Có một cuộc hội ngộ thật ngẫu nhiên và đầy lý thú. Một anh chàng rao bán cám làm thức ăn cho lợn gà, mà trong gánh chỉ rặt một thứ mạt cưa! Lại nữa một kẻ rêu rao bán dưa chuột, nhưng những thứ bán ra chỉ toàn là mướp đắng! Chả là về ngoại hình thì mạt cưa trông cũng từa tựa như cám, và “mướp đắng” cũng khó phân biệt với dưa chuột mà lại! Và, trớ trêu thay cái phường mạt cưa mướp đắng ấy lại gặp nhau!
“Tình cờ chẳng hẹn mà nên
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”
(“Truyện Kiều”. Nguyễn Du)
Thành ngữ mạt cưa mướp đắng hay mướp đắng mạt cưa, do chỗ được hình thành từ câu chuyện vui như trên, cho nên trước hết nó được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa đảo trong xã hội. Trong sử dụng, thành ngữ này còn có thể được dùng để chỉ chính ngay hành vi bịp bợm của những hạng người xảo trá, đê tiện.