Câu thành ngữ ý nói về việc khi người ta mất của dễ nghi ngờ lung tung, thường ngờ vực cho kẻ này, người nọ.
Chuyện kể:
Có người thợ mộc, một hôm bị mất cái bào. Từ hôm bị mất bào, anh ta chẳng biết xoay sở ra sao. Có một thằng bé hôm ấy đi ngang qua đấy. Lệ thường thằng bé vẫn lễ độ chào anh ta, thế mà hôm ấy chẳng biết sao, mặt thằng bé tỉnh bơ đi ngang qua. Anh thợ mộc thấy bộ dạng thằng bé thế thì ngờ ngay rằng: “Chắc chắn là thằng bé này”. Nghĩ bụng, anh ta hộc tốc chạy theo thằng bé đòi lại bào.
Nhưng chạy được một quãng thì thằng bé mất hút. Anh ta lại gặp ngay một người đàn ông. Người này vui vẻ chào anh ta. Anh ta chào lại nhưng trong lòng lại sinh nghi: “Quái cái lão này, chẳng bù cho mấy hôm trước, mặt cứ tỉnh bơ, hẳn có sự khuất tất gì đây nên mới giả bộ thân thiện thế”.
Anh thợ mộc nghi thì nghi nhưng vì chẳng có chứng cớ gì mà vặn người đàn ông kia nên đành lủi thủi quay về. Vừa về đến nơi, có một người làng đến xin anh ta một mẩu gỗ nói là để kê bàn. Vốn cái bào thì cần phải có cái nêm, vì vậy anh thợ mộc nghĩ ngay: “Chắc xin mẩu gỗ để nêm bào đây”. Người làng chọn trong đống gỗ vụn không có mẩu gỗ nào ưng ý nên thôi. Anh thợ mộc lại nghĩ: “Chắc nó sợ lộ, đích thị là thằng này lấy trộm bào của mình”.
Đang nghĩ kế rình bắt quả tang người làng kia thì bỗng hắn nhìn thấy một ông già cầm tấm gỗ ván đã được bào nhẵn đi ngang qua. Chẳng đắn đo suy nghĩ, anh ta nghi ngay: “Vết bào kia còn mới, chắc ông già kia ăn trộm bào của mình”. Thế là anh ta lại chuyển hướng rình bắt ông già nọ.
Buổi chiều, vợ anh thợ mộc bới từ đống mùn cưa thì thấy cái bào bị vùi trong đó. Hỏi ra lúc quét dọn, mẹ vợ anh ta mắt kém dồn cả đống mùn cưa, phôi bào cùng cái bào vào đấy. Vợ anh ta thấy anh ta mừng vì tìm được bào bèn nói:
- Từ sáng đến giờ, anh ngờ đến chín người trộm bào, còn tôi đây nữa sao anh không ngờ nốt cho nó chẵn mười.
Kẻ bị mất cắp hay suy diễn lung tung không căn cứ, mọi sự, mọi động thái của người khác đều bị tình nghi. Đấy chính là tâm lý và cũng là cái xấu của kẻ bị mất. Vì thế, nghi nghờ là sự vô cùng dễ dẫn đến mất tình, mất nghĩa.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn