Xe điển ở Gò-vấp chạy ra Sài-gòn, tới nhà ga Xóm Gà, thì ngừng cho thiên-hạ lên xuống. Chuyến xe nầy nhằm chuyến của mấy thầy đi làm việc, bởi vậy trên xe hành-khách đông-đảo ngồi giáp hết, không còn một chỗ trống. Mà xe vừa ngừng thì dưới ga lại có gần 20 người chen lấn nhau giành leo lên xe nữa. Vì trong xe đã chật rồi, nên mấy người mới lên sau phải chòm-nhom đứng phía ngoài chớ không có chỗ ngồi.
Trong đám đứng ngoài đây có một cô thiếu-nữ, tuổi chừng 20 hoặc 22, trang-điểm cùng là y-phục đều đáng theo kiểu kim-thời.
Cô mặc một cái áo màu khói-nhang với một cái quần lụa trắng, hàng lụa tầm-thường chớ chẳng chi quí nhưng mà áo may thợ nhấn eo lưng, cắt kích hẹp rồi lại thả thùng rộng cho phê tròn, còn quần thì giún lưng, lại rộng ống, nên phía trên sát-sao, phía dưới đầy-đặn, coi thiệt là đẹp mắt. Áo quần đã sắc-xảo mà cô lại còn mang một đôi giép cao gót da màu xám, một tay ôm một cái bóp đầm với vài cuốn sách, một tay cầm cây dù cán cụt, đầu bới tóc sát ót mà không choàng khăn. Cách ăn mặc đã đẹp mà lại thêm gương mặt cô tròn, hàm răng cô khít, cặp mắt nghiêm-chỉnh, nước da trong ngần, giồi phấn thoa son vừa phải mà thôi, nên ai thấy cô cũng biết cô ở vào hàng mỹ-nữ kim-thời, nhưng mà nhờ cái nét nghiêm-nghị tư-nhiên của cô nên không ai đám lẳng-lơ hay là khinh-thị.
Cô vịn cây sắt mà đứng phía ngoài, xe chạy dục-dặc làm cho cô ngã qua ngã lại, đụng mấy người đứng gần, mỗi lần đụng cô châu mày coi thế trong lòng cô khó chịu lắm.
Xe tới ga Bình-hòa ngừng nữa.
Có một thầy, trạc chừng 25 tuổi tay ôm vài cuốn sách, mặc một bộ đồ âu-phục bố trắng may cũng theo kiểu kim-thời, cổ thắt nơ đen chơn mang giày vàng, nãy giờ ngồi trong xe liếc ngó cô nọ luôn, chừng xe ngừng thầy đứng dậy, dở nón chào cô và mời cô vô ngồi chỗ của mình cho thong-thả.
Cô bị đứng một khúc đường, lúc đụng chạm đờn-ông cô lấy làm khó chịu, mà cô lại tưởng thầy bỏ chỗ mà xuống xe, nên nghe thầy mời thì cô mừng, cô cám ơn thầy rồi bước vô trong mà ngồi liền. Té ra cô ngồi rồi, xe vụt chạy, cô ngó ra thì thấy thầy đứng chỗ của cô hồi nãy, chớ không phải thầy xuống xe. Cô nghĩ thầm rằng: “Thầy nầy biết lễ quá. Lên xe biết nhường chỗ cho đờn-bà”. Nghĩ như vậy rồi thôi, cô khòng để ý tới thầy nữa.
Xe ra tơi ga Dakao. Cô bước ra mà xuống. Ði ngang qua thầy, cô cúi đầu tỏ ý cám ơn nữa. Thầy cững dở nón chào cô, mà lần nầy chào, miệng thầy lại chúm-chím cười, mặt thầy coi hớn-hở.
Cô nầy là ai?
Thầy nầy là ai?
Nên nói phứt cho rồi, đặng độc-giả khỏi nhọc lòng tìm kiếm.
Cô tên là Phan-Thị-Cúc-Hương, năm nay cô đã được 22 tuổi rồi, mà chưa có chồng. Cô học tại trường Nữ Học-Ðường Sài-gòn, cách hai năm trước cô thi đậu Diplôme về Brevet Elémentaire một lượt, mà đến năm nay cô mới được cấp bằng làm Nữ Giáo-sư tại trường con gái Dakao. Cô không có mẹ, thuở nay ở với cha là ông Phán Phan-Thanh-Nhãn. ông nầy hồi trước làm thông-ngôn Tòa-Án, lần lần lên tới chức Thông-Phán, vì con được cấp bằng Nữ Giáo-viên tại trường Dakao, nên ông xin hưu-trí mà dưỡng lão; ông mới mua một cái nhà ngói nhỏ ba căn tại đường Cây Quéo, gần ga Xóm Gà, đặng cha con ở với nhau, con đi dạy học, cha trồng bông sửa kiểng, lánh xa thế-tục, vui thú cầm thi.
Còn thầy tên là Bành-Thanh-Khải, năm nay thầy được 25 tuổi, mà cũng chưa có vợ. Thầy mồ-côi cha từ khi mới lọt lòng, từ nhỏ chí lớn thầy ở với mẹ là Lý-Thị-Ðằng. Bà nầy hồi trước ở tại châu-thành Nam-vang, chuyên nghề trữ mà bán: tiêu, đường, khô tra; đậu khấu, gần 20 năm nhờ buôn may bán đắt, nên bà gây dựng một cái gia-tài trên mười muôn đồng bạc. Vì bà đã trộng tuổi rồi mà con lại nài-nĩ nói học chữ Pháp đủ dùng và xin học chữ Ăng-Lê đặng ngày sau tiện bề buôn-bán, nên cách ba năm nay bà bán hết nhà cửa phố xá trên Nam-vang, tom góp tiền bạc dắt con trở về Nam-kỳ, kiếm mua một miếng đất gần chợ Gò-vấp rồi cất một cái nhà, mẹ con ở với nhau, con thì mỗi buổi sớm mai ra Sài-gòn học chữ Ăng-Lê, còn mẹ thì hằng ngày ở nhà lo niệm Phật, không chơi-bời, không giao-thiệp với ai hết.
Buổi sớm mơi nầy, Thanh-Khải cần dùng mua đồ Sài-gòn phải đi trước vài chuyến xe, nên mới gặp cô Cúc-Hương đi dạy học đó.
Cách ít bữa sau, hai người gặp nhau trên xe điện nữa. Thầy chào cô, cô đáp lễ, rồi ai ngồi chỗ nấy, không nói với nhau một tiếng chi hết. Vì cô tới chỗ trước, nên xe ngừng thì cô đứng dậy cúi đầu từ giã thầy. Thầy dở nón đáp lễ, rồi cô xuống xe, hai người chỉ lấy cặp mắt mà chào hỏi nhau vậy thôi.
Mỗi bữa, trước 7 giờ rưỡi sớm mơi và 2 giờ ruỡi chiều cô phải có mặt tại nhà trường, nên cô đi xe đúng giờ cho khỏi trể-nải. Còn thầy thì 8 giờ rưởi sớm mơi thầy mới khởi học, nhưng mà từ khi gặp cô rồi thì thầy lại hay đi trước giờ. Vì vậy nên thầy gặp cô thường thường hoài, mà lần nào gặp thì cũng chào nhau rồi thôi, chớ không ai nới tới ai.
Một bữa nọ trời mưa dầm-dề, Cô Cúc-Hương đứng trong nhà ga Xóm Gà mà chờ xe. Chừng xe tới cô phải che dù mà lên xe, song giọt mưa cũng nhểu ướt vạt áo cô vài chỗ.
Thầy Thanh-Khải ngồi trong xe dòm thấy cô leo lên thì lộ sắc mừng. Chừng cô bước vô thì thầy đứng dậy chào cô rồi chỉ chỗ trống ngay trước mặt thầy và mời cô ngồi. Cô ngồi yên rồi, cô lấy khăn mu-soa trong bóp ra mà lau vạt áo, theo mấy chỗ mưa ướt. Cô và lau và ngó thầy mà cười và nói rằng: "Trời mưa dữ quá". Thầy nghe cô nói mấy tiếng thì thầy mừng khất-khởi, muốn thừa dịp ấy mà nói chuyện với cô, song thầy bốí-rối kiếm không ra chuyện, túng quá thầy nói rằng: “Trời mưa hoài, hồi nãy ở Gò-Vấp tôi ra ga, có áo mưa mà cũng không khỏi ướt“.
