HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

PHẦN II - Chương 1

(Mọi ảo ảnh rồi sẽ tan vỡ, nhưng trái tim và những gì thuộc về nó thì tồn tại vĩnh viễn)

(Thêm một câu nói bất ưng của thiên hạ)

Long đang ngồi uống cà phê ở quán cà phê quen thuộc giữa phố Bà Triệu. Mỗi buổi sáng sau khi ăn sáng xong, chui vào một góc cửa hàng, ngồi nhàn tảng nhìn từng giọt cà phê thả xuống chiếc cốc thuỷ tinh và nghe như gần như xa, tiếng nhỏ tí tách đối với anh là một trong những thú vui gần như không bỏ được. Lúc ấy có thể là ngồi một mình, trầm mặc với những suy nghĩ lung tung về lẽ sống ở đời, về những sự việc đan chéo ngang dọc của cuộc sống bộn bề. Thảng hoặc có một người bạn nào đấy hợp tính nhau vừa ngắm nghía cốc cà phê, nhìn dòng đời xô bồ trôi lẳng lặng ngoài phố chốc chốc lại vẳng lên câu bình luận bâng quơ nào đó thì quả là thú vị. Vậy mà hôm nay mặc dù đủ mọi điều kiện để cho một buổi sáng tận hưởng đến tận cùng mùi vị của cốc cà phê Long vẫn không cảm thấy thoải mái. Một sở thích mà bất kì người Hà nội nào cũng có thể thú vị bỗng nhiên bị người ta coi đó là một trò chơi của dân tư sản. Chao ôi, vài chục năm trước đây mà được coi là người của tầng lớp tư sản thì còn gì bằng. Dù trong nhà không có cái gì đáng giá, bữa sáng lần bữa tối, nhưng được cái danh bề ngoài như vậy thì khối kẻ trọng vọng, khối người nể phục. Còn bây giờ dưới chính thể này. Một chính thể mà luôn luôn muốn khoe sự nghèo nàn của những tấm áo rách, của những bữa cơm không đủ no. Coi đó là sự trong sạch, đáng tự hào, còn sự giầu có dù bất kì nguồn gốc của sự giầu đó là thế nào đều bị khép vào tội lỗi, cần lên án. Đã là dân tư sản thì hoàn toàn ngược lại với chính quyền này. Chính quyền của giai cấp công nông, những người cần lao mà lại. Đã là cần lao, là người lao động thì tối kị mọi sự hoè sói, mọi hưởng thụ. Từ chối mọi của cải để sống trong sạch trong sự thiếu thốn. Người có được những phẩm chất ấy là hình mẫu chân chính của thời đại này, là người được chính quyền tin dùng. Đáng buồn người nói ra câu ấy và vài ngày gần đây lại thích nhắc đi nhắc đi nhắc lại như một sự ra điều về một tiến bộ trong sự cải tạo lại là Diệu Thuần, người đàn bà cũng trang lứa với mình. Người mà thời con gái cánh học trò trường An ben sa rô luôn luôn thích nhắc đến với một sự ngưỡng mộ về vẻ đẹp cùng sự kiêu sa như gốc dễ của gia đình cô ấy. Bố Diêụ Thuần là dân làng tây trước đã từng hợp tác với ông tư sản Cự Đại để mở một xưởng dệt chăn chiên ở phố Hàng Quạt. Trong niên giám kinh tế hàng năm của xứ Đông dương đều ghi rõ số lượng chăn chiên xưởng của hàng ông sản xuất, nhưng từ khi hoà bình về tuy công việc không phát đạt bằng hồi những năm mới khai trương nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình một cách sung túc thì đột nhiên xưởng của ông đóng cửa. Không biết có phải vì ông bố có nhân tình là người đàn bà lai mà hai năm trước khi chính phủ tiếp quản Hà nội vợ cả tức là mẹ của Diệu Thuần cũng như bốn anh, chị em của Diệu Thuần mới phát hiện ra. Trong năm mươi ngày sau khi hoà bình lập lại thì bố cô đã theo bà ta sang Pari để lại một gia tài trong đó có cả phần xưởng cho năm mẹ con cố chèo trống. Rồi cũng không hiểu vì duyên số hay là kết quả của một sư tính toán nào đấy mà cô Diệu Thuần xinh đẹp đã từng làm ngất ngây không biết bao nhiêu trang thanh niên Hà thành cùng lứa lại đùng đùng đi lấy anh cháu gọi ông phó của đoàn cán bộ cải tạo tư bản tư doanh bằng chú. Đấy là một anh thanh niên tên là Đỏ cái tên rất đặc trưng vùng quê của anh ta. Bề ngoài anh chàng này dễ làm cho người ta phải ngoảnh lại nhìn khi Đỏ đi trên đường phố. Chồng Diệu Thuần có chiều ngang dài hơn chiều cao. Còn giọng nói mỗi khi anh ta mở miệng thì người nghe phải cố giỏng tai thật chăm chú để hiểu anh ta nói gì. Chất giọng Nghệ an nguyên gốc của Đỏ cộng thêm với cách nói nhanh và có phần lắp bắp như cố tình tạo ra sự ngu ngơ và đáng thương. Xưởng dệt của nhà Diệu Thuần là một trong những xưởng sản xuất đầu tiên của thành Hà nội này tự nguyện hiến hoàn toàn cho chính phủ. Nhà cô được phát cái bằng ghi rõ "gia đình tư sản kháng chiến " cộng thêm điểm mạnh nữa là dâu gia với cán bộ đoàn cải tạo tư bản tư doanh nên trong khi không ít những gia đình còn kém xa nhà Diệu Thuần về của cải, chỉ vẻn vẹn chút cửa hàng bán tạp hoá mà cũng bị lôi vào guồng quay của những cuộc họp học tập những chính sách cải tạo liên miên. Mấy lần chứng kiến nhỡn tiền sự việc khôn ngoan cuả nhà Diệu Thuần, Long đã khuyên bạn bè thân thiết, trong đó có nhà Phong và ngay cả bố vợ anh nên lấy nhà cô ấy là hình mẫu cho sự hi sinh để cầu lấy sự yên ổ. Bố vợ Phong không thấy bầy tỏ chính kiến ra sao. Với Phong thì anh chàng này vốn rụt rè và chả dám chủ động trước cuộc đời một chút nào, lại cộng thêm nhưng cơn ho ngày càng mau và dài hơn khiến Phong gần như chỉ tập trung suy nghĩ vào sức khoẻ của mình mà dường như bỏ qua mọi thứ trên đời. Thôi thì mỗi người đều có những số phận khác nhau. Từ ngày lấy chồng Nghệ an, Diệu Thuần hình như lột xác hẳn từ cách ăn mặc đang mềm mại, thướt tha với những tà áo dài đủ thứ mầu trong đó nổi nhất là mầu hoàng yến thì cô chuyển hẳn sang áo ngắn xanh sĩ lâm với hàng khuy bọc vải. Con ngưòi cô càng có vẻ cứng cỏi hơn khi mặc thêm chiếc quần âu vải ca ki y hệt như cách ăn mặc của các nhân vật nữ trong phim "cờ hồng trên núi Thuý "hay "Bạch mao nữ"của Trung quốc. Khuôn mặt xinh đẹp của cô y hệt như khuôn mặt của bức ma na canh bị khuôn lại bởi mớ quần áo cứng cành cành. Còn lời nói của cô thì như được đọc lại từ một cuốn sách lạ lẫm nào đấy giống như một tài liệu học tập. Một hôm tình cờ nghe Long nói về thú vui uống cà phê và hỏi Diệu Thuần về chồng cô có sở thích này không thì người con gái một thời rất sành điệu khi hát bài "Je deux la mour"chun mũi nói khẽ "mình khuyên cậu nên từ bỏ trò ấy đi. Bởi vì đó là thú vui tồi tệ của giai cấp tư sản. Nó sẽ làm mất lập trường của ta đi". Nghĩ đến đấy Long chỉ thiếu một chút nữa là anh bật cười một mình. Cười một cách vô tư, ngả nghiêng không kiềm chế. Lúc ấy anh tin rằng ai nhìn thấy sẽ nghĩ rằng anh mắc chứng tâm thần. Chà chà sự biến đổi của con người thực kì lạ không ai tưởng tượng ra, lường trước được. Vậy mà cô gái ấy lại đã từng chơi khá thân với Vân, từng chia nhau gói ô mai, túm khề dầm, gói phá xa của ông người tầu mũi vừa to quá khổ vừa sần sùi thường đẩy chiếc xe có một bên bánh đã mòn vẹt tất cả cao xu hay dừng ở cạnh đền Bà Kiệu. Thế mà bây giờ hai người bỗng thành hai kẻ khác hẳn, dường như đứng ở hai quần thể người hoàn toàn khác biệt. Vừa nghĩ đến đấy thì Long giật mình khi nhận ra Diệu Thuần từ đầu phố đi lại, chốc chốc mắt cô lại nhìn vào các cửa hàng dọc hai bên phố như có ý tìm ai. Dáng đi chậm rãi, thướt tha, đầu ngẩng cao với những bước nhấc chân gần như rón rén như đi qua những vũng nước dưới chân Bút Tháp hoàn toàn biến mất. Trước mắt Long chỉ còn sự tất bật của người đàn bà vất vả và đang muốn thu mình lại trong sự khốn khổ của kế sinh nhai. Khi đến ngang cửa quán cà phê đôi mắt Diệu Thuần lơ láo trông hoảng hốt một cách tội nghiệp khiến Long suýt bật cười và chính điều đó làm Diệu Thuần nhìn thấy Long. Cô lắc đầu thật mạnh để từ chối cái vẫy tay mời vào của Long, rồi ngay sau đó thêm một lần nhìn trước nhìn sau như cảnh giác xem có người nào đấy theo dõi mình không sau đó cô mới lẳng lặng đưa tay ra hiệu cho Long. Long mỉm cười cố làm cho cô bạn yên lòng rồi bước ra:

