Người ta thường phân chia với những nét đặc trưng cơ bản của bọn tội phạm trật tự xã hội hoạt động có tổ chức và loại tội phạm đơn giản. Loại tội phạm đơn giản thường gắn kết với nhau một cách đơn giản, lỏng lẽo, nhất thời nên dễ bị tan rã khi bị trấn áp, truy đuổi. Mục đích chính của chúng là trộm cướp chiếm đoạt tài sản riêng để thỏa mãn việc ăn chơi trác táng, hút chích, cờ bạc… và chúng thiên về sử dụng bạo lực khi hành động. Bọn này thường là những tên tội phạm đã có tiền án tiền sự, tính tình thô bạo, tàn ác, hành vi côn đồ, trình độ văn hóa thấp, không có công ăn việc làm hoặc lao động đơn giản, thu nhập thấp. Có những tên xuất thân từ những gia đình có “truyền thống” có tiền án tiền sự. Do tổ chức đơn giản và hoạt động nhất thời, thay đổi địa bàn liên tục nên thỉnh thoảng bọn chúng gây những vụ trọng án, làm khó khăn cho công tác điều ta của ngành công an. Loại tội phạm có tổ chức hay còn gọi là tội phạm xã hội đen thì thực tế đã tồn tại ở miền Nam từ trước năm 1975 và xuất hiện trở lại vào khoảng mười năm đổi mới gần đây ở nước ta. Chúng thường xuất hiện ở các thành phố công nghiệp, dịch vụ và du lịch phát triển… Đây là loại tội phạm có tổ chức bí mật, hoạt động khép kín, chặt chẽ và theo quan điểm của một số thành viên trong ban chuyên án thì chuyên án “cá độ 99” đang là thuộc loại tội phạm này. Đây là một băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Thời gian đầu mới làm án anh cũng nghĩ như vậy, nhưng càng đi sâu vào chuyên án với những tài liệu chứng cứ thu thập được dần dần anh đã hình dung ra quy mô tổ chức hoạt động của tên trùm này lẫn những quy mô mục đích mà nó đang nhắm tới.
Anh phân tích kỹ trong cuộc hợp sơ kết bước một chuyên án “cá độ 99” rằng, cần chú ý đến tên trùm này và tổ chức xã hội đen của hắn ta dựa trên một số yếu tố cơ bản như, đây là một băng nhóm giang hồ xã hội đen có tổ chức và có kẻ cầm đầu. Hắn ta xứng đáng là ông trùm của các ông trùm với quyền lực bao phủ trên tất cả các băng nhóm nhỏ lẻ khác trên địa bàn thành phố lẫn những thành phố lớn trong cả nước và đang lăm le vươn vòi ra nước ngoài để lối kéo gắn kết những hoạt động trong nước với nước ngoài qua việc “đầu tư”của một số bọn xã hội đen nước ngoài vào thành phố trong các dịch vụ kinh doanh như mở vũ trường, quán bar, nhà hàng, khách sạn… Trong sự liên kết này đáng chú ý là sự liên kết với những tên tội phạm người Đài Loan, Ma Cao, Hồng Kông, Trung Quốc trong hoạt động cờ bạc, tuyển chọn gái đưa đi nước ngoài làm mại dâm và buôn bán ma túy lẫn những chất kích thích khác. Nếu cho rằng hắn đã đủ tầm và thực lực để để khống chế tất cả các hoạt động của bọn tội phạm cả nước thì không hẳn, vẫn có những “trận chiến” âm thầm hoặc công khai giữa băng nhóm do hắn chỉ huy với các băng nhóm khác ngay tại thành phố này hay các băng nhóm xã hội đen khác tại Hải Phòng, Hà Nội… Nhưng rõ ràng có một điều mà không ai có thể phủ nhận băng nhóm của hắn vẫn là nổi trội nhất, lớn nhất, mức độ phạm vi hoạt động bao trùm nhất. Do vậy dù có một số băng nhóm giang hồ khác tuy không phục, kình địch ngầm chống đối vẫn kiên nể né tránh đụng chạm với hắn và nếu không quy phục thì cũng phải luồn lách để tồn tại dưới cái bóng khổng lồ của tên trùm này.
Hắn là một kẻ có “thâm niên” tội phạm với thành tích giết người từ trước giải phóng đến nay với cuộc đời vào tù ra tội cũng dăm ba lần, hiểu hết đời lao tù như thế nào. Đấy cũng là thành tích số má trong giới giang hồ của hắn ta để đám đàn em phải kính phục nể trọng. Ít học nhưng vẫn khôn ngoan, biết tính toán, chớp thời cơ và biết điểm mạnh yếu của từng băng nhóm lẫn những tên trùm khác để có “chiêu thức” thu phục mềm mỏng, thậm chí còn nhún nhường cho đến trừng phạt nặng nhẹ khác nhau và sẵn sàng “tiễn” kẻ đối địch về bên kia thế giới nếu kẻ đó thực sự đang đe dọa đến hắn. Lợi dụng đất nước mở cửa, đổi mới, sau một thời gian dài nằm im nghe ngóng và âm thầm hoạt động bảo kê cờ bạc nhỏ, hắn đã từ từ ngóc đầu dậy, liên kết các băng nhóm tội phạm khác quy lại dưới trường của hắn và sau đó bành trướng thế lực hoạt động ra phạm vi cả nước, dần dần ra cả nước ngoài.
Đặc điểm cần chú ý nữa là những hoạt động “đen” của hắn ta qua việc tổ chức đâm thuê, chém mướn, bảo kê nhà hàng, vũ trường, quán bar, cờ bạc gian lận… và từ những đồng tiền “bẩn” thu được, một phần để nuôi dưỡng bộ máy hoạt động hàng ngày, một phần lớn hắn đầu tư vào các dịch vụ kinh doanh như buôn bán đất đai, mở nhà hàng mà luật pháp cho phép để rồi từ đó rút ra thành những đồng tiền sạch để đầu tư tiếp. Bề ngoài hắn luôn tạo cho mình vỏ bọc là một doanh nghiệp chủ khách sạn hiền lành, lễ phép có phần nhún nhường nhút nhát và tạo cho các cơ quan bảo vệ pháp luật thấy hắn là một kẻ “hoàn lương”. Thậm chí hắn còn tỏ ra là một công dân gương mẫu, có lòng hảo tâm trong các hoạt động từ thiện. Hắn ta cực kỳ khôn ngoan trong việc luôn tạo cớ hợp lý để tránh xa những vụ việc hình sự nổi cộm mỗi khi xảy ra tại thành phố mặc dù thực chất tất cả đều dưới sự chỉ đạo giật dây thao túng ngấm ngầm của hắn. Việc này không ngoài mục đích tạo chứng cứ hợp pháp nhằm đối phó với các cơ quan điều tra nếu có nghi ngờ nhắm vào hắn để điều tra thì cũng không làm gì được.
