Vừa làm người cha, vừa đóng vai trò làm mẹ, cùng con vượt qua hơn 2.000 ngày, tôi thực sự thấu hiểu câu nói của Bạch Nham Tống: “Đau nhưng vui vẻ hạnh phúc”. “Đau” vì nỗi đau của con gái, “vui” vì nhìn thấy con gái kiên cường, hiểu chuyện, “hạnh phúc” vì cảm nhận được tình yêu và sự cảm thông của con dành cho tôi.
Một bức thư điện tử, vợ tôi “rời bỏ” tôi
Ở phần trước như tôi đã kể, sau khi cuốn Chơi qua tiểu học được phát hành, tôi cùng con gái đến rất nhiều nơi để tuyên truyền quảng bá, mãi đến cuối tháng sáu, chúng tôi mới trở về Trùng Khánh.
Tháng sáu thời tiết ở Trùng Khánh nóng như đổ lửa, mấy ngày liên tục nhiệt độ đều rất cao khiến tôi phiền muộn bất an. Lúc này tôi đột nhiên có ý tưởng rời xa thành phố này, trong lòng tôi thực sự rất thích thành phố và những con người nơi đây, nhưng tôi không thể thích nghi được với thời tiết và đồ ăn ở đây, còn một điều nữa là nơi đây cách quê tôi quá xa.
Đối với những người hay phiêu bạt nay đây mai đó thì việc thay đổi chỗ ở liên tục là việc rất đỗi bình thường. Mỗi khi rời nơi ở cũ chuyển đến một nơi ở mới, ngoài tâm lý hướng tới nơi ở mới, kỳ vọng với cuộc sống mới, trước giờ tôi không hề có thói quen nuối tiếc những gì thuộc về nơi cũ. Tôi cũng không có thời gian để nhìn lại những chặng đường đã qua, vì những điều ở trước mắt có sức hấp dẫn quá lớn, nhiều năm trở lại đây, nhìn về phía trước và không dừng bước đã trở thành thói quen của tôi. Nhưng thấm thoắt tôi cũng đã bốn mươi tuổi, chim mỏi tìm về tổ ấm, tôi bắt đầu nghĩ đến việc định cư hẳn ở một nơi nào đó.
Từ mùa xuân năm 1983 tôi bắt đầu rời quê, trong hai mươi tám năm tôi đã sống ở hơn mười tỉnh thành phố từ Nam tới Bắc, cuộc sống phiêu bạt như vậy rất thích hợp với tính cách con người tôi, nếu như không phải đã là chồng, là cha, có lẽ tôi sẽ sống mãi cuộc sống như vậy. Vì muốn cho vợ con một cuộc sống ổn định, để con có điều kiện phát triển tốt hơn, tôi quyết định kết thúc cuộc sống du cư, tìm một thành phố mà mình yêu thích và định cư, như các bạn tôi nói: An cư mới lạc nghiệp.
Đối với những người làm nghề tự do như tôi, sống ở thành phố nào thì cũng không ảnh hưởng lớn lắm đến sự nghiệp, nhưng tôi vẫn có những yêu cầu nhất định đối với nơi tôi sẽ gửi gắm nửa quãng đời còn lại: Thứ nhất là phải ở phía Bắc, thứ hai phải gần biển và thứ ba thành phố đó phải ít nhất là thành phố trực thuộc tỉnh. Với ba điều kiện này thì chỉ có ba thành phố lọt vào danh sách là Thiên Tân, Thanh Đảo và Đại Liên. Thiên Tân thì cách biển cũng khá xa, mùa hè lại oi bức ngột ngạt, vì thế sớm đã bị loại ra khỏi danh sách, chỉ còn lại Thanh Đảo và Đại Liên.
Với tôi giữa hai thành phố này vẫn có sự khác biệt, thứ nhất Đại Liên vẫn gần quê nhà của tôi hơn là Thanh Đảo, thứ hai tôi là người Đông Bắc, về Đại Liên sẽ có cảm giác về nhà mà ở Thanh Đảo không thể có được. Khi biết tôi nghiêng về Đại Liên nhiều hơn, vợ tôi kịch liệt phản đối, cô ấy muốn về Yên Đài định cư, có rất nhiều lý do trong đó có một lý do là: Yên Đài là quê của cô ấy, cô ấy không muốn phiêu dạt cùng với tôi nữa. Để thuyết phục cô ấy đến Đại Liên định cư, khi còn ở Trùng Khánh tôi đã gửi cho cô ấy một bức thư điện tử với nội dung “Tám lý do để chọn Đại Liên là nơi định cư và phát triển”.
Dù là thế nhưng vợ tôi vẫn kiên quyết ở lại Yên Đài, cuối cùng cô ấy nói với tôi: “Anh muốn đến Đại Liên thì mình anh đi!”. Tôi không biết làm gì hơn, ngày 8 tháng 7 tôi đóng gói những vật dụng cần thiết gửi đến Đại Liên, tạm biệt bạn bè ở Trùng Khánh, rồi về Yên Đài. Ở nhà hai ngày, tôi chơi cùng Y Y một ngày, giúp con trả lời thư của một số độc giả nhí, sau đó một mình cô độc bước lên thuyền đến Đại Liên…
Ngày thứ 19 sau khi đến Đại Liên, vợ tôi gọi điện cho tôi thông báo có gửi cho tôi một bức thư điện tử, nói tôi dành thời gian mở ra xem. Chuyện không thể nói qua điện thoại mà phải viết email nhất định không phải là chuyện bình thường, trước khi mở thư, tôi đã nghĩ đến vài khả năng nhưng sự thực lại nằm ngoài tưởng tượng của tôi.
Bức thư rất dài nhưng nội dung chính chỉ có một: Ly hôn!
Từ trước tới nay tôi luôn cho rằng cuộc hôn nhân của mình vững như thành đồng. Làm công việc tư vấn tâm lý mười mấy năm nay, tôi đã giải quyết khó khăn trong hôn nhân của hàng vạn người, giúp đỡ không ít người cứu vãn hôn nhân của họ, vậy mà giờ hôn nhân của chính mình lại đang trên bờ đổ vỡ. Tôi vốn thuyết trình về tình yêu, hôn nhân, giúp mọi người giải đáp thắc mắc về lĩnh vực này, vậy mà nay chính tôi lại vấp phải chính vấn đề này, không biết có phải là ông trời đang trêu chọc tôi không?
Tôi hiểu rất rõ về cuộc hôn nhân của mình, mặc dù nó không phải là đẹp nhất nhưng cũng không đến nỗi phải ai đi đường nấy, trong xã hội bây giờ cuộc sống hôn nhân chủ yếu là tạm bợ, nhìn nhau mà sống, cuộc hôn nhân của chúng tôi vẫn có thể coi là hạnh phúc hơn rất nhiều nhà, nếu như một gia đình như gia đình tôi phải ly hôn thì ít nhất có đến 300 triệu gia đình Trung Quốc nên giải tán.
Do vậy, tôi không hề quá để ý đến “thư ly hôn” của vợ, mà đơn giản trả lời cô ấy, khuyên giải cô ấy, đợi tôi ổn định cuộc sống ở Đại Liên sẽ đón cô ấy và con đến. Nhưng lần này “lão giang hồ” là tôi đây đã quá ngây thơ, vợ tôi nhanh chóng trả lời: “Ly hôn, không còn sự lựa chọn nào khác!”.
Tôi nhận ra đây là chuyện nghiêm túc, không phải là trò đùa nữa rồi, nên cũng bắt đầu nghiêm túc đối diện với chuyện này. Tôi vẫn cố gắng níu kéo, đặc biệt khi nhắc đến sự ảnh hưởng đến con cái sau khi ly hôn, cô ấy từng giúp đỡ tôi trong công tác tư vấn tâm lý, cô ấy không phải là không biết khi gia đình đổ vỡ sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi. Sau vài lần thương lượng, tôi thấy ý cô ấy đã quyết, tôi cũng buông tay từ bỏ.
Cuộc hôn nhân mười năm cuối cùng đã đi đến hồi kết.
Hôn nhân đổ vỡ tất nhiên không có ai là người chiến thắng, trong bất kỳ một cuộc hôn nhân đổ vỡ nào thì hai bên đều có trách nhiệm, chỉ là ở mức độ không giống nhau. Bởi cho dù thế nào thì cuộc sống vẫn cứ tiếp tục, vì thế tôi bắt buộc phải lên kế hoạch cho cuộc sống mới của mình, mà điều quan trọng nhất trong cuộc sống mới đó chính là con gái, điều tôi phải “giành giật” để có được.
Sau khi đồng ý ly hôn, tôi lập tức liên hệ với nhà trường, đặt mua sách vở, vì đang trong kỳ nghỉ, tôi không tìm được ai ở trường, tôi đến phòng giáo dục của khu Cam Cảnh Tử, qua sự giới thiệu của chủ nhiệm Trương Huy, tôi liên lạc được với hiệu trưởng Uông Trinh Học của trường Trung học số 77 thành phố Đại Liên, sau khi đã giải quyết xong vấn đề nhập học của con, tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để đón con về Đại Liên.
Tay lớn dắt tay bé, cha con mình cùng đi
QQ của tôi là do một người bạn lập giúp, đó là năm 2005 khi tôi đang dạy học ở Trùng Khánh, lúc đó tôi chẳng hiểu thế nào là để status, chỉ biết gửi bản thảo, gửi ảnh rất thuận tiện, lại có thể gửi, nhận tập tin.
Sau đó mới biết ở ô ngang nhỏ có thể đánh chữ vào, thêm biểu cảm, lại có thể diễn đạt ý mình muốn nói, phần lớn người ta dùng nó để thể hiện tâm trạng, mà còn thay đổi thường xuyên, liên tục, hôm nay vui thì để một status vui vẻ, ngày mai không vui nữa thì lại để một câu đau thương oán trách. Đầu tiên tôi chẳng viết gì ở ô đó, thứ nhất là không quan tâm, thứ hai là tâm trạng không tiện thổ lộ cho người khác biết.
Nhưng sau khi ly hôn, tôi đã thay đổi ý nghĩ ban đầu, đột nhiên tôi gõ vào đó dòng chữ “Tay lớn dắt tay bé, cha con mình cùng đi!”. Đây cũng là câu miêu tả chân thực cuộc sống mới của hai cha con, cha Đông Tử bốn mươi tuổi dắt tay con gái chưa đầy mười tuổi Phạm Khương Quốc Nhất, bắt đầu viết những chương mới trong cuốn sách cuộc đời.
Cho đến giờ sáu năm đã trôi qua, mọi thứ đều âm thầm thay đổi, Đông Tử ngày một già đi, Phạm Khương Quốc Nhất ngày một lớn lên, chỉ có một điều không thay đổi đó là trạng thái trên QQ “Tay lớn dắt tay bé, cha con mình cùng đi!”, ngày hôm qua như vậy, ngày hôm nay cũng thế và ngày mai vẫn tiếp tục thế, bởi vì tôi vẫn muốn dắt tay con bước tiếp những chặng đường phía trước.
Ở phần đầu tôi đã nói, con là do tôi kiên quyết giữ lại, cho con được đến với thế giới này, vì vậy dù thế nào tôi cũng không để mất con. Khi ly hôn, một trong những lý do vợ tôi đòi quyền nuôi con vì cô ấy là công chức, như vậy sẽ đảm bảo cho tương lai của con, còn tôi thì không có, lo lắng sẽ có ngày tôi không có khả năng đảm nhận việc chăm sóc nuôi dạy con. Tôi đã nói từ trước rằng: “Cho dù phải đi ăn xin, tôi cũng phải nuôi con lớn khôn”. Mặc dù tôi không thể cho con một cuộc sống vật chất dư thừa, nhưng tôi hoàn toàn có thể cho con cuộc sống cơm áo no đủ, cuộc sống tinh thần phong phú, và một tuổi thơ vui vẻ!
Vừa phải làm vai trò của người cha, vừa đóng vai trò làm mẹ, cùng con vượt qua hơn 2.000 ngày, tôi thực sự thấu hiểu câu nói của Bạch Nham Tống: “Đau nhưng vui vẻ hạnh phúc”. “Đau” vì nỗi đau của con gái, “vui” vì nhìn thấy con gái kiên cường, hiểu chuyện, “hạnh phúc” vì cảm nhận được tình yêu và sự cảm thông của con dành cho tôi. Đối với tôi, nỗi đau lớn nhất, sâu nhất đó là khiến con phải chịu nỗi đau về thể chất và tinh thần. Khi con phải chịu nỗi đau tinh thần là mất đi tình thương của mẹ, con đã cùng lúc phải chịu nỗi đau về thể chất.
Để giảm bớt nỗi đau của con khi phải xa mẹ, để con có thể vui vẻ, tôi làm tất cả vì đứa con gái tội nghiệp. Sau khi xác định sẽ ly hôn, tôi đặt in băng rôn với dòng chữ “Chào đón con gái Y Y về nhà”, trước khi tôi về Yên Đài đón con, tôi đã treo nó ở những nơi dễ nhìn nhất là phòng khách và phòng của con gái, để con có được cảm giác trở về nhà, để con chấp nhận một thực tế là ở căn nhà thuê này chỉ có hai cha con, và gia đình giờ chỉ có hai cha con mà thôi.
Để tạo không khí ấm áp, tôi trang trí căn phòng của con với phong cách hoạt hình, từ ga trải giường, chăn, gối và các đồ dùng trong phòng, đồ chơi, tất cả đều là những thứ con thích, tôi còn phóng to một bức ảnh của con treo ở đầu giường…
Sau khi đón con đến Đại Liên, tôi đưa con đi chơi khắp nơi, để con có thể yêu thành phố này, yêu ngôi nhà mới của chúng tôi. Để làm con vui, tôi mua cho con rất nhiều đồ chơi con thích, nhưng cũng chính vì những đồ chơi này khiến con phải chịu đau đớn.
Hôm đó là ngày thứ ba con ở Đại Liên. Buổi tối hôm đó sau khi ăn cơm xong, con gái Y Y chưa đầy mười tuổi cầm theo ván trượt mà cha vừa mua cho cùng cô hàng xóm đến công viên Quang Minh ở núi phía sau nhà chơi. Cô hàng xóm rất tốt với Y Y, Y Y cũng rất quý cô ấy. Tôi chỉ dặn con có hai câu: “Chơi phải cẩn thận” và “Phải nghe lời cô”, nghe xong lời dặn của tôi con vui vẻ xuống dưới nhà cùng cô hàng xóm đi công viên chơi.
Một tiếng sau, cũng là lúc Y Y lẽ ra đã phải về đến nhà, tôi nhận được điện thoại của cô hàng xóm: “Đông Tử, Y Y bị thương rồi, cậu mau xuống đây, chúng tôi đang ở bệnh viện của khu dân cư”. Nghe điện thoại, đầu tôi chỉ có tiếng u u. Tôi mở ngăn kéo, lấy tiền, chạy nhanh tới bệnh viện. Lúc tới chỉ thấy trước cửa bệnh viện có rất nhiều người xúm lại, len được vào đám đông đó, tôi nhìn thấy Y Y của tôi người đầy máu, kêu: “Cô ơi đau, cô ơi đau…”.
Tôi ôm lấy con vào lòng nói: “Con yêu, đã xảy ra chuyện gì vậy?”. Con kêu lên: “Cha ơi con đau, cha ơi con đau”. Khi mọi người giục mau đi bệnh viện thì tôi và con lên xe của chồng cô hàng xóm để đến bệnh viện. Ở trên xe cô hàng xóm kể lại tình hình lúc đó cho tôi nghe: Lúc ở trên núi Y Y chơi rất vui, khi xuống núi, cô hàng xóm gặp mấy người đồng nghiệp, vì thế họ vừa đi vừa nói chuyện. Y Y trượt ván nên đi nhanh hơn mấy cô rất nhiều, con bé không chịu đi chậm cùng với mấy người lớn, vì thế mà con bé nói với cô hàng xóm là nó sẽ đi trước. Nhưng vừa đi không bao xa, do xuống dốc, tốc độ trượt nhanh, con bé không kịp phanh lại, quán tính lớn nên con bị ngã văng vào bên đường, mặt con đập vào lề đường. Một lúc sau các cô mới đi tới, lập tức cõng con đưa đến bệnh viện khu dân cư dưới chân núi, thấy răng cửa của con lung lay, toàn thân đều là máu, bác sĩ không dám xử lý ngay tại chỗ, khuyên lập tức đưa đến bệnh viện lớn. Vì thế cô hàng xóm mới gọi điện cho tôi.
Nghe cô hàng xóm kể lại chuyện, tôi phải kìm nén không để mình khóc, nhìn con gái mặt toàn là máu, nghe tiếng rên vì đau đớn của con, lòng tôi đau như bị dao cắt. Con gái mặc dù nhắm chặt mắt nhưng vẫn cảm thấy sự lo lắng và đau đớn của cha. Con không ngừng an ủi tôi: “Cha ơi, con không sao đâu ạ, con không kêu đau nữa, được không cha?”. Thấy con gái kiên cường, hiểu chuyện như vậy, tôi vừa khóc vừa nói với con: “Con gái yêu của cha thật ngoan, thật kiên cường, một lát nữa chúng ta sẽ đến bệnh viện, để bác sĩ băng bó vết thương cho con, thế là khỏi rồi”. Trên xe, con gái vẫn không ngừng sửa lại những gì cô hàng xóm nhầm lẫn trong khi kể lại sự việc.
Trước tiên chúng tôi đến bệnh viện tai mũi họng Đại Liên, kiểm tra hai cái răng cửa (sau khi cố định răng, chữa trị trong vòng nửa năm vẫn không giữ được hai cái răng đó, cuối cùng đành phải lấy tủy, giữ lại hai chân răng, đến năm nay mới thay răng mới) và hai cái răng sữa đều bị thương tổn ở mức độ khác nhau, ngoài chân trái ra, thì hai tay và chân còn lại đều bị thương nghiêm trọng ngoài da, phần mặt, vai đều bị sây sát. Sau khi xử lý xong ở bệnh viện tai mũi họng, chúng tôi lại tiếp tục đi đến Bệnh viện số 3 của Đại học Y để chữa trị những vết thương khác. Vài ngày sau đó liên tục đi lại giữa hai bệnh viện, trong quá trình chữa trị mặc dù rất đau đớn nhưng Y Y rất lạc quan và kiên cường.
Mười ngày sau đó vết thương dần dần hồi phục, Y Y mặc dù chưa khỏi hẳn nhưng vẫn tham gia kỳ huấn luyện quân sự dành cho học sinh mới do nhà trường tổ chức, con rất kiên cường. Nửa năm sau đó trong hoạt động đi bộ ba mươi kilômét, con là người nhỏ tuổi nhất trong số một trăm nghìn nghìn người hoàn thành cả quãng đường, một lần nữa con đã cho mọi người thấy nghị lực phi thường của con.
Đó là đầu hè năm 2007, mỗi năm cứ đến thời điểm này Đại Liên đều tổ chức hoạt động Đi bộ Quốc tế. Khi đọc được tin này trên báo, Y Y liền nảy ra ý định ghi tên tham gia. Hoạt động lần này chia thành ba cấp độ: đi bộ mười kilômét, hai mươi kilômét và ba mươi kilômét. Tôi khuyên con nên chọn mức mười kilômét thôi nhưng con chê quãng đường ngắn, không đủ thỏa mãn. Con kiên quyết chọn hai mươi kilômét, vì thế mà tôi miễn cưỡng đồng ý.
Ngày hôm sau khi đi học, cô giáo bảo có thể đăng ký tham gia tập thể, cả lớp có hơn hai mươi bạn tất cả đều đồng loạt tham gia hoạt động lần này, hầu hết các bạn đều ghi tên tham gia hạng mục ba mươi kilômét, Y Y từ nhỏ đã rất kiên cường, không chịu khuất phục khó khăn nên lần này con cũng đăng ký hạng mục ba mươi kilômét như các bạn. Khi biết được điều này, trước hết tôi phải khẳng định tinh thần không cam chịu thất bại của con, nhưng tôi vẫn kiên quyết phản đối, tôi nói với con là hạng mục này quá sức của con, sau đó con thuyết phục tôi là có cô giáo đi cùng, vì thế cuối cùng tôi cũng phải đồng ý.
Hôm đó con dậy rất sớm, giống như một chiến sĩ chuẩn bị lên đường đi viễn chinh, sau khi chuẩn bị xong hành lý, con xuất phát với tinh thần đầy phấn chấn…
Vốn đã hẹn trước là 5 giờ 30 phút tập trung ở trạm xe bus chờ xe 503 để cùng đi đến điểm khởi hành của hoạt động đi bộ là quảng trường Tinh Hải. Nhưng sau khi đến thì chẳng có bạn nào ở đó cả, Y Y hốt hoảng: Các bạn đi đâu hết cả rồi? Hỏi một bác đang xem báo gần đó mới biết vì 7 giờ xe 503 mới xuất phát nên các bạn đến trước đều đã lên xe khác và đi rồi. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của một chú, trải qua bao khó khăn, cuối cùng Y Y cũng đã đến nơi lúc 7 giờ 30 phút.
Vốn nghĩ rằng đến đây sẽ gặp được cô giáo cùng các bạn, ai ngờ rằng ở đây là một biển người, không thể nào nhìn thấy bóng dáng của các bạn đâu, Y Y rất buồn, giống như là một đứa trẻ bị bỏ rơi vậy. Nghe cô phụ trách nói, hoạt động lần này ai đến trước đi trước, mọi người đến rồi nhất định là đã đi rồi. Vì thế, Y Y cầm lấy bản đồ lộ trình đường đi, đi theo những chỉ dẫn bên đường bắt đầu hành trình gian nan của mình…
Những người đuổi kịp con rất nhiều nhưng trên đường con lại chẳng theo kịp mấy người. Bởi vì các bạn cùng lớp đều lớn hơn con ba, bốn tuổi, chân đều dài hơn chân con, khỏe hơn con, làm sao con có thể đuổi kịp các bạn. Khi con đi được mười kilômét, con mệt đến nỗi muốn từ bỏ nhưng cố chịu đựng đi đến mức hai mươi kilômét. Sau khi nghỉ ngơi một thời gian dài, con đi nốt quãng đường mười kilômét, toàn thân mệt mỏi, khi nhìn thấy cô giáo và các bạn đang chờ ở vạch đích, con xúc động òa khóc.
Con gái hai vai sưng đỏ, nhưng vẫn nở nụ cười khải hoàn, khi tôi giơ tay con lên như một người anh hùng, đột nhiên hai mắt tôi nhòe đi vì xúc động…
Khi bắt đầu dạy vỡ lòng cho con, tôi đã nói với con: Trên con đường đời có những lúc ta sẽ gặp gió to, gặp mưa bão, nếu ta không vượt qua những khó khăn này thì sẽ không bao giờ nhìn thấy cầu vồng. Tay lớn dắt tay bé, trên con đường mưa gió, có cha là người dẫn đường, có bước chân kiên cường của con theo sau.
Tôi muốn con chịu tổn thương ít nhất
Không có ai muốn kết hôn rồi lại ly hôn, đặc biệt là những gia đình đã có con cái nhưng vì theo đuổi hạnh phúc của cá nhân, một số người vẫn chọn cách bẻ gẫy gông xiềng hôn nhân. Nhiều người muốn ly hôn không có nghĩa là họ không yêu con cái, mà vì họ không hiểu được hết việc ly hôn ảnh hưởng thế nào đến con cái. Chẳng hạn có những cặp vợ chồng thường xuyên cãi vã hoặc một bên có những cử chỉ không đúng mực, để cho con có một gia đình tốt đẹp hơn, người ta chọn phương án ly hôn để tìm một người thích hợp hơn, họ cho rằng như thế họ sẽ vui vẻ và con cái cũng vì thế mà sẽ vui trở lại.
Nhưng thực tế không phải như vậy, đó chỉ là những gì mà chúng ta mong muốn nhưng cha dượng hay mẹ kế thì không thể thay thế vị trí của cha mẹ đẻ trong lòng con cái. Nếu cha dượng mẹ kế quan tâm chăm sóc chúng hơn cả cha mẹ đẻ thì có thể trẻ cũng sẽ cảm kích hoặc yêu cha dượng mẹ kế, nhưng những tình cảm đó mãi mãi không thể giống như tình cảm dành cho cha mẹ đẻ. Vì thế cha mẹ ly dị ảnh hưởng tới tâm lý của con cái nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng tượng nhiều, hơn thế nữa sự ảnh hưởng này không chỉ ở một thời điểm mà nó tích lũy dần theo quá trình trưởng thành của con cái, thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc đời của con.
Đối với những người trong thời đại mới thì ly hôn không phải là việc gì xa lạ, mới mẻ, những người ly hôn xung quanh chúng ta rất nhiều, đặc biệt là những năm gần đây tỷ lệ ly hôn tăng theo cấp số nhân. Nhưng ly hôn không phải là chuyện riêng của hai người, đối với nhiều gia đình, trong chuyện ly hôn còn có một đương sự vô cùng quan trọng, đó là con cái.
Ngày nay những đứa trẻ sống trong gia đình đơn thân ngày một nhiều, đó là vì tỷ lệ ly hôn ngày một cao. Hôn nhân đổ vỡ, người bị tổn thương nhiều nhất không phải là “người vợ” hay “người chồng” mà lại chính là những đứa trẻ vị thành niên. Theo kinh nghiệm tư vấn hôn nhân gia đình của Đông Tử nhiều năm nay, khi cha mẹ ly hôn thì những đứa trẻ dưới ba tuổi hoặc là những trẻ trên mười lăm tuổi chịu ảnh hưởng tương đối ít, bị ảnh hưởng lớn nhất là những đứa trẻ chín tuổi, mức độ ảnh hưởng lần lượt là trẻ ở các độ tuổi: tám và mười tuổi, bảy và mười một tuổi, sáu và mười hai tuổi, năm và mười ba tuổi, bốn và mười bốn tuổi, ba và mười lăm tuổi… Những ảnh hưởng nói trên tất nhiên là những ảnh hưởng không tốt, hay như chúng ta thường nói là “tổn thương”.
Những người hiểu về tâm lý trẻ em đều biết, trước ba tuổi trẻ chưa ghi nhớ được sự việc, nếu là trẻ sơ sinh, thì chỉ cần một, hai ngày là trẻ có thể thích nghi với cha mẹ mới, trẻ từ hai đến ba tuổi mất vài ngày hoặc chỉ mất mười mấy ngày là có thể thích nghi, lớn lên rồi trẻ cũng sẽ không biết về những thay đổi này, nếu như không kiểm tra ADN, chúng sẽ luôn tin rằng cha mẹ nuôi chính là cha mẹ đẻ của chúng, vì thế những người nhận con nuôi thường muốn tìm những trẻ nhỏ; sau mười lăm tuổi thì ý thức và quan niệm cơ bản đã được hình thành, trẻ không còn chịu tác động quá lớn từ những ảnh hưởng bên ngoài, mặc dù chúng không muốn thấy cha mẹ ly hôn nhưng chúng có thể hiểu cho cha mẹ, thậm chí có những đứa trẻ khi thấy cha mẹ bất hòa, còn chủ động khuyên cha mẹ ly hôn.
Nhưng những đứa trẻ ngoài độ tuổi như hai trường hợp trên lại khác, chúng đã ghi nhớ sự việc nhưng lại không có đủ năng lực để hiểu sự việc, và ở độ tuổi này đúng là giai đoạn chúng cần sự yêu thương và chăm sóc từ cha mẹ nhất, lúc này cha mẹ ly hôn, tất nhiên chúng sẽ bị tổn thương rất lớn, chúng sẽ sợ hãi, thiếu cảm giác an toàn cần thiết, sẽ căm phẫn khi mất đi tình thương yêu của cha hoặc của mẹ, đặc biệt là những đứa trẻ khoảng chín tuổi.
Khi hôn nhân đổ vỡ, con gái tôi vừa tròn chín tuổi rưỡi!
Đối với người đàn ông đã ở độ tuổi bốn mươi, trải qua bao dâu bể như tôi, hôn nhân đổ vỡ tất nhiên cũng rất đau khổ nhưng cũng không là gì cả, chỉ cần sốc lại tinh thần, điều chỉnh kế hoạch tương lai, tiếp tục sống mà thôi. Nhưng đối với một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, điều đó giống như một tai họa chết người, mặc dù tôi là một chuyên gia tâm lý, có thể giúp con điều chỉnh tâm lý, nhưng việc con bị tổn thương là không thể tránh khỏi, điều tôi cần làm không phải là tránh cho con không bị tổn thương mà là làm thế nào để con bị tổn thương ít nhất, để con bé vừa “chơi qua tiểu học” vẫn rạng rỡ như ngày nào.
Ngoài việc tạo cho con một không khí gia đình ấm cúng hòa thuận, tôi chú trọng giúp con điều chỉnh tâm lý. Sau khi đón con về ở cùng, tôi âm thầm làm công tác tư tưởng cho con, tôi trò chuyện cùng con, cùng con chơi trò chơi, để con thực sự cảm nhận được niềm vui, tôi không ngừng kể cho con nghe những câu chuyện về cuộc sống hạnh phúc của những đứa trẻ sống trong gia đình đơn thân.
Bất luận tôi có cố gắng đến như thế nào thì vẫn có những di chứng về sau, trước tiên là vấn đề sức khỏe. Từ khi đón con đến Đại Liên ở, con ăn uống không được tốt cho lắm, tôi cố gắng thay đổi món ăn nhưng con không muốn ăn. Không bị cảm cúm thì lại đau dạ dày, không ngày nào là con không ốm.
Hai giờ sáng ngày 26 tháng 8, con thấy bụng rất khó chịu, tôi vội cõng con xuống lầu, đợi mãi mà không thấy xe taxi, không còn cách nào khác tôi vừa cõng con đi vừa tìm xe, vất vả đi được mấy trăm mét thì thấy một chiếc xe đỗ bên đường, xe đưa chúng tôi đến Phòng khám Bắc, Bệnh viện số 2 thuộc Đại học Đại Liên để khám, sau khi chụp chiếu xong kết luận ban đầu là có thể bị viêm ruột thừa, bác sĩ kiến nghị đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố Đại Liên để chẩn đoán cho chính xác.
Vất vả lắm chúng tôi mới đến được Bệnh viện Nhi đồng, khi đến nơi thì trời đã sáng, sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết con gái bị nóng trong, tiêu hóa không tốt dẫn đến bị táo bón, đại tiện khó, nếu không kịp thời chữa trị sẽ kéo theo những bệnh khác, sau hai lần thông ruột, vấn đề đã được giải quyết. Vài ngày sau đó, cơ thể của con rất yếu.
Sức khỏe dần dần hồi phục nhưng vấn đề tâm lý lại là một bài toán khó.
Một tháng sau đó, một hôm khi tan học về, con đưa cho tôi một tờ giấy, lúc đưa cho tôi, con òa khóc, khóc nức nở rất đáng thương, tôi hỏi con tại sao khóc, con trả lời: “Con không muốn làm đứa trẻ của gia đình đơn thân…”. Tôi an ủi con, con dần dần bình tĩnh lại và kể cho tôi đầu đuôi của sự việc.
Nhà trường vì muốn chăm sóc những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và những học sinh là con trong gia đình đơn thân, cô giáo phát cho mỗi học sinh một tờ giấy, nếu là con gia đình đơn thân thì phải ghi rõ ràng, nhà trường sẽ quan tâm chăm sóc hơn tới những đối tượng này, hơn nữa cũng sẽ quan tâm tới phụ huynh, ví dụ có thể giảm bớt những khoản đóng góp liên quan. Xuất phát điểm của nhà trường là hoàn toàn tốt, nhưng Y Y không muốn để mọi người biết cha mẹ đã ly hôn, cũng không muốn nhận được sự chăm sóc đặc biệt nào cả, nhưng con cảm thấy tôi rất vất vả, muốn tôi nhận được sự giúp đỡ, giảm gánh nặng cho tôi.
Ngày hôm đó, Y Y khóc rất thương tâm, sau khi tôi khuyên nhủ con, hai cha con ôm nhau khóc, tôi khóc vì thấy con đau buồn, cũng vì thấy con rất hiểu chuyện, biết thương cha.
Vì cảm thấy có lỗi với con khi ly hôn, nên phụ huynh của gia đình đơn thân thường có tâm lý đền bù cho con cái ở những mức độ không giống nhau. Tôi cũng vậy, tôi luôn nghĩ mình đã không cho con một gia đình hoàn chỉnh, đặc biệt là con gái là do tôi kiên trì giữ lại, vì thế mà tôi đã từng rất đau khổ, dằn vặt vì có lỗi với con gái, với tâm lý như vậy, suy nghĩ đền bù là biện pháp duy nhất để giảm bớt sự hổ thẹn áy náy trong lòng. Nhưng lý tính một chút tôi lại cảm thấy nếu như bù đắp thì sẽ không có lợi cho sự trưởng thành của con, hơn thế nữa từ nhỏ Y Y đã chịu sự ảnh hưởng từ phương pháp giáo dục của tôi, nhiều lúc con sẽ không chấp nhận “bù đắp” như vậy mà ngược lại con rất hiểu chuyện, còn quay sang an ủi tôi.
Dưới sự nỗ lực của cả hai cha con, Phạm Khương Quốc Nhất của ngày hôm nay vẫn là một cô bé rạng rỡ, vui vẻ.
Dù con gái lúc nào cũng vui vẻ, vẫn rạng rỡ vui tươi, nhưng tôi biết rất rõ, hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ đã làm con chịu tổn thương nhất định, nhưng con đã biết chịu đựng tổn thương, học cách kiên cường, tự tin và trưởng thành…
Hàng xóm tốt của tôi và con gái
Cùng với sự phát triển của xã hội, truyền thống tốt đẹp “bán anh em xa mua láng giềng gần” ngày càng bị mai một, đặc biệt là hai mươi năm trở lại đây, mọi người ngày một thờ ơ với quan hệ hàng xóm láng giềng, vì thế tôi đã từng viết một bài báo có nhan đề “Thành phố thờ ơ, con người thờ ơ” để thức tỉnh tâm lý của mọi người.
Theo điều tra, khoảng 25% dân số ở các đô thị hiện đại cơ bản không biết hàng xóm của mình là ai; 45% thỉnh thoảng gặp hàng xóm chào hỏi; 75% không nắm rõ tình hình các thành viên trong gia đình của hàng xóm; 65% người được hỏi cho biết họ sẽ không nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm và 70% số người được hỏi cho biết họ chưa từng giúp đỡ hàng xóm.
Có thể là do tính nết và cách cư xử, mấy năm nay, bất luận tôi sống ở đâu, bất luận là nhà mua hay nhà đi thuê, tôi vô cùng coi trọng quan hệ hàng xóm láng giềng. Tôi cho rằng quan hệ hàng xóm láng giềng thân thiết cũng là một nhân tố cấu thành một cuộc sống hạnh phúc, nên tôi coi những hộ đối diện hay những người hàng xóm ở tầng trên, tầng dưới như người thân của mình vậy, họ có chuyện gì tôi sẽ nhiệt tình giúp đỡ và ngược lại tôi có chuyện gì mọi người sẽ giúp đỡ tôi.
Khi tôi đến Đại Liên, dù có ý định định cư tại đây, nhưng thứ nhất là không có tiền mua nhà, thứ hai là công tác tư tưởng với mẹ của con gái chưa thông, vì thế đến đây chúng tôi chỉ thuê nhà thôi. Tôi thuê một căn phòng ở khu dành cho người thân của cán bộ công nhân viên công ty Công nghiệp hóa chất Đại Liên, người chủ nhà họ Tân, vợ anh họ Thiệu, lớn hơn tôi khoảng sáu hay bảy tuổi, anh Tân làm lái xe ở đơn vị, còn chị Thiệu sau khi nghỉ hưu về làm chủ nhiệm văn phòng của một xí nghiệp tư nhân, họ có một con trai hai mươi hai tuổi đã đi làm.
Căn phòng tôi thuê nằm ở lầu hai phía tây, một tầng chỉ có hai hộ ở, đối diện với nhà tôi là nhà của vợ chồng anh chị chủ nhà, theo lời chị chủ nhà, căn phòng tôi ở bây giờ vốn là nhà của đồng nghiệp của chị, đồng nghiệp của chị mua nhà mới nên chuyển nhà, chị liền mua lại, chuẩn bị nhà cho con trai sau này lấy vợ. Con anh chị vẫn chưa có ý định lập gia đình trong vòng hai đến ba năm tới, vì thế anh chị cho thuê nhà.
Lúc đầu khi biết chủ nhà ở ngay đối diện, tôi có hơi ái ngại, lo lắng, sau đó khi tiếp xúc thấy anh chị chủ nhà là người tốt, anh chủ nhà rất thật thà, chị chủ nhà thì thẳng thắn. Khi mới bắt đầu ở, tôi chỉ có một mình, hai anh chị có gì ngon đều gọi tôi sang ăn cùng.
Sau đó khi anh chị biết tôi ly hôn, ngoài việc an ủi tôi anh chị luôn nói: “Đông Tử, nếu cuộc sống có khó khăn gì cứ nói với chúng tôi”. Khi xe chở đồ đạc chuyển nhà cùng với con gái từ Yên Đài đến, hai anh chị và đồng nghiệp của họ đã đứng sẵn ở đó từ bao giờ, lập tức giúp đỡ tôi chuyển đồ lên trên phòng, để tỏ lòng cảm kích, tôi định mời mọi người một bữa ở nhà hàng, nhưng gia đình anh chị đã sớm chuẩn bị cơm nước, một là thay tôi cảm ơn nhân viên của công ty chuyển nhà, hai là tiếp đón con gái Y Y của tôi. Vì thế mà quan hệ của chúng tôi ngày một tốt hơn.
Cuối tháng 11 tôi phải đi Bắc Kinh ba ngày, tham gia Đại hội Các nhà giáo dục Trung Quốc lần thứ ba, nhưng không biết phải làm thế nào với con gái, chị Thiệu biết tôi không có ai để gửi gắm Y Y, chị liền nhiệt tình đón Y Y qua nhà chị ở, giúp tôi giải quyết nỗi lo khi đi công tác.
Thời gian sống ở Đại Liên, nói đến những người hàng xóm tốt bụng của tôi và con gái, ngoài gia đình anh chị chủ nhà, còn một gia đình ở dưới lầu mà cả đời này tôi cũng khó mà quên được.
Y Y học ở trường Trung học số 77 thành phố Đại Liên, cách nhà khoảng ba, bốn trăm mét, ra khỏi cổng khu dân cư, đi qua hai con phố là đến trường, buổi sáng con bé tự đi học, lúc mới đầu khi tan học con cũng tự về nhà, ngoài những lúc thời tiết không thuận lợi tôi thi thoảng đưa đón con ra, thì đều là con tự đi học và tự về nhà. Cuối tháng 10 ngày ngắn hơn, trời cũng nhanh tối hơn, khi tan học cũng là lúc trời đã tối, để đảm bảo an toàn, lúc này tôi bắt đầu đón con về, đúng lúc này thì những buổi thuyết trình của tôi ngày một nhiều lên.
Nhận lời mời của Sở Nghiên cứu Khoa học giáo dục thành phố Đại Liên và tạp chí Giáo dục Đại Liên, tôi bắt đầu những bài giảng bồi dưỡng cho phụ huynh và các thầy cô giáo ở các trường trung học và tiểu học của thành phố, thời gian thuyết trình đa phần là vào buổi chiều, khi kết thúc về đến nhà thì cũng là lúc Y Y đã tan học lâu rồi, để một đứa trẻ mới mười tuổi đi trên đường tối, tôi không thể nào yên tâm, làm thế nào đây? Khi thấy không còn cách nào khác thì tôi nghĩ đến chị Trịnh ở lầu dưới.
Nhà chị Trịnh ở dưới lầu một, ngay dưới nhà của anh chị chủ nhà, anh chị đều đã hơn năm mươi tuổi, anh làm chân chạy việc ở đơn vị còn chị đã về hưu nhiều năm nay, ở nhà trông con, họ có một cậu con trai đang học cấp ba, hai vợ chồng đều chân chất, nhiệt tình, biết tôi là “người có học”, họ rất tôn trọng tôi. Mặc dù hai gia đình chúng tôi chưa từng qua lại, nhưng khi tôi và Y Y lên lầu xuống lầu, họ đều nhiệt tình chào hỏi chúng tôi.
Vì thế tôi đến nhà anh chị với tâm lý thử xem thế nào, tôi gõ cửa, sau khi nói chuyện chào hỏi đơn giản, tôi trình bày ý định của mình, và hứa sẽ gửi chị thù lao nhất định, chị Trịnh và chồng chị nói tôi khách sáo, đã coi họ là người ngoài, việc của Y Y họ nhất định giúp, nhưng kiên quyết không lấy thù lao, anh chị còn nói một người đàn ông gà trống nuôi con như tôi không dễ dàng gì, họ muốn giúp đỡ nhưng không có cách nào cả, lần này thì họ có cơ hội giúp đỡ tôi rồi.
Để viết được những dòng này, tôi đã xem lại nhật ký của năm đó, chỉ trong hai tháng chị Trịnh đã giúp tôi đón Y Y đến hơn mười lần. Để không nhỡ nhàng việc đón Y Y, nhiều lúc chị còn phải bỏ dở việc nhà, đội gió đội tuyết đến trường đón Y Y về.
Để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh, những buổi thuyết trình khi đó có lúc còn thêm phần ký tặng sách mới của tôi. Nhà xuất bản gửi cho tôi hơn 1.000 cuốn sách, có đến hai chục, ba chục túi nặng, những cuốn sách này chuyển từ tầng dưới lên tầng trên rồi lại chuyển từ trên xuống dưới rất tốn công tốn sức, chị Trịnh nói tôi có thể để ở nhà chị, như vậy có thể bớt vất vả khi chuyển đi chuyển lại, vì thế mà phòng khách, hành lang, thậm chí là phòng ngủ nhà chị chất đầy những sách của tôi. Sau đó mỗi lần ra ngoài thuyết trình, hai vợ chồng chị lại giúp tôi chuyển những cuốn sách này.
Cho dù là nhà chị Thiệu hay nhà chị Trịnh, nhà nào làm món gì ngon, không mời cha con tôi qua ăn thì lại mang qua, mang lên cho cha con tôi, đặc biệt là chị Thiệu chủ nhà, chị nói: “Đông Tử, cậu viết lách bận, không muốn nấu nướng thì hai cha con qua nhà tôi cùng ăn, dù sao thì tôi cũng phải nấu cơm, mọi người cùng ăn cho vui”. Vì chị mời nhiệt tình, vài lần tôi và Y Y qua nhà chị ăn cơm, nhưng nghĩ làm phiền gia đình chị, thực sự tôi rất ngại, sau đó chị thường làm những món mà Y Y thích ăn mang sang cho chúng tôi, mỗi lần như vậy chị đều nói: “Hai cha con mau ăn nóng cho ngon…”.
Một người tha hương phiêu bạt nhưng luôn luôn nhận được tình cảm ấm áp từ những người khác rất dễ xúc động, huống chi là chúng tôi nhận được sự chăm sóc quan tâm như vậy, sự cảm kích đối với những người hàng xóm tốt bụng luôn luôn ở trong lòng tôi. Nhưng từ trước tới nay tôi chưa bao giờ nói với chị Thiệu hay chị Trịnh rằng tôi biết ơn họ như thế nào.
Rời xa Đại Liên đã mấy năm nay, lúc nào tôi và Y Y cũng nhớ tới họ, không dưới một lần tôi nói với Y Y: “Nếu trở lại Đại Liên, hai cha con mình nhất định phải đến thăm gia đình hai cô hàng xóm tốt bụng”.
Những năm tháng ở Đại Liên đó là quãng thời gian khổ sở, vất vả nhất của tôi và con gái, nếu không có sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng, không biết là cuộc sống của tôi và Y Y sẽ như thế nào, con gái có được tâm lý thoải mái như bây giờ không thể không nói đến công sức của chị Thiệu và chị Trịnh, giờ phút này tôi chỉ muốn nói một câu: “Cảm ơn các chị, những người chị, người hàng xóm tốt bụng của tôi!”.
Thủy triều xuống tôi đưa con gái ra biển
Trong tuổi thơ của Đông Tử không có ký ức về biển. Từ nhỏ tôi lớn lên ở một vùng quê thuộc đồng bằng Đông Bắc, không có liên hệ với biển.
“Lúc nhỏ mẹ tôi kể cho tôi nghe, biển là quê hương của tôi. Tôi sinh ra ở vùng ven biển, sống và lớn lên cùng biển…”. Tiếng hát của Chu Minh Anh đã hướng tôi về sự thần kỳ của biển.
Mười tám tuổi, tôi nhập ngũ, tôi ngụp lặn vào trong lòng biển. Những năm trở lại đây tôi luôn sống cuộc sống phiêu dạt “bốn biển là nhà”, tôi đã từng sống ở nhiều thành phố ven biển, đã từng nhân lúc thủy triều rút nhặt nhạnh hải sản trên những bãi biển đó.
Đi nhặt hải sản khi thủy triều xuống là việc quá đỗi quen thuộc với những người sống ở vùng biển, bởi vì đó là một phần cuộc sống của họ. Căn cứ theo quy luật lên xuống của thủy triều, lúc thủy triều xuống thì đến bãi biển hoặc những mỏm đá để bắt hoặc nhặt hải sản.
Cuối tuần mỗi khi thủy triều xuống, ba đến năm anh em chiến hữu lại hẹn nhau mang xô, dây thép, tô vít tới những mỏm đá ở bờ biển nhặt hải sản. Con gái sinh ra trên đất liền, lúc nhỏ thường quấn lấy tôi bắt tôi kể chuyện hồi đi bộ đội, trong đó có chuyện đi nhặt hải sản này. Nghe tôi kể Y Y cũng muốn đi một lần, tôi hứa với con, đợi con lớn thêm một chút nữa sẽ đưa con đi.
Như đã nói ở trên, Y Y lúc năm tuổi rưỡi cùng mẹ đến Đại Liên đi nghỉ, trong thời gian này nhân lúc thủy triều xuống tôi đưa con ra biển hai lần, sau đó trong thời gian sống ở Yên Đài, tôi cũng lại đưa con đi biển mấy lần nữa, nhưng nhặt hải sản nhiều lần nhất và khó quên nhất vẫn là thời gian hai cha con ở Đại Liên.
Do con vừa mới rời xa mẹ, tôi dùng đủ cách để dỗ dành con, làm con vui, trong đó có một cách mà hai cha con cùng thích đó là ra biển nhặt hải sản. Đó là một ngày cuối tuần, chúng tôi lên mạng tra xem ở bờ biển gần nhà nhất khi nào thì thủy triều rút, sau đó mang theo thùng nhỏ, dây thép, tô vít, xẻng nhỏ và xuất phát.
Hai cha con đi xe bus đến bờ biển phía ngoài khu vực xưởng 523. Trên bãi biển có rất nhiều những mỏm đá dựng đứng, có những mỏm đá sát biển, còn nhìn thấy rõ cả vệt nước trước khi thủy triều xuống, trên bãi cát có rất nhiều đá và vỏ ốc đẹp. Khi chúng tôi đến thì thủy triều vẫn đang rút. Cùng với thủy triều xuống, những bãi cát và những mỏm đá dần dần lộ ra, trên những mỏm đá lớn còn hình thành những vũng nước rất to, có những vũng nước có đường kính tới ba, bốn mét, có vũng chỉ khoảng hai mươi đến ba mươi centimét, bao quanh những vũng nước là rong biển, tảo biển màu xanh rêu, rồi có cả tu hài, hàu và cua nữa…
Tôi xắn quần và cùng Y Y bắt đầu thu lượm! Hai cha con ai cầm dụng cụ của người nấy, đầu tiên tấn công những con có vỏ cứng trắng đang bám trên đá, chúng tôi dùng tô vít cậy nó xuống, sau đó lấy thịt ra, đây chính là chiến lợi phẩm đầu tiên của chúng tôi: món hàu.
Tôi và con gái mỗi người một tô vít bắt đầu cuộc chiến với hàu, cuộc chiến này không những cần sức lực mà còn cần cả kỹ thuật nữa, ở cả hai phương diện này con gái đều không bằng tôi nhưng con lúc nào cũng rất sung sức và đầy ý chí, vì con không biết dùng lực, nên nhiều con hàu bé bị con làm cho nát bét, chỉ còn lại lớp vỏ không nguyên vẹn. Tôi nhẫn nại dạy con, dần dần con biết lấy ra một con hàu hoàn chỉnh, khi lấy được một con hàu béo, con cười vui đắc thắng.
Trẻ con làm gì cũng không được lâu, nhặt hàu được một lúc con lại muốn lên bãi cát để nhặt đá và vỏ ốc, khi con quay lại trong tay cầm biết bao là “báu vật” mà con thích. Ở đây chiến tích của tôi cũng rất khá, không chỉ có hàu mà còn có cả những con cá mà tôi không biết tên. Y Y vội hỏi những chú cá này tôi bắt được ở đâu, tôi chỉ tay về hướng vũng nước ở dưới lớp cát, nói với con khi thủy triều lên những chú cá nhỏ này bơi vào vũng này, khi thủy triều rút chúng bị mắc kẹt ở đây và bây giờ nằm ở trong thùng của chúng ta.
Y Y khen cha nhưng cũng rất tiếc vì đã không giúp đỡ tôi để bắt những chú cá nhỏ này, tôi vừa an ủi vừa cổ vũ con, sau đó chúng tôi cầm theo lưới sắt, đến những khe giữa những mỏm đá để bắt cua. Tôi làm mẫu cho con trước, cầm một cọng dây thép, bò đến khe giữa hai mỏm đá, và bắt đầu chọc vào đó, và một con cua chui ra. Con gái nhìn tôi làm đã hiểu, cầm lấy cọng dây thép trong tay tôi và bắt đầu hành động. Tôi vội dặn con: “Trước tiên phải lặng yên quan sát trong khe có cua hay không, nếu có thì dùng cọng dây thép để móc nó ra”.
Sau đó thì con bắt đầu đi kiểm tra từng hòn đá một xem có gì có thể săn được không, cuối cùng thì cũng phát hiện được con cua. Con lặng lẽ cầm lấy cọng dây thép đưa vào lỗ, nhưng ngạc nhiên là con cua không hề chui ra mà lại càng chui sâu vào trong, mắt nhìn thấy con mồi đi mất, con lo lắng, nhưng con có chọc như thế nào thì con cua đó cũng không chịu chui ra, không còn cách nào khác con đành nhờ tôi trợ giúp. Tôi bẻ cong cọng thép thành hình một móc câu rồi đưa cho con thử, nhẹ nhàng móc xem thế nào, con cua cố chấp đó cuối cùng cũng chịu chui ra, hơn nữa không chỉ có một con mà là hẳn một đàn, nhìn thấy vậy con vui mừng nhảy cẫng lên.
Sau hai tiếng đồng hồ, tôi và Y Y mang thành quả lao động về nhà, những chiến lợi phẩm này được chúng tôi chế biến thành món canh hải sản hấp dẫn, con gái nhẹ nhàng húp một ngụm: “Ôi, thật là thơm!”. Sau đó, hầu như tuần nào hai cha con cũng đi nhặt hải sản một lần.
Con gái trổ tài làm bếp
Người xưa thường nói “Khi sống thì hai điều quan trọng nhất là ăn và mặc”. Mặc dù câu này nghe có vẻ hơi thô nhưng lại là nhân sinh quan và quan niệm về giá trị đơn giản, cũng là lý luận triết học cao nhất.
Cá nhân tôi thì không quá coi trọng việc “mặc”, chỉ cần đủ ấm là được rồi, nhưng vì chịu ảnh hưởng của cha tôi, nên tôi đặc biệt coi trọng việc “ăn”.
Cha tôi làm kế toán kiêm phụ trách việc ăn uống của nông trường mấy chục năm, vấn đề ăn uống của hơn 100 người đều đặt lên vai ông, ăn tốt thì mới có sức chiến đấu, để mọi người có sức làm việc tốt, cha tôi thay đổi thực đơn liên tục để đầu bếp có thể nấu cho mọi người những món ăn hợp khẩu vị.
Có thể là do công việc, cha tôi rất coi trọng đến vấn đề ăn uống, màu sắc mùi vị đều cần, ở đơn vị đã vậy, ở nhà cũng thế, vì thế mà mẹ tôi được rèn luyện trở thành một đầu bếp giỏi không bằng cấp. Lúc nhỏ các bạn hàng xóm thường nói thức ăn nhà tôi thường thơm hơn thức ăn nhà các bạn, vì thế mà tôi rất đắc ý.
Lúc nhỏ, mẹ tôi thường hay bệnh, anh trai phải lo việc đồng áng, em trai thì nhỏ tuổi, việc cơm nước vinh quang và gian khổ được giao cho tôi, mặc dù không thể so với tài nấu ăn của cha nhưng những món ăn tôi làm cũng được coi là có mùi có vị.
Sau này khi lập gia đình, do mẹ Y Y không biết nấu ăn nên công việc này lại đến tay tôi. Vợ tôi cũng từng nấu cơm, tôi từng trêu cô ấy: “Nếu ở trong quân đội mà em nấu ăn như thế này thì người ta sẽ đưa em đến sở quân pháp”. Cô ấy không phục, nói làm gì nghiêm trọng đến thế. Tôi lại trêu, nếu ăn những món như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu của chiến sĩ, vì thế phải phạt theo luật quân đội.
Để không bị đưa đến sở quân pháp, vợ tôi bãi công, vì vậy tôi đành phải tiếp nhận nhiệm vụ nấu nướng. Lâu rồi thành quen, tài nấu nướng của tôi ngày một khá, có thể nói những món tôi nấu đều đủ cả “mùi, màu, vị”. Ngoài nguyên nhân khách quan ra thì về chủ quan tôi cũng thích nấu nướng. Nghe nói tôi thường xuyên vào bếp, một số anh em bạn bè tỏ ra khó hiểu, hỏi tôi vì sao có nhã hứng như vậy? Tôi nói với họ vào bếp là một công việc mang lại niềm vui, thứ nhất có thể nấu những món ăn mà mình thích, phù hợp với khẩu vị của mình, thứ hai là cả nhà từ lớn đến nhỏ đều ăn những món ăn mình nấu và cảm thấy ngon, cảm giác đó giống như là mình cho ra đời một cuốn sách được yêu thích vậy.
Thông thường khi tôi nấu ăn, từ khâu mua đồ ăn, chuẩn bị nguyên liệu đến lúc nấu chín thì không cần bất kỳ sự giúp đỡ của ai, đặc biệt là khi nấu, không ai được đứng bên cạnh xem xét, không phải là tôi lo lắng ai đó ăn trộm bí quyết, chỉ là có ai đó đứng bên cạnh thì không thể tập trung được, mà tâm không tĩnh thì sẽ ảnh hưởng đến thành quả lao động, cái này hơi giống với viết lách một chút.
Sau khi ly hôn, để con gái ăn ngon miệng, tôi phải trổ hết tài nghệ của mình để đáp ứng được khẩu vị của con gái, như thế con không những ăn ngon, ngủ ngon, chơi ngoan mà ngay cả cậu con trai của bạn thân tôi thi thoảng được ăn những món tôi nấu cũng phải cảm thán rằng: “Chú ơi, chú nấu ăn còn ngon hơn cả mẹ con”. Cha của cậu bé thì hiếm khi vào bếp, ngoài nhặt rau và bê đĩa ra không biết làm gì khác. Sau đó, cậu bé này còn đến nhà tôi ăn vài lần nữa, đặc biệt là món mỳ nấu dưa chua (thêm một ít thịt ba chỉ), cậu bé ăn đến lúc no không đi nổi mới thôi.
Y Y cũng chịu sự ảnh hưởng của tôi, từ nhỏ đã muốn học nấu nướng, nhưng vì nghĩ đến sự an toàn của con, tôi không đồng ý, để không làm mất đi sự tích cực của con, tôi nhờ con nhặt rau và rửa rau. Sau đó con không chịu tiếp tục làm “phụ bếp” nữa, muốn tự tay nấu một lần. Sau sinh nhật lần thứ tám không bao lâu, dưới sự “hướng dẫn chỉ đạo” của tôi, lần đầu tiên Y Y vào bếp, nhưng đáng tiếc là do chân tay vụng về, món trứng xào cà chua cháy tới mức không thể ăn được.
Không bao lâu sau, Y Y học được trên tivi món bánh ngọt mật ong, vì thế mà tôi lại được “mời tham gia chiến đấu”. Lần này có mẹ ở “trận tuyến” giám sát, chỉ đạo. Theo sự phân công của Y Y, vợ tôi chuẩn bị đầy đủ cho con bột mì, đường trắng, sữa tươi, trứng gà, mật ong, dầu thực vật và các gia vị khác. Y Y bắt đầu bắt tay vào thực hiện “công trình” của mình.
Sau một hồi bận rộn, đã ngửi thấy mùi thơm tỏa ra từ bếp, hai mặt bánh được rán vàng ruộm, có thể vớt ra được rồi! Y Y tắt bếp, cẩn thận dùng xẻng rán lấy từng cái bánh bỏ vào đĩa, bê đến bàn ăn, sau đó hô hào: “Ăn cơm thôi!”. Lần đó món bánh mật ong con làm tương đối thành công.
Sau Tết năm 2007, trước khi vào học kỳ mới mấy ngày, nhà trường tổ chức hoạt động học nghề, con đăng ký nội dung nấu ăn. Sau khi đi học về, con trổ tài nghệ nấu ăn, tôi muốn con làm món canh trứng gà dưa chuột, con nấu khá ngon, hôm đó tôi ăn đến hai bát canh to.
Nói về việc nấu ăn Y Y có viết một câu chuyện nhan đề “Tự thưởng thức thành quả của mình” như sau :
“Bất luận là học kiến thức hay kỹ năng, nếu như không ứng dụng thì kiến thức hay kỹ năng đó chẳng có giá trị gì”. Cha thường nói với mình như vậy. Để thể hiện giá trị bản thân, mình phải thể hiện tài nấu nướng của mình, và cha đã cho mình cơ hội để thể hiện.
Trước tiên, mình đưa “thực đơn” cho khách của mình là cha, cha gọi món “khoai tây xào ớt xanh”. Hai củ khoai tây khá to đã được mình gọt sạch vỏ, làm bạn cùng với chúng là một quả ớt xanh rất ngon và đẹp. Khi đã chọn xong, mình tiến hành công đoạn thái khoai và ớt, mình chia khoai thành hai nửa, sau đó thì thái lát mỏng, cũng coi là may mắn, mình không bị đứt tay. Lúc này mình cảm thấy hình như là vẫn thiếu thứ gì đó. Ôi! Trời ơi! Mình đã không chuẩn bị thịt! Mình vội lấy từ trong tủ lạnh ra một miếng thịt, thái chỉ, nhưng mà không dễ dàng gì, chỉ có việc thái thịt thôi mà mình đã phải mất tới hai mươi phút. Bởi vì thịt thái chỉ thường dính hết vào nhau, vì thế phần lớn thời gian mình phải tách chúng ra.
Mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, mình bắt đầu công đoạn khó khăn nhất: xào.
Bật bếp, cho dầu vào chảo, cho thịt vào, nêm gia vị, cho khoai vào, thêm ớt xanh… Tất cả đều được tiến hành lần lượt, nhưng thực tế không đơn giản như vây, khi mình cho xì dầu vào, mình gặp chút khó khăn vì mình không biết phải cho bao nhiêu mới đủ? Vốn muốn hỏi đầu bếp lão làng là cha nhưng nghĩ đến những lời cha nói với mình trước đó, mình không muốn để cha cười mình, vì thế mình liều một phen, mình quyết định cho xì dầu vào cho đến khi màu sắc đậm một chút thì dừng lại. Tay đảo liên tục khiến mình cảm thấy mỏi tay, nhưng nhìn món ăn tươi ngon sắp ra lò, mình tự động viên bản thân, hy vọng món ăn này sẽ mang lại cho cha một sự ngạc nhiên, mình muốn cho cha biết mình cũng có thể tự thưởng thức “thành quả” của mình.
Thấy khói bốc ra từ chảo, mình vội tắt bếp, cho tác phẩm của mình lên đĩa, vì quá hào hứng nên mình chẳng kịp nếm thử xem nó ra thế nào đã vội bê ngay ra bàn ăn. Mặt mày hớn hở, mình đưa cho cha đôi đũa: “Mời cha nếm thử!”. Cha gắp một miếng và nếm thử, mình vẫn đang say trong chiến thắng, nghĩ: Chắc là cha chuẩn bị khen mình đây! Nhưng cha lại nói: “Tại sao lại vẫn chưa chín hả con?”. “Hả, không thể nào cha ạ, con đã xào rất lâu mà!”. Mình hoài nghi lời cha nói và cầm đũa lên nếm thử…
Ôi thôi, không những không được khen mà còn xấu hổ với cha. Nhưng rồi ngay lập tức mình lấy lại sự tự tin, mình nói với cha: “Cơm ngon thì không sợ muộn, đợi con một chút, con không tin chỉ một món ăn bình thường con cũng không làm nổi”. Mình đi nhanh vào nhà bếp, cho món xào vào chảo và lại xào lại, bởi vì xào lần hai nên món ăn rất ngon. Mình và cha đã cùng thưởng thức vui vẻ.
Sau lần đó Y Y thường xuyên vào bếp, buổi tối hôm trước kì thi trung học phổ thông, con bé con làm món “Đậu Hà Lan xào lạp xưởng”.
Trong những ngày tháng hai cha con nương tựa vào nhau mà sống, để con được khỏe mạnh vui vẻ trưởng thành, tôi nấu cho con những món ngon và con thỉnh thoảng cũng vì tôi trổ tài đầu bếp, hai cha con đã cùng nhau trưởng thành, cùng nhau sống hạnh phúc như vậy.
Tôi tìm bạn chơi cho con
Sự trưởng thành của trẻ cần đến cuộc sống tập thể, cần có bạn, nếu không sự cô đơn sẽ khiến trẻ có tâm lý không tốt, ảnh hưởng đến năng lực thích ứng của trẻ với xã hội và sự phát triển nhân cách sau này, đặc biệt là những đứa trẻ trong gia đình đơn thân.
Ở phần trước tôi đã kể về những người bạn thuở nhỏ của con, để con có thêm nhiều bạn, năm 2004, khi đến Thẩm Dương công tác, tôi có quen với một bạn nhỏ đang học lớp ba, một cô bé lớn hơn Y Y hai tuổi, qua sự giới thiệu của tôi, hai cô bé trở thành những người bạn chưa từng gặp mặt - bạn qua thư. Khi tham gia ký tặng sách ở Thẩm Dương, hai cha con tôi đã dành riêng thời gian để đi thăm cô bé đó, hai người bạn nhỏ gặp nhau, ôm nhau xúc động và khóc.
Tôi rất hiểu con gái mình, cuộc sống của con không thể thiếu đi những người bạn, cho dù ngày nào tôi cũng ở cùng con nhưng tôi cũng không thể nào thay thế được những người bạn cùng trang lứa, vì thế sau khi quyết định ly hôn, khi chưa quay trở lại Yên Đài đón Y Y, tôi đã hỏi thăm hàng xóm xem nhà nào có con gái khoảng mười tuổi. Mấy lần hỏi thăm, tôi được biết, dưới căn phòng của cha con tôi, cũng chính là nhà đối diện với nhà chị Trịnh có cô con gái lớn hơn Y Y ba tuổi, chuẩn bị vào lớp tám.
Sau khi biết tin này tôi rất vui mừng, tôi tin với khả năng giao tiếp và khả năng thích nghi của con, chẳng mấy con sẽ trở thành bạn tốt của chị ở lầu dưới. Có một người cha có thể đưa con đi chơi, có những người bạn ở trường, lại có thêm cả chị hàng xóm chơi cùng, cảm giác cô đơn khi phải rời xa mẹ sẽ giảm đi rất nhiều. Con đã viết trong nhật ký như thế này:
Khi học lớp bảy ở Đại Liên, mình quen với chị hàng xóm ở lầu dưới, chị ấy lớn hơn mình ba tuổi, đang học lớp tám. Chị ấy vừa cao, vừa gầy, mái tóc đen dài, trên khuôn mặt nhỏ nhắn của chị đã có những mụn trứng cá của tuổi dậy thì, nhưng điều này không hề làm mất đi sự rạng rỡ của chị, trời phú cho chị một giọng nói nhỏ nhẹ và đã định trước chị là một cô gái dịu hiền.
Khi hai chị em chơi cùng nhau là đã thấy ngay sự khác biệt giữa mình và chị: mình thì chạy nhảy ầm ầm còn chị thì trầm tĩnh chín chắn. Mặc dù chị và mình không cùng học một trường nhưng khi tan học hai chị em thường xuyên gặp nhau, sau đó cùng về nhà. Chị đến tầng một thì về nhà, còn mình một mình lên tầng hai. Có lúc sau khi tan học, hai chị em làm xong bài tập rồi cùng ra khoảng sân tập thể để chơi đùa.
Hai chị em đánh cầu lông, cười nói chơi đùa. Lúc mới bắt đầu chị ấy chơi cầu lông không giỏi lắm, vì thế mà mình dạy chị ấy phát cầu như thế nào, đánh ra sao, làm thế nào để khống chế khoảng cách của quả cầu, làm thế nào để phát cầu vào đúng chính giữa… Sau khi mình nói rõ ràng từng thứ một thì chị bắt đầu “luyện tập”, mặc dù chị đánh cầu chẳng có quy luật gì lúc thì lên trên lúc thì xuống dưới, lúc sang trái lúc lại sang phải, làm mình phải chạy đông chạy tây nhưng chúng mình chơi rất vui…
Ở Đại Liên chỉ mới đi học có vài ngày nhưng Y Y đã quen hết bạn bè trong lớp, mới vào học được một tuần con bé về nhà đã thương lượng với cha: “Cha ơi, trường con chuẩn bị tổ chức liên hoan văn nghệ, con muốn đăng ký tham gia, bạn Y Nham muốn biểu diễn cùng với con, chúng con đã bàn nhau, bạn ấy sẽ đơn ca một bài, còn con sẽ đệm đàn điện tử cho bạn ấy, vì thế con muốn mời bạn ấy đến nhà chúng ta để luyện tập”. Tôi vui vẻ đồng ý với con, ngày hôm sau khi tan học Y Y dẫn một bạn nhỏ béo béo, cao hơn con một cái đầu về nhà và giới thiệu với tôi: “Cha ơi, bạn ấy là Y Nham”. Tôi vội vàng nói: “Hoan nghênh cháu đến nhà chơi”.
Hai chị em luyện tập cùng nhau khoảng hơn một tiếng, và từ đó trở thành những người bạn tốt, sau đó trong sinh nhật lần thứ mười của Y Y, ngoài Y Nham ra còn có bảy đến tám người bạn tốt nữa cùng đến tham dự, mấy đứa trẻ nhân cơ hội này đã chơi tưng bừng, bài hát tiếng Anh của Mạnh Tử Kiều và điệu nhảy chú thỏ của chúng cho đến bây giờ tôi cũng chưa thể quên được.
Y Y vừa mới xa mẹ, để con có thể nhanh chóng thoát khỏi những khó khăn tâm lý trong thời gian này, ngoài có tôi và các bạn nhỏ cùng trang lứa, tôi còn thường xuyên cho con cùng tham gia những hoạt động xã hội. Buổi chiều hôm kỷ niệm ngày nhà giáo Trung Quốc, tôi đưa con đến trường Bồi dưỡng giáo viên ở khu Sa Hà Khẩu, ở đó tôi có buổi thuyết trình cho các bậc phụ huynh với chủ đề: “Giáo dục vui vẻ của Đông Tử”, buổi tối tham gia liên hoan chào mừng ngày nhà giáo của trường Thái Bình Dương (tôi cộng tác cùng trường mở lớp bồi dưỡng), một số phụ huynh và giáo viên rất thích Y Y, Y Y cũng rất vui khi nói chuyện với người lớn.
Một năm sau tôi và con chuyển đến Thẩm Dương sinh sống, con gái chuyển đến trường mới, rất nhanh Y Y đã cùng với bốn chị em gái lập thành hội chị em, xếp theo tuổi từ lớn đến bé, tất nhiên là con nghiễm nhiên trở thành em út, con thân nhất với chị Tư Trịnh Quân - cô bé đa tài, lớn hơn con hai tuổi, dáng người cũng gần như con, mấy chị em thường xuyên chơi cùng với nhau.
Sau đó tôi lại giới thiệu bạn cho con, lần này là một người bạn lớn, nói người bạn lớn vì thứ nhất là tuổi cũng khá lớn, cô bé lớn hơn con tám tuổi, cao đến tận một mét bảy mươi lăm. Cô bé tên là Liễu Đan, là một cô gái tính tình ôn hòa. Lúc đó cô bé đang là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành thiết kế thời trang của một trường chuyên nghiệp. Từ nhỏ Liễu Đan đã yêu viết văn, qua sự giới thiệu của bạn bè, cô bé theo tôi học viết lách, giúp tôi chỉnh lý một số bản thảo, như vậy cô bé trở thành một người bạn tốt của Y Y.
Sau đó tôi và Y Y chuyển đến Trường Xuân, Đan Đan cũng chuyển về học chuyên ngành ngôn ngữ văn học tại Học viện Nhân văn Đại học Trường Xuân. Mấy năm nay con bé vẫn sát cánh cùng Y Y, hai chị em ngoài việc vui chơi cùng nhau, Y Y có chuyện gì cũng đều tâm sự với chị, tôi cũng biết một chút về tâm lý của Y Y, trong số đó một ít là do Đan Đan tiết lộ, vì việc này mà con bé cảm thấy rất khó nghĩ, không nói thì thấy có lỗi với tôi, mà nói thì thấy có lỗi với Y Y, vì thế mà con bé luôn nói với tôi: “Sư phụ, Y Y không cho cháu nói với chú đâu”.
Sau đó khi tôi trao đổi với Y Y một số chuyện, con phát hiện ra một số thông tin là do chị Đan Đan nói nhưng con bé không hề trách chị, bởi vì con biết là chị cũng vì muốn tốt cho con. Mấy năm nay, bất luận là tôi đi công tác trong nước hay nước ngoài, Đan Đan đều đến ở cùng Y Y, hai chị em cùng chơi, cùng nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, cùng đi dạo phố…
Hai chị em tự thành lập một tổ chức mang tên là: Ủy ban tỷ muội, tổ chức này có một chủ nhiệm và một phó chủ nhiệm, Y Y đảm nhận chức phó chủ nhiệm và để Đan Đan làm chủ nhiệm. Mặc dù không có cấp bậc hành chính nào, nhưng cũng cao hơn phụ huynh là tôi đây. Cứ buổi tối cuối tuần, hai vị lãnh đạo nhỏ lại về nhà và ban bố mệnh lệnh cho tôi.
Thông thường sau bữa cơm tối, hai chị em lại về phòng thì thầm to nhỏ bàn bạc một hồi, sau đó gõ cửa phòng tôi, trình bày vài câu rồi đồng thanh: “Thưa đồng chí phụ huynh kính mến, chúng tôi lấy danh nghĩa là Ủy ban tỷ muội, đề nghị đồng chí cấp cho kinh phí của buổi hoạt động ngày mai là x nhân dân tệ”. Sau đó trình lên những khoản kinh phí cần chi tiêu như tiền xe, tiền chơi, tiền ăn v.v.
Trình bày nghĩa là nói mấy câu lấy lòng, gọi là đánh đòn tâm lý, chuẩn bị để đạt được mục đích. Có lúc hai đứa đứng xếp hàng, chỉ một đứa nói, Đan Đan hô “Đồng chí Sư phụ” còn Y Y hô “Đại nhân cha”, một đứa nói đứa kia hòa theo, nói là chủ nhật đi đâu chơi, chơi gì, có lúc vì muốn xin được nhiều kinh phí cho hoạt động gì đó, hai đứa cố tình nói phí cao lên, tôi lại trả giá với chúng, phần lớn là bị chúng bảo: “Phụ huynh keo kiệt nhất trong lịch sử”, thi thoảng tôi cũng hào phóng, hai đứa lúc này sẽ nói tôi rộng rãi, gọi tôi là: “Người cha đẹp giai”.
Tiết kiệm và chịu thương chịu khó là truyền thống giáo dục của tôi, mặc dù nhà có ô tô nhưng con gái ra phố đều đi xe bus, trừ phi là đi cùng với tôi hoặc là tôi tiện đường, vì thế hai chị em đều đi xe bus để đi chơi, thi thoảng có trường hợp đặc biệt thì mới được đi xe taxi, ví dụ những nguyên nhân sức khỏe, thời tiết hoặc đồ mang theo quá nhiều, thông thường, cả đi cả về chỉ mất mười nhân dân tệ; bữa trưa mỗi chị em được tiêu chuẩn mười nhân dân tệ là đã ăn ngon và ăn no rồi, nếu như tôi đưa chúng đi thì sẽ được ăn một bữa thịnh soạn mấy trăm nhân dân tệ; chơi trò chơi chỉ khoảng mười đến hai mươi nhân dân tệ, như vậy tính ra mỗi lần không quá một trăm nhân dân tệ, hơn nữa một số trò chơi hai đứa tự lo, tôi chỉ hỗ trợ một phần kinh phí.
Với thu nhập của tôi, con ra phố tiêu mấy trăm nhân dân tệ không thành vấn đề nhưng một khi thói quen chi tiêu tiết kiệm bị phá hỏng thì cho dù là bao nhiêu tiền cũng không thể lấy lại được; hơn nữa việc kỳ kèo bớt một thêm hai với bọn nhỏ chỉ là trò giải trí, trong khi viết những dòng này tôi lại ngồi gặm nhấm niềm hạnh phúc, tôi mong biết bao bên tai tôi lại vang lên: “Thưa đồng chí phụ huynh kính mến, chúng tôi lấy danh nghĩa là Ủy ban tỷ muội…”.
Phải nói rằng Y Y có thể giữ tâm lý lạc quan như vậy ngoài việc tôi đã làm tròn chức trách của một người cha ra thì còn nhờ đến sự yêu thương của Liễu Đan dành cho con bé, điều này đứa con gái ngoan của tôi rõ hơn ai hết.
Y Y: “Con không thể không có cha”.
Cha chính là ngọn núi và con chính là cái cây nhỏ mọc trên núi, cha mãi mãi là điểm tựa của con!
Đối với tôi, cha chính là ngọn núi đó, điểm tựa đó, cha không chỉ cho tôi sinh mệnh mà ông còn là người thầy của tôi, là thần tượng, là người dẫn đường của tôi. Mấy năm trước tôi có viết một cuốn: Người cha tốt hơn là người thầy tốt, trong cuốn sách này tôi đã viết: “Người cha tốt chính là người thầy tốt, người bạn tốt, người bạn chơi tốt và tấm gương tốt của con cái”. Ở thời đại của chúng tôi, muốn cha trở thành người bạn tốt, bạn chơi tốt của mình thì quả là khó, đặc biệt là ở những vùng nông thôn khi người cha cũng không được học hành nhiều. Nhưng cha của tôi tuyệt đối là người thầy tốt, tấm gương tốt.
Cả đời cha tôi sống ở nông thôn, ông hiểu rất rõ nỗi vất vả của người làm công việc đồng áng, ông cũng biết đứa con thứ sáu của mình chẳng thích thú gì với công việc này, hơn nữa ông cũng cho rằng tôi cần có một tương lai tốt đẹp hơn, vì thế mà ông đưa tôi đi một con đường khác: nhập ngũ.
Doanh trại quân đội đã thay đổi cả cuộc đời tôi!
Lúc nhỏ, trong lòng tôi cha là trời, không biết bao nhiêu lần tôi đã tự nhủ thầm: Tôi không thể không có cha. Nhưng sinh mạng cũng giống như ngọn lửa, cháy mãi thì cũng đến lúc phải tàn, năm tôi bốn mươi hai tuổi, cha tôi qua đời ở tuổi tám mươi mốt, mặc dù tuổi này cũng coi là thọ, nhưng tôi vẫn thấy vô cùng đau đớn. Một người trung niên mất đi người cha đã như vậy, nếu là một đứa trẻ thì sẽ như thế nào đây?
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi cũng đã làm cha.
Mười mấy năm nay, con gái không dưới một lần nói: “Con không thể không có cha”. Tôi cảm nhận rất rõ con khát khao tình thương yêu của cha đến nhường nào, vì vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào tôi cũng không thể bỏ mặc con, tôi sẽ tìm đủ mọi cách để con nhìn thấy hình bóng của tôi, cho dù là tôi đi công tác hoặc đi tỉnh ngoài làm việc, tôi cũng phải thường xuyên để con nghe thấy giọng nói của tôi, để con luôn nghĩ rằng: Cha vẫn luôn ở bên cạnh con, sẽ đi cùng con trong mỗi bước trưởng thành.
Nhân dịp Quốc tế lao động năm 2001, thầy giáo của tôi và vợ thầy đến thăm, để đáp lại tấm thịnh tình của họ, tôi đưa hai thầy cô đi thăm công viên Nam Hồ ở Trường Xuân, Y Y lúc đó mới bốn tuổi rưỡi cũng cùng đi. Trên đường, con gái nhanh nhẹn hoạt bát thường nhảy nhảy nhót nhót đi trước. Nhưng lúc đi ra khỏi công viên thì không biết con gái từ đâu hoảng sợ luống cuống chạy về phía chúng tôi, con sợ hãi hét lên: “Cha ơi cha ơi, cổng chính đóng rồi, chúng ta không ra được rồi!”. Nhìn con hoảng sợ như vậy, tôi dang tay ra, con gái ùa vào lòng tôi. Tôi bình tĩnh nói với con: “Vậy thì chúng ta xem xem có cửa phụ nào còn mở không, cho dù thật sự là không thể ra được, chúng ta vẫn có thể nghĩ cách khác. Con yêu, con phải nhớ rằng: Có cha ở đây, con không phải sợ bất cứ điều gì cả!”. Con gái nghe vậy, gật đầu quả quyết, như thể trong phút chốc đã trở nên trưởng thành hơn.
Sau này khi gặp phải bất kỳ chuyện gì, con đều nói: “Có cha bên cạnh, con không sợ gì hết”. Nhưng tiền đề là phải có cha bên cạnh, vậy nếu không có cha bên cạnh thì sao?
Một ngày không lâu sau, khi thầy giáo và vợ từ biệt tôi, tôi đưa Y Y đến đường Trùng Khánh gần tòa soạn để đi dạo, ngày thường con bé vốn rất ngoan ngoãn nghe lời, hôm nay không hiểu sao lại không chịu nghe lời, chỉ vì tôi không mua cho bánh kem nên con bé không chịu đi, tôi tức giận một mình đi thẳng, không thèm ngoảnh đầu nhìn lại. Đi được khoảng một trăm mét, nhìn thấy Y Y vẫn ở chỗ cũ, vì thế tôi lại quay lại. Lúc này, con phát hiện ra không thấy cha, sợ hãi khóc toáng lên. Người bán hàng ở hiệu thuốc thấy vậy bèn đưa con vào trong hiệu, hỏi con tên là gì và điện thoại ở nhà.
Khi người bán thuốc định gọi điện thoại về nhà thì tôi đến kịp, Y Y ôm lấy tôi và không ngừng khóc: “Cha ơi, con không thể không có cha”. Tôi ôm chặt con vào lòng, trong lòng rất thương con, tôi nói: “Con yêu, cha cũng không thể không có con”.
“Vậy tại sao cha lại không cần con nữa?”.
“Tại sao cha lại không cần con của mình chứ, cha vẫn để mắt theo con từ nãy giờ”.
Khi con gái sáu tuổi, tôi đi tàu đến Bắc Kinh họp và định lên kế hoạch ở lại Bắc Kinh phát triển sự nghiệp, Y Y cùng mẹ đến ga tàu để tiễn tôi. Khi tàu lăn bánh, con gái bỗng nhiên khóc òa, con lưu luyến vẫy tay chào tạm biệt tôi. Sau này nghe mẹ con kể, khi tàu rời khỏi ga, Y Y vẫn khóc mãi, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con không thể không có cha…”.
Khi con tám tuổi, mẹ con trở về Sơn Đông để dạy học, hai cha con ở lại Trường Xuân. Một buổi trưa tôi ra ngoài mua thức ăn, quên mang theo chìa khóa, không còn cách nào khác, tôi phải đến khu nhà xưởng của xưởng 228 tìm chủ nhà, nhờ chị ấy giúp mở cửa hộ. Trong quá trình tìm chủ nhà cũng phải nán lại một lúc, đúng lúc này con tan học về nhà, nhấn chuông cửa mãi mà không thấy tôi mở cửa liền gọi lớn: “Cha ơi, cha ơi”. Con gọi liền mấy tiếng mà không thấy tôi trả lời, con sợ lắm, sợ hãi khóc nấc gọi: “Cha ơi…”.
Lúc chị chủ nhà đưa chìa khóa cho tôi là mười một giờ bốn mươi phút, tôi nhanh chóng đi về nhà, từ đây cách nhà khá xa, dù con khóc to đến mức nào thì tôi cũng không thể nghe thấy được, nhưng trong sâu thẳm tôi đã nghe thấy Y Y gọi “cha ơi”, tôi rảo bước nhanh hơn. Khi tôi đến cửa chính của khu xưởng thì tôi đã thực sự nghe thấy tiếng khóc của con, tôi chạy như bay vừa chạy vừa hét lớn: “ Y Y, cha ở đây!”.
Nhìn thấy tôi, con khóc òa chạy lại ôm lấy tôi: “Cha ơi, cha đi đâu vậy?”.
“Cha đi tìm chủ nhà để mượn chìa khóa”.
“Tại sao cha không bảo con, con bấm chuông mà không thấy cha mở cửa, gọi chẳng thấy cha trả lời, con nghĩ rằng cha đi đâu mất rồi, nếu cha đi đâu mất thì con biết làm thế nào? Cha biết không, con không thể không có cha…”.
Tôi vừa xin lỗi con vừa an ủi: “Con yêu, cha rất xin lỗi, là cha không suy nghĩ chu đáo, cha làm con sợ rồi, nhưng con yên tâm, cha chẳng đã nói với con, cha sẽ không bao giờ rời xa con sao, sau này nếu con không tìm thấy cha, con cố chờ một chút, nếu thấy lâu mà cha không quay lại thì con đi tìm cô giáo hoặc cô chủ nhà”.
“Vâng ạ”, Y Y vừa thút thít vừa đáp lời tôi.
Lúc đó, ở thành phố Trường Xuân, chúng tôi không có bất kỳ người thân nào, hơn nữa tôi lại không đi làm, không có đồng nghiệp, vừa mới chuyển đến đây, hàng xóm cũng không quen ai, ngoài người thân duy nhất là tôi thì con không còn ai để nương tựa. Tôi có thể tưởng tượng ra cảm giác không ai giúp đỡ, tưởng tượng ra nỗi hoảng sợ của con. Mỗi lần nhớ lại chuyện này là tôi lại không cầm được nước mắt.
Sau này mỗi khi ra ngoài, Y Y thường nhắc tôi: “Cha, điện thoại, chìa khóa, tiền”. Sau khi biết chính xác là mình không còn quên thứ gì nữa hai cha con mới dắt tay nhau xuống dưới nhà.
Bàn tay không người nắm
Trong quãng thời gian ở Đại Liên, cứ mỗi cuối tuần tôi lại đưa con đi dạo phố, đến công viên, vườn thú, hiệu sách, thư viện, nơi nào cũng đều in lại dấu chân của hai cha con.
Đại Liên là một thành phố ven biển xinh đẹp, cũng là một đô thị hiện đại và lãng mạn. Tay lớn dắt tay bé, hai cha con đi hết những con đường góc phố của thành phố này. Cứ mỗi cuối tuần, những nơi mà chúng tôi đến thường gặp nhiều gia đình nhỏ ba người vui vẻ, họ cùng nhau vui chơi, ăn uống hay mua sắm. Mỗi khi nhìn thấy bạn nhỏ nào được cha mẹ dắt hai tay, bạn nhỏ đi ở giữa vừa đi vừa nhảy, đôi mắt con đều ánh lên sự ngưỡng mộ.
Một buổi tối đầu hè năm 2007, trước khi chúng tôi chơi trò chơi, con bé rụt rè nói với tôi: “Cha ơi, hay là chúng ta tìm một dì đi?”, “Hả?”. Tôi lặng người đi một lúc.
“Nếu như trong nhà chúng ta có thêm dì, chúng ta có thể chơi nhiều trò chơi nữa, khi chúng ta dạo phố thì có người nắm lấy bàn tay còn lại của con, hơn nữa cha cũng có người để bầu bạn, cha không còn phải cô đơn nữa…”. “Ừ, ừ”, tôi ôm con gái vào lòng.
“Cha đồng ý rồi nha”. “Ừ”.
“Lúc đầu con còn sợ cha không đồng ý nữa cơ”. “Cha cảm ơn con, con thật là một đứa con ngoan”.
“Bởi vì cha là một người cha tốt, vì thế cha mới có đứa con ngoan…”.
Trước khi con bé nói những lời này thì Tết năm 2007, như thường lệ tôi vẫn về quê để ăn Tết cùng với cha mẹ, có điều khác là Tết năm nay thiếu đi một người, chỉ còn lại tôi và con gái. Tết này cha mẹ tôi không được vui lắm, hai cụ không ngừng lo lắng: “Chỉ có hai cha con, làm sao cha mẹ có thể yên tâm đây, có chết cũng không nhắm được mắt”.
Vì thế mà cha mẹ và một số bạn bè thân thiết có khuyên tôi tái hôn. Cha mẹ tôi đã gần tám mươi tuổi, hai cụ lo lắng hai cha con tôi không ai chăm sóc. Một số bạn bè thân thiết cho rằng tôi là một người đàn ông, công việc bận rộn, cảnh gà trống nuôi con không tiện cho lắm, tìm một người chăm sóc thì sẽ tốt hơn. Lời của người khác tôi có thể không nghe nhưng lời của cha mẹ tôi không thể không suy nghĩ, là một đứa con được coi là hiếu thuận, nếu để cha mẹ lo lắng như vậy thì là một biểu hiện của sự bất hiếu, vì thế tôi phải chín chắn suy nghĩ về việc này, tất nhiên là tôi không tán thành việc hiếu thuận một cách ngu ngốc.
Nghĩ một cách thấu đáo, lời của cha mẹ và bạn bè cũng rất có lý. Nếu như chỉ có việc viết lách ở nhà thì không thành vấn đề, mỗi tháng tôi đều đi họp xa một lần, đi thuyết trình, mỗi lần không dưới ba ngày, nhiều thì năm ngày. Mặc dù thời gian không dài, nhưng để một đứa trẻ mười tuổi ở nhà một mình thì tôi làm sao có thể yên tâm được. Nếu cứ gửi con đến nhà hàng xóm, bạn bè suốt thì cũng làm phiền họ, rất ngại. Hơn nữa con ngày một lớn, để con gái lớn ở nhà người khác cũng không tốt.
Tôi suy nghĩ về vấn đề này trong vài tháng, vẫn chưa đưa ra quyết định thì Y Y đã nói với tôi về suy nghĩ của con.
Lúc đó tôi nghĩ ba người thân yêu nhất của tôi trên thế giới này: cha mẹ - những người đã sinh ra, nuôi tôi lớn lên và Y Y - người tôi sinh ra, nuôi khôn lớn, họ đều khuyên tôi nên tái hôn (lúc này mẹ Y Y đã tái hôn rồi). Thực ra, là một người đàn ông có đời sống tình cảm bình thường, tôi lúc nào cũng muốn có một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, muốn cưới một người mà mình yêu, người mà con gái tôi cũng yêu mến, nhưng vì người phụ nữ như vậy không dễ tìm thấy nên tôi cứ chần chừ mãi không quyết.
Cứ như vậy, thông qua bạn bè giới thiệu, tôi quen với một giảng viên của một trường đại học ở Thẩm Dương. Để vun vén cho tôi và cô giáo này, Y Y đã rất nỗ lực, lần đầu tiên gặp cô ấy, con trang hoàng nhà cửa cho có không khí, con vẽ một bức tranh cả nhà nắm tay nhau, viết lên đó những lời ấm áp, con còn tặng cô tấm thiệp rất đẹp do con tự làm với những lời chúc phúc, trong bữa cơm nhiệt tình mời cô dùng cơm…
Qua một thời gian tìm hiểu, hai người chúng tôi đều thấy tâm đầu ý hợp, Y Y cũng rất quý cô ấy, vì thế chúng tôi đã gắn bó với nhau. Vì cô ấy không thể bỏ công việc để đến Đại Liên, hai cha con tôi mặc dù không muốn rời xa Đại Liên nhưng với một người làm nghề tự do như tôi, ở Thẩm Dương hay Đại Liên đều không ảnh hưởng lớn đến việc phát triển sự nghiệp, vì thế tôi cùng con chuyển về Thẩm Dương.
Bởi vì hai người sống ở hai nơi, việc trao đổi qua lại không thuận tiện, lại thêm thời gian quen biết chưa lâu, nên cô ấy lo lắng là sẽ khó chung sống hòa hợp. Lúc đầu cô ấy đưa ra quan điểm giống như một số cặp đôi thời nay, trước tiên sống chung, nếu hợp mới đăng ký kết hôn, nếu không hợp thì sẽ chia tay trong hòa bình. Tôi là người rất sùng bái quan niệm truyền thống, tôi rất coi trọng hôn nhân, hơn nữa tôi còn phải nuôi con, nếu không bao lâu sau tôi và cô ấy chia tay thì tôi phải nói thế nào với con, hai cha con phải làm thế nào. Vì thế mà tôi đưa ra ý kiến: Không kết hôn thì tôi không thể đưa con đến Thẩm Dương sinh sống. Cuối cùng chúng tôi đăng ký kết hôn.
Đáng tiếc là, một năm sau đó, vì tính cách không hợp, chúng tôi chia tay, cuộc hôn nhân này lại tan theo mây khói.
Trước khi chia tay, tôi đã suy nghĩ, tôi và con phải làm thế nào, không thể ở lại Thẩm Dương được nữa, chỉ còn hai nơi là Đại Liên và Trường Xuân. Hai thành phố này thì tôi quen thuộc như lòng bàn tay, vì tôi đã từng sống và làm việc ở đó, nếu xét về môi trường sống thì tôi muốn quay lại Đại Liên, nhưng nếu xét về góc độ tình cảm, tôi lại muốn về Trường Xuân. Vừa mới rời Đại Liên không bao lâu, giờ lại ủ rũ quay lại đó, trong lòng cảm thấy không được vui, suy xét mọi điều, tôi quyết định trở lại Trường Xuân. Hơn nữa tôi có một kế hoạch ấp ủ đã hơn mười năm nay, đó là xây một trang viên ở quê nhà.
Tôi luôn luôn mong muốn, nếu như có điều kiện, tôi sẽ mua một miếng đất ở quê, xây một khoảng sân to, xây mấy gian nhà, trồng một vài cây hoa, nuôi ít gà vịt, sau đó ở đó viết lách, làm ruộng hay nghỉ ngơi. Nếu như xây được trang viên, tôi sẽ thường xuyên về quê hơn, từ Đại Liên về trang viên phải mất mười tiếng lái xe, nhưng từ Trường Xuân chỉ mất gần hai giờ đồng hồ.
Vì thế tôi lại đưa con đi lên phía Bắc, về quê hương của tôi - Trường Xuân.