ho đến tận bấy giờ, tôi hầu như không lêu lổng trong phố với trẻ con thị trấn. Bênh lao khớp háng mà tôi phải mang cho đến tận năm 189… ấy đã làm tôi khốn khổ và sợ hãi. Bây giờ, tôi vẫn như còn thấy mình nhảy lò cò khổ sở trên một chân, chạy theo những học sinh nhanh nhẹn trên các lối nhỏ trong trường…
Vì thế, cha mẹ tôi gần như không cho tôi ra khỏi trường. Tôi vẫn nhớ rằng dù rất hãnh diện về con, nhiều lần mẹ Mili vẫn bợp tai, lôi tôi về nhà, vì bắt gặp tôi nhảy lò cò với lũ nhãi trong làng.
Đúng lúc tôi khỏi bệnh thì Môn đến, vậy là bắt đầu một cuộc đời mới.
Trước khi có anh, hễ cứ tan học vào lúc bốn giờ là đối với tôi lại bắt đầu một buổi tối cô đơn dài dằng dặc. Cha tôi chuyển lửa lò sưởi của lớp về lò sưởi trong phòng ăn nhà tôi. Dần dần những học sinh về muộn cũng rời khỏi ngôi trường lạnh lẽo bốc lên nhiều cuộn khói. Tuy thế, ở sân trường vẫn còn vài đám chơi nhảy ngựa. Rồi đêm xuống, hai học sinh trực nhật quét dọn xong, vào nhà kho lấy mũ và áo choàng, rồi cắp giỏ hối hả đi ra, để cổng trường mở toang…
Lúc ấy, nền trời còn le lói đủ sáng, tôi ngồi đọc sách trên một cái ghế đu gần cửa sổ mở ra vườn trong phòng lưu trữ đầy ruồi chết và các tấm áp phích phần phật trong gió; phòng này nằm cuối nhà ban giám hiệu.
Nếu trời tối hẳn, chó ở trại bên cạnh bắt đầu tru lên, và cửa kính nhà bếp nhỏ bé của gia đình tôi sáng ánh đèn, thì tôi về nhà. Mẹ tôi đã bắt đầu làm bữa ăn chiều. Tôi trèo lên bậc thang trên kho thóc, lặng lẽ ngồi xuống, gục đầu vào tay vịn cầu thang giá ngắt, chăm chú xem mẹ nhóm bếp trong căn phòng chật hẹp đã lung linh ánh sáng một ngọn nến.
Nhưng một người đã đến lôi tôi ra khỏi tất cả những thú vui ấy của tuổi thơ êm đềm. Người đó thổi tắt ngọn nến vốn chiếu cho tôi nhìn rõ khuôn mặt dịu hiền của mẹ cặm cụi chuẩn bị bữa tối. Người đó đã tắt phụt ngọn đèn mà quây quần xung quanh là tất cả chúng tôi – một gia đình hạnh phúc trong đêm, khi cha tôi đã cài các then gò cửa kính lại. Người đó chính là Ôguyxtanh Môn, mà chỉ ít lâu sau các học sinh khác gọi là Môn cao kều.
Ngay từ khi anh ở trọ nhà tôi, nghĩa là ngay những ngày đầu tiên của tháng 12, khu trường không còn vắng vẻ vào buổi chiều, sau bốn giờ nữa. bất chấp gió lạnh đập cửa ra vào ầm ầm cùng tiếng kêu gào của các học sinh trực nhật – thậm chí bị cánh này té nước từ các xô của chúng – hôm nào tan học cũng có chừng 20 học sinh, nông thôn có, thị trấn có, lưu lại trong lớp, chen chúc nhau quanh Môn. Và thế là tranh luận triền miên, cãi vã không ngớt. Dĩ nhiên tôi cũng xen vào góp chuyện, vừa sợ sợ vừa thích thích.
Môn chẳng nói gì. Nhưng chính vì anh mà lúc nào cũng có một trong những tay ba hoa nhất tiến ra giữa nhóm viện một thằng bạn cảnh hầu liến thoắng phụ họa để làm chứng, kể một chuyện bậy dài lê thê mà cả nhóm há hốc mồm lắng nghe, vừa nén cười đến đau cả ruột.
Ngồi trên một cái bàn học sinh, vừa đung đưa hai chân, Môn vừa nghĩ ngợi. Gặp đoạn chuyện hay, anh cũng cười, nhưng khẽ thôi, như thể anh dành những tiếng cười lớn khoái trá cho câu chuyện hay nhất của mình anh biết. Rồi khi đêm xuống, ánh sáng lọt qua cửa kính của lớp không còn soi rõ mặt nhóm học sinh được nữa, Môn đột ngột đứng lên, xuyên qua vòng trong vòng ngoài khép chặt.
- Về thôi – anh kêu kên.
Tất cả đi theo anh, chúng tôi còn nghe tiếng la thét của họ cho đến khi trời tối hắn, từ trên cao của thị trấn dội về…
Bây giờ, chính tôi đi theo họ. Cùng Môn, tôi đến cửa các chuồng bò vào giờ người ta vắt sữa. Chúng tôi đi vào các cửa hiệu, ở đó, giữa tiếng reo vui của những cỗ máy, người thợ dệt nói:
“Các sinh viên đấy!”
Thường thường, vào giờ ăn tối, chúng tôi tụ tập gần lớp Cao học, nhà bác Đexan, thợ đóng xe kiêm bít móng ngựa. Hiệu của bác là một quán trọ cũ, với những cửa ra vào cao rộng, có hai cánh luôn mở toang. Ở ngoài đường phố, chúng tôi đã nghe tiếng bễ lò rèn phì phò, và nhờ ánh than hắt lên nhìn thấy ở nơi tranh tối tranh sáng và ầm ầm này, khi thì mấy bác nhà quê dừng xe lại tán gẫu dăm ba câu chuyện, khi thì một cậu học trò như chúng tôi, dựa lưng vào một cửa, im lặng chăm chú nhìn.
Chính ở đấy, khoảng tám ngày trước Noen, mọi chuyện đã xảy ra.