Thực tiễn mười năm đã chứng minh, quan niệm giáo dục của tôi không chỉ là sự hoang tưởng tươi đẹp. Chơi đùa vui vẻ, con gái ngày một lanh lợi hơn, tự tin hơn, con chơi nhưng vẫn đạt được “ba tốt” - điểm tốt, năng lực tốt, phẩm chất tốt. Quan niệm giáo dục mà tôi đưa ra phù hợp với mọi đứa trẻ, đó là: học tập vui vẻ, phát triển khỏe mạnh và thành công thuận lợi!
Trung học cơ sở bắt đầu từ kỳ tập quân sự
Khi tôi đang ngồi viết những dòng này, con gái đang trong kỳ tập quân sự ở Đại học Hắc Long Giang, đây là lần thứ ba Y Y tham gia tập quân sự khi chưa đầy mười sáu tuổi, hai lần trước đó là lúc bắt đầu vào trung học cơ sở và trung học phổ thông. Mỗi lần tập quân sự, con đều là người bé nhất trong đội, nhưng thành tích của con rất tốt.
Ngày 23 tháng 8 năm 2006, trên sân vận động của trường Trung học số 77 thành phố Đại Liên, hơn chục sĩ quan huấn luyện trong bộ đồng phục hải quân đang huấn luyện cho mười hai lớp học sinh mới của trường, trong đội ngũ học sinh của lớp thứ mười một, có một cô bé người nhỏ nhắn thấp bé đang đứng nghiêm trang, cô bé chưa đầy mười tuổi, sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau chấn thương, đó chính là Phạm Khương Quốc Nhất, cô con gái lạc quan, kiên cường của tôi!
Trong nhật ký ngày hôm đó, con đã viết: Mình đã thể hiện không kém những bạn khác, thầy sĩ quan huấn luyện đã khen mình, cô giáo cũng biểu dương mình, mặc dù hơi vất vả, hơi mệt nhưng mình rất vui…
Trong cuốn sách Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, Y Y đã viết:
Đã từ rất lâu, được tham gia “tập quân sự” chính là niềm ao ước lớn nhất của mình. Cha mình nói tập quân sự rất có ích, có thể học được nhiều điều, nhưng những anh chị em họ đang học đại học của mình lại nói tập quân sự rất khổ, như là chịu tội vậy. Nhưng dù là có ích hay là vất vả mình vẫn muốn đợi đến lúc lớn, mình nhất định phải tự mình trải nghiệm.
Nhưng chưa đợi đến lúc lớn, mình đã được trải nghiệm rồi.
Ngày 23 tháng 8 năm 2006 là một ngày nắng rực rỡ, là ngày đầu tiên mình bước vào trường trung học cơ sở. Sau bữa sáng, mình vui vẻ đến trường với bao niềm hy vọng và chờ đợi.
Điều làm mình cảm thấy phấn chất nhất đó là, ngày đầu tiên khai giảng lại là ngày tập quân sự.
...
Ba ngày tập quân sự trôi qua thật nhanh, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, nhưng mình đã thu được rất nhiều thứ, sau thời gian tập quân sự, mình cảm thấy mình đã lớn lên rất nhiều, bởi vì tập quân sự đã dạy cho mình biết thế nào là gian khổ, thế nào là khó khăn và còn dạy cho mình biết làm thế nào để giải quyết vấn đề.
Như thế, đợt tập quân sự đã mở ra trang đầu tiên trong cuộc sống trung học của con gái.
Lựa chọn làm một trong hai “đại biểu môn học”
Trong khi dạy con, chúng ta thường yêu cầu con cái phải dũng cảm giành lấy cơ hội, cần phải có chí tiến thủ và có ý thức cạnh tranh. Nếu một đứa trẻ không biết giành lấy cơ hội, chúng ta sẽ cho rằng đứa trẻ đó yếu ớt, không có chí tiến thủ. Đặc biệt khi trẻ từ bỏ những gì đã nắm được trong lòng bàn tay, chúng ta sẽ nói trẻ là “ngốc”.
Nhưng tôi lại suy nghĩ khác, phải có thái độ cởi mở để đối diện với những thứ xung quanh, học cách dùng tư duy biện chứng để nhìn cuộc sống, vừa phải dũng cảm để giành lấy, nhưng cũng phải học cách từ bỏ trong vui vẻ. Những cơ hội nào, thách thức nào phù hợp, chúng ta sẽ cổ vũ động viên con giành lấy, ngược lại thì phải biết sáng suốt từ bỏ.
Sau khi tập quân sự, Y Y bắt đầu tiết học đầu tiên trong trường trung học cở sở.
Hôm đó con đi học từ bảy giờ sáng, đến sáu giờ chiều mới về đến nhà (thời gian đi chỉ mất khoảng sáu đến bảy phút). Khi bước vào nhà, câu đầu tiên con nói là: “Cha ơi, con mệt chết đi được”. Nhìn thấy người con đầy mồ hôi, tôi thương lắm, giúp con cầm cặp sách, ôm con vào lòng, vỗ về an ủi con: “Con yêu vất vả rồi!”.
Một lúc sau Y Y lại tươi cười hớn hở kể cho tôi nghe buổi đầu tiên đi học: “Bởi vì giờ toán con tích cực trả lời câu hỏi, cô giáo dạy toán biểu dương con; vì trên lớp ghi chép tốt, cô giáo ngữ văn tuyên dương con; vì giọng hát của con vang và hay, cô giáo dạy nhạc khen con; bài tập tiếng Anh quá nhiều, phải viết mất hẳn một tiết học…, buổi trưa cơm rất thơm, thức ăn cũng rất ngon, con ăn no căng cả bụng. Ôi, cuộc sống ở trường trung học thật là mệt mỏi: nội dung học nhiều, bài tập nhiều, cô giáo nghiêm khắc. Nhưng mà con vẫn thích cuộc sống như vậy”.
Giống như hồi học tiểu học, con vui vẻ hứng khởi đi học, vui vẻ về nhà, mỗi ngày sau khi tan học về lại thông báo những tin vui hoặc tin không vui, con yêu cuộc sống ở trường, muốn học được nhiều kiến thức. Vì thế con không cảm thấy chán ghét việc học và thành tích học tập của con quả nhiên rất cao.
Học kỳ mới bắt đầu chưa được bao lâu thì các bạn đã quen thân, cô giáo cũng cơ bản hiểu rõ từng học sinh trong lớp, việc chọn cán sự môn học cũng được bàn bạc và lựa chọn. Sau khi lựa chọn được danh sách những bạn làm cán sự môn của những môn chính là ngữ văn, toán học và tiếng Anh thì chỉ còn lại những môn phụ. Mặc dù trong lớp con là học sinh nhỏ tuổi nhất nhưng thành tích học tập không phải là kém nhất, hơn nữa con lại có năng lực tổ chức nhất định, vì thế con rất mong muốn được làm cán sự môn học của một môn nào đó. Thế nhưng con không được chọn làm cán sự của các môn chính. Con gái có vẻ thất vọng lắm, hy vọng có thể được làm cán sự của những môn phụ còn lại.
Có những việc quả thực không ngờ tới, con chỉ muốn được làm cán sự của một môn nào đó là đã mãn nguyện lắm rồi, nhưng thật bất ngờ con được chọn làm cán sự của hai môn. Môn đầu tiên là môn chính trị, cô giáo dạy chính trị đưa ra vài câu hỏi liên quan, câu nào Y Y cũng trả lời rất dõng dạc, dễ dàng đạt được “vòng nguyệt quế”; một “vòng nguyệt quế” khác mà con đạt được chính là “cán sự môn âm nhạc”. Có thể do các bạn chưa quen, hoặc cũng có thể do ngượng ngùng, nên khi cô giáo dạy nhạc hỏi bạn nào muốn hát tặng các bạn một bài hát thì hồi lâu vẫn không có ai chịu đứng dậy, nhìn thấy vậy Y Y rất tự nhiên đứng dậy hát tặng cô giáo và các bạn bài hát “Thiếu nhi nhỏ tuổi”.
Trong hai ngày con được chọn làm cán sự của hai môn học.
Từ nhỏ Y Y đã giống tôi, đã làm gì đều làm rất nghiêm túc, mới “nhậm chức” là con đã bắt đầu bận rộn. Mặc dù chỉ là môn phụ, nhưng những việc phải làm của hai môn không phải là ít, phải cùng với cô giáo thu phát bài tập, sắp xếp hoạt động… Một lần, giáo viên dạy nhạc nhờ con sắp xếp vài bạn đánh trống để tham gia biểu diễn văn nghệ, kêu con chuẩn bị tư liệu về các bạn ấy. Đúng lúc đó thì cô dạy chính trị lại nhờ con thu vở thực hành giao cho cô…
Hôm đó con mệt mỏi về nhà, tôi vội hỏi con đã xảy ra chuyện gì, con im lặng hồi lâu mới nói sự thật với tôi, sau khi nghe con kể chuyện trước tiên tôi tuyên dương con vì tinh thần tận tình với công việc nhưng tôi nói với con làm gì cũng phải lượng sức mình, nếu gượng ép quá sẽ phản tác dụng, như vậy không tốt cho việc học tập và trưởng thành của con.
Nghe tôi nói như vậy con cẩn thận nói với tôi ý định từ chức cán sự môn học. Lúc đó tôi không đưa ra ý kiến ngay mà hỏi lại con: “Tại sao con phải từ chức, lúc đầu không phải là con muốn làm cán sự môn học hay sao?”. “Con không ngờ lại bận như vậy, con lo sẽ ảnh hưởng đến việc học của con”.
Tôi lại nói chuyện với con một lúc, sau đó tôi nói: “Theo tình hình của con hiện nay, làm cán sự của hai môn là không thỏa đáng, nhưng nếu từ chức cán sự của cả hai môn thì cũng không tốt, tốt nhất là làm cán sự của một môn, còn vấn đề chọn môn nào bỏ môn nào, con tự mình suy nghĩ và quyết định, cha tôn trọng lựa chọn của con”. “Cảm ơn cha, con biết mình phải làm gì rồi”, con gái vui vẻ gật đầu.
Ngày hôm sau Y Y khéo léo tìm cô giáo để xin từ chức cán sự môn âm nhạc, cô giáo rất hài lòng với con trong thời gian làm cán sự môn học vừa qua, cô chấp nhận đơn xin từ chức của con. Chiều tối hôm đó, con gái bước những bước nhẹ nhàng về nhà, vừa vào đến nhà đã nói với tôi: “Con từ chức cán sự môn âm nhạc rồi cha ạ, con cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, nhưng cũng hơi buồn”.
Tôi nói với con: “Biết giành lấy thì cũng phải biết từ bỏ, đây chính là một ranh giới. Rất nhiều người chỉ nghĩ đến làm thế nào để đạt được, muốn họ từ bỏ những gì thuộc về mình quả là rất khó. Nhưng cha mong rằng khi con biết lúc nào là lúc nên từ bỏ thì con hãy sáng suốt từ bỏ, đừng làm trái với ý chí bản thân, đừng cố ép mình phải có một thứ gì đó”. Tất nhiên lúc này con bé còn quá nhỏ để hiểu hết những gì tôi muốn nói.
Cho con quyền quyết định việc của chính mình, bạn sẽ thấy con bạn ngày một có chính kiến. Bất luận là tiếp tục làm hay từ chức, chỉ cần con gái đưa ra quyết định, tôi đều chọn cách ủng hộ. Tiếp tục làm sẽ khiến con cảm thấy có trách nhiệm, tăng cường ý thức cho bản thân vào khuôn khổ; nếu từ chức con sẽ hiểu thế nào là từ bỏ, biết phải căn cứ vào năng lực của bản thân để lựa chọn. Đặc biệt khi từ chức, đối với con, đó là một trải nghiệm khó khăn nhưng đáng quý. Vì thế mà có những lúc hãy để con học cách từ bỏ, như thế sẽ có ý nghĩa hơn là việc cố giành lấy.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học và Phát thanh viên
Kính thưa các thầy cô giáo, thưa các bạn học sinh thân mến! Tôi là Phạm Khương Quốc Nhất, chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học Thần Hi trường Trung học 141. Câu lạc bộ văn học ra đời sẽ tạo ra một sân chơi bổ ích cho các bạn yêu văn chương giao lưu học hỏi. Hy vọng các bạn sẽ tích cực tham gia cuộc thi lựa chọn thành viên Câu lạc bộ văn học Thần Hi lần thứ nhất, và chúc các bạn thành công!
Đây là bài phát biểu của con gái trong buổi lễ thành lập Câu lạc bộ Văn học Thần Hi.
Câu lạc bộ Văn học Thần Hi là một tổ chức đoàn thể của trường Trung học số 141 thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh.
Ở phần trước tôi đã kể qua, sau một năm sống ở Đại Liên, hai bố con chuyển đến Thẩm Dương, theo nguyên tắc của tôi ở đâu gần thì học ở đó, vì thế Y Y chuyển đến trường Trung học cơ sở số 141, cách nhà có hai bến xe bus, giống như trước đây, trước khi nhập học tôi có trao đổi với hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm, giới thiệu qua về tình hình của con và quan điểm giáo dục của tôi.
Đi học chưa được bao lâu, cô Trương Khiết thuộc ban chấp hành Đoàn đã tìm đến Y Y, cô nói thầy hiệu trưởng muốn giới thiệu Y Y làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học mới được thành lập. Tôi nghĩ thầy hiệu trưởng giới thiệu con có lẽ vì thầy xét đến con đã có rất nhiều tác phẩm, và còn xuất bản cả sách nữa, thực ra con đã có sách xuất bản, nhưng về mặt này con cũng chưa hiểu rõ lắm, thậm chí con cũng không biết “Câu lạc bộ Văn học” là một tổ chức như thế nào, vì thế mà khi cô giáo tìm con nói chuyện, con nói với cô cho con thời gian suy nghĩ, lúc đó cô giáo còn nghĩ là con chảnh nữa.
Ngày hôm đó sau khi tan học về, Y Y lập tức “thỉnh giáo” tôi về câu lạc bộ văn học, tôi giải thích với con như thế này: “Câu lạc bộ văn học là tổ chức của những người yêu văn học, thành viên trong câu lạc bộ sẽ thường xuyên cùng nhau nghiên cứu những gì liên quan đến văn học và viết lách”. Tôi cũng nói thêm với con, trước đây tôi cũng từng làm chủ nhiệm câu lạc bộ văn học do tôi thành lập có tên Câu lạc bộ văn học Hắc Thủ.
Nghe tôi nói, Y Y vui mừng nói: “Vậy làm chủ nhiệm câu lạc bộ phải làm thế nào? Làm chủ nhiệm câu lạc bộ văn học có khó không ạ? Cha xem con có khả năng làm chủ nhiệm không ạ?”. “Làm chủ nhiệm câu lạc bộ thực ra cũng không có yêu cầu gì đặc biệt, chủ yếu là con phải yêu thích việc viết lách, đồng thời phải có năng lực tổ chức nhất định, phải nỗ lực và vất vả hơn người khác. Làm chủ nhiệm câu lạc bộ văn học vừa có thể rèn luyện năng lực tổ chức, vừa có thể nâng cao khả năng viết, đây là một việc tốt”. Những lời này của tôi khiến con an tâm, con nói nhất định sẽ làm tốt vai trò của một chủ nhiệm giống như tôi.
Và như thế Y Y được thầy hiệu trưởng “đặc biệt” tiến cử trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ văn học, sau khi đã chọn được chủ nhiệm, cô giáo triệu tập thêm vài thành viên cốt cán và muốn đặt một cái tên thật kêu cho câu lạc bộ, mọi người cùng bàn bạc, cuối cùng Y Y nói : “Đặt tên là Thần Hi vậy, thể hiện các thành viên trong câu lạc bộ đều giống như mặt trời lúc bảy, tám giờ sáng, năng động, đầy sức sống!”. Cô giáo đồng ý với ý kiến của con, và Câu lạc bộ Văn học Thần Hi ra đời như thế đó.
Khi mới thành lập, Y Y và các bạn thành viên đã bắt đầu bắt tay chuẩn bị xuất bản tờ báo riêng của câu lạc bộ. Theo yêu cầu của Ban chấp hành Đoàn trường, cứ hai tháng câu lạc bộ phải xuất bản một kỳ, sau đó phát cho từng lớp và dán lên bảng tin để mọi người cùng đọc. Nguồn tài liệu để viết báo đều là do các bạn cùng đóng góp, chủ yếu là từ các thành viên của câu lạc bộ. Mỗi tháng, các thành viên câu lạc bộ phải giao hai bản thảo, những ai không là thành viên thì tự nguyện. Những công việc như biên tập, chỉnh sửa do những cán bộ của câu lạc bộ phụ trách. Những bạn có tác phẩm được đăng trên báo sẽ được tặng một ấn phẩm.
Bài của các bạn trước tiên sẽ đưa cho cô ở Ban chấp hành Đoàn, những bài nào kém quá thì thôi, những bài còn lại thì sẽ do mấy bạn phụ trách trong câu lạc bộ quyết định, sau khi thảo luận xong, sẽ đưa lại cho cô giáo quyết định lần cuối. Sau đó mấy đứa nhỏ bắt đầu biên tập, chỉnh sửa, rồi cô giáo mang đi in. Sau vài lần nỗ lực làm việc trong giờ tự học, kỳ báo đầu tiên chứa đầy tình cảm và sự vất vả của các thành viên đã chính thức ra mắt độc giả, các bạn học sinh rất thích, Y Y nhìn thấy thành quả lao động của mình cũng rất vui sướng.
Sau đó câu lạc bộ văn học không ngừng tổ chức các hoạt động như thi diễn thuyết “Giọng nói vàng”, hội thảo về đọc sách, thi đọc, kỳ thi “Những tác phẩm văn học vui”… Mặc dù rất bận rộn nhưng Y Y đã thu được rất nhiều kiến thức, nâng cao khả năng viết của bản thân và được rèn luyện rất nhiều.
Ngoài đảm nhiệm những công việc của câu lạc bộ, Y Y còn kiêm công việc làm phát thanh viên của trạm phát thanh trường.
Vì trạm phát thanh Thần Hi là trạm phát thanh trực thuộc Câu lạc bộ Văn học Thần Hi, vì thế vừa là chủ nhiệm câu lạc bộ văn học, đồng thời Y Y cũng là trạm trưởng trạm phát thanh. Trạm phát thanh Thần Hi có tất cả sáu phát thanh viên, sáu người chia làm hai tổ, mỗi tổ ba người, lần lượt thay nhau tìm tài liệu, biên tập, viết nội dung, sau đó lại thay nhau luyện tập, tiếp đó thì cùng nhau dẫn chương trình. Nhiệm vụ của con gái là viết bài và dẫn chương trình, các bạn cùng tổ với con phụ trách tìm tài liệu cho con.
Khi tôi đang viết những dòng này thì Y Y gọi điện về, con vui mừng thông báo, con đã trúng tuyển trong kỳ thi tuyển của Ban phóng viên báo trường và Đài Phát thanh hữu tuyến trường Đại học Hắc Long Giang, trở thành phóng viên của báo trường và người dẫn chương trình của Đài Phát thanh hữu tuyến.
Người phát ngôn tích cực nhất trong giờ học
Phát ngôn chính là phát biểu ý kiến, làm được điều này cần phải có dũng khí để đối mặt với cái sai và có quyết tâm thách thức vấn đề. Nhưng trong nhiều trường hợp, rất ít người dám chủ động phát biểu ý kiến, vì họ thiếu dũng khí và quyết tâm, do đó đánh mất đi rất nhiều cơ hội tốt. Là học sinh thì việc phát biểu ý kiến trên lớp là không thể thiếu, nhưng có một số học sinh lại không thích giơ tay phát biểu, phải đợi cô giáo gọi tên thì mới miễn cưỡng đứng dậy trả lời câu hỏi. Nhưng con gái tôi lại là một ngoại lệ. Lần nào cũng vậy, cô giáo chưa kịp nói hết câu hỏi, con đã giơ tay chuẩn bị trả lời để cô giáo có thể nhìn thấy con và gọi con trả lời. Từ khi học mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông rồi đến đại học con đều tích cực như vậy. Trong cuốn sách mới Chơi cũng là một cách để trưởng thành, con viết như sau:
Khi mình học lớp tám, một hôm trong giờ vật lý, cô giáo hỏi câu hỏi đầu tiên trong đề thực nghiệm, câu hỏi là: “Hãy dùng bất cứ một dụng cụ nào trong những dụng cụ dưới đây: một cốc thủy tinh, hai bóng đèn nhỏ, một ít nước, một nguồn điện và một ít dây dẫn, một cây bút chì, một cục tẩy, một công tơ điện tiến hành một thí nghiệm để chứng minh những khái niệm hoặc định luật đã học, yêu cầu nói được quá trình tiến hành thí nghiệm, hiện tượng và kết luận”. Sau khi cô giáo đặt xong câu hỏi, rất nhiều bạn nam đã xung phong trả lời, chẳng có bạn nữ nào xung phong cả (lúc đó mình đang xem lại đề), có thể là do các bạn nữ ngại, vì thế cô giáo gọi hai trong số các bạn nam xung phong trả lời, hai bạn đó lần lượt dùng công tơ, dây dẫn, bóng đèn, tẩy và bút chì để chứng minh cường độ dòng điện trong mạch nối tiếp là bằng nhau ở mọi điểm, và áp lực bằng nhau, diện tích càng nhỏ thì áp suất càng lớn. Nhưng khi hai bạn nam đều đã trả lời xong thì vẫn chẳng có bạn nữ nào giơ tay phát biểu, chỉ nghe cô giáo vật lý nói: “Cô không tin là các bạn nữ lại thua kém các bạn nam, lần này cô sẽ không gọi bạn nam nữa!”.
Câu nói này của cô giáo khiến rất nhiều bạn nữ giật mình, nhưng mình lập tức giơ tay, vì mình là người thích môn vật lý, cô giáo vui vẻ gọi mình, mình đứng dậy và bình tĩnh trả lời: “Em chọn dùng bút chì, cốc thủy tinh và nước. Trước tiên, đổ nước vào trong cốc, sau đó dùng bút chì gõ vào thành cốc. Hiện tượng là thấy nước có gợn sóng nhỏ, chứng minh mọi vật phát ra âm thanh đều đang rung”. Khi mình nói chưa dứt câu thì dưới sự khởi xướng của cô giáo, các bạn vỗ tay rào rào, cô giáo nói vỗ tay còn chưa to lắm, vì thế câu trả lời của mình kết thúc trong tiếng vỗ tay của cô và các bạn, nhưng mình vẫn chưa hiểu tại sao cô giáo lại vỗ tay. Cô giáo nói: “Dùng những dụng cụ đơn giản và những thao tác đơn giản nhất để chứng minh khái niệm thật không còn gì tuyệt hơn, không dễ bị sai, lại còn ngắn gọn dễ hiểu!”.
Nhưng thành công và thất bại là một đôi bạn luôn song hành với nhau, vì thế không phải mỗi lần mình phát biểu đều được cô giáo khen…
Năm lớp chín trong giờ toán, có một lần phát biểu đã khiến mình không thể vui nổi, cô giáo đưa ra một bài phương trình bậc hai, cung cấp một vài số liệu và yêu cầu mình vẽ đồ thị. Giống như những lần trước mình tích cực xung phong lên bảng làm để làm mẫu cho các bạn. Năm phút trôi qua, mình tự tin đứng trên bục giảng giải thích cho các bạn, sau khi mình giải thích xong, đang đợi cô giáo biểu dương thì cô giáo lại nói: “Phạm Khương Quốc Nhất, em không thấy là em vẽ ngược rồi sao? Cô cho các em giá trị của hằng số a là giá trị âm, đồ thị hàm số phải đi xuống, tại sao em lại vẽ đi lên? Tất cả đều đúng, chỉ có hướng của đồ thị sai!”. Vì thế mình xấu hổ đi về chỗ.
Cho dù là thành công hay thất bại, phát biểu ý kiến trong giờ học là một việc mình yêu thích, vì cho dù đúng hay sai thì mình đều được nghe những lời nhận xét của cô giáo. Cho dù bạn trả lời sai đi nữa, thì ít nhất bạn cũng biết mình sai ở đâu, nếu không thì bạn sẽ bị sự nhút nhát làm mờ đôi mắt, mãi mãi không biết mình còn thiếu sót ở đâu. Nếu như không thử một lần, làm sao bạn khẳng định là mình sai? Đừng để sự ngượng ngùng xấu hổ chiếm mất sự tự tin của bạn, phải tin vào bản thân mình, như vậy bạn mới có dũng khí để giơ tay phát biểu, trong lòng phải luôn luôn nghĩ - mình phải phát biểu!
Nói đến việc Y Y phát biểu trên lớp còn có vài câu chuyện thú vị.
Một chuyện là lúc con tám tuổi, tôi đưa con về quê thăm ông bà nội, mỗi lần về, cháu gái Xuân Phong kém Y Y một tuổi luôn luôn là bạn chơi tốt nhất của Y Y. Ngày hôm đó khi về nhà, Y Y liền đi tìm Xuân Phong, cha của Xuân Phong nói Xuân Phong đang ở lớp học. Vì thế Y Y liền đến trường tìm Xuân Phong, con bé đi một vòng xung quanh trường, đến khi ra chơi thì Y Y chơi cùng Xuân Phong và mấy bạn nhỏ nữa, đang chơi vui thì chuông vào lớp, Y Y cùng đi vào lớp với Xuân Phong và ngồi cạnh cháu gái.
Cô giáo vào lớp thấy Y Y thì rất ngạc nhiên, hỏi con là ai, con trả lời mạch lạc: “Em tên là Phạm Khương Quốc Nhất, là cô họ của Xuân Phong”. Cô giáo nghe thấy vậy buồn cười: “Ồ, thì ra là trưởng bối, vậy thì được, em ngồi xuống”. Sau khi Y Y ngồi vào chỗ, cô giáo bắt đầu giảng bài, trong khi giảng mấy lần cô đặt câu hỏi, lần nào Y Y cũng xung phong trả lời, vì xét đến Y Y không phải là học sinh trong lớp nên cô không gọi con, câu hỏi sau đó cả lớp chỉ có mình Y Y giơ tay, cô giáo không còn cách nào khác là mời con phát biểu, tất nhiên là Y Y đã trả lời rất tốt.
Ngày hôm đó sau khi tan học, Y Y dắt tay Xuân Phong về nhà, con bé khoa chân múa tay kể: “Cha ơi, hôm nay con lại phát biểu, trả lời đều đúng cả”. Tôi nghe con nói vậy ngây người ra, lại phát biểu cái gì, lúc này Xuân Phong mới nói: “Ở trên lớp, chúng cháu đều không biết trả lời, có mỗi cô trả lời được”.
Sau đó tôi hỏi cặn kẽ đầu đuôi sự tình. Lúc đó Xuân Phong đang học lớp hai còn Y Y đã học lớp bốn, nói theo cách của con thì trả lời những câu hỏi đó đều là chuyện nhỏ. Tôi khen ngợi sự tham gia tích cực của con, nhưng tôi cũng khuyên con không nên lấn át chủ nhà, làm khách cũng phải làm khách cho đúng. Con cười hì hì và nói: “Con nhớ rồi ạ”.
Bảy năm sau, khi học lớp mười hai, con lại phạm một “lỗi” y chang như vậy, nhưng lần này là bị cô giáo gọi phát biểu. Ngày 22 tháng 10 năm 2011, nhận lời mời của chị Đan Đan, con đến trường Đại học Trường Xuân để nghe giờ tiếng Anh, vốn chỉ đến góp vui thôi nhưng chẳng ngờ lại bị gọi phát biểu.
Bởi vì lúc đó con đã cao một mét sáu mươi sáu, nhìn thì không thể nhận ra là con chỉ mới mười lăm tuổi, hơn nữa lại đang trong giờ học ở giảng đường đại học, giáo viên chẳng để ý sinh viên nhiều hay ít, vì thế mà thêm một em Phạm Khương Quốc Nhất thì cô cũng không thể biết được. Ai ngờ cô giáo này lại điểm danh, khi cô điểm danh thì thừa ra một người. Lúc này thân phận của con đã bị bại lộ. Nhưng giáo viên rất khoan dung, sau đó còn gọi con trả lời câu hỏi, con trả lời rất tốt, vì thế mà giáo viên đã khen con.
Đó chính là con gái của tôi, cô con gái thích phát biểu trong giờ học, có ý kiến sẽ trình bày, cô giáo đặt câu hỏi thì sẽ tích cực trả lời.
Hai cha con tự đi du lịch xa nghìn kilômét
Đọc sách khiến cho con người ta thông minh sáng suốt, đi nhiều ngoài khiến con người tăng thêm nhận thức cảm tính đồng thời còn cho ta thêm nhiều cơ hội thực tiễn, vì thế đối với sự phát triển của trẻ, chỉ đọc sách thôi thì không đủ, cần phải cho trẻ đi nhiều. Để cho con đọc nhiều sách, tôi liên tục mua sách, tạo cho con một môi trường đọc sách tốt, để cho con được mở mang tầm mắt, tôi đưa con đi từ Nam đến Bắc.
Mấy năm nay tôi dùng tiền nhuận bút để mua rất nhiều sách, du lịch và sinh sống ở mười sáu thành phố của Trung Quốc, đi qua hơn hai trăm thành phố, thị trấn và vùng nông thôn, dấu chân của tôi đã lưu lại ở hai mươi tám tỉnh, thành phố, khu tự trị cả nước, trong đó tôi đưa con đến hơn mười tỉnh, vì thế mà con gái có rất nhiều chuyện để kể, các bạn học thường rất ngưỡng mộ con.
Đưa con đi du lịch, không nói đến vấn đề kinh tế thì vấn đề chủ yếu là quan niệm của phụ huynh. Thời đại ngày nay, vài nghìn tệ, vạn tệ đối với nhiều gia đình đều không thành vấn đề, nếu nói để chọn một trường tốt cho con, phụ huynh không tiếc gì mấy vạn thậm chí là mấy chục vạn, nhưng nếu bỏ ra mấy nghìn tệ đưa con cái đi du lịch thì có khi lại không muốn.
Theo tôi thấy, nếu lấy tiền chuyển trường để đưa con đi du lịch thì sẽ ý nghĩa và giá trị hơn nhiều. Điểm này khi con cái ngày một lớn hơn thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn, sự trưởng thành của con gái tôi là một ví dụ rất điển hình. Mấy năm nay tôi luôn luôn giữ nguyên tắc gần đâu học đấy, tôi không phải tốn một đồng nào để chuyển trường cho con, nếu cũng giống như một số phụ huynh khác thì từ khi con gái học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở rồi trung học phổ thông, ít nhất tôi phải mất mười vạn tệ tiền chuyển trường, số tiền này tôi đã tiết kiệm được, trừ đi một phần nhỏ số tiền dùng để mua sách cho con thì phần còn lại tôi dùng để đưa con đi du lịch, vì thế con gái mặc dù chỉ học ở trường bình thường nhưng rất nhanh nhẹn hoạt bát, lạc quan, tự tin, hơn nữa tố chất tổng thể còn cao hơn những bạn học ở trường điểm khác.
Mùa hè năm 2008, trước khi tôi và con rời Thẩm Dương để chuyển đến sống ở Trường Xuân, tôi lái xe đưa con gái và chị họ của con đi du lịch hai mươi ngày, tổng cộng đi hơn bốn nghìn kilômét, xuất phát từ Thẩm Dương, Liêu Ninh, đến thành phố Trường Xuân, thành phố Cát Lâm, thành phố Đôn Hóa, rồi đến thành phố Ninh An, thành phố Hải Lâm, Mộc Đan Giang, Kê Tây, Gia Mộc Tư, Song Áp Sơn, Hạc Cương, Y Xuân, Tuy Hóa, Cáp Nhĩ Tân của tỉnh Hắc Long Giang, cả cuộc hành trình chúng tôi thưởng ngoạn vẻ đẹp và sự trù phú của vùng Đông Bắc.
Chúng tôi lưu lại ở Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm trong một thời gian ngắn, sau đó lái xe đến thành phố ven sông xinh đẹp, thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Cát Lâm - thành phố Cát Lâm. Cát Lâm không chỉ là một trong mười sáu thành phố mà tôi đã từng làm việc và sinh sống, mà còn là thành phố đầu tiên mà tôi đến, vì vậy mà tôi có tình cảm đặc biệt với thành phố này.
Ba mươi năm trước, sau khi bị cha đánh mắng trách móc nhiều lần, tôi tức giận bỏ nhà ra đi, tôi đã trốn đến thành phố Cát Lâm cách nhà hơn ba trăm kilômét, ở nhờ chỗ anh ba, lúc đó anh ba đang đóng quân ở Cát Lâm. Tất nhiên lúc đó tôi không thể đi bộ đội, sau khi thăm thú một tuần, anh ba đưa tôi ra tàu về quê. Năm đó tôi mới mười hai tuổi.
Chuyến đi Cát Lâm lần đó tôi đã có rất nhiều lần đầu tiên: lần đầu tiên đến thành phố, lần đầu tiên ngồi tàu, lần đầu tiên ngồi ô tô, lần đầu tiên được đi vườn bách thú, lần đầu tiên được xem chiếu phim trong phòng chiếu, lần đầu tiên được tắm trong bồn tắm, lần đầu tiên được thấy nhiều tòa nhà cao tầng như vậy, lần đầu tiên thấy nhiều ô tô như vậy. Từ đó, trái tim non nớt của tôi luôn hướng tới thế giới bên ngoài…
Hai mươi ba năm sau, khi trở lại thành phố ven sông tươi đẹp này, lúc này tôi đã là một biên tập viên chuyên mục, là một phóng viên nổi tiếng, một người dẫn chương trình nổi tiếng đến đây để làm chương trình “Đông Tử giới thiệu và ký tặng sách trên toàn quốc”. Để gần gũi hơn với nơi đã từng chở những ước mơ của tôi về một thành phố, tôi đã sống và làm việc ở đây hơn một năm. Trong thời gian đó, tôi lên lớp cho các sinh viên ở Học viện Truyền thông Cát Lâm, mở chuyên mục “Đông Tử Online” cho tạp chí Làm người và xử thế, và còn thường xuyên là khách mời trường quay.
Ở Cát Lâm, tôi đưa bọn trẻ đi thưởng thức món cá ở hồ Tống Hoa, đến thăm Đảo Ngũ Hổ, thăm thành cổ Ô La, sau đó chúng tôi đi theo quốc lộ 302, xuyên qua đỉnh Lão Gia, leo núi Hắc Đỉnh Tử, chúng tôi đi về phía Đông, lái xe đến thẳng thành phố Đôn Hoa. Sau khi nghỉ ngơi ở Đôn Hoa, xe chúng tôi đi trong mưa nhỏ, vượt qua những đám mây, men theo đường quốc lộ 201 đi về phía Bắc, qua đỉnh hồ Minh Nhạn âm vang tiếng chim nhạn và vượt qua đỉnh Chu Đôn núi non trùng điệp, đến với tỉnh cực Bắc của Trung Quốc - Hắc Long Giang. Sau mười lăm phút, xe đến thị trấn nhỏ Kính Bác nằm ven hồ Kính Bác, nghỉ ngơi chốc lát xe chúng tôi men theo bờ Đông của hồ tiến sâu vào trong, đi qua một loạt những khe nước, tiến thẳng đến khe sông Kính Bác…
Mười mấy ngày sau đó, tôi và con tiếp tục khám phá vùng đất đen của tổ quốc, ở Gia Mộc Tư và Hạc Cương chúng tôi đến sông Tống Hoa, đi dạo ở vùng đất mầu mỡ Tam Giang; ở Y Xuân và Tùy Hóa chúng tôi đi qua những cánh rừng mênh mông, lênh đênh trên dòng Đại Phong; ở Cáp Nhĩ Tân chúng tôi đến thăm đảo Thái Dương, thăm nhà thờ lớn Sophia; ở thành phố Cát Lâm và Song Áp Sơn chúng tôi lần lượt đến thăm anh Ba và anh Cả, trong thời gian ở Song Áp Sơn tôi đưa Y Y thăm lại nơi tôi đã từng sinh sống và làm việc cách đây hai mươi lăm năm, thăm lại người chủ nhà tốt bụng năm xưa.
Chuyến đi hàng nghìn kilômét này không chỉ đơn giản là một chuyến du lịch tự khám phá mà còn là dịp chúng tôi đi để thăm người thân, và là chuyến đi tỏ lòng biết ơn…
Sau khi trở về, Y Y nói với tôi: “Cha ơi, vốn con chỉ nghĩ Mộc Đan Giang là một thành phố của Hắc Long Giang, giờ con mới biết nó còn là tên của một dòng sông, hơn nữa lại là nhánh sông lớn nhất của sông Tống Hoa, thành phố Mộc Đan Giang được đặt theo tên của dòng sông này, qua chuyến đi lần này con đã biết thêm được rất nhiều điều”.
“Tất nhiên rồi con, nếu không thì người khác đâu có nói cha con là ‘đi nhiều biết rộng’, khà khà, con còn thu hoạch được gì nữa nào?”.
“Vô cùng nhiều cha ạ, đợi con dần dần tiêu hóa con sẽ nói cho cha nghe”. Con gái còn học được cách chơi trò úp mở nữa.
Tôi cùng con học Taekwondo
Những phụ huynh nào hiểu quan niệm giáo dục của Đông Tử đều biết, tôi không tán thành việc phụ huynh kèm con đọc, học và làm bài tập, về việc này tôi đã đặc biệt viết một bài nói về những ảnh hưởng xấu của việc “kèm” đối với sự phát triển của trẻ. Nhưng trong phần này tôi lại nói về việc tôi cùng con học Taekwondo, như vậy có mâu thuẫn không?
Xin đừng vội đưa ra kết luận, mời mọi người đọc hết phần này rồi hãy đưa ý kiến.
Bắt đầu chuyện này từ đầu năm 2009, khi đó con gái đã học xong trung học cơ sở, bắt đầu ôn tập trong thời gian nửa năm để chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông. Vì tôi chưa bao giờ tán thành việc học khổ học sở kiểu đối phó, nên tôi cho rằng việc ôn tập trong nửa năm này chẳng có ý nghĩa gì, chỉ lãng phí thời gian, ôn tập như vậy chi bằng cho con vui vẻ học thêm một số kỹ năng, bồi dưỡng phẩm chất. Khi tôi nói với con suy nghĩ của mình, con vui vẻ đồng ý, tất nhiên hai cha con lại đập tay đầy nhiệt huyết.
Dưới đây là kế hoạch mà hai cha con cùng đặt ra:
Kế hoạch phát triển của Phạm Khương Quốc Nhất sáu tháng đầu năm 2009:
Kế hoạch đọc
Kế hoạch viết
1. Trong thời gian này hoàn thành bản thảo cuốn “Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất”, viết một trăm nghìn chữ.
