Thế là sau khi tướng Hinh ra đi, không kể tại miền trung Trung Việt mà tướng Hinh không có một cơ sở vững mạnh nào, toàn bộ vùng Duyên hải và Cao Nguyên Trung phần trở thành hậu thuẫn vừng chắc cho ông Diệm để tiến hành những vận động cuối cùng quét sạch tàn dư của chế độ Pháp thuộc. Trung tá Nguyễn Quang Hoành từ Phan Thiết được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu Hai, thiếu tá Thái Quang Hoành được lệnh giải tán chiến khu Đông về làm Tỉnh trưởng Bình Thuận, ông Hồ Trần Chánh, một đảng viên Đại Việt từng ủng hộ chiến khu Đông, được chúng tôi đề nghị làm Tỉnh trưởng Ninh Thuận. Trung tá Phạm Văn Đổng, tuy chưa bao giờ ủng hộ ông Diệm nhưng cũng khôn ngoan chưa bao giờ tỏ ra chống đối chính phủ, được cử làm Tư lệnh Phân khu Duyên hải. Chúng tôi mỗi người được thăng một cấp vì đã bảo vệ được miền Trung: Hoành và Đổng lên đại tá. Hoàng và tôi lên trung tá. Và tuy còn ở trong dinh Thủ tướng, tôi đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó Phân khu Duyên hải, còn đại tá Lễ thì sẵn sàng để nhận chức Tổng giám đốc Cảnh sát Công an một khi đuổi được Bình Xuyên ra khỏi định chế này.
Song song với và chính vì việc tướng Hinh ra đi, Lansdale đã vừa dùng tiền bạc và sử dụng lý luận để lôi kéo thêm được tướng Nguyễn Giác Ngộ của Hoà Hảo và. tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài đem lực lượng của họ về hợp tác với chính phủ. Lansdale còn sử dụng kỹ thuật "địch vận” để dẫn dụ được đại tá Thái Hoàng Minh, tham mưu trưởng của lực lượng Bình xuyên, đứng lên chống Bảy Viễn. Tuy việc phản bội của Thái Hoàng Minh bị lộ và cuối cùng bị Bảy Viễn thủ tiêu, nhưng cái chết của ông ta đã gây một chấn động tâm lý sâu đậm trong hàng ngũ của lực lượng Bình Xuyên.
Tuy nhiên, dù ngần đó biến cố thuận lợi đã làm cho "Mặt trận thống nhất" của các giáo phái bị phân hoá và bị suy giảm sức mạnh rất nhiều, nhưng trong mùa xuân 1955, ông Diệm vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì Thủ tướng Pháp Edgar Faure vẫn còn muốn xây dựng lại uy thế cho Quốc trưởng Bảo Đại để mong lật ngược thế cờ. Pháp vẫn còn muốn lợi dụng những lực lượng thù nghịch với ông Diệm còn sót lại như toàn bộ Bình Xuyên, như Hoà Hảo của Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên, Lê Quang Vinh, như Cao Đài của Hộ Pháp Phạm Công Tắc, như tướng Vỹ và một thiểu số Ngự lâm quân còn trung thành với Bảo Đại. Đặc biệt trong quân đội, mặc dù Thiếu tướng Lê Văn Tỵ đã được ông Diệm bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng nhưng vẫn còn nhiều sĩ quan cấp tá cao cấp chưa muốn hợp tác với ông Diệm như các đại tá Trần Văn Đôn, Trần Văn Minh, Lê Văn Kim, các trung tá Nguyễn Khánh, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Văn Là, Trần Tử Oai... Như vậy thì riêng tại miền Nam, đặc biệt tại Sài gòn - Chợ Lớn và vùng phụ cận, đứng trên mặt thuần tuý vũ lực (vốn là yếu tố quyết định trong sự hỗn loạn của tình thế lúc bấy giờ) thì phe chính phủ và phe đối lập quả thật ngang ngửa.
Từ đầu xuân 1955, lực lượng Bình Xuyên tiếp tục gây hấn, khiêu khích Đô Thành, tấn công những đơn vị quân đội quốc gia đi lẻ tẻ và bắn súng cối vào dinh Độc lập để chuẩn bị cho âm mưu đảo chính Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 30 tháng 4 năm 1955, sau khi thuyết phục được tướng Lê Văn Tỵ và một nhóm sĩ quan thuộc cấp của tướng Hinh cũ, tướng Nguyễn Văn Vỹ vào dinh Độc lập buộc ông Diệm phải đi Pháp ngay tức khắc theo lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại, đồng thời tướng Vỹ ra lệnh cho đội Ngự lâm quân từ Đà Lạt di chuyển về Sài gòn và thông báo cho trung tá Đỗ Cao Trí, một bạn thân của Vỹ biết. Trung tá Trí là Tư lệnh lực lượng Nhảy dù, đang hành quân tiễu trừ Bình Xuyên, nhưng thâm tâm vẫn muốn lật đổ ông Diệm. Cũng trong ngày 30 tháng 4 đó, “Hội đồng nhân dân cách mạng” ra đời tại toà Đô Thành Sài gòn. Đây là một lực lượng chính trị quần chúng được chuẩn bị từ trước để làm hậu thuẫn đấu tranh cho ông Diệm. Hội đồng này do ông Nguyễn Bảo Toàn, một lãnh tụ Hoà Hảo, làm chủ tịch, ông Hồ Hán Sơn, một viên chức của Cao Đài, làm phó chủ tịch và ông Nhị Lang (hiện ở Mỹ), thuộc Việt nam Quốc Dân Đảng, và cũng là một phụ tá của tướng Trình Minh Thế làm Tổng thư ký. Thành viên của Hội đồng gồm nhiều thành phần đại diện cho mọi tầng lớp quần chúng mà đa số là thân hữu của ông Diệm, ngoài ra còn có một số do tôi tổ chức từ Phân khu Duyên hải vào để đại diện cho miền Trung mà người cầm đầu là giáo sư Hà Huy Liêm (trường trung học Võ Tánh), đang làm uỷ viên Tuyên nghiên huấn của phong trào Cách mạng quốc gia tỉnh Khánh Hoà.
Chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn là nhân vật uy tín nhất của Phật giáo Hoà Hảo lúc bấy giờ. Ông là một nhà cách mạng lão thành từng bôn ba qua Pháp, Tàu, Nhật để đấu tranh cho nền độc lập của quê hương. Ngay từ năm 1947, khi Pháp định thương thuyết với cựu hoàng Bảo Đại, ông Toàn đã cùng với cụ Nguyễn Hải Thần và ông Nguyễn Tường Tam thành lập "Mặt trận thống nhất Quốc gia" đòi hỏi Pháp chỉ thương thuyết với cựu hoàng Bảo Đại, ông Toàn đã cùng với cụ Nguyễn Hải Thần và ông Nguyễn Tường Tam thành lập "Mặt trận thống nhất quốc gia" đòi hỏi Pháp chỉ thương thuyết với các lực lượng dân tộc mà thôi chứ không phái với Bảo Đại hay với Hồ Chí Minh. Từ ngày dấn thân hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Bảo Toàn luôn luôn chủ trương một nước Việt nam độc lập theo chế độ Cộng hoà với một hình thức sinh hoạt hoàn toàn dân chủ mới đáp ứng được nguyên vọng của nhân dân và mới có thế chiến thắng được cộng sản, do đó ông quyết tâm ủng hộ ông Diệm và truất phế Bảo Đại, mặc dù lúc bấy giờ tính mạng của ông có thể vì thế mà bị nguy hiểm.
Ngày 30, trong lúc tướng Vỹ và nhóm sĩ quan thân Pháp và dinh Độc lập ép buộc Thủ tướng Diệm phải đi Pháp (nghĩa là đi để không trở về) thì tại toà đô chánh Sài gòn, bầu không khí hào hùng lửa đấu tranh của “Hội đồng nhân dân cách mạng” đang ào ạt và Hội nghị ra tuyên ngôn truất phế Bảo Đại, uỷ cho chí sĩ Ngô Đình Diệm tạm thời lãnh đạo quốc gia trong lúc chờ đợi Hiến pháp và Quốc hội định đoạt quy chế tương lai cho đất nước. Họp xong, Hội đồng đi bộ qua dinh Độc lập để trao tuyên ngôn cho Thủ tướng Diệm, không ngờ khi đến nơi thì chạm trán với tướng Vỹ và các "sĩ quan phản loạn" đang làm áp lực ông Diệm. (Có thể cuộc đụng độ này là do dinh Độc lập kịp thời thông báo cho Hội đồng để đến tăng cường). Thấy tướng Vỹ, tướng Trịnh Minh Thế (và hình như có cả tướng Nguyễn Thành Phương) bèn bắt giữ tướng Vỹ trong lúc ông Nhị Lang đưa súng lục ra hăm doạ tướng Vỹ. Thủ tướng Diệm sợ tái mặt, vội vã kéo tướng Vỹ vào phòng riêng để bảo vệ sinh mạng cho tướng Vỹ, đồng thời yêu cầu Hội đồng đừng bắt hoặc giết tướng Vỹ. Không phải ông Diệm thương xót gì tướng Vỹ, nhưng nếu tướng Vỹ bị giết thì ắt hẳn những lực lượng yểm trợ tướng Vỹ, vì tình chiến hữu, sẽ không tha thứ cho ông. Huống gì trung tá Đỗ Cao Trí lại gọi điện thoại cho ông Diệm đòi phải trả tự do cho tướng Vỹ ngay nếu không thì Trí sẽ tấn công dinh Độc lập. Cuối cùng, Hội đồng đạt được một thoả hiệp chung là bắt tướng Vỹ phải ký giấy xin quy hàng Hội đồng, và hoà mình với nhân dân để đấu tranh cho đất nước, đổi lại, Hội đồng sẽ trả tự do cho ông ta.
Tướng Vỹ đồng ý ra về và trong thâm tâm định phản bội lại lời cam kết đó, nhưng phần vì Ngự lâm quân, chủ lực của ông ta đã bắt tay với quân đội, phần vì phản ứng quyết liệt của lực lượng tướng Trịnh Minh Thế nên tướng Vỹ đành chịu thất bại. Trong lúc tướng Vỹ hoạt động ở Sài gòn để lật đổ ông Diệm thì tướng Nguyễn Văn Hinh ở Pháp cũng lên đường trở về Việt nam để dự định giúp tướng Vỹ lật ngược thế cờ. Nhưng vì tướng Vỹ đã thất bại, lại vì tình hình mỗi ngày một thuận lợi cho ông Diệm, và quan trọng hơn cả là vì Mỹ đã cương quyết ủng hộ ông Diệm cho nên tướng Hinh bay đến Calcutta thì dừng lại và bay ngược về Pháp. Trong những ngày sôi động tại Sài gòn mà bạo lực có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào, ông Diệm không những lo sợ cho cái tương lai chính trị của ông mà còn lo cho chính bản thân ông nữa. Chỉ quen đấu tranh theo kiểu quan trường, ông rất e ngại vấn đề súng đạn. Chỉ quen dựa vào các thế lực ngoại bang (như Pháp, Nhật, Mỹ, Vatican) vận dụng chính trị và củng cố địa vị, ông rất mất tự tin khi phải đối phó với những quân nhân như Nguyễn Văn Vỹ, Trần Đình Lan... Đỗ Cao Trí mà vũ lực là lý luận. Nhưng điều làm ông lo sợ nhất là bức tường đồng để ông nương tựa là Hoa kỳ sẽ có thể bỏ rơi ông, vì không những ông chấp chánh được là nhờ sự ủng hộ của Hoa kỳ mà còn nhờ chính cả các hoạt động tình báo và quân sự của Lansdale. Cho đến khi cả đại tá Lansdale lẫn Đặc sứ Collins liên tục tái bảo đảm với ông là chính sách Mỹ đã quyết định yểm trợ miền Nam do ông lãnh đạo, ông mới thật sự an lòng để đối phó với tình thế.
Thật vậy, một ngày trước buổi chạm trán với tướng Vỹ ở dinh Độc lập, Ngoại trưởng Mỹ Fostes Dulles đã thông báo cho Đại sứ Pháp Couvre de Murrville ở Washington, cũng như Đại sứ Mỹ Dillon đã thông báo cho Thủ tướng Pháp Edgar Faure ở Paris về quyết tâm của Mỹ nhất định ủng hộ ông Diệm vô điều kiện, kết quả cụ thể làm ông Diệm yên tâm nhất là cuối cùng, dưới áp lực của Mỹ, chính Pháp đã tiếp tế đạn dược cho quân đội quốc gia để dẹp phiến loạn Bình Xuyên trong khi chờ đợi một chương trình quân viện dồi dào hơn sau này.
Sau thất bại của tướng Nguyễn Văn Vỹ, quân đội mặc nhiên trở thành một lực lượng trọng yếu nhất trí ủng hộ ông Diệm. Thật ra từ trước tại Sài gòn, chỉ có hai sĩ quan cao cấp và có vị trí then chốt thật sự ủng hộ ông Diệm mà thôi, đó là đại tá Dương Văn Minh giữ chức Quân Trấn trưởng Sài gòn - Chợ Lớn còn trung tá Phạm Xuân Chiểu giữ chức Tham mưu trưởng quân khu I dưới quyền đại tá Trần Văn Minh. Ông Dương Văn Minh tuy xuất thân từ trường võ bị của Pháp ở Tông (Bắc Việt), tuy phục vụ trong quân đội Pháp nhưng ông vẫn giữ bản chất và phong độ của một người Việt nam thuần tuý, vẫn nặng tình tự với dân tộc quê hương. Người Pháp và tướng Hinh vốn không ưa ông Dương Văn Minh nên không giao cho ông chức vụ chỉ huy có quân sĩ, có đơn vị, để ngăn ngừa hậu hoạ. Còn ông Phạm Xuân Chiểu là một đảng viên Việt nam-quốc Dân Đảng, sau khi bỏ học trường thuốc ở Hà nội vì biến cố Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, bèn vào học trường võ bị Yên Bái do người Nhật tổ chức rồi qua Trung Hoa học trường võ bị Hoàng Phố, ở đây ông gặp một nữ đảng viên "Cách mạng Đồng Minh Hội” của cụ Nguyễn Hải Thần, hai người trở thành vợ chồng và đều là những nhân vật tham gia cách mạng, có tinh thần chống cộng rất cao. Mấy năm sau ông về Phát Diệm và được mời giữ chức chỉ huy tiểu đoàn 2 trong lực lượng tự vệ của giáo phận này rồi trở thành sĩ quan quân đội quốc gia. Với thành tích đó nên Phạm Xuân Chiểu hết lòng ủng hộ ông Diệm. Hai sĩ quan này nhất là ông Dương Văn Minh, đã ủng hộ và hoạt động đắc lực cho ông Diệm ngay từ phút đầu, ngay từ khi tướng Hinh chống đối ông Diệm: ngoài ra cũng phải nói một trong những lý do ông Minh ủng hộ ông Diệm vì người bạn thân của ông là ông Nguyễn Ngọc Thơ cũng là người bạn quý của ông Diệm. Hai ông Dương Văn Minh và Phạm Xuân Chiểu đều ở Sài gòn, đều biết rõ vị trí, âm mưu hoạt động và những kế hoạch chuyển quân của Bình Xuyên và Pháp nên đã giúp đỡ rất hữu hiệu ông Diệm trong vấn đề đối phó với quân của Lê Văn Viễn.
Ngoài ông Diệm ra còn có đại tá Mai Hữu Xuân, một sĩ quan nhiều thủ đoạn và giỏi về tình báo ủng hộ. Mai Hữu Xuân trước kia là một phần tử thân Pháp, từng là Tổng giám đốc Công an và lúc bấy giờ là Giám đốc An ninh quân đội, nhưng quan trọng hơn cả, ông Xuân vốn là kẻ thù Bình Xuyên. Ký giả Lueien Bodart trong cuốn "Laguerre d'indochine" mô tả Bảy Viễn và Mai Hữu Xuân là hai lãnh chúa tại Chợ Lớn và Sài gòn, hai kẻ thù không đội trời chung, nay gặp cơ hội ông Diệm đánh Bình Xuyên, Mai Hữu Xuân trở nên đồng minh của ông Diệm. Sự ủng hộ của Mai Hữu Xuân và Nha An ninh quân đội lúc bấy giờ quả là một đóng góp tình báo hết sức lớn lao cho việc tấn công và tiêu diệt Bình Xuyên để củng cố địa vị ông Diệm.
Trong những ngày đầu của tháng 5 năm 1955, quân đội quốc gia phối hợp với quân của tướng Trịnh Minh Thế đánh bật được quân Bình Xuyên qua bên kia cầu chữ Y. Tướng Thế trong khi đứng trên cầu Tân Thuận để quan sát địa hình đã bị một viên đạn bắn lén từ sau lưng trứng thái dương và không cứu sống được. Ngày 9 tháng 5, Bình Xuyên bị đánh bật ra khỏi Sài gòn và Chợ Lớn nên rút về vùng lầy Rừng Sát sau khi đã đốt cháy nhiều phố xá, nhà cửa ở khu Nancy. Đại tá Dương Văn Minh được Thủ tướng Diệm cứ giữ chức Tư lệnh chiến dịch Rừng Sát, và chẳng bao lâu, ông tiêu diệt toàn bộ quân Bình Xuyên. Bảy Viễn và bộ hạ thân tín là Lai Văn Sang và Lai Hữu Tài phải trốn qua Pháp. Cùng lúc đó, đại tá Nguyễn Ngọc Lễ cũng đã nắm vững được Nha Tổng Giám đốc Công an Cảnh sát Việt nam, và củng cố được lực lượng Công an Cảnh sát Đô thành mà trước đó vốn nằm dưới sự điều động của Lai Văn Sang.
Đánh tan quân Bình Xuyên, đại tá Dương Văn Minh dẫn đầu đoàn quân đắc thắng tiến về thủ đô trên con đường Catinat để vào dinh Độc lập giữa tiếng hoan hô vang dội của dân chúng. Thủ tướng Ngô Đình Diệm đứng tại thềm dinh Độc lập đón chào người anh hùng chiến thắng Rừng Sát. Ông ôm hôn đại tá Dương Văn Minh rồi một nữ sinh choàng vòng hoa cho đại tá. Mấy ngày sau, Thủ tướng Diệm vinh thăng đại tá Minh lên Thiếu tướng, báo Sài gòn đề cao Dương Văn Minh “Anh hùng Rừng Sát". Riêng ông Ngô Đình Nhu, tuy vui mừng sung sướng thấy kẻ thù bị tiêu diệt, vẫn tỏ ra bất mãn với báo chí và dư luận khi Dương Văn Minh được đề cao là "anh hùng". Ông Nhu nói với nhiều người, nhất là những người thân tín ở trong dinh rằng: "Cả nước Việt nam chỉ có một anh hùng mà thôi đó là anh hùng Ngô Đình Diệm".
Trong khi Sài gòn và Rừng Sát đang mịt mù khói lửa thì hội đàm giữa Pháp và Mỹ diễn ra tại Paris từ ngày 7 đến 12 tháng 5 năm 1955. Ngoại trưởng Mỹ, ông Foster Dulles, đòi hỏi Pháp phải trả độc lập hoàn toàn cho Việt nam, phải rút toàn bộ đoàn quân viễn chinh Pháp (90.000) về nước. Chương trình Pháp rút quân về nước gồm 3 giai đoạn:
Một: Ngày 20 tháng 5 năm 1955, quân đội Pháp phải bắt đầu rút ra khỏi Sài gòn - Chợ Lớn, tập trung về Vũng Tàu.
Hai: Ngày 2 tháng 7 năm 1955, quân đội quốc gia Việt nam hoàn toàn chấm dứt sự phụ thuộc vào Bộ tư lệnh Pháp tại Đông Dương.
Ba: ngày 28 tháng 4 năm 1956, người lính của đội quân viễn chinh Pháp vĩnh viễn rời khỏi Việt nam.
Thế là nhờ quân đội quốc gia, nhờ người Mỹ, từ nay ông Diệm bước lên đài danh vọng quyền quý tột đỉnh trong cuộc đời chính trị của ông.
Sau chiến thắng Bình Xuyên, những đấu thủ còn lại của Thủ tướng Diệm tại miền Nam chỉ là những lực lượng yếu kém và phân hoá.
Vê phía Cao Đài có Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc với một đơn vị Hộ vệ quân khoảng 300 tay súng. Thêm một kế hoạch của ông Ngô Đình Nhu, tướng Cao Đài bị mua chuộc Nguyễn Thành Phương dẫn đơn vị cũ đến Tây Ninh tước khí giới đám Hộ vệ quân này bắt giữ hai người con gái của Giáo chủ Cao Đài với tội tham nhũng bóc lột đồng bào. Giáo chủ Phạm Công Tắc và một số bộ hạ thân tín trốn được qua Cao Miên và kéo dài cuộc đời lưu vong cho đến lúc ông tạ thế.
Về phía Hoà Hảo võ trang thì còn ba nhóm: Trần Văn Soái (tức Năm Lửa), Lâm Thành Nguyên và Lê Quang Vinh (thường được gọi là Ba Cụt). Cả ba nhóm này có căn cứ và có địa bàn hoạt động tại miền Hậu Giang. Vào giữa năm 1956 tướng Dương Văn Minh hành quân mở chiến dịch càn quét những căn cứ này. Trần Văn Soái và Lâm Thành Nguyên chống cự không nổi nên phải về quy hàng với chính phủ. Riêng lực lượng Lê Quang Vinh, với kỹ thuật du kích chiến để tránh hoả lực hùng hậu của quân đội quốc gia, đã cầm cự được khá lâu dài nhưng cuối cùng bị bắt và xử tử.
Theo thông báo chính thức của chính phủ Diệm thì tướng Hoà Hảo Lê Quang Vinh bị một tiểu đội Bảo an bắt được tại Chắc Cà Đao (Long Xuyên) cùng với 5 tên hộ vệ. Trong một buổi lễ trao lệnh kỳ và huy chương, đại biểu chính phủ đưa tặng một triệu đồng cho Liên Đội Bảo An Trần Quốc Tuấn, Liên Đội đã có binh sĩ bắt được Lê Quang Vinh.
Nhưng lúc bấy giờ nhiều người đặc biệt là tướng Dương Văn Minh và Bộ tham mưu của ông ta biết rằng vụ bắt được Lê Quang Vinh là nhờ ông Nguyễn Ngọc Thơ lừa Ba Cụt đến điều đình trong lúc lính Bảo an đã bố trí một cuộc phục kích tinh vi nên mới bắt được người chiến sĩ nổi tiếng gan dạ và có tài đánh du kích đất miền Tây. Nếu không bị lừa thì làm sao một tiếu đội Bảo an có thể bắt được vị tướng Hoà Hảo đa mưu túc trí cùng với năm hộ vệ của ông ta. Sự thật thì ông Thơ chỉ muốn lừa Lê Quang Vinh về để đầu hàng chính phủ cho yên miền Tây, nơi quê hương của ông, không ngờ ông Diệm phản lại những lời đã hứa, ra lệnh cho toà án xử tử Lê Quang Vinh.
