Nước là chất lỏng nên chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp là quy luật tự nhiên. Nghĩa bóng câu này chỉ của cải, lợi lộc cứ dễ dàng rơi vào tay kẻ giàu có, đã giàu lại càng thêm giàu. Còn có câu: Của cải vào cả nhà giàu.
Chuyện kể:
Một hôm, thần nước đến lò giời để kiện thần mây. Thần nước tâu:
- Thưa! Cái anh thần mây thật chẳng công bằng chút nào, lấp nắng của lò giời làm cho hạ giới chỗ được nắng, chỗ thì râm.
Lò giời gọi thần mây lại quở:
- Mi thật thiếu công bằng, sao cứ che lấp nắng của hạ giới.
Thần mây giận bảo:
- Đấy là vì gió thổi, tôi lang thang trên không trung, gió mạnh thì bay nhanh, gió nhẹ thì bay chậm. Thần mưa cưỡi lên tôi che lấp cả nắng, vậy lại còn kiện tôi là cớ sao!
Lò giời giải thích:
- Chẳng qua Thần mưa muốn công bằng, nơi nào cũng có nắng, giống như nó muốn nơi nào cũng có nước vậy.
Thần mây tức giận bảo:
- Vậy muốn công bằng, cứ thử xem.
Thế là Thần mây sà xuống thấp, làm cho Thần nước tích tụ lại, nặng dần rồi rơi xuống thành nước rơi xuống hạ giới. Thần nước cứ chảy tràn khắp nơi, từ chỗ cao xuống chỗ thấp, cố lấp đầy các chỗ thiếu nước, mong rằng mặt đất nơi nơi đều có nước cho công bằng, thành thử nước từ đấy cứ chảy về chỗ trũng, còn chỗ đất cao thì khô ráo, cần nước lại chẳng thấy đâu. (1)
Chỗ cao thì thường thiếu nước, không có nước. Chỗ trũng thường thì có nước hoặc nhiều nước. Vậy mà nước lại cứ chảy vào chỗ trũng. Hiện tượng tự nhiên thì không lấy gì làm lạ, nhưng lạ là ở xã hội, có kẻ đã giàu rồi thì thường cứ giàu mãi. Đã giàu có lại hay được lộc, được biếu xén, như thế đâu có công bằng. Thần mưa muốn công bằng nhưng Thần mưa là chất lỏng nên cứ theo quy luật lại chảy vào chỗ trũng, vậy thì lại đẩy sự phân cấp giàu nghèo càng cao.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1): Theo “Truyện cổ nước Nam”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.