rời mưa suốt ngày, đến tối mới tạnh. Cả ngày buồn nẫu ruột. Giờ nghỉ, chẳng ai ra khỏi lớp. Lát lát, chúng tôi lại nghe cha tôi, ông Xơren, kêu to:
- Các trò không được phá bĩnh.
Sau giờ ra chơi cuối cùng trong ngày, hay như chúng tôi nói, sau “mười lăm phút cuối cùng”, ông Xơren, sau một hồi đi dọc đi ngang với vẻ suy tính, đứng sững lại, gõ mạnh thước lên bàn để dẹp yên tiếng rì rầm hỗn độn cuối giờ học, thời gian mà học sinh chán ngấy rồi, và ông cất tiếng hỏi trong cái yên lặng đợi chờ.
- Ai ngày mai sẽ cùng với Phrăngxoa đi xe ra ga đón cụ ông cụ bà Sacpaăngchiê?
Ấy là ông bà tôi: ông tôi Sacpaăngchiê, làm nghề gác rừng, đã nghỉ hưu, với cái áo choàng len xám rộng thùng thình, cái mũ bonné lông thỏ mà ông gọi là mũ kepi… Lũ trẻ ranh rất biết ông. Sáng sáng, để lau rửa, ông múc một xô nước, rồi như kiểu các vị lính già, ông vớt nước lóc bóc, vỗ vỗ nhẹ vào bộ râu cằm. Một lũ trẻ chắp tay sau lưng quây lấy ngắm nghía ông một cách tò mò đầy kính trọng… Chúng cũng biết bà Sacpaăngchiê của tôi, bà lão nông dân thấp bé, với cái mũ đan tay, là vì mẹ Mili ít nhất cũng một lần đưa bà đến lớp các học sinh bé nhất.
Năm nào chúng tôi cũng ra ga đón ông bà vào chuyến tàu 4 giờ 2 phút, vài hôm trước noel. Để đến thăm chúng tôi, ông bà đã đi xuyên qua cả tình, vai vác nặng những balô đầy hạt dẻ và thực phẩm bọc trong mấy cái khăn mặt, quà mừng Thiên Chúa giáng sinh. Ngay cả khi hai người bước qua ngưỡng cửa, miệng mìm cười, vẻ mắc cỡ và hơi sửng sốt, chúng tôi đã đóng hết các cửa ra vào, và thế là bắt đầu một tuần mê li tưởng không bao giờ hết…
Để cùng tôi điều khiển chiếc xe chở ông bà về đây, cần có một người đứng đắn để không ném chúng tôi xuống hố, đồng thời phải bản lĩnh nữa, tại vì ông tôi hay chửi tục, còn bà tôi cũng khá lắm lời.
Đáp lại câu hỏi của ông Xơren, chừng 10 học sinh đồng thanh la lớn:
- Môn cao kều! Môn cao kều!
Ông Xơren làm như không nghe thấy.
Số học sinh đó lại hét:
Phrômăngxtanh!
Số khác:
- Giaxnanh Đơlusơ!
Thằng bé nhất trong mấy đứa con nhà Roi, thường cỡi lợn cái phóng phăng phăng ra đồng, cũng thét chói tai.
- Em! Em!
Duytơrăngblay và Musơhop chỉ rụt rè giơ tay.
Tôi muốn Môn được chọn. Với anh, cuộc du lịch nhỏ trên chiếc xe do lừa kéo này sẽ trở nên quan trọng hơn. Anh cũng muốn được đi, nhưng giả đò lặng im không thèm để ý. Tất cả học sinh lớn đều ngồi trên bàn, nhưng anh quay lưng lại, chân giẫm lên ghế băng, đó là điều chúng tôi hay làm khi có gì khoái quá hoặc được nghỉ giải lao lâu. Vén áo lên vặn vào xanh-tuya, Cophanh ôm lấy cây cột sắt đỡ xà nhà và bắt đầu leo lên tỏ vẻ thích thú. Nhưng ông Xơren giội lên đầu tất cả gáo nước lạnh:
- Rồi! Musơhơp sẽ đi.
Ai nấy lặng lẽ trở về chỗ.
Lúc 4g, chỉ có tôi và Môn ở ngoài cái sân mênh mông lạnh giá vừa bị mưa xối thành rãng ngang rãnh dọc. Chẳng ai nói gì. Chúng tôi nhìn thị trấn sau mưa ướt loang loáng và đang được gió lốc thổi khô. Chưa lâu, đã thấy cậu bé Cophanh, mũ trên đầu, một miếng bánh trên tay, ra khỏi nhà mình, vừa xoa xoa tay trên tường vừa huýt sáo đi về phía nhà bác thợ bịt móng ngựa. Môn mở cổng trường, la gọi em, rồi nhoáng một cái, cả ba chúng tôi đã ở trong cửa hàng đỏ rực và ấm nóng, đúng lúc từng đợt gió rét thổi vào. Cophanh và tôi ngồi bên lò rèn, chân thục vào đám phôi bào trắng. Môn thọc hai tay trong túi, lặng im dựa lưng vào cánh cửa ra vào. Ngoài phố thỉnh thoảng lại có một phụ nữ trong làng đi qua, đầu cúi thấp để tránh gió, họ từ nhà hàng thịt về qua đây. Chúng tôi hếch mũi lên để nhìn xem đó là ai.
Chẳng ai cất lời. Bác thợ đóng xe và anh phụ của bác, người thổi bể, kẻ đập sắt, ném lên tường những cái bóng lớn di động… Giờ tôi nhớ lại buổi tối hôm ấy như một trong những buổi tối vĩ đại nhất của tuổi thiếu niên của mình. Đối với tôi: tối hôm ấy vừa sung sướng vừa khắc khoả: tôi sợ anh bạn tôi tước mất của tôi niềm vui tội nghiệp được ra ga bằng xe, tuy nhiên, không dám thú nhận, tôi hy vọng ở anh một cuộc phiêu lưu khác thường sẽ đảo lộn hết thảy.
Thỉnh thoảng, công việc đều đặn và thanh bình trong cửa hàng ngừng lại giây lát. Bác thợ buông búa, nó nảy nảy mấy cái nặng nề và dứt khoát trên đe. Bác kẹp mẫu sắt vừa rèn lên, chăm chú quan sát nó. Rồi bác ngẩng đầu hỏi chúng tôi, cốt để xả hơi một chút.
- Thế nào, khoe chứ thanh niên?
Anh thợ phụ vẫn nắm cần bễ trên cao, một tay chống nạnh nhìn chúng tôi mỉm cười.
Rồi công việc đập đinh tai lại tiếp tục.
Trong một vài lần nghỉ như thế, qua khung cửa mở rộng, tôi nhìn thấy Mili đi trong gió lớn, quấn chặt trong một cái khăn san, tay mang mấy hộp nhỏ.
Bác thợ hỏi:
- Cụ Sacpaăngchiê sắp tới hả?
- Ngày mai ông bà cháu cùng đến ạ - tôi trả lời – Cháu sẽ ra ga đón chuyến tàu 4g2 phút.
- Chắc đi bằng xe của Phrômăngtanh?
Tôi đáp ngay:
- Không ạ. Bằng xe của lão Mactanh.
Bác thợ và anh phụ bật cười.
Anh phụ chậm rãi như để giảng giải:
- Dùng con ngựa cái của Phrômăngtanh, có thể ra đón hai cụ ở Viecdông. Tàu dừng ở đấy một tiếng. Đoạn đường là 15 kilomet. Sẽ về nhà ngay khi con lừa của Mactanh chưa thắng xong.
- Phải – bác thợ tiếp lời – ngựa ra ngựa, đi đứng ra trò.
- Tôi tin ông Phrômăngtanh cho mượng ngay thôi.
Câu chuyện dừng ở đó. Gian hàng lại đầy ánh lửa và tiếng ồn, ở đó ai cũng theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.
Nhưng đã đến giờ phải đi. Tôi đứng lên ra hiệu cho Môn, thoạt tiên anh không nhận ra. Vẫn dựa vào cửa, đầu cúi gằm, anh có vẻ đăm chiêu ghê gớm về điều vừa được nghe. Thấy anh chìm đắm trong ưu tư, đăm đăm nhìn hai người thợ đang thanh thản làm việc như qua một biển sương mù, tôi chợt nhớ đến một hình ảnh trong Robinson Cruse, trong đó chúng tôi nhìn thấy cậu thiếu niên người Anh, trước cuộc ra đi vĩ đại, đã từng luôn luôn lui tới nhà một người bán đồ mây tre đan…
Và từ bấy, tôi hay nhớ lại hình ảnh này.