Nghĩa là kế tục chức tước, địa vị, cha trước con sau nối tiếp từ đời này sang đời khác. Đây là một tục lệ của chế độ quân chủ chuyên chế. Thời phong kiến, không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới đều có hiện tượng này. Câu thành ngữ này chỉ rõ cha làm vua, làm quan sẽ truyền ngôi, truyền chức vị lại cho con. Còn có câu: “Con nối cha truyền Phụ truyền tử kế”.
Chuyện kể:
Đã thành truyền thống, nên khi vua Gia Long mất, Hoàng tử Đảm nối ngôi. Hoàng tử Đảm đăng quang, đặt niên hiệu là Minh Mạng (1820). Để phân biệt dòng chính, dòng thứ, giữ kỷ cương trong hoàng tộc và đảm bảo trật tự trong hoàng gia, Minh Mạng đã làm một bài “Đế hệ thi” và bài “Phiên hệ thi”.
“Đế hệ thi” gồm những chữ đầu đề sẽ đặt tên con, cháu, chắt... thuộc dòng chính theo trực hệ của Minh Mạng:
Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh
Bảo, Quý, Định, Long, Trường
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật
Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương.
Như thế, các con trai của Minh Mạng đều có tên bắt đầu bằng chữ Miên: Miên Thẩm, Miên Trinh...
Các cháu nội của Minh Mạng đều bắt đầu bằng chữ Hồng: Hồng Bảo, Hồng Nhậm...
Các chắt trai bắt đầu bằng chữ Ưng: Ưng Lịch, Ưng Đặng...
Cứ thế mà tiếp tục cho đến chữ hai mươi.
“Phiên hệ thi” thì dành tặng cho những anh em ruột của mình (cùng con vua Gia Long). Chẳng hạn bài “Phiên hệ thi” mà vua Minh Mạng làm tặng cho Đinh Viễn quận vương (con thứ sáu của vua Gia Long):
Tịnh, Hoài, Chiêm, Viễn, Ái
Cảnh, Ngưỡng, Mẫu, Thanh, Kha
Nghiễm, Khác, Do, Trung, Đạt
Liêu, Trung, Tập, Cát, Đa.
Từng thế hệ con cháu của Đinh Viễn quân vương cũng theo đó mà đặt tên cho mình.
Vua Minh Mạng làm mười bài “Phiên hệ thi” để tặng mười gia đình anh em ruột của mình. Đây là ước vọng khao khát ngai vàng được bảo đảm “truyền tử lưu tôn” của gia tộc nhà vua ít nhất hai mươi đời. (1)
Cha truyền con nối là luật lệ thời phong kiến. Truyện trên chỉ là đại diện một triều đại phong kiến Việt Nam. Thực tình lệ này có cả ở các nước phương Tây, Trung Quốc và hiện nay nước Nhật vẫn duy trì. Câu ca dao:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
chính là phê phán tục lệ cha truyền con nối.
Bây giờ dân chủ, dân cử, ai có tài có đức thì được tín nhiệm, được tôn vinh lên lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn ăn sâu vào đầu óc nhiều người. Chính vì thế mới sinh ra tư tưởng cục bộ mất đoàn kết.
Về khía cạnh nào đó, thành ngữ này còn mang một nghĩa mới, nghĩa tích cực. Đó là những truyền thống tốt đẹp của gia đình, xã hội luôn được nhiều thế hệ lưu truyền, gìn giữ.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1): Dựa theo “Chuyện kể các đời vua nhà Nguyễn”, Nguyễn Viết Kế - NXB Đà Nẵng, 2004.