Câu thành ngữ chỉ kẻ không biết lo liệu đề phòng trước, để việc hỏng rồi mới ứng cứu, lo liệu phòng thân. Cũng hàm ý chỉ kẻ dốt nát.
Chuyện kể:
Nhà kia tích cóp mua được con bò đẹp, ưng lắm, chăm bẵm suốt ngày. Tối đến, chủ nhà dắt bò buộc vào gốc tre cạnh nhà. Thằng trộm mấy lần rình, đợi khi cả nhà ngủ say, nó tháo dây thừng dắt bò đi mất. Sáng ra ngủ dậy không thấy bò đâu, nhà kia tức lắm. Người hàng xóm sang chơi thấy vậy bảo:
- Chẳng là bác không có chuồng để ngăn kẻ trộm, chứ buộc vào gốc tre thì nó dắt mất là phải.
Nhà kia nghe ra cho là phải, bèn đi mua cột cây về dựng giữa vườn một cái chuồng bò. Vừa làm anh ta vừa nói:
- Phen này thì thằng trộm kia đó mà dắt được bò của ông đi.
Người hàng xóm sang, cả cười:
- Bác mất bò rồi thì làm chuồng làm gì cho phí công, phí của.
Người mất bò lúc ấy mới mới ngớ ra mình làm gì còn bò nữa mà làm chuồng, đành lại dỡ xuống. (1)
Chuyện như bịa nhưng vẫn có trong cuộc sống. Ở đời nhiều người vẫn chẳng phòng xa, khi hỏng việc, cháy nhà, vỡ nợ, sụt cầu hoặc mất của rồi mới có ý đề phòng cẩn thận, lúc ấy, mọi sự đã trỏ nên quá muộn. Chả trách dân gian mới có câu “Cháy nhà mới đi tìm nước”, “Mất bò mới lo làm chuồng” là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo “Truyện cổ nước Nam”
Ôn Như Nguyễn Văn Học – NXB Văn học, 2003