Từ những đặc điểm này anh thấy tên trùm và tổ chức giang hồ xã hội đen của hắn ta xứng đáng được điểm mặt chỉ tên rằng đấy chính là một tổ chức tội phạm xã hội đen đúng nghĩa. Thế nhưng đã đủ yếu tố để gọi chắc chắn đây là một tổ chức xã hội đen chưa, một vài thành viên vẫn phân vân và tranh luận với anh điều này. Hoạt động theo kiểu xã hội đen theo anh cũng là một cách nói không hẳn sai bởi qua phân tích anh nhận thấy dù sao hắn tan cũng không thể dùng tiền, gái hay những thủ đoạn khác để mua chuộc, khống chế được cả bộ máy tư pháp của nhà nước ta, cụ thể là ngay trong lực lượng công an thì hắn ta cũng chỉ mua được một số đối tượng đơn lẻ sa đọa thoái má mà công việc có liên quan trưc tiếp đến những hoạt động tội phạm của hắn chứ không phải đã mua chuộc được hầu hết mọi người của ngành công an thành phố. Với các ngành khác cũng vậy, hắn tung tiền mua chuộc nhắm vào những cá nhân có thể phục vụ lợi ích thiết thực của hắn. Hắn miễn cưỡng buộc phải bỏ tiền ra dù không thích thú gì. Quyền lực của hắn trong giới giang hồ cũng không thể nói là bao trùm khống chế được tất cả các băng nhóm khác lẫn những tên đầu sỏ khác. Hắn vẫn phải chia lãnh địa, chia quyền lực và vẫn phải dùng đến vũ lực để thanh toán nhau khi đụng chạm đến quyền lợi…
Tuy nhiên điều anh muốn nhấn mạnh với đồng nghiêp là, nếu nói về sự hoàn chỉnh hoạt động có cơ cấu và tổ chức băng nhóm từ trên xuống dưới với sự phục tùng một tên trùm hay một tập đoàn những tên trùm như tổ chức tội phạm xã hội đen nước ngoài được gọi là maphia thì chưa hẳn, nhưng tổ chức của tên tội phạm này đã mang dáng dấp của maphia và mục tiêu của hắn là hướng tới điều đó trong tương lai gần. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm mà ban chuyên án nhận thức được để quyết tâm tiêu diệt bọn chúng. Ngoài ra, hắn còn thọc sâu vào bộ máy công quyền của nhà nước, nhất là lực lượng công an các cấp như một vết thương đang mưng mủ, lan rộng, sâu thối và không biết bục vỡ ngày nào nếu như chúng ta không cương quyết nhanh chống xử lý vết thương này, sẽ là điều nguy hiểm cho chế độ.
Tại sao vẫn có sự ngần ngại về tên gọi? Anh hiểu, bởi vẫn có quan điểm cho rằng với chế độ chính trị tốt đẹp của đất nước sau gần ba mươi năm giải phóng, chúng ta đang hướng tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh thì không thể có loại tội phạm gọi là maphia, không thể có bọn giang hồ xã hội đen… đây chỉ là một băng nhóm tội phạm nhỏ mà thôi. Dường như vẫn có sự áy náy băn khoăn với những ý nghĩ liên quan đến uy tín thế chế chính trị… Bởi không lẽ với cả một bộ máy chuyên chính, lực lượng quân đội, công an hùng hậu như thế lại để tồn tại những tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen thao túng như vậy? Vậy còn gì là bản chất tốt đẹp của Nhà nước Việt Nam. Cũng có ý kiến nhắc đến danh dự và uy tín của ngành công an sau mấy mươi năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành lại để những tổ chức tội phạm hoạt động theo kiều xã hội đen thì còn gì là uy tín của ngành. Những tâm sự dằn vặt lo âu hoàn toàn chính đáng, tất cả cũng chỉ vì quá yêu quý ngành công an, tin tưởng vào chế độ để nay phải đối diện với thực tế thì hụt hẫng âu lo là điều dễ hiểu. Theo anh, thể chế vẫn tốt đẹp và lòng tin của người dân sẽ càng được nâng cao khi chúng ta nhìn thẳng vào sự thật và cương quyết tiêu diệt những băng đảng tội phạm ngang nhiên quấy rối, làm