Trong khi đó thì tại miền Bắc Việt nam, Võ Nguyên Giáp đánh bật các đơn vị thiện chiến của tướng Raoul Salan ra khỏi cứ điểm Hoà Bình và tiếp theo là Điện Biên Phủ.
Mấy tuần lễ trước khi Hoà Bình thất thủ, tôi bị tướng Nguyễn Văn Hinh thuyên chuyển ra Bắc. Hồi bấy giờ, "ra Bắc" được xem như là một biện pháp chế tài đối với những sĩ quan ở miền Trung và miền Nam, vì tình hình sôi động của chiến sự và vì những tổn thất nặng nề về phía những quân nhân Việt nam. Hầu hết những sĩ quan Việt nam trung cấp bị đổi ra Bắc đều ít nhiều có hồ sơ chống Pháp, hoặc chống Bộ Tổng tham mưu của tướng Nguyễn Văn Hình.
Tôi theo học khoá tiểu đoàn trưởng và khoá Liên đoàn lưu động (để được cập nhật hoá với chiến trường Việt Bắc). Do đại tá Vanuxem, một trong những sĩ quan cao cấp xuất sắc nhất của Pháp lúc bấy giờ điều hành. Cùng khoá với tôi có trung uý Nguyễn Văn Thiệu. Mãn khoá, Thiệu, có thêm trung uý Cao Văn Viên và tôi được lệnh thuyên chuyển ra mặt trận Hưng Yên, trình diện với trung tá Dương Quí Phan, một sĩ quan nổi tiếng thân Pháp, tay chân của tướng Cogny, Tư lệnh miền Đông Bắc Việt, đang đóng ở Hải Dương, Mặt trận Hưng Yên vừa được Bộ tư lệnh Pháp trao trả phần trách nhiệm lại cho quân đội quốc gia Việt nam và đang bị những áp lực nặng nề. Bộ Tổng tham mưu Sài gòn chỉ định tôi làm Tham mưu trưởng. Cao Văn Viên làm trưởng phòng Nhì và Nguyễn Văn Thiệu là trưởng phòng Ba. Còn phòng Tư vẫn do một đại uý người Pháp phụ trách. Bộ chỉ huy và trung tâm hành quân chiến được đặt tại ngôi giáo đường to lớn rộng rãi của tỉnh lỵ Hưng Yên mà linh mục bề trên đã hoan hỉ vui lòng cho quân đội Pháp sử dụng từ trước.
Ba anh em chúng tôi được cấp phát chung một căn phòng nhỏ vừa đủ để ba cái ghế bố loại nhà binh và hàng ngày ăn cơm tại câu lạc bộ sĩ quan. Buổi tối, lúc trở lại phòng để chuẩn bị đi ngủ, Thiệu và tôi thường phân tích và luận bàn về tình hình chính trị và chiến sự đến khuya. Riêng Viên vốn tính ít nói nên chỉ thỉnh thoảng góp ý kiến mà thôi.
Tháng 4 năm 1953, tuy tình hình chiến sự ở Lào trở nên quyết liệt hơn khi Việt minh chiếm Cánh Đồng Chum và tiến quân về Luang Prabang, thủ đô Hoàng Gia Lào, nhưng không vì thế mà áp lực quân sự giảm bớt tại chiến trường Bắc Việt. Tháng 5 năm đó, tướng Henri Navarre thay thế tướng Salan nhưng chỉ làm cho quân Pháp thêm lúng túng vì quan điểm chiến lược thiếu thực tế của vị tướng lạnh lùng và cô đơn đã từng tham gia hai trận thế chiến này. Quân đội Pháp hoàn toàn bị động ngay cả ở thế phòng thủ. Hết căn cứ này đến căn cứ khác lần lượt bị mất vào tay địch hoặc bị rút bỏ, chỉ còn giữ lại một ít địa bàn ở các giáo phận Thiên chúa giáo như Bùi Chu, Phát Diệm, Kẻ Sặt... và các tỉnh xung quanh Hà nội và Hải Phòng...
Trước tình thế bi quan đó, Nguyễn Văn Thiệu đã hỏi tôi: "Theo anh thì cuộc chiến tranh hiện tại sẽ đi về đâu và tương lai Việt nam sẽ như thế nào?" Đó là câu hỏi có tính toàn bộ và lâu dài nhưng tôi vẫn xác quyết với Thiệu và Viên là "Thế nào Pháp cũng bại trận và tìm giải pháp thoả hiệp với Việt minh, đất nước sẽ bị chia đôi nhưng không biết chia ở khu vực nào. Hoa kỳ sẽ can thiệp vào Việt nam để chặn đứng mưu đồ bành trướng của Cộng sản ở Đông Nam Á và Hoa kỳ sẽ đưa ông Diệm về nước nắm chánh quyền”. Sau này tại Sài gòn, mỗi lần gặp tôi, Thiệu không quên nhắc lại chuyện cũ và công nhận tôi nhìn xa thấy rộng.
Sống tại Việt Bắc và đặc biệt tại Hưng Yên, tôi ở vào tình trạng của một sĩ quan đang thọ phạt dưới hình thức của sự lưu đày. Những đêm trăng lạnh lùng của xứ Bắc, cái tâm trạng cử đầu vọng minh nguyệt, để đầu tư cố hương, tôi nhớ về quê hương miền Trung, nơi đang có gia đình, bạn bè và tổ chức, tôi hồi tưởng đến những công tác đang dang dở và những đồng chí đang lưu lạc với rất nhiều nhớ thương. Nỗi niềm đó cộng với ý thức chính trị, tinh thần quốc gia cực đoan, hun đúc bởi hơn mười năm hoạt động làm tôi không thiết tha một chút nào với công việc hiện tại, một công việc tuy gọi là chống cộng sản nhưng trước hết chỉ làm lợi cho người Pháp trong ý đồ bám víu lấy mảnh đất thuộc địa mà không thực tâm trao trả độc lập cho người Việt nam, một nền độc lập đã biến thành ý thức chỉ đạo của dân tộc, mà vì nó và do nó mà nước tôi đã tồn tại đến nay. Cho nên trong suốt thời gian ở tại Hưng Yên, tôi đã cố tình không để một chút nhiệt tâm nào vào công vụ.
Thái độ đó lại được củng cố vững chắc hơn vào ngày 27 tháng 5 năm 1953, khi tại Sài gòn, hội nghị đoàn kết đòi hỏi: "Độc lập hoà bình cho Việt nam" do các đoàn thể chính trị của các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, các đảng phái chính trị như Đại Việt, Việt Quốc và các nhân vật tên tuổi như Nguyễn Xuân Chữ, Ngô Đình Nhu... tổ chức đã phổ biến lập trường quyết liệt của nhân dân Việt nam. Do đó, tôi thường tìm cơ hội lên Hà nội liên lạc với một số đồng chí thân hữu như ông Mai Văn Toan (sau này là dân biểu dưới chế độ ông Diệm), ông Trần Trung Dung (sau này giữ chức Bộ trưởng quốc phòng thời Đệ nhất cộng hoà)... để theo dõi hoạt động của ông Diệm tại hải ngoại và tìm hiểu những biến chuyển mới của tình hình chính trị. Mỗi lần đi Hà nội về, tôi lại mang theo một số báo Xã hội (do ông Nhu chủ trương) để phổ biến cho một số sĩ quan và nhân sĩ tại Hưng Yên trong mục đích xây dựng hậu thuẫn cho chủ trương chính trị của ông Diệm. Trong những dịp đi hành quân hay thanh tra các đơn vị tôi thường trình bày cho các sĩ quan biết tình cảnh trôi nổi hiểm nghèo thật sự của đất nước Việt nam trong cái thế tương tranh Pháp Cộng và thuyết phục họ về con đường nào mà một người Việt nam thực sự yêu nước đặc biệt nếu người Việt nam đó lại là một chiến sĩ cầm súng, nên chọn lựa.
Nhưng rồi những hoạt động “phi quân sự” đó của tôi dần dần bị báo cáo lên cho Bộ chỉ huy rồi đến tai trung tá Dương Quí Phan nên tôi bị tướng Cogny phạt 60 ngày trọng cấm, hạ tầng công tác và thuyên chuyển về Liên đoàn Lưu Động số 3, đang hành quân tại vùng Ninh Bình do thiếu tá Phạm Văn Đổng (hiện ở Mỹ) chỉ huy. Lý do bị phạt ghi trong hồ sơ quân vụ còn có thêm tội "vô lễ với cấp chỉ huy", vì đã hai lần tôi công khai chỉ trích Phan trước mặt đông người về tác phong “bồi Tây” của y khi mỗi buổi sáng, nếu gặp các hạ sĩ quan Pháp thì Phan ân cần chào hỏi "Bonjour moncaporal", còn nếu gặp sĩ quan Việt nam thì Phan chỉ chào lấy lệ và còn có ý khinh bỉ.
Trong bữa ăn cuối cùng tại câu lại bộ sĩ quan để tiễn tôi lên đường về nhiệm sở mới. Trung uý Nguyễn Văn Thiệu mở một chai champagne mời tôi và nói mấy lời tiễn biệt rất cảm động. Dương Quí Phan nổi giận, nạt Thiệu tại sao lại dám ca ngợi một sĩ quan đang mang trọng tội trước mặt y. Cử chỉ vừa ưu ái, vừa khí phách của Thiệu càng làm cho tôi quí mến Thiệu hơn. Trớ trêu thay, trong cuộc đời binh nghiệp và chính trị của Thiệu và tôi còn nhiều duyên nợ cho đến năm 1965, 1966, khi Thiệu và Kỳ lãnh đạo quốc gia, bắt tôi giam lỏng hai lần ở Pleiku và Nha Trang gần cả năm trời, tuyệt đối không được trở về Sài gòn.
Có lẽ vì ông Nhu đang muốn tập hợp lại cán bộ để tự lực chuẩn bị ngày ông Diệm về nước nên ông đã vận động với hai người bạn của ông là đại tá Trần Văn Đơn (vừa thăng chức và vẫn còn chỉ huy An ninh quân đội) và đại tá Trần Văn Minh (tham mưu trưởng của tướng Hinh) để tôi được thuyên chuyển vào Nha Trang, là địa phương chiến lược nằm gần giữa Huế (căn cứ địa tổ chức) và Sài gòn (chiến trường của tổ chức).
Rời miền Bắc căng thẳng của một Hà nội đang bắt đầu lên cơn sốt, tôi bay về Nha Trang với tư cách đại diện đặc biệt của Bộ Tư lệnh Quân khu Hai với nhiệm vụ cấp thiết thành lập 9 tiểu đoàn khinh quân theo kế hoạch tổ chức mới của Bộ tham mưu hỗn hợp Pháp Việt và của tướng O' Daniel, trưởng phái bộ quân sự Mỹ ở Sài gòn. Sau khi đã huy động thanh niên của ba tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận trong 4 tháng, tất cả 9 tiểu đoàn đều được thành lập và đều trong vòng huấn luyện ở quân trường thì tôi được thuyên chuyển và chỉ huy khu chiến Phan Rang vừa được Pháp trao lại cho Việt nam.
Trong khi đó thì cũng vào năm 1954, tướng Navarre, Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, phát động chiến dịch Atlante để tiến hành chiếm Bình Định và Phú Yên, và tạo áp lực nhằm xé nhỏ quân của Võ Nguyên Giáp vốn đang nỗ lực dồn hết chủ lực quân về mặt trận Điện Biên Phủ. Dự đoán rằng Giáp cũng sẽ áp dụng cùng sách lược, nghĩa là mở nhiều trận đánh lớn khác tại Trung Việt để cầm chân và làm tê liệt khả năng di động của các đơn vị địch, tôi bèn thảo một bản nhận định tình hình và một tờ trình về cho Bộ tư lệnh Pháp Việt của Phân khu Duyên hải tại Nha Trang để yêu cầu có kế hoạch đối phó và đồng thời xin tăng cường phương tiện phòng thủ cho chiến khu Phan Rang vốn rất thiếu thốn và yếu kém. Tôi còn dự đoán kế hoạch phản công của Việt minh trong địa phương trách nhiệm của tôi với những chi tiết từng đồn một và sự thất bại gần như đương nhiên của các đơn vị dưới quyền nếu không được thoả mãn nhu cầu tăng viện.
Nhưng Bộ tư lệnh Nha Trang, mà về phía Việt nam do đại tá Nguyễn Văn Vỹ chỉ huy, lại cho là tôi hoảng hốt, báo cáo láo bèn gởi văn thư khiển trách, kèm theo lệnh thuyên chuyển tôi ra Hà nội học lớp Trung đoàn trưởng, một quyết định mà tôi cho là phát xuất từ những mâu thuẫn chính trị hơn là từ nhu cầu quân sự lúc bấy giờ. Nhưng cũng nhờ theo học lớp Trung đoàn trưởng này tôi có thêm hai người bạn mới đồng khoá: Thiếu tá Lam Sơn và đại uý Nguyễn Chánh Thi. Người thay thế tôi tại Phan Rang là thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu, vừa ở Bắc về, với lý do Thiệu là người Ninh Thuận sẽ am hiểu và nắm vung tình hình hơn tôi.
Sau đó, quả nhiên đúng như bản nhận định mà tôi đã chi tiết rõ ràng, trong lúc tôi ở Hà nội thì Việt minh tổng phản công khắp các tỉnh miền Trung, đặc biệt tại các tỉnh Duyên hải. Tại Phú Yên và Bình Định, nhiều tiểu đoàn Việt nam bị tiêu diệt hoàn toàn, phải rút về lập vòng đai an toàn để chỉ còn bảo vệ các tỉnh lỵ mà thôi. Tại Quảng Nam, Việt minh tấn công Hội An và chiếm giữ một đêm, khi rút đi, họ phá huỷ một số công sự và bắt mang theo một số sĩ quan và những dụng cụ truyền tin. Riêng tại tỉnh Ninh Thuận của Thiệu, Việt minh tiến chiếm và tiêu huỷ các căn cứ ngoại vi mà tôi đã xây dựng để che chở mặt Tây Nam của Bộ chỉ huy Phan Rang. Trong một trận đánh ác liệt gần Tháp Chàm, Thiệu đích thân dẫn một đơn vị đi tiếp cứu bị Việt minh phục kích và theo lời một số người kể lại thì Thiệu đã phải "ôm quần mà chạy"
Sau những thất bại liên tiếp, Thiệu bị mất chức chỉ huy, đổi về Huế làm việc tại Bộ tham mưu Quân khu Hai, dưới quyền đại tá Trương Văn Xương, một công sự viên thân tín của tướng Hinh, giao quyền chỉ huy khu chiến Ninh Thuận lại cho Thái Quang Hoàng vừa được thăng thiếu tá. Thật ra không phải Thiệu kém khả năng chỉ huy hay thiếu kinh nghiệm chiến trường, Thiệu là người khôn ngoan, tính toán kỹ lưỡng, và hành động rất cẩn thận, nhưng vì binh sĩ tại khu chiến Ninh Thuận đại đa số là dân địa phương hiền lành, không có tinh thần chiến đấu.
Trở lại năm 1950, khi tôi về Quảng Bình để bắt đầu một giai đoạn nổi trôi lăn lóc trong những năm tàn khốc của cuộc chiến pháp Việt từ Trung ra Bắc, thì tháng 8 năm đó, sau một thời gian vận động ngầm của giám mục Ngô Đình Thục, ông Diệm và người anh có ảnh hưởng lớn lao trên Giáo hội Thiên chúa giáo Việt nam này, lên đường đi La mã dự lễ Năm Thánh để che đậy âm mưu đi Mỹ vận động chính trị.
Lộ trình đi không thẳng đến La Mỹ mà còn ghé qua Nhật Bản để thăm Kỳ ngoại hầu Cường Để (một “ giải pháp “ hầu như không còn giá trị gì nữa kể từ năm 1945) và nhất là để ông Diệm có cơ hội gặp giáo sư Wesley Fishel, một cựu sĩ quan tình báo hải quân thuộc Đệ Nhất Hạm đội Hoa kỳ thời đệ nhị thế chiến và nghe nói đang là một nhân viên cao cấp của CIA. Buổi họp mặt với viên chức Mỹ cao cấp trong ngành tình báo này đưa đến kết quả là trường đại học Michigan sẽ bảo trợ cho chuyến đi Mỹ của ông Diệm.
Sau đó, ông Diệm lên đường đi La mã dự lễ Năm Thánh và yết kiến Đức Giáo Hoàng, rồi từ đó bay qua Mỹ. Qua trung gian của giám mục Ngô Đình Thục, ông được Hồng y Spellman thuộc dòng Franciscain, tiếp kiến.
Từ Mỹ, ông Diệm lại quay về La mã mấy ngày rồi mới đi Thuỵ Sĩ, Bỉ, Pháp để thảo luận với một số chính khách Việt nam phần đông là người Công giáo đang cư ngụ tại các nước này. Năm 1951, ông Diệm trở lại Hoa kỳ hai năm, sống trong tu viện Maryknoll tại Lakewood (Newjersey) và Ossimng (New York). Nhờ sự giúp đỡ của Hồng y Spellman, thỉnh thoảng ông lại được mời đi thuyết trình tại các trường đại học miền Đông và miền Trung Tây Hoa kỳ. Ông cũng diễn thuyết tại thủ đô Washington và với lý luận rằng: "chỉ cần chấm dứt chính sách thực dân Pháp và chỉ cần Việt nam có một chính phủ do người quốc gia lãnh dạo là có thể đánh bại được Cộng sản” mà ông đã chiếm được tình cảm và lời hứa sẽ yểm trợ của các chính trị gia Mỹ như nghị sĩ Mike Mansfield, John Kennedy, Dân biểu Walter Judd, chánh án Williams Douglas, và nhiều chính khách Thiên chúa giáo khác. Phê bình câu nói của ông Diệm, giáo sư Buttinger cho rằng luận cứ này phối hợp được sự giản dị rất hấp dẫn và sự thuần lý khó chống cự được.
Chính vì sự "hấp dẫn không chống cự được” đó và quyết tâm của Hồng y Spellman muốn có một chính phủ Việt nam do người Thiên chúa giáo lãnh đạo (theo giáo sư Buttinger và Stanley Karnow mà ông Diệm đã trở thành một "giải pháp" khả dụng và khả thi cho chính sách Mỹ tại Đông Dương trong tương lai rất gần). Nhưng cái luận cứ "giản dị và thuần lý" này đã chứng tỏ tính cách thiếu khoa học và không thực tế của nó khi ông Diệm với một chính phủ quốc gia và 9 năm cai trị, ông Thiệu với một chính phủ quốc gia và 11 năm cai trị khác vẫn không đánh bại được cộng sản. Như vậy rõ ràng hai cái chế độ “quốc gia” đã phản trị quốc gia trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975 quả thật không xứng đáng trên cả hai mặt, nội dung cũng như thực tế để mang nhận danh từ này.
Theo dõi hành trình vận động quốc tế của ông Diệm, ta thấy gồm 6 chặng đường: Đi Đông Kinh gặp một nhân viên tình báo Mỹ, đến Vatican gặp Đức Giáo Hoàng, đi Mỹ gặp một vị Hông Y, trở lại Vatican không biết để làm gì trong một thời gian ngắn rồi lại qua Mỹ gặp tiếp vị Hồng y cũ, sau đó là các chính khách Hoa kỳ. Sáu chặng đường đó thật ra chỉ gồm hai danh từ riêng lẫy lừng: "Vatican và Mỹ".
Tháng 5 năm 1953, theo lời mời của một số chính khách Việt nam lưu vong mà đa số là người Công giáo, ông Diệm từ giã Hoa kỳ về Pháp rồi đi Bỉ và trú ngụ tại tu viện Bénédictine de St Andréles Purges. Đúng một năm sau, năm 1954, khi số phận Việt nam bắt đầu bị cột chặt bởi chiến bại của Pháp tại Điện Biên Phủ vào ngày mồng 7 tháng 5 và mặc cả tại hội nghị Genève thì ông Diệm trở lại Paris và sống tại ngôi nhà của ông Tôn Thất Cẩn. Tại đây, với sự yểm trợ đắc lực của người em là Ngô Đình Luyện, ông bắt đầu mở các cuộc thăm dò và vận động trong giới chính khách Việt nam cũng như các thế lực quốc tế.
Theo giáo sư Buttinger thì tại Sài gòn ông Nhu biết rằng anh mình không đủ khả năng trong việc đối phó với những vận động chính trị quốc tế khó khăn và phức tạp, bèn vội vàng phái cộng sự viên thân tín là ông Trần Chánh Thành và Lê Quang Luật qua Paris để tăng cường thêm cho ông Diệm. Ông Trần Chánh Thành nguyên là tri huyện thời Pháp thuộc, sau theo Việt minh làm chánh án Liên Khu Tư, rồi bỏ kháng chiến về Tề vào năm 1952. Còn ông Lê Quang Luật là một trí thức Thiên chúa giáo Bắc Việt, thủ túc thân tín của giám mục Lê Hữu Từ.
Ba mục tiêu vận động quan trọng và quyết định nhất cho ông Diệm là đạt được sự yểm trợ của chính quyền Mỹ, tranh thủ được sự thoả thuận của chính phủ Pháp, và cuối cùng là thuyết phục được Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng. Ba vận động liên hệ chặt chẽ đến vận mệnh của hàng triệu người Việt nam mà sức mạnh vô địch của chính hàng triệu người Việt nam đó không hề được đụng tới. Thật ra ba bước vận động này tròng vào nhau như ba mắt xích, mà trong bối cảnh chính trị quốc tế lúc bấy giờ, mở được xích thứ nhất là hai mắt xích còn lại sẽ bị tháo tung. Mắt xích thứ nhất, Hồng y Spellman đã giúp ông Diệm mở ra từ năm 1953 rồi cho nên tuy Bảo Đại và chính phủ Pháp lúc bấy giờ không đồng ý “con người Ngô Đình Diệm", nhưng dưới áp lực nặng nề của Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles và sự can thiệp mạnh mẽ của Hồng y Spellman vào chính sách của Phong trào cộng hoà Bình Dân Thiên chúa giáo Pháp (MRP), cuối cùng chính phủ Pháp và Bảo Đại đành phải chấp nhận bổ nhiệm ông Diệm làm Thủ tướng.
Đằng sau vở tuồng chính trị này, ta còn thấy thấp thoáng bóng dáng một người đàn bà mà tuy vai trò khiêm nhường không kém phần quan trọng là bà Nam Phương Hoàng hậu, một nữ tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo và có uy tín. Ông Tôn Thất Cẩn, con trai của cụ Thân thần Phụ chánh Tôn Thất Hân và là bạn thân của ông Diệm, đã thuyết phục bà Nam Phương để bà góp ý với chồng với điều kiện sau khi ông Diệm cầm quyền phải nâng đỡ Hoàng tử Bảo Long, người con trai đầu lòng của bà và của vua Bảo Đại. Bernard Fall cho biết ông Diệm đã quỳ xuống trước bà Nam Phương để nhận lời uỷ thác đó.
Ngày 16 tháng 6 năm 1954, sau một buổi tiếp kiến với Ngoại trưởng Foster Dulles, Quốc trưởng Bảo Đại ký sắc lệnh 38/QT bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng. Sau khi ông Diệm tuyên bố chấp nhận, Bảo Đại bèn kéo ông vào một gian phòng kế cận trong lâu đài Thorence, nơi Bảo Đại trú ngụ tại Cannes, chỉ bức thánh giá rồi bắt ông thề: “Chúa của ông đó, ông hãy thề sẽ bảo toàn lãnh thổ quốc gia mà người ta sẽ giao phó cho ông. Ông sẽ bảo vệ quốc gia chống lại Cộng sản và nếu cần đánh cả người Pháp “.
Ông Diệm suy nghĩ giây lát, nhìn Bảo Đại, rồi quay lại phía thánh giá để thề:
- Tôi xin thề!
Kể lại những sự kiện trên đây, ký giả Karnow viết rằng: “Sau khi bổ nhiệm ông Diệm làm Thủ tướng, Bảo Đại đã tự đào lỗ huyệt chính trị của mình mà không biết".
Những sự kiện về việc ông Ngô Đình Diệm đến bái yết Quốc trưởng Bảo Đại khi nhận chức Thủ tướng còn được Hillaire Du Berrier kể tường tận hơn, đúng như cựu Bộ trưởng Phan Huy Quát và ông Tôn Thất Cẩn đã kể cho tôi nghe:
Ngô Đình Diệm sau khi từ giã Hoa kỳ năm 1953, về Bỉ rồi đến Pháp và không thể tránh được con đường dẫn tới ngôi lâu đài 12 phòng tại Cannes. Lúc ấy vào tháng 6 năm 1954, một người thấp nhỏ, kỳ dị, lạnh lùng, thiếu nét vui tươi đứng trước một vị cựu hoàng mà vẫn tâu là "Bẩm Hoàng Thượng", mặc dù vị cựu hoàng đó lúc bấy giờ chính thức mang danh hiệu là Quốc trưởng.
Bảo Đại biết rõ con người đó tính tình bất thường hay thay đổi khi thì bẽn lẽn rụt rè nhưng đôi khi lại nóng nảy cục cằn, thứ người lì lợm khắc khổ vì những năm tháng cô đơn thiếu tình người, Bảo Đại biết con người đó cao ngạo và ngoan cố. Nếu để chọn lựa một vị Thủ tướng trong giờ phút tổ quốc lâm nguy để phục vụ hữu hiệu cho quốc gia thì Ngô Đình Diệm mà Bảo Đại sẽ phải chỉ định làm Thủ tướng chỉ là con người được chọn lựa sau chót, nhưng Bảo Đại không còn có lựa chọn nào khác hơn.
Quì xuống trước Bảo Đại, Ngô Đình Diệm thề trung thành với vị hoàng đế của ông ta. Đã trải qua biết bao thăng trầm cay đắng, Bảo Đại chấp nhận mọi việc chỉ là thường tình, Bảo Đại cố quên những buổi hội thảo, đầy sóng gió tại Hồng Kông năm năm về trước, Bảo Đại biết rằng con người trước mặt ông ta không bao giờ quên thù hận nhưng Bảo Đại vẫn làm phần vụ của ông ta chỉ định Ngô Đình Diệm làm thủ tướng với toàn quyền thành lập chính phủ. Lời nói cuối cùng của Bảo Đại là: "Ông hãy hợp nhất các giáo phái vào cộng đồng quốc gia, thống nhất phần đất nước còn lại của chúng ta".
Bà Nam Phương Hoàng hậu, cũng là một tín đồ Thiên chúa giáo như ông Diệm, đã khẩn khoản yêu cầu ông Diệm hãy cứu vãn và tạo thế lực cho nhà Nguyễn để giúp đỡ cho Bảo Long, con trai bà. Bảo Đại ký cho ông Diệm cái ngân phiếu một triệu đồng bạc để tổ chức những cuộc biểu tình "tự phát" (spontaneous demonstration) hầu làm xúc động người Mỹ và tạo hào hứng cho dân chúng Việt nam. Diệm bỏ ngân phiếu vào túi rồi cảm ơn và tâu: "Bẩm Hoàng Thượng nếu khi nào Ngài thấy tôi có lỗi, Ngài chỉ nói một lời là tôi từ chức ngay".
Ngày 26 tháng 6 năm 1954, Diệm vào tuổi 54 trở về Việt nam để chấp thánh và từ đây thì trách nhiệm về phần người Mỹ.
Nhận định về những nỗ lực và thành quả vận động quốc tế của ông Diệm, ta thấy yếu tố chính quyết định những nỗ lực và thành quả này là tôn giáo của ông Diệm. Uy tín trong nước của ông, vị thế chính trị trong nước của ông, cơ sở quần chúng trong nước của ông... quả thật chỉ là những hậu thuẫn nho nhỏ không đủ để giúp ông mở được cánh cửa của Mỹ và Pháp. Trong cái thế chinh trị toàn cầu lúc bấy giờ, khi mà nội bộ nền đệ tứ Cộng hoà Pháp đang dần dần băng rã vì "trận chiến tranh bẩn thỉu", khi mà Cộng sản đang từ từ lộ nguyên hình tại Đông Nam Á, thì nhu cầu của cường quốc Mỹ là can thiệp vào Việt nam với một "người hùng bản xứ" chống Cộng. Mà dưới nhãn quan chính trị và nhân văn của Mỹ vào thập niên 50, 60 "người hùng" chống cộng đó phải là và chỉ có thể là một tín đồ Thiên chúa giáo. Ông Diệm thoả mãn đầy đủ những điều kiện đó của nhu cầu này. Và vì ông là ứng cử viên "hợp lệ" duy nhất nên ông đã được chọn Tôn giáo của ông đã đưa ông lên đài danh vọng thì cung chính vì tôn giáo của ông mà sau này thân thế sự nghiệp của ông phải tan tành.
Ông Diệm từ Paris trở về nước ngày 26 tháng 6 năm 1954 sau năm năm trời sống tại các thủ đô quốc tế ở Hải ngoại (năm năm này, sau đó, đã được đưa vào phần mở đầu của bài ca "Suy tôn Ngô tổng thống"... "Ai bao năm từng lê gót nơi quê người"...).
Sau này khi biết được đón tiếp ông Diệm thiếu sự tham dự của nhân dân tôi đã trách móc ông Nhu và Võ Văn Hải không huy động nổi đồng bào đi biểu tình đông đảo để đón tiếp sự hồi hương của lãnh tụ. Buổi đón tiếp tuy đầy đủ phần nghi lễ nhưng thiếu hẳn quần chúng đón chào tỏ ra rằng ông Diệm không có thực lực quần chúng ủng hộ. Vả lại 500 người có mặt tại Tân Sơn Nhất hôm đó quả thật đã không đại diện một chút nào cho 25 triệu người Việt nam trên mặt pháp lý cũng như chính trị, trên mặt liên đới tình cảm cũng như liên đới tinh thần.