Thầy nói có bao nhiêu đó mà thôi. Chừng xe ra tới ga Bà Chiểu thầy mới kiếm được một câu mà hỏi rằng :
- Cô có việc chi ngoài Dakao mà hổm nay tôi gặp cô đi thường như vậy?
- Em đi dạy học.
Thầy kiếm không ra chuyện nữa, nên ngồi lặng-thinh cho tới xe ra Dakao cô từ-giã leo xuống, thầy chong mắt ngó theo, sắc mặt buồn hiu.
Ngày ấy thầy lấy làm tức thầm trong lòng, đã có dịp được ngồi gần cô, đã có dịp cô khởi đầu mà nói chuyện, mà vì cớ nào mình lại lính-quýnh không dám mở miệng, kiếm không ra lời. Ví như mình hỏi nhà cô ở đâu, cô có chồng hay chưa, hoặc cô tên gì, con của ai, hỏi những câu như vậy có ý nghĩa vô lễ chỗ nào đâu, mà sợ nên không dám hỏi.
Thầy tức giận cái thói nhút-nhát vô-lý, nên thầy quyết-định hễ gặp cô nữa thì thầy sẽ hỏi những điều ấy không sợ chi nữa hết, Tính một mình thì hăm-hở như vậy, mà bữa sau gặp cô, thì y như bị nghẹn trong lòng, ngồi một hồi rất lâu rồi mới hỏi rằng: “Nhà cô ở gần ga Xóm Gà phải hôn?”
Cô nghe hỏi, thì cô nghiêm nét mặt mà ngó ngay thầy mà đáp rằng : "Thưa, em ở trong đường Cây Quéo".
Hỏi một câu, trả lời cũng một câu mà thôi, không nói chuyện chi nữa hết.
Thầy càng thêm tức giận, về nhà ăn cơm không được, trong trí cứ tính hoài, coi phải làm cách nào đặng biết nhà cô, biết tên cô và biết gia đạo của cô. Thầy suy-nghĩ đến 4 giờ chiều rồi thay đồ nói với người nhà rằng thầy đi chơi. Thầy mua một cát giấy xe điển mà đi xóm Gà.
Chiều bữa ấy trời thanh-bạch mát-mẻ. Xe tới Xóm Gà, thầy leo xuống rồi thủng-thẳng đi lại ngã tư vô Cây Quéo, đứng ngó mông.
Thầy muốn đi vô đường ấy đặng tìm nhà cô mà rồi thầy nghĩ mình chưa biết tên cô thì làm sao hỏi thăm nhà cho được.
Thầy dụ-dự nên đi thơ-thẩn qua lại trước nhà ga. Thầy tính đợi cô đi dạy học về thầy sẽ nom theo coi cô vô nhà nào rồi sẽ lập thế mà hỏi thăm lai-lịch.
Gần 5 giờ rưỡi, thầy liệu cô sẽ về, nên thầy dang ra xa nhà ga một khúc đặng đứng chờ cho cô khỏi ngó thấy.
Thiệt quả chuyến xe ngoài Sài-gòn vô vừa ngừng, cô Cúc-Hương trên xe bước xuống rồi xâm-xâm đi lại ngã tư mà quẹo vô đường Cây Quéo.
Thầy Thanh-Khải dòm thấy, nên thủng-thẳng đi theo xa xa.
Bữa nay cô mặc một bộ đồ lụa trắng mới tinh, tay ôm bốp, tay xách dù, bước dịu-dàng, tướng đi yểu-điệu, ánh mặt trời giọi cô, làm cho sắc của cô càng thêm đẹp hơn nữa. Chẳng hiểu cô có hay người ta đi theo cô hay không, mà cô cứ đi tự-nhiên, không day lại mà ngó phía sau lưng.
Thầy thấy cô đi gần tới ngã ba Quản Tám rồi quẹo vô cửa ngõ một cái nhà bên phía tay mặt, Thầy ngừng lại chờ cô vô nhà rồi thầy thủng-thẳng đi ngang qua, mắt liếc coi nhà cửa thế nào.
Thầy thấy một cái nhà ngói ba căn vách ván, nhà còn mới, tuy nhỏ mà nhờ nền cao, nên coi vẻ-vang mát-mẻ lắm. Trước nhà có một cái sân, giữa sân có xây một hòn non nhỏ, chưng-quanh có liếp trồng toàn những huệ, ngải, cẩm-nhung, hường tây, bông đương đua nở, chỗ đỏ chỗ trắng, coi đẹp mắt vô cùng. Dọc theo hàng ba nhà, lại có để một hàng kiểng, cây sửa điệu xuy-phong, cây sửa điệu chiếu-thủy, làm cho người đi đường ngó vô, ai cũng biết cái nhà nầy là nhà của một đứng phong-lưu nhơn-vật.
Thanh-Khải đi qua khỏi rồi thì trong lòng khấp-khởi, mừng được biết chỗ ở của người mình ái mộ mấy tuần nay. Mà biết chỗ ở cũng chưa đủ, còn phải biết lai-lịch của người nữa mới được.
Thầy đương thơ-thẩn, bỗng thấy một người đờn-ông đang xách nước giếng lên mà tưới rau cải trồng trước sân. Vì cái sân nầy chạy luôn ra lề đường lại không có rào giậu chi hết, nên thầy đứng lại mà ngó rồi nói với người tưới nước ấy rằng:
- Rau anh trồng tốt quá há.
- Tháng nầy còn mưa, nên không mấy tốt. Chừng nắng đây rau mới tốt nữa.
- Tại sao tháng nắng mới tốt?
- ...
- Sao anh không trồng bông như người ta lại trồng rau?
- Người ta giàu có, họ trồng họ chơi. Tôi nghèo tôi phải lo trồng rau cải mà bán chớ trồng bông không có lợi.
- Trồng bông bán cũng đặng tiền lắm chớ.
- Trồng cho nhiều kìa, chớ đất ít trồng sao cho đủ bán.
- Có nhà đàng kia trồng bông coi tốt quá.
- Nhà nào ở đâu?
- Nhà có hòn non đó, không biết nhà của ai?
- Ờ ờ! Nhà ông Phán đa.
- Ông Phán nào đó? Anh biết tên hôn?
- Sao lại không biết, ông Phán Nhãn đa. Ổng phong-lưu quá, tối ngày ổng ở nhà cứ lo săn-sóc mấy liếp bông với mấy chậu kiểng, ai mà bì kịp ổng.
- Ổng không làm việc hay sao?
- Ổng già, ổng hưu-trí rồi. Bây giờ ổng ở nhà lãnh tiền hưu-trí, ổng xài không hết, mà lại đứa con gái làm cô giáo đạy trường Dakao nữa, ổng khỏe lắm mà.
- Chà! Có con làm cô giáo nữa?
- Chớ sao. Cô Cúc-Hương đó. Cổ học giỏi lắm. Con gái mà ăn lương một tháng tới năm sáu chục.
- Chưa có chồng hay sao mà anh kêu người ta bằng con gái.
- Chồng con đâu có. Ở nhà có hai cha con với một tên bồi và một chị nấu ăn.
- Còn bà Phán đâu?
- Không có. Ông Phán mua đất cất mà ở đây hơn một năm nay thì tôi thấy ổng ở với con gái ổng đó thôi chớ không có vợ.
- Ổng vui-vẻ tử-tế hôn?
- Tử-tế lắm mai thầy ghé đó coi bông chơi, ổng mừng lắm.
- Không có quen mà tới chơi sao được?
- Có sao đâu mà sợ. Tụi tôi nghèo-hèn mà tới chơi ổng còn niềm-nở hết sức, huống chi là thầy.
- Nếu vậy để bữa nào tôi ghé xin phép ổng để coi bông coi kiểng chơi.
- Ðược mà.
Thanh-Khải từ-giã người trong rau ấy mà đi, trong lòng rất mừng, vì tình-cờ mà được biết hết những điều mình muốn biết. Thầy trở lộn về, chừng đi ngang qua nhà cô Cúc-Hương vô hồi nãy, thì thầy thấy có một người trên 50 tuổi, mình mặc đồ mát, tóc râu bạc hoa-râm, đương xẩn-bẩn trước sân mà xem bông. Thầy định chắc người ấy là ông Phán Nhãn, thầy đi thủng-thẳng mà ngó ông, thì thiệt quả người tướng-mạo ôn-hòa, sắc mặt đạo-đức đáng kính đáng mến.
