Câu thành ngữ nói đến sự nhiều được ví như cát sông Hằng Hà. Nhiều vô kể không đếm xuể.
Chuyện kể:
Có ba chú tiểu. một hôm rãnh rỗi việc chùa, ngồi chơi ở bờ sông mới đố nhau.
Chú tiểu nhỏ đố trước:
- Trên đời này trừ sao trời ra thì cái gì là nhiều nhất?
Chú tiểu nhỡ mới đáp:
- Cây rừng là nhiều nhất.
- Không phải, không phải! – Chú tiểu nhớn lên tiếng – Cây sao nhiều bằng lá. Mỗi cây bao nhiêu lá, đệ biết không?
Thấy chú tiểu lớn lý lẽ vậy, chú tiểu nhỡ đành chịu. Chú tiểu nhỏ bèn cự lại:
- Chưa nhiều, chưa nhiều. Mưa mới là nhiều nhất. Huynh có đếm được hạt mưa không?
Lúc ấy, sư cụ đi qua, thấy ba chú tiểu tranh cãi, cũng góp vào câu chuyện:
- Ba con nói đều có lý cả. Cây rừng, lá rừng, hạt mưa đều là những thứ không đếm được. Nhưng theo ta những thứ đó chưa phải là nhiều mà thuyết pháp mói nhiều kia.
Chú tiểu lớn hỏi lại sư cụ:
- Thế nhiều là bao nhiêu, thưa thầy.
- Không thể đếm được. Kinh kinh, quyển quyển. Thuyết pháp là lẽ đời, mà lẽ đời thì ai đếm được. Nhiều, nhiều lắm! Nhiều như cát sông Hằng, Các con thấy không, ngôi chùa ta ngự trên núi, nhìn xuống sông Hằng bao la, chảy qua biết bao vùng rộng lớn, hai bờ có biết bao nhiêu là cát. Các con có đếm được cát sông Hằng không?. Vậy thuyết pháp cũng nhiều như cất sông Hằng đấy các con ạ!
Cả ba chú tiểu nghe sư cụ giảng như thế thì nhìn xuống dòng sông Hằng mênh mông rồi cùng ồ lên một tiếng: Quả là Hằng hà sa số!
Cái sự nhiều vô tận không đo đếm được ở đời có nhiều, nhưng cái mà dân gian ví thường không phải là sao, là mưa, là lá… mà là cát sông Hằng. Đó là vật cụ thể, có địa chỉ cụ thể, nhưng số lượng thì vô kể. Sự cụ nói thuyết pháp nhiều nhưng vẫn phải ví với cát sông Hằng để khẳng định sự nhiều. Chắc hẳn từ một câu chuyện nào đó tương tự như câu chuyện trên mà nên thành ngữ này.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn