Thanh-Khải muốn gặp cô Cúc-Hương mà gặp cho nhiều giờ và gặp chỗ nào yên-tịnh đặng thầy tỏ tâm-sự với cô. Ở nhà thì cô có cha, làm sao tới mà nói chuyện cho được. Giờ cô đi dạy học thì thiên hạ cũng đi làm việc, trên xe địện đông dầy-dầy, không dễ gì mà nói chuyện tình. Duy có cái giờ cô đi về trong trí cô an-ổn, trên xe trống-trải, vì giờ ấy những người làm việc ngoài Sài-gòn họ chưa về, nên có lẽ nói chuyện được.
Thầy nghĩ như vậy rồi một buổi sớm mai, thày ra Sài-gòn học chữ Ăng-Lê, thầy lựa chuyến xe điển vô tới Dakao sau khi tan học một lát, thầy mới mua giấy mà về. Thiệt chuyến xe ấy hành khách rải-rác năm bảy người mà thôi. Xe vô tới Dakao thì cô Cúc-Hương leo lên.
Vì ái-tình mạnh quá, nó trừ cái bịnh nhút-nhát của thầy được, nên chuyến xe nầy gặp cô thì thầy hăng-hái, mời cô ngồi trước mặt thầy, rồi thầy nói tằng : „Tôi biết nhà cô rồi, tôi biết ông Phán là ông thân của cô nữa”
Cô Cúc-Hương chưng-hửng, cô ngó ngay thầy mà hỏi rằng:
- Thầy tới nhà em hồi nào? Sao em không hay?
- Tôi không có vô. Tôi đi ngang qua đường Cây Quéo, tình-cờ tôi thấy cô và thấy ông Phán đương ở trong nhà, nên tôi mới biết chớ.
- Thầy không vô sao thầy biết ba của em làm ông Phán?
- Cần gì phải vô nhà mới biết. Mình có tình mình hỏi thăm, mình cũng biết được như vậy chớ.
Cúc-Hương nghe nói hai tiếng "có tình" thì cô châu mày.
Thanh-Khải bị lửa ái-tình đốt quá, thầy không dè-dặt, thầy nói tiếp rằng: “Tôi lại biết tới cô chưa có chồng nữa a, Phải như vậy hay chồng?”
Cúc-Hương day mặt ngó ra cửa sổ, không trả lời.
Xe vô tới Bà Chiểu ngừng lại, người xét giấy đi ngang trong xe mà nói rằng: “Chắc phải đậu ở đây mau lắm cũng là nửa giờ đồng-hồ, bởi vì có tin cho hay hai cái xe hơi đụng nhau phía trong nhà việc Bình-Hòa, Ngã Năm bít đường rầy xe điển chạy không được. Phải chờ cò bót ăng-kết, rồi keo hai cái xe hơi cho trống, thì chạy mới đuợc”.
Hành-khách trên xe nghe nói như vậy thì lao-nhao lố-nhố, nhiều người leo xuống thả đi uống nước, có người nóng-nảy không chịu chờ, lại mướn xe “thổ-mộ” mà đi.
Trên xe chỉ còn có một bà già ngồi đầu trong với Thanh-Khải và Cúc-Hương ngồi đầu ngoài mà thôi. Ấy là một dịp rất may cho Thanh-Khải tỏ bày tâm-sự. Thầy bèn thừa cái địp ấy mà nói đại với cô ráng: “Cô hiểu tại sao mà tôi tìm nhà cô và tôi lập thế mà biết cô chưa có chồng hay không?”
Cô Cúc-Hưong lắc đầu.
Thầy dụ-dự một hồi rồi nói tiếp nhỏ-nhỏ rằng: “Ấy là vì từ ngày tôi gặp cô một lần đầu, ai xui khiến không biết, mà về nhà tôi hoài-vọng cô hoài. Hơn một tháng nay, bữa nào tôi gặp cô thì trong lòng tôi vui, con bữa nào không gặp nhau thì tôi buồn-bực, ăn ngủ không được. Cách mấy bữa rày tôi lén đón mà đi theo cô coi cô về nhà nào, Nhờ làm như vậy tôi mới biết nhà cô và nhờ tôi hỏi thăm tôi mới biết gốc-tích cô. Tôi hay cô chưa có chồng thì tôi mừng hết sức. Theo lễ nghĩa, nếu tôi muốn kết tóc trăm năm với cô, thì tôi phải cậy mai-nhơn đem trầu rượu đến nói với ông mà xin cưới, chớ đón cô dọc đường dọc sá mà tỏ tình như vầy thì vô phép lắm. Nhưng nghĩ vì hiện bây giờ phụ-nữ đã tấn-bộ, thời-đợi nầy là thời-đợi tự-do hôn-nhơn. Vậy nên tôi muốn dọ trước coi ví như tôi cậy mai-nhơn đến nói mà cô đành hay không, rồi tôi mới dám bước tới”.
Cô Cúc-Hương chúm-chím cười mà đáp rằng:
- Hôn-nhơn là một việc quan-hệ lắm. Thầy nói như chuyện chơi vậy sao được.
- Tôi nói thiệt chớ nào phải nói chơi đâu.
- Phàm muốn kết vợ chồng, trước phải biết nhau, biết gốc-tích, biết tánh-tình rồi còn phải chắc trai với gái tâm đầu ý hiệp, phải chắc thương yêu mến trọng nhau rồi mới tính việc trăm năm được. Thầy mới gặp em trên xe điển có mấy lần, dầu thầy dọ biết nhà em chớ thầy chưa rõ tâm ý em, chưa rõ lai-lịch em, mà thầy nói việc hôn-nhơn, thì em e thầy vội quá. Huống chi em mới biết mặt thầy, chớ em chưa hiểu thầy là ai tên gì, nhà ở đâu, mà thầy hỏi ví như thầy cậy mai đến nói, em ưng hay không? Em xin lỗi thầy, thiệt câu hỏi đó em không thể trả lời được.
- Cô nói phải lắm. Tôi có vội một chút. Mà tôi xin cô xét lạt giùm, vì tôi quá thương cô nên tôi mới vội như vậy đó.
- Tại sao mà thầy thương em?
- Không biết tại sao mà mới gặp cô lần đầu, thì trong lòng tôi bắt thương cô liền.
- Em xin lỗi thầy, theo ý em tưởng, thì cái thương như vậy đó chưa đủ tánh-chất mà kết hôn-nhơn được.
- Tại sao vậy? Chớ phải thương cách nào?
- Cái thương mà có đủ tánh-chất cho mình kết hôn-nhơn là thương trầm-tịnh, biết nhau lâu ngày, lần lần trọng đức, mến ý, yêu nết, rồi mới thương kìa, thì cái thương ấy mới lâu dài, dầu trăm năm cũng không phai, không lợt. Chớ thầy mới gặp em, thầy thương liền, rồi thầy nói mà cưới em. Trong một vài tháng sau, thầy thấy tánh em không hiệp với tánh ý thầy, hoặc thầy gặp một cô khác hình vóc ngộ hơn em, rồi thầy phát tâm thương nữa, dường ấy hôn-nhơn là một việc rất tốt mà tự-nhiên nó thành ra một cái hại lớn, hại luôn cả và hai người hoặc trọn đời không biết hạnh-phước là gì, hoặc phải rời-rã chia-lìa, mang nhơ mang nhục.
Thanh-Khải nghe mấy lời của cô thì thở dài, ngồi ngẫm-nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Có lẽ tôi với cô có duyên-nợ sao đó, nên tôi thấy cô tôi mới đem lòng thương. Chớ từ nhỏ tới giờ tôi chua biết thương một con gái nào. Theo như lời cô nói đó thì tôi hiểu cô không thương tôi chút nào hết!”.
Cúc-Hương cười mà đáp rằng: “Thầy nói phải lắm. Em thương thầy sao được. Phận em là gái, em phải de-dặt, nhứt là gái sanh nhằm đời nầy là đời gian-trá xảo-quyệt, nếu gặp ai thương nấy, nếu nghe ai nói cũng tin hết, thì danh-giá của em còn gì mà kể”.
Thanh-Khải ngồi buồn hiu, không còn tiếng chi mà nói nữa.
Thình-lình trong ga có tiếng tu-hít thổi, hành-khách rùng-rùng leo lên xe rồi xe rút chạy.
Thanh-Khải bộ càng buồn-bực hơn nữa. Cúc-Hương tuy vậy có lẽ cô động lòng nên cô nói rằng: “Em xin thầy đừng phiền em. Vì bởi thầy cho em là gái tân-thời, thầy lấy thiệt tình mà tỏ tâm-sự cho em nghe, nên em phải lấy thiệt tình mà đối-đãi lại với thầy. Xin thầy về xét lại coi những lời em nói với thầy đó phải hay là quấy”.
Thanh-Khải gặc đầu đáp rằng: “Cô nói phải lắm chớ. Cô có biết tôi là ai đâu. Còn tình tôi thương cô thì cô cũng không biết thiệt hay là giả, thế thì cô làm sao mà thương tôi được, vậy tôi xin cho cô biết tôi tên là Bành-Thanh-Khải, năm nay 25 tuổi, nhà tôi ở Gò-Vấp, ở theo đường qua An-nhơn. Cha tôi hồi trước là Khách-trú, còn mẹ tôi là An-nam, song hồi tôi lọt lòng thì cha tôi đã chết, nên thuở nay tôi ở với mẹ tôi. Cha tôi có để lại cho tôi được 50 mẫu ruộng, còn mẹ tôi bây giờ có vốn trúc 10 muôn. Tôi học chữ Tây đã đủ dùng, bây giờ tôi được học tiếng Ăng-Lê đặng đủ tư-cách ngày sau buôn-bán. Gốc-gác và địa-vị của tôi như vậy đó. Thiệt tôi không phải thuộc về hạng sang giàu, song tôi hứa chắc, tôi sẽ làm sao cô được sung-sướng, được yêu-mến trọn đời. Nếu cô chê thì tôi nhứt-định trọn đời tôi không thèm cưới vợ”.
Cúc-Hương cười rồi ngó lơ ra cửa sổ, không trả lời.
Xe tới ga Xóm Gà, cô đứng đậy, cúi đầu từ-giã thầy mà leo xuống rồi đi tuốt, không ngó lại, Thanh-Khải ngồi trên xe dòm theo, mặt mày buồn xo. Xe vô tới Gò-Vấp, thầy leo xuống rồi thủng-thẳng đi bộ mà về nhà, tướng đi dật-dờ tâm-thần bất định.
Ðường Gò-Vấp qua An-Nhơn, ra khỏi chợ chừng 100 thước, bên phía tay mặt có một cuộc ở rộng-rãi, cao-ráo, sạch-sẽ, đẹp-đẽ, ai đi ngang cũng phải trầm-trồ. Một miếng đất chừng nửa mẫu mặt tiền dựa đường, đài lối 50 thước, bề vô chừng 100 thước. Bề dọc theo lộ thì gắn hàng rào chữ thọ đúc bằng sạn, còn ba phía kia thì xây tường giáp hết, tường bề cao chừng 2 thước rưỡi.
Chính giữa có làm một cái cửa ngõ lớn, cánh bằng sắt bông gắn vào cây cột gạch vuông, trên đầu cột có cậm lồng đèn lục giác. Chừa cái sân bề vô chừng 30 thước rồi cất một cái nhà ngói nền đúc vách tường, nhà cất theo kiểu kim-thời, một căn hai chái, nên tuy không nguy-nga đồ-sộ song có vẻ thanh-tao ngộ-nghĩnh phi-thường, Trong sân chính giữa thì xây bồn trồng bông, còn hai bên thì trồng mía, nhãn, bưỏi, cam, nhưng vì cây mới trồng vài năm, nên mới lên vừa khỏi đầu. Hai bên chái nhà thì lập vườn trầu phơi lá vàng-khè coi tươi tốt lắm. Phía sau nhà bếp, đất dốc chỗ cao chỗ thấp thì xẻ liếp trồng cau lộn với thơm tàn-ong.
Cuộc ở xinh đẹp nầy là cuộc của mẹ con Bành-Thanh-Khải.
Thanh-Khải về tới nhà mở cửa ngõ bước vô sân. Bông đua nở khoe đủ màu sắc, cây sum-sê phơi lá nẩy chồi; cảnh-vật tươi-cười như chào chủ, tiếc vì Thanh-Khải tình không phỉ ý đương buồn, nên ngó bông-hoa đã không vui mà lại còn thẹn. Thầy lầm-lũi bước riết lên thềm mà vô nhà.
Trong nhà, căn giữa, có đặt một cái bàn thờ Phật Quan-Âm. Trên bàn thờ có chuông, có mõ, có chưng bông sen, bông huệ, lại đèn nhang đốt huy-hoàng, khi Thanh-Khải bước vô, thì mẹ là Lý-Thị-Ðằng, đầu trọc-lóc, mình mặc áo rộng nhuộm dà, đương quì lạy trước bàn Phật. Thầy nhón gót bước nhẹ-nhẹ, đi thẳng vô buồng thay quần áo, rồi lên giường mà nằm.
Vả Thị-Ðằng thì ăn chay trường, còn Thanh-Khải thì ăn mặn, nên mẹ con không bao giờ ăn cơm chung. Người trong nhà thấy Thanh-Khải về bèn lật-đật dọn cơm. Thầy nói không đói và biểu bưng dẹp. Lúc người sửa-soạn bưng mâm cơm xuống bếp thì Thị-Ðằng lạy phật rồi bà bước vô. Bà thấy mâm cơm còn y-nguyên, bà tưởng con đã ăn cơm ngoài Sài-gòn rồi nên bà không gạn hỏi duyên-cớ làm sao mà con không ăn.
Té ra Thanh-Khải nằm dàu-dàu trong phòng cho đến chiều. Chừng dọn bữa cơm chiều thầy gượng ra ngồi ăn, nhưng mà trí thầy lững-đững lờ-đờ, ăn không biết ngon, ráng ăn cho hết chén cơm rồì buông đũa.
Thị-Ðằng liếc mắt dòm coi, thấy khí-sắc của con buồn-thảm khác-thường, thì bà lấy làm lạ, song không hỏi. Ðến tối bà tụng kinh niệm Phật rồi, bà thấy con thơ-thẩn đi ngoài sân, bà bèn bước ra ngồi tại cái băng để bên thềm rồi bà kêu con lại biểu ngồi một bên mà hỏi rằng: “Con đi học, có việc chi trắc-trở lắm sao, mà ngày nay má thấy con buồn-bực lắm vậy? Con hãy nói cho má nghe thử coi?”
Thanh-Khải ngồi lặng thinh không trả lời.
Thị-Ðằng suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Má sanh có một mình con, má coi con như vàng như ngọc. Má cạo đầu ăn chay, lánh xa trần tục, ngày đêm cứ tụng kinh niệm Phật, ấy là má muốn cầu cho tiêu-diệt các điều tội-lỗi má làm trong kiếp nầy và cầu cho con được phước-đức trọn đời, nhứt là khỏi dây oan trái, nghĩa là khỏi cái nợ của cha mẹ vay, con cháu phải trả. Má thương con như vậy, chẳng những má lo cho con no ấm mà thôi, mà má còn lo về cái âm-đức của con nữa. Sao con không tin má, con có việc buồn rầu, con không nói cho má biết, đặng má cầu nguyện cho con”.
Thanh-Khải thở ra mà đáp rằng :
- Việc con buồn, khó mà nói ra cho được.
- Ở đời có việc chi buồn mà không nói ra được đâu. Con buồn là vì con uất trong lóng. Hễ uất thì phải tỏ cho má biết, đặng má khuyên bảo cho chớ.
- Con nói thiệt với má, con buồn đây là buồn vì tình. Có một cô con thương yêu hết sức, mà coi bộ cô không thương con.
- Trời Phật ôi!...
Thị-Ðằng la Trời rồi day qua nhìn con trân-trân. Yếng trăng[1] giọng vào mặt Thanh-Khải làm cho bà thấy rõ-ràng hai làng nước mắt chảy ròng-ròng.
Thi-Ðằng ngó con rồi cũng rưng-rưng nước mắt, chắt lưỡi lắc đầu mà nói rằng:
- Rõ ràng là dây oan. Cha mẹ trước vì ái-tình mà mang tội lỗi, nay con phải đau-đớn vì ái tình mà trả nợ tiền-khiên! Lưới Trời phủ vây không thế lọt khỏi... Má thường khuyên dạy con: Ái tình là một lò lửa để đốt lòng người, hễ mang lấy lò lửa ấy vào mình thì cuồng trí loạn tâm, rồi dầu giết người cũng không gớm tay, dầu tự-sát cũng không tiếc mạng. Sao con không xa lánh cái lò lửa hiểm-nghèo ấy, lại mang lấy vào mình làm chi.
- Thuở nay con nghe lời má, nên con tránh khỏi luôn-luôn. Thình-lình dây ái tình lần lần buộc chặt lòng con một ngày thêm một chút, con không dè. Chừng con biết thì đã trễ rồi, không thể gỡ được. Mà con thương cô nọ, con nghĩ chắc không phải là ái-tình tầm thường. Ấy là cái nhơn-duyên của con đó a má.
- Nhơn-duyên! Sao con biết là nhơn-duyên?
- Vì thuở nay con thấy sắc chẳng bao giờ con động tâm. Mà nay con gặp cô nầy mới một lần đầu thì trong lòng con đã khó chịu, rồi lần lần bắt thương nhớ ăn ngủ không được. Vì vậy nên con tưởng con với cô đó có nhơn-duyên gì nên Phật Trời mới khiến như vậy chớ.
- Việc đời má thấy nhiều hơn con. Má đã thấy rõ-ràng có khi trai với gái đều thương yêu nhau, thề nguyền cùng nhau, quyết kết tóc trăm năm với nhau, tưởng là nhơn-duyên Trời định, té ra không phải nhơn-duyên, nên gần hiệp mà rồi phải tan, lại tan một cách đau-đớn, làm cho trọn đời phải khổ-não. Con nói con thương cô nào đó mà coi bộ cô ấy không thương con, thế thì có phải là nhơn-duyên đâu mà con sầu thảm. Má khuyên con đừug thèm tưởng tới người đó nữa, Ngưởi ta không nghĩ đến con, tức-thị người ta chê con, như vậy mà con thương nỗi gì.
Thanh-Khải ngồi im-lìm một hồi lâu rồi thở dài mà nói rằng:
- Có lẽ má nói phải. Sợ cô ấy không phải là nhơn-duyên của con. Mà con lỡ thương cô rồi, hình-dạng của cô đã chạm vào trong óc con, ngày đêm ăn hay là nằm ngồi gì con cũng thấy cô ở trước mặt con luôn luôn, con quên cô sao được…có lẽ con phải chết thì hoặc may mới hết thương...
Thị-Ðằng lắc đầu nói lầm-thầm rằng : “Phải lắm rồi! Quả-báo nhãn tiền!”
Bà ngồi ngẫm-nghĩ một lát rồi hỏi con rằng:
- Cô nào ở đâu mà làm cho con đến nỗi cuồng trí loạn tâm như vậy? Con có thể chỉ cho má biết được hay không?
- Cô đó lạ, má không biết đâu.
- Cô tên gì, con của ai ở đâu?
- Cô đó tên là Phan-Thị Cúc-Hương. Cô làm giáo-sư dạy trường con gái, ngoài Dakao, mà nhà cô ở Xóm Gà. Con hỏi thăm thì người ta nói cô là con của ông Phán Nhãn.
Thị-Ðằng biến sắc, giựt mình, ngồi lập lại rằng: “Cô họ Phan... Cha tên Nhãn... Úy! Cha chả! Nếu mà phải như vậy thì còn rối hơn nữa!”
Bà day qua mà hỏi rằng:
- Cô ấy mấy tuổi, con biết hôn?
- Con không có hỏi, song con chắc cô chừng 20 tuổi, mà có lớn lắm là 22 tuổi, chớ không lớn nữa.
- Cô họ Phan?
- Thưa, phải.
- Cha cô tên Nhãn?
- Thưa, phẳi. Ông Phán Nhãn hồi trước làm việc Tòa, bây giờ hưu-trí mua nhà ở Xóm Gà. Ông không có vợ, ở một mình với con.
Thị-Ðằng nghe rõ bà vùng đứng dậy, la hai tiếng: “Trời ôi!” rồi bà té xỉu trên cái băng.
Thanh-Khải lật-đât đỡ mẹ mà dắt vô nhà.
Thị-Ðằng thở dốc mà miệng cứ niệm : “Nam mô A-Di-Ðà Phật. Nam-mô A-Di-Ðà Phật”. Chừng Thanh-Khải để bà nằm trên bộ ván rồi, bà mở mắt trao-tráo mà nói rằng : “Cầu nguyện hơn hai mươi năm trường mà tội-ác cũng chưa tiêu-diệt, nghiệp-chướng vẫn còn mang, ác nhơn lại hiện ác quả! Biết làm sao bây giờ?”.
Thanh-Khải ngồi bên mẹ, hai tay nắm chặt tay mẹ, và khóc và nói rằng: “Vì con mà mẹ phải đau đớn như vầy, thiệt tội của con lớn lắm”.
Thị-Ðằng lồm-cồm ngồi dậy ngó con sửng-sổt mà nói rằng: “Con làm cho má đau-đớn đây, tội cũng chưa mấy lớn. Con mà cưới cô con thương đó, tội mới lớn bằng mười lận, con ôi! Má xin con phải lánh xa cô ấy, đừng có tưởng tới cô nữa. Má nói con phải nghe lời”.
Thanh-Khải ngó ngay mẹ mà hỏi rằng:
- Tại sao con thương cô Cúc-Hương, con cưới cô mà lại có tội?
- Không nên, con ôi!
- Tại sao mà không nên? Xin má nói cho con biết.
- Má không thể nói được. Nếu con biết công ơn má mang nặng đẻ đau, con thương má chút đỉnh, thì xin con đừng có hỏi nhiều lời dông-dài. Con xa lánh cô, con đừng thương tưởng đến cô nữa, thì là đủ trả ơn sanh thành cho má rồi.
- Nếu má không chịu nói cho con biết tại làm sao con cưới cô Cúc-Hương mà có tội, thì có thế nào con không thương tưởng cô nữa được.
- Nói ra không được, con ôi. Xin con thương má con đừng có hỏi việc ấy nữa. Nếu con muốn cưới vợ, lựa chỗ nào khác, dầu tốn hao mấy muôn má cũng ráng lo mà cưới cho con. Xin con chừa chỗ đó mà thôi.
Thanh-Khải rưng-rưng nước mắt mà nói rằng: “Nếu con không kết tóc trăm năm với cô Cúc-Hương được, thì con không thèm chỗ nào khác hết”.
Thị-Ðằng nghe con nói mấy lời, vùng quì trên ván day thặt lại phía bàn Phật, hai tay chấp trước ngực, cặp mắt nhắm lim-dim, miệng niệm rằng: “Nam-mô A-Di-Ðà Phật! Nam-mô Bản-Sư Thích Ca Phật! Nam-mô Quan-Thế-Âm Bồ-Tát!”
Thanh-Khải thấy mẹ niệm Phật thì lật-đật đứng dậy, bước tránh vô buồng, mặt buồn hiu.