Thuật thứ nhất là "(do kẻ) chung giường". Thế nào là chung giường? Đáp: Phu nhân (vợ vua chúa chư hầu) được quí, cung nhân được yêu,[1] sủng thần đẹp trai[2], đó là những người dễ làm mê hoặc vua chúa. Họ nhân lúc chúa nhàn cư vui vẻ, hoặc lúc chúa no say mà xin điều họ muốn, chúa tất nghe. Bề tôi bên trong dùng vàng ngọc hối lộ họ để họ làm mê hoặc chúa, như vậy là [dùng thuật do kẻ] chung giường.
Thuật thứ nhì là (do kẻ) ở bên. Thế nào là kẻ ở bên? Đáp: Bọn hề, kép hát, bọn lùn làm cho chúa cười, bọn tả hữu thân cận, chúa chưa ra lệnh họ đã dạ dạ, chưa sai bảo họ đã vâng vâng, đoán được ý chúa mà làm trước, dò nét mặt, sắc diện mà biết trước được lòng chúa, họ cùng tiến cùng thoái, cùng ứng cùng đối, nói năng hành động như nhau để làm thay đổi lòng chúa. Bề tôi bên trong thì vàng ngọc, châu báu hối lộ họ, bên ngoài thì vì họ làm điều trái phép để họ lần lần thay đổi tính của chúa, như vậy là [dùng thuật do kẻ] ở bên.
Thuật thứ ba là (do bậc) cha anh. Thế nào là cha anh? Đáp: Các người trong tôn thất vào hàng cha anh của chúa[3] là người được chúa thương yêu, quan lớn nhỏ ở triều đình, là những người cùng mưu tính việc nước với vua. Nếu họ tận lực thuyết phục (nói riết) thì chúa tất nghe. Bề tôi dùng âm nhạc nữ sắc cung phụng cho các người trong tôn thất, dùng lời khéo léo thu phục các quan lớn quan nhỏ, ước với họ về một việc (tâu với chúa), nếu việc thành thì thăng tước, tăng lộc để khuyến khích họ, như vậy là (dùng thuật do bậc) cha anh.
Thuật thứ tư là nuôi tai ương. Thế nào là nuôi tai ương? Đáp: Chúa thích có cung thất, đài và ao đẹp, thích gái đẹp, thích có chó ngựa tốt để giải buồn, đó là những tai ương của họ. Bề tôi dùng hết sức dân để xây cất, sửa sang cung thất, đài, ao cho đẹp, đánh thuế nặng để có gái đẹp, chó ngựa tốt làm cho chúa vui mà tâm trí hoá mê loạn; làm thỏa lòng muốn của chúa để nhân đó mưu lợi riêng cho mình, như vậy là thuật nuôi tai ương.
Thuật thứ năm là do nhân dân. Thế nào là do nhân dân? Đáp: bề tôi làm hao tán của công để được lòng nhân dân, thi hành những ân huệ nhỏ để thu phục trăm họ, khiến cho triều đình, thành thị ai cũng khen mình, chúa bị che mắt, mà ước vọng cùa mình đạt được, như vậy là dùng thuật do nhân dân.
Thuật thứ sáu là ăn nói lưu loát. Thế nào là ăn nói lưu loát? Đáp: Chúa vốn ở thâm cung, bị bế tắc về ngôn đàm, ít được nghe nghị luận, nên dễ bị thuyết phục. Bề tôi tìm hạng biện sĩ trong các nước chư hầu, nuôi những kẻ nói giỏi trong nước, dùng họ để thuyết về những việc riêng của mình, bằng những lời văn vẻ khéo léo, lưu loát, khi thì vạch cho chúa thấy cái lợi thế, khi thì đem tai họa ra dọa chúa, bày đặt ra để phá hoại chúa, như vậy là dùng thuật ăn nói lưu loát.
Thuật thứ bảy là dùng uy quyền và sức mạnh. Thế nào là dùng uy quyền và sức mạnh? Đáp: Uy quyền và sức mạnh của vua chúa là do quần thần và trăm họ. Cái gì quần thần và trăm họ cho là tốt thì vua cho là tốt, cái gì quần thần và trăm họ cho là không tốt thì vua cho là không tốt. Bề tôi tụ tập kẻ đeo gươm (tức bọn hiệp khách), nuôi hạng cảm tử để tỏ cái uy của mình, khiến cho bọn này thấy theo họ thì tất có lợi, không theo họ thì tất chết; do đó họ làm cho quần thần và trăm họ phải sợ họ mà đạt được mục đích riêng, nhưg vậy là dùng quyền uy và sức mạnh.
Thuật thứ tám là do bốn phương. Thế nào là do bốn phương? Đáp: Làm vua một nước, hễ nước nhỏ thì phải thờ nước lớn, binh lực yếu thì phải sợ binh lực mạnh. Nước lớn yêu sách điều gì, nước nhỏ tất phải nghe; binh mạnh tấn công thì binh yếu tất phải hàng phục. Bề tôi đánh thuế nặng, dốc hết kho lẫm làm cho nước rỗng không để đem thờ nước lớn, rồi mượn uy nước lớn dụ dỗ vua mình; nặng thì xin nước lớn đem binh mạnh tụ họp ở biên giới để uy hiếp vua nước mình, nhẹ thì xin nước lớn sai người đi sứ làm chấn động vua mình, khiến vua sợ hãi, như vậy là thuật do bốn phương.
Do tám thuật đó mà bề tôi thành gian, vua chúa bị che mắt, hiếp đáp, mất quyền thế, cho nên bậc vua chúa phải lưu ý tới.
°
Bậc minh quân:
- đối với các phi tần cung nữ, vui hưởng sắc đẹp của họ mà không làm theo lời họ xin, không cho họ xin riêng cái gì cả;
- đối với kẻ tả hữu thì khi sai khiến họ, phải xét cách hành động của họ có hợp với lời nói của họ không, không cho họ nhiều lời, ngoài nhiệm vụ của họ mà cũng nói;
- đối với bậc cha anh, đại thần, dùng lời họ nhưng sau thấy lời không thích đáng (việc không thành) thì phạt, không để họ tự làm bậy;
- về các cung đài, châu báu, tất phải biết ở đâu ra, không để cho bề tôi tự ý dâng hay lấy đi, mà do đó họ đoán được sở thích của mỉnh;
- về việc thi ân đức thì lấy tiền bạc trong kho[4], phát lúa trong lẫm để làm lợi cho dân tất phải có lệnh của vua, bề tôi không được thi ân riêng;
- về các lời thuyết nghị, nếu có ai được khen là tốt, bị chê là xấu thì phải xét xem người đó thực có tài năng, tội lỗi không, chứ không để cho quần thần tâng bốc, chê bai lẫn nhau;
- đối với dũng sĩ, nếu có quân công thì không quên thưởng cho xứng đáng, còn kẻ cậy sức mà gây lộn trong làng thì không tha tội, không để cho quần thần mưu tính chuyện riêng;
- về các yêu sách của chư hầu, nếu hợp pháp thì nghe không thì cự tuyệt. Ông vua mất nước không phải là ông vua không còn quốc gia, tuy còn đấy, nhưng không nắm được nó nữa (thì cũng là mất). Cho bề tôi dựa vào nước ngoài, áp chế nước mình, như vậy vua tất suy vong. Nếu nghe lời nước lớn để cứu vãn nước mình thì còn mau suy vong hơn là không nghe họ, cho nên không nên nghe. Bề tôi biết vua không nghe lời nước lớn thì sẽ không kết nạp chư hầu ở ngoài; chư hầu biết vua không nghe lời mình[5] thì sẽ không kết nạp bọn bề tôi vu cáo vua.
°
Bậc minh chủ, lập ra quan chức, tước lộc để tiến dụng người hiền tài, khuyến khích kẻ có công. Cho nên bảo: "hễ hiền tài thỉ được có bổng lộc dồi dào, làm chức lớn; có công thì được tước cao, được trọng thưởng”. Họ ước lượng tài năng cùa người giỏi rồi mới bổ nhiệm, ban lộc cho xứng với công, vì vậy mà người giỏi không mạo nhận những tài năng mình không có để thờ vua, người có công vui vẻ lập công thêm nữa, do đó mà mọi việc thành công. Nay thì không vậy. Vua chúa không phân biệt người giỏi người dở, chẳng kể bề tôi có công lao hay không, dùng những kẻ dựa vào uy thế của chư hầu, nghe lời thưa bẩm của kẻ tả hữu. Các bậc cha anh và đại thần xin vua tước lộc để bán cho kẻ dưới mà thu tiền của rồi lập bè đảng riêng. Vì vậy, kẻ có nhiều tiền thì mua quan chức để được sang, kẻ kết giao với bọn tả hữu của vua thì xin xỏ để gây quyền thế. Vua không biết tới các bề tôi có công lao, trong việc thăng quan giáng chức lại lầm lẫn, bất công; kết quả là quan lại coi nhẹ chức vụ mà giao thiệp với nước ngoài, bỏ bê công việc mà lo làm tiền; người giỏi sinh ra biếng nhác, không gắng sức, kẻ có công chán ngán mà làm quấy quá cho xong. Cái thói của nước suy vong như vậy.
Chú thích:
[1] Nguyên văn là nhụ tử. Có ba nghĩa: con còn nhỏ, vợ bé, thiếu nữ đẹp. ở đây, trỏ những cung nhân đẹp.
[2] Như Di Tử Hà được vua Vệ yêu vì đẹp trai. Coi thiên Thuế nan.
[3] Nguyên văn: trắc thất công tử, có sách giảng là con vợ nhỏ.
[4] Nguyên văn là cấm tài: tiền của cấm, tức tiền bạc của vua, của quốc gia. Cái gì riêng của vua thì thường gọi là cấm, như cấm thành, cấm uyển.
[5] Nguyên văn ghi chép là bất thính, có sách giảng là không nghe lời bề tôi.