Đoán Án Kỳ Quan

Chương 6 (A)

Đọc trong sách xưa, thấy anh em gắn bó khắng khít như chân với tay. Cái quý nhất trên đời là tình đồng bào, song không thể so sánh với tình anh em ruột thịt. Đừng có cướp đoạt của cải ruộng vườn của người khác. Tất cả những cái đó đều là của phi nghĩa. Hiểu được điều đó thì thật là có ích.

Đáng cười thay, thế thái nhân tình điên đảo. Tình vợ chồng thì hòa hợp, nhưng tình anh em thì ngày càng mai một. Họ không nghĩ đến tình anh em, mà lại nghe những lời nói bên chăn gối. Thiên tính ngày càng mất đi, lửa tham ngày càng bùng cháy, luôn xảy ra tranh chấp. Đâu được ngưu hoàng(1) mà giết bừa trâu ăn thịt. "

(1) Ngưu hoàng: một chất trong trâu ốm tiết ra, ngưng kết thành hạt, hoặc thành từng miếng. Đây là một vị thuốc Đông y rất quý.

 

Đây là bài từ theo điệu "Niệm nô kiều”. Nó khuyên anh em nên sống hòa thuận với nhau. Anh em ruột thịt, lúc hợp lúc tan. Anh em ruột thịt, như chân với tay. Cùng một cơ thể sinh ra, nếu như mất một cánh tay thì chân đi tập tễnh. Các bạn thân mến, không nên cho rằng đây là những điều tôi bịa ra cho có vẻ li kì. Rằng, thiên hạ làm gì có người ngu si, chặt tay mình cho người khác xem, rằng, điều ấy không có đối chứng. Song, lời tôi nói tuy có hơi kì lạ, nhưng cũng không hẳn là sai. Nếu không tin các bạn thử bắt chéo tay lại, chạy thật nhanh khoảng một trăm bước, liệu có được không? Bạn sẽ thấy lời tôi nói là đúng sự thực. Những người bại liệt không có chân, phải dùng hai tay bò, mà cũng không bò được xa. Bởi thế anh em phải hòa thuận. Không phải chỉ anh em cùng cha mẹ sinh ra mới hòa thuận, mà ngay cả anh em cùng cha khác mẹ cũng không vì thế sinh ra hiềm khích. Tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện, anh em cùng cha khác mẹ luôn gây gổ hiềm khích nhau, nhưng may lại có một người như Mẫn Tử Khiên, đã dẹp được những mối hiềm khích.

Thời Chính Đức triều Minh, tại huyện Lô Lăng, phủ Cát An, Giang Tây, có một người họ Bình tên là Bình Trường Phát, gia sản của ông ta tới hàng trăm vạn. Viễn thị vợ Bình Trường Phát sinh được một con trai, tên là Bình Thành. Một hôm vì công việc. Bình Trường Phát phải đi xa. Biết được đây là nhà giàu có, chủ nhà lại đi vắng, đêm ấy, hàng trăm tên cướp đã xông thẳng vào nhà cướp bóc. Nhà họ Bình chỉ có mấy chục người, không sao chống đỡ nổi, bị chúng đuổi bắt, rồi vơ vét hết của cải. Viễn thị là người có nhan sắc cũng bị chúng bắt đi. Bình Thành thấy mẹ bị mấy tên cướp lôi ra khỏi cửa, chạy tới níu áo mẹ khóc thảm thiết. Một tên rút dao định chém Bình Thành. Viễn thị vội quỳ xuống cầu xin:

- Tôi chỉ có một đứa con này, xin các ông tha cho nó, tôi nguyện sẽ đi theo các ông!

Tên cướp buông tay. Thấy Bình Thành cứ nức nở khóc, Vưu thị thương con không muốn xa, đành bế nó đi theo.

Hôm sau Bình Trường Phát cùng mấy người trở về, biết được tất cả mọi chuyện xảy ra đều do bọn cướp trên núi, báo quan cũng chẳng làm gì được chúng. Gia tư nhà họ Bình có tới hàng trăm vạn, một nửa là ruộng, vườn, ao hồ; bốn phần nữa là cửa hàng buôn bán rải rác ở một số nơi. Bọn cướp chỉ lấy đi một phần mười gia tài, nên Bình Trường Phát vẫn còn giàu có. Người vợ trước bị cướp mất, Bình Trường Phát lấy vợ khác là Cam thị. Sống với nhau đã được bốn năm năm mà Cam thị không có con, Bình Trường Phát rất buồn và muốn có đứa con trai để nối dõi. Thấy nhà họ Trương có người con gái xinh đẹp, Bình Trường Phát bỏ tiền cưới cô về làm thiếp. Song đúng vào lúc lấy vợ lẽ thì Cam thị lại có mang, sinh được đứa con trai. Người ta nói đùa với bà rằng, bà lo lắng quá mới đẻ được con.

Bình Trường Phát đặt tên con là Bình Y. Năm sau Trương thị sinh con trai, đặt tên là Bình Bạch. Sau, Cam thị lại sinh được hai con trai, đặt tên là Bình Thân và Bình Phẫu. Trương thị cũng sinh thêm được hai người, nhưng đều ít tuổi hơn Bình Phẫu, đó là Bình Duật, và Bình Lâu. Lúc nhỏ, sáu đứa con vẫn chơi với nhau bình thường, đến khi lớn lên, Bình Y trở thành kẻ vô lễ. Y oán hận cha vì đã lấy vợ lẽ, không bằng lòng chia gia tài làm ba. Bình Y cho Bình Bạch, Bình Duật, Bình Lâu là loại hèn hạ, không nhận là anh em, hắn lại còn liên kết với Bình Thân và Bình Phẫu thành một phe, ra mặt coi khinh ba người kia. Bình Bạch con của Trương thị là người hiếu thuận, không suy bì tính toán thiệt hơn. Bình Duật và Bình Lâu thấy bị coi khinh rất bất bình, đã mấy lần bàn với Bình Bạch báo thù, song Bình Bạch ngăn trở. Thấy các con bất hòa, nhân lúc còn sống Bình Trường Phát chia gia tài, mấy năm sau Bình Trường Phát chết. Khi cha chết, Bình Y càng ra mặt coi khinh ba người em do mẹ kế sinh ra. Bình Bạch biết hai em mình rất căm tức Bình Y, nên nhiều lần đã dùng lời hơn lẽ thiệt khuyên nhủ, can ngăn Bình Duật, Bình Lâu không được gây ra tai họa. Hai người em thấy anh hết lòng dạy bảo đành nén giận, không dám trái lời. Bọn Bình Y thì vẫn khinh ghét họ như trước.

Bình Y có một người con gái, gả cho con trai Chu Hiếu Tư, người cùng huyện. Do mắc bệnh hiểm nghèo con gái Bình Y chết. Gia đình Chu Hiếu Tư cho người đến nhà họ Bình báo, được tin Bình Y vô cùng oán hận, cho rằng gia đình thông gia họ Chu không thương yêu con gái mình, để đến nỗi mắc bệnh chết. Bình Y hằm hằm tức giận bảo Bình Bạch cùng với anh em họ đến gây gổ. Bình Bạch ngăn lại nói:

- Anh ạ, chúng ta không nên làm thế, người xưa thường nói "chết có số", số cháu năm nay chết, nếu còn ở nhà, chưa đi lấy chồng thì nó cũng chết. Hơn nữa, quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay chẳng có điều tiếng gì. Nay cháu chết, bên ấy họ cũng đau xót chứ, sao anh lại đến đó gây sự, làm như thế là không nên. Anh đừng đến đó nữa.

Bình Y thấy Bình Bạch không nghe theo, bực tức nói:

- Con gái anh, nó còn trẻ khỏe như thế, lẽ nào vừa mắc bệnh đã chết. Con gái chú, năm ngoái ốm, năm nay cũng ốm, sao không chết? Chú không muốn đi với chúng tôi thì thôi, chú đừng tin vào số mệnh nữa. Tôi thật không sao hiểu được.

- Anh đừng nghĩ, do anh em xích mích nên tôi không đi.

- Bình Bạch nói. - Quả thực việc này không thể làm được, anh hãy suy nghĩ kĩ những lời em nói. Không đi mới thục sự là tình cảm anh em.

Bình Y không thèm trả lời, giận dữ bỏ đi. Bình Bạch khuyên nhủ nhiều lần, nhưng Bình Y vẫn không từ bỏ ý định. Bình Bạch biết dù có khuyên can nữa thì cũng vô ích, nên chỉ buồn rầu than thở.

Bình Y hẹn với Bình Thân, Bình Phẫu tập hợp một số tên vô lại trong họ, cùng một số trai tráng khác, tất cả hơn mười người, sồng sộc kéo nhau đến nhà họ Chu. Chu Hiếu Tư đang tiễn khách ngoài cửa, nhìn thấy bọn họ định ra tiếp đón, song lại thấy người đến rất đông, người nào người nấy mặt cứ hằm hằm. Chu Hiếu Tư bèn chạy vào trong nhà theo dõi, vào tới cửa bọn Bình Y đã quát thét chửi bới. Mấy người thân thấy ầm ĩ chạy vào khuyên can, song bọn người này bất chấp, tất cả xông thẳng vào nhà tìm bà thông gia. Thấy họ xông vào, bà thông gia chạy xuống bếp ẩn nấp, rồi bà nghe thấy tiếng quát: "Nó không ở đây, Phải ra đằng sau tìm ngay!". Bà thông gia vội chui vào bếp, song chỉ chui được nửa người, may mà có bó rạ che đi. Trong lúc vội vàng chúng không nhìn thấy, chúng bèn bắt đứa ở ra tra khảo, đứa ở không chịu nói, Bình Thân vớ ngay chiếc búa bổ củi dựa ở chân cột định giết. Sợ quá đứa ở buộc phải nói:

- Vừa thấy bà chủ xuống bếp, chắc rằng ở đằng sau.

Chúng chạy ùa cả xuống bếp lục soát, thấy hai chân bà thòi ra ngoài cửa bếp, bèn lôi ra, lột hết quần áo. Trên gác bếp sẵn có củi cành, mỗi đứa rút một thanh đánh bà túi bụi. Khi thấy khắp người bà sưng húp, thâm tím chúng mới dừng tay. Bình Y lấy một chiếc khóa dây tròng vào cổ, lôi đến khóa vào chân người chết. Bọn chúng lại xúm vào chửi bới hết sức độc địa, sau lại ra hố xí lấy cứt nhét vào mồm bắt bà ăn. Mấy tên vô lại đang hành hung bà thông gia thì thấy có tiếng quát bên ngoài, một số người ập vào. Bọn chúng tưởng đó là tốp người nhà họ Chu tới đánh, định chống lại, nhung đấy lại là người của quan trên cử đến, do Chu Hiếu Tư dẫn về. Người dẫn đầu tay cầm lệnh bắt, nói:

- Quan trên có lệnh bắt các người.

Bọn người ấy sững ra đứng im để những người thi hành công vụ lấy khóa, khóa tất cả lại, rồi cởi chiếc khóa ở cổ bà thông gia khóa Bình Y, giải đi.

Hùng hổ ra oai đánh đập người

Cùm chân tất cả thật đáng đời.

Vốn là, Chu Hiếu Tư đứng sau cửa, nhìn thấy bọn người ấy hùng hổ ập vào nhà, ba người con trai lại chưa về, một mình địch sao nổi chúng, bèn vội vã thoát ra ngoài, hộc tốc tới huyện báo quan. Đúng lúc quan huyện đang ở công đường, tức khắc ra lệnh bắt, bởi thế mới nhanh như vậy. Ngay lúc ấy, công sai giải bọn Bình Y tới, Chu Hiếu Tư quỳ trước công đường vừa khóc vừa tố cáo việc hành hung của bọn người vô lại.