Từ nhỏ chí lớn Thanh-Khải ở với mẹ thì mẹ thường giảng dạy những lý-thuyết: “Ái-tình là một lò để đốt lòng người, hễ mang lấy lò lửa ấy vào mình thì cuồng trí loạn tâm, rồỉ dầu giết người cũng không gớm tay, tự-sát cũng không tiếc mạng. Còn vợ chồng thì phải có nhơn-duyên, nếu không có nhơn-duyên mà mình cượng-cầu, thì dầu ở một bên nhau cũng không hội-hiệp được. Ấy vậy làm người phải gìn-giữ, chẳng nên để ái-tình buộc vào mình, còn vợ chồng thì phải để cho Phật Trời khiến định, chẳng nên bôn-chôn hốt-tốc mà trái nhơn-duyên”.
Thanh-Khải nghe những lý-thuyết như vậy đã nhàm tai, mà lại vì thương yêu kính-trọng mẹ, nên coi lời của mẹ cũng như lời Thần Thánh dạy. Thuở nay hễ thấy con gái thì thầy nhớ lời mẹ dặn, nên kiêng-dè, chẳng hề để ái-tình thấm vào lòng. Còn việc cưới vợ thì thầy phú-thác cho Phật Trời, chờ coi Phật Trời định nhơn-duyên nơi nào rồi thầy sẽ liệu.
Tánh chất của thầy như vậy, mà chẳng hiểu vì cớ nào từ ngày thầy gặp cô Cúc-Hương thì trong lòng thầy khoan-khoái, trong trí thầy mơ-màng, ngày như đêm, thầy cứ thấy hình-dạng cô chàng-ràng trước mặt thầy hoài; mấy phút đồng-hồ gần cô trên xe thì thầy khoái-lạc hớn-hở cũng như ở trong động tiên, còn hễ vắng mặt cô rồi thì thầy dật-dờ buồn-bực cũng như ở trong cửa hắc-ám. Nay thầy được biết cô là gái chưa chồng, cha của cô là ông Phán Nhãn hưu-trí, nhà ở đường Cây Quéo, thì thầy lại càng khoan-khoái hơn nữa. Thầy không cho sự thầy thương nhớ cô Cúc-Hương đó là tại dây ái-tình buộc vào lòng thầy, mà thầy lại tin chắc rằng thầy với cô có nhơn-duyên với nhau, nên Phật Trời mới khiến xui gặp gỡ.
Tánh thầy thuở nay nhút-nhát bao nhiêu thì bây giờ lại quả-quyết bấy nhiêu. Thầy nhứt-định phải hỏi cô Cúc-Hương coi cô có đành kết tóc trăm năm với thầy hay không. Nếu cô đành, thì thầy sẽ thưa với mẹ đặng cậy mai-nhơn nói mà cưới cô.
Thanh-Khải quyết-định như vậy rồi thì trong trí thầy bớt buồn-rầu, bớt thương nhớ cô Cúc-Hương. Thầy hớn-hở mà tính tổ-chức bề ăn ở của thầy vói cô sau khi phối-hiệp. Chẳng những là thầy tính không cho cô đi dạy học cực-nhọc nữa, mà thầy lại còn tính hễ gần đám cưới thì thầy sẽ xin phép mẹ mà mua một cái xe hơi tốt, kiểu kim-thời, đặng vợ chồng đi chơi.
Thầy hưởng sự-ngtliệp của cha để lại được 50 mẫu ruộng tốt trong tỉnh Vĩnh-long; còn mẹ của thầy thì có bạc gởi băng trên 10 muôn, mà mẹ cứ tụng kinh niệm Phật không ăn xài chi hết, tự-nhiên số bạc ấy ngày sau cũng về phần thầy hưởng nữa. Thầy đủ sức mà làm cho cô hưởng hạnh-phước trọn đờì, sau sanh con thì thầy sẽ lo cho con ăn học trở nên người đúng-đắn.
Cái tiền-trình thầy vẽ sơ mà coi đẹp-đẽ vô cùng.