Sách “Thành ngữ tiếng Việt” của Nguyễn Lực, Lương Văn Đang giải thích thành ngữ một nắng hai sương là “sự chịu đựng gian khổ từ sáng sớm đến chiều tối”. Theo cách giải thích này, một số người đã luận giải thành ngữ này một cách sai lầm rằng, một nắng là ánh nắng suốt một ngày, còn hai sương là sương tối và sương sáng. Và, một nắng hai sương là làm lụng vất vả, nắng nôi suốt một ngày trời! Hình như ở thành ngữ một nắng hai sương không có sự hạn định thời gian một cách cụ thể (từ sáng đến tối). Đặc biệt theo cách suy luận này thì sẽ biện minh như thế nào cho dạng thức một nắng hai sương?
Sự mâu thuẫn này hướng người ta tìm cách lý giải khác. Quả nhiên, trong tiếng Việt có một loại thành ngữ được cấu tạo theo quy tắc đối và điệp. Thành ngữ một nắng hai sương thuộc vào loại đó. Cấu trúc tổng quát của loại thuật ngữ này là một A hai B (trong đó A và B cùng một phạm trù ý nghĩa và cùng một từ loại). Thí dụ: một vừa hai phải, một sống hai chết, một ngày vãi chài hai ngày phơi lưới... Thành ngữ một nắng hai sương cũng nằm trong quy tắc cấu tạo như vậy. Điều đáng chú ý là trong thành ngữ một nắng hai sương các yếu tố nắng, sương gợi lên sự vất vả gian truân, còn các yếu tố một, hai có tác dụng nhấn mạnh mức độ.
Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ một nắng hai sương có thể xuất hiện với những dạng thức biến thể như hai sương, một nắng, một sương hai nắng. Ở đây, sự nhắc lại ý về số lượng tạo ra cảm giác nhặt, nhiều, liên tục. Và, sự láy lại ý về sự gắt gao của nắng, sự vắng lạnh của sương gây ấn tượng về sự nhọc nhằn, vất vả, lặng lẽ triền miên, phải chịu đựng.