Đỗ cử nhân trường Hà Nội, nổi tiếng hay chữ. Khoa Ất Sửu, Tự Đức 18 ( 1866 ) vào kinh thi Hội, làm xong bốn kỳ, khi kéo bảng được vào hạng chánh trúng cách (1 )
Lệ thi Hội, hễ được phó trúng cách thì thi Đình thường đỗ ra phó bảng, ít khi đỗ lên tiến sĩ hoặc đình nguyên. Trường hợp hãn hữu, chỉ có Đỗ Đình Liêu ở Nam Định, Đặng Văn Thụy ở Nghệ An, thi Hội phó trúng cách mà thi Đình được đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Còn đã được chánh trúng cách thì thi Đình thế nào cũng đỗ tiến sĩ.
Khoa ấy, Bùi đã chánh trúng cách, lý ưng phải đỗ tiến sĩ, vậy mà không biết vì cớ gì, lúc vào thi đình lại đỗ xuống phó bảng.
Khi ra làm quan, vua Tự Đức rất trọng dụng, năm 1876 được cử sang sứ Trung hoa. Sau đến hồi Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, ông cùng Nguyễn Chính ra khâm sai Bắc Việt, để cùng Hoàng Kế Viêm thương lượng việc chống Pháp.
Trong thời gian sang sứ Tàu, qua chơi Hoàng Hạc lâu là thắng cảnh Nam Kinh, và Chương Hà, nơi mộ Tào Tháo, ông có đề thơ, và thơ ấy được truyền tụng trong giới văn học Trung hoa thời ấy.
Đề Hoàng Hạc lâu.
Giang lâu nhất vọng, quýnh hồng trần.
Phác diện hương phong nhược hữu thần.
Hoàng hạc bách vân, thiên tải hạ.
Lục ba bích thảo, nhất giang xuân.
Tiên nhân tống khách, lai kim tịch.
Thi lão tiên dư, đáo kỷ thần.
Ô yết khả lân, anh vũ trủng.
Bằng thùy tác vũ, điếu tư nhân.
Bản dịch của Lê quân Nhân phủ.
Lầu bến trông ra thẳm bụi trần.
Hương bay phảng phất thoát như thần.
Hạc vàng mây trắng ngàn năm cũ.
Sóng biếc cây xanh một giải xuân.
Tiễn khách tiên ông qua mấy buổi?
Trước ta, thi lão tới bao lần.
Nghẹn ngào thương đến mồ Anh Vũ.
Hận phú nhờ ai viếng cố nhân?
Đề mộ Táo Tháo.
Miểu miểu Chương hà, uất mãng hương.
Lâu đài ca suý, tổng hoang lương.
Tam phân sự nghiệp, dư hoàng thổ
Thất thập nghi phần, bán tịch dương.
Dã đậu phiêu linh, tài tử lệ
Ngạn hoa tiêu táp, mỹ nhân hương.
Chi kim phiến ngoã, dư Đổng tước.
Bát mạc lâm ly, tả hận trường.
Bản dịch của Nhân Phủ.
Thăm thẳm sông Chương cỏ rợp đường.
Lâu đài ca múa thảy vu hoang.
Tam phân sự nghiệp trơ màu đất.
Bảy chục nghi phần dãi bong hương.
Xơ xác đậu đồng tài tử lệ
Úa tàn hoa nội mỹ nhân hương.
Còn trơ mảnh ngói đền Đổng tước.
Mài mực lâm ly viết hận trường.
Ông còn có bài thơ Hoàng cúc rất được tán thưởng.
Đề Hoàng cúc.
Toái tận hương kim tiễn tác ba.
Ngự bào chức tựu, cống thiên gia.
Do lai chính sắc, danh thiên hạ.
Bất phạ hàn hương, điền tuế hoa.
Xấu ảnh phất giai, tinh dục đạm.
Phồn anh nhiễu thế, nguyệt sơ tà.
Dao tri thượng uyển, hoài phương ý.
Tinh đáo u lan, thủy nhất nha.
Bản dịch của Nhân Phủ.
Nghiền vụn vàng thu dệt, cổn ba.
May thành áo ngự tiến vua cha.
Từ xưa chính sắc vang thiên hạ.
Nào ngại hàn hương muộn tuế hoa.
Bóng lướt quanh thềm sao muốn lặn.
Lá um kẽ vách nguyệt thêm tà.
Xa xa thượng uyển hương còn thoảng.
Chợt nhớ u lan bến nước sa….
Vua Tự Đức phê vào câu tam, tứ:
Trạng nguyên, Tể tướng dĩ an bài liễu.
- Tài Trạng nguyên, tể tướng đã định sẵn rồi…
Cuối đời Tự Đức, muốn tránh những chuyện lôi thôi, ông cáo quan về nhà. Đến vua Thành Thái lên ngôi, triều đình triệu về làm phụ đạo. Kinh lược Bắc kỳ Hoàng cao Khải có tiễn đôi câu đối:
Tái khởi vị thương sinh, lang miếu giang hồ, lưỡng ưu ái.
Nhất thiên phú hoàng cúc, Trạng nguyên Tể tướng dĩ an bài.
- Ông đã về nghỉ, nay lại phải ra làm quan, ấy là vì dân: ở trong lang miếu hay ở ngoài giang hồ, đều có long ưu quân ái quốc. – Xem bài thơ hoàng cúc, tài Trạng nguyên tể tướng, vận mệnh đã định sẵn.
Ông làm phụ đạo, vua Thành Thái rất kính trọng. Một hôm, nhân lúc nhàn hạ, vua hỏi:
- Khanh làm quan trải ba triều, lại hưởng tuổi thọ, nay có điều gì ao ước không?
Ông đáp:
- Thần nhờ ơn nước như thế này là thịnh mãn lắm rồi, còn ao ước gì hơn nữa! Duy có một việc, thần vẫn thắc mắc, là khoa thi năm Ất Sửu, thần đã chánh trúng cách, mà lại trúng xuống phó bảng, không hiểu tại duyên do nào?
Vua bèn hạ chiếu, sắc tứ cờ biển mũ áo Tiến sĩ cho ông, và lập thêm một bia Tiến sĩ vào khoa Ất Sửu khắc tên ông, trên có ghi cả bài dụ, nay bia ấy còn ở nhà Giám kinh thành Huế. Khi ông mất, Yên Đổ có câu đối viếng, lời giản mà ý thâm.
Ngư ky cựu phố, hoa sơ lạc.
Long bảng tân bi, thạch vị đài.
- Bến cá bàn xưa, hoa đã rụng.
- Bảng rồng bia mới, đá chưa rêu.
Thì ra bao nhiêu năm phụng sự quốc gia, ông không lấy làm việc quan trọng đáng cho mình toại ý, mà đến già vẫn hậm hực về cái danh hiệu Tiến sĩ với Phó bảng. Mới biết cái nọc khoa cử khi xưa đã ăn vào cốt tủy của sĩ phu. Yên Đổ cố ý viếng hai chữ “ bia mới ” để tỏ rằng bia của mình là tranh thủ nơi trường ốc chứ không phải bia thỉnh cầu về sau. Ấy cái hơn kém chỉ là một mảnh bia ông Nghè, chứ không ở công nghiệp một đời!
Trưởng tử họ Bùi thi Hương khoa Đinh Dậu, đời Thành Thái ( 1897 ) đỗ Cử nhân. Khoa ấy ông đương có tang mẹ. Theo lệ học trò có đại tang không được đi thi. Tính ra đến ngày mồng 5 tháng 10 ông mới hết tang, mà trường thi Nam Định xưa nay, kỳ đệ nhất mở vào ngày mồng 1 tháng 10. Cứ kể nhật kỳ như thế ông không được phép thi; nhưng năm ấy triều đình có việc, xuống chỉ hoãn kỳ thi đến 16 tháng 10, tức là hoãn lại 15 ngày.
Thế là ông vừa hết tang, được vào thi, trước khi thi vài ngày lại cưới vợ; ngày ra bảng đỗ Cử nhân thứ 80.
Khoa này cũng như trước chỉ lấy 80 Cử nhân, vậy là đỗ cuối bảng. Nhưng trong số Tú tài có Nguyễn hán Khả, vì làm việc ở phủ Thống sứ, nên được đặc ân, thành ra trường phải lấy them 2 Cử nhân nữa, cộng là 82 ông. Ông Khả đỗ thứ 81. Rốt cục ông Bùi đỗ thứ 80, đáng lẽ cuối bảng, lại đỗ trên được hai người.
Lúc về ăn mừng, Yên Đổ có tặng câu đối:
Thánh thượng diệc lân tài, cống viện trì lai tam ngũ nhật.
Khuê trung ưng phá tiếu, lang quân áp đắc kỷ đa nhân?
- Nhà vua ý thương tài, thi hoãn lại năm ba bữa ( năm ba là mười lăm ).
- Cô Cử cười vỡ bụng, anh chàng đè được những bao người?
1. Lệ khoa cử ngày xưa: học trò thi Hương, đậu về hạng thứ là Tú tài, đậu về hạng ưu và bình là Cử nhân.
Đậu Cử nhân mới được thi Hội. Thi Hội đậu chánh hay phó trúng cách mới vào thi Đình, cấp bậc trúng cử chia ra như sau:
- Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
- Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ: Hoàng giáp.
- Đệ tam giáp đồng tiến sĩ: Tiến sĩ.
- Phó bảng, gọi tắt là ông Bảng.