Một người đã từng chống Bảo Đại và chống Pháp thì không thể trở về với dân tộc để lãnh đạo quốc gia bằng một sắc lệnh của Quốc trưởng và trên một chiếc máy bay có cờ tam tài. Trường hợp đó và khung cảnh đó phù hợp với những thoả hiệp của cuộc vận động chính trị hậu trường hơn là kết quả của một quyết tâm xả thân đấu tranh cho đất nước, cho nên nhân dân Việt nam nói chung, và quần chúng Sài gòn nói riêng vẫn không tìm được sự hào hứng để chào mừng ông Diệm trong ngày trở về của ông.
Nhưng lúc đó đối với tôi, từ miền Bắc xa xăm, và sau 5 năm trông đợi ngày về của người đạo tổ chức, ngày ông Diệm về nước là một ngày hội lớn, là sự thành tựu của 12 năm đấu tranh cho lý tưởng của mình xuyên qua hình bóng của ông Ngô Đình Diệm, là ngày mà những tra tấn trong ngục tù, là những ly biệt với vợ con, những hiểm nghèo trong lửa đạn bắt đầu đơm bông kết trái thành đài vinh quang. Tôi đã không cần giấu giếm nữa mà bộc bạch hẳn với hai người bạn đồng khoá là thiếu tá Lam Sơn và đại uý Nguyễn Chánh Thi về tương lai chắc nịch của đất nước, về cơ hội lịch sử đã cho phép ông Diệm sẽ được quản trị quốc gia một cách dân chủ, sẽ được thi thố tài năng sống mái thư hùng với Cộng sản.
Tuy nhiên sau những phút vui mừng bồng bột đầu tiên đó, tôi bắt đầu lo âu cho ông Diệm. Đã từng sống giữa lòng quê hương từ trước cuộc kháng Pháp, đã từng làm việc chung với người Pháp trong chế độ Bảo Đại, đã là chứng nhân của bao nhiêu biến cố chính trị, bao nhiêu lừa lọc phản trắc, tôi biết ông Diệm sẽ phải đi qua một bãi mìn nổ chậm với bao nhiêu khó khăn, phức tạp, cạm bẫy đang chờ đợi ông. Cụ thể hơn, là một sĩ quan cấp tá thâm niên, tôi biết rõ tham vọng và tính tình của tướng Nguyễn Văn Hinh và tinh thần quân đội dưới quyền ông ta. Nhưng thực tế này sẽ là trở lực khó khăn nguy hiểm đầu tiên mà ông Diệm không thể tránh được. Đành rằng trong giai đoạn đó, quân đội không phải là yếu tố quyết định những thay đổi quan trọng của tình hình chính trị Việt nam, nhưng ở một mặt nào đó quân đội dưới quyền tướng Hinh, một người Pháp mang tên Việt, lại đủ sức cản trở những kế hoạch của ông Diệm. Hay đi xa hơn, có thể tiêu diệt ngay sức mạnh pháp lý và chính trị còn mong manh của vị tân Thủ tướng.
Biết như thế mà lại biết rất rõ nữa là khác cho nên dù điều kiện khó khăn và phương tiện bị hạn chế tôi cũng phải làm mọi cách để giúp ông Diệm phần nào hay phần đó. Tuyên truyền, giác ngộ vẫn là thứ khí giới hữu hiệu nhất cho nên tôi bèn viết rồi nhiều thư cho các bạn bè từ chí thân đến sơ giáo, cho các sĩ quan thân tín ở nhiều quân khu, nhiều đơn vị, nói cho họ biết muốn cứu nước, muốn quốc gia khỏi rơi vào tay cộng sản, muốn còn có đất chôn chân thì phải ủng hộ cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm vượt thắng mọi thế lực chống đối ông ta. Với các sĩ quan miền Trung như Nguyễn Ngọc Lễ, Lê Văn Nghiêm, Thái Quang Hoàng, Tôn Thất Đính... tôi không ngần ngại nói thẳng cho biết rằng tướng Hinh và những tay sai của Pháp sẽ tìm cách triệt hạ ông Diệm. Tôi yêu cầu họ nỗ lực hoạt động lôi kéo bạn bè, cộng sự viên của họ theo con đường chính nghĩa. Mục tiêu của tôi là xây dựng cho Diệm một chủ lực, nếu không được thì ít nhất là một hậu thuẫn trong quân đội để đối phó với cuồng vọng của tướng Nguyễn Văn Hinh sau này.
Tại Hà nội, nơi tôi học, có bốn lớp quân sự: lớp Trung đoàn trưởng, lớp tham mưu trưởng, lớp Tiểu đoàn trưởng và lớp Đại đội trưởng, tổng số khoá sinh gồm độ 150 người, mà khi tốt nghiệp những sĩ quan này sẽ được bổ nhiệm vào các chức vụ chỉ huy. Tôi đùng luận điệu: “ông Diệm có còn, Việt nam mới còn" để tác động tinh thần họ. Thiếu tá Lam Sơn, đại uý Nguyễn Chánh Thi cũng đồng quan điểm với tôi sau này họ đã có công trong việc giúp ông Diệm chống lại lực lượng của tướng Hinh. Sau này, biến cố đất nước bị chia đôi ngày 20 tháng 6 bởi hiệp ước Genève do sự bất lực của Pháp và các chính phủ của chế độ Bảo Đại, càng cho tôi thêm yếu tố để tuyên truyền hầu tăng cường uy tín và lập trường quốc gia chống Pháp của ông Diệm.
Ngày 30 tháng 6, ông Diệm ra Hà nội để quan sát tình hình miền Bắc và để thăm dò nhân sự hầu thành lập nội các, thì tình hình chiến sự tại Bắc Việt đã đến hồi kết thúc trong hỗn loạn. Đại tá Vanuxem mở cuộc hành quân Auvergne để di tản khỏi miền Nam của Bắc Việt (Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định... các tỉnh có nhiều giáo phận và đồn bót của Pháp) trong cố gắng tránh những tổn thất do cuộc rút quân gây ra. Thành phố Hà nội Nội tràn ngập dân di tản ở các vùng này, họ sống lê lết ở các vỉa hè, xô xát với nhân viên công lực và đúng như Bảo Đại đã mô tả trong "le Dragon D'annam", họ là những người Thiên chúa giáo, lực lượng mà ông Diệm tin cậy sẽ là hậu thuẫn ở miền Bắc nhưng họ chỉ lo tìm đường chạy trốn vào Nam.
Quyết định rút lui của quân đội Pháp đã như cơn gió mạnh thổi tan lực lượng này, vốn hiện diện và tồn tại phần lớn nhờ nương dựa vào sức mạnh của chính quân đội đó. Khi cây đã ngã thì những bìm bịp dựa vào đó cũng ngã theo luôn. Khi nhận thức Thủ tướng với Bảo Đại, ông Diệm không ngờ chiến sự tại Bắc Việt lại suy sụp nhanh đến thế, khi thề trước thánh giá sẽ “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ", ông Diệm đã hoàn toàn không nắm vững được tình hình sẽ biến chuyển theo chiều hướng nào. Như suốt cả cuộc đời của ông Diệm (và cả anh em ông nữa) đã chứng minh, họ luôn luôn chủ quan, không thực tế và nhất là chỉ cho mình là đúng, là nhất.
Khi quân Pháp rút lui tâm trạng bị bỏ rơi của các giáo phận đó đã được chính đại tá Vanuxem kể lại trong hồi ký của ông qua thái độ tuyệt vọng một cách nhục của giám mục Phạm Ngọc Chi thuộc giáo phận Bùi Chu, một thái độ bị bỏ rơi nên trở lại coi người bạn Pháp năm xưa như kẻ thù:
Một ngày kia, tại Nam Định, nơi có bộ chỉ huy của tôi người ta báo cho tôi biết có một số các vị giáo phẩm Thiên chúa giáo của địa phận xin vào thăm, tôi tiếp họ ở một căn hàng tạp hoá. Cả thảy có bốn người, cầm đầu bởi giám mục Phạm Ngọc Chi thuộc giáo phận Bùi Chu và sau này thuộc giáo phận Đà Nẵng và luôn luôn là bạn thân của tôi.
Đến trước mặt tôi, ông bèn quì xuống trong lúc tôi cố đỡ ông lên, ông nói: "Không, tôi xin lỗi đại tá. Chúng tôi xin lỗi đại tá. Chúng tôi cứ tưởng rằng quốc gia xứng đáng được độc lập mà đại tá có bổn phận giúp đỡ; nhưng chúng tôi đã nhận ra quá muộn rằng những người mà chúng tôi trông cậy (người Pháp) lại là những kẻ thù của chúng tôi, những kẻ thù muốn chúng tôi mất linh hồn".
Vanuxem kết luận rằng: Thật là một thảm hoạ to lớn khi những nhân vật lãnh đạo tinh thần đã buộc phải hạ mình nhục nhã trước một quân nhân. Tương lai đã cho thấy tất cả thảm hoạ đó. Giáo phận Bùi Chu đã hợp tác và phục vụ quân đội Pháp ngay từ ngày đầu tiên Pháp trở lại Bắc Việt. Giáo phận này đã biến một số giáo đường thờ Chúa thành pháo đài quân sự, khuyến khích thanh niên Thiên chúa giáo gia nhập Phụ Lực Binh cho quân đội Pháp. Tình trạng của giáo dân trước viễn ảnh Tây đi Cộng về rõ ràng rất nguy hiểm và rất đáng tội nghiệp, nhưng không phải vì thế mà một vị tu sĩ cao cấp lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo có truyền thống hy sinh tử vì đạo lại có thể quì xuống trước một quân nhân ngoại quốc để cầu khẩn họ ở lại bằng những luận cứ trách móc, giận hơn. Cách thế hành xử đó và nội dung lời cầu khẩn đó không những làm đau lòng những tín đồ Thiên chúa giáo chân chính mà còn làm cho những đồng bào Việt nam của ông hổ thẹn nữa (Sau này, khi di cư vào Đà Nẵng, linh mục Phạm Ngọc Chi trở thành một lãnh tụ của đảng Cần lao tại miền Trung bên cạnh lãnh chúa Ngô Đình Cẩn. Không trách gì quần chúng và Phật giáo đồ tại miền Trung bị khốn khổ và cũng không trách gì những người như vậy mà chế độ Ngô Đình Diệm bị toàn dân căm thù lật đổ vào năm 1963).
Được tin ông Diệm tới Hà nội, tôi bèn tới dinh Thủ hiến để gặp chào mừng ông. Một đám đông chưa tới một ngàn người, do nhóm các ông Lê Quang Luật và Hoàng Bá Vinh (hai nhân sĩ Thiên chúa giáo ở Bắc) tổ chức, đang cầm quốc kỳ và trương biểu ngữ diễu hành trước dinh Thủ hiến để chào mừng vị tân Thủ tướng. Tôi vừa buồn vừa giận vì số người tham dự quá ít ỏi so với dân số Hà nội lúc bấy giờ, nhất là dân số đó lại vừa tăng cường nhờ số dân Thiên chúa giáo tị nạn từ các tỉnh mới đến. Tôi nghĩ thầm như thế và đâm ra ngượng với các cán bộ của Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí (thuộc đảng Đại Việt), vốn không ưa gì ông Diệm.
Khi ông Diệm đến bực thềm để vào dinh Thủ hiến thì thấy tôi, tôi vội chào lớn "Thưa Cụ". Ông Diệm nhìn tôi vừa lộ vẻ ngạc nhiên một cách vui mừng và nói lớn: "à? Có cả anh Mậu đây nữa à". Tôi chưa kịp nói thêm điều nào thì những lễ nghi quân cách đã vang lên kéo ông vào đại sảnh. Tuy hơn tôi những 16 tuổi và xa cách gần sáu năm trời, tôi vẫn không thấy ông già thêm bao nhiêu. Bước đi của ông vẫn ngắn và thoăn thoắt, chỉ có dáng người trông có vẻ bệ vệ hơn trong bộ âu phục trắng. Biết ông còn bận với những nghi lễ, tôi vội rời đám đông trở về quân trường. Nhớ lại ngày nhận được tin ông Diệm được Cụ Hồ Chí Minh trả tự do tôi mừng bao nhiêu thì hôm nay, gặp lại ông trong cảnh huy hoàng của sự đạt thành ý nguyện, tôi mừng bấy nhiêu. Đối với tôi một cá nhân tầm thường, một cán bộ đấu tranh chỉ có tấm lòng, son trang trải cho quê hương, thì sự kiện ông Diệm năm được chính quyền là một thắng lợi vĩ đại của tổ quốc, của tổ chức và của chính mình. Mười hai năm gian truân vào tù ra khám, mười hai năm không biết được khói ấm gia đình, mười hai năm cầm cự cho tổ chức sống còn... như cuốn phim dài chợt tuần tự trình chiếu lại như một thoáng vó câu. Tôi mừng mừng tủi tủi đến rơi nước mắt và trong một thoáng ngắn ngủi, chợt thấy trời đất Bắc mùa Hạ mà ngọt ngào hương nắng mùa Xuân.
Hai ngày sau, ông Diệm cho người mời tôi vào dinh Thủ hiến để thăm hỏi tình hình chiến sự, tình trạng gia đình. Ông bắt tôi kể lại cho ông nghe điều kiện sinh hoạt của từng anh em trong nhóm và riêng tôi thì khi nào mãn khoá để vào Nam. Ông cũng cho biết là mới về, công việc còn đa đoan và nhiều khó khăn. Sau những phút nồng nhiệt ban đầu của cuộc gặp gỡ, ông trở lại với trạng thái đăm chiêu nét lo âu mệt mỏi hiện rõ ra trên cặp mắt kém linh động; ghế bên kia, ông Nhu ngồi với vẻ mặt khổ não lầm lì. Được gần một tiếng đồng hồ thì tôi đứng dậy chào về vì bên ngoài đã người chờ vào gặp.
Ra ngoài hành lang dinh Thủ hiến, tôi gặp cụ Tạ Chương Phùng và Võ Văn Hải, bèn thắc mắc họ về nét mặt ưu tư của ông Diệm và ông Nhu. Hải chưa kịp trả lời thì cụ Phùng đã nói: "Hôm qua ông Nhu mới bị Cụ la cho một trận nên thân đó”. Cụ Phùng nhắc lại gần như nguyên văn lời ông Diệm gay gắt với ông Nhu: “Chú đánh điện qua Pháp bảo tôi mọi việc ở nhà đều xong xuôi sẵn sàng cả rồi, bây giờ tôi về lại gặp không biết bao nhiêu là khó khăn. Không ai thèm hợp tác với tôi, ngay cả ông Chữ và ông Toàn cũng từ chối (tức là bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ và bác sĩ Lê Toàn, hai đồng chí của ông Diệm trong phong trào Cường Để hoạt động ở Bắc Việt dưới thời Nhật chiếm đóng). Tôi không làm việc được trong tình cảnh này, về Sài gòn rồi tôi sẽ ra đi”. Tuy ông Diệm nói thế nhưng hai anh em ông vẫn liên lạc thăm dò, mời một số chính khách tham dự vào nội các của ông. Sau gần hai tuần lễ Việt nam không có chính phủ, ngày 7 tháng 7 tại Sài gòn, nội các Ngô Đình Diệm đầu tiên ra mắt quốc dân với thành phần như sau:
- Ngô Đình Diệm: Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.
- Trần Văn Chương: Quốc vụ Khanh
- Trần Văn Đỗ: Tổng trưởng Ngoại giao
- Trần Văn Của: Tổng trưởng Tài chánh, Kinh tế
- Phan Khắc Sửu: Tổng trưởng Canh nông
- Nguyễn Tăng Nguyên: Tổng trưởng Lao động và Thanh niên
- Trần Văn Bạch: Tổng trưởng Công chánh và Giao thông
- Nguyễn Dương Đôn: Tổng trưởng Giáo dục.
- Phạm Hữu Chương: Tổng trưởng Y tế xã hội
Ngoài ra còn có một số Bộ trưởng như:
- Trần Chánh Thành: Bộ trưởng Phủ Thủ tướng
- Lê Quang Luật: Bộ trưởng Thông tin
- Nguyễn Ngọc Thơ: Bộ trưởng Nội vụ
- Lê Ngọc Chấn: Bộ trưởng Quốc phòng
- Bùi Văn Thinh: Bộ trưởng Tư pháp
- Nguyễn Văn Thoại: Bộ trưởng kinh tế
- Trần Hữu Phương: Bộ trưởng Tài chánh
- Phạm Duy Khiêm: Phát ngôn viên phủ Thủ tướng.
Nhìn vào thành phần chính phủ trên đây ta thấy có một số nhân vật có uy tín, có thành tích đấu tranh, số khác là những nhà trí thức khoa bảng hoặc là thành phần quan lại cũ, nhưng không có nhân vật nào nằm gai nếm vật xả thân cho cách mạng chống Pháp chống Việt minh như anh em ông Diệm thường hô hào. Và đại đa số những tổng, bộ trưởng trong nội các lại càng chưa bao giờ "cầm súng kháng chiến" như lời tuyên bố của ông Diệm tại Hồng Kông năm 1950 khi ông bắt đầu cuộc hành trình vận động quốc tế.
Điều mỉa mai là trong số 16 nhân vật cộng tác với ông Diệm trong chính phủ đầu tiên này, chỉ trừ các ông Nguyễn Dương Đôn và Phạm Duy Khiêm là không nghe nói đến có mâu thuẫn và chống đối với ông Diệm hay chế độ của ông, 14 vị còn lại dần dần đều trong tư thế đối lập hoặc trở thành kẻ thù của ông Diệm. Ngay như hai ông Bùi Văn Thinh và Trần Chánh Thành, những người từng chia sẻ đắng cay, đồng lao cộng khổ với ông Diệm trong những năm 1954, 1955, mà tôi cũng bị bạc đãi để phải ra nước ngoài theo chính sách của nhà Ngô là "được làm Vua, thua làm Đại sứ”. Kỹ sư Trần Văn Bạch chỉ vì không chịu hô "Ngô Thủ tướng muôn năm” trong lễ chào cờ mà bị mất chức, bị gán cho là thân Bình Xuyên và bị theo dõi. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, người bạn chí thân của ông Diệm, cuối cùng rồi cũng theo phe cách mạng 1-11-63. Ông Nguyễn Văn Thoại làm Bộ trưởng mấy tháng rồi cũng chán nản từ chức bỏ nước ra đi v.v...
Một điểm lưu ý ở đây là từ năm 1956, nghĩa là khoảng 8 tháng sau khi truất phế Cựu hoàng Bảo Đại và thành lập nền Cộng hoà, chính phủ ban hành đạo luật xem ngày 7 tháng 7 như một quốc lễ (Lễ Song Thất) và đồng thời bài "Suy tôn Ngô Tổng thống" được hát sau bài quốc ca trong tất cả mọi lễ chào quốc kỳ của tất cả mọi trường hợp (Bài hát đại ý tôn vinh cá nhân Ngô tổng thống anh minh đã cứu nguy cho dân tộc mà trong phần điệp khúc có câu: “Toàn dân Việt nam nhớ ơn Ngô tổng thống. Ngô tổng thống, Tổng thống muôn năm” đã được quần chúng nhại lại một cách châm biếm là "Toàn dân Việt nam nhớ ăn tô hủ tiếu. Tô hủ tiếu, hủ tiếu ngon ghê?" và nhiều câu lời thanh ý tục, hoặc lời tục ý tục khác nữa).
Lễ song thất và bài ca suy tôn Ngô Tổng thống là một sự bắt chước thô kệch và thất nhân tâm của ngày lễ song thất, vốn là quốc khánh của Trung hoa dân quốc để kỷ niệm ngày cách mạng Tân Hợi thành công (1911). Thô kệch vì tình hình của nó, một bên là vinh danh một cuộc cách mạng, một bên là suy tôn một cá nhân; và thất nhân tâm là vì nội dung của nó, một bên mô tả lại một cuộc cách mạng gian khổ để đạp đổ nền quân chủ phong kiến, còn một bên mô tả lại một cá nhân "bao năm lê gót nơi quê người" mà ai cũng biết là "lê gót" để đi vận động chính trị chứ không phải xuất dương để đấu tranh cách mạng gian khổ. Tội nghiệp ông Diệm đã từng chống lại ông Bảo Đại rồi “lê gót" từ Việt nam qua Ro me, qua Mỹ mong cầu hai thế lực đưa ông về nước làm lãnh tụ, không ngờ ông còn buộc phải qua cái cầu Bảo Đại nữa mới mong làm được Thủ tướng. Theo Cao Văn Luận trong Bên dòng lịch sử thì giữa năm 1953, ông Diệm “lê gót" từ Mỹ về Pháp mong cần gặp Đức Quốc trưởng nhưng chờ chực ba tháng trời mà không được Quốc trưởng tiếp kiến làm cho ông bồn chồn, lo âu bực tức đến phải trách móc than thở. Thấy thái độ lãnh đạm của cựu hoàng Bảo Đại, ông Diệm lại phải “lê gót" qua Bỉ để đợi chờ. Cho đến khi Ngoại trưởng Forter Duller xin yết kiến Bảo Đại để vận động cho ông Diệm, Bảo Đại mới chịu tiếp kiến ông Diệm và sau đó cử ông làm Thủ tướng. Chỉ là một Thủ tướng được Quốc trưởng chỉ định chứ không phải do con đường cách mạng mà lên cầm quyền cho nên các văn kiện như sắc lệnh, như Dụ v.v... Ông phải ky "thừa lệnh Đức Quốc Trưởng”. Sau khi thành lập chính phủ mà ông đã từng chỉ trích chống đối ông Diệm cử Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ và ông Nguyễn Hữu Châu, một luật sư danh tiếng, anh em cột chèo với ông Ngô Đình Nhu, đi tham dự hội nghị Genève thay thế phái đoàn của chính phủ Bảo Lộc do giáo sư Nguyễn Quốc Định cầm đầu, đồng thời bổ nhiệm ông Hoàng Cơ Bình giữ chức chủ tịch Uỷ ban Bảo Vệ Bắc việt thay thế ông Nguyễn Hữu Trí, Thủ Hiến Bắc Việt một nhân vật thuộc đảng Đại Việt.
Trách nhiệm của ông Diệm là phải bảo toàn tất cả những phần đất của phe quốc gia và nước Việt nam phải vẹn toàn lãnh thổ như ý nguyện của mỗi người quốc gia và như ông đã thề trước thánh giá và trước quốc trưởng Bảo Đại. Nhưng ông đã hoàn toàn thất bại. Hiệp ước 20-7-54 này qui định chấm dứt mọi hành động thù nghịch giữa các phe lâm chiến, tạm chia nước Việt nam thành hai miền tại vĩ tuyến thứ 17 trong lúc chờ đợi một cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc vào mùa hè năm 1956.
Như vậy là sau mười năm máu lửa và với hơn bốn trăm ngàn thường dân và quân nhân chết ở cả hai phía, chủ nghĩa, chế độ, xã hội và con người Cộng sản bắt đầu công khai xuất hiện và thống trị miền Bắc. Còn tại miền Nam Việt nam, chủ nghĩa và chế độ gọi là quốc gia bắt đầu biến mất để nhường lại chủ nghĩa và một chế độ gọi là chống Cộng kiểu Thiên chúa giáo, dù hiến pháp có gọi nước ta là cộng hoà, có gọi định chế quốc gia là Tổng thống chế, và dù giai tầng lãnh đạo có gọi chủ thuyết chỉ đạo quốc gia là Nhân vị.
Cuối tháng 7, tuy chưa mãn khoá nhưng những lớp học của chúng tôi cũng phải xuống Hải Phòng đợi tàu di tản vào Nam. Năm giờ chiều, con tàu St. Michel từ từ rời bến. Đứng trên boong tàu, tôi nhìn lại quê hương miền Bắc lần chót, lòng tái tê trước cảnh biệt ly. Đến Sài gòn, những lớp học của chúng tôi được chuyển vào Bộ Tổng tham mưu để tiếp tục cho đến ngày mãn khoá gần cuối tháng 9. Trước lúc đó thì đài phát thanh quân đội của tướng Hinh vẫn ra rả ngày đêm chửi bới, mạt sát, thách thức Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Ngày chúng tôi mãn khoá, tướng Nguyễn Văn Hinh cho tổ chức một buổi tiệc trà tại nhà riêng của đại tá Trần Văn Đôn ở Chợ Lớn vào lúc 7 giờ chiều để chúc mừng các sĩ quan tốt nghiệp. Khi chúng tôi đến nơi thì đã thấy tề tựu nhiều sĩ quan như đại tá Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Trần Văn Minh, các trung tá Nguyễn Khánh, Trần Tử Oai, Dương Văn Đức... và các sĩ quan thuộc các phòng hai, phòng năm và phòng sáu, phòng chiến tranh tâm lý, Nha An ninh quân đội, nghĩa là những sĩ quan thuộc bộ phận chính trị và tình báo, những sĩ quan tay chân thân thuộc của tướng Nguyễn Văn Hinh. Độ chín giờ tối tướng Hinh mới đến, theo sau là cả một đoàn xe hộ tống có cả xe jeep trang bị trung liên. Ông ra lệnh cho tất cả sĩ quan trong buổi tiệc đứng vòng tròn chung quanh ông. Sau khi ông nói mấy lời chào mừng các sĩ quan mãn khoá các lớp quân sự đến lượt các sĩ quan phụ tá của ông phát biểu ý kiến. Tất cả đều dùng một thứ ngôn từ và một thứ luận điệu để nặng lời mạt sát, đả kích, nhục mạ Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Họ chê ông là Tuần Vũ, là ngu thần của phong kiến thối nát, là tay sai của đế quốc tư bản Mỹ, là trốn tránh ra nước ngoài để vận động làm Thủ tướng trong lúc quân dân hy sinh xương máu chống Cộng sản, là ngồi mát ăn bát vàng... Cuối cùng một sĩ quan trẻ thuộc phòng năm tóm lược các lời trình bày rồi đề nghị quân đội phải đảo chính ông Diệm để cứu lấy miền Nam. Họ còn ví ông Diệm với một thứ Farouk và kêu gọi tướng Hinh noi gương Nasser, người hùng Ai cập. Họ hô hào là thời cơ đã đến cho tướng Hinh cướp chính quyền. Tướng Hinh và tất cả sĩ quan tay chân của ông nhìn tôi với đôi mắt vừa chế giễu vừa khiêu khích vì họ biết quá rõ tôi là cán bộ cốt cán của ông Diệm.
Bao vây bởi một nhóm người thù nghịch làm cho máu căm thù sôi sục trong tim gan tôi. Trong giây phút đó, trong khung cảnh đó, tôi chợt nhớ đến Ngự sử Phan Đình Phùng, trước ba trăm cấm binh của Tôn Thất Thuyết mà vẫn can đảm đứng lên oai dũng kết tội viên phụ chánh lộng quyền độc ác dám trái lời uỷ thác của vua Tự Đức khi vua mới băng hà "Đức Tiên Hoàng vừa mới nhắm mắt mà ngài đã làm việc trái di chiếu như thế thật không còn đạo nghĩa quân thần một chút nào. Huống chi Tân Quân (vua Dục Đức) chưa có lỗi gì mà ngài định làm việc phế lập càn dỡ đó, sao cho phải lẽ”. Nhớ lại thái độ gan dạ của chí sĩ Phan Đình Phùng trước một triều thần mục nát, ngu xuẩn, tôi chợt quên hẳn hoàn cảnh của một quân nhân trước thượng cấp mà chỉ còn bùng lên lòng căm thù căm phẫn của một cán bộ mà ý tưởng và lãnh tụ của mình đang bị xúc phạm. Không một chút phân vân tôi bèn giơ tay xin phát biểu ý kiến: "Thưa Trung tướng, tôi xin hỏi ai đã làm mất nửa nước, có phải là thực dân và tay sai không? Vậy tại sao Trung tướng và các sĩ quan không kết tội thực dân và tay sai mà chửi bới ông Diệm một cách vô ý thức như thế. Tôi xin hỏi ông Diệm mới về nước cầm quyền, ông đã làm những tội tình gì mà đòi đảo chính ông ta?... Thiếu tá Lam Sơn đứng bên tay mặt của tôi, thúc cùi chỏ vào hông tôi và nói nhỏ: "Đừng nói nữa mà nguy hiểm". Nhưng tôi vẫn hùng hồn lên án tướng Hinh và tay sai thực dân, càng nói càng to tiếng hơn. Trung tá Trần Đình Lan, một loại Tây da vàng, con của bác sĩ Trần Đình Quế, từng làm bác sĩ ở tỉnh tôi, từng làm thị trưởng Đà Lạt mà tôi biết cả lai lịch gia đình rất rõ, rút súng lục chĩa vào mặt tôi nói lớn: "Mày có im miệng không, nói nữa tao bắn tan xác". Đại uý Nguyễn Chánh Thi đứng phía trái tôi vội giơ tay lên can. Từ đó buổi tiệc nhuộm bầu không khí nghẹt thở nặng nề trong khi nhóm tay chân bộ hạ của tướng Hinh xầm xì to nhỏ. Tôi tìm một chiếc ghế ngồi xuống, mặt hầm hầm chờ đợi tướng Hinh ra lệnh bắt giam. Nhưng rồi ông ta vẫn để tôi ngồi yên. Sau này tôi nghe nói lại rằng ông Hinh định đảo chính ông Diệm xong mới bắt tôi vì bắt lúc bấy giờ sợ mang tiếng. Tiệc tàn, tôi và đại uý Nguyễn Chánh Thi cùng về, còn một số sĩ quan trẻ đi theo vừa để bảo vệ, vừa để bộc bạch sự ngưỡng mộ. Trung uý Nguyễn Huỳnh, người Công giáo (sau này là một đảng viên Cần lao, trung tá phụ tá cho tôi ở Nha An ninh quân đội) giơ mũ và nói: "Đàn em xin kính phục đàn anh, vào hang hùm không sợ cọp. Đàn em xin "chapeaux".