Quan huyện nghe thấy vô cùng tức giận, cho lính hầu đánh mỗi tên bốn mươi gậy, sau đó hỏi tội. Bọn lính lệ kéo Bình Y ngã sấp, đánh túi bụi. Quan huyện lúc ấy đang xử bọn Bình Y thì có hai viên thừa sai của quan phủ vào, nói có việc khẩn cấp mời quan huyện đi ngay, thật là may cho bọn Bình Y. Biết quan phủ có việc khẩn cấp, nên quan huyện không dám coi thường, dặn mọi người giam bọn Bình Y lại, lập tức lên kiệu tới phủ đường. Chu Hiếu Tư cùng mọi người ra về.

Thấy anh không nghe lời, Bình Bạch rất lo lắng, ông sai người tới nhà họ Chu nghe ngóng. Lát sau trở về nói với Bình Bạch rằng, họ đã đến nhà họ Chu hành hung, bị công sai bắt giải lên huyện rồi. Bình Bạch nghĩ: "Nguy rồi, ta biết quan huyện là người rất cứng rắn và quyết đoán. Chuyện này làm sao mà ông ấy xử lí nhẹ được". Rồi Bình Bạch bảo: "Lấy ra đây cho ta bộ quần áo!" Vốn là, trong sáu anh em, thì Bình Bạch là người có học hành, có danh vọng, đã đỗ tú tài. Người dân trong vùng có việc gì khó khăn ở huyện đường đến nhờ, anh đều giúp đỡ. Bình Bạch mặc áo mầu lam, gọi người cùng lên huyện, song quan huyện lên phủ chưa về. Bình Bạch bèn bỏ một tờ giấy vào chiếc hòm đựng đơn từ tại cửa huyện đường, rồi ra chờ ở phòng tiếp khách. Lát sau thì quan huyện về, nhận được giấy của Bình Bạch, ông cho gọi ngay Bình Bạch. Bình Bạch là người đức độ và ngay thẳng, quan huyện rất nể phục. Gặp nhau họ chào mấy câu xã giao, hỏi han chuyện trò, tới khi trời gần tối, quan huyện mời Bình Bạch ở lại dùng cơm. Vì có  việc muốn nói, nên Bình Bạch không từ chối, nhân lúc uống rượu. Bình Bạch nói tới chuyện vừa xảy ra, xin ông cho qua việc này. Quan huyện nói:

- Vì việc ấy mà anh đã đến đây, lẽ ra tôi phải giúp anh, nhưng đây là hành động phi pháp, giải quyết vụ này rất khó. Anh bảo tôi nên xử thế nào?

Bình Bạch chau mày nói:

- Phép công là thế, là cha mẹ của dân, mà xử phạt theo tình riêng làm trái pháp luật quả là khó. Số tôi thật long đong vất vả!

Rồi ông kể hết cho quan huyện nghe nỗi khổ của mình, đã khuyên giải các anh nhưng họ không nghe, ông nói:

- Nay thấy họ chịu tội, lòng tôi đau như cắt.

Nói xong, nước mắt ông ứa ra, nhỏ xuống chén rượu. Quan huyện thấy thế thương tình nói:

- Tình yêu thương của anh như thế, lẽ nào tôi lại không thương. Anh đừng đau buồn nữa. Song phải làm thế nào khuyên nhà họ Chu nguôi giận, thì việc này mới giải quyết được.

Bình Bạch vội cảm ơn, nói:

- Tôi vô cùng biết ơn lòng tốt của quan, tôi sẽ sang bên ấy nhận tội.

Từ biệt quan huyện ra về, canh hai Bình Bạch tới nhà họ Chu gõ cửa. Chu Hiếu Tư vẫn còn thức, ba đứa con cũng đã về biết chuyện xảy ra, họ nghiến răng căm giận. Thấy tiếng Bình Bạch bên ngoài, họ chạy ùa ra định trút cơn thịnh nộ, song. Chu Hiếu Tư ngăn lại, nói:

- Các con không được lỗ mãng, anh em nhà ấy chỉ có ông là người đạo đức. Việc xảy ra hôm nay nhất định ông ấy không liên quan. Các con hãy ở lại, để mình ta ra gặp là được rồi.

Chu Hiếu Tư trở ra, Bình Bạch vội quỳ xuống nói:

- Tội em đáng chết.

Chu Hiếu Tư vội quỳ xuống đỡ ông dậy, nói:

- Anh có gì cần dạy bảo, xin mời anh vào nhà, ta nói chuyện. Nếu anh thế này, em cũng phải quỳ, như thế sao tiện.

Lúc ấy Bình Bạch mới đứng dậy. Chu Hiếu Tư mời vào trong nhà. Bình Bạch nghẹn ngào không nói thành lời, nước mắt rơi lã chã, lúc lâu mới nói:

- Số em thật không may, gặp phải những người anh ngỗ ngược. Hôm nay họ đã xúc phạm đến gia đình anh, thấy thế em như ngồi trên đống lửa. Nay đã bị bắt, đúng là gieo gió gặt bão, song em là anh em của họ, sao có thể đang tâm thấy họ bị tra khảo đánh đập? Bởi thế đêm nay em đến đây, cầu mong anh ra ơn cho đứa em này.

Chu Hiếu Tư thấy Bình Bạch xin tha cho Bình Y, ông rất không muốn, nhưng vì Bình Bạch là người quân tử, trung hậu, không thể xem thường, chỉ nói:

- Việc ấy đã đưa lên cửa quan, bàn với em cũng vô ích thôi. Em nghĩ rằng, quan huyện quyết không che chở cho riêng em, xin anh cứ yên tâm.

Bình Bạch thấy ông ta vẫn chưa nguôi giận, chỉ biết kêu thương, van nài. Song Chu Hiếu Tư chỉ nói:

- Thôi thì cứ theo phủ quan phân xử, còn nếu bảo em rút đơn thì em thấy không được.

Bình Bạch thấy Chu Hiếu Tư vẫn không tha thứ, lại khóc lóc van xin.

- Không giấu gì anh, quả thực, vừa rồi em đã lên huyện xin, quan cũng chịu xử lí nhẹ, nhưng còn chờ anh mở rộng đường sống, thì việc này mới xong.

Chu Hiếu Tư nghe thấy quan huyện định tha, song lại nghĩ:

"Quan đã hứa với người ta, thì ngày mai phải đánh tho bọn độc ác ấy mấy gậy, cũng coi là xử lí công tâm, thì tội gì mà mình không thể tất nhân tình với anh ta". Thế rồi Chu Hiếu Tư nói:

- Em chỉ sợ quan huyện nói là hôm nay kiện, ngày mai lại thôi, quở trách em là đồ phản phúc, bởi thế em do dự. Quan huyện đã bằng lòng tha, hơn nữa anh đêm hôm cất công tới đây thì sao em lại tiếc một tờ giấy xin thôi kiện, ngày mai em sẽ cùng anh đi đệ đơn.

Bình Bạch nghe xong rất mừng, quỳ xuống tạ ơn. Chu Hiếu Tư đỡ dậy, rồi tiễn Bình Bạch ra khỏi cửa. Về tới nhà đã là canh tư.

Hôm sau Bình Bạch cùng Chu Hiếu Tư lên huyện đệ đơn xin thôi kiện. Quan huyện gọi bọn Bình Y ra, quát:

- Bọn ngươi mặc sức làm càn, không kiêng nể ai. Bản huyện định xử tử các ngươi, nhưng vì anh các ngươi đến cầu xin, nên đã nguôi giận đôi chút, bởi thế ta tha cho các ngươi. Lần sau còn hành hung như thế, ta quyết không tha thứ.

Bọn người ấy cúi đầu cảm tạ, quan huyện lại bảo phải cúi đầu nhận tội trước mặt Chu Hiếu Tư ngay tại công đường, chúng không dám trái lời. Thật là:

Cá mắc lưỡi câu may thoát chết

Vẫy đuôi cút thẳng chẳng ngoái đầu.

Bình Y về nhà không những không cảm ơn người em đã can mình, ngược lại vẫn hận thù Bình Bạch đã không cùng mình đi gây sự. Bình Bạch cũng chẳng thèm để ý đến.

Mấy hôm sau, mẹ Bình Bạch mắc bệnh chết. Lẽ ra bọn Bình Y phải để tang một năm, song bọn họ không tuân theo luật lệ. Trong ngày tang lễ đầu tiên, người chết chưa nhập quan. Bình Y và hai đứa em cùng mẹ đã ngồi ở hiên nhà bên chơi trò đố rượu, hò reo cho tới sáng, bọn chúng không hề bén mảng tới trước linh sàng. Bình Duật, Bình Lâu uất ức không chịu nổi, đòi cùng với Bình Bạch kéo nhau đến mắng chửi. Bình Bạch nói:

- Đây là bản thân chúng vô đạo đức, chẳng hại gì đến chúng ta, dù có đến tìm chúng thì chúng cũng chẳng thèm để ý mà ngược lại còn bị chúng đánh chửi.

Hai người em đành thôi. Mấy hôm sau, anh em Bình Bạch đưa quan tài Trương phu nhân đi chôn cất. Khi ấy, Cam phu nhân đã mất từ lâu, an táng cùng với Bình Trường Phát. Bình Bạch muốn an táng mẹ bên cạnh cha, nhưng Bình Y, Bình Thân và Bình Phẫu ngăn lại không cho chôn, chúng nói:

- Mảnh đất này của con gái nhà họ Điền, cách đây hai năm chúng tôi mua về để đó, sao người chết lại đưa đến đấy chôn.

Bình Duật, Bình Lâu thấy vô lí, muốn xông tới đánh. Bình Bạch ngăn lại, rồi tìm một mảnh đất khác chôn mẹ.

Hai tháng sau, vợ Bình Y mắc bệnh chết, Bình Bạch gọi hai em cùng đến cúng lễ. Bình Duật nói:

- Họ chẳng coi mẹ mình ra gì, thì chúng ta cũng chẳng chị em gì nữa! Lần này chúng ta cũng không đi.

Bình Bạch khuyên nhủ mãi, nhưng hai người chỉ cười khẩy bỏ đi. Bình Bạch đành phải đi một mình tới lễ bái, khóc lóc. Song anh thấy Bình Duật và Bình Lâu, người thì thổi sáo, người thì hát hò vui đùa ở gian nhà bên cạnh.

Bình Y thấy thế giận dữ nói:

- Ở bên này có tang, thế mà hai đứa ở gian bên kia vẫn hát xướng, thật là vô đạo đức!

Thế rồi Bình Y sai Bình Thân và Bình Phẫu tới đánh. Bình Bạch cũng mang gậy chạy tới. Vừa đi vừa quát mắng ầm ĩ, chỉ sợ hai người em bị đánh đập, nên cố ý đánh động cho hai người kia chạy trốn. Bình Duật nghe thấy tiếng quát thét bỏ chạy, còn Bình Lâu, vì mấy hôm trước đi ủng, chân bị toạc da nên chạy chậm. Bình Bạch tới nơi, dùng gậy quật vào người nói:

- Sao mày không tới linh sàng cúng, mà còn ở đây hát xướng?

Bình Lâu chưa kịp trả lời thì bọn Bình Y tới, đứa cầm then cửa, đứa cầm gậy đánh túi bụi, bất kể vào đâu. Thấy bọn chúng đánh Bình Lâu quằn quại, không đứng dậy được, Bình Bạch bèn ngáng người ngăn chúng lại. Thấy thế Bình Y quát:

- Sao không để chúng tao đánh cho thằng súc sinh này một trận?

- Nó tuy không tốt, - Bình Bạch nói, - song đánh như thế đủ rồi, xin các anh tha cho nó! Nếu như các anh còn muốn đánh nó, thì em xin chịu thay, chứ không nỡ thấy nó bị đánh.

Thấy vậy bọn Bình Y quay lại đánh túi bụi vào người Bình Bạch, đến nỗi mình mẩy thâm tím, sưng húp, đầu vỡ toác, máu túa ra đầm đìa, lúc ấy chúng mới chịu dừng tay.

Bình Duật trở về thấy hai người bị đánh. Bình Lâu trọng thương, không ăn uống được, Bình Bạch tuy đau đớn nhưng vẫn chống gậy đến Bình Y xin nhận tội. Không chịu nổi, Bình Duật giấu Bình Bạch tự viết đơn trình lên huyện, tố cáo Bình Y không tang mẹ kế. Quan huyện cho công sai về bắt, thấy đó là bọn người đến gây gổ ở nhà họ Chu trước đây, quan huyện rất căm giận, định xử trọng tội. Nhưng vì kính nể Bình Bạch, lại không biết ý ông, nên quan huyện cho mời Bình Bạch tới.

Bình Bạch muốn đi, nhưng khắp người đau đớn, mặt mũi thâm tím, không muốn gặp, chỉ viết một lá đơn bẩm lên, xin quan không xử phạt, rồi nhờ công sai trình giúp lên quan. Công sai hỏi vì sao Bình Bạch lại muốn như thế, Bình Bạch không chịu nói. Bình Duật đứng bên cạnh kể hết đầu đuôi, công sai nghe xong rất bất bình. Trở về, công sai dâng tờ trình lên quan. Quan huyện xem, gật đầu nói:

- Ta ngờ anh ấy không muốn xử tội, nên mới sai các người về hỏi Bình Bạch, quả nhiên đúng như thế!

- Sao anh ấy không đến, mà chỉ giao tờ trình cho các anh mang về. - Quan huyện hỏi công sai.

Công sai bèn thưa lại hết những lời Bình Duật nói. Nghe xong quan huyện đùng đùng nổi giận, lập tức sai người bắt bọn Bình Y ra công đường, quát hỏi:

- Bọn ngươi còn táng tận lương tâm hơn cả cầm thú. Ta chưa hỏi các ngươi về tội không để tang mẹ kế. Bình Bạch là người đã cứu sống các ngươi, vậy mà các ngươi lại đánh anh tàn nhẫn như thế. Hãy đánh chết nó đi.

Nói xong ông rút hết cả ống roi vất xuống đất. Sai nha cũng thấy rất bất bình, chỉ mong sao kết liễu đời chúng cho hả giận, rồi họ hùng hổ, lăn xả lôi bọn chúng ngã sấp ngã dụi. Nhưng quan huyện lại nghĩ: "Xử tử chúng sẽ làm cho người đời vui lòng, song lại làm cho Bình Bạch đau lòng. Đó chẳng phải là lẽ kính trọng người hiền", rồi cho dừng lại không đánh nữa. Quan huyện hỏi Bình Y:

- Các ngươi trở về có còn dám coi thường anh ấy nữa không?

- Bẩm quan không dám ạ. - Bình Y nói.

Quan huyện lấy trong tay áo ra tờ giấy bẩm trình của Bình Bạch cho chúng xem, nói:

- Có người kiện các người không tang mẹ kế, lẽ ra bản huyện xử tử các ngươi. Bình Bạch không hận thù các ngươi về chuyện ấy, mà lại còn xin bản huyện tha cho các ngươi. Đã hai lần ta tha chết cho các ngươi, đều là do nể Bình Bạch, các ngươi phải hiểu thế mới được.

Ba tên cúi đầu cám ơn quan huyện. Quan huyện lại mắng chửi chúng hết sức thậm tệ, rồi mới tha về.