Lừa cũng có ích như ngựa, người ta dùng để chở hàng hoặc cưỡi. Đặc điểm của lừa là khi trên lưng không thồ hàng hoặc thồ quá nhẹ thì quất thế nào cũng cứ ỳ ra. Thành thử người ta phải chất lên lưng lừa hàng nặng hoặc cưỡi lên thì lừa ta mới chịu cất bước. Từ đặc điểm trên, người ta suy ra với nghĩa bóng ám chỉ người nào đó không chịu nghe lời nói nhẹ nhàng, chỉ khi nặng lời hoặc dùng roi vọt, vũ lực mới nghe theo.
Chuyện kể:
Có một người tiều phu nuôi một con lừa, hằng ngày vào rừng kiếm củi. Nhưng mỗi lần đi hái củi, người tiều phu phu này lại phải đào đất cho vào bao để khoác lên lưng con lừa. Người hàng xóm thấy lạ bèn hỏi:
- Sao bác lại chở đất vào rừng.
Người chủ con lừa phàn nàn:
- Tôi đâu muốn, chỉ tại con lừa nó chẳng chịu đi cho, khi chưa khoác lên nó cái gì.
Người tiều phu đi kiếm củi, có hôm được nhiều, có hôm được ít. Một hôm được ít củi quá, mà trời đã tối, người tiều phu chất củi lên lưng lừa nhưng nhẹ quá, lừa cứ ì ra, chẳng chịu đi cho. Lúc ấy người hàng xóm đi qua liền nói:
-Thì bác cứ chất thêm ít đất nữa lên, xem nó có chịu đi không!
Quả nhiên khi thêm đất, con lừa bắt đầu nhúc nhích theo bác tiều phu chở củi về nhà.
Từ lần ấy, khi nào có ít củi, bác tiều phu lại chất thêm cho lừa ít đất. Càng nặng thì lừa của bác tiều phu càng nhọc nhằn hăng hái men theo đường núi mà về nhà. Cứ như vậy, thành ra đất bác tiều phu mang đi thì rồi lừa lại mang đất về cùng với củi, chẳng mất đi tí gì.
Đặc tính của lừa là như vậy, người tiều phu lợi dụng nó để làm một việc có ích. Nhưng ở đời khối kẻ giống con lừa, nhỏ nhẹ thì chẳng nghe lại cứ phớt lờ lý tình, để đến khi phải to tiếng, dùng vũ lực mới nghe thì đã muộn. Vậy nên người đời mới ám chỉ rằng: “Thân lừa ưa nặng” là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn