Câu thành ngữ chỉ sự gan góc, lì lợm, dám đương đầu với thế lực lớn hơn. Người nào không biết sợ hiểm nguy ta ví người đó có gan, gan như cóc tía.
Chuyện kể:
Có một con cóc tía bé nhỏ ở một vùng nọ, rất tức vì thấy cọp chuyên ỷ thế bắt nạt các con thú hiền lành. Một hôm gặp cọp, cóc tía nói:
- Con cọp kia, mày có biết tao là ai không? Tránh ra cho tao đi không tao xé xác bây giờ.
Cọp nhìn hình thù bé nhỏ, xấu xí của cóc tía bèn hỏi:
- Mày là ai mà dám hỗn xược với chúa sơn lâm ta thế hả.
Cóc tía nói:
- Mày không biết tao à? Tao là Cậu ông Trời đây. Đừng có lôi thôi. Cút đi!
Cọp tức quá, hét to:
- Đồ oắt con, mày hãy thi tài với ta, xem ai hơn nào.
Cọp đòi thi nhảy, cóc bảo:
- Được, tao chấp mày đứng trước, tau đứng sau, cả hai cùng nhảy.
Cọp đứng trước. Khi nhảy bao giờ cũng quật đuôi mấy cái để lấy đà. Cóc bèn ngậm chặt vào đuôi cọp, khi cọp quật đuôi, cóc văng xa. Cọp nhẩy đến đã thấy cóc ở phía trước, xa hơn mình thì phục và sợ lắm.
Nó bèn bỏ chạy, giữa đường gặp khỉ. Thấy cọp có vẻ sợ, khỉ bèn hỏi:
- Có việc gì mà ông chạy dữ vậy?
- Mày không biết ư? Ở đằng kia có con cóc xấu xí nhưng đáng sợ lắm, ta phải trốn nó đấy.
Khỉ nhăn răng cười bảo:
- Ôi thằng cóc tía thì có gì mà đáng sợ. Ông cứ đưa tôi đến gặp nó, tôi sẽ bóp nát nó cho ông xem.
Cọp buộc khỉ vào lưng rồi đến chỗ cóc. Thấy khỉ ngồi lên lưng cọp, cóc tía hét:
- À, thằng khỉ kia, mày làm gì mà chậm chạp thế. Mày bảo trả nợ tao hai con cọp, sao bây giờ mới dẫn có một con đến, làm sao tao ăn đủ no.
Cọp nhận thấy ở miệng cóc tía còn một dúm lông của mình, ngỡ là cóc vừa ăn thịt một con cọp khác thật, liền quay đầu chạy thục mạng. Khỉ va đầu vào cây chết từ lúc nào không hay. Khi dừng lại, cọp thấy khỉ nhe răng ra, nó tức quá quát:
- Đồ khỉ, mày lừa tao, còn nhăn răng ra mà cười hả. Rồi quăng khỉ đi thật xa và từ đó hễ gặp cóc tía đâu là cọp trốn biệt. (1)
Cóc tía trốn được cọp vì biết dùng trí lừa được cọp, để cho hả giận. Vậy là có kẻ thông minh như con khỉ, mạnh mẽ như con cọp lại thua trí một kẻ sức lực yếu và nhỏ. Vậy cái sự mưu trí mới đáng là kính nể.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1)Theo “Truyện cổ nước