Tuy nhiên vì cái nghị quyết hợp lòng dân và hợp thời đại nhưng không hợp ý anh em ông Diệm nên anh em ông và mưu sĩ Trần Chánh Thành phải dùng đến thủ đoạn phản trắc để phân hoá, bẻ gẫy và hạ uy tín Hội đồng hầu cướp lấy chính quyền mà không cần chờ đợi những qui định Hiến pháp và Quốc hội. Ngày 10 tháng 5, anh em ông Diệm đơn phương thành lập chính phủ chính thức gồm toàn người tay chân và những kẻ đầu hàng, không cần hỏi ý kiến của Hội đồng, cũng không có một nhân vật nào của Hội đồng được mời tham dự chính phủ đó.
Hội đồng nhân dân cách mạng do ông Nguyễn Bảo Toàn làm chủ tịch, ông Hồ Hán Sơn làm Phó, và ông Nhị Lang giữ chức Tổng thư ký nhưng Hội đồng còn có một ban thường vụ cũng do ông Toàn kiêm chức Chủ tịch với các uỷ viên là: Văn Ngọc, Hà Huy Liêm, Nguyễn Phổ, Hoàng Cơ Thuỵ, Nguyễn Hữu Khai, Huỳnh Minh ý, Đoàn Trung Còn, Nguyễn Văn Quyền, (Bốn nhân vật Nhị Lang, Hoàng Cơ Thuỵ, Huỳnh Minh ý, Nguyễn Hữu Khai hiện có mặt tại Mỹ và Pháp). Để đạt mục đích nắm chặt chính quyền, anh em ông Diệm bèn ra lệnh cho nhóm uỷ viên thân tín là Hà Huy Liêm, Huỳnh Minh ý, Nguyễn Hữu Khai... cầm đầu thành phần thân ông Diệm trong Hội đồng gây lủng củng, chống đối nội bộ. Đồng thời anh em ông Diệm kết tội Hôi Đồng qua Tổng thư ký Nhị Lang là đã thâm lạm biển thủ số tiền trên một triệu đồng, số tiền mà ông Diệm (qua Bộ Thông tin) đã cấp cho Hội đồng hoạt động.
Kẻ viết không dám nói rằng ông Nhị Lang và Hội đồng đã thâm lạm biển thủ tiền bạc nhưng trong bối cảnh loạn lạc lúc bấy giờ thì sự chi tiêu của Hội đồng thật khó mà chứng minh bằng giấy trắng mực đen. Huống chi số tiền bạc thất thoát thì cũng đã có phần sử dụng cho việc cứu vãn địa vị ông Diệm qua cơn sóng gió ngặt nghèo.
Trước hành động phản bội của anh em ông Diệm, ông Nguyễn Bảo Toàn bèn từ chức Chủ tịch Hội đồng để phản đối ông Diệm. Bị hăm doạ, ông lui vào bóng tối trong lúc Phó chủ tịch Hồ Hán Sơn trồn về Tây Ninh và bị giết một cách bí mật. Dư luận lúc bấy giờ cho rằng ông Nhu đã mua chuộc được tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương để ông này cho đàn em hạ sát Hồ Hán Sơn. (Sau này Nguyễn Thành Phương cũng bị Ngô Đình Diệm mua chuộc để phản lại giáo chủ Phạm Công Tắc mà rồi cuối cùng Nguyễn Thành Phương cũng bị Ngô Đình Nhu phản bội). Còn Tổng thư ký Nhị Lang, người đã từng cầm súng doạ bắn tướng Nguyễn Văn Vỹ để cứu ông Diệm, bị công an của tướng Nguyễn Ngọc Lễ và Bộ thông tin của Trần Chánh Thành đòi hỏi bắt bớ và làm khó dễ. Tuy các mưu sĩ Ngô Đình Nhu, Trần Chánh Thành có hạ nhục Nhị Lang (nghĩa là gián điệp hạ nhục Hội đồng) nhưng rồi cũng nương tay vì sợ mang tiếng phản bội quá trắng trợn. Tuy nhiên Nhị Lang vốn là người có kinh nghiệm đấu tranh và trước cái chết khả nghi của tướng Trịnh Minh Thế lại sợ Ngô Đình Nhu lắm thủ đoạn nên vội vã trốn lên Cao Miên làm kẻ lưu vong để cùng với những người lưu vong khác hoạt động chống nhà Ngô. Ngoài ra luật sư Hoàng Cơ Thuỵ vốn hết lòng ủng hộ ông Diệm từ khi ông Diệm mới về nước nhưng trước thủ đoạn của Ngô Đình Nhu cũng trở thành người đối lập quyết liệt với chế độ Diệm.
Dòng họ Ngô Đình vốn quê làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và theo Thiên chúa giáo từ thế kỷ 17. Trong giai đoạn quân Pháp đánh chiếm Trung kỳ và Bắc kỳ (khoảng 1870), khi phong trào Văn thân nổi lên chống Pháp cứu nước và phát động chiến dịch giết Đạo thì dòng họ Ngô Đình phải bỏ làng Xuân Dục phủ Quảng Ninh mà di cư về làng Đại Phong thuộc huyện Lệ Thuỷ cùng tỉnh Quảng Bình, nơi có nhiều Thiên chúa giáo hơn tại Quảng Ninh.
Theo những bô lão ở Quảng Bình thì nội tổ của ông Diệm thuộc vào hàng bần dân khốn khổ. Ký giả Robert Shaplen xác định rõ ràng hơn rằng nội tổ của ông Diệm sinh sống bằng nghề chài lưới cho đến đời thân phụ của ông Diệm là cụ Ngô Đình Khả, nhờ quân Pháp đánh chiếm và bình định được tỉnh Quảng Bình, nên liên hệ được các vị cố đạo để được các giáo sĩ cho đi học chữ Hán và chữ Pháp tại một trường dòng ở Penlang (Mỹ Lai). Trong đám du học sinh này còn có ông Nguyễn Hữu Bài, người Công giáo quê Quảng Trị, một nhân vật thủ đoạn và có cùng một cảnh ngộ thơ ấu bần hàn như cụ Ngô Đình Khả.
Hai ông Khả và Bài sau khi học xong được người Pháp đưa về nước và cho làm thông dịch viên ở toà Khâm sứ Huế. Thời bấy giờ số người Việt nói và viết được tiếng Pháp còn rất hiếm hoi, nhất là ở Trung kỳ, hai ông lại được Hội truyền giáo Hải ngoại Pháp đặc biệt nâng đỡ nên đã được các viên chức cai trị Pháp trọng dụng và được triều đình An nam phong chức tước và phẩm hàm rất mau.
Năm 1855, khi phong trào Cần vương ở Quảng Bình nổi lên phò vua Hàm Nghi chống Pháp, cụ Ngô Đình Khả được quân Pháp và triều đình An nam cử giữ chức An - Phủ - Sứ về tỉnh nhà lo việc bình định và chiêu an dưới quyền điều khiển của đại tá Pháp Duvillier, uỷ viên chính phủ vùng Bắc xứ Trung kỳ. Một nhà văn cũng là nhà viết sử bạn của tôi chuyên nghiên cứu về phong thổ miền Trung thuộc nhà Nguyễn, năm 1945, lúc đang ở Quảng Bình, thâu nhập được một tờ báo cáo viết tay của cụ Ngô Đình Khả gởi cho công sứ Pháp Quảng Bình trình bày kết quả của cuộc bình định tỉnh này. Năm 1956, nhân viên làm việc tại Nha Văn Hoá Bộ Giáo dục, ông bạn của tôi vào dinh Độc lập tặng tờ báo cáo đó cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhìn thấy bút tích của thân phụ, ông Diệm mừng lắm ngỏ lời khen ngợi và cảm ơn bạn tôi, ông Diệm còn nói thêm: "Trong việc bình định tỉnh Quảng Bình, thầy tôi không dùng đến quân sự mà chỉ đem heo gạo lên núi chiêu dụ những kẻ chống đối về với chính phủ”. Dù bình định bằng võ lực hay bằng chiêu dụ thì hành động của cụ Ngộ Đình Khả cũng là làm tay sai cho Pháp trong việc đàn áp Phong trào Kháng Chiến chống thực dân xâm lăng của dân tộc.
Năm 1887, vua Đồng Khánh băng hà sau ba năm trị vì ngắn ngủi, người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương (gồm bốn đơn vị hành chính: Cochinchine, An nam, Tonkin, và Cambodge. Vương quốc Lào được sát nhập sau đó vào năm 1893) để thống nhất các cơ cấu hành chính, đồng thời áp lực với triều đình An- Nam để lập con của ông Dục Đức là Bửu Lân lên làm vua, hiệu là Thành Thái.
Vua Thành Thái lên ngôi khi mới 10 tuổi nên triều đình cử hai vị đại thần là Nguyễn Trọng Hợp và Trương Quang Đáng làm Phụ chánh. Riêng cụ Ngô Đình Khả, nhờ có công dẹp được các cuộc nổi loạn chống Pháp ở tỉnh Quảng Bình, nhờ có liên hệ chặt chẽ với các giới chức Pháp cả bên chính quyền lẫn bên Hội truyền giáo nên được cứ vào chức Cận thần mang hàm Thượng thư bên cạnh vua Thành Thái, đồng thời người Pháp cũng vận động đề cử Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư Bộ Công. Hai nhân vật này dù không xuất thân từ nơi khoa giáp và không thăng chức theo hệ thống quan trường mà vẫn một bước nhảy vọt nắm giữ những chức vụ tối quan trọng với những phẩm hàm cao cấp nhất là vì người Pháp với sức mạnh toàn quyền trong tay muốn có những người thân tín là cụ Khả để kiểm soát nhà vua và cụ Bài để kiểm soát triều đình.
Tuy nhiên trong lúc con đường quan trường của ông Nguyễn Hữu Bài kéo dài cho đến thời già cả (trên 70 tuổi) mà chức vụ cuối cùng là Thượng thư đầu triều hàm Võ Hiển Đại học sĩ, thì công danh của ông Ngô Đình Khả lại nửa đường đứt gánh. Theo tổng thống Diệm kể lại cho ký giả Shaplen trong một cuộc phỏng vấn dài 6 tiếng đồng hồ tại dinh Gia Long năm 1962 thì thân phụ của ông mất chức vì người Pháp nghi ngờ cụ Khả có liên hệ đến một âm mưa chống Pháp, vì cụ Khả đã chống lại việc người Pháp đã truất phế và đày vua Thành Thái. Nhưng theo bạn của tôi và những vị cựu quan lại, những nhân vật thuộc Nguyễn Phước Tộc kể lại việc ông Khả bị mất chức thật ra là vì lúc còn cận thần ông đã tự động dựng một ngôi giáo đường trong Hoành thành trái với bầu không khí và màu sắc hoàn toàn Tam giáo nơi cung cấm của nhà Nguyễn và bất cần những lời phản đối của các vị quan khác và Hoàng Gia. Vì thế mà nhân cơ hội vua Thành Thái bị truất phế, triều đình hạch tội ông Ngô Đình Khả đã khinh mạn Hoàng gia, giáng ông xuống ba cấp và cho về hưu non. Thật ra thì vụ xây ngôi giáo đường chỉ là một cái cớ, cái cớ cuối cùng và cụ thể nhất của một chuỗi dài những mâu thuẫn và xung khắc của nhiều thế lực. Nguyên Khâm sứ Trung kỳ lúc bấy giờ là Lévéque, thuộc hội Tam- Điểm (Frane-Nacon), có khuynh hướng chống sự bành trướng quyền lực của Hội Thánh Thiên chúa giáo và cũng thường có thái độ khinh mạn nhà vua và triều đình An-nam. Với tư cách là khâm sứ Trung kỳ y có toàn quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định bổ nhiệm, thay đổi hay cách chức các quan lại An-nam. Ông Ngô Đình Khả hội đủ hai yếu tố cho Lévéque khinh ghét: quan lại và Thiên chúa giáo, lại không được các bạn đồng liêu bênh vực nên khi vua Thành Thái bị truất phế ông không còn tư cách gì để làm cận thần, và Hội truyền giáo cũng không đủ sức mạnh để cứu ông khỏi bị Levéque vận động với một triều đình sẵn sàng đuổi ông về.
Do đó, ngôi giáo đường trong Đại Nội chỉ là cái cớ có thật cuối cùng. Và cũng do đó, tiếng đồn rằng vì "Đày vua không Khả" nên ông Ngô Đình Khả bị mất chức cũng chỉ là tiếng đồn được phóng đại thêm vì rõ ràng chính cụ Nguyễn Hữu Bài, vừa không chịu ký giấy đào mồ vua (Đào mả không Bài), lại vừa công khai bênh vực Kỳ ngoại hầu Cường Để, một hoàng thân quốc thích có khuynh hướng và hành động chống Pháp rõ rệt, mà vẫn thăng quan tiến chức mau lẹ và nắm giữ giềng mối triều đình mấy chục năm trời.
(Tuy nhiên, phải nói thêm rằng quyết định ủng hộ Kỳ ngoại hầu Cường Để của ông Bài lúc đó, và cả ông Diệm của những năm 40 sau này, chỉ phản ánh chiến lược chính trị của Hội truyền giáo Hải ngoại muốn phục hồi chi hệ của Hoàng tử Cảnh, vị hoàng tử đã được giám mục Pingeau de Behaine đỡ đầu theo Thiên chúa giáo và bị vua Minh Mạng biếm vị từ cả gần thế kỷ rưỡi trước).
Theo cụ Trương Văn Huê, một nhân sĩ lão thành Thiên chúa giáo tại Phú Cam, nơi gia đình ông Ngô Đình Khả trú ngụ thì khi bị giáng chức rồi về hưu sớm, cụ Khả thường mặc đồ nâu, quần ống cao ống thấp, chân đi guốc gỗ và thường đến ngồi trước sân nhà thờ Phú Cam, miệng lẩm cẩm chửi bới đích danh các vị quan tại triều. Thái độ hằn học một cách sống sượng với các vị đại thần này phản ánh một tình cảm căm thù vì quyền lợi mất mát, đường tiến thủ bị bế tắc hơn là, và đáng lẽ là một tình cảm kiêu hãnh vì giữ tấm lòng trung trinh không chịu đày ải vị vua của mình.
Khi về hưu, cụ Ngô Đình Khả tạo được một ngôi nhà lầu tại Phú Cam, một mảnh vườn khá rộng và mấy mẫu ruộng ở cánh đồng An Cựu gần thành phố Huế. Cụ Khả có 8 người con: 6 trai và 2 gái, con trai là các ông: Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, và Ngô Đình Luyện. Hai người con gái là bà Ngô Thị Giáo tức là thân mẫu của đức cha Nguyễn Văn Thuận và bà Ngô Thị Hiệp, nhạc mẫu của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Trần Trung Dung. Ông Ngô Đình Diệm sinh tại Huế ngày 3 tháng Giêng năm 1901 (năm Canh Tý), ra đời khi thân phụ còn làm quan tại triều, nhưng lại trưởng thành khi gia đình không còn được sung túc vì cụ Khả đông con mà lại về hưu sớm. Lớn lên ông Diệm vào trường tư thục Công giáo Pellerin tại Huế, đỗ bằng Thành Chung tức bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp sau này, ròi thi vào trường Hậu Bổ dưới triều vua Khải Định, một vị nổi tiếng Việt gian.
Muốn được vào trường Hậu Bổ thí sinh chỉ cần có học lực ngang cấp tiểu học nhưng phải có trình độ căn bản về Hán học. Thời gian học là ba năm có nghỉ hè, nghi lễ theo niên khoá của các trường phổ thông. Khi ra trường, thí sinh phải có trình độ ngang với cấp bằng trung học đệ nhất cấp ngoại trừ có thêm môn Kinh nghĩa, thi phú và môn luật bằng Hán văn.
Rõ ràng vua Khải Định, một ông vua nổi tiếng Việt gian, đã cùng với thực dân Pháp trong buổi giao thời Hán - Việt tây ta lẫn lộn, cải đổi trường Quốc Tử Giám, nơi đào tạo quan trường theo tinh thần "Cần, Kiệm, Liêm, Chính" của đạo lý Khổng Mạnh thành ra trường Hậu Bổ, nơi khai sinh một số người thừa hành của Nam trêu để phục vụ cho bộ máy cai trị của chế độ bảo hộ Pháp. Từ thời đó cho đến ngày tàn của thực dân vào năm 1945, việc thăng quan tiến chức của một ông quan An nam tuỳ thuộc vào ba yếu tố: Thứ nhất là phải có lòng trung thành tuyệt đối với mẫu quốc Pháp, lập được nhiều công trạng cho chế độ Bảo hộ. Thứ hai là phải có liên hệ thân thiết với nhà vua và các vị địa thần. Thứ ba là phải có tiền lo lót cho cấp trên. Lịch sử còn cho thấy dưới triều vua Khải Định có nhiều ông quan dâng vợ, dâng con gái cho quan Tây để mau lên chức, mau làm quan lo.
Lẽ dĩ nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt mà một vị quan, dù ở bậc Thượng thư hay chỉ có hàm Cửu phẩm, thu đạt được địa vị của mình không nhờ ba yếu tố kể trên mà nhờ chính thực tài và sự ngay thẳng của mình. Tuy nhiên, biệt lệ này quả thật hiếm hoi.
Ông Ngô Đình Diệm xuất thân từ trường Hậu Bổ đó và được làm quan dưới triều Khải Định, Cụ Tôn Thất Toại, vị Thượng thư trí sĩ bạn vong niên của kẻ viết, từng hoạt động hăng hái cho Phong trào Cách mạng quốc gia ở Nha Trang và là cựu dân biểu khoá I thời Đệ nhất cộng hoà, cho biết rằng cụ và hai ông Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Diệm vốn là bạn chí thân cùng học ở trường Pellerin và trường Hậu Bổ. Nhưng khi học xong thì tất cả những sĩ tử chỉ được bổ vào các ngạch tập sự, riêng một mình ông Diệm là được bổ ngay vào chức Tri huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Trong ngạch quan lại thời đó, mỗi chức vụ phải qua ba, bốn cấp mỗi cấp phải có ít nhất ba năm thâm niên, thế là ông Diệm lại thăng quan tiến chức mau như diều gặp gió, một đặc cách vượt bực không ai có trừ những nhân vật làm quan tắt như ông Phạm Quỳnh chẳng hạn. Năm 23 tuổi, ông Diệm làm Tri huyện Quảng Điền (Thừa Thiên), lên Tri phủ Hải Lăng (Quảng Trị), lên Quản Đạo Ninh Thuận (tỉnh trưởng hạng nhỏ), lên Tuần Vũ Bình Thuận (tỉnh trưởng hạng trung). Năm 1933, lúc ông mới 32 tuổi, đước thăng lên Thượng thư Bộ lại, nghĩa là chức vụ đầu triều đứng trên hết hàng quan lại An nam. Chỉ trong vòng mười năm mà ông Diệm vượt hết mọi nấc thang hoạn lộ, việc mà những quan lại khác phải mất ít nhất là 30 năm trời. Ông Diệm chưa bao giờ ra Hà nội học trường Luật hay trường Quốc gia Hành chính như văn phòng báo chí phủ Tổng thống đã đưa ra để huyễn hoặc một số ký giả Việt nam và ngoại quốc lầm lẫn ghi vào sách báo của họ. Tuy nhiên, ông Diệm là một ông quan nổi tiếng cần mẫn thanh liêm.
Thời làm quan huyện quan tỉnh, ông bận áo gấm đội nón chóp đeo bài ngà, mỗi lần đi hành hạt thường cỡi ngựa để về các làng quê. Ông vừa làm quan cai trị vừa là quan Tư pháp, vừa làm nhiệm vụ cảnh sát giữ gìn trật tự an ninh cho địa phương do ông cầm đầu dưới sự giám sát của quan công sứ Pháp và theo chánh sách của chế độ bảo hộ Pháp. Nhiệm vụ đặc biệt của ông quan huyện quan tỉnh lúc bấy giờ là đốc thúc dân chúng trong việc nạp thuế má và ngồi ở công đường xét xử các vụ kiện cáo của dân trong quản hạt. Thời làm quan, ông Diệm đặc biệt có tài khám phá nhiều tổ Cộng sản hoạt động bí mật nên được chính phủ Bảo hộ rất tín nhiệm do đó mà mới 29 tuổi ông đã được thăng lên chức Tuần Vũ Bình Thuận và sau đó ông thăng chức Thượng thư Bộ Lại như đã nói trên kia.
Nhưng trong lúc ông Diệm là một vị quan lại thanh liêm thì người anh ruột ông là Ngô Đình Khôi làm Tổng Đốc tỉnh Quảng Nam, một tỉnh lớn thứ hai của triều đình An nam, của xứ Trung Kỳ, lại là một vị quan mang tiếng tham quan ô lại và có tác phong bê bối. Dư luận còn nói rằng ông Khôi tằng tịu với vợ con thuộc cấp. Dư luận còn nói rằng sở dĩ ông Khôi thích ăn hối lộ kể cả những món tiền rất nhỏ vì ông rất cần tiền để gởi cho hai người em ăn học ở Pháp. Những dư luận trên đây vẫn còn được các bậc cao niên quê tỉnh Quảng Nam hiện nay ở hải ngoại kể lại mỗi khi nhắc đến chuyện xưa cũ nơi quê nhà... Ông Ngô Đình Cẩn, thời ông Diệm chưa cầm chính quyền cai trị miền Nam có kể lại cho chúng tôi nghe rằng sau khi từ chức Thượng thư Bộ Lại, ông Diệm thường vào Quảng Nam ở chơi với ông Ngô Đình Khôi, có lần thấy tư cách bất chính của anh mình ông giận lắm bèn đi bộ từ Hội An ra Đà Nẵng (40 cây số) lấy vé tàu hoả để về Huế rồi gởi thư trách móc anh mình thiếu tác phong của một bậc "dân chi phụ mẫu".
Việc thăng quan tiến chức vượt bực của anh em nhà họ Ngô Đình làm cho giới quan trường vừa ganh tức vừa khinh bỉ. Họ làm thơ đế chế giễu “vây cánh” nhà Ngô sở dĩ tiến mau trên đường lợi danh là chỉ nhờ thế thần vây cánh:
Làm quan nam triều
Lênh đênh chiếc bánh buổi ba đào,
Chèo lái xem chừng khó biết bao.
Tôi tớ mấy người dâng lễ hậu,
Quan thầy mấy kẻ nắn hầu bao.
Chật trong bể hoạn thêm mình nữa,
Theo hết rừng "Hàn" biết kiếp nao.
Vây cánh Ngô Đình ghê gớm thật,
Mềm lưng dẻo gối chóng lên cao.
(Ghi chú: "Rừng Hàn" là hệ thống phẩm trật "Hàn Lâm" trong ngạch văn giai của quan lại Nam Triều).
Những ai đã từng chịu khó theo dõi không khí và khung cách quan trường thời Mạt Nguyễn đều biết rằng tất cả các hàng quan lại, nhất là hàng quan cao cấp từ Tuần Vũ trở lên, không mấy ai thân yêu kính phục anh em nhà họ Ngô Đình. Thời bấy giờ những giòng họ có người làm quan to như họ Phạm, họ Võ, họ Thân - Trọng, Hồ Đắc, Trương Như, Nguyễn Khoa, Tôn Thất... đều coi anh em nhà họ Ngô Đình như người xa lạ, nếu không muốn nói là như kẻ thù. Sở dĩ có tình trạng đó là vì dòng họ Ngô Đình vừa theo đạo Thiên Chúa vừa không xuất thân từ hàng khoa giáp, không có trình độ học vấn cao mà chỉ vào thế lực của các cố đạo và các quan cai trị Pháp để được thăng thưởng mau lẹ. Đã thế, vì anh em họ Ngô lại khép kín, cao ngạo, nên rất tự nhiên mà giới quan lại ngấm ngầm chia rẽ ra hai phe, phe Phật giáo và phe Thiên chúa giáo.
Nếu tổng hợp sự kiện cụ Khả bị triều đình cách chức cho về hưu sớm, sự kiện có những bài thơ phổ biến trong nhân gian để chế giễu “phe” Ngô Đình, với lời phê phán của giáo sư Nguyễn Văn Xuân về tính thâm hiểm gian xảo của cụ Bài, và nhận định của Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí về con người “thâm” của ông Ngô Đình Diệm ta có thể hình dung ra được nếp sống cách biệt với lề lối hành xử thiếu giao cảm của nhà Ngô Đình cũng như tình cảm nghi kỵ và ganh ghét của các bạn đồng liêu lúc bấy giờ.
Sở dĩ bước đường công danh của anh em ông Diệm ông Khôi thênh thang dễ dàng và thăng tiến mau lẹ và nhờ vào cột trụ Nguyễn Hữu Bài, vị tể tướng đứng đầu triều đình An nam, người đã được thực dân Pháp hun đúc từ ngày mới đi học ở trường Đạo Penang về, từ thời còn là thông ngôn ở toà Khâm sứ Huế. Võ Hiền Nguyễn Hữu Bài lại còn là nhạc phụ của ông Ngô Đình Khôi và là người đỡ đầu cho ông Ngô Đình Diệm. Chỉ có vị quan đầu triều thế lực tột đỉnh như Nguyễn Hữu Bài, người nắm toàn quyền giềng mối triều đình An nam trong lúc vua Bảo Đại còn bận du học ở Pháp mới có đủ quyền lực hoá phép cho ông Diệm mang đôi hia bảy dặm trên con đường hoạn lộ, để chỉ trong 10 năm mà từ Tri Huyện lên đến chức Thượng thư. Cũng chỉ có Nguyễn Hữu Bài mới có đủ uy thế để tiến cử ông Diệm với Bảo Đại làm Thượng thư Bộ Lại thay thế mình về hưu dù ông Diệm tuổi còn rất trẻ, đù ông Diệm mới chỉ là Tuần vũ một tỉnh nhỏ. Cái gì đã tạo cho Nguyễn Hữu Bài uy quyền và sức mạnh để khuynh loát triều đình An nam lúc bấy giờ? Cái gì đã cho phép ông Nguyễn Hữu Bài một bước nhảy vọt lên làm Thượng thư đầu triều, quán xuyến mọi sinh hoạt triều chính để có thể đạp mọi thủ tục mà nâng người này lên hay đè người khác xuống trong khi khả năng thật sự và quá trình đóng góp cho triều đình của ông không đáng kể? Câu trả lời mà nhiều người biết gồm hai phần: Phần thứ nhất là cái trạng huống chung của đất nước thời Bảo Hộ mà định chế được gọi là "triều đình" chỉ là một cơ quan bất lực và vô quyền, ai có sức mạnh thì thao túng được. Và phần thứ hai là chánh Hội truyền giáo Hải ngoại Pháp đã trao cho Nguyễn Hữu Bài cái sức mạnh vô địch của giáo quyền phối hợp với thế quyền của kẻ chiến thắng để, xuyên qua lá bài này, tiến hành chính sách Công giáo hoá Việt nam (gli affarê publici). (Lịch sử Hội truyền giáo Hải ngoại Pháp gắn liền với lịch sử bành trướng của Pháp ở Đông Dương. Một sáng lập viên của Hội, Giáo sĩ Pallu, đã làm gạch nối giữa hai triều đình Pháp-Việt, Giáo sĩ Pingeau de Behaine sau đó thắt chặt thêm sợi dây liên lạc: sự can thiệp của những thành viên của Hội đưa đến cuộc can thiệp quân sự của Pháp tại Việt nam - theo Charles May bon Historie Monderne du Pays d'annam).
Nên từ thế kỷ thứ tư, lịch sử Giáo hội La mã đã có những vị Giáo hoàng như Silvester cấu kết với Hoàng đế Constantine để xây dựng Giáo hội (năm 314), đã có những Giáo hoàng như Leo khi chết để lại một chúc thư (năm 461) rằng Hội Thánh Thiên chúa giáo thì bất phân ly với đế quốc La mã và khi tốt cũng như xấu, chính là đế quốc La mã"... thì Hội truyền giáo Hải ngoại Pháp, trong giai đoạn của một chính quyền Pháp còn sống với những ảo tưởng vàng son của một đế quốc oai hùng xa xưa, cũng đã hành xứ với đầy đủ uy lực trên mảnh đất Việt nam nghèo nàn xa xăm để phối hợp chặt chẽ chính sách thực dân (chính trị) với chính sách truyền giáo (tôn giáo).
Hãy đọc bản báo cáo của toàn quyền Beau gởi trình cho chính phủ Pháp nhân dịp tìm người kế vị vua Thành Thái thì đủ thấy thế lực của Nguyễn Hữu Bài, dù chỉ là một con cờ uỷ nhiệm bản xứ, nhưng cũng đã mạnh như thế nào:
... Ngày 3 tháng 9 năm 1907, tôi đến Huế để chứng kiến lễ thoái vị của vua Thành Thái. Viên chánh văn phòng của tôi liền đi thăm các quan đại thần của triều đình Huế để dò la cho biết tư tưởng của họ đối với thời cuộc Các vị này đêu công kích liệt tất cả nhân vật đưa ra, nhưng họ thận trọng không đề nghị một ai cả, chỉ cùng thốt câu sáo ngữ: "Chúng tôi sẽ đồng ý và hoan nghênh bất kỳ một ông vua nào mà chính phủ Bảo hộ tuyển chọn".
Riêng có Nguyễn Hữu Bài, Công bộ Thượng thư, có nói đến cái tên Cường Để và tỏ thái độ thẳng thắn ủng hộ. Ông ta làm tôi lưu ý vì ông có đạo Thiên Chúa, ý kiến của ông có thể đưa toàn thể thế lực ấy tán đồng (theo Thái Văn Kiểm, “Đất Việt Trời Nam”).
Nếu "ý kiến của ông có thể được Hội truyền giáo tán đồng” thì điều chắc chắn là ý kiến của Hội truyền giáo cũng sẽ được phản ảnh qua lập trường và hành động của ông Nguyễn Hữu Bài, mà chính quyền Bảo hộ Pháp cần lưu tâm đến.
Thế lực Hội truyền giáo mạnh mẽ như thế để cho ta thấy rõ vì sao khi mà Nguyễn Hữu Bài đã muốn là có thể xây dựng được uy thế cho một Ngô Đình Diệm từ thời ông Diệm còn là một sinh viên trường Hậu Bổ, vì sao Bảo Đại phải chấp nhận cho Ngô Đình Diệm làm Thượng thư Bộ Lại, và vì sao Hội truyền giáo Hải ngoại Pháp khi đã muốn là có thể sắp đặt được để có một bà Hoàng hậu theo Thiên chúa giáo.
Về triều giữ chức Thượng thư Bộ Lại, ông Diệm đòi hỏi người Pháp phải thực hiện những cải cách xã hội như họ đã hứa với vua Bảo Đại. Những cải cách xã hội đại để gồm có những mục như:
- Triều đình An nam có toàn quyền bố cáo, thưởng phạt trong vấn đề nhân sự của Nam Triều.
- Triều đình An nam có ngân sách riêng, có tài chính riêng, tư pháp riêng.
- Mở rộng nền giáo dục.
- Thiết lập Viện Dân biểu.
- Người Pháp phải thực thi đúng đắn Hoà ước 1884, nghĩa là Hoà ước vẫn còn để cho Triều đình An nam (Trung Kỳ) một ít quyền hành nội bộ dù Hoà ước vẫn công nhận nền bảo hộ Pháp là điều kiện chính yếu.
Điều cần phải nói rõ là những dự định cải cách trên đây là do vua Bảo Đại đòi hỏi khi ông mới về nước và đã được người Pháp hứa hẹn. Những dự định cải cách này cũng đã được ông Phạm Quỳnh nguyên chủ bút Nam Phong đề nghị từ năm 1931 khi vua Bảo Đại chưa hồi loan. Phạm Quỳnh còn đi xa hơn là đòi hỏi việc sáp nhập Bắc Kỳ và Trung Kỳ vốn là hai xứ Bảo hộ riêng biệt thành một vương quốc có hiến pháp hắn hoi, nghĩa là chủ trương một nước Việt nam theo chế độ quân chủ lập hiến tự trị trong một Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp.
Còn ông Diệm thì vẫn trung thành với chính sách của người Pháp từ ngày ông làm Tri Huyện cho lên đến chức Tuần vũ tỉnh Bình Thuận. Cho đến khi được Bảo Đại cử làm Thượng thư Bộ Lại và được chỉ định cầm đầu “Uỷ ban Ban Cải Cách” ông mới đòi hỏi việc thi hành những cải cách mà người Pháp đã hứa với nhà Vua. Nhưng ông Diệm gặp phải phản ứng quyết liệt của Phạm Quỳnh, người của Sở Chính trị Pháp (Servic Civil) ông thất bại trong việc tranh chấp với ông Quỳnh nên chỉ làm Thượng thư Bộ Lại được 4 tháng thì phải xin từ chức.
Để giải thích sự tranh chấp có vẻ khó hiểu của hai vị Thượng thư cùng được đỡ đầu và được bảo vệ từ một nguồn thế lực là Pháp, ta cần thấy rõ bản chất thật sự của sự cấu kết giữa Hội truyền giáo Hải ngoại và chính quyền thực dân Pháp. Sự cấu kết đó dựa trên căn bản hỗ tương quyền lợi và quân nhân trách nhiệm: Thực dân Pháp phải nấp đàng sau những chiếc áo chùng thâm mới có được cái chính nghĩa “nhiệm vụ khai hoá” (missio civilisatriee): các tu sĩ Thiên chúa giáo phải được che chở bằng súng đạn của bộ máy xâm lược mới bình định được các cuộc thống ngoại xâm bản xứ để rao truyền đức tin của Chúa Ki tô. Đó là quyền lợi hỗ tương giữa giáo quyền và thế quyền mà lịch sử Giáo hội La mã và đế quốc sự sinh tồn của Giáo hội và chính Đức Giáo Hoàng John Paul II vào năm 1978 đã phải lên tiếng cảnh cáo rằng khói lửa của quỉ Sa tan đã tràn vào Giáo hội. Tuy nhiên, trong tiến trình cấu kết này, vấn đề quân phân trách nhiệm không phải lúc nào cũng minh bạch và được tôn trọng. Giáo hội đã có lúc vượt hạn chế để hành xử thế quyền cũng như các đế quốc cũng đã có lúc uy hiếp Giáo hội để khuynh loát giáo quyền.
Những va chạm dễ hiểu đó đã chạy dài suốt quá trình phát triển của Giáo hội La mã và các đế quốc Địa Trung Hải, và ở một kích thước nhỏ hơn nhưng rõ rệt hơn, đã thể hiện rõ ràng trong cuộc xâm thực văn hoá chính trị trên đất nước ta trong những triều đại nhà Nguyễn. Ví dụ hiển nhiên nhất là chính sách ngu dân của Pháp tìm đủ mọi cách để duy trì và khuyến khích các truyền thống và hình thái cổ tục của dân ta trong khi các vị truyền đạo lại tìm đủ mọi cách để đả phá và bài trừ những tục lệ cổ truyền đó của văn hoá dân tộc để dễ dàng len lỏi giáo lý Thiên Chúa giáo và tín ngưỡng dân ta.
Chính giám mục Puginier đã chủ trương trong 30 năm phải thực hiện cho xong công cuộc Công giáo toàn bộ Bắc kỳ để biến miền này thành một tỉnh quận của Pháp gồm toàn người Việt theo đạo Thiên Chúa, trong khi đó thì Toàn quyền Đông Dương Lanessan lại tìm cách gây cảm tình với người Việt, đối đãi với người Việt theo lễ phép và phong tục địa phương, nhiều khi còn long trọng đến dự lễ khánh thành các chùa đền, lăng miếu. Chính sách của Lanessan đã làm cho các giáo đoàn e sợ, vì thế giáo đoàn phải vận động để Lanessan bị mất chức và bị triệu hồi về Pháp.
Vì các viên chức cai trị Pháp ở Đông Dương không thể chịu đựng mãi sự thao túng của các vị cố đạo nên nhân dịp triều đình An nam chỉnh đốn nội bộ lúc vua trẻ Bảo Đại mới về nước, họ bèn đặt Phạm Quỳnh là người thân tín của họ vào để cản trở những kế hoạch của Hội truyền giáo mà ông Ngô Đình Diệm là đại diện. Trong cuộc tranh chấp này, Sở Chính trị không những chỉ phải lo đối phó với Ngô Đình Diệm mà còn muốn nắm vững bà Nam Phương Hoàng hậu vốn cũng là con bài của Hội truyền giáo, họ bèn đặt cạnh bà một người thân tín khác của họ làm bí thư, đó là ông Nguyễn Tiến Lãng, một thứ con nuôi của toàn quyền Robin. Thật ra không phải chỉ vì không đòi hỏi được những cải cách mà ông Diệm xin từ chức ngay, chứng cớ là hơn 10 năm làm quan Huyện quan Tỉnh, ông vẫn thi hành triệt để chính sách của người Pháp.
Vả lại dù sao thì ông Phạm Quỳnh cũng là một viên quan lại như ông mà còn kém cả phẩm hàm chức tước Đã vậy trong các cuộc tranh luận công khai, ông Diệm lại bị đàn áp về lý luận cũng như về ngôn ngữ trước tài hùng biện và kiến thức uyên bác của một Phạm Quỳnh vừa là nhà báo vừa là học giả.
Như vậy, việc ông Diệm từ chức Thượng thư rõ ràng phần lớn là do áp lực của người Pháp và Phạm Quỳnh. Riêng Bảo Đại, khi cho thu hồi bằng sắc, huy chương của ông Diệm chẳng qua cũng chỉ như ông Diệm, nghĩa là vì áp lực của thực dân mà chính Bảo Đại, trong công việc này, cũng tỏ ra bất mãn với người Pháp, tỏ ra luyến tiếc sự ra đi của một trung thần mà dòng họ đã ba đời khuông phò nhà Nguyễn, mà thế hệ anh em ông Diệm đã là thần tử tận tuỵ với tiên vương. Thế mà sau khi từ chức, ông Diệm lại phò Cường Để với ý đồ nhờ quân đội Nhật Bản lật đổ ngai vàng của Bảo Đại. Trước sự phản bội của ông Diệm, Bảo Đại vẫn không thù oán, vẫn nhớ đến cựu thần, hai lần đánh điện vào Sài gòn mời ông Diệm về lập chính phủ. Không ngờ người Nhật đã bỏ rơi lá bài Cường Để và Ngô Đình Diệm, và sau đó không chịu trao điện tín lại làm cho cuộc tái hợp vua tôi không thành tựu, và cũng do đó mà Bảo Đại phải mời học giả Trần Trọng Kim làm Thủ tướng. Nhưng rồi Việt minh cướp chính quyền, Bảo Đại từ bỏ ngai vàng trở thành một công dân, rồi làm tối cao Cố vấn cho Hồ Chí Minh trong lúc Ngô Đình Diệm bị Việt minh đày ải nơi miền sơn cước, gần biên giới Hoa - Việt.
Giữa năm 1949, Quốc trưởng Bảo Đại về nước lãnh đạo quốc gia, đặt văn phòng tại Đà Lạt để tránh cái nghênh ngang của Cao uỷ Pháp đang ngự trị tại dinh Norodom.
Không lẽ Quốc trưởng mà lại ở dinh Gia Long, sao còn thể thống?
Người ngoài không ai biết được giữa ông Bảo Đại và ông Ngô Đình Diệm có liên lạc công khai hay bí mật nào không, nhưng một điều chắc chắn là ông bà Ngô Đình Nhu (vốn ở đường Hoàng Hoa Thám Đà Lạt) vẫn giao du với Quốc trưởng, đặc biệt là bà Nhu, mỗi tuần 3, 4 lần, có khi cả ban đêm, thường đến biệt điện số 1, nơi Quốc trưởng trú ngụ để dạy Quốc trưởng đàn dương cầm. Việc này thì nhân viên văn phòng đức Quốc trưởng và Ngự lâm quân không mấy ai không biết. Môi trường và các thế lực chính trị lúc bấy giờ tại Việt nam quả thật không thuận lợi cho những nỗ lực hoạt động của ông Diệm: Ngoài kẻ thù Cộng sản đang điều động kháng chiến, các lực lượng chống cộng khác như chính quyền Pháp thì không tin tưởng ở ông, chính phủ Việt nam mà thể hiện rõ ràng là thành phần lãnh đạo thì chống ông, các đảng phái và giáo phái thì nghi ngờ ông, đại đa số giáo dân và giám mục Lê Hữu Từ cũng không đặt kỳ vọng hay dành thiện cảm cho ông. Triển vọng của ông Diệm để xây dựng một thế đứng chính trị thoát dậy từ một trạng huống như vậy để tiến lên áp lực Bảo Đại để được uỷ nhiệm làm Thủ tướng nắm chính quyền tỏ ra rất mong manh nếu không muốn nói là vô vọng.
Lượng giá đúng như vậy cho nên lối thoát còn lại cho ông Diệm để khai thông bế tắc sự nghiệp chính trị của đời mình mà nương dựa vào ngoại lực để áp đảo và san định tình hình trong nước. Đối với ông Diệm, phương thức này không phải là mới mẻ. Thời đô hộ ông dựa vào Hội truyền giáo và Thực dân Pháp để làm quan; thời Nhật chiếm đóng ông dựa vào người Nhật để hoạt động cho nên bây giờ, trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Pháp Việt, với một chính thể quốc trưởng Bảo Đại không thuận lợi cho ông, ông bèn dĩ nhiên, tìm một thế lực quốc tế khác để nhờ cậy.
Cuối năm 1950, ông xuất ngoại mãi cho đến năm 1954, nhờ thế lực của Toà thánh La mã, của Hồng y Spellman, của phong trào cộng hoà Bình dân Thiên Chúa giáo Pháp (MRP), và đặc biệt nhờ Hoa kỳ làm áp lực với chính quyền Pháp cùng với Bảo Đại, và cũng như vận động ngầm của bà Nam Phương, cuối cùng ông Diệm đã được Quốc trưởng chỉ định làm Thủ tướng.
Tuy nhiên, cuộc tái hợp giữa cựu hoàng và vị Cựu Thần nhà Nguyễn chỉ là một hệ quả tạm thời của cuộc tranh chấp chính trị Mỹ - Pháp nên chỉ sau mấy tháng phải tan vỡ.
Trong những năm từ 1953 đến 1955, mà cao điểm là cuộc Trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm phải thay Bảo Đại cho phù hợp với ông thầy Pháp đã nhường quyền cho ông chủ Mỹ trên quê hương ta.
Cuộc Trưng cầu dân ý do chính quyền đương nhiệm của ông Diệm đứng ra tổ chức và cũng do chính quyền đương nhiệm (dưới hình thức Quốc hội Lập Hiến) kiểm soát. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, dân chúng miền Nam Việt nam đến phòng phiếu để chọn lựa giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm theo hai câu thơ trước đó đã được bộ máy thông tin của ông Diệm ra rả suốt ngày đêm và xuất hiện đầy rẫy trên các bờ tướng hè phố:
Phiếu xanh ta bỏ vô bì,
Phiếu bỏ Bảo Đại ta thì vất đi.
Kết quả chính thức cuộc Trưng cầu dân ý được đăng vào công báo là 5.721.735 phiếu xanh có hình ông Diệm (98,2%) và 63.107 phiếu đỏ có hình Bảo Đại (1,1%). Tại Sài gòn tổng số cử tri là 450.000 người mà số phiếu bỏ cho ông Diệm lên đến 650.000, nghĩa là số phiếu gian lận là 200.000. Giữa thủ đô Sài gòn có tai mắt quốc tế mà còn gian lận trắng trợn đến thế, thử hỏi tại các tỉnh, tại thôn quê thì sự gian lận đến mức nào?
Buồn cười là sự gian lận này đã bị đại tá CA Lansdale, cố vấn Mỹ của ông Diệm, đoán trước thế nào cũng sẽ xảy ra nên đã cảnh cáo ông Diệm. Sau khi giúp ông Diệm đè bẹp được Bình Xuyên rồi, Lansdale khuyên ông Diệm phải tổ chức "Trưng cầu dân ý" để truất phế Bảo Đại cho có chánh nghĩa. Trước ngày lên đường về Mỹ để lánh mặt cuộc “Tổng tuyển cử”, Lansdale còn dặn ông Diệm: "Trong lúc đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin ông thắng 99.99 phần trăm, vì biết đó là âm mưu sắp đặt trước”. Và ông Diệm đã vâng lời để chỉ thắng... 98,2 phần trăm?...
Lansdale bảo ông Diệm nên tỏ ra công bằng và chỉ cần thu lượm được một đa số phiếu tương đối là tốt đẹp rồi, không tham lam quá. Nhưng với bản chất muốn cho mình cái gì cũng "Nhất" anh em ông Diệm bèn tổ chức bầu cử gian lận. Khốn nỗi, thiên bất dung gian xui khiến cho những kẻ tay chân vốn nòi nhạy cảm nhưng lại sơ hở bất lực làm cho việc gian lận quá lộ liễu xảy ra ngay tại thủ đô Sài gòn để cho ngoại giao đoàn và báo chí quốc tế biết được.
