Giai Thoại Làng Nho

- 3 -

Hiệu Nghi Chi, người làng Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ, Nam Việt. Đỗ Giải nguyên trường hương Gia Định năm 28 tuổi ( 1835, Minh Mạng 16 ), nên thường gọi là Thủ khoa Nghĩa.

Nhân trọ học nhà Nguyễn văn Lý, khi thi đỗ, ông này ngỏ ý muốn gả con gái đầu lòng Nguyễn thị Tồn, nhưng nhà tân khoa xin khất lại.

Đến khi được bổ nhậm là Tri huyện Phước Long, trấn Biên Hoà, ông mới tính chuyện hôn nhân.

Ở Biên Hoà một thời gian, ông được bổ đi trấn nhậm phủ Trà Vang ( Trà Vinh ), tỉnh Vĩnh Long, tòng sự dưới quyền Tổng đốc Trương văn Uyển và Bố chánh Truyện.

Tính tình cương trực không chịu luồn cúi cũng không tư vị người nào. Bấy giờ có em vợ Bố chánh Truyện, thường có cử chỉ hỗn xược, có lần ông cho đánh đòn. Vì lẽ đó ông bị thượng cấp đem lòng hãm hại.

Thưở trước, Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi, lương thực thường hay thiếu hụt, ở Trà Vang có một số dân Thổ quyên giúp rất nhiều, lại thêm một số lớn tình nguyện tòng quân.

Khi Nguyễn Ánh tức vị, nhớ ơn xưa, xuống chiếu miễn thuế thủy lợi cho dân Thổ.

Sau đó có một người Tàu lo lót với Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyền để mua thủy lợi ấy.

Các hương mục Thổ cùng nhau đến dinh môn Tri phủ Bùi hữu Nghĩa để kiện, Tri phủ xử rằng:

“ Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà đứng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao ”

Dân Thổ được lời xử ấy bén phá đập của người Tàu, xảy ra huyết chiến, bên người Tàu bị chết mất tám người.

Do đó nhiều dân Thổ bị bắt. Tổng đốc và Bố chánh Vĩnh Long, bắt luôn Thủ khoa Nghĩa gửi về Gia Định, rồi đệ sớ về Triều, cáo về tội lạm phép giết người.

Đứng trước nỗi oan tình, bà thủ khoa lặn lội ra Huế minh oan cho chồng.

Bấy giờ Phan thanh Giản đang làm Thượng thơ bộ Lại tại triều. Bà thủ khoa Nghĩa tìm ngay tới tư dinh để trình bày sự lộng quyền của các quan tỉnh Vĩnh Long, rồi chuẩn bị đến Tam pháp ty khua ba hồi trống “ kích cổ đăng văn ”

Tam pháp ty gồm có nhân viên cao cấp của bộ Hình, Đô sát viên và Đại lý họp lại, không có định kỳ, chỉ có những phiên nhóm bất thường để xét xử những vụ đặc biệt, mỗi vụ họp theo tiếng trống của những người bị oan khuất.

Bà thủ khoa vừa rung trống thì một viên đội chạy đến thâu tờ trạng đem vào cho trực thần, tức viên quan trực trong Nội. Ông này dâng cho vua xem. Vua giao cho Tam pháp ty xét xử và chính vua chung thẩm, bản án như sau:

“ Tha tội tử hình cho Bùi hữu Nghĩa, xong phải tiền quân hiệu lực, đái công thục tội ”

Bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, nghe tin này lấy làm cảm kích cho người liệt phụ đồng hương, cho mời vào, ban cho một tấm biển chạm bốn chữ vàng: “ Liệt phụ khả gia ”

Cứu được chồng, bà từ giã kinh đô, thẳng đường về Biên Hoà, quê hương bà, rồi ít lâu sau thọ bệnh mà mất tại làng Tân Hiệp, tổng Chánh mỹ thượng.

Khi bà mất, thủ khoa Nghĩa trấn nhậm tại Châu Đốc, an táng xong rồi ông mới về tới nơi và đọc bài văn tế có những câu sau:

 

Nơi kinh quốc mấy hồi trống dóng, biện bạch này oan nọ ức; đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng.

Chốn tỉnh đường một tiếng hét vang, hẳn hoi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều mất vía.

 

Đôi liễn thờ vợ như sau:

 

“ Ngã bần khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều quận giai xưng khanh thị phụ ”

“ Khanh bệnh ngã bất dược, khanh tử ngã bất tang, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu ”

- Ta nghèo mình hay giúp đỡ; ta tội mình biết kêu oan; trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là đáng vợ.

- Mình bệnh ta không thuốc thang; mình chết ta không mai táng; non sông cùng cười ta chẳng xứng gọi là chồng.

 

Sau khi được tha, Bùi hữu Nghĩa phải đổi đi làm thủ ngự Vĩnh Thông ( Châu Đốc ) và được giao phó việc tiễu trừ bọn Thổ phiến loạn.

Được ít lâu, ông chán nản việc đời, xin từ quan, trở về quê quán tại Bình Thủy, mở trường dạy học, vui thú điền viên, thường ngày uống rượu ngâm thơ với bạn là Cử nhân Phan Văn Trị.

Ngày 21 tháng 1 năm Nhâm Thân (1872 ), ông mất, thọ 66 tuổi.

Là một thi sĩ có tiếng tăm ở miền Nam, Bùi hữu Nghĩa ngoài ít nhiều thơ còn để lại vở tuồng “ Kim thạch kỳ duyên ”

Chúng tôi lựa sau đây bài thơ giải tỏ khí tiết kẻ sĩ trong những lúc gặp cảnh gian nguy.

 

Hà âm mộ cảnh.

 

Mịt mịt mây giăng kéo tối rầm.

Đau long thưở nọ cảnh Hà Âm.

Đống xương vô định sương phau trắng.

Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm.

Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy.

Đèn trời leo lét dặm u lâm.

Nôm na xin mượn vài câu điếu.

Gắng gỏi đêm trường tiếng dế ngâm.

 

Hà Âm nay là huyện Giang Thành thuộc Hà Tiên, bấy giờ Bùi nhân đi xứ Xiêm, thấy đống xương tàn của bọn thổ phỉ bị giết trong thời Minh Mạng, còn chồng chất ở nơi chiến địa, cảm khái nên lời thơ vô hạn thê lương.

 

Quan Công thất thủ Hạ Bì.

 

Hạ Bì ngày nọ chẳng màng nào.

Gươm rụng thời ta rụng chước thao.

Chén rượu anh em keo gắn chặt.

Tấm gương tôi chúa đuốc dong cao.

Theo rồng chẳng phụ mây trời Hán.

Dưới ngựa đâu tham bạc đất Tào.

Trọng đạo cương thường vai gánh nặng.

Ngàn năm thơm để miệng người rao.

 

Tuy là ca ngợi Quan Công, nhưng thực là nói chí khí mình, tận trung với nước, không vì lợi nhỏ mà bỏ cương thường.