2. Tất cả bản thảo do con tự đánh.
3. Chọn trong đó hai mươi tác phẩm gửi đến các báo, cố gắng được đăng mười bài.
4. Kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng tổng hợp
- Tham gia lớp học bồi dưỡng kỹ năng về máy vi tính như lắp và sửa phần cứng, chỉnh sửa ảnh.
- Tham gia lớp Taekwondo.
- Tham gia lớp bồi dưỡng kỹ năng dẫn chương trình (hoặc những môn nghệ thuật khác).
5. Trong thời gian này sẽ về quê bái tổ, đến Cát Lâm tặng sách và về Thẩm Dương thăm bạn.
Thời gian biểu (áp dụng từ thứ hai đến thứ sáu)
Mục tiêu tổng thể
Thông qua quãng thời gian học tập và rèn luyện này tôi muốn sức khỏe, tố chất tâm lý, năng lực biểu đạt, năng lực giao tiếp, năng lực thích ứng, khả năng đọc hiểu, khả năng viết, kỹ năng sử dụng máy vi tính… Những tố chất tổng thể của con đều được nâng cao rõ rệt.
Đây chính là cuộc sống của học sinh lớp chín Phạm Khương Quốc Nhất.
Khi những bạn học sinh khác phải khổ sở ở những lớp tự học buổi sáng, Y Y vẫn đang chìm trong giấc mộng đẹp; khi những bạn khác đang trên lớp khổ sở vò đầu bứt tai nghĩ về đề thi vào trung học phổ thông thì con gái lại đang dạo chơi trên những cánh đồng, con phố hoặc đang luyện Taekwondo, học máy vi tính; khi những bạn khác đang ở trên lớp tự học buổi tối lo lắng sốt sắng về một đề chưa giải được thì Y Y lại đang lướt web, xem tivi, đọc báo, thu lượm kiến thức quý báu trong những trò vui chơi tiêu khiển…
Từ kế hoạch phát triển này có thể thấy, để giúp con có nhiều giờ ngoại khóa, giúp con có một cơ thể khỏe mạnh, tôi cho Y Y đăng ký lớp Taekwondo. Võ đường Taekwondo cách nhà tôi không xa nhưng lại không có xe đến thẳng đó, để một đứa bé gái chưa đầy mười hai tuổi đi một mình về nhà lúc hơn tám giờ tối, là cha tôi không thể yên tâm cho được, vì thế ngày nào tôi cũng lái xe đưa con đi sau đó ở trong phòng hoặc là ở bên ngoài chờ con, đến lúc con tan học lại đón con về.
Sau mấy ngày như vậy, con gái nói với tôi: “Cha ơi, hay là cha cùng học với con đi ạ, như vậy cha không phải khổ sở một mình chờ con, lại có thể rèn luyện sức khỏe”. Tôi thấy con nói cũng có lý, vì thế mà tôi cũng đăng ký tham gia lớp học Taekwondo.
Tôi được xếp học cùng lớp với Y Y, mỗi lần luyện tập có khoảng mười mấy người, ngoài tôi ra thì còn một người trung niên, có ba, bốn thanh niên, còn lại đều là những bạn nhỏ học trung học cơ sở, học tiểu học như Y Y. Thời gian học của mỗi học viên không giống nhau, có người đã học vài năm, có người chỉ mấy tháng, cũng có người mới học được mấy ngày. Y Y lên lớp trước tôi mấy ngày, vì thế con là tiền bối của tôi, hơn nữa động tác của con chuẩn, chính xác, hay được huấn luyện viên khen, và còn được thầy ủy thác hướng dẫn cho tôi nữa.
Đến giờ học, huấn luyện viên cho chúng tôi xếp thành hàng, chạy vòng quanh võ đường, đây là màn khởi động trước giờ học, tôi là người chạy cuối cùng. Bởi vì trong lớp tôi là người lớn, vì thế mà huấn luyện viên “ưu ái” tôi hơn, tôi có thể chạy ít hơn những học viên khác hai vòng, yêu cầu luyện tập cũng không nghiêm khắc như những học viên khác. Tất nhiên tôi cũng có yêu cầu khá nghiêm khắc với bản thân mình, cố gắng phải đồng đều với mọi người, nhưng hơn hai mươi năm rồi không luyện tập, sức khỏe không thể nào so bì với các bạn trẻ bây giờ.
Cho dù là vậy, sau một ngày luyện tập thì tôi cũng bị đau lưng, đau chân, co cơ, cường độ luyện tập của Y Y còn nhiều hơn tôi, con còn đau tới mức nào, vì thế mà tôi rất hiểu sự vất vả của con, nhưng khuôn mặt con lúc nào cũng vui vẻ, không hề có vẻ đau đớn.
Thời gian sau đó, dưới sự hướng dẫn tận tình của huấn luyện viên, một tháng sau, tôi và con gái đã học được cản phá cao, cản phá trong, cản phá thấp của quyền tay, học được đá ngang, đá thẳng, đá sau, động tác nào của Y Y cũng rất chuẩn xác, hơn nữa khẩu lệnh cũng hô rất to rõ, mặc dù tôi không thể so với con nhưng cảm giác cũng thu hoạch được khá nhiều.
Sau một tháng luyện tập, trải qua kỳ thi nghiêm ngặt, Y Y đã được lên đai, từ đai trắng lên đai vàng, gặt hái được thành tích, Y Y lại tiếp tục học thêm hai tháng nữa, trong hai tháng này thì có một bạn gái học phổ thông trung học trong khu nhà chúng tôi cùng học, Y Y có bạn cùng đi cùng về, vì thế tôi cũng không cần phải đưa đón con nữa.
Ba tháng sau, Y Y đã học xong, ý chí của con càng mạnh mẽ hơn, tay có lực hơn, chân chắc hơn, khi giơ tay giơ chân cũng thêm vài phần khí phách. Tôi mặc dù không có tiến triển gì thêm nhưng qua tập luyện, tôi thấy rất có lợi cho sức khỏe, hơn nữa lại được nhìn thấy sự trưởng thành của con, cùng con chia sẻ niềm vui khi học Taekwondo.
Y Y trở thành chuyên gia tin học nhí
Sau khi con gái lên trung học cơ sở, những kiến thức môn tin học ngày một nhiều thêm. Một hôm Y Y ở trường học làm các slide trong PowerPoint (PPT), sau tiết học, con có thể làm slide đơn giản, lại còn biết trình chiếu nữa. Lúc mới bắt đầu biết làm, cảm giác rất mới mẻ, rất tự hào, nhưng sau khi làm mấy lần, con nghĩ cứ trình chiếu từng slide như vậy thì không thú vị chút nào, vì thế mà con muốn thêm một chút gì đó, tăng thêm độ khó. Con quyết định tìm một bạn học biết làm ảnh động để học hỏi, dưới sự giúp đỡ của bạn, rất nhanh sau đó con biết làm những ảnh động đơn giản, còn biết làm “siêu liên kết”.
Bạn con còn giới thiệu cho con một trang web, ở đó có những ảnh động nho nhỏ, có thể dùng để làm PPT. Từ nhỏ con đã có thói quen học được gì là phải ứng dụng ngay, thực nghiệm ngay, một là để kiểm nghiệm thành quả đã học, hai là thể hiện sức hấp dẫn của tri thức.
Hôm đó sau khi về nhà, Y Y khoe với tôi rằng hôm nay con đã biết cách làm PPT rồi. Tôi nhìn con bằng ánh mắt nghi ngờ: “Thật sao?”. “Cha không tin ạ? Con có thể trình diễn cho cha xem!”, nói rồi con xắn tay áo và “xung trận”.
“Trước tiên con sẽ làm cái đơn giản cho cha xem”. Con vừa nói vừa nhấn chuột, chỉ một lát, một PPT đơn giản đã được hoàn thành. Tôi kinh ngạc: “Thật là đẹp quá! Không đơn giản chút nào!”. Con khua khua tay: “Không, cái này đơn giản cha ạ, con còn có thế làm cái đẹp hơn”. “Nếu con có thể làm đẹp hơn, hai hôm nữa trong buổi thuyết trình cho các bậc phụ huynh, cha sẽ dùng cái con làm”, tôi nói với con.
Thời gian tự học ở nhà trong̉ học kỳ II năm lớp chín, để cuộc sống của con thêm phong phú khi không phải đến trường, theo ý thích của Y Y, ngoài việc đi học Taekwondo, tôi còn đăng ký cho con một lớp học tin học. Vì thế, con trở thành chuyên gia tin học nhí trong gia đình tôi.
Con đã miêu tả việc học tin học của mình như thế này:
Trước khi đi học lớp tin học mình đã được tiếp xúc với máy vi tính nhiều năm, thường xuyên dùng máy vi tính để tra từ, chơi trò chơi, còn làm cả PPT cho cha mình nữa. Nhưng từ trước tới giờ mình chưa bao giờ nhìn thấy trong máy vi tính có những gì, điều này khiến mình rất hiếu kỳ. Mình tham giá lớp tin học lắp ráp, sửa chữa phần cứng và photoshop, chủ yếu dạy kỹ năng lắp ráp máy, sữa chữa và chỉnh sửa ảnh, nhưng muốn học cách lắp ráp máy thì phải biết một số tham số về phần cứng, như vậy mới có thể chọn được phần cứng tốt phù hợp với máy tính của mình trong rất nhiều các loại phần cứng.
Ngoài nội dung lắp ráp máy mình con học rất nhiều, trong đó có học về các nhà sản xuất phần cứng, giá cả, nhãn hiệu, hiểu nội dung BIOS (BIOS ở đây là viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Basic Input/Output System) có nghĩa là Hệ thống xuất nhập cơ bản), học những kiến thức về sử dụng hệ thống DOS.
Một hôm sau khi học xong, mình xin cha sử dụng máy tính, sau khi cha đồng ý, mình muốn thử chương trình Max-DOS vừa học được xem thế nào. Máy tính ở nhà trước đây không có chương trình này bởi vì chương trình đó đã không được sử dụng lâu rồi, nhưng nó có công dụng rất lớn, nhiều lúc khi Windown XP có sự cố thì có thể dùng nó để phục hồi.
Không chỉ có vậy, vừa mới học xong môn tin học thì máy vi tính của nhà mình đã bãi công, hình như là muốn kiểm tra xem mình đã học hành như thế nào. Cha nói Blog của cha không mở được. Không phải máy vi tính hỏng vì các trang web khác vẫn mở được, nhưng nếu trang này hỏng thì tại sao các máy khác vẫn có thể vào được, mình không biết làm thế nào. Mình hỏi rất nhiều thầy cô dạy tin học, các thầy cô khuyên mình nên đổi trình duyệt web xem thế nào, nếu vẫn không được thì phải cài lại hệ thống, nếu vẫn không được thì phải gọi nhân viên sửa máy vi tính đến để “chẩn đoán” bệnh của nó rồi.
Về đến nhà mình thử giải pháp đầu tiên: Đổi trình duyệt. Mình đổi sang trình duyệt tên là Qihu 360, nhưng mà Blog của cha vẫn không mở được. Chẳng còn cách nào, mình đành cài lại hệ thống, mình trước đây cũng có cài lại rồi, nhưng đó là giờ thực hành ở trường, cho dù là làm hỏng thì vẫn có thầy ở đó sửa, nhưng giờ mình đang cài lại máy ở nhà mình, ngộ nhỡ hỏng thì làm thế nào… Mình vẫn có chút sợ, không dám làm. Đúng lúc đó thì cha hỏi mình, nếu cài lại máy thì có mất những bản thảo và dữ liệu trong máy không. Bởi vì hệ thống thì ở ổ C, còn toàn bộ bản thảo, dữ liệu thì lại ở ổ D, như vậy sẽ không bị mất. Cha nói, chỉ cần bản thảo và những tư liệu liên quan không mất thì làm thành thế nào cũng được, không sao. Lời của cha nói khiến mình tự tin hơn, vì thế mình lấy đĩa cài win và chuẩn bị làm việc. Mình tắt máy, cho đĩa vào ổ, sau đó khởi động máy, tất cả đều diễn ra đúng thứ tự bài bản. Sau nửa tiếng chờ đợi, mình đã cài xong hệ thống, khởi động lại máy, máy tính hiện ra logo XP, điều này có nghĩa là mình đã thành công rồi! Nhưng lại còn vấn đề nữa: vì không có kinh nghiệm nên rất nhiều phần mềm đều cần phải cài lại, việc này mất rất nhiều thời gian.
Từ đó về sau, máy tính xách tay, máy để bàn ở trong nhà đều do Y Y sửa chữa, máy tính của họ hàng bạn bè có vấn đề gì mọi người đều đến hỏi Y Y. Sau hơn hai tháng học tập có hệ thống và vài năm thực tiễn, bây giờ Y Y đã trở thành một chuyên gia tin học nhí thực thụ.
Xuất bản cuốn Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất
Mùa thu năm 2009, vừa bước vào cổng trường trung học phổ thông, con đã có một thành quả mới, xuất bản cuốn sách thứ hai mang tên Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, đây là cuốn sách tả thực về cuộc sống trung học cơ sở của Y Y, lại là một cuốn sách nữa viết về sự trưởng thành vui vẻ sau cuốn sách được yêu thích Chơi qua tiểu học.
Tôi đã viết lời dẫn cho cuốn sách của con như thế này (có lược bỏ):
Cầm cuốn sách của con gái Phạm Khương Quốc Nhất (Y Y) trên tay, tôi vô cùng hạnh phúc, bởi vì tôi vừa được nhìn thấy những bước trưởng thành vui vẻ của con, vừa nhìn thấy thành quả giáo dục của bản thân mình.
Đây là một tác phẩm nữa với chủ đề là sự trưởng thành vui vẻ sau cuốn Chơi qua tiểu học đã xuất bản ba năm trước.
Khi Chơi qua tiểu học được xuất bản, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của báo chí và các tầng lớp xã hội, rất nhiều người cho rằng: Phạm Khương Quốc Nhất là một thiên tài, là thần đồng. Thực ra không phải vậy, con cũng giống như hàng trăm hàng vạn những đứa trẻ bình thường khác, chỉ là con được hưởng giáo dục gia đình khác biệt.
Thời điểm đó có rất nhiều phóng viên và phụ huynh hỏi tôi: Con gái nhỏ như vậy liệu học trung học cơ sở có theo kịp không? Anh không lo lắng hay sao? Ở tiểu học có thể chơi, nhưng đến bậc trung học cơ sở không dễ dàng như vậy, lên trung học cơ sở vẫn có thể chơi hay sao?
Câu hỏi đầu tiên tôi đã từng trả lời nửa đùa nửa thật: Điều tôi lo lắng là những đứa trẻ khác liệu có thể đuổi kịp con không (chỉ Phạm Khương Quốc Nhất), bởi vì tôi rất có niềm tin, kiến thức của con vững, thêm vào đó con lại rất hứng thú với việc học, nếu nắm được những phương pháp học hiệu quả, khoa học, con sẽ học rất tốt.
Câu hỏi thứ hai, khi học xong tiểu học tôi đã nói với con, khi lên trung học cơ sở sẽ không được chơi như hồi học tiểu học nữa, môn học nhiều, những nội dung cần học cũng nhiều lên, thời gian cần thiết cho việc học tất nhiên phải nhiều thêm, vì thế thời gian chơi sẽ ít dần đi, nhưng cha đảm bảo với con: Con vẫn là học sinh trung học cơ sở có thời gian chơi nhiều nhất Trung Quốc.
Ba năm trôi qua, tất cả đã trở thành sự thật.
Ban đầu khi tôi đưa ra “giáo dục vui vẻ” và tiến hành “giáo dục vui vẻ” với con gái, hầu như tất cả mọi người đều phản đối việc làm của tôi, thậm chí còn cho rằng tôi bị điên. “Học khổ học sở mà thi vẫn không tốt, thì chơi làm sao có được thành tích tốt?”. Mọi người đều có chung một nghi vấn. Cho dù là như vậy tôi vẫn đi theo con đường mà tôi đã chọn, không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu, tôi đã dần hình thành quan niệm “giáo dục tam tam” và tư tưởng giáo dục “2.5-0.53”.
Tôi đã thực thi quan niệm “giáo dục tam tam” giúp con học xong tiểu học chỉ trong ba năm rưỡi, giờ đây tôi làm theo tư tưởng giáo dục “2.5-0.53” giúp con vui vẻ học tập trong hai năm rưỡi và tốt nghiệp trung học cơ sở.
Thực tiễn hơn mười năm đã chứng minh, quan niệm giáo dục của tôi không chỉ là sự hoang tưởng tươi đẹp. Con gái không chỉ thực sự chơi qua tiểu học, trung học cơ sở mà còn trang bị được cho bản thân những tố chất tổng hợp có lợi cho sự trưởng thành như ý thức tự lập cao, tố chất tâm lý tốt, ý thức sáng tạo, tư duy độc lập… Có thể nói được chơi đùa vui vẻ, con gái ngày một lanh lợi hơn, tự tin hơn, con chơi nhưng vẫn đạt được ba tốt - điểm tốt, năng lực tốt, phẩm chất tốt.
Một số người khi nghe nói tôi cổ vũ việc giáo dục vui vẻ thì cho rằng quan điểm giáo dục của tôi chỉ chú trọng việc chơi đùa vui vẻ của trẻ mà coi nhẹ việc học tập, không chú trọng đến điểm số, thực ra cách suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Quan điểm giáo dục vui vẻ của tôi là một bộ phận cấu thành của giáo dục tố chất, cho dù là giáo dục vui vẻ hay giáo dục tố chất thì đều không phải là không quan tâm đến việc học, không cần điểm số mà đây là học tập khoa học, không đề cao điểm số.
Yêu cầu của tôi với việc học của Y Y như sau: Thứ nhất phải nắm được kiến thức cơ bản, thứ hai là phải ứng dụng nó vào cuộc sống, còn về điểm số và thứ bậc thì tôi không có yêu cầu gì đặc biệt, chỉ nói với con là con đừng kéo lùi thành tích của lớp, chỉ cần ở nửa đầu của lớp là được. Mặc dù tôi cũng giống những bậc phụ huynh khác, đều mong muốn con mình được điểm cao, đứng đầu lớp nhưng từ trước tới nay tôi chưa bao giờ yêu cầu con phải thi được bao nhiêu điểm, đứng thứ mấy trong lớp. Kết quả là con luôn đứng trong top đầu của lớp.
Đây là điểm tốt mà tôi đã nói, không phải là cao nhất mà là tương đối cao. Bởi vì điểm số kém mấy điểm, mười mấy điểm thậm chí là mấy chục điểm thì ảnh hưởng không lớn đến việc trẻ có thành tài hay không, mà quan trọng là trẻ phải “nắm được, hiểu được và biết ứng dụng”.
“Năng lực là điều kiện để sinh tồn” là câu mà tôi thường nói, cá nhân tôi đã trưởng thành như vậy. Vì thế mà mục tiêu cuối cùng của giáo dục không phải là học sinh học được bao nhiêu kiến thức văn hóa, thi được bao nhiêu điểm mà là liệu học sinh có thể trở thành những con người hoàn chỉnh, được phát triển toàn diện và có năng lực sinh tồn nhất định hay không.
Do vậy tư tưởng “năng lực tốt” đã được truyền vào máu của Phạm Khương Quốc Nhất, để làm được điều này tôi đã phải tạo cho con những cơ hội rèn luyện, phát triển năng lực tổng hợp của con: giặt quần áo, mua rau, nấu cơm, sửa giày dép, ngay cả việc may vá cũng phải biết làm; tôi giảng bài cần PPT cũng để con làm, máy tính có vấn đề cũng để con sửa; tết Thanh Minh về quê bái tổ, về thăm bà nội con gái đều làm thay cha.
Bây giờ khi chưa đầy mười ba tuổi con đã trở thành một trợ thủ nhỏ đắc lực của tôi. Việc học của con, những năng lực như biểu đạt ngôn ngữ, viết, tự do, sáng tạo, thích ứng, giao tiếp và tố chất tâm lý đều vượt xa các bạn đồng trang lứa, thậm chí có những việc mà người lớn không thể làm con đều có thể làm. Các năng lực ngày một nâng cao hơn, con ngày một tự tin hơn, ngày một rạng rỡ hơn.
Lại nói về “phẩm chất tốt”.
Khoảng thời gian trước khi nhận lời mời phỏng vấn của phóng viên giàu kinh nghiệm Quách Minh của báo Giáo dục Trung Quốc, tôi từng tâm sự: Một người không có tình yêu thương là một người tàn phế về nhân cách, loại người này cho dù có học thức cao đến mấy, có bản lĩnh đến mấy thì cũng không có được thành công lớn, không thu phục được người khác. Ngược lại đức tính khiêm nhường, nhường nhịn có thể mở rộng tấm lòng nhân sinh. Bất luận là giàu có bao nhiêu thì cần kiệm vẫn là một phẩm chất tốt của con người. Trị gia cần kiệm có thể trở nên giàu có, trị quốc cần kiệm có thể trở nên hùng mạnh. Một con người kiên cường mới có thể bước những bước vững chắc trên con đường đời rộng lớn, và bước được xa hơn. Một con người có nhân cách hoàn chỉnh, lại giỏi giang, khiêm nhường, cần kiệm, kiên cường nhất định sẽ đi trên con đường đời tươi đẹp và đầy sắc màu.
Vì thế tôi đặc biệt chú trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho con gái. Chúng ta bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo thường xuyên nhắc tới câu: phải có cả đức và tài. Có nghĩa là nếu chỉ có tài năng thôi thì chưa đủ, phải cần có thêm phẩm chất đạo đức tốt. Thực tế, không chỉ các cán bộ lãnh đạo mà bất kỳ một cá nhân nào cũng cần phải có phẩm chất đạo đức tốt, nếu không cá nhân đó không phải là một con người kiện toàn. Tại sao Y Y lại hiếu thuận với bề trên, biết cảm ơn, biết nhiệt tình giúp đỡ người khác, tất cả là thành quả bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của tôi.
Khi trẻ mới sinh ra chúng giống như một tờ giấy trắng, phụ huynh giống như là họa sĩ, nhà điêu khắc, chúng ta vẽ màu gì thì chúng là màu đó; chúng ta khắc hình thù gì thì chúng sẽ thành hình thù đó. Có được điểm tốt không, năng lực có tốt không, phẩm chất có tốt không đều là do đôi bàn tay của phụ huynh quyết định (tư tưởng giáo dục).
Nếu các bạn đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này, các bạn sẽ phát hiện ra rằng con gái Phạm Khương Quốc Nhất của tôi không có bất kỳ một câu chuyện thành công rực rỡ chói lóa nào, tôi cũng không có quan điểm giáo dục “bồi dưỡng thần đồng” hay “mục tiêu thành công là trường đại học danh tiếng Harvard”. Quan điểm giáo dục của tôi là bình dân hóa, đại chúng hóa, quan niệm giáo dục mà tôi đưa ra phù hợp với mọi đứa trẻ, đó là: học tập vui vẻ, phát triển khỏe mạnh và thuận lợi thành công!
Cuối cùng hy vọng khi các bạn nhỏ chia sẻ những câu chuyện vui của Phạm Khương Quốc Nhất, các bạn cũng vui vẻ trưởng thành như con, viết những khúc vui trên quãng đường trưởng thành của bản thân!