- Việc này đúng là do Điêu Tinh gây nên. Ngày mai phải cáo giác Điêu Tinh, thì lúc đó sẽ biết rõ mọi chuyện.
- Sao ông lại biết chắc chắn là do Điêu Tinh? - Chu Ân nói.
- Vớt thi thể từ dưới nước lên, - Lạc Công Tế nói, - trong lúc vội vã như thế, vì sao anh ta lại biết được chết là do thắt cổ, mà trong khi đó mọi người đều không biết. Căn cứ vào chi tiết ấy biết ngay đó là do Điêu Tinh lừa đảo.
Lúc đó Chu Ân mới hiểu ra, nói:
- Ông nói có lí, thế mà tôi không nghĩ ra. Nhưng ta phải tố cáo hắn thế nào?
- Tôi đã biết Điêu Tinh xưa nay là một thằng vô lại. - Lạc Tế Công nói. - Hắn chuyên lừa dối để hãm hại người lương thiện. Nay ta phải tố cáo hắn về tội xúi bẩy người khác giết người, hãm hại dân thường. Nếu đưa đơn kiện, nhất định hắn phải đền mạng. Hãy nói cho tôi biết anh anh có con trai không, và vợ anh ấy họ gì?
- Anh ấy không có con, - Chu Ân nói, - vợ anh ấy họ Ngải.
- Ngày mai anh đưa chị ấy đến đây, - Công Tế nói, - tôi sẽ chỉ cho cách gặp quan. Tôi sẽ đi trước đưa đơn kiện, để hắn không kịp đề phòng, ấy mới là thượng sách.
Chu Ân nghe theo, rồi cáo từ ra về.
Hôm sau, Điêu Tinh chờ Chu Ân đến bàn việc hệ trọng, nhưng chờ mãi hắn không thấy Chu Ân đâu cả, hắn nghĩ: "Bọn này thật là ngu xuẩn, chúng không đến thì mình là người địa phương phải báo quan, xem Xương Bá có phải nhận tội không?”. Đang định viết đơn thì hắn thấy công sai(1) đến đòi. Điêu Tinh giật mình, không biết là chuyện gì, đến khi xem trát, thì lại chính là việc Tín Chi. Nguyên cáo là Ngải thị, người báo là Chu Ân. Điêu Tinh nhìn qua, tức giận nói với công sai rằng:
- Tôi không phải là hung thủ, không phải là phạm nhân, sao phủ quan lại cho đòi tới xét hỏi. Hắn cáo giác ta không biết có chủ ý gì đây.
(1) Công sai: người đưa giấy tờ ngày xưa.
- Chúng tôi chỉ là người theo lệnh quan đến tìm anh. - Công sai nói. - Anh là hung thủ hay không, chúng tôi không biết, anh đến quan mà biện bạch rõ trắng đen. Chúng tôi chỉ là người thừa hành công vụ. Hãy trả công chúng tôi mang giấy tới để chúng tôi uống rượu, sau này anh còn phải nhờ vả chúng tôi nhiều đấy.
- Khoản tiền này sẽ có người đưa, - Điêu Tinh nói, - tôi không thể trả thay dược. Ngày mai tôi tố cáo ra hung thủ, hắn là phú ông, lúc đó sẽ đưa cho các ông, thế có được không?
- Anh nói mới hay chứ, - công sai nói, - tên trong giấy là tên anh. Chúng tôi chẳng biết phú ông là ai. Nhận được lệnh là chúng tôi hộc tốc đi ngay không dám trái lệnh.
- Các ông đến đây là theo lệnh bắt người, - Điêu Tinh nói, - chứ không phải đến đòi tiền.
Công sai đùng đùng nổi giận, nói:
- Chúng tôi đã sai, anh đừng trách móc chúng tôi nữa. Thôi mời anh đi cho. Nếu đến quan xét xử, anh tố cáo ra hung thủ thì chúng tôi không dám đến cửa nhà anh nữa.
Công sai bắt hắn giải đi. Điêu Tinh cười nói:
- Nỗi oan đều có đầu mối, nợ phải có người trả. Đã biết kẻ nào phải đền mạng đâu, đi thì đi sợ gì!
Điêu Tinh theo công sai lên huyện. Hắn xem giấy, biết ngày mai mới xét xử, định xin quay về viết đơn trình báo, nhưng công sai thấy anh ta không chịu đưa tiền, nên không cho hắn về bắt giam vào phòng ở của một người sai dịch: Vì sao mọi người lại ra sức giúp Chu Ân như thế? Điều ấy là do Công Tế căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài mà suy ra, lại là người quen biết hầu hết những người trong nha môn. Phàm là việc gì ông cũng hết sức chu đáo, chỗ nào cần tiền đút lót thì ông đưa, nên nói gì họ cũng nghe theo.
Đồng Vân Tiêu lúc đó là tri huyện Trường Châu, xuất thân từ khoa bảng. Là người thanh liêm chính trực, Đồng Vân Tiêu được người đời kính trọng. Các vụ kiện tụng ông xét xử đều rất công bằng, hợp tình hợp lí. Ngày hôm sau Đồng Vân Tiêu đưa vụ án ra xét xử. Ông cho gọi tất cả các phạm nhân có liên quan, đầu tiên là Ngải thị, ông hỏi:
- Sao ngươi biết chồng mình bị Điêu Tinh mưu hại? Thường ngày có thù oán gì nhau không?
- Chồng con là Ngu Tín Chi, - Ngải thị nói, - vì thiếu tiền thuế nên đã phải đi bán gà lấy tiền nộp thuế. Đến nay đã hơn hai mươi ngày mà không thấy về. Hôm kia Chu Ân báo rằng Điêu Tinh mưu hại. Con là đàn bà gặp phải tai họa, nên đã làm đơn trình lên quan xét xử. Quả thực thường ngày chúng con không thù hận gì nhau.
Quan huyện bảo chị quỳ xuống một bên, rồi gọi Chu Ân ra, quát hỏi:
- Ngươi căn cứ vào đâu để biết người ta mưu hại? Đã biết mưu hại sao khi ấy không lập tức báo quan, mãi cho đến hôm nay mới đưa đơn kiện? Ngươi đã lừa dối quan, vu tội cho người khác.
- Con và Điêu Tinh không hề quen biết nhau, - Chu Ân nói, - cớ gì con lại vu cho anh ta. Hôm kia, ngẫu nhiên đi qua cầu con thấy một xác chết ngật đầu, vớt từ dưới nước lên. Nhìn kĩ thì đó lại là anh con. Lúc ấy ở đó rất đông người, không ai biết anh ấy chết là do treo cổ, thế mà chỉ có mình Điêu Tinh biết, và nói là người chết do treo cổ rồi bị vứt xuống sông. Vì thế mà con nghi cho anh ta.
Quan huyện lại bảo anh quỳ xuống một bên, rồi gọi Điêu Tinh hỏi:
- Vì sao lại mưu hại Ngu Tín Chi? Ngươi phải khai rõ sự thực.
- Bẩm quan lớn, - Điêu Tinh nói, - thật là oan cho con quá. Nếu con mưu giết anh ta để lấy của thì anh ta là người nghèo. Bảo giết anh ta để báo thù thì con và anh ta chẳng có hiềm khích gì nhau. Vậy thì vì sao tự dưng con lại giết người? Chỉ có một nguyên nhân, đó là, mấy hôm trước con thấy anh ta cãi nhau với Trương xương Bá, bị Xương Bá đánh đau. Con đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng anh ta không nghe. Bởi thế Tín Chi phẫn uất mà chết. Họ trách con là người cai quản địa phương, không cứu anh ta, nên đã vu cáo cho con.
- Sẩy chân mà chết đuối là việc thường tình. - Quan huyện nói. - Sao ngươi biết là anh ta thắt cổ?
- Con thấy có ngấn ở cổ anh ta. - Điêu Tinh nói. - Con biết đó là dấu vết thắt cổ.
Quan huyện lại viết lệnh bắt Xương Bá tới xét hỏi, đồng thời sai người nhà phạm nhân kiểm tra lại thi thể, gọi ngay vụ tác nhân(1) tới ngay cầu xem xác chết có thương tích gì không. Khám nghiệm tử thi xong, người ấy về báo rằng:
(l) Vụ tác nhân: người khám nghiệm tử thi.
- Không thấy có thương tích gì, chỉ có một vết ngấn ở cổ.
Lúc ấy quan huyện đã có phần nghi Điêu Tinh xúi bẩy, song cũng có phần nghi cho Xương Bá gây ra thù oán, vậy phải cho gọi Xương Bá đến thì mới có thể kết luận được. Đúng lúc ấy Xương Bá đến quỳ trước công đường. Quan huyện hỏi:
- Người là Xương Bá có phải không?
- Thưa ngài, con đúng là Xương Bá. - Xương Bá nói.
- Ngu Tín Chi cãi nhau với ngươi, - quan huyện hỏi, - bức hắn chết lúc nào? Hãy khai ngay.
- Con buôn bán làm ăn, cũng có chút ít của cải, - Xương Bá nói, - con cũng là người biết luật pháp, sao con lại bức hại người ta chết vô cớ?
- Hôm kia anh cãi nhau với anh ấy, - Điêu Tinh nói chen vào, thấy anh có tiền của, có thế lực, không thể địch nổi nên phẫn uất quá mà anh ấy thắt cổ chết. Con thực tình không dám lừa dối quan lớn.
Quan huyện quát Điêu Tinh không được lắm lời. Rồi hỏi Xương Bá:
- Vì sao mà anh ta lại cãi nhau với người ấy?
Xương Bá thuật lại việc sau khi bà giúp việc chết, nói rằng Tín Chi có đến nhà ông nhận là người thân của bà cụ nhưng khi hỏi quan hệ của anh ấy thế nào với bà cụ, thì anh ấy không trả lời được. Sau thấy ngượng quá Tín Chi bỏ đi. Nghe xong quan huyện lại hỏi Điêu Tinh:
- Khi họ cãi nhau, ngươi không ở đấy, sao lại nói là trông thấy?
- Dù không thấy, - Điêu Tinh nói, - song sự thực đúng là như thế.
- Ngươi là người địa phương, - quan huyện hỏi, - thấy anh ta chết phải báo quan ngay, tại sao ngươi lại chờ đến hôm nay có người kiện, anh mới cáo giác.
- Lẽ ra con phải báo ngay với quan, - Điêu Tinh nói, - nhưng Xương Bá đã giấu thi thể, con không biết tìm đâu. Không có chứng cứ thực, thì con không dám báo liều. Chỉ khi tự dời xác chết đi mới có tội danh.
- Nói bậy. - Quan huyện quát. - Ngươi nói người ta mang xác chết giấu đi, ngươi biết thì phải giữ lại, không cho phép mang đi chứ.
- Nó mang đi giấu, - Điêu Tinh nói, - thì con biết sao được.
- Mày là thằng gian manh, - quan huyện quát, - trước mặt quan huyện mày còn dám nói những lời xảo trá. Đã không biết sao lại đi vu cáo cho người?
Điêu Tinh ấp úng, không dám mở miệng. Quan huyện biết hắn gian dối, gọi lính hầu kẹp hắn lại. Hai lính hầu đang căm tức hắn không chịu đưa tiền, bèn kẹp hắn thật đau. Điêu Tinh tuy là một tên liều lĩnh, song chưa từng bị hình phạt bao giờ, không chịu được buộc phải khai hết sự thực từ khi gặp anh hàng gà. Lúc ấy quan huyện mới cho tháo kẹp, ghi hết lại lời khai của hắn. Quan huyện hỏi tiếp:
- Đúng thì đúng rồi, nhưng vì sao lại di dời thi thể ấy đi, có phải làm thế để ghép thêm tội di dời thi thể nữa không?
- Con làm thế, lúc đầu chẳng qua chỉ dựa vào đó để được mấy lạng bạc, chứ chẳng có thù hận gì mà đòi ông ấy phải đền mạng. Đã làm người ta chết rồi thì sao lại chịu di dời đi, xin ngài xoi xét cho.
Quan huyện bèn gọi Xương Bá, hỏi:
- Đây là kế ngươi tránh tội, nếu không dùng hình phạt thì sao ngươi chịu khai ra.
Nói xong quan huyện sai lính hầu kẹp Xương Bá. Chu Ân thấy thế vội bẩm rằng:
- Đấy là do con không muốn làm hại người dân lương thiện.
- Vì sao lại do ngươi? - Quan huyện hỏi.
Chu Ân không dám giấu, nói hết việc xấu xa của mình cho quan huyện nghe, rồi anh lại kể việc Xương Bá cho tiền, và từ đó đã hối cải làm ăn. Anh làm thế để báo đền ân đức của ông. Lúc đầu vì không biết là anh mình, nên đã mang xác chết đi. Quan huyện thấy anh thật thà, khẳng khái nhận tội, nên không truy cứu chỉ trách anh qua loa để kết thúc vụ án. Trương Xương Bá tuy không truy bức đến nỗi làm cho Tín Chi phải chết, song vì ông là đầu mối gây họa, phải đền hai mươi lạng bạc cho Ngải thị mai táng và nuôi thân. Điêu Tinh lòng dạ xấu xa, lừa dối người vào chỗ chết phải tử hình chờ xử trảm. Quan huyện cho Ngải thị và Chu Ân trở về.
Lạc Công Tế đã đón họ ngoài cửa, gặp cả Xương Bá. Chu Ân nói:
- Đây là Lạc Tướng công, hiệu là Công Tế. Việc hôm nay nhờ ông chỉ bảo mới giải quyết được rõ ràng.
Ngải thị, Xương Bá vô cùng biết ơn. Mọi người ra về.
Còn Điêu Tinh bị giam, sau chết trong ngục. Vợ là Thủy thị đi lấy chồng. Thế mới biết lẽ trời sáng tỏ, không dung tha kẻ xấu xa. Có thơ rằng:
Vốn chỉ tham tài mà gian dối,
Ai ngờ thật giả lại đảo điên.
Mưu mô quỷ quyệt thành vô dụng,
Vợ sống cô đơn, tự giết mình.
Vụ kiện này khiến Chu Ân chịu thiệt. Xương Bá tuy mất hai ba chục lạng bạc, song không đến nỗi khổ sở vì nhà tan cửa nát. Ông vô cùng cảm động, chuẩn bị hai mâm rượu, mời Chu Ân và Lạc Công Tế đến khoản đãi, dốc hết bầu tâm sự. Rượu ngà ngà say, Xương Bá vội lấy từ trong tay áo ra ba mươi lạng bạc biếu Chu Ân. Ông nói:
- Anh cầm số bạc này về làm vốn, mở một cửa hàng nhỏ cũng có thể sống được, không cần phải gánh hàng rong suốt ngày trên đường cho khổ.
Sau đó ông lại rút ra hai mươi lạng biếu Công Tế. Công Tế từ chối, nhưng cuối cùng cũng phải nhận. Chu Ân ra sức từ chối, nói:
- Vụ kiện này ông được minh oan, vì ông là người phúc đức nên trời phù hộ; hai là, quan phủ thanh liêm, lại được Lạc tướng công chỉ bảo, chứ tôi có công lao gì mà nhận thưởng!
- Cung kính không gì bằng theo lệnh. - Công Tế nói. - Các ông quen biết nhau từ lâu rồi, đây không phải báo đức hay là nhận, mà là hai người giúp nhau sống yên vui.
Thấy thế Chu Ân không dám chối từ, bèn thay áo ngồi vào ăn uống hết sức vui vẻ cởi mở.
Từ đó Chu Ân vẫn theo nghề buôn bán, và trở nên giàu có Công Tế vì đã giúp đỡ hai người, sau lại thông gia với Xương Bá, đời này đến đời khác vẫn quan hệ thân thiết. Cho tới nay tình thân ái càng thêm khăng khít mặn nồng.
Câu chuyện này luôn luôn khuyên người ta làm việc thiện. Nó giáo dục con người không nên tham lam tiền của. Ngay như Tín Chi, vừa mới nẩy lòng tham đã bị chết; Điêu Tinh vì sẵn có lòng tham, đến nỗi cửa nhà tan nát. Không những không lấy được của người khác, mà ngay của nhà mình cũng phải đội nón ra đi. Tiền bạc là cái tác oai tác quái, nếu các bạn khao khát nó thì các bạn hãy dập tắt ngay những ý nghĩ ấy đi, đừng quá coi trọng. Song không thể quá tham lam tiền tài, cũng không thể không yêu quý nó. Vì sao vậy? Nếu như khinh tiền của mà tiêu hoang phí, đến nỗi áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, cũng không phải là mĩ đức. Nếu một đồng cũng không tiêu, hai đồng cũng không hoang phí, tuy không gây nên họa làm nên tội song cuối cùng có tụ phải có tán, thì tội gì phải giữ tiền của mà không dám ăn. Loại người này gọi là loại người kiết xỉ chứ không phải là người quý tiền của. Được mười thì phải tiêu một, được trăm phải tiêu mười, ai ai cũng cảm kích và biết ơn. Mình không phí nhiều, mà người chịu ơn cũng không ít. Thế chẳng phải người ta thì lãng phí đến cùng cực, mà mình thì không phải là lãng phí. Như vậy mới gọi là biết yêu quý của cải. Giả thử lúc ấy Xương Bá tiếc ba lạng bạc, thì Chu Ân làm sao lại chịu bảo vệ ông. Chu Ân nếu không có ba lạng bạc làm sao khôi phục lại được nghề nghiệp. Tiền bạc quả là một thứ ma mãnh. Các bạn thân mến, nếu bạn tiêu tiền không đúng chỗ thì xin bạn hãy dừng lại, dùng cho đúng chỗ, đừng quá coi thường nó. Mấy lời tôi nói không nhũng khuyên cho đời tốt, mà còn là một cuốn sách khiến người ta trở nên giàu có.