mất an ninh xã hội. Về tên gọi của các tổ chức tội phạm chính là một sự xác nhận đúng về những hiện tượng đang tồn đọng trong thời buổi kinh tế thị trường của nước ta và cần nhận diện để xử lý nó, còn hơn là sự nhùng nhằng luẩn quẩn không lối ra với những lo âu về chính trị không thực tế. Với ngành công an thì niềm tin trong anh mãi mãi không thay đổi, anh tin rằng qua đấu tranh làm rõ những đối tượng thoái hóa biến chất trong vụ án này mà có hình thức xử lý nghiêm khắc, càng làm tăng thêm niềm tin của người dân vào ngành công an chứ không phải làm giảm sút như một số người vẫn lo sợ. Uy tín của ngành công an là những việc đã và đang làm vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của biết bao người, nên một vài cá nhân đơn lẻ nào đó, một vài hiện tượng đơn lẻ nào đó sẽ không vì vậy mà ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành được và phải cương quyết xử lý còn hơn để như vết dầu loang, nguy hiểm sẽ nhân lên gấp bội. Khi nghe anh đặt vấn đề như vậy, vài vị lãnh đạo lẫn bạn bè từng chân tình vỗ vai anh. Ôi dào, cậu cứ hay làm to chuyện, cái bọn trộm cướp ấy xá gì, vài đợt ra quân càn quét, hay vài chiến dịch nhân ngày lễ là im ngay. Cần thiết cứ đưa chúng đi tập trung cải tạo, bọn này có thá gì mà phải lo xa thế. Một tâm lý lạc quan quá chăng hay là những suy nghĩ có phần thiển cận, hẹp hòi, dần dần anh đã phát hiện ra những vòi bạch tuộc câu kết rộng lớn, cực kỳ nguy hiểm của tên trùm với những người làm công tác bảo vệ luật pháp của thành phố. Thế nhưng cũng từ đó xuất hiện những lực cản mơ hồ. Ban đầu là, an ninh liên quan gì đến trật tự an toàn xã hội mà lại “nhảy” sang lĩnh vực này, có ý đồ gì? Phải “đoàn kết nội bộ” giữa hai lực lượng an ninh và cảnh sát, nếu không khéo để mất đoàn kết kẻ địch sẽ lợi dụng thì nguy và nếu để an nình làm công tác cảnh sát chẳng khác nào “tố cáo” lực lượng cảnh sát bất lực, bị bọn xã hội đen “mua chuộc” hết hay sao? Thật quá nguy hiểm. Và cuối cùng là, lực cản xuât hiện từ những lập luận “an ninh làm công việc của an ninh đi, phiền phức quá”, đấy là lời phàn nàn của một vài cán bộ cùng cấp và cấp trên của anh khi gặp khó khăn. Thậm chí trong một cuộc họp, có một vị tướng khi nghe báo cáo đã tự ái, nổi giận “đòi” cởi áo ngành vì biết công việc mà anh và ban chuyên án đang làm. Ông tự ái cũng phải, đây là phần việc của ông ấy và cấp dưới ông, những người cùng ngạch quân hàm, cùng màu áo, những người từng chụm đầu bàn bạc kế hoạch đánh án với ông, những người đang thực thi mệnh lệnh của ông truy bắt tội phạm này, kế hoạch chuyên án kia. Những con người ông tin tưởng thân thiết như anh em, nay bỗng chốc bị đặt vấn đề và trở thành người “ngoài cuộc” trong một chuyên án hình sự quan trọng thế này, thử hỏi làm sao ông không bị sốc cho được. Anh hiểu vị tướng ấy, một phong thái nóng tính rất Nam Bộ, sòng phẳng trong cuộc sống và không chấp nhận những biểu hiện tiêu cực, nhất là trong nội bộ, nên khi nghe báo cáo về chuyên án này thì đấy là phản ứng hiển nhiên bình thường của ông. Cũng qua đó anh hiểu rằng, đây là mọt con người anh có thể tin cậy, thậm chí là một “chỗ dựa” cho anh khi chuyên án gặp khó khăn. Ông sinh ra tại vùng đất, như các cụ ngày xưa vẫn nói “vùng đất mà rắn Mai gầm đã cắn thì không bao giờ nhả”. Dự đoán của anh sau này hoàn toàn đúng.
Vẫn là một tên gọi, nói theo người xưa danh không chính thì tắc ngôn không thuận.