Bà vốn có văn tài, nên tao nhân mặc khách thường hay gửi thi văn trêu cợt. Muốn chấm dứt tình trạng này, bà làm một bài thơ toàn vần khó, để sách họa. Quả nhiên không ai hoạ được trôi chảy. Sau đó, bà lại làm một bài thơ nữa để chế diễu văn tài của các vị “ tao ông ” lúc ấy.
Bấy lâu hì hục một vần thơ.
Ván đã trơn lì, chiếu đã xơ….
Lắc vế, ngâm nga câu chẳng vẹn.
Rờ cằm, nhổ sạch bút còn trơ.
Mực bôi thảo bản đen trăm vạch.
Phấn rắc hoa tiên trắng một tờ.
Nhắn nhủ tao ông ai đó tá.
Đây là cửa Sấm, biết hay chưa?
Bà Cao ngọc Anh, cũng là bậc tài nữ gặp cảnh huống tương tự bà Diệu Điển.
Bà Cao ngọc Anh là con Cao xuân Dục, sớm gá nghĩa cùng Án sát Nguyễn duy Nhiếp, con Nguyễn trọng Hiệp. Cha đẻ và cha chồng đều là đại thần nức tiếng về văn học và phẩm cách.
Nguyễn duy Nhiếp thất lộc sớm, bà ở goá trong tuổi nửa chừng xuân, mà nhan sắc lại tuyệt vời. Vì vậy, nhiều bậc thi nhân trong giới quan trường không khỏi có ý muốn lân la, lấy thơ làm mối lái.
Bà tuyệt nhiên không trả lời ai cả.
Một hôm, nhân nhà có giỗ, bà cho triệu các vị ấy lại uống rượu. Rồi bà mời lên cầu Hàm Rồng chơi.
Đến nơi, bà nói:
- Đứng trước danh sơn thắng cảnh này, dám xin các vị thi nhân mỗi vị cho một bài làm kỷ niệm.
Một ông đáp:
- Vâng chúng tôi đâu dám chối từ, vậy xin bà cho bài xướng trước, chúng tôi xin hoạ lại sau.
Bà nghe vậy đọc rằng:
Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om.
Rải rác nhà tranh ở mấy chòm.
Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm?
Thương cầu vì nước đứng lom khom.
Sóng như chào khách chờn vờn nhảy.
Nguyệt cũng yêu ta lấp ló dòm..
Cửa động rêu phong mờ nét chữ.
Ai người mến cảnh chút trông nom…
Bài thơ vận khó quá, ý tứ lại tế nhị.
Câu “ Hỏi đá chờ ai ngồi nhấp nhổm? ” và “ Sóng như chào khách chờn vờn nhảy ” có ý trỏ vào các vị có thơ văn gửi đến trêu bà. Câu “ Thương cầu vì nước đứng lom khom ” và “ Cửa động rêu phong mờ nét chữ ”, bày tỏ tâm sự mình, cảm thương số phận và quyết giữ tấm băng trinh.
Các vị thi bá tần ngần nghĩ không ra vần, và cũng không dám ghẹo cợt trước thái độ đoan trang ấy, nên đứng chơi hồi lâu rồi xin lỗi chủ nhân kéo nhau về. Từ đó không ai dám múa bút với bà nữa.