Cách diễn tả thành ngữ như trên là thoả đáng. Tuy nhiên, xét về mặt chữ nghĩa đôi điều còn khiến chúng ta phải băn khoăn. Trong dạng thức chó mái chim mồi thì “chim mồi” đã rõ nghĩa và dễ hiểu. Đó là loại chim người ta nuôi làm “mồi” để dử bắt đồng loại. Nhưng chó mái là gì, quả thật là khó hiểu. Xem ra, trong tiếng Việt chỉ có từ mái dùng để chỉ giống cái, nhưng tiếc thay từ này không được dùng để chỉ cái giống đối với loài chó, mà chỉ dùng cho gà, vịt, ngan, ngỗng tức là cho loài chim nói chung mà thôi. Có lẽ do thấy dạng thức chó mái chim mồi có lí do không ổn như đã thấy mà nhiều người chuyển sang sử dụng dạng thức chó má chim mồi.
Dạng thức chó má chim mồi chẳng những không khắc phục được cái sai lệch của dạng chó mái chim mồi mà còn sa vào một bất hợp lí khác. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong khi chim mồi là một tổ hợp từ chuyên biệt về nghĩa thì chó má lại là một từ có nghĩa tổng hợp, chỉ loài chó nói chung. Đây là lí do cơ bản làm cho chó má không tương hợp được với chim mồi. Và do đó dạng thức chó má chim mồi không chỉnh trong sự đối ứng theo từng cặp giữa các thành tố tạo nên thành ngữ.
Bên cạnh các dạng thức vừa nêu trong tiếng Việt còn có dạng chó máy chim mồi cũng được dùng nghĩa tương tự.
Thoạt tiên, nghe đến chó máy cũng hơi lạ và khó hiểu. Nhưng thực ra, máy trong chó máy lại là một động từ thường dùng để chỉ hành động ra hiệu cho kẻ khác biết điều gì đó như trong máy nhau đi về, máy cho người khác biết để tránh xa. Do đó, chó máy là loại chó chuyên đi đánh hơi, ra hiệu cho chủ biết điều cần phát hiện, tìm kiếm. Với nghĩa này, chó máy là cách nói khác của chó săn mà thôi, và hoàn toàn tương hợp với chim mồi về từ loại cũng như ý nghĩa. Như vậy, phải chăng chó máy chim mồi là dạng đúng, dạng chính xác. Tuy nhiên, do chỗ từ máy khó hiểu, hay gây nhầm lẫn mà người Việt có xu hướng ít dùng và thay vì vào đó, người ta hay dùng dạng chó săn chim mồi để chỉ lũ cam tâm làm tay sai cho kẻ thù.