ôi được phân công về tổ bắn trung liên ở tiểu đội Một thuộc trung đội Hai. Anh Bé tiểu đội trưởng dắt tôi giới thiệu cùng người tổ trưởng tổ trung liên. Tôi không ngờ người tổ trưởng lại lớn tuổi đến trên bốn mươi. Anh Bé gọi bằng chú, chú Chín:
- Đây chú Chín Thắng, chiến sĩ cao niên nhất của tiểu đoàn mình đó!
Ngó qua chú Chín Thắng coi hệt như một nông dân trong xóm tôi hồi đó. Chú mặc bà ba đen, đầu buộc khăn rằn. Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên, nghĩ bụng sao trong đơn vị giải phóng lại có người lớn tuổi như vậy, rồi làm sao đánh chác? Anh Bé đoán biết ý nghĩ tôi, nhưng anh chẳng nói gì, chỉ cười. Còn chú Chín Thắng thì cầm tay tôi chậm rãi và thân mật nói:
- Tổ mình đóng ở đằng này, lại đó tôi chỉ chỗ cho mà che tăng!
Tôi để cho chú Chín nắm tay tôi dắt đi. Bàn tay tôi nằm trong lòng bàn tay chai dầy, nên tôi dám chắc tới mười phần chú Chín là nông dân. Thế rồi từ chỗ ngạc nhiên về mặt tuổi tác, tôi đâm ra cảm động. Chưa chi tôi đã thấy tin mến chú ngay. Bởi bất luận thế nào, một người nông dân đáng bực cha chú mà còn cầm súng đánh giặc cũng đã đủ khiến mình phải nề rồi. Hơn nữa, chú Chín Thắng lại bắn súng máy. Mà chú thì coi bộ thiệt thà chất phác hết sức. Chú giúp tôi căng tăng che chỗ nghỉ rất chu đáo. Cái nuột giây chú buộc cây cọc mồi để cho tôi mắc võng khỏi bị mưa ướt coi mới chắc chắn kỹ lưỡng làm sao. Xong rồi chú còn kêu một cậu khác tên Cần, cũng là chiến sĩ trong tổ, tới làm cho tôi một cái giàn nhỏ nơi đầu võng để tôi đặt bồng. Cần cũng vào trạc tuổi tôi, người nhỏ nhắn hiền lành. Trong lúc ngồi buộc cái giàn, Cần cho tôi biết nó ở trên đồn điền Đất Đỏ mới xuống vài tháng nay. Nó nói ở trên đó nó đi cạo mủ, còn má nó bị mù. Tôi h�
- Bà già mù rồi à, sao vậy?
- Má tôi bị miểng ca-nông của Mỹ nó thụt!
Tôi lặng người nhìn Cần. Và tôi chợt nghĩ tới má tôi. Má tôi thì chết rồi. Người thì chết, người thì mù. Tôi hỏi tiếp:
- Trong gia đình Cần còn có anh chị em nào nữa không?
- Má tui chỉ có một mình tui.
- Vậy thì làm sao Cần bỏ đi được?
Tôi vừa thốt hỏi cái câu đó tức thì cảm thấy trái tim mình như đứng lại, không đập nữa, trước khi có câu trả lời của Cần. Lần này Cần không đáp, im lặng ghì cho chặt nuột giây đã buộc rồi, nhưng đôi mắt thì lại rưng rưng. Tôi không hỏi tới nữa. Từ đó cho tới lúc buộc xong cái giàn, Càn không đả động gì về chuyện nó đã từ biệt người mẹ mù của nó ra sao nữa. Nhưng rồi tôi cũng biết được. Bốn hôm sau, vào một buổi tôi sau khi họp tổ xong, chú Chín Thắng ngồi lại nói chuyện với tôi. Chú bảo:
- Hồi tao tới đây đâu có được nhận vô dễ dàng như mấy đứa bây. Tụi thanh niên trai tráng như mấy đứa bây thì Ban Chỉ huy đồng ý lẹ, chớ lớn tuổi như tao hết sức là khó. Ban chỉ huy đâu có chịu nhận. Tao xuống nước năn nỉ ỉ ôi hoài mà mấy ảnh không chịu là không. Mấy ảnh tuyên bố dứt dạc hễ ngót nghét bốn mươi là không thể nhận vô đơn vị được. Đằng này tao lại tới bốn mươi lăm thì càng khó hơn. Có đồng chí trong Ban Chỉ huy nói: "Ông ơi, sao ông không ở nhà lo cày ruộng tiếp tế gạo cho tụi tôi đánh giặc có phải hay hơn không?".
Tao bảo: "Trời ơi, nhà tôi có còn đâu mà ở. Ruộng thì còn, nhưng tôi đi cày ruộng sớm chiều tới lui kế bên chỗ vợ con tôi nó chết, tôi chịu không nổi anh ơi!".
Tôi chụp hỏi:
- Sao chú, tụi nó đốt nhà của chú à?
- Không, phải đốt nhà còn đỡ, đằng này nó nhè ngay nhà tao mà liệng một trái bom đìa. Quyết à, lúc đó mới bảy tám giờ sáng, tao vừa dắt trâu ra ruộng cày mới được mấy đường cày thì có một chiếc B.57 rú qua liệng trộm ba bốn trái bom. Tao bỏ cày chạy về nhà thì không thấy nhà đâuố bom đìa sâu hoắm ngó phát chóng mặt. Mới có một chút xíu thôi, mà vợ tao với ba đứa nhỏ thình lình mất tiêu hết...
Câu sau cùng, chú Chín nói với tôi giọng lầm bầm như nói với chính mình. Có lẽ chú đã nói câu đó nhiều lần lắm rồi. Đến lần này, trong câu nói như lầu thuộc đó vẫn còn vẻ đau thương đến thảng thốt.
- Phải chi bữa đó tao không đi cày sớm thì chắc tao cũng đã chết chung với mấy mẹ con. Mới đầu tao nghĩ mình chết có lẽ còn khỏi khổ. Cháu à, còn trơ lại một mình, cứ thương nhớ đau đớn hoài. Chịu không thấu tao bỏ đi. Tay xách nải chuối xiêm bị bom đánh bay gần nhà, tao đi vất vưởng như khùng, hết xã này qua xã khác. Nải chuối chín hồi nào tao cũng không hay, rồi rụng rớt hồi nào tao cũng không biết. Cái bữa nghe nói có bộ đội đóng gần đó, tao tìm tới thì nải chuối đã rụng hết, chỉ còn cái cùi. Thấy tao lớn tuổi, mấy ảnh không dám nhận, như tao đã nói. Đến nỗi tao phải kêu trời, nói tình cảnh của tao ra. Nhưng anh nào cũng ngó nhau, chớ cũng chưa có anh nào gật đầu "ừ" cho tao một tiếng. Đồng chí Chánh, tiểu đoàn trưởng mình bây giờ, mời tao ngồi xuống. Cả Ban Chỉ huy kéo nhau ra sau nhà hội ý với nhau. Tao ngồi nghe mấy ảnh bàn cãi dữ lắm, chung quy cũng là bàn có nên nhận tao vô bộ đội không. Lúc đó, nào nói ngay tao hồi hộp quá. Nếu mấy ảnh không chịu, tao chẳng còn biết đi đâu, không lẽ đi làm du kích ở xã khác. Cuối cùng mấy ảnh hội ý xong trở vô nhà. Anh Chánh đến nói với tao: "Tụi tôi đồng ý nhận chú vô đơn vị, nhưng với điều kiện trong hai tháng đầu nếu chú yếu sức tỏ ra không bảo đảm hành quân, chiến đấu được thì tụi tôi gởi trả chú lại cho địa phương. Chú đồng ý hứa như vậy thì tụi tôi mới dám nhận!". Tao mừng quá, lập tức đứng lên nói: "Tôi xin hứa, nếu như qua hai tháng mà tôi không kham nổi nhiệm vụ thì tôi sẽ xin rời khỏi đơn vị không dám kêu nài gì nữa!".
Kể tới đó, chú Chín Thắng vỗ vai tôi, giọng hồ hởi hẳn lên:
- Quyết à, cháu tính, mình là dân cày đâu sợ gì cực khổ. Còn nói về sức khỏe, thì tao tuy có tuổi chớ còn nới lắm. Thành ra cái giao kèo hai tháng của Ban Chỉ huy đề ra coi như không bao giờ thực hiện với tao. Nghĩa là không phải tao chỉ ở bộ đội có hai tháng mà tính tới nay tao đã ở gần hai năm. Trong gần hai năm đó, tao dự ba chục trận lớn nhỏ, chính tay tao bắn chết ngó thấy là ba mươi hai thằng. Bắn chết được thằng nào thấy nhẹ người đi một ít. Trước tao bắn cây ga-răng, nửa năm trở lại đây mới bắn "ép". Hai cây đều của Mỹ chế ra, cây nào bắn cũng tốt. Cây ga-răng cứ nhịp như câu rê, còn cây "ép" được cái là quét qua một loạt có khi hạ được tới năm bảy
Tôi hỏi:
- Còn thằng Cần, nó đã bắn được thằng nào chưa?
- Chưa, nó mới ở trên Đất-đỏ xuống, theo vác đạn "ép" cho tao. Thằng Cần ít nói, mủ mỉ như con gái vậy chớ gan lắm, tao tới đâu nó theo tới đó. Tội nghiệp cho thằng nhỏ hết sức, hoàn cảnh của nó cũng thiệt ngặt. Ba nó thời đem thân bón gốc cao-su hồi năm nảo năm nào. Còn lại hai mẹ con thì mẹ lại mù. Bị miểng pháo khoét mất hai con mắt. Pháo Mỹ đó cháu. Cái giống quân gì ở đâu mà mới đổ qua xứ mình là chuyên gây thù gieo oán. Vợ con tao chết hết là vì nó, mẹ thằng Cần không thấy đường là cũng tại nó...
Tôi rùng mình và thấy ruột gan se thắt lại khi nghĩ tới người mẹ mù của Cần. Tôi hỏi chú Chín Thắng:
- Vậy rồi Cần đi đây nó bỏ má nó lại cho ai?
Chú Chín Thắng thở hắt, chau mày ngó mông ra đêm. Từ phía bên ngoài, bóng tối đang trùm phủ là tiếng gió đang di qua các triền đồi rồi ùa xuống lũng trảng. Cơn gió này vừa hút mất dưới lũng trảng thì cơn gió khác lại đến. Cái câu hỏi của tôi vẫn chưa được người lính già Chín Thắng trả lời, tưởng như chuyện đó cũng bị cơn gió lôi lùa đi. Tôi không hỏi thêm nữa, nhưng vẫn thắc mắc, không mường tượng ra được cảnh người mẹ mù ở lại trơ trụi một mình thì làm sao mà sống. Hồi lâu sau khi đã ngồi im nghe không biết bao nhiêu cơn gió lộng qua dốc đồi, chú Chín Thắng mới chắc lưỡi:
- Nghe nó nói, khi nó đi thì má nó ở lại ở đợ giữ con cho người ta. Đâu như là giữ con cho thằng cha "cặp-rằng" hay trưởng ấp gì đó, ngày được hai bữa cơm.
Bây giờ ở trên đó đều là ấp chiến lược hết rồi. Hồi thằng Cần tới đơn vị, tao thấy nó còn ngơ ngác và khóc đỏ chạch hai con mắt. Tao hỏi, nó cứ dấu, nói tại nhớ nhà, sau tao hỏi riết nó mới nói ra, thời tao mới biết nó bỏ xứ, bỏ mẹ, đi vô đây nó bứt rứt ghê lắm. Thiệt ra nó muốn đi mà bởi thương mẹ mù, nên đi không đành.
Nó đã đi mấy lượt, rồi nửa chừng lại lộn về. Khổ nỗi má nó lại một mực biểu nó phải đi, chớ nếu má nó ngăn giữ nó lại thì đâu có chuyện dằng xé. Đằng này má nó thúc dục đi kiếm bộ đội mình, thúc dục tới cái mức như là đuổi nó đi. Nhưng theo nó kể khi nó xách bọc quần áo bước ra ngõ được mấy bước, lúc ngoảnh lại nó ngó thấy má nó đứng sững như trời trồng, nước mắt ở trong hai hố mắt sâu hũng của má nó chảy tuôn ra như suối...
Đó vậy đó... Mà có phải vậy rồi thôi sao, má nó còn đòi tự vận nữa chớ!
- Sao vậy?
- Tại thằng Cần đau lòng quá, cứ ra đi được nửa đàng rồi lại quay về; mấy lần như vậy, má nó đòi chết, để không còn có sợi dây mẫu tử trì níu nó lại nữa chớ sao!
- Trời... Tôi buột kêu.
Chú Chín Thắng vẫn nói tiếp:
- Ở đời con người ta hễ bị dồn ép tới chỗ đau đớn uất ức quá thì coi cái chết có nhằm nhè gì, miễn rửa được thù thì thôi. Tao cũng vậy, hồi vợ con tao chết, tao tính đi kiếm tụi nó đổi mạng, đổi mạng mình lấy mạng vài thằng khác, Mỹ hay ngụy gì cũng được... Còn bây giơ tao tính khác...
Tôi nhóng người lên. Nhưng chú Chín Thắng chưa nói tiếp, thò tay móc bì thuốc rê ra vấn sột soạt. Trời tối chú vấn thuốc mò, rồi gắn điếu thuốc lên môi. Tôi vội vàng móc túi lấy cái bật lửa, bật cho chú đốt thuốc. Chú Chín Thắng rít mạnh, đầu điếu thuốc đỏ rực. ánh lửa điếu thuốc rọi vẻ mặt chú Chín bây giờ trở nên dữ tợn khác thường. Trên khuôn mặt mà mưa nắng ruộng đồng đã nhuộm màu sẫm bóng, ánh lên đôi con mắt lầm lừ giấu ẩn dưới đôi mày cau sít lại. Nhưng giọng nói của chú vẫn rất tỉnh:
- Từ ngày vô đơn vi, tao mới biết là không phải chỉ có một mình tao khổ. Coi bộ đứa nào cũng có khổ đều hết. Gia cảnh ai cũng bị tụi nó phá hại. Đứa thì cha chết, mẹ chết, hoạn nạn đủ kiểu cách. Lớp bị chặt đầu, lớp bị moi gan mổ bụng, lớp bị bom miểng bom xăng. Nên chi tính cái mối thù của riêng mình gẫm ra chưa đủ. Phải gộp lại cho đủ, mối thù của mình và của tất cả bà con cô bác, rồi cùng nhau trả một lượt một. Phải bắt tụi nó đổ máu thành sông thành suối, phải bắt tụi nó phơi thây đầy đồng đầy ruộng của mình...
Chú Chín Thắng dừng lại, bập bập điếu thuốc đã bị tắt. Có lẽ là thuốc bị phèn. Tôi lại móc bật lửa, bật lên cho chú đốt. Tay run run cầm cái bật lửa, tôi nói khẽ:
- Ba má cháu cũng chết hết
Thế là sau khi cất cái bật lửa vào túi, tôi bắt đầu kể cho chú Chín Thắng nghe cái cảnh chết của ba má tôi.
Đó là câu chuyện buổi chiều ở Phước-lai, mà tôi bắt đầu kể từ chỗ má tôi thèm chua, nên chiều đó hai chị em tôi rủ nhau ra bờ sông hái bần...
Trước khi tôi về tổ bắn trung liên của chú Chín Thắng thì tổ này đã có cái tên gọi là tổ ông già Gân. Cái tên này không những chỉ được gọi ở đại đội anh Đấu mà còn lan tràn khắp tiểu đoàn. Ông già Gân ấy tức là chú Chín Thắng, người chiến sĩ tòng quân nhập ngũ lúc tuổi đã bốn lăm. Nghe đâu cái buổi đầu chú Chín tới đơn vị không phải được dễ chịu ngay như tôi. Đối với một tân binh đã có tuổi như chú, anh em có sự lo ngại, mà sự lo ngại đó cũng là sự dĩ nhiên. Các trận đánh nhau với Mỹ, ngụy hồi này đã dần dần trở nên ác liệt. Anh em chiến sĩ trẻ nhanh chân lẹ tay còn bị phi pháo tụi nó quần mệt, huống chi một nông dân luống tuổi như chú Chín. Nhưng trong mối lo ngại chung đó, tất cả anh em đều cảm thương chú, vì mọi người đều biết rằng bây giờ trên đời chú chỉ còn có đơn vị, vì mọi người đều biết rõ nguyên do vì sao con người nông dân đó rời bỏ miếng đất còn để lại những luống cày dang dở. Cái câu nói như mê sảng: "Mới đó mà mẹ con nó mất tiêu hết..." của chú Chín thốt ra đối với tôi đêm rồi cũng chính là cái câu nói chú đã nhiều lần nói với anh em trong đại đội. Ai nghe chú nói cũng muốn đứt ruột. Câu chuyện thì đã quá đột ngột đau thương, lại thêm cái giọng nói như mê ấy, nghe nó thảng thốt, nó hẫng tuột, bàng hoàng gợi tưởng tới cảnh chú đang quờ quạng bên hố bom đìa sâu hoắm.
Song trước bao cặp mắt lo ngại của anh em, người tân binh già ấy đã hầu như không để ý. Tôi nghe nói lại rằng chú đã im lặng, cần cù tập luyện thao tác chiến đấu một cách chí cốt hơn cả lúc cầm cày đi sau lưng con trâu.
Qua trận đầu, chú đã lấy được lòng tin của toàn đại đội.
Các anh kể cho tôi nghe trận đó, trận Bầu Cá Lóc, một trận đơn vị ém mình giữa bàu để đón hứng trực thăng đổ quân xuống. Chú Chín đã từ dưới bàu trỗi dậy xông xáo như một con cọp. Trong khi mé bầu sình sụp gây trở ngại cho khá nhiều anh em xung phong diệt địch thì chú Chín lại vận động hết sức mau lẹ. Thoắt cái chú đã rời công sự, sải như bay về phía bọn địch đang hốt hoảng chạy nhào. Cây súng trường tự động Mỹ trong tay chú nổ bầm bầm. Vì chưa quen, từ xa chú bắn không trúng hết, nên chú ngừng bắn, cứ rượt thiệt sát địch mới bắn.
Cứ như kề vào lưng từng thằng mà bắn. Anh em nói bấy giờ chú nổ phát nào là một thằng lính áo rằn nhảy dựng rồi té chúi, nước tóe trắng. Gần mãn trận, có vài thằng chạy được một quãng xa, nhưng bị chú rượt theo tới ổ. Bắn chết hết mấy tên đó rồi, chú vác cây ga-răng khềnh khàng sải bước. Đứng xa, anh em thấy chú không giống một người lính mà giống một ông nông dân vừa phát cỏ xong vác phảng trở về. Chú Chín Thắng tổ trưởng súng máy của tôi đã đi vào trận đánh như vậy, cần cù và chắc nịch như đi vào miếng ruộng của mình. Giờ đây kể lại với tôi, các anh trong đại đội vẫn còn cái vẻ khoái chí đến chưng hửng về cách đánh của chú, có anh cười ngất, nói từ hồi đi đánh giặc tới nay họ chưa thấy có ai "đánh giặc sát lưng, rượt giặc sát nách" như vậy.
Anh em không ai còn dám coi thường chú nữa. Mối lo ngại về chú Chín thế là tiêu tan. Trong cuộc họp báo cáo rút kinh nghiệm trận đánh, các anh hỏi tại sao chú lại dí sát súng vô lưng địch mà bắn, chú chậm rãi đáp: "Đó là vì tôi còn dở, sợ bắn trật, phải bắn vậy mới chắc ăn. Chừng nào tôi quen tay tôi sẽ bắn nó sớm hơn".
Lại có anh tỏ ý ngạc nhiên sao bàu trấp sình sụp như vậy mà chú lại chạy không bị té cái nào, thì chú cười: "Cái nầy thì tôi quen, tôi lội bưng lội ruộng hoài nên ngó qua là tôi biết chỗ nào bằng chỗ nào lõm, chỗ nào nước sâu chỗ nào nước cạn, tùy theo thứ cỏ mọc ở chỗ đó, phải để ý coi cọng năng cọng lác mọc ở đó...".
Tới nay, sau hơn hai năm đánh giặc, chú đã trở thành một chiến sĩ vững vàng, nhiều lần được đại đội khen và tiểu đoàn biểu dương. Từ cái tên Chín Thắng, được xưng tụng thành Chiến Thắng, rồi giờ đây còn có biệt hiệu là ông già Gân, tổ ông già Gân. Nghĩa là chú Chín Thắng già thiệt đó, nhưng mà là già gân.
Tổ súng máy trước chỉ có ông già đó và Cần, nay lại có thêm tôi. Anh em trong đại đội kẻ gọi tôi là Quyết giò, người gọi tôi là Quyết mắt xếch. Kể ra gọi tôi là Quyết giò hay Quyết mắt xếch đều đúng, nhưng tôi hơi khó chịu. Tôi bực mình càu nhàu với chú Chín:
- Tại cha mẹ tôi đẻ tôi ra vậy chớ tại tôi sao?
Chú Chín vùng cười xòa, nói vả lả với tôi:
- Mấy đứa nó giỡn chơi mà, hơi đâu mà giận?
- Thì kêu tôi là Quyết giò được rồi, đằng này còn kêu là mắt xếch, mắt hí này nọ...
Chú Chín nghe nói càng cười. Nhưng sau đó, chú rầy mấy anh và nói:
- Biết đâu nó mắt xếch, mắt hí mà đánh giặc hay thì sao?
Tôi cũng nghĩ như chú Chín, vấn đề đánh giặc thì có ăn nhập gì tới sự hình thức, sự cao giò hay là mắt xếch. Và tôi trông đợi trận đánh, để tôi có thể chứng minh rằng mọi cái đó không hề cản trở gì cho tôi cả.
Trận đánh đầu tiên đến với tôi ngay khi tiểu đoàn rời rừng về đóng gần lộ số Hai. Đó là một trận đánh nhỏ, một trận phục kích bọn đi tuần đường, theo yêu cầu của du kích xã với lòng mong mỏi là sau trận đánh họ dược chia cho súng ống cướp được. Chỉ có đại đội chúng tôi bí mật hành quân đến địa điểm phục kích. Từng trung đội êm ái luồn ra sau vườn rồi băng đồng. Lần đầu tiên được dự một trận đánh hẳn hoi, tôi hết sức hồi hộp. Mặc dù hồi ở trạm giao liên, trên đường dây tôi đã nhiều lần đụng trận, nhưng hầu hết đều là những trận buộc phải đánh, phần lớn là do địch phục kích. Bây giờ thì khác hẳn, trận đánh do chúng tôi sắp đặt, bố trí. Bấy lâu tôi những ao ước mong đợi cái giờ phút ấy, thì bây giờ cái giờ phút ấy đã đến. Đâu đó như có một tiếng nói văng vẳng bên tai tôi: "Tới rồi đó Quyết, bây giờ tới trận đánh thiệt rồi đó Quyết. Mày đã lặn lội ba đồng bảy đỗi mấy năm nay để mà tìm kiếm, nay gặp rồi, mày phải cố làm sao coi cho được nghe chưa!". Đang bước trên cánh đồng lấp xấp nước để bám sát theo chú Chín Thắng, tôi như nhìn thấy trên đầu những ngọn đưng ngọn lát so le nhòa nhợt bóng tối phía trước mặt chợt hiện dần ra khuôn mặt má tôi. Nhưng không phải má tôi trong cảnh chết, mà trong cảnh ngày thường, lúc có thai ngồi may vá quần áo cho tôi. Tôi ngó thấy hoài, hễ cất bước tới đâu thì má theo cùng tôi tới đó, khi tỏ rõ khi mờ ảo, ở trên đầu cỏ đồng và đưng lát. Lâu sau, lúc bóng tối lẫn sương đêm nhòa xóa bụi bờ, tôi mới không thấy bóng má rõi theo nữa, nhưng bây giờ lại có một bóng khác, một khuôn mặt khác. Đó là Biếc, mắt cười rạng rỡ, nhìn tôi như cổ võ. Tóc Biếc bay bay, khuôn mặt Biếc ửng hồng ánh lửa...
Nhiệm vụ tôi trong trận này chỉ là nhiệm vụ vác đạn. Cái bồng đạn "ép" tôi mang trên lưng vẫn khua lách cách. Sợ những băng đạn gây thành tiếng động tôi quàng hai tay ra sau, xốc bợ cái bòng lên. Những băng đạn trung liên cộm trên lưng luôn bắt tôi nghĩ tới những cú miết cò xổ ra từng loạt đạn giòn dã mà mươi ngày qua tôi ch được chú Chín dạy cho chớ chưa được bắn thiệt. Lần nầy tuy tôi vác đạn, cũng như Cần đang đi trước, nhưng tôi rất hy vọng. Bởi vì hồi chiều tôi có mạnh dạn ngỏ ý với chú Chín là trận nầy tôi rất muốn bắn thử một loạt trung liên. Chú Chín không trả lời tôi, nhưng chú nhìn tôi nháy mắt một cái. Cái nháy mắt đó đã cho tôi hy vọng. Tôi sẽ bám sát theo chú và nhứt định không bỏ lỡ dịp.
Từ trong xóm đi ra lộ thì không xa, nhưng vì chỗ phục kích là quãng lộ khác, nên chúng tôi phải hành quân gần một tiếng đồng hồ mới nghe đằng trước truyền lệnh xuống là sắp tới lộ. Mặc dù vác đạn và lội ruộng nước sì sụp, tôi không biết mệt là gì cả. Hồi ở trạm giao liên, tôi đã được thử thách, nhiều đêm tôi lặn lội còn cực khổ gấp trăm lần. Chẳng những không biết mệt mà tôi còn thấy sung sức lạ, tưởng chừng nếu phải lội sáng đêm để tới điểm đánh tôi cũng dư sức. Có lẽ tại tôi sung sướng và toại nguyện quá chăng. Cái sự tôi hằng mong, nay đã tới, nên tôi quên cả mệt chăng.
Chúng tôi đã đến sát con lộ Hai. Tôi nhận ra được đường lộ là nhờ ánh đèn xe. Xe hơi chạy trên lộ nhiều lắm, cứ một lát lại nghe xe rù rù chạy tới. Đèn xe hắt xuống mặt đường nhựa láng bóng. Chúng tôi phục kích cách mặt đường chừng hai mươi thước. Chỗ nầy là một ruộng lúa khá trũng. Chú Chín Thắng tuốt một bông lúa nhá thử, lào thào:
- Hột lúa nầy không biết rồi sẽ về ai?
- Của bà con nào thì bà con đó gặt chớ về ai nữa!
- Ờ, lẽ ra thì như vậy đó. Nhưng tao nghe tụi lính bát hăm năm nay tụi nó sẽ gặt ráo... Thôi im, đừng nói chuyện. Nhớ không được hút thuốc, chú Chín dặn tôi, đầy khẩu trung liên tới, chĩa họng ra lộ. Sau đó chú nhóng lên quan sát, rồi lại thụp xuống kéo tôi và Cần nói nhỏ:
- Anh em mình yên chỗ hết rồi. Bây giờ còn sớm, tới sáng mình mới mần ăn. Hai thằng bây cứ ngủ, tao gác!
Tôi và Cần nghe lời chú, vẹt lúa lấy chỗ. Cần ngả lưng một chốc đã ngáy khe khẽ. Tôi thì còn ngửa mặt dòm trời, dòm sao. Trên nền trời xanh sẫm, lủ khủ những sao, nhờ vậy mà cánh đồng ràng rạng. Lan lan trong không khí mùi thơm có vị béo của lúa đang thì ngậm sữa. Khắp cánh đồng lúa ven đường vẫn yên ả, vẫn như chưa có ai đến. Chỉ có gió thổi xào xạc những nhánh lúa, và trên mặt đường cứ lát lát lại có tiếng động cơ xe rù rù vọng tới. Đêm ra trận đầu tiên ập vào tôi cái cảm giác mới mẻ, vừa náo nức hồi hộp vừa bâng khuâng rạo rực bắt nhớ nghĩ lại hết. Tôi biết đầu từ đêm hôm nay, đời tôi đã đi vào một chặng mới, chặng đường chiến đấu. Khác hẳn trước. Bây giờ trước mắt tôi, trên cánh đồng sương giăng chợt hiện ra những trái bần dĩa nằm lăn lóc, cạnh vũng máu mẹ chảy tuôn. Tôi nhìn thấy những bó đuốc rơm cháy rơi tàn xèo xèo trong đêm tối đưa cha mẹ ra gò mả. Rồi tiếng tru của con Phèn, tiếng khóc nức nở của chị Hòa tôi. Tất cả nhũng gì tôi gần gũi, tôi sống qua đều hiện đến. Cô Tám, thằng Cồ, chị em Biếc. Tôi thấy lại cả bộ mặt bệu của Biện Tư, lưỡi hái từ tay thằng Hoành quấu xuống mặt tôi. Rồi những trận xô xát với tụi con chủ sở, với vợ chồng thằng Bảy Vàng, những cuộc xô xát bây giờ mỗi lần nghĩ đến tôi thấy đều là tuồng con nít. Bởi vì từ đêm nay tôi sẽ ra trận, sẽ giáp mặt với những thằng giặc chánh hiệu. Anh Đấu nói phải, thời vận của chúng tôi đã tới rồi, tất cả mọi mối thù chúng tôi sẽ gom lại mà trả một lượt. Tôi hết sức vững lòng vì thấy cùng đi báo thù với tôi có đông đảo mọi người. Như chú Chín Thắng đang ngồi im bên cạnh khẩu trung liên, như Cần đang nằm ở cạnh tôi, và như tất cả đại đội đang náu mình trong ruộng lúa. Tôi sung sướng đưa mắt nhìn chú Chín.
Người lính già đó đang ngồi xếp bằng, đầu buộc khăn xước coi in một chú nông dân ngồi giữa ruộng lúa của mình. Trong khi ngồi đợi địch, chú nâng niu bông lúa giữa bàn tay chai rám, rò rẫm từng hột rồi đưa lên miệng cắn nhá cho bầu sữa lúa chảy ra thấm nơi đầu lưỡi mình cái vị ngọt mà mình đã quen gần trọn một đời.
Cần thì vẫn ngủ ngon. Cần nằm ngủ như một đứa trẻ. Thấy sương xuống mỗi lúc một nhiều, tôi lấy khăn nhè nhẹ đắp phủ lên ngực Cần. Tôi cúi sát hơn chút nữa, nhìn cho rõ mặt Cần, để cố hình dung ra khuôn mặt mẹ của Cần, người mẹ mà từ khi nghe chuyện, tôi hết sức cảm phục xót thương. Tôi thầm mong dịp nào đó, nhơn thể cứu lấy mẹ Cần đưa đi. Chúng tôi sẽ cõng bà mẹ đó về vùng giải phóng. Những bà mẹ như vậy, theo tôi, nhứt định không để phải đi ở đợ cho ai hết. Một người mẹ đã mù lòa vì bom đạn Mỹ, vậy mà nay còn phải đi ở đợ cho một thằng "cặp-rằng" hay trưởng ấp gì đó thì thiệt là quá lắm. Từ lúc nghe chuyện đó, tôi khó chịu hết sức, bụng dạ cứ bị cái chuyện đó làm cho bực bội không yên.
Tôi chợp ngủ được một giấc rồi thức dậy. Đêm vẫn chưa hết. Chú Chín Thắng vẫn ngồi gác. Tôi bò lại bên chú:
- Chú Chín đi ngủ đi, để cháu gác!
- Ừ, cháu gác hễ thấy có động hoặc có lịnh của đại đội thì kêu tao liền nghe. Chú ý coi chừng phía mặt đường. Chừng nào buồn ngủ kêu thằng Cần gác thay.
Chú Chín ngả người nằm cạnh tôi. Còn một mình tôi chăm chú quan sát mặt đường. Không có gì lạ. Gần về sáng, xe chạy càng nhiều. Tôi dần dần tỉnh ngủ hẳn.
Quanh tôi, những bông lúa oằn trĩu hơn hồi đầu hôm. Sương xuống ướt loang loáng lá lúa. Trước mặt tôi, nòng khẩu trung liên Bar cũng tắm ướt sương. Tôi kéo vạt áo chồm tới lau khô nòng súng, rồi rờ rẫm vuốt ve khẩu súng. Cái hy vọng ngày mai chính tay mình được xổ hàng loạt đạn vào đầu giặc lại khấp khởi, nhảy nhót trong tôi. Một lần nữa, tôi lại nhớm xách thử khẩu trung liên lên. Tôi thừa nhận nó có nặng hơn khẩu tiểu liên Tuyn, nhưng cũng không phải là quá nặng. Nói tóm lại tôi tự lượng sức mình có thể xử dụng, điều động nó một cách chắc tay.
Gần sáng. Cần thức dậy đổi gác cho tôi. Nhưng tôi cũng không ngủ nữa. Thế là hai đứa chúng tôi cùng ngồi gác bên nhau cho tới sáng.
Buổi sáng đến nơi rẻo đồng cặp đường lộ coi có vẻ rất thanh bình. Bông lúa bắt đầu động đậy, như cũng vừa tỉnh giấc. Tôi áng chừng cao lắm là quá mươi hôm nữa lúa ở đây đã có thể gặt được. Chú Chín Thắng giờ đã nhổm dậy dòm lúa. Đôi con mắt chú mở to, trìu mến ngắm nhìn đồng lứa ngả ngớn trải mình dưới tia nắng đầu tiên. Chú chắc lưỡi:
- Lúa tốt như vầy mà để cho tụi lính ăn thì uổng quá!
Chú Chín bảo chúng tôi lấy cơm vắt ra ăn. Chú nói trong mọi tình huống, muốn gì thì muốn, trước hết phải thử bụng cho chặt. Chúng tôi ngồi quây bên khẩu trung liên, bẻ cơm vắt ra ăn với khô cá lù đù xào mỡ. Những con khô cá lù đù nhỏ xíu mặn chát ấy là thức ăn của chúng tôi đem từ rừng về xóm. Mặc dù biết rằbg về với xóm làng thế nào cũng có món ăn tươi, nhưng chúng tôi vẫn giữ lấy thứ khô nghèo đó. ở trên rừng, nhờ có nó và mắm ruốc, cộng thêm các thứ đọt như đọt bứa, đọt kim cang mà đơn vị đã sống, đã học tập, luyện quân từ tháng này sang tháng khác. Chú Chín bốc khô cá lù đù ăn, cười nói:
- Bây giờ minh ăn đỡ cái thằng bồ bịch nầy một bữa nữa đi. Lát nữa hốt giặc rồi về xóm ăn tiệc. Heo thì tao không dám chắc, chớ vịt thì kể như có. Nè, hai thằng bây có ăn tiết canh vịt chưa? Cha, cha, thứ đó hồi ở nhà, nào nói ngay tao mần thường. Tốn ba xị đế dữ lắm!
Cẩn thành thật thổ lộ:
- Hômày cháu thèm đủ thứ. Bộ bữa nay mình đi đánh về thì có "ưu điểm" thiệt hả chú?
- Thiệt chớ, tao không có nói khơi khơi đâu. Không biết chừng bây giờ ở trong xóm bà con người ta đã động dao động thớt rồi cũng nên. Nhưng bữa nay phải đánh cho ngon lành mới được. Đánh có ngon thì nhập tiệc mới ngon.
Chú Chín mới vừa nói dứt câu, bỗng có tiếng súng nổ lóc bóc ở phía dưới lộ. Chú vội gói cục cơm thừa còn lại. Súng lại nổ ran. Chú Chín bảo:
- Du kích xã chọc ổ nó rồi!
Chú Chín thít chặt chiếc khăn buộc trên đầu. Tôi và Cần cũng mau lẹ chụp lấy bồng đạn. Một chốc sau, liên lạc đại đội tới báo tin du kích xã đã bắt đầu dụ địch ở trong bót ra. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đợi khi nào bọn địch rượt du kích chạy tới đây, lọt vô vòng phục kích thì chúng tôi sẽ chặn đầu và khóa đuôi chúng lại.
Tổ trung liên chúng tôi lãnh nhiệm vụ khóa đuôi. Cậu liên lạc của đại đội trước khi lủi vào bụi lúa, còn quay lại nói: - Anh Ba Đấu dặn tốp chạy đầu là anh em du kích, phải chú ý kẻo bắn lầm!
- Biết rồi, nhắn anh Ba Đấu yên tâm. Chú Chín mầy bắn thằng nào thì nhứt định thằng đó là giặc, không có lầm đâu!
Chú dặn tôi và Cần:
- Sửa soạn cặp giò cho ngon nghe, hễ tao tới đâu là hai thằng bây phải tới đó. Lên lộ cho lẹ, mình mà chậm chân là tụi nó chạy vuột ráo đó!
Bây giờ tiếng súng dưới lộ vọng tới mỗi lúc một gần. Cùng với tiếng súng bóc chát nổ lẻ tẻ, nghe rộ lên từng hồi trung liên, rồi liền đó có cả tiếng đại liên nổ rền. Tin báo chuyền cho biết giặc chừng một đại đội thuộc tiểu đoàn biệt động đang rượt du kích. Lát sau, tin cho hay giặc lên gần tới, chỉ còn cách trận địa phục kích của ta ba trăm thước. Chú Chín Thắng mở khóa an toàn của khẩu trung liên đánh "cách" một cái:
- Cầu trời cho tụi mày rượt tới đừng thụt lại, tao cúng con heo!
Tôi quỳ một gối chân, nhóng lên theo dõi trên mặt lộ. Vẫn chưa thấy gì cả, nhưng đã nghe đạn bay veo véo.
Thế rồi chợt tôi ngó thấy có bóng người lúp xúp chạy lên. Tôi khẽ kêu:
- Chú Chín, du kích về tới!
Sau đó độ mười phút tôi nhận ra bọn giặc, mặc toàn đồ rằn ri. Chúng ào ào đuổi theo tiểu đội du kích, vừa chạy vừa bắn. Mấy tên xạ thủ trung liên và đại liên trí súng ngay trên mặt đường, bắn như vãi đạn, rồi xách súng chạy tới. Rõ ràng chúng quyết lòng muốn ăn tươi nuốt sống cái tiểu đội du kích đang chạy đằng trước và không hề chú ý gì tới hai bên mé lộ.
Thấy bọn giặc đã lọt vào vòng gần hết, chú Chín bồng khẩu trung liên lên, đưa mắt nháy tôi và Cần. Tên giặc cuối cùng vừa qua khỏi, chú Chín đã ôm trung liên trườn riết tới. Tôi và Càn bò theo. Trung liên của ta phía trên lộ đã bắt đầu bắn chặn đầu. Chú Chín liền vọt lên. Tôi phóng dậy, thấy trên ruộng lúa cả đại đội chạy túa lên lộ. Bọn địch bị khép lại bằng hỏa lực súng trường, súng máy. Khắp nơi vang lên tiếng "xung phong". Tôi sướng như mở cờ trong bụng, bám sát theo chú Chín bấy giờ đã nhảy lên mặt đường nhựa. Chú nằm xuống mặt đường quét hàng tràng trung liên dọc theo đường. Nằm bên chú, tôi thấy bọn giặc trúng đạn nhẩy dựng. Cứ mỗi một loạt chú Chín bắn, có tới năm bảy thằng tung lên hoặc ưỡn người trong tư thế đang chạy. Mỗi lần cò súng mổ cái "cạch" báo hết đạn thì Cần lẹ làng tháo băng đạn vừa bắn hết đó ra và đâm ngay băng đạn mới. Trong vòng năm phút, đại đội biệt động rằn ri giặc bị bắn thưa đi, ngã nằm rải rác trên lộ. Nhưng dù vòng vây khép có chặt, chúng cũng xé ra. Chừng trên một chục tên nhảy dạt qua mé ruộng bên kia. Mé ruộng nầy có một con kênh nằm sát đường. Bọn giặc không dám nhảy lội qua kênh, cứ cặp theo giữa mé đường với mé kinh mà chạy. Trong số mười mấy tên chạy tháo ngược lại, có hai tên bị chú Chín bắn quỵ, còn bao nhiêu chúng liều chết vọt qua.
Khỏi chỗ chúng tôi rồi từ mé ruộng chúng phóng lên lộ chạy như bay. Tôi thấy cơ hội tốt đã đến, liền ôm choàng lấy khâu trung liên từ tay chú Chín:
- Để cháu!
Rồi không đợi chú Chín trả lời, tôi nhẹ nhàng ôm bợ khẩu trung liên, tốc rượt theo đám giặc chạy. Chú Chín và Cần cũng chạy theo, nhưng khó mà theo kịp tôi vì khi đó tôi chạy nhanh lắm. Sức nặng của khẩu trung liên không hề cản trở bước chân tôi. Cự ly giữa tôi và chú Chín xa dần, nhưng cự ly giữa tôi với bọn giặc thì rút ngắn lại trông thấy. Chúng chỉ còn cách tôi non trăm thước. Vậy nhưng tôi vẫn chưa bắn, vẫn cứ. Khoảng cách chỉ còn chừng bảy tám mươi thước.
Bọn giặc hoảng quá, vừa chạy vừa ngoái cổ lại nhìn. Tôi thét lớn:
- Ê, đứng lại dơ tay lên, không tao bắn chết hết!
Sau tiếng thét của tôi, vẫn chưa thấy thằng nào đứng lại. Có một tên còn day họng súng ga-răng ngược ra sau, vừa chạy vừa bóp cò "bầm bầm". Đạn bay véo bên hông tôi. Giận quá, tôi đứng hẳn lên xốc khẩu trung liên đưa lên nhắm bắn luôn một loạt. Mấy thấy giặc đang chạy chợt ưỡn người rồi ngã chúi xuống. Tôi đứng bắn hoài, đến lúc trên mặt đường chỉ còn có hai tên. Hai tên còn lại chạy rất buồn cười, chân cẳng xiêu vẹo hết cả.
Tôi bắn té luôn hai tên đó, rồi đi tới. Dọc lộ, mười một tên đã chết tốt, còn sót một tên đang oằn oại kêu rên trên vũng máu. Đó chính là tên ban nãy vừa chạy vừa bắn ngược lại. Khẩu ga-răng nó cặp ở nách hãy còn day họng ra sau. Tôi bước đến sát bên nó, thì thấy nó giương cặp mắt đã thất lạc nhìn lên. Tôi nói:
- Sao không giỏi bắn cú hồi mã thương nữa đi mầy?
Nhưng thằng giặc nầy đâu còn nghe tôi nói. Nó đã chết liền lúc đó.
Tôi khoác khẩu trung liên lên vai, đi lôi chân từng tên ngụy chất thành một đống chắn ngang đường. Tôi đứng giữa đường ngó nhìn cái hàng rào thịt đó bụng nghĩ: "Cho quân xa tụi bây lát nữa chạy lên ngó thấy tởn hồn chơi!". Trong lúc chờ chú Chín và Cần chạy tới, tôi gom tất cả súng đạn, bi-đông của giặc chất vào một chỗ bên lề đường. Ngoài ra, tôi còn tháo lấy hai đôi dày da cao cổ, với ý định: "Mình đem về tặng bác Tư chủ nhà mình đóng quân để ổng đi đốn tre gai mang vô khỏi sợ gai đâm!".