Sau cách mạng 1-11-63 ông Thơ cho tôi biết sở dĩ Lê Quang Vinh bị bắt ngày 13 - 4 - 1956 mà toà án quân sự và toà thượng thẩm Sài gòn xử xét đi phúc lại (đến 4 lần) cho đến ngày 6 - 7 - 1956 toà án quân sự Cần Thơ mới xét xử một lần chót là vì ông Diệm đã nhiều lần dụ Lê quang Vinh theo đạo thiên Chúa mà Lê Quang Vinh nằng nặc không theo. Nếu theo đạo Thiên Chúa thì Lê Quang Vinh sẽ được rửa tội trong một buổi lễ long trọng tại nhà thờ Đức Bà Sài gòn và sẽ' được trọng thưởng, và tất nhiên sẽ được tha mạng. Nhưng vị tướng “Mạnh Hoạch” vùng linh địa Thất Sơn nhất định giữ lấy nền đạo của Đức Thầy, vị giáo chủ mà ông vô cùng ngưỡng mộ và kính phục. Do đó ông ta đã bị ông Diệm ra lệnh cho toà án quân sự Cần Thơ phải: "Tuyên án tử hình, tước đoạt binh quyền và tịch thu tài sản". Tướng Lê Quang Vinh bị hành quyết ngày 13-7-1956 tại nghĩa địa Cần Thơ. Lúc chết ông mới 32 tuổi, trối trăn dặn vợ nuôi con cái nên người và xin được chôn ở núi Sam, Châu Đốc
Phải chăng từ cái chết của Lê Quang Vinh mà từ sau khi rời bỏ chính quyền, (vào thời mà tôn giáo Hoà Hảo được phục hồi) cựu Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ ở luôn Sài gòn cho đến qua đời, không dám trở về Long Xuyên nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ông có một ngôi biệt thự vô cùng huy hoàng và có một trăm mẫu ruộng.
Dẹp yên được Năm Lửa và Lâm Thành Nguyên, diệt được Ba Cụt Lê Quảng Vinh là chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động đối lập võ trang nguy hiểm tại miền Nam trừ những toán võ trang lẻ tẻ không đáng kể.
Tuy nhiên, tại miền Trung, vấn đề trở thành phức tạp và khó khăn hơn nhiều vì những lực lượng chống đối ông Diệm không phải là tay sai của Pháp mà là những đảng cách mạng đã từng xả thân đấu tranh vừa chống cộng vừa chống Pháp và đã có lúc ủng hộ ông Diệm trong và sau những nỗ lực vận động nắm chính quyền của ông. Tuy nhiên cuối cùng, chiến khu Ba Lòng ở Quảng Trị của đảng Đại Việt bị đánh tan. Chiến khu Nam Ngãi của Việt nam Quốc Dân Đảng bị ông Diệm ra lệnh cho sư đoàn Nùng càn quét dã man trong những năm 1955 - 1956 ở các quận Quế Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên nhưng vẫn không tiêu diệt được lực lượng có quá nhiều kinh nghiệm chiến trường và lòng yêu nước nồng nàn này cho nên khi ông Ngô Đình Cẩn phải dùng thủ đoạn “đoàn kết thoả hiệp" mới lôi kéo được đơn vị võ trang gần 200 tay súng về hợp tác để sau đó cấp lãnh đạo chính trị, quân sự của họ đều bị tù đày.
Ngoài ra phải kể đến vua Bảo Đại, người đã bổ nhiệm ông Diệm làm Thủ tướng, người đã từng một thời được ông Diệm tung hô vạn tuế khi ông còn làm quan Nam Triều. Với Bảo Đại, ông Diệm đã phải dùng đến những hình thức đấu tranh có vẻ dân chủ hơn qua một cuộc Trưng cầu dân ý (23-10-1955) để biểu diễn cho chính phủ và Quốc hội Hoa kỳ lúc bấy giờ đang thẩm định khả năng cai trị của ông. Ý nghĩa của cuộc truất phế này đã được ông Đoàn Thêm phân tích rõ ràng trong cuốn Những ngày chưa quên (Sài gòn, 1969) nhưng tôi cũng xin sẽ bổ túc và triển khai trong chương 6 vì những oái oăm lịch sử của biến cố này.
Như vậy, từ năm 1956, ông Diệm bây giờ đã là một Tổng thống hợp hiến và hợp pháp của một quốc gia Việt nam theo chế độ cộng hoà (dù ngày 26 tháng 10 năm 1955 mới chỉ ban hành hiến ước tạm thời), có cường quốc số một thế giới Hoa kỳ ủng hộ và có đại đa số quần chúng miền Nam Việt nam sẵn lòng sống chết với ông. Thực dân Pháp đã biến mất, Cộng sản miền Bắc là mối đe doạ minh nhiên và tức thời, cho nên toàn dân đoàn kết sau lưng ông để đương đầu với mối hoạ mới.
Công việc đầu tiên là cải tổ hai định chế lớn khi phối sinh hoạt quốc gia là bộ máy công quyền và bộ máy quân đội. Với sự yểm trợ về ngân quỹ về kế hoạch của Mỹ, ông biến quân đội Việt nam cộng hoà thành một thứ quân đội Hoa kỳ bản xứ, ít nhất là trên mặt hình thức và điều hành. Hệ thống tổ chức, quân phong, quân kỷ, quân nhu, quân dụng, cho đến những chi tiết nhỏ nhặt như cách chào, đôi giày trận, khẩu phần ăn... đều đến từ và theo khuôn mẫu Hoa kỳ.
Hiến pháp Việt nam ra đời, hiến pháp có một điều bất hủ rất phản dân chủ là "Tổng thống lãnh đạo quốc gia” cũng đã quy định tính cách phân quyền và xác định những định chế ở thượng tầng để quản trị đất nước. Viện trợ Hoa kỳ và sự yểm trợ của các nước trong thế giới tự do đã nâng uy tín cua ông lên cao.
Như vậy, từ nay, nhiệm vụ của tôi trên toàn Phân khu Duyên hải (gồm bốn tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận) sẽ gồm không những giữ gìn an ninh địa phương này mà còn về mặt chính trị, phải xây dựng cho quần chúng một ý thức chính trị vững mạnh mà nội dung là ủng hộ chế độ cộng hoà. Trước 1945, tôi có qua lại Nha Trang nhiều lần trong các chuyến đi công tác cho ông Ngô Đình Diệm khi còn hoạt động cho phong trào Cường Để. Lúc bấy giờ, đầu óc còn những suy tư về những hoạt động cách mạng bí mật và nguy hiểm vả lại tuổi còn trẻ nên tôi chưa nghĩ đến việc an cư lạc nghiệp cho gia đình. Nhưng từ năm 1953, khi được đổi về miền thuỳ dương gió miền cát trắng, làm đại diện cho quân khu II, tôi có nhiều thì giờ quan sát dân tình cảnh trí tỉnh Khánh Hoà hơn, tôi có ý định chọn Nha Trang làm quê hương. Ý định này trở thành quyết định vì sau ngày chia cắt đất nước vào tháng 7 năm 1954, tôi linh cảm thấy ngày trở lại nơi chôn nhau cắt rốn vùng tả ngạn sông Gianh quả thật xa vời. Sau những năm tháng lê gót khắp mọi nẻo đường đất nước, tôi thấy Nha Trang quả là nơi đất lành chim đậu có thể làm nơi sinh sống vĩnh viễn cho vợ con, làm nơi thừa hưởng cho mình khi tuổi đã về chiều. Tôi say mê Nha Trang, quyến luyến Nha Trang vì Nha Trang không khép kín u buồn như Cố đô Huế, không cô đơn lạnh lùng như Đà Lạt, không náo nhiệt xô bồ như Sài gòn. Tôi yêu Nha Trang vì cảnh non nước trời mây tình tứ Nha Trang sống động mà không suồng sã, mộng mơ mà không sầu não, một thành phố trung bình nhưng thanh lịch.
Ngay trước cả thời chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, phong cách Nha Trang nổi tiếng là tình tứ với hàng dương liễu dịu dàng trên một bờ biển cát trắng nước xanh, dân tình Nha Trang nổi tiếng là hiền hoà đôn hậu, chỉ biết khai thác đất cha biển mẹ làm phương kế sinh nhai. Vào đầu thế kỷ thứ 19, khi nhà bác học Pháp là Yersin đến định cư tại đây thành lập viện Pasteur để nghiên cứu thêm về vi trùng học trên các bệnh của miền nhiệt đới thì Nha Trang được chỉnh tu lại vừa đủ như một cô gái quê xinh đẹp điểm thêm một chút phấn hồng để trở thành một thành phố có hấp lực lôi cuốn khách nhàn du. Nhưng từ khi đất nước qua phân, ông Diệm về nước, thì Nha Trang bỗng vươn mình trở nên một "thành trì cách mạng" sôi động đến nỗi ông Ngô Đình Nhu, cha đẻ và lãnh tụ đảng Cần lao nhân vị, phải đích thân đến đây để tổ chức việc thành lập Quân uỷ Trung ương của Đảng. Thật vậy, lúc bấy giờ, chỉ độ một tuần sau ngày thành lập nền cộng hoà (26-10-1955), cuộc truất phế Bảo Đại còn đang làm cho một số dân chúng miền Trung xao động, miền Hậu Giang còn khói lửa mịt mù, tân nội các còn đối phó với bao nhiêu việc trọng đại... thế mà ông Nhu đã bỏ thủ đô vội vã đến Nha Trang để xúc tiến công tác này trong vùng trách nhiệm của tôi. Quả là một vinh dự cho Nha Trang và cho riêng tôi.
Không ai được biết đảng Cần lao được thành lập vào lúc nào ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ nòng cốt của đảng này, nhưng ai cũng biết là từ lúc chưa nắm được chính quyền ông Nhu đã cổ xuý và nhiều lần đề cập đến một đảng bí mật làm rường cột cho chế độ. Là một người nghiên cứu và chịu ảnh hưởng phần nào đến lý thuyết của Mao Trạch Đông, ông Nhu cũng chủ trương quản trị và lãnh đạo quốc gia theo phương trình Lãnh tụ - Đảng - Nhà nước - Nhân dân, nhưng điều làm ông Nhu không ngờ tới là ông đã theo phương trình này một cách quá lý thuyết nên sau này thực tế đã cắt miền Nam thành hai vùng chính trị khác nhau, lúc thì có ranh giới rõ ràng lúc thì lẫn lộn vào với nhau với nhiều mâu thuẫn sâu đậm: Hai lãnh tụ Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, hai đảng Cần lao miền Trung và Trung ương, hai nhà nước có hai bộ máy công quyền với những nhân sự và phương thức quản trị khác nhau, và hai loại nhân dân chạy theo hay chống lại chế độ. (Sẽ nói rõ hơn trong chương IX: Đảng Cần lao).
Tôi nhận lãnh nhiệm vụ Tư lệnh Phân khu Duyên hải được độ hai tháng thi trung uý Lê Quang Tung và Nguyễn Văn Châu từ Huế vào gặp tôi cho tôi biết hai Cậu (lúc bấy giờ Tung và Châu gọi hai ông Nhu và Cẩn bằng Cậu) phái họ vào Nha Trang để thảo luận với tôi về việc tiến hành thành lập Quân uý Trung ương của đảng Cần lao. Tôi hỏi vì sao không lập ở Sài gòn cho gần Trung ương của đảng hoặc ở Huế cho đông nhân sự nòng cốt trung kiên mà lại ở Nha Trang thì Châu trả lời vì "thượng cấp và anh em đều công nhận quân nhân Nha Trang có trình độ giác ngộ chính trị sâu có tinh thần đấu tranh cao, lại trung thành triệt để với lãnh tụ Ngô Đình Diệm". Rồi họ không tiếc lời khen tôi là người có công lớn trong việc xây dựng "thành trì cách mạng" tại bốn tỉnh miền Trung để làm thí điểm.
Điều làm tôi thắc mắc lúc đó là tôi không biết gì về đường lối và sách lược chính trị của đảng Cần lao, lại càng không biết gì về vai trò và nhiệm vụ của bộ phận quân uỷ trong sách lược của đảng cũng như trong sách lược chung của quốc gia. Như vậy ba lý do mà họ trả lời trên kia thật ra chỉ gồm trong điều cuối mà còn bị giới hạn nữa, nghĩa là không phải toàn quân, toàn dân Nha Trang mà chỉ "Cán bộ trung thành triệt để với lãnh tụ Ngô Đình Diệm". Vì tôi chỉ thấy đó là tiêu chuẩn duy nhất để kết hợp và phân nhiệm đảng viên nên sau ba ngày hội họp và đúc kết thành quả, khi toàn thể anh em bầu tôi là Chủ tịch Quân uỷ đảng Cần lao tôi liền viện ra một số lý do, công cũng như tư, để nhất quyết từ chối chức vụ này cũng như từ chối bất kỳ chức vụ nào trong Trung ương Quân uỷ.
Cuối cùng khi có sự can thiệp của ông Nhu và nhất là chính vì sự hiện diện đặc biệt của ông nên tôi đành phải nhận thức uỷ viên Trung ương cũng như Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, Tư lệnh quân khu II và đại tá Tôn Thất Xứng (vắng mặt trong buổi họp) Chủ tịch Quân uỷ do trung uý Nguyễn Văn Châu (sau này là giám đốc Nha chiến tranh tâm lý, hiện sống ở Pháp) và Phó chủ tịch do trung uý Lê Quang Tung (sau này là Tư lệnh Lực lượng đặc biệt) đảm nhiệm. Đó là hai sĩ quan trẻ có những điểm chung rất nổi tiếng trong quân đội về tinh thần địa phương quá khích, về thái độ mộ đạo cuồng tín và về quyết tâm phục tùng vô điều kiện mệnh lệnh của anh em ông Ngô Đình Diệm mà từ nay tất cả quân nhân của quân đội - từ Đại tướng đến binh nhì - sẽ bị chi phối về mặt lập trường chính trị và sẽ bị điều khiển về mặt công tác chính trị.
Sau buổi họp ông Nhu trở lại Sài gòn, các đồng chí trở về nhiệm sở cũ. Kết quả của buổi họp và hình thức cũng như nội dung của buổi họp không gây được một xúc cảm đặc biệt nào ngoại trừ cái tình cảm to lớn mà tôi đã có từ lâu là dân tộc ta, suốt cả thế kỷ này, đã chịu biết bao thống khổ điêu linh, nay được sống và tham dự vào công cuộc xây dựng một nền cộng hoà có tự do, có dân chủ và có phúc lợi cho toàn dân.