Câu thành ngữ ý nói một nghề mà giỏi thì thành đạt, một nghề mà chắc chắn thì sống, đừng có hời hợt, nghề gì cũng biết nhưng không chuyên một nghề gì thì sẽ đổ vỡ không thành.
Chuyện kể:
Ở một làng nọ, có một người muốn làm giàu, chuyên học đòi, ai mách gì cũng nghe theo.
Một hôm, nghe người ta đồn ở làng Ứng Thủy có nghề làm gầu kiếm ra tiền. Anh ta bèn cất công sang Ứng Thủy để học. Ba năm sau thành nghề, anh làm được gầu rồi thì năm ấy lại mưa đều, nước dư nước dật, ruộng đồng tốt tươi, chẳng ai cần đến gầu để chống hạn cả. Có người bảo: “Mưa nhiều, thì sẽ úng. Ở làng Vạc có nghề làm guồng chống úng, anh sang đó mà học”. Anh ta nghe người ta mách lại sang làng Vạc học nghề làm guồng. Nhưng năm ấy thời tiết lại khô hạn, có nước đâu mà cần guồng chống úng. Thấy trời nắng anh ta lại quyết tâm lên đường học nghề làm nón. Lần này chắc mẩm sẽ thành. Nhưng chẳng tính toán gì, lúc anh ta học được nghề làm nón thì thiên hạ chẳng mấy ai dùng nón nữa. Người ta sử dụng mũ nỉ, mũ lưới, vừa tiện vừa gọn. Chẳng bán được hàng, chẳng ra nghề ngỗng gì, anh ta ngửa mặt lên trời than:
- Trời ơi, tôi già mất rồi. Một đống nghề như tôi mà vẫn chết đói ư!
Người ta làm nghề gì cũng muốn thành đạt, nghề tinh xảo mà phát triển. Muốn được như vậy phải tu chí đến nghề, ta gọi là “chuyên”. Vậy nên có câu “Nhất nghệ tinh” là làm một nghề cho tinh thông còn hơn chín mười nghề hời hợt, chẳng nghề gì tinh thông cả. Câu thành ngữ hàm ý ca ngợi những người biết say sưa theo đuổi nghề nghiệp của mình để đem lại cuộc sống đẹp. Đồng thời hàm ý chê bai, phê phán những người thiếu kiên trì không có được nghề nào tinh thông cả.
Dân gian có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.
Còn “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, như anh chàng truyện trên là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo “Đông Tây ngụ ngôn” – Ôn Như Nguyễn Văn Học – NXB Văn học, 2003