Trước đây, khi Bình Bạch còn ở nhà, tuy không thiên vị bênh vực hai em, song Bình Y vẫn thấy ngại. Nay Bình Bạch đã đi hắn ngày càng lấn tới. Hai đứa em Bình Y cũng giống anh, chúng trèo qua cửa gào lên, lôi từ chân tơ kẽ tóc về Trương phu nhân ra nhiếc móc. Bình Duật, Bình Lâu muốn chống trả lại nhưng yếu thế không dám ra tay. Họ vô cùng uất hận, mỗi người sắm một con dao thật sắc luôn giắt bên người, định đâm chết chúng, ý định đó không thực hiện được, họ suốt ngày tức tối, buồn phiền.
Một hôm, Bình Thành, người đã bị bọn cướp bắt đi, nay mang vợ con trở về. Họ nói Vưu thị đã chết, vì nhớ quê hương nên đã trốn về đây. Lúc ấy cả nhà họp lại bàn cách để Bình Thành ổn định gia đình. Ba anh em Bình Y thoái thác, rằng khi cha còn sống đã chia gia tài, nay là của chúng. thì nhất định chúng không chịu bỏ ra chia cho Bình Thành. Ròng rã ba ngày liền việc ấy vẫn không giải quyết, vợ chồng con cái Bình Thành không biết bám bíu vào đâu. Bình Duật, Bình Lâu thấy thế mừng thầm, làm cơm mời họ tới khoản đãi, lại sai người đến Bình Đồng báo cho Bình Bạch. Biết được tin Bình Thành trở về, Bình Bạch rất mừng, dẫn vợ con về gặp mặt, nhường lại gian nhà của mình cho Bình Thành, rồi lại trích một phần tài sản của mình và Bình Duật, Bình Lâu cho anh. Thấy ba người này cư xử tốt như thế Bình Thành rất vui. Bỗng họ nghe thấy tiếng ba anh em Bình Y chửi bới ầm ĩ:
- Nó về thì nó phải tự tìm cách để sống chứ, chúng mày muốn làm người tốt, chia tài sản cho nó cũng phải nói với chúng tao.
Bình Thành là người từng sống với bọn cướp trên núi, tính khí ngỗ ngược, sức khỏe hơn người, nghe thấy thế đùng đùng nổi giận, nói:
- Tao về, không có cơm ăn, may được ba anh em nghĩ đến tình ruột thịt sẻ cửa sẻ nhà cho, ta mới sống được. Các ngươi lại đến tuôn ra những lời thối tha.
Thế rồi, như một con hổ, anh xông tới tống cho Bình Y một quả, làm hắn ngã dụi xuống đất cách đó tới ba trượng. Bình Thân và Bình Phẫu cùng con cháu họ xô đến, tưởng nuốt sống Bình Thành, song không ngờ anh khỏe như trâu móng, lấy tay gạt một cái tất cả đều ngã dúi dụi. Dựa vào thế Bình Thành, Bình Lâu cũng vác gậy xông tới, đánh cho bọn Bình Y một trận nên thân. Bình Bạch xông vào can, nhưng sao mà can nổi. Thấy bọn này bị đánh sứt đầu mẻ trán, máu chảy đầm đìa, họ mới ngừng tay. Bình Thành không chờ họ cáo quan, tự viết tờ nhận tội, rồi trình lên quan, nói rằng bọn Bình Y vô lễ. Quan huyện sai người mời Bình Bạch lên thương lượng. Bất đắc dĩ Bình Bạch phải lên huyện, gặp quan, anh cúi đầu khóc, không nói nên lời. Quan huyện gặng hỏi, anh chỉ đáp:
- Tôi hoàn toàn nghe theo lời quan xét xử.
Quan huyện quyết: anh em Bình Y phải giao lại điền sản cho Bình Thành; anh em Bình Bạch trước đây đã giao nhiều, nay trích ra một ít trả lại. Tất cả tài sản phải chia đều thành bảy phần. Bình Bạch nhiều lần từ chối không nhận lại, và xin quan huyện để lại số tài sản cho Bình Y nhiều hơn, quan huyện không nghe.
Từ đó Bình Bạch vẫn sống ở trấn Bình Đồng, Bình Thành sống chung với Bình Duật, Bình Lâu. Họ kể hết cho Bình Thành nghe mọi chuyện. Một hôm nói về chuyện chôn cất Trương phu nhân, hai anh em sụt sùi khóc. Bình Thành nói:
- Bọn chúng làm như thế là đồ cầm thú!
Họ bàn nhau, chọn ngày đưa hài cốt Trương phu nhân về cạnh phần mộ cha hợp táng. Bình Duật, Bình Lâu rất vui sướng, sai người báo cho Bình Bạch biết. Ngay đêm ấy Bình Bạch về, can ngăn họ, nói:
- Mẹ đã nằm yên ở đó rồi, ta không nên động tới nữa, linh hồn người chết dưới suối vàng sẽ không yên.
Bình Thành sao chịu nghe theo. Hôm đưa hài cốt về hợp táng, anh báo cho mọi người, kể cả bọn Bình Y đến. Bình Thành rút con dao sáng loáng phạt vào cây tùng trồng trước mộ, làm toác ra một miếng vỏ dầy tới hai tấc, chỉ vào mọi người nói:
- Đứa nào không để tang mẹ kế, hãy nhìn vào đây.
Bọn Bình Y vội vàng đáp:
- Vâng ạ, vâng ạ.
An táng mẹ xong, anh em dần dần yên ổn.
Bình Thành là người có cá tính mạnh mẽ, hung bạo. Các em, người nào không nghe theo, nhẹ thì chửi, nặng thì đánh. Bọn Bình Y không biết đã bị đánh mắng bao nhiêu lần. Ngay cả Bình Duật, Bình Lâu cũng bị đánh chửi vài lần. Song hai người thấy anh đã vì mình mà trút nỗi căm giận lên đầu bọn Bình Y, nên không dám oán hận. Trong số anh em, Bình Thành chỉ kính trọng có Bình Bạch. Bởi thế, khi Bình Thành giận dữ đến đâu, chỉ cần Bình Bạch đến nói một vài câu là Bình Thành thôi ngay. Bình Y bị Bình Thành đánh chửi, không chịu nổi, thường đến trấn Bình Đồng mời Bình Bạch về dẹp. Bình Bạch khuyên Bình Y rằng: "Hãy làm trọn đạo làm em, thì tự nhiên anh ấy sẽ đối xử khác". Song Bình Y không nghe, suốt ngày đeo bám Bình Bạch. Thấy sống ở Bình Đồng cũng không yên, Bình Bạch lại chuyển nhà đến Tam Ba Loan. Nơi đây vắng vẻ, u tịch. Tuy thuộc huyện Lô Lăng, song cách thành khoảng một trăm ba mươi dặm, đường sá xa xôi nên anh em ít đi lại với nhau. Bình Thành từ đó lại bắt đầu sợ anh em họ, không hay chửi mắng như trước nữa. Cuộc sống gia đình yên ổn được một thời gian.
Bình Y có bốn người con. Con cả là Lập Đức, con thứ ba là Lập Ngôn, đều là con của vợ cả Vương thị. Con thứ hai là Lập Công, con thứ tư là Lập Hạnh, là con của vợ lẽ Trắc thị và Toàn thị. Bốn người con này cũng học theo tính cha. Lập Đức, Lập Ngôn vào một phe; Lập Công, Lập Hạnh một phe, suốt ngày cãi vã nhau. Bình Y nhiều lần khuyên chúng phải sống hòa thuận, y nói rằng:
- Các con tuy không phải do một mẹ sinh ra, nhưng đều là con ta, đừng đánh chửi nhau nữa.
Song họ không vâng lời. Một hôm Lập Đức uống rượu say trên đường về gặp Lập Công, hắn cố ý đi sát, rồi dùng vai hích Lập Công, định làm Lập Công ngã. Không ngờ Lập Công phòng bị trước, hích lại. Người tỉnh thì chân vững, người say thì chân tay quờ quạng, bởi thế Lập Đức ngã sấp xuống ngòi, những người quanh đó nhìn thấy cười ồ lên. Lập Đức bị ngã, tỉnh rượu thấy mọi người cười, vừa xấu hổ, vừa bực tức bèn lấy đá ném Lập Công. Lập Công đứng bên gốc cây, né người tránh. Chiếc mũ của Lập Công vướng vào cành cây rơi xuống chỗ Lập Đức. Lập Công vội chạy tới giật lấy, nhưng Lập Đức đã vứt xuống hố phân. Lập Công nổi giận đánh Lập Đức, Lập Đức tống vào mắt Lập Công, máu chảy ròng ròng. Lập Công hung lên, bay người đá vào đúng hạ bộ, Lập Đức không đứng dậy được. Thấy Lập Đức như thế, Lập Công lo sợ bỏ chạy. Mọi người vội dìu Lập Đức về nhà, mặt hắn tái mét không còn hột máu, tới nơi thì tắt thở.
Lúc ấy vợ Lập Đức là Mã thị gào lên khóc, đòi giải Lập Công lên quan xử tội. Bình Y thấy con chết, mà hung thủ cũng là con mình, muốn khuyên Mã thị thôi đi. Song Mã thị nào có chịu nghe. Lập Ngôn đứng bên cũng khích vào:
- Giết người thì phải đền mạng, đây là phép nước, làm gì có chuyện mình tự giải quyết được?
Bình Y không muốn đưa con lên quan chịu tội. Lập Ngôn thấy cha không nghe, bèn lén lút đi một mạch lên thẳng huyện bẩm quan Huyện bèn cử công sai cùng Lập Ngôn về bắt. Bình Y thấy sự việc không thể giữ nổi, chỉ biết nuốt nước mắt nhìn người ta lôi Lập Công đi. Song vì quá thương con, một mặt ông ta nhờ Bình Thân và Bình Phẫu mang tiền đút lót cửa quan, một mặt ngay đêm ấy tới Tam Bạc Loan, nhờ Bình Bạch đến nói với quan huyện.
Đến nơi, Bình Y gặp Lập Thiện, con Bình Bạch. Biết Bình Bạch đến nhà bạn ăn cỗ cưới, nhưng Bình Y vẫn kéo Lập Thiện cùng đến nhà bạn tìm Bình Bạch. Lập Thiện không hiểu vì sao bác lại hoang mang, lo lắng thế, bèn hỏi:
- Bác ơi, có việc gì mà cháu thấy bác lo lắng thế?
Bình Y nước mắt lưng tròng kể lại mọi chuyện cho Lập Thiện nghe. Lập Thiện là người trung hậu như cha, anh không nghĩ gì đến những chuyện bác đối xử với cha mình trước đây, nghe xong anh lo lắng, muốn đưa bác đi ngay. Song Lập Thiện nghĩ, bên ấy đang có việc vui mừng, nếu gặp cha, bác ấy khóc, mà ngay cả cha mình thấy thế cũng đau khổ, thì sẽ bị người ta oán trách, nên chần chừ không đi. Lập Thiện nói:
- Bác ạ, đêm tối rồi, đi lại vất vả, bác hãy nghỉ tạm ở đây một lát, bố cháu ăn xong sẽ về ngay thôi.
- Cháu ơi, - Bình Y nói, - bây giờ bác như kiến bò trong chảo nóng, không thể kiên tâm chờ bố cháu về! Cháu hãy cùng bác đến đó ngay!
- Nếu cần kíp như thế thì cháu bảo người đi gọi, - Lập Thiện nói, - bảo với cha cháu là bác có việc rất cần đang chờ ở nhà, phải về gấp.
Nói xong quay vào trong gọi người nhà.
Bình Y thấy Lập Thiện không chịu đi, quay vào nhà trong, cho là vì thù oán xưa nên Lập Thiện lảng tránh. Bình Y cuống lên, kéo áo lại, quỳ xuống nói:
- Cháu ơi! Đúng là cháu không muốn đi!
Lập Thiện vội quỳ xuống đỡ Bình Y dậy, nói:
- Bác ơi, sao bác lại nói thế.
- Cháu ơi, - Bình Y nói, - đúng là trước đây bác nghĩ nông cạn, ngu dốt, khinh thường cha cháu và hai chú. Bác đáng tội chết. Nhưng bây giờ các cháu phải nghĩ đến ông bà tổ tông. Bác và cha con tuy không cùng mẹ đẻ ra, song đều là con của ông cháu. Cháu và Lập Công đều là cháu của ông. Cháu đừng nghĩ tới mối thù xưa nữa, cháu hãy đi ngay với bác.
Thấy bác như thế. Lập Thiện nói:
- Không phải cháu không muốn đi, song thú thực với bác, đằng ấy họ đang có việc vui, đến đó bác gặp bố cháu nói tới chuyện thương tâm, cả hai người không kìm nổi đều khóc thì gia đình họ oán.
- Bác đến đấy sẽ không nói, - Bình Y nói, - chỉ đến gọi bố cháu về thôi.
Nói xong Bình Y lôi Lập Thiện đi. Lập Thiện đành cùng Bình Y ra khỏi nhà.
- Nhà bạn cha cháu ở đâu? - Bình Y hỏi.
- Cách đây ba dặm đường. - Lập Thiện nói. - Nơi ấy là Tiểu Thôn Phường.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Hôm ấy, bữa cỗ kết thúc sớm, Bình Bạch ăn xong về ngay, giữa đường gặp hai người. Bình Y kéo ngay ông lại, khóc lóc kể lể chuyện đã xảy ra. Bình Bạch nghe xong, chau mày nói:
- Anh ạ, đây không phải là chỗ ta nói chuyện, hãy về nhà em đã.
Ba người về tới nhà, Bình Bạch não nuột thở dài nói:
- Mấy anh em nhà mình, năm nào cũng xô xát nhau. Em biết, mỗi người một tính một nết không hợp nhau, điều đó chẳng hay ho gì, nhưng không ngờ lại xảy ra việc này.
- Chú ạ, chú không phải nói nữa, đó là do tôi không đáng đạo làm anh, không có gia giáo. Ngày nay, mấy anh em nó cũng học theo cái thói của tôi, gây ra tai họa, điều ấy khiến tôi vô cùng đau đớn. Tôi chịu báo ứng như thế đã đủ rồi, chú đừng oán trách tôi nữa, hãy cùng tôi lên huyện giải quyết việc cấp bách này!
- Anh không biết, - Bình Bạch do dự nói, - trước đây anh em bất bình nhau về những chuyện nhỏ nhặt, em có thể lên huyện xin được. Nay là tội lớn, em giết anh thì em đi nói làm sao, dù có nói thì quan huyện cũng sẽ không nghe.
Bình Y thấy Bình Bạch tỏ thái độ như thế, tự nhiên òa lên khóc, nói:
- Tôi vốn biết, nếu chú có đi xin cũng không thể an toàn vô sự song chỉ muốn cháu thoát tội chết, còn mắc tội gì cũng được. Chú hãy thương lấy tôi, đã lần đêm mò hôm tới đây, muốn chú đi với tôi, chỉ một lần nữa thôi.
Nói xong Bình Y quỳ xuống, Bình Bạch cuống lên vội cúi xuống đỡ dậy nói:
- Anh đừng làm em khó nghĩ, em sẽ đi xin cho anh.
Lúc ấy Bình Bạch bất đắc dĩ phải cùng Bình Y xuống thuyền đi thẳng lên huyện.
Công sai đã bắt Lập Công tới. Quan huyện thấy đây là việc của nhà họ Bình, lại là trọng tội giết anh, ông rất phẫn nộ. Lập tức mở công đường, hỏi được mấy câu đã rút ra tám chiếc gậy, hô đánh. Đánh xong bốn mươi gậy, thịt da rách nát, máu chảy đầm đìa. Quan huyện vẫn chưa nguôi giận, lại rút ra tám chiếc gậy hô đánh tiếp. Người thi hành án bẩm:
- Xem ra phạm nhân không thể chịu được nữa, hãy cho giam hắn vào nhà giam.
- Tên này giết anh, ngươi còn muốn bảo vệ cho hắn ư? - Quan huyện trợn mắt quát. - Hãy đánh tiếp.
Bọn lính hầu không muốn đánh chết, chỉ vì mấy quan tiền đút lót song thấy quan huyện giận dữ, không dám có ý trì hoãn, lại tiếp tục đánh thêm bốn mươi gậy nữa. Đánh đến nỗi hai chân tướp hết thịt da, thoi thóp thở. Tới lúc ấy quan huyện mới cho giam vào ngục. Bình Thân và Bình Phẫu tới huyện, thấy thế rất lo lắng, đem tiền đút lót cho bọn coi ngục để được vào thăm, thì thấy Lập Công đã tắt thở. Người coi tù báo với quan, cho nhà họ Bình mang xác về chôn. Bình Thân và Bình Phẫu cùng Lập Hạnh, vừa khóc lóc vừa mang xác Lập Ngôn về.
Sáng hôm sau, Bình Y, Bình Bạch về tới nhà, biết Lập Công bị quan huyện đánh chết, gào lên khóc. Bình Bạch khuyên nhủ mãi, rồi ở đó thêm mấy ngày mới trở về Tam Bạc Loan.
Vợ của Lập Đức là Mã thị và vợ của Lập Công là Kim thị, thấy chồng chết như thế, họ chửi nhau suốt ngày. Bình Y thương tiếc hai con, quá đau khổ rồi sinh bệnh. Nằm trên giường bệnh, lại thấy hai người con dâu cãi nhau, Bình Y càng chán nản buồn rầu. Biết không thể ở nhà được, bèn tới nhà người em họ là Cam Lệnh Nhân, cách đó một trăm năm mươi dặm để chữa bệnh.
Bình Y đi rồi. Một hôm, Mã thị chửi Lập Công, Kim thị ở nhà bên, than thân trách phận, nghe thấy Mã thị chửi, giận dữ nói:
- Chồng chị chết, còn chồng tôi có sống được đâu? Rồi cầm cỏn dao bầu nhọn hoắt, chạy vụt sang, đâm phập vào ngực Mã thị. Lưỡi dao thấu tới lưng, chết ngay tại chỗ. Kim thị rút dao ra, tự cứa vào cổ mình đến xoẹt một cái, đầu lìa khỏi cổ, rơi bịch xuống đất. Cả nhà cuống lên, vội đi báo cho mẹ đẻ của họ.
Cha Kim thị chết từ lâu, anh em không có, chỉ còn một mình mẹ đẻ, lại ốm liệt giường, thấy vậy chỉ biết khóc mà thôi. Cha Mã thị là Mã Đại Lập, lại là kẻ bất lương, nghe thấy tin ấy vô cùng oán hận, nói:
- Đây hoàn toàn do lão Bình Y khốn kiếp, không biết dạy bảo con cái, khiến con gái ta phải chịu cái chết thảm thương!
Thế rồi Mã Đại Lập dẫn bốn đứa con, cùng với một số người thân trong họ tộc, đông tới sáu bảy chục người, đến nhà họ Bình tìm Bình Y. Lúc ấy, những người đàn ông nhà họ Bình không ai có nhà. Bình Y vẫn còn ở nhà Cam Lệnh Nhân, ngay hay người con dâu chết cũng không ai báo tin cho ông, họ sợ rằng ông đang ốm, lại lo nghĩ mà ốm thêm. Mã Đại Lập phá tan hoang cửa nhà, không tìm thấy Bình Y đâu, hắn bắt bọn người ở tra hỏi, biết Bình Y ở nhà Cam Lệnh Nhân, rồi nghĩ: "Thật may cho hắn". Mã Đại Lập chợt nghĩ tới trước đây con gái chết, Bình Y đã kéo đến đánh bà thông gia họ Chu, sao bây giờ không báo thù cho nhà họ Chu. Rồi bọn họ lôi người vợ kế của Bình Y là Toàn thị ra đánh. Toàn thị trốn trong bếp, bọn chúng túm được lôi ra, lột trần truồng, đánh thâm tím mình mẩy, cuối cùng chúng trói Toàn thị vào một chiếc ghế dài, lấy một quả mướp nhét vào chỗ ấy, rồi chúng mới hò nhau kéo về. Không lâu sau, bọn đàn ông nhà họ Bình trở về, biết được, Bình Thành nổi giận nói:
- Nhà ta người chết đang rối bòng bong, bọn chúng lại đến làm nhục thế này, thật là quá đáng.
Thế rồi Bình Thành thét lên một tiếng, xách gậy chạy đi. Bình Thân và Bình Phẫu, Bình Duật, Bình Lâu và một lũ con cháu đều vác dao, gậy chạy theo.
Nhà họ Mã cách đó ba mươi dặm. Lúc ấy đã vào hạ tuần tháng tám, nhưng trời vẫn nắng chang chang, vừa đi họ vừa nghỉ. Bỗng thấy đằng sau có tiếng người hò hét chạy tới. Quay đầu nhìn lại, chỉ thấy độ mười người, bọn Bình Thành không coi ra gì. Tất cả phe Mã Đại Lập dừng lại, nghĩ rằng sẽ đánh mấy tên này cho sướng tay. Không ngờ Bình Thành xông tới, như một con hổ dữ, chiếc gậy trong tay Bình Thành vung lên, khua tít, khiến năm sáu người ngã gục. Bọn người họ Mã thấy thế lực họ Bình mạnh như vũ bão bỏ chạy tán loạn. Người nhà họ Bình xông lên truy đuổi. Bình Thành tóm được Mã Đại Lập, rút dao cắt đứt hai tai, thả cho về. Con Mã Đại Lập là Phụng Ngôn đến cứu, bị Lập Hạnh lia cho một gậy gẫy hai chân, ngã vật ra. Bình Thành thấy đã thỏa mãn gọi nhau về.
Người nhà họ Mã thấy họ Bình đã đi xa mới dám quay lại khiêng người gẫy chân về. Ngay đêm ấy họ lên huyện tố cáo. Quan huyện thấy đây lại là việc nhà họ Bình, rất tức giận, lập tức sai người đi bắt. Hôm ấy, chỉ có Bình Thân, thấy công sai đến, chui qua lỗ chó rúc thoát thân, ngay đêm ấy tới Tam Bạc Loan. Bình Bạch và con vừa đi thi hương về, thấy Bình Thân đến, liền hỏi:
- Anh có việc gì mà đến đây?
Bình Thân thuật lại mọi việc xảy ra cho Bình Bạch nghe, rồi nói:
- Chú hãy lên huyện lần nữa để xin quan.
Bình Bạch buồn rầu nói:
- Làm sao mà cứ gây hết tai họa này đến tai họa khác? Tôi ở đây đã lâu, không đi lại với quan phủ, e rằng nói cũng vô ích. Tôi chỉ mong sao cho con nhà họ Mã không chết, cha con tôi lại thi đỗ, thì việc đó có thể lo liệu được, anh hãy ở lại đây mấy hôm xem sao.
Bình Thân nghe theo, ở lại Tam Bạc Loan. Hằng ngày ngồi ăn cùng mâm, đêm đến lại ngủ cùng giường. Anh em vô cùng thân thiết. Lại thấy anh em Lập Thiện, tuy cùng cha khác mẹ mà sống với nhau rất hòa thuận, khác hẳn với anh em mình, tự nhiên thấy cảm động rót nước mắt nói:
- Bây giờ em mới hiểu, trước đây mình không phải là người.
Thấy Bình Thân hối hận, Bình Bạch rất mừng, cũng khóc theo.
Sau mấy hôm, thấy trống phách vang lừng, có người tới báo cha con Bình Bạch thi đỗ. Bình Bạch vô cùng sung sướng bảo Lập Thiện ở nhà lo liệu, còn mình và Bình Thân lên gặp tri huyện. Cử nhân thời Minh rất danh giá, các quan châu, huyện đều phải kính nể. Rất may, cháu Mã Phụng Ngôn được một danh y chữa khỏi, quan huyện khuyên họ Mã không kiện nữa, nên tha cho bọn Bình Thành. Bình Thành cùng với Bình Bạch trở về. Bình Y lúc ấy dưỡng bệnh cũng đã về. Mọi người đều yêu quý kính nể Bình Bạch, khuyên Bình Bạch trở lại quê, anh em sống quây quần bên nhau. Bình Bạch cùng anh em thắp hương thề, hứa từ nay về sau, mọi người phải sửa chữa lỗi lầm, tự làm lại cuộc đời. Bình Bạch dọn nhà, trở về chung sống với anh em. Từ đó, có việc gì họ đều hỏi Bình Bạch. Bình Thành ngày một già, tính khí cũng dần dần trở nên ôn hòa, gia đình họ đều vô sự. Anh em, con cháu mấy đời sau sống chan hòa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau như cùng cha mẹ sinh ra. Về sau Bình Bạch thi Hội đỗ tiến sĩ, thi Đình lại được cất nhắc làm tri huyện, song ông biết tài làm quan của mình chỉ bình thường, nên xin chuyển làm giáo thụ. Hai khoa sau, Lập Thiện đỗ tiến sĩ, được vào Hàn lâm viện. Con cháu đời đời khoa bảng, song chỉ phát ở chi Bình Bạch. Đây chính là sự đền đáp cho những người sống hiếu thuận.