HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

PHẦN I - Chương 12

Trong những thú vui của bà Hai Tuy có lẽ xem cải lương là thứ bà chuộng nhất, chẳng thế mà khi Long mời cả nhà đi xem vở mới của đoàn Chuông Vàng thì bà đã nhìn Phong thăm dò. Từ khi ông Hai qua đời thì mọi sự trong nhà bà Hai đều dựa vào ý của con trai cả để quyết định. Riêng Phong lại rất biết sở thích của mẹ mình và vốn là đứa con ngoan ngoãn nên anh luôn luôn tìm mọi cách để đáp ứng sở thích của mẹ. Khi Long ngỏ ý muốn mời cả nhà Phong đã thăm dò ý của mẹ, khi thấy mẹ nhìn thì phía mình và nhất là khi bíết Long sẽ đưa vợ cùng đi xem cùng thì Phong gần như reo lên. Người ngoài nghe tiếng anh có cảm giác hình như anh chàng này chỉ chờ lời mời của bạn là bật lên lời chấp nhận hể hả đó. Nhưng đến chiều tối hôm sau, Vân tìm mọi cách để từ chối. Cô lấy đủ lý do, kể cả sự nhăn mặt, bóp trán để chứng tỏ mình đang bị đau đầu mặc dù lúc đó mọi cảm giác nặng nề, u ám của mấy ngày hôm trước gần như tan biến nhường cho sự nhẹ nhàng gần như thanh thản. Cả nhà chiều hôm ấy kể cả Nhuỵ cô sen của nhà Vân cũng ăn cơm hơi sớm hơn mọi ngày để kịp đến rạp. Sau bữa ăn, sau khi bảo mọi người cứ đi xem thì Vân lặng lẽ lên phòng. Bó gối ngồi lặng lẽ giữa giường một lúc đến khi biết chắc cả nhà đã đến rạp, cô từ từ đi xuống phòng khách, ngả người ôm con chó bông duỗi dài chân trong chiếc xa lông bọc da mầu nâu đã sờn mép, trầm ngâm ngắm nhìn phiên bản bức sơn dầu"hai cô gái và đứa trẻ" được Vũ vẽ lại có kích thứơc gần bằng tranh chính chỉ duy nhất ở góc tranh có dấu chiện ghi rõ sự chép lại của Vũ. Vân nhìn kĩ cô gái cúi thấp hơn thầm so sánh khuôn mặt cô gái này đẹp hơn cô gái bên cạnh và chắc chắn hai cô gái làm mẫu cho ông hoạ sĩ này giờ đây có lẽ xấp xỉ tuổi của mẹ. Nhìn một lúc cô lại nghĩ đến tên vở cải lương mà tối nay Long đã mua vé mời cả nhà mình đi. Trong thâm tâm cô lấy làm ngạc nhiên vì sự bình thản hầu như vô tư của Long. Thật là lạ lùng, đã có gia đình, có vợ có con rồi nghĩa là mọi sự về gia thất đã yên bề. Giờ đây người như anh ta chỉ có duy nhất một việc là trông nom cửa nhà, làm ăn làm sao có đủ tiền nuôi sống vợ con, dậy dỗ con cái nên người và đảm bảo cho gia đình của anh ta kín trên bền dưới. Vậy mà anh ta dường như bỏ qua tất cả mọi sự của một gã đàn ông đã trưởng thành để cố tình quay lại sự vô tư, khao khát của một trang thanh niên mới lớn. Jêsu ma, lạy chúa tôi. Thiên hạ người ta thường bảo chỉ có những người dính dáng đến văn chương, nhạc sĩ, vẽ vời mới có tính lãng mạn. Bởi đó là những nghề mà trời phú cho họ đức tính đó và những thứ đó cũng ít nhiều làm cho cuộc sống và nghề nghiệp của họ thêm mầu sắc, âm thanh, câu chữ. Như người vẽ bức tranh này. Mặc dù là bức tranh đã bị sao lại nhưng đường nét thân thể của hai cô gái, từ những nếp áo dài duyên dáng, mềm mại cho đến khuôn mặt trầm tư nũng nịu của họ chắc phải được người họa sĩ quan sát chăm chú và kĩ lưỡng với một sự đắm say đến nhường nào mới thấy rõ và vẽ được nét duyên dáng trời cho ấy chứ. Còn anh Long này thì từ gia đình, cho đến nghề nghiệp có cái gì có thể dính dáng, phát sinh ra đức tính ấy đâu… Đang mải nhìn và suy nghĩ mông lung thì bất chợt cô nghe thấy có tiếng gõ cửa và liền sau đó là tiếng pê đan xe đạp chạm nhẹ trên đoạn hè ngay trước cửa nhà cô. "Giờ này có ai đến nhà mình nhỉ?". Vân ngửa cổ nhìn ra cánh cửa sơn xanh giờ đây đã tróc sơn loang lổ. Cô nhận ra đèn đường đã bật lên từ bao giờ, ánh sáng ngọn đèn treo ở chiếc cột ngay sát kề bên cửa sổ gác hai nhà cô toả ra quầng ánh sáng vàng nhạt hơi đu đưa vì làn gió lẻ bất chợt lướt qua. Vân chầm chậm đứng lên tay từ từ nắm vào quả bàng bằng sứ trắng muốt. Khi tiếng cách khẽ vang lên và cánh cửa gỗ hé mở thì Vân cảm thấy mặt mình như tê đi vì nhìn thấy khuôn mặt hơi trầm ngâm của Long. Đôi lông mày rậm, đen hình lưỡi mác nhíu lại. Vân định đóng cửa lại và quay trở vào nhưng bàn tay của Long đã giữ chặt. Anh lẳng lặng bước lên bậc, rồi lẳng lặng tiến đến chiếc xa lông ngồi xuống và rút bao thuốc ra hút. Điều thuốc đỏ rực trên môi Long đến ba lần. Vân cố tránh nhìn vào ánh mắt của người đàn ông. Trong thâm tâm cô định nói một điều gì nặng nề, giống như một sự trách móc. Không, còn hơn cả sự trách móc. Bởi vì đã gần như một tiềm thức mà bất kì người con gái chạm tuổi trưởng thành đều hiểu rằng trách móc, dỗi hờn là sự biểu hiện của những người yêu nhau. Còn giữa mình và anh ta. Một kẻ có vợ con và mình một cô gái trong trắng bị xúc phạm ghê gớm thì chỉ là những lời mắng mỏ và kể cả sự chửi rủa. Vân rùng mình, nóng bừng người lên khi hai từ "chửi rủa" đột ngột hiện ra trong óc cô. Anh ta xứng đáng như thế nhưng trong thâm tâm cô chưa bao giờ nghĩ đến một hành động ghê gớm, đanh đá mà cô đã từng mấy lần chứng kiến ở những đứa con gái lang thang bẩn thỉu, đầu tóc rối bù thường theo đuôi bọn bọn con trai trèo me trèo sấu, hay lũ đàn bà suốt ngày vật vờ ở phố Sinh Từ, chỗ ga Hàng Cỏ. Nhưng lúc này, vì cớ gì mà anh ta đến, trong khi cả nhà mình và cả vợ anh ta đang xem cải lương "Hận tương giao "ở rạp Kim chung. Trong óc thì nghĩ ngợi và miệng thì muốn cất lên những lời nói thật gay gắt. Đúng rồi thật gay gắt để anh ta hiểu rằng anh ta đã xúc phạm ghê gớm đến một người con gái hiền lành, trong trắng của một gia đình đứng đắn. Đó là một tội lỗi khủng khiếp mà cho dù anh bị quỉ sử túm được anh, trói lại quẳng xuống chín tầng địa ngục vẫn chưa thoả đáng. Cả đời này, dù anh có làm gì tốt đẹp, thật lương thiện để cho chúa trời ngự trên trời cao thấu rõ tất cả cũng không thể chuốc được tội lỗi tầy đình như vậy. Nghĩ là thế nhưng miệng Vân vẫn mím chặt. Đôi mắt mở to nhìn vào khoảng không, chốc chốc lại ánh mắt cô lại chạm vào tượng Đức mẹ đang bế chúa hài nhi, rồi bức tranh phiên bản của Tô Ngọc Vân. Vân nhìn chăm chú vào bức tranh và cô cảm giác chỉ một lúc nữa thôi, hai người con gái trong tranh sẽ ngẩng đầu lên nhìn Vân phá ra cười còn đứa bé đang lên la dưới đất cũng trố mắt nhìn Vân kinh ngạc.

- Tại sao em không đi xem? Nói chung tôi đã mua đủ vé cho mọi người. Giọng Long khàn khàn và có vẻ run run khác hẳn bình thường. Nhưng chính vì tiếng nói của người đàn ông Long cất lời lên phá tan sự im lặng nên Vân bỗng thấy thanh thoát, dễ chịu và dường như được giải thoát ra khỏi sự bế tắc, nặng nề, lúng túng.

Anh về đi, về ngay đi. Tay Vân xua xua

- Anh biết là mình có lỗi, nói chung là rất có lỗi. Vì thế nên anh mới tìm mọi cách gặp riêng em để giãi bầy, cầu xin, mong em tha thứ cho anh. Nếu không chỉ cần nhìn thấy nét mặt u buồn của em cùng đôi mắt sưng húp vì khóc là nói chung anh không chịu nổi. Anh biết là anh đã vô tình xúc phạm đến em, làm khổ em..

- Anh thôi ngay đi. Đừng nói nữa. Tôi không phải là đứa con gái hư hỏng, không phải là phường giăng há… Vừa nói đến câu đó, Vân bất ngờ đưa tay lên bịt chặt lấy miệng mình. Không ngờ câu nói khủng khiếp mà bất chợt hôm đi mua hoa ở ngã tư Sinh Từ cô nghe được từ cuộc đánh ghen của hai mụ đàn bà, trong đó cô nhớ khá rõ khuôn mặt quắt queo, nhợt nhạt y hệt như một vỏ thị chín với đôi lông mày tỉa nhỏ mứt như một sợi chỉ đen bạc mầu. Bà ta liên tục đưa hai bàn tay có bộ móng tay được tỉa tót nhọn hoắt khiến nó giống như móng vuốt của con mèo hoang xỉa xói. Sợ nhất là khuôn mặt ấy thỉnh thoảng lại hiện ra trong những cơn mê trĩu nặng của Vân mà dường như trong các cơn mê đó Vân luôn luôn là người bị rượt đuổi trước mụ đàn bà xa lạ đó nhưng chân cô cứ cứng đơ ra không sao bước nổi.

- Anh biết anh có lỗi rồi, anh là một đồ tồi. Nói chung anh là đồ khốn nạn không có gì có thể tha thứ được. Anh chỉ xin cúi lạy em mong em vạn lần tha thứ cho anh.

- Không bao giờ, không bao giờ. Anh về đi. Về đi. Không có mọi người cả vợ anh nữa bất chợt trông thấy… Trời ạ. Tôi đã làm gì để đến nỗi bây giờ bị trừng phạt như thế này. Cầu Đức mẹ giải thoát cho con. Anh về đi, về ngay đi. Vân úp mặt xuống thành ghế xa lông, tay xua xua liên tục như một cánh tay máy.

Long nhìn đôi vai run rẩy của người con gái anh sững người, cố rít thật sâu hơi thuốc để trấn tĩnh lại. Nhưng rồi hình như chính hơi thuốc làm anh xây xẩm mặt mày và cái đói đột ngột xuất hiện. Gần như cả ngày hôm nay anh không động vào một hạt cơm nào. Long cố đứng vững, nhưng rồi anh thấy mình lảo đảo, mất thăng bằng. Bất đồ trong óc anh loé ra một ý nghĩ bất chợt. Long khuỵ chân xuống cả thân người anh đổ ập xuống, mặt Long úp vào mặt xa lông. Nghe tiếng động lạ, Vân ngửng mặt lên. Qua làn nước mắt đang thấm đậm cô hoảng hốt thấy Long ngã dúi xuống. Bao nhiêu sự giận dữ trong chốc lát tan biến đi. Sự thương sót kì quặc từ đâu ập đến. Vân nhổm người lên, đứng dậy thật nhanh, đưa hai tay ôm choàng vào vai Long lay lay, miệng cô rối rít:

Kìa, Anh Long, anh Long. Anh làm sao thế?

Vân càng hoảng hốt khi thấy Long mở to đôi mắt dáng mệt mỏi và miệng anh thở dốc ra từng hổi hổn hển khiến Vân càng cuống quít. Cô buông tay ra, đứng phắt dậy chạy nhanh ra kệ tủ để thuốc của gia đình, cô vớ vội hộp dầu cù là, đến gần Long khi cô vừa định xoa dầu vào thái dương của Long thì miệng anh lắp bắp:

- Cho anh ngụm nước nóng. Anh anh…

Sau này khi hai người đã trở thành của nhau như một định mệnh, và trên cõi đời này chẳng có gì có thể ngăn cản họ đến với nhau. Hàng ngày dù khó khăn, vất vả đến thế nào họ cũng phải tìm cách ít nhất là nhìn thấy nhau một lần. Có bận Vân tự nhiên hỏi lại tình huống này và khi nghe Long có vẻ thích thú kể lại mánh khoé khôn khéo của mình thì Vân mặc dù đang ăn dở đĩa bánh cuốn ở chợ Bưởi, cô vẫn bỏ dở đứng dậy. Lúc đó mặc dù Long chạy theo hết lời dỗ dành, khuyên nhủ như thế nào, Vân vẫn lên tầu điện đi về. Sau sự kiện đó Vân giận Long đến gần một tháng. Còn bây giờ nhìn ánh mắt lờ đờ của Long, Vân vừa lo sợ Long sẽ ngất xỉu đi vừa lo nếu cả nhà bất chợt về bây giờ thì cô biết ăn nói giải thích ra sao. Và trong sâu thẳm của tâm hồn mình, Vân bàng hoàng nhận ra mình thực sự yêu quí người đàn ông bất ngờ và gần như vô lý này bước vào đời cô. Vân run rẩy bưng cốc nước đến. Long cố gượng dậy chới với đưa bản tay run run định cầm lấy cốc nước, thì bất chợt cánh tay anh lại thõng xuống rơi trên thành ghế.

- Anh sao thế? GiọngVân run run, khe khẽ. Cô nín thở đứng sát gần Long định đưa cốc nước lên môi anh thì cũng thật bất ngờ đôi tay của Long vươn dài ra ôm choàng lấy thân hình gọn gàng của Vân. Cô gái cố giằng ra nhưng gần như toàn bộ sức lực của tự nhiên biến đi đâu mất. Vân thở hổn hển, cố chuỗi khỏi đôi tay đang ôm ghì, xiết mạnh của gã đàn ông.

Bỏ em ra, bỏ tôi ra. Trời ạ. Sao lại làm thế này, sao lại thế này.

- Đừng bỏ tôi. Đừng bỏ tôi. Nói chung tôi không thế sống thiếu em được. Không thể.