Rồng là con vật huyền thoại được dân gian tôn thờ, từ cá chép hóa thành. Trước kia, rồng cùng sinh sống dưới nước với tôm. Hàm ý: Người cao quý đến thăm kẻ thấp hèn. Lời nói nhún nhường của chủ nhà với khách. Còn có câu: Sàn hoang được thấy rồng lượn.
Chuyện kể:
Xưa, con tôm nghe con cá chép có tài, bèn đến làm bạn. Kỳ ấy, Thủy thần mở khoa thi, tôm cũng theo cá chép tấp tểnh đi thi. Tôm biết mình tài mọn nên mưu gian với cá giúp sức. Cá bảo tôm:
- Được rồi, hễ khi nào tôi nhảy lên thì anh ngậm chặt lấy đuôi tôi là tự khắc anh cũng nhảy lên được.
Lúc thi, tôm làm theo lời cá chép dặn. Nhưng chẳng may, Thủy thần xét ra, biết là gian xảo, đạp tôm một cái ngã từ trên xuống, còng cả lưng lại. Chỉ có một mình cá chép là thi đỗ và được liệt vào hàng hóa rồng.
Tôm đành phận trở về chốn cũ. Ngày qua tháng lại, cá đã hóa rồng nhưng vẫn nhớ tình cũ nghĩa xưa. Một hôm, nó hạ cố xuống nhà tôm chơi.
Được rồng đến chơi nhà, tôm lấy làm vinh hạnh lắm, bèn bày tiệc rượu chè vui thú. Hứng lên, tôm ngâm một bài thơ rằng:
Rồng một bến mà tôm một bến
Đã từ lâu tôm thấy rồng đến
Mừng vui khôn kể bạn đến nhà
Trước sau gì ta vẫn là ta.
Tôm thú vị về bài thơ, ngâm đi ngâm lại rồi bắt rồng họa lại. Rồng từ tốn nói rằng lâu nay bận làm mưa, làm gió nên ít có điều kiện thăm nhau mà cũng chẳng nghiền văn chương mấy. Rồi rồng cũng đồng ý:
- Thôi thì bác đã bảo, tôi nào dám chối từ, xin đọc để bác nghe, đừng chê rồng này là được - Rồi rồng đọc:
Rồng ở trời cao, tôm ở bến
Vì tình nghĩa cũ rồng vẫn đến
Danh danh lợi lợi chuyện bán mua
Gắn bó rồng tôm giữ tình xưa.
Tôm sướng lắm cứ vểnh râu lên. Lúc này, rồng mới cáo từ. Tôm tiếc cuộc hàn huyên mới tíu tít lên rằng:
- Xin bác hãy lưu lại. Mấy khi rồng đến nhà tôm. Mấy khi tôm được gặp rồng.
Rồng làm đến địa vị cao sang như vậy vẫn khiêm tốn nghĩ đến tình xưa, tìm thăm bạn cũ. Tôm được bạn cũ đến thăm thì vui vẻ không tỏ ra mặc cảm, tự ti. Ấy là lối ứng xử văn hóa mang đậm tình người. Tuy vậy, vẫn có kẻ lên đến địa vị cao sang rồi thì quên bạn cũ, ngại tiếp xúc với bạn cũ, còn kẻ hèn kém thì tự ti. Điều đó thật trái với đạo lý.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn