tôi tìm thấy lâu đài đã mất, để gặp lại nàng, chỉ gặp lại nàng thôi… Nhưng tôi mệt nhoài. Tôi đói. Tôi đã vội vàng thay trang phục trước khi đến nhà hát; và tôi đã không ăn chiều… Tuy nhiên, xao động và lo âu, tôi ngồi mãi bên mép giường trước khi đi ngủ, lòng bâng khuâng hối hận. Vì sao?
Tôi còn ghi điều này: hai cô, không muốn tôi đưa về nhà, cũng không muốn cho tôi biết nơi ở. Nhưng tôi đi theo cho đến khi không theo được nữa mới thôi. Tôi biết hai cô ngụ ở một phố nhỏ rẽ vào vùng lân cận Nhà thờ Đức bà. Nhưng nhà số mấy? Tôi đoán hai cô là thợ may hay bán trang phục phụ nữ.
Giấu chị, Valăngtin hẹn gặp lại tôi trước nhà hát chúng tôi vừa xem vào bốn giờ chiều thứ năm.
- Nếu thứ năm tôi khôngđến được – cô nói – thì anh hãy đến, cũng bốn giờ chiều, thứ sáu, rồi thứ bảy, cứ thế mọi ngày.
Thứ năm, 18 tháng 2, Tôi đến điểm hẹn trong gió lộng kèm theo mưa. Tôi nhủ thầm mãi: sắp mưa rồi…
Tôi đi trong ánh mờ mờ qua các phố, tim đập nặng nề. Một giọt mưa rơi xuống. Tôi sợ trời sắp đổ mưa: mưa rào sẽ cản cô đến cùng tôi. Nhưng gió lại nổi lớn và vẫn chưa mưa. Trên kia, trên bầu trời xám buổi chiều – lúc xám xịt, lúc chói bừng – đám mây lớn đã tan ra trong gió. Và tôi vẫn nép mình đợi chờ khốn khổ ở đây.
Trước nhà hát, sau 15 phút so với giờ hẹn, tôi chắc cô không đến. Từ chỗ mình trên bờ sông, tôi quan sát dòng người qua lại tấp nập trên cây cầu mà cô tất phải qua. Tôi nhìn bám lấy tất cả phụ nữ trẻ mặc tang đang đi tới, và gần như cảm ơn những người – đi gần tôi và đi qua tôi lâu nhất – hao hao giống cô và khiến tôi hy vọng.
Một giờ chờ đợi. Tôi chán nản. Chập tối, một nhân viên an ninh lôi về đồn bên cạnh một gã du côn trong lúc gã uất ức chửi rủa không tiếc lời. Nhân viên kia tái mét, lặng ngắt và giận sôi lên… Vừa đến hành lang, ông bắt đầu đập vào, rồi đóng cánh cửa đằng sau họ để tha hồ đánh gã vô lại đáng thương… Tôi chợt có ý nghĩ khủng khiếp rằng tôi đã từ chối thiên đường để về đây giẫm đạp lên cửa địa ngục.
Chán chường, tôi rời chân và đến cái phố hẹp và thấp, ở khoảng giữa sông Xen và nhà thờ Đức Bà, ở đấy tôi biết qua vị trí nhà hai cô. Một mình, tôi cứ lui lui tới tới. Thỉnh thoảng một cô hầu hay một bà nội trợ ra khỏi nhà, bất chấp mưa nhỏ, để đi mua bán lặt vặt trước khi trời tối… Trong màn mưa trắng sáng đang kìm bóng đêm như muốn buông, tôi trở lại quảng trường mà chúng tôi hẹn chờ nhau. Người dông hơn lúc nảy – một đám đen sì…
Phỏng đoán – thất vọng – mệt mỏi. Tôi lại bám lấy ý nghĩ: ngày mai, giờ này, chỗ này, tôi sẽ lại đến đợi cô. Và tôi mang ngày mai mau đến. Tôi buồn bã tưởng tượng buổi tối hôm nay, rồi buổi sáng mai mà tôi phải qua trong nhàn rỗi. Nhưng phải chăng chưa chi ngày hôm nay đã gần như hết rồi? về nhà ngồi bên lửa, tôi nghe bao tiếng rao các báo buổi tối. Không nghi ngờ gì nữa, từ căn nhà chìm biến nơi nào đó trong thành phố, gần Nhà thờ Đức bà, cô cũng nghe rao như thế.
Cô… tôi muốn nói: Valăngtin.
Cái buổi tối mà tôi muốn lẩn tránh này đè nặng lên tâm hồn tôi một cách kỳ cục. Trong khi thời gian càng trôi đi, ngày hôm nay nhát nữa là hết, và chưa chi tôi đã muốn nó hết hẳn, thì có những người gởi gắm vào nó tất cả hy vọng, tình yêu và sức lực cuối cùng của mình. Có những người đang hấp hối, số khác chờ đến lượt và muốn rằng lượt đó dứt khoát không phải ngày mai. Có những người mà ngày mài lộ ra như một nỗi ân hận. số khác thì mỏi mệt và đêm nay không sao đủ dài để họ được nghỉ ngơi đúng yêu cầu. Còn tôi, kẻ đã mất ngày hôm nay, tôi có quyền gì để gọi “ngày mai”.
Tối thứ sau – tôi đã định viết tiếp: “Tôi không gặp lại cô”. Và thế là xong mọi chuyện.
Nhưng bốn giờ chiều nay, khi tôi đến trước nhà hát: cô đây rồi. Mảnh mai và trịnh trọng, mặc đồ đen, nhưng mặt đánh phấn, cổ áo phồng khiến cô có vẻ như một vai hề phạm tội. Vẻ vừa láu cá vừa đau khổ.
Ấy là để báo tôi rằng cô muốn rời bỏ tôi ngay lập tức và sẽ mãi mãi không trở lại.
Tuy nhiên, trong bóng đêm đang buông, chúng tôi vẫn bên nhau, lững thững bước đi trên cát sỏi vườn Tuylơri. Cô kể chuyện mình nhưng quá kín đáo, nên tôi không hiểu mấy. Cô nói: “người tình của tôi” khi đá động đến người cô đã đính hôn nhưng không lấy. Tôi nghĩ rằng cô cố tình nói vậy để xúc phạm tôi và để tôi không còn muốn gắn bó với cô nữa.
Có những lời của cô mà tôi chép lại, chẳng hứng thú gì:
- Chờ tin tôi – cô bảo – Mãi mãi tôi chỉ làm những trò rồ dại.
- Tôi lêu lổng khắp nơi, mà chỉ một mình.
- Tôi đã làm cho chồng chưa cưới của tôi thất vọng. Tôi bỏ anh ấy vì anh ấy tôn sùng tôi quá đáng; anh ấy kỳ ảo hôn tôi, chứ không nhìn tôi đúg như thực tế. Vậy mà tôi đầy nhược điểm. Có lẽ chúng tôi sẽ vô cùng bất hạnh.
Trong từng phút giây, tôi bắt gặp cô cố tỏ ra xấu xa khác hẳn thực tế. Tôi nghĩ cô muốn chứng minh với chính mình rằng ngày ấy cô làm cái trò dại dột mà cô kể với tôi là đúng, rằng cô chẳng việc gì phải tiếc, rằng cô không xứng đáng với hạnh phúc đến với cô bấy giờ.
Một lần khác:
- Điều khiến tôi bằng lòng ở anh – cô vừa nhìn tôi hồi lâu và nói – điều khiến tôi bằng lòng ở anh, tôi không biết vì sao, đó là những kỷ niệm của tôi…
Lần khác:
- Tôi vẫn yêu anh ấy – cô nói – còn hơn anh tưởng cơ.
Rồi bất ngờ, hối hả, thô lỗ, buồn rầu:
- Nhưng rút lại, anh muốn gì? Anh cũng yêu tôi ư? Anh cũng muốn lấy tôi sao?...
Tôi ấp úng, Tôi không rõ tôi đáp thế nào. Có lẽ tôi đã nói: “Vâng”.
Nhật ký dừng lại ở đây, và bắt đầu bản nháp những bức thư khó đọc, dị hình và bị gạch bỏ lung tung. Cuộc đính hôn bấp bênh!... Do Môn van vỉ, cô gái đã bỏ nghề. Anh lo sắm sửa và chuẩn bị để tổ chức lễ cưới. Nhưng vẫn không ngừng khát khao tìm kiếm thêm nữa, không ngừng khát khao lần theo dấu vết của mối tình đã mất, anh đã biến đi nhiều lần, hiển nhiên là vậy, và, trong những bức thư này, với một sự lúng túng bi kịch, anh tìm cách tự biện bạch trước Valăngtin.