Vốn có ý thức chính trị lại nắm vững tình hình quân đội, tinh thần sĩ quan nên tôi đã dự liệu rất đúng tham vọng và ý đồ của tướng Nguyễn Văn Hinh và phe nhóm của ông ta đối với Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Về phần tôi, đã trải bao gian nguy mà tôi còn không e ngại thì sá gì những kẻ tay sai thực dân, đầu óc võ biền, ham lợi danh, không hiểu biết gì thời thế.
Ngay tối hôm đó, khoảng nửa đêm, tôi vào dinh Độc lập xin yết kiến Thủ tướng và kể lại cho ông Diệm nghe sự tình bữa tiệc vừa qua, đồng thời trình bày những nhận định của tôi về ý đồ của tướng Hinh. Ông Diệm nghe xong chỉ khuyên tôi lần sau đừng liều như thế, nhưng ông có vẻ buồn rầu và hết sức ưu tư. Sáng hôm sau, ông sai ông Ngô Đình Luyện đến nhà tướng Hinh tại Chợ Lớn để điều đình, nội dung điều đình như thế nào tôi cũng không rõ.
Thái độ cương quyết và hung hãn đó của tướng Hinh cộng với những áp lực của Pháp và cuộc nổi loạn của Bình Xuyên sau này có lúc làm cho ông Diệm dự định bỏ nước ra đi cũng như Cao Văn Luận đã mô tả trong cuốn "Bên Dòng Lịch sử".
Từ ngày ông Diệm về làm Thủ tướng, tướng Hinh đã bày tỏ thái độ bất mãn của ông bằng cách cho đài phát thanh quân đội liên tục đả kích ông Diệm, mặt khác thành lập một tổ chức bí mật "Đảng Con ó”, để làm hậu thuẫn chính trị cho ông ta, đồng thời bố trí bốn tiểu đoàn tại những địa điểm huyết mạch của Đô Thành. Tôi còn nhớ một trong bốn tiểu đoàn này do đại uý Albert chỉ huy, người mà sau này nhờ tín đồ Thiên chúa giáo nên lại được ông Diệm tin cậy và trọng dụng.
Suốt mùa hè năm đó, tướng Hinh phối hợp với nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn tìm cách khiêu khích và âm mưu phá hoại tân chính phủ, đặc biệt nhằm vào cá nhân ông Diệm. Hinh cho phòng năm in truyền đơn rải cùng Sài gòn - Chợ Lớn, kết án ông Diệm. Đã có lần ông Diệm yêu cầu vua Bảo Đại giải nhiệm tướng Hinh nhưng không nhận được trả lời. Biết vậy, tướng Hinh lại càng lộng hành hơn, đến độ mặc thường phục cỡi xe mô tô chạy trên các phố chính của thủ đô để dương oai với dân chúng và để thách thức quyền hành của Thủ tướng phủ.
Trước những khiêu khích và khinh thường đó, tôi chỉ thấy ông Diệm liên lạc với phía người Mỹ để nhờ can thiệp và riêng ông Nhu thì không hình thành nổi một lực lượng quần chúng để có phản ứng thích hợp. Những đồng chí và cán bộ cũ, hoặc bị tê liệt và bị vướng mắc vào bộ máy nhà nước chưa chạy nhịp nhàng, hoặc vì quá trình hoạt động chưa bao giờ kết tinh thành một tổ chức đấu tranh có qui củ, nên lúc đó, mỗi người, trong cương vị của mình và trong điều kiện của mình, tự lấy sáng kiến mà hoạt động riêng rẽ.
Trong tình trạng đó, tôi đã ráo riết đi khắp các đơn vị ở thủ đô để phát hiện và động viên các sĩ quan tâm huyết hãy biết phân biệt chính tà, hãy biết phân biệt vấn đề sống chết của quốc gia, của quân đội, và đặt họ trước một sự chọn lựa dứt khoát giữa Thủ tướng Diệm và bè lũ tay sai của thực dân Pháp. Tôi vận động được một số khá đông sĩ quan trẻ, đặc biệt có trung uý Nguyễn Hữu Hạnh, một cộng sự viên thân tín của đại tá Dương Văn Minh, đang là chỉ huy trưởng quân vụ thị trấn Sài gòn Chợ Lớn. Tôi chỉ thất bại một lần khi lên Trung tâm Quang Trung đến tuyên truyền cho trung tá Trần Tử Oai. Oai hầm hầm nhục mạ ông Diệm và gần như muốn đuổi tôi ra khỏi văn phòng (ông Oai hiện ở Pháp).
Trong lúc đó thì từ tháng 6 năm 1954, nghĩa là khi hiệp định Genève chưa ra đời, và một tháng trước khi ông Diệm được bổ nhiệm làm Thủ tướng. đại tá Edward G. Lansdale đã có mặt ở Việt nam với một nhóm chuyên viên tình báo khoảng 15 người nằm trong phái bộ quân sự Sài gòn (Saigon Military Mission) với hai nhiệm vụ rõ ràng: thứ nhất là tiêu diệt khả năng phá hoại của tình báo Pháp và tay sai để dọn đường cho ông Diệm dễ dàng củng cố quyền lực và thứ hai là xây những viên đá đầu tiên làm cơ sở cho sự hiện diện chính trị hợp pháp và tất yếu của người Mỹ tại Việt nam. Sau đó một cách chính thức hơn, tướng Collins xuất hiện bên cạnh Thủ tướng Diệm và ngân sách viện trợ ba trăm triệu Mỹ kim được Ngoại trưởng Dulles tháo khoán cho Việt nam. Ở một kích thước khác và bí mật hơn, thiếu tá Lucien Conein thuộc hạ của Lansdale chỉ huy một kế hoạch phá bom ở miền Bắc trước, trong và sau khi hiệp định Genève có hiệu lực.
Cuối tháng 9, tôi được lệnh Tổng tham mưu trở về trình diện đơn vị cũ ở Nha trang thuộc phân khu Duyên hải, lúc bấy giờ do đại tá Nguyễn Ngọc Lễ làm tư lệnh. Tại Nha Trang còn có thiếu tướng Nguyễn Văn Vận, tư lệnh Quân khu III đóng bộ chỉ huy tại đây và một số đơn vị khác từ miền Bắc di cư vào tạm trú để chờ được tái phối trí về các đơn vị địa phương khác. Vài ngày trước khi ra đi, tôi trình bày với Võ Văn Hải và bác sĩ Bùi Kiện Tín (hiện ở Mỹ) ý định sẽ tổ chức một chiến khu tại vùng Duyên hải để ông Diệm có thể trở về sử dụng như một căn cứ địa trong trường hợp ông Diệm bị tướng Hinh đảo chính đánh bật ra khỏi Sài gòn.
Bác sĩ Bùi Kiện Tín là người đã từng ủng hộ ông Diệm từ trước năm 1945, gia đình ông đã giúp đỡ nhiều cho ông Diệm khi ông Diệm còn ở với ông Ngô Đình Luyện tại số 2 đường Armand Rousseau trong Chợ Lớn. Năm 1954, bác sĩ Tín trở thành bác sĩ riêng của ông Diệm và sau đó thay ông Lê Quang Luật là Bộ trưởng Thông tin, khi ông Luật ra Bắc nhận chức Đại biểu Chính phủ tại Bắc Việt.
Sau khi tôi trình bày, bác sĩ Tín đề nghị tôi nên thông báo kế hoạch đó cho phái bộ quân sự Mỹ biết, và sáng hôm sau, bác sĩ Tín dẫn con là ông Bùi Kiến Thành (hiện ở Pháp) và hai người Mỹ phụ tá cho Lansdale vào dinh Độc lập, nơi tôi đang tạm trú để tìm gặp tôi. Tôi trình bày về nguyên tắc tổng quát cho họ biết rằng quân đội Việt nam tại miền Trung, do một số sĩ quan tâm huyết chỉ huy, nhất định sẽ chống đối tướng Hinh và người Pháp đến kỳ cùng. Nếu ông Diệm bị lật đổ bằng bất cứ phương cách nào và bởi bất kỳ thế lực nào thì chúng tôi sẽ xây dựng miền Trung thành một quốc gia độc lập để vừa chống cộng sản ở phương Bắc, vừa đuổi tay sai Pháp ở phương Nam. Hai người Mỹ không tranh luận với tôi, họ chỉ ghi nhận và cố tìm thêm chi tiết, họ ngỏ lời ca ngợi tinh thần quốc gia của chúng tôi và hứa sẽ báo cáo lên Thượng cấp chủ trương lập Chiến khu của chúng tôi.
Yếu tố mấu chốt của kế hoạch này là thành lập được vài chiến khu gây thanh thế và tạo áp lực chính trị về Sài gòn. Áp lực chính trị này xuất phát từ cả quân lẫn dân thì sẽ là một đòn bẩy lớn giúp ông Diệm thêm sức mạnh trong thế chính trị mà ông phải đương đầu. Nhưng mặt khác, yếu tố mấu chốt đó cung là điểm có nhiều sơ hở nhất trong kế hoạch vì chúng tôi không có nhiều thì giờ để chuẩn bị chu đáo hầu tạo nên yếu tố bất ngờ. Vì vậy, sau khi Thái Quang Hoàng di chuyển được một số đơn vị lên chiến khu Đông rồi thì tình báo của Pháp phúc trình cho Bộ tham mưa và tướng Hinh có phản ứng quyết liệt liền.
Hinh đánh công điện ra cho tướng Vận nắm toàn quyền chỉ huy phân khu Duyên hải và đại tá Lễ phải lên đường vào trình diện Bộ Tổng tham mưu tức khắc để nhận lệnh thuyên chuyển đi làm chỉ huy trưởng đặc khu Phú Quốc. Được tình báo cho biết ông Lễ và tôi là hai người chủ lực trong kế hoạch này, tướng Vận cho một trung dội đến “hộ tống” ông Lễ lên máy bay vào Sài gòn, và đến phi trường Tân Sơn Nhất thì có sĩ quan của tướng Hinh đón về Bộ Tổng tham mưu. Trên đường từ phi trường về, ông Lễ đã lừa được vị sĩ quan an ninh đó, cầm lấy tay lái và chạy thẳng vào dinh Thủ tướng và tạm trú tại đó luôn.
Riêng phần tôi thì ông Vận cũng cho một trung đội đến nhà bao vây để bắt giam, nhưng tôi trốn được chỉ 5 phút trước đó và đến trú ẩn tại nhà thờ của linh mục Nguyễn Văn Sở. Mấy ngày sau, đại uý Nguyễn Vinh, chỉ huy tiểu đoàn danh dự phủ Thủ tướng, mặc thường phục đến tìm tôi và chuyển lệnh của ông Diệm gọi tôi vào Sài gòn ngay có công tác quan trọng. Tôi vào đến dinh Thủ tướng đợi ba ngày mà không gặp được ông Diệm, chỉ được Võ Văn Hải (lúc bấy giờ là Chánh văn phòng Phủ thủ tướng) cho biết là "Cụ đang bận lắm, anh cứ đợi đó”. Thế là ông Lễ và tôi cứ ở mấy ngày liền trong phòng của Võ Văn Hải tại dinh Thủ tướng.
Tình hình thủ đô ngày một căng thẳng, các đơn vị quân đội, cảnh sát và các giáo phái đều ở trong tư thế sẵn sàng nổ súng. Tướng Collins, đặc phái viên của Tổng thống Eisenhower bất đồng quan điểm với ông Diệm trong khi đại tá Lansdale thì lại hết lòng ủng hộ ông Diệm. Sự mâu thuẫn nội bộ của các viên chức cao cấp Mỹ làm cho hoạt động của vị tân Thủ tướng bị đình trệ và lúng túng, cũng làm cho tướng Hinh thêm quyết liệt trong ý định lật đổ ông Diệm.
Một hôm, trong phòng riêng của Võ Văn Hải, đại tá Lễ, bác sĩ Tín, Tạ Chí Hiệp, Hải và tôi đang ngồi nói chuyện thì hai ông Luyện và Nhu vào. Ông Luyện hướng về đại tá Lễ và tôi nói "Cụ thương hai anh nên muốn hai anh đi Hoa kỳ tu nghiệp thêm. Hai anh sửa soạn hành lý rồi đợi giấy tờ xong thì đi”.
Từ khi mới vào Sài gòn, tôi đã ngạc nhiên về việc ông Diệm gọi gấp vào mà cứ bắt tôi chờ không giao cho một công tác nào, rồi Võ Văn Hải suốt cả tuần nay sau mỗi ngày làm việc cho ông Diệm, tối về phòng lại kể cho chúng tôi biết "ông Cụ đang rất buồn rầu chán nản trước nhiều khó khăn” cho nên khi nghe ông Luyện nói hết sự thật rằng ông Lễ và tôi, hai sĩ quan đã công khai dùng biện pháp quân sự để chống tướng Hinh, đi Mỹ là có ý thương muốn cho chúng tôi đi trước để rồi ông sẽ đi sau mà không sợ cộng sự viên trả thù. Tôi vội trả lời ông Luyện: "Mười mấy năm trời theo Cụ đấu tranh biết bao gian khổ mà tôi không sờn lòng, nay Cụ đã về nước để cầm quyền, đã ngồi đàng hoàng trong dinh Độc lập mà lại phải bỏ cuộc ra đi thì thật là vô lý, tôi không đi đâu hết”. Ông Luyện có vẻ bực mình nói: "Vậy anh ở nhà để làm gì?". Tôi cũng bực mình trả lời lại: "Nếu cụ không còn nắm chính quyền, và nếu tôi bị đuổi khỏi quân đội, tôi sẽ về nhà đi buôn nước mía, có sao đâu!”. Ông Nhu từ đầu vẫn không nói một tiếng nhưng đến đây thì ông mỉm cười, có lẽ biết không thuyết phục được chúng tôi, ông bèn kéo ông Luyện đi ra. Sau này, nhờ thời gian và các nhân chứng kể lại, nhờ các biến cố tiếp theo cũng như nhờ càng ngày càng hiểu rõ thêm về tính tình ích kỷ, hẹp hòi của anh em nhà Ngô, ông Lễ và tôi biết được rằng việc hai anh em Luyện và Nhu cũng vào thuyết phục chúng tôi đi Mỹ thật ra chỉ là một âm mưu.
Họ định hy sinh loại bỏ chúng tôi và cả Thái Quang Hoàng (chiến khu Đông) nữa, để dùng như một trong nhiều điều kiện để thoả hiệp với tướng Hinh đừng chống đối, đừng đảo chính. Tôi vẫn nghĩ rằng điều kiện của tướng Hinh chỉ là kế hoãn binh của ông ta mà thôi, thâm tâm và chủ trương của tướng Hinh và Pháp vẫn luôn luôn lật đổ ông Diệm.
Ở đời thường thường hết chim mới bẻ cung, ăn xong cháo mới đá bát. Trường hợp này, anh em ông Diệm chỉ mới bắn gần hết chim, chỉ ăn sắp xong bát cháo, binh lửa vẫn còn ầm ĩ đã xuống tay hy sinh cộng sự viên rồi.
Sau này, chúng tôi biết thêm được sở dĩ ông Diệm không còn ý định “bỏ nước ra đi” nữa là phần lớn nhờ những vận động chính trị và hoạt động cụ thể của đại tá Lansdale nhằm chia rẽ và thu phục phe đối lập, đồng thời khuyên giải và gây niềm tin nơi ông Diệm, nhưng một phần khác cũng nhờ thái độ cương quyết của ông Ngô Đình Cẩn và lực lượng cán bộ ở Huế, trong tình trạng thiếu những tin tức chính xác để có thể lượng định tình hình, để cứng rắn một cách liều lĩnh nhất định bắt buộc ông Diệm phải tiếp tục nắm chính quyền.
Chính ông Nguyễn Đôn Duyến, Đại biểu chính phủ ở Trung phần, đã thảo nội dung công điện đánh vào Sài gòn.
Là người đã dính dự rất chủ động trong việc di cư hơn 800 ngàn đồng bào từ Bắc vào Nam, Lansdale là một sĩ quan cao cấp xuất sắc của ngành tình báo Hoa kỳ trong công tác hải ngoại. Xuất thân là một chuyên viên trong ngành quảng cáo kỹ nghệ, ông chú trọng rất nhiều đến các kỹ thuật tâm lý chiến “Đức mẹ đã vào Nam" là một trong rất nhiều kỹ thuật đã được ông sử dụng để vận động các giáo phận tại Bắc Việt dứt khoát lên đường vào Nam trong khuôn khổ 300 ngày chọn chỗ di trú do Hội nghị Genève 1954 qui định. Chính ông là người đã giúp đớ và tạo nên huyền thoại Magsaysay trong chiến dịch tiêu diệt Cộng sản Hukbalahap tại Phillippines nhờ vậy sau này ông có biệt danh là "The Kingmaker"
Cho nên để loại bỏ tướng Hinh với sự ủng hộ của Pháp và lực lượng các giáo phái, ông đã được phái đến Sài gòn. Quả nhiên, Lansdale đã thành công trong loại công tác này một lần nữa: trước hết là khuất phục Washington về sự thiên vị và thiếu am hiểu tình hình của tướng Collins, sau đó là hoặc thuyết phục tướng Trịnh Minh Thế và quân đội Cao Đài Liên Minh tại núi Bà Đen, hoặc hối lộ một số cấp chỉ huy của lực lượng võ trang các giáo phái, hoặc là nhờ Bộ ngoại giao hăm doạ chính phủ Pháp để tạo áp lực bắt cơ quan tình báo Pháp tại Sài gòn phải ngừng ủng hộ tướng Hinh và lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn...
Vào lúc tướng Hinh sắp đảo chính ông Diệm thì Quốc hội Hoa kỳ chính thức công bố lập trường qua lời tuyên bố của phái ngôn viên bán chính thức về vấn đề Đông Dương lúc bấy giờ là thượng nghị sĩ Mansfield "Nếu ông Diệm bị lật đổ thì Mỹ sẽ chấm dứt viện trợ cho Việt nam và cũng chấm dứt quân viện cho quân đội Pháp”, đồng thời Tổng thống Eisenhower bức thư cho Sài gòn công khai xác nhận sự ủng hộ ông Diệm của chính quyền Mỹ.
Ngày 2 tháng 10, tướng Ely, Cao uỷ Pháp tại Đông Dương, về Pháp phúc trình cho Bảo Đại biết, chính quyền Pháp đành phải theo đường lối chính trị của Mỹ tại Đông Dương, nghĩa là Mỹ sẽ thay thế Pháp xây dựng một tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam Á vì quyền lợi của thế giới tự do, ngày 19 tháng 11, theo lệnh của Bảo Đại, tướng Hinh phải rời Việt nam vĩnh viễn, trao quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt nam lại cho tướng Nguyễn Văn Vỹ, và như vậy chấm dứt mọi khó khăn và mọi đe doạ cho cá nhân ông Diệm và cho khả năng hành xử quyền quản trị quốc gia của tân nội các. Thế là Hoa kỳ đã cứu ông Diệm tránh được cuộc đảo chính của tướng Nguyễn Văn Hinh nhưng ông Diệm không giao chức Tổng tham mưu trưởng cho tướng Vỹ mà lại giao cho tướng Lê Văn Tỵ.