Có chuyện gì thế? Không vào trong này ngồi nói được hay sao?

- Không được, không được. Giọng người đàn bà trẻ cất lên rất nhỏ và nhanh. Em quí anh, cũng là người ngày xưa hiểu nhau đã từng chơi thân với nhau. Diễm nhà anh trước nó cũng biết em đấy. Vì thế em đã nhiều lần nói với anh là đừng bao giờ vào những chỗ này. Thời buổi bây giờ không thế được đâu. Mà thôi em phải đi đây. Cái Vân nó nhắn anh đấy. Anh nó mấy hôm nay lại vào bệnh viện rồi. Vẫn ở nhà thương Phủ Doãn ấy.

Anh biết rồi.

- Ngưòi ta đang nhìn hai anh em mình kia. Thôi em đi đã. Mà anh liều thật đấy. Thời buổi này mà trong khi anh đã có vợ rồi anh vẫn dám lăng nhăng nhân tình nhân ngãi. Anh không sợ có lúc anh bị chính quyền bắt phạt đấy không đấy. Bây giờ kinh khủng lắm đấy. Anh chấm dứt nhanh đi. Em cũng nói con Vân rồi. Anh đến đi xem nó bảo gì. Thôi gặp nhau lần cuối này thôi nhé. Em cũng không thể giúp nó nhắn nhủ thế này mãi được đâu. Em sợ lúc nào đấy cũng liên luỵ. Thôi em đi đây. Nhớ đến ngay đấy.

Nói xong, Diệu Thuần nhìn trước nhìn sau đoạn tất bật đi ngay khiến Long phải đưa tay lên bịt chặt miệng để khỏi cười. Anh quay vào chỗ ngồi cố im lặng thưởng thức nốt chỗ cà phê còn lại. Phải nói cái tin của Diệu Thuần làm anh vui hơn. Hơn một tháng nay sau buổi tối anh mua vé mời cả nhà Vân đi xem cải lương tại rạp Kim Chung, anh đã bất ngờ gặp được Vân tại nhà nhưng sau cuộc gặp đó Vân lại càng xa lánh anh hơn. Trong khi đó gần như không lúc nào anh không nghĩ đến Vân và mong chờ tin tức của cô ấy, và điều anh mong nhất lúc này là nghe được những lời nhắn của Vân… Vậy mà tất cả vẫn biệt vô âm tín. Thế mà hôm nay không hiểu có chuyện gì. Thật kì lạ. Long nhanh chóng trả tiền rồi cập rập đạp xe đi. Được một đoạn Long sững người vì không biết Vân hẹn gặp anh ở chỗ nào. Anh vừa định thầm trách Diệu Thuần thì anh lại chợt nhận ra. Phong đi bệnh viện thì có thể Vân ở trong đó để chăm sóc anh trai. Trong không gian nhộn nhạo của nhà thương, người ra kẻ vào tấp nập, toàn người thiên hạ chả ai biết ai, anh có thể gặp được. Trường hợp Vân ở nhà một mình lại càng thuận lợi.

Đầu tiên Long vòng qua chợ Hàng da mua hai cân cam sành. Cô bán hàng làm Long ngỡ ngàng vì cái dáng mà lâu lắm rồi Long không gặp. Cô như bước ra từ trong những bức tranh của hoạ sĩ họ Tô. Tà áo dài nâu buộc chéo hai vạt trước bụng, vuông khăn mỏ quạ vuông vắn trên đầu, đôi môi ăn trầu cắn chỉ xẫm màu hồng thẫm. Thấy Long nhìn mình chăm chắm như quên hết xung quanh. Cô bán cam khẽ khọt. "Em đã bảo ăn mặc như thế này là vướng lắm, nhưng u em bảo con gái muốn làm gì thì làm ra đến tỉnh thì quần áo phải cho tử tế". "Thế à. Mai cô có đi bán hàng nữa không? "Long hỏi. "Không, cam nhà em còn có thế này thôi. Phaỉ hơn nửa tháng nữa, có cốm mới, với lại chị em bận không đi thì em mới được ra". "Thế à?". Long buông câu nói ỡm ờ và tự trách sự đam mê bất chợt của mình. Anh chào cô bán cam rồi đạp xe vòng qua phố Phủ doãn. Khi đến trước nhà của Vân, anh thấy cửa nhà khép hờ. Khi cánh cửa mở ra anh giật mình thấy Vân đang ngồi bần thần trước bàn tiếp khách. Khác hẳn mọi lần trước đấy, mỗi bận thấy Long là mặt Vân một là nặng chịch đầy sự hờn giận ghê gớm, hai là được phủ bằng sự lạnh lùng, vô cảm, đôi mắt đẹp ơ thờ nhìn tận đâu đâu, dường như Long không có trên mặt đất này, hoặc anh cũng chỉ như thứ vật vô tri, một con vật. Còn lần này vừa thấy Long, Vân đứng vội dậy. Cầm ấm nước đi ra sau nhà. Khi vào cô có vẻ vội vàng đến cập rập. Đưa chén trà vừa ngấm, cô ngước lên nhìn Long nói khẽ thật nhanh:

- Anh uống nước đi, em em. Hình như em có mang. Hơn tháng nay em không… Làm thế nào bây giờ.

Nói đến đây cô gái oà khóc. Mới đầu tiếng khóc còn tấm tức, sụt sịt sau cứ to dần thành nức nở. Đôi vai tròn run rẩy khiến Long lúng túng.

- Sao lại thế? Nói chung thì… Long lắp bắp không biết nên bắt đầu câu chuyện như thế nào để Vân yên tâm.

- Nếu chuyện ấy là có thật rồi hàng phố biết thì em sống thế nào được Cả me em nữa, rồi cả anh Phong em. Anh ấy đang nằm ở nhà thương mà nghe thấy chuyện này thì em sợ bệnh của anh em lại tăng lên. Tại anh tại anh. Anh giết em đi chứ đừng để em sống khổ sống nhục thế này. Lại vợ anh nữa, chị ấy. Em có phải là đứa tranh vợ cướp chồng gì đâu.

- Kìa Vân. Bình tĩnh để anh tính xem thế nào đã. Nói chung thì…

- Ngay ngày mai anh phải đưa em đi. Chỉ ngày mai thôi. Nếu không thì.. Giê su ma lại chúa tôi. Con đã làm gì để bị đầy đoạ thế này cơ chứ.

- Nói chung cứ phải bình tĩnh. Đừng hoảng hốt quá, nếu không chả làm được gì đâu. Để anh nghĩ đã… Nói đến đấy Long bỗng ngẩn người ra, hỏi nhanh. Nhưng em bảo đi đâu cơ chứ.

- Lên mạn Xù, gạ. ở đó có một bà lang bà có thể làm cho ra được. Long không ngờ Vân có thể nói gọn gàng như thế. Có lẽ cô đã dò hỏi kĩ càng và chuẩn bị mọi thứ.

- Nhưng em xem chỗ ấy thế nào đã chứ. Em đã biết kĩ càng cẩn thận chưa. Nói chung anh nghĩ những chỗ ấy thì…

- Gấp lắm rồi. Vân lau nước mắt. Tại anh hết nhưng thôi cũng là cái số của em, chúa đã trừng phạt em. Không ai cưỡng được đâu. Vì thế phải giải quyết nhanh lên thôi. Anh mua cam cho anh Phong à. Thế thì anh vào thăm đi. Cậu Vũ và cả me em đang ở trong ấy. Anh vào xong anh về sửa soạn kĩ càng đi, sáng mai lúc sáu giờ rưỡi. Giờ ấy là giờ em đi cầu kinh buổi sáng. Em đành lỡ một một buổi vậy. Đức mẹ Maria sẽ tha thứ cho em. Lúc ấy anh đi ăn sáng đúng không? Không ai biết đâu. Nhớ đấy. Còn bây giờ anh sang nhà thương đi.

Long định nói thêm một câu gì đấy nhưng quả tình anh không biết nói như thế nào. Long lẳng lặng làm theo lời của Vân và anh không ngờ đấy là lần đầu tiên anh cùng Vân hợp nhau lại làm một việc để che mắt thiên hạ Phủ một tấm màn vô hình để người đời không thể nhìn thấy cuộc tình dằng dặc thắm thiết và khó cưỡng của họ