Hàn Phi Tử

THIÊN XIV

Ý nghĩa trong thiên này là phải dùng pháp luật, nghiêm hình để trị gian thần, chứ nếu dùng cái "ngu học" của Nho gia thì sẽ mất nước. Nội dung cũng giống các thiên Ngũ đố, Hiển học, Bát gian. Có một đoạn ở giữa kể cái nguy của bọn sĩ dùng pháp thuật mà bị ghét và gièm pha, không liên lạc gì đến các đoạn trên và dưới; nên các học giả ngờ rằng ở thiên XIII Hòa thị sắp lộn vào đây.

Chúng tôi chỉ trích một đoạn 3 Hàn Phi đả Nho học và nửa đoạn 5 mạt sát chính sách dùng nhân nghĩa để trị dân.

 

°

Các học giả ngu trên đời đều ko hiểu tình hình trị loạn, cứ lảm nhảm tụng hoài các sách cổ, làm loạn sự cai trị hiện thời; trí lực của họ không đủ để tránh cái hố bẫy mà lại chê bậy các thuật sĩ (kẻ sĩ dùng pháp thuật), nghe lời họ thì nguy, dùng kế họ thì loạn, ngu tới vậy là cùng cực mà lại hại cùng tột bực. Họ với các thuật sĩ đều mang cái danh là biện sĩ, nhưng thực thì cách khác nhau cả ngàn vạn (dặm). Danh là một mà thực thì khác. Hạng người theo cái học ngu trên đời đó so với các thuật sĩ cũng như tổ kiến đùn so với gò cao vậy, khác nhau xa lắc. Bậc thánh nhân xem sự thực của sự phải quấy, xét tình hình của sự trị loạn, cho nên trị nước thì minh định pháp luật, đặt ra hình phạt nghiêm khắc để cứu loạn cho quần chúng, trừ họa cho thiên hạ, khiến cho kẻ mạnh không lấn kẻ yếu, đám đông không hiếp đáp số ít, người già cả được hưởng hết tuổi trời, bọn trẻ con được nuôi lớn, biên giới không bị xâm phạm, vua tôi thân nhau, cha con bảo vệ nhau, không lo bị giết, bị giặc bắt hay cầm tù; đó cũng là cái công cực lớn vậy mà kẻ ngu không biết, cho là tàn bạo.

Kẻ ngu cũng muốn cho được trị đấy nhưng lại ghét cái làm cho trị; chúng ghét cái nguy đấy, nhưng cũng thích cái làm cho nguy. Làm sao biết được vậy? Hình phạt nghiêm và nặng là cái dân ghét, nhưng nhờ đó mà nước trị; thương xót trăm họ, làm nhẹ hình phạt là cái dân thích nhưng vì đó mà nước nguy. Thánh nhân đặt pháp luật cho nước thì tất nghịch với đời mà thuận với đạo đức. Hiểu biết lẽ đó thì cứ theo điều nghĩa[1] không ngại khác thế tục. Trong thiên hạ số người hiểu lẽ đó mà ít thì điều nghĩa bị chê {mà thế tục thắng}.

 

°

Bọn học giả đời nay thuyết phục các vua chúa, không bảo: “Nên dùng cái thế uy nghiêm để làm khốn bọn bề tôi gian tà", mà đều bảo: “Chỉ nên dùng nhân nghĩa, huệ ái mà thôi". Bậc vua chúa đời nay quí cái “danh” là nhân nghĩa mà không xét cái "thực", cho nên (tai họa) lớn thì nước mất, thân chết, nhỏ thì đất bị cướp, vua bị coi hèn. Làm sao biết rõ điều ấy? Thi ân cho kẻ cùng khốn, như vậy đời gọi là nhân nghĩa; thương xót trăm họ, không nỡ trừng phạt, như vậy đời gọi là huệ ái. Nhưng thi ân cho kẻ cùng khốn thì kẻ không có công được thưởng, không nỡ trừng phạt thì kẻ bạo loạn không ngừng làm bậy. Nước có kẻ không có công lao mà được thưởng thì dân, bên ngoài không lo việc cự địch, chém đầu giặc, bên trong không gấp ra sức canh tác, mà đều muốn dùng tiền của, hóa vật thờ kẻ giàu sang, làm việc thiện riêng, gây danh dự để được chức cao, lộc hậu. Vì vậy mà bọn bề tôi gian lo việc riêng càng đông mà bọn bạo loạn càng mạnh. Còn đợi gì nữa mà nước không mất? Hình nghiêm là cái dân sợ, phạt nặng là cái dân ghét, cho nên thánh nhân bày cái dân sợ ra để cấm kẻ tà; lập ra cái dân ghét để phòng kẻ gian, nhờ vậy mà nước yên, bạo loạn không nổi dậy. Tôi xét vậy mà biết rõ rằng nhân nghĩa, huệ ái không dùng được mà nghiêm hình trọng phạt có thể trị nước được. Không có cái uy của cây roi, cái lợi ích của hàm thiếc thì dù là Tháo Phủ[2] cũng không trị được ngựa; không có cái qui cái củ để vẽ, dây mực để vạch, thì dù là Vương Nhĩ[3] cũng không làm được hình tròn hình vuông; không có cái thế uy nghiêm, cái phép thưởng phạt thì dù là Nghiêu, Thuấn cũng không làm cho nước bình trị được. Bậc vua chúa ngày nay đều khinh bỏ trọng phạt, nghiêm hình, để làm cho huệ ái, mà muốn lập sự nghiệp bá vương thì cũng không thể được. Cho nên khéo trị nước thì làm sáng việc thưởng, đặt ra cái lợi để khuyến khích dân, khiến cho dân lập công để được thưởng chứ không mong được vua vì lòng nhân nghĩa mà ban ơn; đặt ra nghiêm hình, trọng phạt để cấm dân, khiến cho dân hễ có tội thì bị trừng phạt chứ không mong được vua vì lòng ân huệ mà tha cho. Như vậy kẻ không có công lao thì không mong được thưởng mà kẻ có tội thì không mong được tha. Ngồi xe có ngựa tốt thì đường bộ vượt được những hiểm trở trên dốc núi; cưỡi thuyền vững nắm cây chèo tốt thì đường thủy qua được thác ghềnh trên sông; nắm được pháp thuật; thi hành trọng phạt nghiêm minh thì lập được sự nghiệp bá vương. Trị nước mà dụng pháp thuật, thưởng phạt thì như trên bộ có xe chắc ngựa tốt, trên thủy có thuyền nhẹ, chèo tốt, tất phải thành công.

Chú thích:

[1] Tức điều nên làm, theo quan điểm Pháp gia, khác với điều nghĩa theo quan điểm Nho gia.

[2] Một người đánh xe giỏi thời xưa.

[3] Một người thợ giỏi thời xưa.