Ý nói: Của đem cho tặng, không đáng là bao nhưng tình cảm thì chân thành, nặng nghĩa tình. Còn có câu: Của một đồng, công một nén.
Chuyện kể:
Theo Kinh A xà, ngày xưa, lâu lắm rồi, có một ông vua Ấn Độ, nhân một ngày lễ, mời Phật vào cung làm lễ. Hôm ấy, vua cho đốt bao nhiêu là đèn dầu trong cung Phật ngự, suốt dọc hành lang dẫn từ cung vua đến cung Phật ở. Một bà cụ nghèo khó ở vùng ấy cũng muốn dâng lên Phật ngọn đèn dầu, song bà chẳng còn đồng tiền nào. Bà đi ăn xin một ngày ròng khắp kinh đô, tối về được hai đồng. Bà dùng cả hai đồng, tất tả ra phố mua dầu, đốt một đĩa đèn dâng lên lễ Phật, bà khấn: “Nếu đời sau con được thành đạo, thì xin ngọn đèn này sáng suốt đêm không tắt”.
Sáng hôm sau, khi một nhà sư lên cung Phật tắt đèn, thì thấy mọi ngọn đèn của vua đã tắt từ bao giờ, riêng ngọn đèn dầu của bà cụ ăn xin vẫn sáng rực, không làm cách nào tắt được. Nhà sư thấy chuyện lạ, nên thưa với Đức Phật. Người bảo: “Bà cụ tâm thành tu nhân tích đức, kiếp sau sẽ thành Phật Như Lai”.
Vua nghe chuyện, hỏi một quan trong triều tại sao vua cúng nhiều đèn như sao sa vậy mà chẳng được như bà lão kia chỉ dâng lên một đĩa đèn. Quan đáp: “Bởi vì bà ta của ít lòng nhiều. Bà dâng lên một đĩa đèn nhưng tấm lòng của bà thánh kính bao la”. (1)
Chẳng chỉ Phật, nhiều người bây giờ cũng có tâm đức, giúp được người không kể ơn, không đòi của nả, nhưng nặng tình nặng nghĩa, của ít lòng nhiều, với tấm lòng thành thì dù ít đấy nhưng nghĩa cao:
Của ít Phật chẳng trách đâu
Miễn giàu tấm lòng tu đức, tích tâm.
Tuy nhiên, có lúc nào đó, có người nào đó còn nặng về của cải vật chất. Như thế gọi là biếu xén, đút lót, hối lộ. Thế mới có chuyện khôi hài: “Đồng tiền là Tiên, là Phật”... hay “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1): Theo “Điển tích Văn học”, Mai Thục-Đỗ Hiểu, NXB Giáo dục,1997.