°
Nước Triệu bói mai rùa, cỏ thi, được quẻ “đại cát” (rất tốt) bèn tấn công nước Yên (năm - 242). Yên bói mai rùa cỏ thi, được quẻ “đại cát” bèn tấn công Triệu. Kịch Tân thờ Yên, không có công mà nước Yên nguy[1]; Trâu Diễn thờ Yên, không có công mà đạo nước không còn.[2] Triệu trước thắng Yên, sau lại thắng Tề, tuy loạn mà khí tiết vẫn còn cao, tự cho mình ngang hàng với Tần. Không phải là vì mai rùa của Triệu linh mà mai rùa của Yên không linh[3].
(Vả lại) Triệu cũng đã có lần bói mai rùa cỏ thi về việc đem quân lên phía Bắc tính cướp nước Yên để cự Tần (năm 236) được quẻ “đại cát”. Nhưng Triệu mới bắt đầu đánh Đại Lương thì Tần đã đánh Thượng Đảng[4]; khi binh Triệu đến đất Lí (ở Yên) thì Triệu đã mất sáu thành về Tần; khi họ đến Dương Thành thì Tần đã chiếm đất Nghiệp[5]; Bàng Viên[6] vội kéo binh trở về Nam thì các thành để bảo vệ (ở đất Nghiệp) đã mất về Tần hết rồi. Vì vậy mà thần (tức Hàn Phi)[7] bảo mai rùa ở Triệu nếu không biết được rằng đánh Yên không thắng thì cũng phải biết rằng cự Tần là có hại chứ. Tần được quẻ đại cát mà thực sự đã mở rộng được đất đai, lại thêm cái danh là cứu được Yên. Triệu cũng được quẻ đại cát mà đất bị cướp, binh bị nhục, vua[8] buồn rầu mà chết. Lại cũng không phải mai rùa của Tần linh mà của Triệu không linh.
Mới đầu, nước Ngụy trong mấy năm quay về phía Đông, chiếm hết đất Đào và nước Vệ; rồi sau trong mấy năm quay về hướng Tây mà mất đất về Tần. Như vậy không phải là vì các sao (tốt) Phong long, Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), Thái ất, Vương tương, Nhiếp đề, Lục thần, Ngũ quát, Thiên hà, Ân thương, Tuế tinh trong mấy năm ở về phương Tây cả[9] cũng không phải các sao (xấu) Thiên khuyết, Hồ nghịch, Hinh đinh, Huỳnh hoặc, Khuê, Thai, trong mấy năm đều ở phương Đông cả[10].
Vì vậy thần báo: Mai rùa cỏ thi, quỉ thần không đủ cho ta luận được sẽ thắng hay không; các sao ở bên phải, bên trái, sau lưng, trước mặt[11] không đủ cho ta quyết định nên ra quân hay không. Nếu ỷ vào đó thì không gì ngu bằng.
Xưa các đấng tiên vương hết sức thân dân và làm sáng tỏ pháp luật. Pháp luật sáng tỏ thì trung thần hăng hái, hình phạt cương quyết thì gian thần ngừng lại. Trung thần hăng hái, gian thần ngừng lại, mà đất mở rộng, vua được tôn, đó là trường hợp nước Tần. Quần thần kết bè đảng để che giấu chính đạo, làm việc cong queo riêng tư, đất bị cướp, vua bị khinh, đó là trường hợp lục quốc (Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở) ở phía đông núi Hoa. Yếu, loạn thì mất, thế thường con người là vậy; mạnh, trị thì lập được nghiệp vương, đạo từ thời xưa là vậy. Việt vương Câu Tiễn tin con rùa đại bằng (rùa thiêng của đất Việt), đánh nhau với nước Ngô, không thắng, phải đem thân làm bề tôi, hầu hạ vua Ngô; sau được trở về nước thì bỏ rùa, làm sáng tỏ pháp luật, thân dân để mưu tính việc trả thù nước Ngô, kết quả là bắt được Ngô vương Phù Sai. Vậy ỷ vào quỉ thần thì bỏ bê pháp luật.