Nói cho cùng thì nếu không tổ chức bầu cử gian lận chưa chắn ông Diệm đã đắc thắng vẻ vang. Thật thế, nhìn vào bối cảnh đất nước và mùa thu 1955, lực lượng nhân dân hướng về ông Bảo Đại vẫn còn vô cùng đông đảo; Cao Đài, Hoà Hảo, Đại Việt, Việt Quốc, Duy Dân, Nguyễn Phước Tộc, khối người miền Nam không ưa người Bắc, khối người miền Nam còn nhớ ơn nhà Nguyễn, khối dân tộc thiểu số của Hoàng Triều Cương Thổ, số người thân Pháp v.v... có thể làm lệch cán cân "Trưng cầu dân ý". Nhưng quyền lực trong tay, thủ đoạn gian lận và tiền bạc của Mỹ đã giúp ông Diệm đánh ngã vị cựu Quốc Trưởng của ông một cách dễ dàng.
Tuy nhiên dù gian lận thì kết quả cuộc đấu phiếu, riêng đối với ông Diệm, cũng đã giúp ông đạt được hai mục tiêu mà ông đã nhắm đến là trình diện được một bề mặt dân chủ với chính quyền lẫn Quốc hội Hoa kỳ, và nâng cao uy thế cá nhân của ông lên đến mức độ tôn sùng như một vị cứu tinh anh minh của dân tộc. Riêng đối với dân tộc Việt nam, ngày 23 tháng 10 năm 1955 có một ý nghĩa quan trọng hơn hắn những mục tiêu chính trị giai đoạn của ông Diệm. Đó là ngày chấm dứt triều đại nhà Nguyễn và chế độ quân chủ tại miền Nam và trao lại cho ông Diệm quyền quản trị đất nước để chống Mỹ, và quan trọng hơn cả để xây dựng nên móng cho kỷ nguyên dân chủ sau này. Chính sách và chế độ ông Diệm 9 năm sau đó có làm cho nền móng đó thui chột và có làm cho Cộng sản mạnh thêm là tội của ông và gia đình đã phản bội lại niềm tin yêu và lòng tín nhiệm của nhân dân miền Nam thể hiện trong ngày 23 tháng 10 lịch sử này.
Bên lề của biến cố này có hai nhận định tôi cần ghi lại ở đây như tiếng thở dài chán chường của nhân thế vẫn thường vang vọng trong những nổi trôi cửa lịch sử. Nhận định thứ nhất về ông Ngô Đình Diệm của Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí chỉ một năm trước ngày Trưng cầu dân ý: "Ông Diệm là người đạo giáo, lại mấy đời thờ nhà Nguyễn, chắc chắn là tôn quân bảo hoàng và hết lòng với Quốc trưởng Bảo Đại, tài cán của ông Diệm thì chưa ai rõ nhưng trung thành với Ngài thì tôi có thể tin". Và nhận định thứ hai về ông Bảo Đại của ký giả Stanley Karnow gần một phần tư thế kỷ sau: “... Khi cử ông Diệm làm Thủ tướng Bảo Đại có ngờ đâu chính quyết định của mình lại là một hành động tự ý đào huyệt chôn vùi sự nghiệp chính trị của mình". Thế là Ngô Đình Diệm từ chủ trương cho Việt nam quy chế "quân chủ lập hiến" với một Bảo Đại là nhà vua, một Ngô Đình Diệm là Thủ tướng, đã đưa miền Nam Việt nam đến một thể chế “Cộng hoà" mà ông là vị Tổng thống đầu tiên, còn vị vua đã từng bổ nhiệm ông làm Thủ tướng, từ nay trở thành kẻ lưu vong biệt xứ, ngậm đắng nuốt cay nơi đất khách quê người.
Năm 1955, với vị thế là cán bộ chính trị trung niên của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, với tư cách là chủ tịch phong trào Cách mạng quốc gia của bốn tỉnh Duyên hải miền Nam Trung phần, tôi đã hăng say hoạt động cho chiến dịch truất phế Bảo Đại mà tôi cho là không còn đủ khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống cộng, và không còn đủ vóc dáng để khai mớ một kỷ nguyên dân chủ cho đất nước nữa.
Thật ra thì dân ý đang đòi hỏi và hướng về một cuộc thay đổi gốc rễ để đáp ứng với biến đổi mới của thời đại, và ông Diệm trên mặt chính trị không cần gian lận và trên mặt luân lý không cần dùng thủ đoạn vu khống hạ nhục Bảo Đại thì cũng có thể, một cách rất lương thiện và dân chủ, thắng phiếu trong cuộc Trưng cầu dân ý này. Nhưng những tài liệu do Bộ Thông tin Sài gòn gởi ra cũng như những chỉ thị mật của Phong trào Cách mạng quốc gia từ Huế gởi vào cho tôi đều chủ yếu tập trung vào việc lên án những tội lỗi của Bảo Đại: Bảo Đại bù nhìn, Bảo Đại dâm ô, Bảo Đại tham nhũng, Bảo Đại vô đức vô tài... Lên án không chưa đủ chỉ thị còn bắt phải khơi dậy lòng căm thù Bảo Đại trong quần chúng nữa!
Cả một chiến dịch bao trùm từ Cà Mau đến Bến Hải chính quyền yểm trợ trên cả hai mặt nội dung lẫn phương tiện, hung hăng và rầm rộ tìm cách đạp Bảo Đại xuống bùn dơ của lịch sử. Cả nước được vận động để phỉ nhổ Bảo Đại như là một hiện thân xấu xa nhất, hơn cả Lê Chiêu Thống và Lê Long Đĩnh. Hai đài phát thanh Sài gòn và Huế, phối hợp với báo chí trong gần một tháng trời, liên tục mạt sát Bảo Đại và thúc giục dân chúng quất roi và đốt lửa những hình nộm Bảo Đại. Chiến dịch to lớn của một nhân vật quốc gia chống Cộng (theo Mỹ) để truất phế một nhân vật quốc gia khác cũng chống cộng (nhưng theo Tây) còn tàn độc và khủng khiếp hơn chiến dịch hạ bệ Bảo Đại của kẻ thù là cộng sản Việt minh thời 1948, 1949, khi giải pháp Bảo Đại mới ra đời để đối phó với Hồ Chí Minh.
Sau biến cố đó, nghĩa là khi kết quả chính thức đã được công bố và thể hiện tượng trưng là việc thu hồi phiếm du thuyền của Bảo Đại và ngôi biệt thự một tầng ở đường Công Lý của bà Từ Cung, vị cựu hoàng âm thầm lui vào bóng tối để kéo dài cuộc sống tha hương còn bà Từ Cung thì được phép trở về An Định Cung An Cựu ở ngoại Hoàng thành để sống nốt chuỗi ngày già lão trong thảm cảnh đau thương đó mà có lẽ đêm đêm bà đã ngậm ngùi ngâm câu thơ, khóc thương cho một triều đại suy tàn:
Cung miếu triều xưa đâu vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải quốc kêu thâu.
(Chu Mạnh Trinh)