Mà ỷ vào chư hầu thì nước sẽ nguy. Nước Tào[12] ỷ vào nước Tề mà không nghe nước Tống, khi Tề đánh nước Kinh (Sở) thì Tống diệt Tào; nước Hình[13] ỷ vào nước Ngô mà không nghe nước Tề, khi Việt đánh Ngô thì Tề diệt Hình; nước Hứa ỷ vào nước Kinh mà không nghe nước Ngụy, khi Kinh đánh Tống thì Ngụy diệt Hứa; nước Trịnh ỷ vào nước Ngụy mà không nghe nước Hàn, khi Ngụy đánh Kinh thì Hàn diệt Trịnh.
Nay nước Hàn nhỏ mà ỷ vào nước lớn, nhà vua bỏ bê (pháp luật) mà nghe Tần, Ngụy, ỷ vào Tề, Kinh thì càng mau mất nữa[14]. Ỷ vào người, không đủ để mở rộng đất đai, Hàn không thấy vậy. Kinh nhân đánh Ngụy mà tấn công luôn cả Hứa, Yên (đồng minh của Ngụy). Tề đánh Nhiệm và Hồ mà cướp đất của Ngụy, nhưng điều đó không đủ để cứu Trịnh,[15] Hàn không biết vậy. Các nước đó[16] đông (đồng?) không làm sáng tỏ pháp luật, cấm lệnh để trị nước, cứ ỷ vào nước ngoài mà khiến cho xã tắc bị diệt. (Bỏ từ đây)
Chú thích:
[1] Kịch Tân là tướng Yên, thua Triệu, bị Triệu bắt.
[2] Trâu Diễn là triết gia sáng lập phái Âm dương, người nước Tề, làm quân sư cho Yên Chiêu vương; “đạo nước không còn”, nguyên văn là: “quốc đạo tuyệt”, có người giảng là quốc đạo đó là đạo trị nước theo pháp gia; có người lại bảo là đường đi trong nước, (đường đi vắng người - tuyệt – vì Yên thua Triệu).
[3] Vì được quẻ “đại cát” mà sao Yên lại thua Triệu.
[4] Đại Lương là kinh đô Ngụy, không phải ở Yên, Triệu muốn cướp Yên mới đầu đánh Đại Lương có lẽ để Yên không ngờ; Thượng Đảng vốn là đất của Hàn, lúc đó thuộc về Triệu; Tần thấy Thượng Đảng bỏ trống thì Triệu không đề phòng, nên đem quân đánh.
[5] Dương Thành của Yên; đất Nghiệp của Triệu.
[6] Một danh tướng của Triệu, có sách gọi là Bàng Quyên.
[7] Một số học giả cho rằng thiên này là một bài biểu Hàn Phi dâng vua Hàn, nhưng thuyết đó không đáng tin.
[8] Tức Điệu Tương vương.
[9] Các sao tốt ở phương Tây, cho nên Ngụy ở phương Tây mới chiếm được Đào, Vệ ở phương Đông.
[10] Các sao xấu ở phương đông, cho nên Ngụy ở phương đông (đối với Tần) mới bị Tần (ở phương Tây) chiếm hết đất.
[11] Theo sách Hoài Nam tử thì môn thiên văn thời đó cho rằng nếu sao Hình ở phía trái hay phía trước, sao Đức ở phía phải hay sau lưng, mà ra quân thì tất thắng.
[12] Một nước nhỏ ở Sơn Đông ngày nay.
[13] Một nước nhỏ ở Trực Lệ ngày nay.
[14] Câu này có sách chấm câu ở sau chữ Tần mà dịch là: “…mà nghe Tần. Các nước nhỏ ỷ vào Ngụy, Tề, Kinh mà mau mất nước”. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên.
[15] Câu này nữa cũng rất khó hiểu, ngờ rằng thiếu sót hoặc sai lầm.
[16] Có lẽ là các nước Hứa, Yên, Trịnh nói trong câu trên.